Đồ bất trung là cái gì?

Hà Nhật

Tôi vốn có một thời không thích Nguyễn Công Trứ, cũng không thích thơ Nguyễn Công Trứ. Bởi tôi thấy thơ ông hình như nịnh chế độ, nịnh chính quyền quá. Làm thơ để nịnh chính quyền, đúng là không ra gì, không thể gọi là nhà thơ.

Rồi đến lúc tôi được phân công dạy cho học trò về Nguyễn Công Trứ, tôi phải nghiên cứu kỹ về Nguyễn Công Trứ. Hoá ra tôi đã nhầm, đã hiểu sai, rất sai về ông.

Nguyễn Công Trứ là một người luôn luôn khát khao làm lợi cho đời, cho dân, cho nước.

Thi đỗ khi đã trong ngoài bốn mươi tuổi, ông phải chịu nhiều năm trong cảnh nghèo.

Vậy mà tính ông lại lãng mạn, đa tình. Để được gần gũi một cô đào hát nhan sắc, ông Trứ tự nguyện ôm đàn đi theo, làm kép đàn cho cô. Để rồi một lần, đang đi trên một quãng đường vắng, ông bày tỏ tình cảm và nhận được ngay một câu trả lời:

– Ứ hự!

Cụt hứng!

Vậy mà đến lúc thành đạt, trong tiệc mừng, có một cô đào già đến hát:

Giang sơn một gánh giữa đồng

Thuyền quyên ứ hự anh hùng nhớ không?

Ông đã rất xúc động, mời cô đào nương già ấy vào nhà. Tình nghĩa thật!

Làm quan to mà rất nghèo, đến nỗi, khi ông được cử ra Bắc, chính vua Tự Đức đã gọi ông, cấp cho ông một ít tiền, cùng với câu nói:

– Ta biết ngươi nghèo, ta ban cho ngươi để chi dùng.

Kể ra vua thế là cũng hiểu được kẻ bề tôi của mình nhỉ? Trong chế độ ta bây giờ, có vị quan nào nghèo không nhỉ?

Làm quan, ông Trứ đúng là nhiều lúc lên voi xuống… Bởi có lần ông bị phạt đến mức “quân tiền hiệu lực”, nghĩa làm lính trơn hành quân ra trận.

Rồi ông được cử làm Dinh điền sứ, đại khái giống như một chuyên viên Tài nguyên Môi trường, ông đã cùng dân đắp đê lấn biển mà lập nên hai huyện Kim Sơn và Tiền Hải cho tỉnh Ninh Bình. Ngày nay, dân hai huyện ấy vẫn thờ ông như Thành hoàng khai khẩn.

Có công với dân, Nguyễn Công Trứ cũng vì thế mà luôn luôn bị nghi ngờ. Tất nhiên những kẻ nịnh thần luôn luôn tìm cách sàm tấu để làm hại ông.

Việc Triều dình cứ cho ông hết lên voi lại xuống… chỉ là một cách răn đe rằng: Ngươi đừng cậy tài mà tưởng bở, mọi thứ của ngươi không phải do ngươi tự định đoạt nhé.

Đây đúng là một truyền thống tốt đẹp xưa nay ở nước ta, nhằm mục đích “bảo vệ và nuôi dưỡng tài năng”!

Sau khi ông về hưu, hình ảnh quen thuộc là một ông lão ngày ngày ngồi xe bò ngao du sơn thủy…

Chuyện kể rằng: sau khi làm xong  công việc ở ngoài Bắc, ông trở về, vào triều, gặp vua. Vua Tự Đức, như để thử lòng ông, hỏi:

– Ngươi ra ngoài đó lâu thế, ngươi có biết có cái gì hay không?

– Muôn tâu, có nhiều cái hay lắm, nhất là những câu đố, chẳng hạn như câu này:

Đem thân cho thế gian nhờ

Lại còn mang tiếng là đồ bất trung

Đố là cái gì?

– Cái gì thế?

– Muôn tâu, đó là cái phản ạ!

Hoá ra, từ xa xưa, đã thế.

Comments are closed.