Gió tự thời khuất mặt

Tiểu thuyết

Lê Minh Hà

22.

Nửa đêm, khu tập thể đã đầy người trở lại sau hiệp định Paris lịm đi trong giấc ngủ. Tiếng hét bắt trộm đột ngột và chói lói, giật mọi người ra khỏi giường. Người lớn trẻ con nháo nhào chạy về phía căn phòng sáng rực cuối hành lang tầng một. Nhà cô Thủy cô Thi. Đấy cũng là một câu lạc bộ đã được nhà máy cho thợ tới ngăn ra bằng gỗ dán. Bức tường giả chỉ cao quá đầu người là con đường phiêu lưu đầy thú vị cho trẻ cả hai nhà những lúc người lớn đi vắng. Ngân nhớ những ngày tháng vừa qua bom đạn ấy bình an lắm. Nhà nhà đi đâu gửi chìa khóa cho nhau. Có ra chợ xuống sân cũng chỉ móc hờ cái chốt. Ngày nóng nực quá còn rải chiếu nằm sàn, cửa phòng mở thông thống, cánh đàn ông tụ bên cái bàn mọt làm chén nước chè mậu dịch, nói những chuyện vợ con vẫn kêu là giời ơi đất hỡi, còn đàn bà con trẻ nằm ngồi ngổn ngang nói chuyện với qua nhà nhau cho đến khi mỏi mắt mỏi mồm ngủ lịm đi. Ai dám vào ăn trộm. Mà có gì để trộm trong cái thời buổi gieo neo này.

Không ai dám tin vào mắt mình. Cô Thủy, áo hở nách cắt lại từ cái quần lụa nát xốc xa xốc xếch, cầm trong tay một cái quần đùi đàn ông vải phin Nam Định nhàu nhĩ trông chẳng ra màu gì. Lập cập đứng bên cái giường rẻ quạt của mấy mẹ con là chú Vinh bố thằng Quyết thằng Chiến, là ông hàng xóm sát vách nhà cô Thủy. Cái áo may ô trễ trên đôi vai so rụt, đôi chân vốn đã hơi cong trong tư thế này càng cong khoẻ, và trên hai cái cẳng chân, cao, cao hơn nữa, một túm thịt, đen đen xám xám trông chẳng ra hình thù gì, lủng lẳng. Cơ bụng người đàn ông giật giật.

– Bà con nhìn xem có khốn nạn không cơ chứ. Vợ nó còn nằm ôm con dại bên kia. Thế mà nó dám mò sang đây lúc đêm hôm. Này thằng đểu kia! Chồng tao đi chiến trường sống chết bao năm không phải là để cho cái thứ như mày ở nhà làm loạn nhé! Để tao gọi cả vợ con mày sang xem cái mặt mày luôn thể nhé!

Thằng Phi con đầu lòng của cô Thủy gườm gườm nhìn mẹ. Bà ngoại nó ngồi, im lặng, như không nghe không thấy, tay vịn thành giường run lật bật. Lũ trẻ con hàng xóm mới thức dậy đã tỉnh như sáo sậu, rú lên cười từng chập, chỉ chỉ trỏ trỏ. Hàng xóm chuyển từ trạng thái kích động này sang trạng thái kích động khác. Thật chẳng mấy khi được xem kịch miễn phí như thế này:

– Ôi anh Thản. Vâng vâng mời anh vào giải quyết ạ. Vụ này là phải có Bao Công đấy anh ạ. Chị Thi đâu vẫn chưa ra nhận người nhỉ? Ai lại để người ta bắt chồng cởi truồng thế kia. May mà hôm nay trời nực nội…

Tiếng đỏng đảnh. Tiếng ồ ề. Bố quay lại mấy mẹ con Ngân:

– Em bảo mấy đứa về đi ngủ tiếp đi. Anh ở lại vài ba phút với ông Vinh rồi cũng về ngay thôi. Thật cái cô Thủy làm chuyện này chẳng ra làm sao cả.

