Tiểu thuyết của Nam Dao
BỐN
GIÁN ĐIỆP
Sáng tinh mơ, lão Bạ tiếp một vị khách mà lão biết từ khi vị ấy còn để chỏm. Đó là Nguyễn Tán Thành, ủy viên Thường Vụ Huyện, con trai của bác Thuận. Tên vận vào người, các cụ ta dạy thế. Trường hợp Tán Thành thì các cụ chí lý. Gốc gác quan lại phong kiến, lại địa chủ, và sau có cống hiến ruộng vườn để hưởng sự khoan hồng đánh xuống trung nông thì vẫn chẳng thành giai cấp vô sản được. Không vô sản, làm sao len được vào thành phần lãnh đạo công-nông? Thế mà Thành làm được, nay là ủy viên trách nhiệm trong việc điều hành kinh tế-tài vụ cho cả huyện.
Tên là Tán Thành vận vào người, từ nhỏ chuyện gì Thành cũng không bao giờ phản đối. Học thì sức chỉ trung bình, nhưng Thành tán thành mọi việc trong đoàn thanh niên, từ chính sách này nọ, và quan trọng là Thành luôn luôn nhất trí với chủ trương của Đảng khi bầu bán lãnh đạo. Thế là Thành được đi học, hết cấp 3, vào đại học rồi sau còn được sang nước lạ bổ túc nghiệp vụ chuyên môn và được kết nạp Đảng. Tán thành mọi chính sách và được lòng lãnh đạo nên con đường lên quan của Thành phải nói là quá hanh thông. Bác Thuận không dám nói ra miệng nhưng nghĩ trong lòng là cái thằng Thành nó có ‘gốc nhà quan’, và cái gốc ấy có từ thời tổ tiên phò nhà Lê khi còn trong Thanh Hóa, trước cả thời cụ Phủ cụ Huyện sau này. Thành nay là chủ một cơ ngơi kha khá: nhà ba tầng lầu, một chiếc xe ô-tô Honda, một tiệm may mặc thời trang, và cổ phần trong nhiều công ty công thương nghiệp trên thành phố. Nhưng không phải Thành không có khuyết điểm. Cái tiếng sát gái có là vì Thành hay lăng nhăng với các chị chồng bỏ hoặc bỏ chồng, vợ đánh ghen ầm ĩ cả phố huyện. Thành quát vợ, không ghen tuông thì tao đã lên lãnh đạo trên tỉnh rồi!
Thành ôm vai lão Bạ, xởi lởi:
– Chào chú ạ, chú mạnh khỏe thường chứ?
– Cám ơn quan có lời thăm hỏi. Ơn Đảng tôi vẫn bình an, ngày hai bữa, ăn không ngon nhưng no. Vỗ vào bụng bịch bịch, lão tiếp, tuổi này chưa chết thế là còn may!
– Chú cứ nói thế… Đừng gọi cháu là quan nữa, cháu vẫn là thằng Thành xưa quấn chân chú mà…
Chỉ tay vào cái ghế và đợi Thành ngồi, lão Bạ trầm giọng:
– Ông Thuận bố anh bị công an xã gọi lên làm việc, đêm qua vẫn chưa về, anh biết chứ?
– Dạ biết! Bây giờ bố cháu đã lên công an Huyện làm việc cả ngày hôm nay… Thành chép miệng, bá cáo chú, chuyện thế mà không đơn giản tẹo nào!
– Chuyện gì?