*

Khuya lắm bố mới về. Ngân vẫn chưa ngủ lại. Con bé nằm im lặng nhìn ra ngoài khung cửa. Đêm trong và mịn quá. Ngàn ngàn sao run rất nhẹ trên nền trời đen thẫm. Ngôi sao nào của riêng nó, đêm nay con bé không muốn tìm. Câu chuyện vừa xảy ra, dáng bà ngoại anh em thằng Phi im lìm hóa đá, mắt thằng Phi gườm gườm, vẻ nanh nọc của cô Thủy, cái bụng lép phập phà phập phù và túm thịt xấu xí lòng thòng giữa hai bẹn của chồng cô Thi làm con bé vừa tò mò vừa kinh kinh. Nó sẽ sống lại ấn tượng ấy giữa thời con gái, sẽ bực tức vì điều ấy ám ảnh một đời con gái của mình, làm hao hụt ở mình khả năng mù quáng trước những tiếng gọi giống loài. Chính vì thế mà Ngân đã tự dưng nổi cáu khi Phan tò mò muốn biết nguồn cơn bi hài kịch đang diễn ra dưới sân. Có thể giải thích được chăng, rằng người đàn ông vừa ở đâu lọt tọt chui vào giữa vòng người, quỳ sụp xuống vái như tế sao ông hàng xóm súng lục cầm tay đằng đằng sát khí, phải, chính người đàn ông còm cõi đó đã một thời là dũng sĩ của cả vợ mình lẫn bà hàng xóm, và của những bà những cô nào nữa chỉ có ma mới biết vào những đêm thời chiến tranh. Có thể vừa cười vừa kể cho Phan nghe cái bà mặt mũi sưng sỉa đứng sau lưng ông chồng cựu chiến binh, đúng vẻ quả phụ quyết tâm bảo vệ danh hiệu “ba đảm đang” kia đã sản xuất bằng chứng tiết hạnh của mình cho ông chồng vừa có tin trở lại bằng cách hy sinh người tình đêm đêm, là cái người đàn ông đang so vai rụt cổ lạy sống vợ chồng bà. Ông ta làm sao có thể ngờ cái đêm lẽ ra phải rất nồng nàn với người đàn bà hàng xóm, với xen vượt tường, chui màn, ghì siết nhau đến tưởng phải rú phải gào mà vẫn phải cố kìm những tiếng hổn hển bên tai bà mẹ, người vợ và thằng bé con người tình đang thức, đang rình, đang im lặng… cuối cùng lại thành ra thế. Tiếng thét có trộm bất ngờ từ người tình của ông ta, vòng tay độc địa ghì cứng trong khi ông ta chỉ còn độc cái may ô ba lỗ rách trên người giữa tiếng chân rầm rập chạy tới sẽ là căn nguyên bệnh liệt dương từ bấy đến giờ của ông, là căn nguyên nỗi đau không có ngày ngưng nghỉ của vợ ông. Ông chỉ không biết rằng người đàn bà, đạo diễn, diễn viên màn bi hài kịch cũng mắc bệnh lãnh cảm trước chồng từ đó. Dù thế nào thì bà ta cũng không thể đánh thức nổi mình để bù đắp cho người chồng bấy lâu đã mỏi mòn vì gian khổ, vì cách xa và thương nhớ. Dù thế nào bà ta cũng không quên những đêm nhàu nhĩ, bừng bừng, mê muội trong sự vụng trộm công khai. Và, dẫu thế, trong hai căn phòng tập thể sát nhau, chỉ có điều bức tường bằng gỗ dán năm xưa nay đã được xây con kiến tử tế, bốn người đàn ông đàn bà vẫn sống lặng lẽ suốt cả năm trời, cho tới ngày hôm ấy, ngày mà ấn tượng về nó với Ngân bao giờ cũng sắc nét hơn bởi cái mùi nhà xí thiếu nước không biết bay đâu.

*

– Anh đưa súng tôi cầm. Thế… Thế. Bà con mình ai việc nấy đi. Có chuyện gì còn phải nói thì mình ngồi lại với nhau. Hay là mời các anh các chị lên nhà máy. Hay là qua nhà tôi. Anh Vinh đứng dậy đi nào. Chuyện người lớn anh Phúc anh Vinh à. Chẳng nên để bầy trẻ chịu khổ nhục theo mình mãi. Để làm gì.

Tiếng ông Thản. Dứt khoát và mệt mỏi. Vòng người giãn dần. Rồi bất chợt sững lại. Từ cánh cửa sau lưng cô Thủy chú Phúc, bà mẹ cô Thủy bước ra, tay xách cái đãy mây lồng phồng quần áo, trên chặn cơi trầu. Bà cụ chậm chạp đến bên người con rể:

– Tôi xin anh, anh Phúc. Mẹ xin con, con ơi. Bỏ quá cho mẹ không giữ gìn được gia đình con cho tới lúc con về. Con sống về được đến đây, gìờ phải sống tiếp con ơi. Thằng Phi bỏ nhà đi từ bấy đến giờ, con đi tìm nó về cho mẹ. Nó vẫn vật vờ ở Cửa Nam với ở ngoài ga đấy. Mang nó về kiếm việc làm cho nó, cho hết cái cảnh bố mẹ con cái còn sống mà như chết, mà không dám nhìn mặt nhau… Mẹ xin anh, anh Phúc… Thủy! Mày còn định giở quẻ đến bao giờ. Mày có qùy xuống mà lạy chồng mày hay không? Hay để nó biền biệt bao năm chiến trường giờ lại vì mày mà lại phải biệt tích vì tù tội. Ối con ơi là con ơi. Đồ voi giày. Tao đâu có ngờ đẻ ra mày cắn răng nuôi mày mà rồi có ngày phải chờ người băm vằm mày ra như thế này.

Bà cụ sụm xuống. Người con rể ôm lấy vai bà mẹ vợ, ứa nước mắt. Cái đãy mây rơi khỏi tay bà cụ, cơi trầu tung toé. Chú Vinh, cô Thi, cô Thủy đứng như trời trồng. Cô Thi ngẩng mặt nhìn trời, chan hòa nước mắt. Giữa cô và bầu trời xanh rất xanh kia vẫn là bầu không khí ô nhiễm khai thối ù đầu. Bên Ngân là Phan: “Cái gì thế Ngân. Cái gì mà có vẻ đầy kịch tính thế? Giờ thì… nhìn kìa, nhìn bà cụ với ông kia kìa, giống không, bức ảnh chụp ở bên bờ Thạch Hãn hồi bảy hai ấy, tù binh và hòa bình. Giống không?”.

Người con gái vùng vằng. Mắt thiếu kính nhìn gì cũng thấy như gần lại làm cô bước hụt khi từ ban công quay vào phòng. Cậu con trai theo vào, cười cười.

– Không muốn kể thì thôi chứ. May mà không ngã. Phan có biết cũng không dỗ đâu.

– Làm như chúa lắm đấy. Nghe thì biết chứ còn hỏi cái gì.

– Ừ, nghe thì biết.

Phan trở lại nghiêm chỉnh bất ngờ. Cái nhìn của Phan, Ngân muốn đọc ra ở đó một nét buồn buồn, và màu hoa thạch thảo tím như là sắp phai bạc cả, và cả cái mùi khai thối kinh người cứ lẩn quất khắp nơi mãi mãi còn lẩn quất trong ý nghĩ. Thế nên dù có vẻ dửng dưng, người đàn bà chợt nhận ra mình muốn biết về số phận gia đình hàng xóm cũ.

– Nhà ông bà bán đất cho Phan ấy, sau khi Phan sang Nga học ít ngày thì cũng đi. Ngân cũng không biết đi đâu. Giờ có đất mà bán thì chắc cũng khá lên rồi.

– Quá khá ấy chứ. Nếu vụ kinh doanh nhà thổ này thành. Nhưng nhìn qua cũng biết là trước đến nay sống chật vật. Ông chủ nhà ngày xưa trông oai thế mà nay lọm cọm rồi. Bà vợ thì… chả ai ngờ một bà lão lẩn thẩn thế mà có thời cũng tung hoành đến khiếp – Người đàn ông mỉm cười – Phan hiểu đúng không Ngân?

– Đúng! Thì sao?

– Chẳng có gì. Nhưng mà đôi khi Phan cứ ngạc nhiên vì hiện tại của một người nào đó, ngay của Phan chẳng hạn. Rồi Phan lại nghĩ thế cũng là phải. Trời cho mỗi người một cuộc đời để dành dụm tiêu pha. Tiêu trước thì khỏi tiêu sau. Cứ ai sống gấp quá, sống hết những cảm giác lẽ ra phải để dành cho cả đời mình thì y như rằng bão nổi lên rồi là chết đuối, là lẩm cẩm, là đủ thứ. Nếu mình xét bằng con mắt bị xã hội hóa của mình.

Chồng Ngân hỏi, giọng bất chợt trầm khác thường:

– Của mình? Anh Phan tự nghĩ vậy ư?

– Tôi đã từng mong như thế anh ạ.

Vẻ chăm chú, âm trầm buồn bã khác lạ trong giọng nói của chồng làm Ngân bất ngờ. Cũng bất ngờ là lời đáp thẳng thừng của Phan, dù lâu lắm rồi Ngân vẫn tự biết là hình như thế.

– Còn bây giờ?

– Ngân!

Phan bật ra, riết róng. Câu trả lời của Phan, như một tiếng gọi đầy trách móc. Phan gọi gì? Chồng Ngân nhìn hai người, giấu một vẻ băn khoăn kín đáo, cầm chiếc ly của mình bước tới bàn mấy ông bạn đang bàn cãi gì đó om sòm.

Ilmenau

Bây giờ đã đến lúc viết về những bờ lau bên hồ thời xa vắng

Sao quá bơ vơ trước ước hẹn đầu đời

Bây giờ đã đến lúc viết rằng khi ấy

máu trong người chậm lại lúc đôi nọ hôn nhau

chiều,

tuyết,

mưa.

Bờ lau mọc lúc vào xuân

Đứa bạn cùng đường nay đã chết

Vẫn biết còn sống còn cơ hội bất tử

Vẫn muốn dang tay vẫy lối bạn về

Thời xa vắng không giữ được em

Khao khát quá nhiều đời người quá hẹp

Trở lại

Hai mươi năm sau

Hồ

Những bờ lau

Dập dờ

Xanh

Lửa

23.

Tiếng gọi trách móc của người bạn cũ, vẻ im lặng của chồng đột nhiên cho người đàn bà hiểu ra mình cô độc biết chừng nào, ích kỉ biết chừng nào. Ích kỉ, trong sự cẩn trọng trước mọi số phận khác. Ích kỉ, trong thái độ tự tin và đầy trách nhiệm, như một công chức, một người vợ, một người mẹ. Từng ngày qua đi là từng ngày người đàn bà – trẻ con đánh đắm mình vào một thế giới riêng, tự xây đắp cho mình, tự hào một cách tuyệt vọng về nó. Tại sao, Ngân tự hỏi, tại sao mình không một lần nhìn thẳng vào mắt mọi người, nói với họ rằng mình nghĩ gì về họ, mình yêu họ biết bao và mình khao khát điều gì. Tại sao Ngân không bao giờ hỏi họ nghĩ gì về mình, chờ mong điều gì ở mình. Hỏi, như một cách thế yêu thương cảm thông với nhau và với chính mình. Tại sao không? Không! Với chồng. Không! Với bạn. Như ít nhất là Vĩnh, Việt, Phan. Tại sao Ngân có thể nói với mọi người về những ý nghĩ quái dị nhất nảy ra trong đầu mình, hay những cảm giác không dễ gì thông cảm, mà một điều giản dị như thế thì không. Không bao giờ.