Thành ghé vào tai lão Bạ thì thầm, vẻ bí mật kiểu cán bộ thổ lộ một cái gì cơ mật đượm chút huyền bí. Lão gật gù, thỉnh thoảng lại nhếch miệng cười ruồi. Thình lình, lão hỏi:
– Cái kiến nghị đưa lên Xã, rồi Huyện chỉ xin giấy phép khoan giếng lấy nước cho thôn 9, có chi mà quan trọng đến thế? Xin mấy tháng mà không có hồi đáp thì kiến nghị, thế thôi…
– Ấy, không đơn giản vậy… Lần này có chú Hòa, vận động bà con bên Mỹ đóng góp nên chuyện khoan giếng bị… à, quốc tế hóa rồi. Bây giờ, đâu chỉ còn là chuyện nội bộ ta với ta nữa! Và chú biết, trên bảo…
Thành lại thầm thì vào tai lão Bạ. Xin chua thêm, Hòa là tên tôi, nay sống ở Nữu Ước, kẻ đã đứng ra kêu gọi quyên góp chuyện xây lại Từ Đường họ Nguyễn chúng tôi hơn mười năm về trước.
Chợt lão Bạ vùng đứng lên, thốt:
– Cái đéo gì mà lại kêu có gián điệp? Nếu nó là gián điệp thì có chứng cớ là bắt, sao lại cho nó về đến đây mới gây chuyện? Mà chỉ đóng chút tiền còm giúp khoan giếng cho dân làng thì có gì mà gọi là diễn biến hòa bình, rồi âm mưu đánh phá chế độ?
Thành nhìn quanh, kéo lão Bạ xuống, lại thì thầm.
– Ờ thì có liên quan đến quần chúng thật, nhưng ảnh hưởng gì đến hai dự án lớn của Tỉnh?
Thành lại thì thầm. Lần này, hình như lão Bạ mất bình tĩnh, nói lớn:
– Tao bảo, chuyện công nghiệp Đất Hiếm với dự án Du Lịch tao chẳng thấy liên quan gì đến việc khoan cái giếng cạn làng ta. Cháu bảo, có chương trình sẽ biến đại lộ Lê Đức Thọ qua sông Châu Giang mà ngày ngày dân ném cứt thành xa lộ nối thành phố Nam Định với thị xã Giao Thủy xuyên qua huyện Vụ Bản ta thì ai chẳng vỗ tay ủng hộ. Nhưng trong khi chờ đợi, dân vẫn phải có nước để uống để ăn chứ! Rồi sợ Mỹ gài gián điệp vào xách động quần chúng xin khoan giếng ờ một cái thôn nhỏ tí để phá hai cái dự án to đùng kia do Trung Quốc nộp hồ sơ đấu thầu thì… cha tiên nhân đồ ngu, chẳng lẽ chúng mày nay hóa đần cả lũ sao? Nghe đéo lọt được tai!
Thành lại thì thầm, tay vỗ vỗ vào lưng lão Bạ. Không biết Thành nói gì nhưng lão nhăn mặt, giọng hơi sẵng:
– Được… Nhưng phải có công văn thường vụ Huyện xác định thời điểm và bảo đảm toàn bộ chi phí công trình khoan giếng cho thôn. Có vậy, sẽ không cần kiến nghị, và tất nhiên chằng có cái gì gọi là cái ‘thế lực bên ngoài’ tài trợ nữa! Còn việc đi thuyết phục ông ‘khúc ruột ngàn dặm’ thì xin… quan cứ tự mình làm, không phải là việc của già này!
Thành ra khỏi nhà lão Bạ, mặt trầm ngâm, đứng bần thần một lúc. Chép miệng, Thành quyết định đi về Từ Đường họ Nguyễn, chưa biết phải nói gì và nói thế nào với ông chú họ từ Mỹ về. Đến nơi, Thành vẫy tay gọi Nguyện.
Nguyện cao tiếng:
– Chú ơi, có anh Thành từ huyện xuống đây này!
Tôi hơi ngỡ ngàng. Lần cuối tôi gặp Thành là lần Thành chưa học hết phổ thông, lúc nào cũng cười cười, khéo miệng chẳng bao giờ mích lòng ai, có tiếng là gương mẫu. Biết Thành nay là cán bộ huyện, tôi cũng vui, bụng đoan chắc Thành nếu không tốt thì cũng chẳng xấu. Mà chẳng xấu thời này là cả một vấn đề!