Tự trong sâu xa, người đàn bà biết tất cả chỉ vì mình nhút nhát. Sự giản dị và khó hiểu của ngày tháng đã qua đè nặng lên tuổi nhỏ đau ốm, những bất thường câm lặng trong đời sống gia đình, những thiệt thòi, mất mát quá lớn và quá sớm, và cả những trang sách không đúng tuổi đã không cho con bé sống hết tuổi thiếu thời, trọn vẹn cùng tuổi con gái được quyền cả tin và dại dột. Người đàn bà buồn rầu nhận ra trái tim mình dường như mãi mãi mười sáu tuổi, cái tuổi lắm ao ước bao nhiêu và thiếu tự tin biết bao nhiêu, cái tuổi đã cay đắng nhận ra rằng rất có thể trong tay mình chỉ toàn là gió, rằng mọi mối quan hệ đều có thể trượt qua mình. Cũng bởi thế mà người đàn bà có cái lối vừa kín đáo vừa thẳng thừng khi nói về mình. Không ai hiểu đó là biểu lộ một ao ước tuyệt vọng của Ngân: được hiểu, được chấp nhận, được âu yếm.

*

Mười sáu tuổi con bé Hằng An bắt đầu làm đĩ. Đấy là lúc Ngân quay cuồng kiếm việc làm, nhận và chống quyết định phân công công tác. Đấy là lúc lòng Ngân ứ tràn hoang mang và thất vọng. Đấy là lúc Ngân chìm trong nỗi đau đớn không thể nói với ai rằng mình ngóng đợi ai, không thể nói với ai rằng mình yêu quý và căm ghét biết bao nhiêu cuộc đời này. Nói, một cách thật giản dị, về điều đó, rằng mảng tường tróc lở của một ngôi biệt thự trên phố vắng cứ giờ ấy lại rực lên một vạt nắng sao đẹp và bi thảm, rằng tiếng mưa lùng bùng trên tấm nilon quàng làm phép nghe rộn rã như một niềm vui bất ngờ và khó nói; Vòm cây cơm nguội lá trở màu đỏ sơ sinh trông non dại biết chừng nào; Dễ thương biết bao nhiêu bước chân sẻ nhỏ lẫm chẫm đi giữa tinh sương trên mặt phố, nhặt hoa sấu giấu bao nhiêu là nắng sáng bên trong. Nói, thẳng thừng, rằng cuốn sách mọi người dù đọc rồi hay chưa cũng tấm tắc thật ra là nhạt thếch; rằng những trò chạy chọt cầu cạnh xin xỏ này đang giết dần dần giết từ từ tuổi hai mươi. Nói, thẳng thừng, rằng những lời khuyên bảo nghe từ trong nhà ra ngoài phố sao mà thô thiển và trắng trợn, và những tấm gương lao động và chiến đấu ta hay tây báo đăng đài nói không chỉ không đáng tin mà còn quái gở và ngu ngốc. Mỗi ngày với Ngân bởi thế đều quen đều lạ, và cái chính là không hiểu sao chỉ làm Ngân buồn nản. Chiều nào cũng như chiều nào, hai chị em lo đánh ấm chén sạch sẽ, đun nước để nguội đổ đầy bình lớn bình nhỏ cho các ông bạn cứ tối đến là lục tục trình diện. Những người con trai đã đến với Ngân trong nỗi xúc động nào không bao giờ Ngân biết, chỉ biết rằng rất có thể họ bực bội khi đứng dậy ra về. Họ, trong một đêm giao thừa đã kinh ngạc nhìn nhau giữa nhà Ngân, khi đúng lúc tiếng pháo đầu tiên vang lên, cô chủ nhà đứng vụt dậy, lao ra ngoài ban công, đóng sập cửa lại sau lưng và khóc. Không ai biết Ngân đã lần đầu tiên yên tâm khóc to như thế nào giữa tiếng pháo chát chúa. Hơi mưa lạnh thơm nồng mùi thuốc pháo làm Ngân sặc sụa ho và nhờ vậy mà nín được. Rồi bước vào, tỉnh queo nhìn các ông bạn vàng đang ra vẻ vô tâm lắng nghe câu chuyện giữa Vĩnh và bố. Chỉ có Việt, Việt nhìn Ngân thương xót, cái nhìn thân thiết, bạn bè. Chỉ có Việt, sau buổi chiều nơi quán vắng vẫn đến tìm Ngân mỗi cuối tuần, không bao giờ tìm cách nhắc nhớ một điều gì, thủy chung và giản dị.