Đứng dậy, tôi bước ra phòng khách mặt tiền Từ Đường. Thành xồ lại, hai tay nắm tay tôi lắc lắc:
– Cháu chào chú ạ! Mấy hôm cứ mong gặp chú mãi… Chú khỏe chứ ạ! Tôi gật đầu, hỏi thăm gia đình Thành nay đã một trai một gái, và hỏi:
– Anh Thuận tôi có cùng với cháu về làng không?
Thành lắc đầu:
– Bố cháu lên trên huyện chơi với hai đứa cháu nội, vui lắm. Bố cháu nhắn chú cần gì cứ hỏi con bé Nguyện tay hòm chìa khóa cho gia đình, đừng ngại gì. Chỉ mai hay mốt là bố cháu về thôi!
Thắc mắc chuyện làm việc với công an xã, tôi hỏi nhưng Thành cắt ngang:
– Ôi, chuyện vặt ấy mà, xã họ đâu nắm tình hình như chúng cháu trên huyện…
– Thế còn việc tôi phải trình diện đề xin tạm trú…
– Giải quyết gọn rồi, chú chẳng cần trình diện, trên huyện đã điện về lệnh cho xã phải tạo điều kiện tốt cho Việt kiều hồi hương theo đúng chính sách. Chú cứ thoải mái, thích ở bao lâu cứ ở… À, chú ạ, cái chuyện kiến nghị thì trên có ý kiến là chú đừng dính vào, chẳng được gì mà chỉ rách việc!
Chẳng biết việc rách ra sao nhưng tôi không hỏi, biết Thành sẽ lẩn không nói. Cán bộ nay khôn lắm, dại chi vạch cho ai xem lưng miễn phí. Lắt léo, dối trá, nham hiểm và tàn bạo đã thành thuộc tính của một số người ‘vì dân quên mình’ hết lòng phục vụ rồi.
Thành kể vừa thăm lão Bạ, bạn thâm giao của bác Thuận, thõng một câu:
– Chú Bạ lo cho dân làng, ai cũng mến. Nay trên đã thuận việc khoan giếng rồi chú ạ. Phải nói cho ngay, nếu dân không ai phản ứng thì làm sao lãnh đạo biết được lòng dân. Cho nên có người như chú Bạ là trên rất mừng, vì muốn do dân vì dân thì phải biết dân muốn gì chứ!
Thành nói thế, ai cãi lại cho được nên tôi gật gù cho qua chuyện. Sau đó, chúng tôi tán gẫu. Thanh đặc biệt quan tâm đến mộ tổ ở Gia Miêu, Thanh Hóa. Thành bảo, chỗ đó là linh địa, và có người cho rằng cốt cách quan lại thì mộ ‘nhà mình’ thừa sức có truyền thừa đạt mức Thượng Thư. Ngày nay, Thành vênh mặt, là cấp Bộ Trưởng đấy chú nhé.
Tôi đoán Thành mơ ước gì, chỉ nói, xưa khác nay khác. Khác gì? Thành hỏi. Tôi bảo, nay không có gì bảo đảm xấu tốt nữa, chỉ mạnh yếu và khôn dại! Xấu tốt là thuộc tính con người. Mạnh yếu và khôn dại là tùy vào thời thế. Nay mạnh và khôn, nhưng cũng vậy, mai có thể là yếu và dại.
Có lẽ chán nghe bàn xuông, Thành kiếu về. Tôi thì thở ra nhẹ nhõm. Khi đi khỏi cửa, Thành ghé tai dặn dò Nguyện, nét mặt nghiêm trọng.
DÔNG ĐẦU MÙA
Trời tối sầm lại vào lúc xế trưa. Gió phần phật trên đầu những ngọn cây ngả nghiêng xiêu vẹo. Mùa dông hẳn đã dợm chân vào cõi người. Không khí vẫn oi nồng, sờ tay chân còn nhớp nháp, và ẩm ướt trùm lên vạn vật. Trong sân, đàn gà con kêu chiêm chiếp le te chạy về ổ. Chân trời, một vệt sáng lè quét ngang. Sấm ầm ì từ đâu đó rền lên dọa nạt. Mưa lưa thưa, rồi nặng hạt dần, gõ lộp bộp trên những mái nhà, long bong trên những mái tôn. Dăm người chạy mưa nhốn nháo gọi nhau. Tiếng hò nhau ra hứng nước mưa. Trẻ con trong thôn ùa ra tắm truồng, cười đùa, ca hát.
Châm một điếu thuốc, tôi nhả khói, lẳng lặng ngắm những giọt nước tí tách rơi qua kẽ lá cũa những lùm cây hồi sinh sau những ngày hạn. Không biết từ lúc nào Nguyện ra đứng sau lưng tôi. Quay lại, tôi thấy Nguyện bần thần, mặt đăm chiêu. Lát sau, Nguyện khe khẽ nói:
– Anh Thành nhắn chú là nếu ở lại đây thì hai ngày nữa chú phải làm việc với công an Huyện. Nội dung làm việc chú muốn biết thì chú hỏi bác Bạ. Còn nếu chú đi thì thôi, Huyện không có ý kiến!
Tôi hiểu ở chốn chôn nhau cắt rốn này tôi nay trở nên thừa thãi. Cắn răng, tôi thấm thía cái thân phận khúc ruột ngàn dặm, một khúc ruột thừa vứt cho chó nhá.
Mưa ào xuống một lát rồi ngưng. Nhưng trời vẫn xám đục, mây đen lũ lượt bay ngang đầu. Tại sao Thành không nói thẳng với tôi mà lại quanh co nhờ Nguyện chuyển lời? Có lẽ anh ta tránh chuyện giải thích đôi co có thể bị kết là ‘lộ bí mật’? Nhắn nhe này nọ không chứng cớ, chính quyền vô can nếu vấn đề trở nên phức tạp chăng? Nhưng phần tôi, tôi phải làm gì? Có thể nào, thêm một lần, tôi lại trở thành một kẻ đào thoát trên quê hương mình! Có nên, tôi tự nhủ, đi gặp lão Bạ để rõ sự tình ngay không? Tôi mượn Nguyện một cái áo mưa, nhưng vừa choàng vào người thì lão Bạ khập khiễng chống nạng tới nơi tôi ở.
Quăng chiếc áo tơi vào một góc nhà, lão lặng lẽ mở cái túi vải lủng lẳng đeo bên mình, tay rút ra một be rượu. Tôi hiểu đây là rượu tiễn, chỉ nắm nhẹ vai lão, thấy không cần nói gì. Im lặng một chặp, lão kể lại câu chuyện với Thành sáng nay. Thôi thì đủ, nào gián điệp, diễn biến hòa bình, xách động quần chúng nhằm gây khó cho hai dự án kinh tế rất tầm cỡ của Nam Định, rồi quan hệ Mỹ-Trung trong bối cảnh ‘một vành đai hai con đường’ và vân vân. Nghe, tôi muốn ói, đưa tay chặn lão:
– Chuyện bác Thuận thì sẽ thế nào?
– Thôi không kiến nghị nữa thì sẽ yên, chúng nó sẽ thả bác ấy! Thằng Thành chẳng lẽ nó khoanh tay xem bố nó đi tù à? Chú yên tâm, cái lo là chúng nó bảo sẽ tài trợ cho việc khoan giếng, chẳng biết là thật hay lại cuội…
Nâng ly, tôi ực một hơi, rượu cay xè bốc lên, nước mắt tôi chảy ra. Trước khi lão Bạ về, tôi giúi vào tay lão một mớ đôla tươi, phần cho bác Thuận, phần cho lão, phần tặng chú Nổi cám ơn chú cứu sống tôi, và một phần tôi dặn là để cho Nguyện lên thành phố đi học nghề may cắt thời trang như nàng ao ước. Lão Bạ nhìn tôi, buồn rầu:
– Lần sau chú về làng chắc sẽ vui hơn…
Tôi mường tượng tuyến du lịch băng xa lộ nối Nam Định vào khu nghĩ dưỡng Giao Thủy ven biển và khu công nghiệp Đất Hiếm tên Việt nhưng vốn Trung, không chắc mình có thể vui hơn không. Nhưng tôi cười gượng, chỉ đáp nhỏ:
– Chắc là thế, bác ạ!