*

Chính thời gian đó con bé Hằng An bắt đầu thay đổi. Không còn nết na như hồi còn nhỏ, ru rú ở nhà, ngoài giờ học là loay hoay cơm nước đỡ cô Tam, chăm hai con gà nhốt trong cái chuồng bé như cái thùng gánh nước, rảnh ra giờ nào thì lại quấy hồ dán túi đựng mực hay đan găng tay bảo hộ – việc công đoàn nhà máy ưu tiên cho những gia đình khó khăn. Không bao giờ Ngân biết bằng cách nào mà con bé lại gia nhập vào mấy cái động sát vách nhà nó. Lúc đó cô Tam ốm. Khó khăn ư? Hay chỉ bởi vì con bé ao ước rất nhiều nhưng không bao giờ có kiểu tuyệt vọng như Ngân, bất cần ai hiểu, thông cảm và âu yếm? Một lúc nào đó, khi Ngân đã vào đại học và con bé Hằng An hình như dậy thì, ngực đầy lên, nước da rám nắng dường như tỏa sáng, Ngân bắt đầu thấy nó đổi khác. Không mừng rỡ vồn vã khi chị em gặp nhau ở bể nước hay trên đường ra chợ. Bắt đầu văng tục kinh hồn. Một chiều muộn, lúc đứng lơ ngơ bên cái chậu đầy ự quần áo trong khi chờ nước, Ngân thấy nó ngồi túm tụm với mấy con bé đáo để nhất ở ngõ. Nó nhìn Ngân, tỉnh như nhìn người lạ, tiếp tục câu chuyện dang dở. Bất chợt tiếng nó cao lên:

– Mẹ tao lại vừa bắt tao đi nhận về một đống len với túi. Suốt ngày bà già kêu đau lưng, suốt ngày ngồi ôm cái đống ấy khâu với dán. Ngấy lắm rồi. Nhưng cứ chờ đấy, rồi sẽ có ngày tao đặt bốn cái tủ lạnh ở bốn góc nhà, không thèm bán đá, chúng mày đến tha hồ uống cho đến lúc viêm phổi thì thôi.

Mấy con bé cười ré lên khiêu khích. Một bà, đúng là bà vẫn kéo trộm điện cho chạy tủ lạnh làm nước đá bán quanh cho hàng xóm chìa bàn tay xuống dưới dòng nước vàng màu rỉ sắt vừa ồng ộc tuôn ra, kéo vội cái chậu giặt ra khỏi vòi, làu bàu khe khẽ:

– Rồi lại mẹ nào con nấy.

– Phí cái công ông Thản chăm bẵm nó từ lúc chưa ráo máu đầu – Bà khác – Kìa chị, rũ ngay quần áo đi, nước vàng thế này là lại rửa ống ở đâu rồi, hỏng hết đồ trắng bây giờ – Chẳng biết mẹ nó dạy nó thế nào mà ít lâu nay có hôm mất điện ngồi hóng gió dưới sân em còn thấy nó nghiêng ngả với mấy thằng oắt con, vừa đi vừa bóp vừa sờ vừa cười rinh rích.

– Bé bé cái mồm cô ạ. Động vào mấy con bà cô ấy chả bõ nó lôi cả cao tằng tổ tỷ nhà mình ra nó tế. Mấy con nhãi ấy cô nhìn mà xem, thật chưa kịp lớn hết đã già choắt lại. Tôi ở đầu hồi gần nhà nó, nghe mấy con đàn bà động đực bên đê gào rú mà lo cho con mình cô ạ. Con mẹ Tam không cẩn thận thì con ranh con nhà ấy chỉ cần đạp vách là dạt vòm được ngay. Cũng khổ. Một mẹ một con nuôi nhau từ bấy đến giờ, giờ nó lớn chưa chắc nhờ được con, khéo lại còn mang nhục. Nhà là cứ phải có đàn ông. Có vô tích sự đi chăng nữa như ông nhà tôi thì vẫn cứ làm mình vững dạ khi bảo ban con cái cô nhỉ.

Ngân chưa thấy con bé Hằng An già choắt, chỉ thấy nó xinh. Đến là xinh. Vẻ trải đời sớm chưa in dấu trên đôi mắt to thỉnh thoảng hơi ngơ ngác của nó. Đôi môi có hai khoé nhếch lên như dỗi, như nũng nịu, lại như sắp cười. Cặp chân thì dài và có vẻ còn dài nữa ló ra hai ống quần luôn cộc. Vú chũm cau. Mông quả nhót. Nước da nâu hồng dậy lên, không còn mốc mốc như hồi nó còn bé. Ngân cũng chưa bao giờ thấy nó ngả nghiêng với thằng cu nào trong khu tập thể. Nên Ngân sững sờ khi nhận ra vẻ nanh nọc đầy khiêu khích trong đôi mắt nó vừa liếc về mình. Hay nó chỉ định lườm nguýt mấy người đàn bà hàng xóm đang tưng bừng bình phẩm.