Nhìn cho đến khi khuất bóng lão Bạ tập tễnh chống nạng leo lên bờ đê tôi mới vào nhà.
Không biết động lực nào khiến tôi thắp hương cắm vào lư bàn thờ tổ. Tôi khấn cụ Phủ, cụ Huyện phù hộ cho con cháu và dân làng chúng tôi bình an vuợt qua những cơn bỉ nạn khó tránh khỏi. Bước ra nơi thờ tự, tôi thấy Nguyện đứng tựa cửa, mặt cúi gầm. Khẽ nâng lên, mặt Nguyện đẫm nước mắt. Tôi lờ mờ hiểu tôi có thể là căn cớ của những giọt nước mắt ấy. Im lặng, tôi vùng người đi vội về cái chái Từ Đường nơi tôi để hành trang.
Đầu óc mê mụ, tôi nằm lặng đi, và trôi mình vào một cõi lạ lùng. Nhìn, tất cả mơ hồ thực hư. Sờ, mọi thứ giá băng, lạnh như đồng. Nghe, tiếng ù ù của gió. Và ngửi, trời hỡi, mùi hoàng lan thoang thoảng. Tôi hít vào, hít mãi vào. Còn thấy mùi hoàng lan, tức là tôi còn sống. Và như thế, thì là một an ủi.
Tối hôm ấy, tôi không ăn uống gì, vị đắng chát đọng trên bờ môi đầu lưỡi. Nguyện im lặng, vẻ chịu đựng, môi thỉnh thoảng mím lại, mắt trừng trừng thách thức. Bóng đêm êm ả tỏa xuống. Bên ngoài, trời vẫn gió. Tôi bỗng sợ, không rõ mình sợ gì. Có lẽ tôi sợ người sống. Thêm một lần, tôi lại muốn đi tìm những người đã khuất bóng. Một mình, tôi lần mò đường ra nghĩa địa.
Duỗi người giữa hai nấm mộ, tôi ngửa mặt nhìn lên. Trời đen ngòm như đổ mực Tàu lên giấy trắng xà xà ụp vào mắt. Giông từ phía biển kéo đến, dọa nạt. Sương trắng bốc lên giăng giăng đó đây, dửng dưng tàn nhẫn. Chung quanh, côn trùng đồng thanh rên rỉ làm nền cho những loạt gáy vang vang của đám dế như tấu thay cho tiếng kèn đồng trong một ban nhạc giao hưởng. Tôi nhắm mắt, mặc trôi dạt. Và chỉ đi về khi người co quắp lạnh.
BỐC LỬA
Bước vào nhà, tôi ngẫm lại mấy ba ngày qua, tâm trạng rối bù. Bắt đầu, là chuyện mọt gặm kèo cột Từ Đường dòng họ tôi, bắt qua việc đám rước khiêng nước về cho dân thôn không có nước để sinh sống. Rồi bản kiến nghị xin chính quyền cho phép khoan giếng, đưa tới sự cố bác Thuận bị bắt lên công an Xã. Sau, là những sự kiện còn trong tầm ngắm chứ chưa thành hiện thực. Như dự án khai thác Đất Hiếm và dự án Du Lịch Tâm Linh, hai cái bả khiến công quyền muốn di rời dân và chiếm dụng đất họ sở hữu đời này sang đời kia.