Rồi sẽ chẳng bao lâu nữa con Hằng An thôi không tụ bạ ngoài sân khu tập thể cùng chúng bạn. Chế độ giá lương tiền làm mấy nhà cán bộ trong khu đột nhiên giàu bốc lên. Nhà máy chia đất chia nhà. Dân các phòng ban ở ngóc ngách nào trên phố nay về nhận đất xây nhà đùng đùng, vòm chóp kính nhôm, rồi từ những căn nhà mới ấy bắt đầu tuôn ra tiếng chó sủa, có khi cả đàn, ông ổng, nhóc nhách, mỗi khi cánh cửa sắt rít lên hay mỗi khi trong nhà có tiếng thử loa hát karaoke. Nhưng phần lớn dân cư cũ trong khu tập thể thì rơi vào tình trạng thiếu việc, và thế là cái ngõ vắng ngày một ngày hai biến ngay thành chợ, đông đúc từ lúc thành phố vừa tắt đèn đường. Đầu tiên là mấy hàng quà rong của mấy bà mấy cô công nhân về mất sức hay nghỉ thiếu việc. Cái ngõ nhỏ thơm nức mùi bánh cuốn, bún riêu, phở, bánh chưng rán. Mùi thơm béo bổ xộc qua đường, không át được mùi hương khói dưới gốc đa. Bên cạnh nhà hộ sinh, dưới gốc đa già giờ là trụ sở công an phường, nơi trước kia là xưởng chế biến mì sợi và sau đó là hàng phở của tổ phục vụ. Những anh cảnh sát phóng xe máy ào tới đó, dựng xe không cần khóa và sà xuống cái ghế băng không hiểu sao luôn thấy đặt trước cửa, hoặc dạt vào hàng nước ngay sát chỗ bà cụ bán hương, trầu cau và các thứ lá lẩu cạnh đó, trò chuyện vô cùng vui vẻ. Giữa họ và những người đặt niềm tin nơi gốc đa già có một khế ước ngầm: không phải kỳ thành phố ban hành các nghị quyết giữ gìn trật tự vệ sinh thì ai cúng ai khấn gì cứ việc. Từ bên đó, những người cảnh sát khu vực có thể thấy hết các đối tượng của mình ra vào ngõ nhỏ trong nhịp đời bình thường:Thằng bé hay ăn cắp vặt; Ông trung niên nguyên chuyên viên bộ vướng mấy vụ qũy tín dụng vừa ra tù sau bản án về tội chiếm dụng tài sản xã hội chủ nghĩa; Bà trí thức nỏ mồm thỉnh thoảng lại gây chiến với hàng xóm ít học xung quanh; Cô ca sĩ bỏ chồng mới về hỏa hồng một căn phòng trong khu tập thể, được xì xào phản ánh là khách đàn ông thường ở lại qua đêm. Hay con bé Hằng An.

*

Không được như thế hệ Ngân, thế hệ mang toàn những tên Quyết Chiến, Thắng Lợi, Hùng Cường, Trường Sơn, Hoài Nam, Thủy Chung… hừng hực tinh thần đại, đủ lớn để xin vào làm lớp kế cận trong nhà máy của bố mẹ lúc nhà máy còn được bao cấp, còn tiếp tục sản xuất không cần băn khoăn lắm về giá thành sản phẩm, lứa con Hằng An hết tuổi học phổ thông vào đúng lúc bố mẹ ngắc ngoải theo nhà máy nay thiếu việc làm mãn tính. Đứa lấy chồng đẻ con, người như cái dây rau muống ế của mậu dịch, già sọm ở tuổi chưa tới hai mươi. Đứa đi xuất khẩu lao động ở Nga, gửi một đống nồi nhôm phích nóng lạnh, bàn là hoa dâu kèm niken tùy khả năng liều lĩnh về cho nhà, rồi mấy năm sau trở về, quần bò váy ngắn, chiều chiều ngồi lê kể cho đám bạn ở khu tập thể về một xứ lạnh teo cả chim cả bướm, về những nhà máy mịt mù bụi bông sợi, không giấu niềm tự hào đã xuất ngoại, trong khi các ông bố bà mẹ than thở nỗi con đi lao động mấy năm trời, giờ xin việc ở đâu cũng khó bởi thợ may mà lại chỉ biết vào mỗi cái nách áo, thợ cơ khí lại hóa ra ngày ngày đẩy xe dọn dẹp trong xưởng máy. Những đứa còn lại như con Hằng An, bằng cách nào đó cũng xin được vào một trong những xí nghiệp đủ cỡ đầy ra ở thành phố, làm việc cầm chừng rồi cuối cùng nản lòng mà bỏ việc, ở nhà ăn bám vào nồi cháo thúng xôi của mẹ hay liều lĩnh chạy chợ, hi vọng vào cuộc đổi đời.

Con bé Hằng An không chịu ăn bám mẹ. Mà cũng chả thể nào như thế được, bởi cô Tam ở cảnh thất nghiệp, cũng muốn bươn chải, sáng sáng làm thúng xôi ra ngõ. Nhưng sức khoẻ suy sụp làm cô cứ năm ngày ba tật, chả thể nào thức khuya dậy sớm được để cầm chân khách ăn quen hàng. Đấy là lúc ông Thản từ Nam ra thăm lại nhà máy và bà con khu tập thể lần cuối cùng, không bao giờ gặp lại đứa con đỡ đầu năm nào xa xôi lắm.

*

Con Hằng An bắt đầu chạy chợ. Chạy về tận quê ngoại buôn rượu, rồi buôn vải vóc. Tuần hai lần nó đạp cái xe nữ xích long sòng sọc của mẹ về Bắc Ninh. Không biết nó chạy phòng thuế thế nào mà có vẻ làm ăn được như cô Tam thỉnh thoảng ra bể nước khoe. Rồi bỗng một thời gian mặt nó nhợt như người mất máu và không thấy nó chở mấy cái can nhựa đựng rượu, những bọc nọ túi kia căng phình phình trên chiếc xe đạp cà tàng nữa. Cứ sáng sáng là nó tã tượi trong bộ đồ mỏng dính và nhàu nhĩ, vắt vẻo đi từ cuối ngõ qua cái sân rộng còn chưa bị lấn chiếm xây cất ra mấy hàng ăn đầu ngõ, lê từ hàng này qua hàng khác không cần tính đếm. Có vẻ nó biết thừa mấy bà hàng vừa đon đả mời mọc phục dịch đã bỉ báng nó thế nào khi nó rời chân đi. Nhưng nó vẫn ngọt nhạt vui vẻ. Vui vẻ với cả anh công an tuần trước vừa vào nhà bảo mẹ nó nhắn nó ra đồn. Lại càng vui vẻ những lúc chỉ huy xích lô chở đồ đạc vào nhà qua cái ngõ chật ních người, giữa những cái nhìn tò mò, căng thẳng, và cả khinh bỉ của người ăn người bán quanh đó.

Thời gian ấy cô Tam bắt đầu ra đường là cúi mặt và ít bắt chuyện với dân cùng cảnh thất nghiệp như mình. Và người đàn bà – trẻ con cũng thôi không nói chuyện với cô hàng xóm mình từng bồng bế bao năm về trước. Ngân không thể nào hiểu nổi cuộc sống mới đó của con Hằng An, cũng như nó chắc vĩnh viễn không bao giờ hiểu những ao ước tuyệt vọng mà Ngân cưu mang lúc đó: Một chỗ làm đúng với nghề đã chọn và đã dùi mài. Một đồng lương để sống dù còm cõi thế nào giữa thành phố buồn thảm này. Một dịu dàng khác lạ. Khi đạp xe vào trường chờ nhận giấy phân công công tác. Khi lang thang một mình trong đêm sau giờ học ở trung tâm ngoại ngữ, học, không biết để làm gì. Khi chợt nhận ra phía trước trong ánh trăng suông phủ trên thành phố mất điện bóng bạn mình mà không muốn gọi, không thể gọi. Khi, giữa ngày tháng thảm hại đó, Ngân biết mình thực sự muốn gì và sống được chỉ vì cảm giác tuyệt diệu và cay đắng: Biết ơn tất cả: Ngày tháng cũ. Gia đình. Bè bạn. Vệt nắng vạch một sắc vàng nồng ấm trên những thân cây sao thẳng tắp đầu phố. Hay những ban mai nắng sớm nhảy nhót trên những vòm lá chưa tan hết sương đêm. Hay những buổi trưa lòng nôn nao không biết vì sao, không nón mũ đạp xe một mình phố vắng. Hương hoàng lan nồng nàn tiếng dương cầm đêm nào khuya lắm. Mùi hoa sữa sau mưa. Mùi lá đốt quyện trong sương buông kín chiều trên phố… Cả mùi nước cống và rác hoà lẫn mùi hàng hương, hàng lá, hàng hoa đầu ngõ chợ mỗi sáng mưa phùn. Cả căn bệnh khốn khổ đã cho Ngân hiểu nỗi buồn khi mất và khi có một người bạn, một người yêu.

Chiều cuối đông con bé Hằng An tìm đến vì thế với Ngân hoàn toàn bất ngờ. Lâu lắm rồi nó mới lại qua nhà Ngân. Hai chị em ngồi trên cái giường ngổn ngang chăn gối. Con Hằng An nghiêng cái túi. Những quả táo Thiện Phiến lăn lông lốc, xanh ửng trắng, căng tròn, bóng mỡ.

– Muối ớt đây chị. Mà có khi chị đừng chấm. Nhỡ sặc ho thì khổ.

Ngân cố mỉm cười. Mỗi một hơi thở đều làm lồng ngực đau thắt lại.

– Em có việc muốn nhờ chị – Con Hằng An cắn rau ráu hết quả táo này đến quả táo khác – Chị xem này. Em có một lá thư.

Một lá thư. Một lô tem be bé xinh xinh dán cả mặt sau mặt trước cái phong bì xanh nhạt. Bức ảnh một người đàn ông trẻ, tóc nhạt, đường nét xốp xộp như củ cải, đặc trưng cho vẻ hồn hậu Bắc Âu. Lời tỏ tình cùng đề nghị rành mạch về một cuộc sống chung. Đấy! Mơ ước không dám thốt thành lời của mấy cô bạn đã đeo đuổi cùng nhau mấy năm đại học. Chỉ có một đứa dám nói ra quyết tâm thực hiện mơ ước đó. Đứa thông minh nhất, ghê gớm nhất, xấu nhất mà lại lắm chàng mê nhất và đã bị đuổi khỏi trường vì tội được tuyên bố chính thức: lười. Ngân bất giác mỉm cười, một nụ cười méo mó vì mệt mỏi.

Con Hằng An lắng nghe Ngân hổn hển dịch, mặt mũi hoàn toàn vô cảm. Táo đã hết và nó thò ngón tay chấm muối ớt, mút ngon lành. Vẻ thỏa mãn của nó làm Ngân giật mình. Chợt nhớ bao nhiêu trang tiểu thuyết. Chợt nhớ lời bàn vụng đã nghe nơi bể nước của mấy cô mấy chị về những lúc long thể bất an: Mắt rừng rực, lông mày dựng ngược, bạc phếch, dáng cứng lúc đi đứng nằm ngồi, thèm chua thèm ngọt loạn xị, lại hay gắt gỏng…

Cô bé hàng xóm tỉnh queo, không cần biết đến vẻ hốt hoảng của Ngân:

– Em có bầu mà chị. Chỉ thèm ăn thế này thôi. Chị muốn biết ai không? Hàng xóm nhà mình đấy. Năm ngoái còn lọt tọt theo em. Vừa rồi biết có con nó rúm tứ túc lại đến thảm.