Nhưng còn phần tôi? Nay ‘họ’ muốn tôi xéo ngay, hăm tội gián điệp cho Mỹ, đi diễn biến hòa bình. Thật ra, có lẽ vì họ muốn bảo mật hai cái dự án nói trên, tránh cho xa những yếu tố đưa tới chuyện đấu thầu công khai trong lãnh vực đầu tư quốc tế, khâu nghiệp vụ mà tôi là một chuyên viên. Cái gì thật, cái gì hư ? Tôi vò đầu, bất lực! Đất nước tôi bây giờ là một ma trận trong đó quỉ sống nắm chốt giữ đường ra lối vào, nào có ai biết chi được! Nhưng thôi. Mai tôi phải đi, xin để lại câu hỏi này cho những người trong nước buộc phải tìm câu trả lời. Điều đó là chuyện sống còn của họ.
Nhưng thôi! Tôi khêu đèn, nhặt nhạnh và nhét vào ba-lô những vật tùy thân. Phải ngủ thôi, lấy sức mà đi, và là kẻ ngoại cuộc, chớ lưu luyến chi. Không khí vẫn oi nồng, khó thở. Tôi cởi quần áo, giấp khăn ướt lau mồ hôi cứ ứa ra khắp người. Nguyện đã mắc màn cho tôi. Tôi vén màn chui vào. Ô kìa, có ai nằm trên gường thế này? Ai đó quay lưng về phía tôi, tóc dài che một phần lưng, chân duỗi dài, tay che mặt. Tôi bật kêu:
– Nguyện, Nguyện… Làm gì thế ? Nguyện bật khóc:
– Em… em xin chú, cho em đi với chú!
Như một phản ứng tự động, tôi thốt:
– Không, không thể được…
Chồm lên, Nguyện bíu lấy tôi, lắp bắp:
– Tại sao? Em làm mọi điều cho chú… Chú phải cứu lấy em!
Rút tay ra, tôi lùi lại. Lõa lồ ngồn ngộn, Nguyện xông đến ôm chầm lấy tôi, kéo ngã xuống, chồm lên níu lại. Tôi gỡ tay Nguyện, bảo đừng, đừng làm thế. Rên rỉ, Nguyện như mê sảng, lặp đi lặp lại, cứu em, cứu em… Chỉ trong một thoáng, tôi hình dung ra biết bao nhiêu đổ vỡ. Cho gia đình tôi, một vợ hai con. Cho Nguyện, sẽ rất bơ vơ ở Nữu Ước, tiếng không biết, trở thành câm điếc. Xô Nguyện ngã xuống gường, tôi quát, không thế được, nhưng nước mắt ròng ròng.
Tôi nhắc, máy móc:
– Không thế được, Nguyện ơi, tội cho tất cả chúng ta, tội cho người, tội cho đời. Rồi tôi đấm ngực, tôi thét, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi…
Sấm động lên thình thình như tiếng trống ngũ liên. Chớp rạch xé trời thành những mảnh nát bươm xanh lè hắt qua cửa sổ. Ở đâu đó một mùi khen khét xông lên. Góc căn chái Từ Đường khói bung ra. Nhanh, thật nhanh, lửa bốc có ngọn. Tôi kêu, Nguyện ơi, cháy, cháy… rồi choàng vội quần áo lên người tôi, lên người Nguyện.