– Thế em định…?

– Em định lấy chồng. Thằng Tây này chị bảo trông có tin được không? Bình thường em cũng chẳng nhớ thằng nào ra thằng nào. Lúc mất điện. Lúc hết dầu. Có nhìn ra được thì không tóc đen mũi tẹt răng vẩu chân vòng kiềng lại mũi gồ mắt rỗng y như nước lã ấy mà. Nhưng mà thằng Tây này thì em nhớ. Đến tìm em suốt hồi nó còn ở Việt Nam mình, hiền lắm, buồn cười lắm. Thằng cu hàng xóm nhà mình cũng buồn cười. Dành dụm tiền từ khi nào chả biết, gõ cửa nhà em, lại còn lịch sự đi vòng qua đê, run như cầy sấy bảo yêu em. Bao nhiêu năm chả nói, lại nói đúng vào cái lúc em có còn là em nữa đâu. Kỳ khôi nhất đã mê gái còn hãi mẹ.

Có cái gì đầy thất vọng vang lên trong giọng thẳng thừng bất cần của con Hằng An. Vậy là Ngân biết rồi. Thằng cu ở nhà đầu hồi phía nhà cô Tam, bố ở phòng tổ chức mẹ ở phòng tài vụ, lại vừa xin được đất đầu ngõ đang chuẩn bị xây nhà. Bố mẹ nó thì ghê, coi mẹ con cô Tam như muỗi. Thằng bé lại hiền lành, da nhợt và tính còn hơi ái ái nữa. Tính thế mê con Hằng An là phải. Mà có khi con Hằng An tính nết thế cũng mê nó không chừng. Thảo nào thằng bé học được, trượt Bách Khoa với điểm số xuýt xoát mà bố mẹ nó không để nó ở nhà thi lại đại học, cuống cuồng tống lên máy bay cho sang Đức xuất khẩu lao động vừa tháng trước. Ngân e dè:

– Mẹ em nói gì không hả Hằng An?

– Mẹ em thì có thể nói gì chị. Chỉ khóc là khóc- Con Hằng An cười – Mắng em đâu có được chị.

Ừ phải. Cô Tam làm sao có thể mắng nhiếc đay nghiến gì con bé khi nó chỉ bước lại đúng dấu chân mẹ ngày xưa. Mà ít nhiều gì thì cũng có thể nói rằng nó làm vậy cũng vì cô. Người mẹ ấy dù đau khổ đến thế nào chăng nữa cũng sẽ chỉ có thể sống và yên lặng.

– Nhưng mà… nó đi mất rồi. Em tính sao đây.

Con Hằng An đứng dậy, lặng lẽ thu dọn đĩa muối và hạt táo, lo ngại nhìn Ngân:

– Chị khó thở lắm à. Đừng nói nữa. Giá mà tự đọc được em sẽ không cho chị biết làm gì. Sống như chị sẽ chẳng thể khuyên gì em được đâu. Thôi chị nằm xuống đọc sách đi. Mà chị có nằm được không? Em cuộn cái chăn lại cho chị ngồi tựa nhé. Bọn em ban ngày ngủ chán cũng đọc đấy chị ạ. Nhiều khách để lại những cuốn hay phết. Nhưng mà sách nơi ấy em không thể nào đưa cho chị được. Cũng chả thể mượn sách chị mang vào nơi ấy được. Chị Ngân nhớ không, ngày xưa…

Xoay tấm thân vẫn rất thon, con bé nhìn qua vai Ngân ra ngoài khung cửa sổ:

– Khổ thân chị. Thời tiết này… Mưa phùn liên miên thế này… Người ta bắt đầu bán đào rồi đấy chị. Cúc với chân chim thì đầy đường. Chị gắng khoẻ mà còn ăn tết. Chị bảo em cứ lên chỗ Hai Bà Trưng à? Chỗ giáp Triệu Quốc Đạt chứ gì? Đúng rồi! Dạo này em thấy gần nơi bán đồ thùng có mấy ông già đeo kính ngồi gõ máy chữ trên vỉa hè. Chị bảo họ cũng nhận dịch và viết những thư kiểu này à?

Trước lúc khép cánh cửa lại sau lưng, con Hằng An đứng cúi đầu, sau đó ngẩng lên, rất buồn:

– Lúc nãy chị hỏi em… Đứa bé… Chắc là em sẽ… Chị Ngân biết rồi mà. Ngày xưa mẹ em có bỏ em đâu chị.

Buổi chiều chạy đến cuối trời

bằng những dấu chân trần trên tuyết

Trăng non

Nhớ ơi những ngày gió bấc

Em đã đến và đi

Ta đã quên và xa

Từng không biết sẽ bay cao tới đâu

Giờ không biết sẽ rơi sâu tới đâu

Mười năm hơn đời nào không lối rẽ

Nhưng chiều nay trăng non soi những dấu chân trần trên tuyết

Tuyết đầy những dấu chân

Comments are closed.