Chúng tôi chạy ra ngoài. Chỉ chốc lát, dân thôn ùa đến, í ới gọi nhau chữa cháy. Cả già lẫn trẻ, họ xách những thùng nước xông vào tưới lên ngọn lửa đang loang ra, đe dọa thiêu rụi cột kèo một ngôi nhà cổ bị mọt gặm. Nhưng dân đang thiếu nước. Nước ăn nước uống còn không đủ thì lấy nước đâu mà chữa cháy. Bà Lờ, người đạo gốc, lê đến bờ giếng, miệng đọc ‘Maria Đức Mẹ chúa Trời cầu cho chúng tôi những kẻ có tội… Amen’. Chú Nổi rống lên ‘…Éo mẹ, “nửa” “lóng” quá bà con ơi’ và lùi dần ra. Trong ánh lửa chập chờn, Tập Tễnh nhìn Nguyện khi đó như chết đứng. Rồi nó đưa mắt về phía tôi. Chưa bao giờ tôi thấy một cái nhìn oán hờn đến thế. Nó tiến lên. Tôi bất giác lùi lại. Có thể nào Tập Tễnh, kẻ si mê đến rình Nguyện chỉ để nhìn trộm, nổi một cơn ghen và cho một mồi lửa để đuổi tôi đi cho khuất mắt?
Lửa lên có ngọn, nguy cơ thiêu rụi cả ngôi Từ Đường mỗi lúc một lớn. Sấm vẫn động, chớp vẫn lóe sáng. Mấy giọt mưa nhỏ xuống, nặng hạt dần. Bà Lờ gióng, Lạy Đức Mẹ lòng lành… Thình lình, mưa trút xuống ào ào như thác đổ. Chú Nổi gào, mưa, mưa, mưa nữa đi! Dân thôn hò lên, mưa, mưa… Bà Lờ quì xuống, ngước mặt lên trời, miệng kêu phép lạ và lại đọc kinh Kính Mừng. Ngôi Từ Đường nhà họ chúng tôi được trời cứu.
Mưa nhẹ hạt rồi ngớt dần. Một phần góc chái Từ Đường nay là tro than, khói bốc nghi ngút. Khi đó lão Bạ tới. Lão bảo thấy lửa từ xa, biết có đám cháy trong thôn nhưng không hiểu thần hỏa thăm viếng những ai. Dân thôn trút được một gánh nặng, từ từ ai về nhà nấy. Lão Bạ hỏi cơ sự nhưng tôi nào biết gì. Lão lẩm bẩm, không thể tự nhiên mà cháy được. Cháy thường là cháy khi đun bếp bên ngoài, hoặc trong nhà thì mèo chó làm đổ đèn dầu ban tối. Cũng có thể, lão lẩm bẩm, cũng có thể là lại ‘chúng nó’. Tôi không màng hỏi thêm gì, chỉ nói xin lão chứa tôi đêm nay. Quàng ba-lô lên vai, tôi bước theo lão, không dám ngoái lại nhìn Nguyện khi ấy ngơ ngẩn đứng nhìn theo, mặt đầy nước mắt.
Lão Bạ nhường cho tôi chiếc chõng. Lão bảo, vẫn một câu, lâu lâu ngủ võng để nhớ lại thời là lính Lạng Sơn. Lão chép miệng:
– Mai tôi đã có anh bạn đến đón chú đi sớm. Bây giờ, đi ngủ lấy sức…
Sợ quên, tôi trút hết số tiền còn mang theo, nhờ lão trao lại cho bác Thuận để sang sửa phần Từ Đường bị cháy. Kiệt lực, tôi ngủ thiếp đi, nhưng tôi ngủ một giấc ngủ có lửa cháy khắp nơi trong mộng mị. Tai hại nhất, lửa thiêu rụi những hy vọng của tôi về sự ấm êm lẽ ra phải có cho mọi cuộc đời đáng sống.
Sáng tinh mơ, người chở tôi về Nam Định đã tới đón. Tôi ngồi sau anh ta trên chiếc Honda cũ kỹ, không dám quay lại nhìn lão Bạ. Và hẹn hò làm chi khi chẳng ai biết tương lai ra sao.
Chạy khoảng một giờ, chúng tôi đến bến xe. Phải chờ, xe không giờ giấc, cứ đủ người mới chạy. Tôi tìm một quán cà phê thoáng đãng trên tầng hai một căn hộ nhìn ngay ra chỗ xe hàng đi Hà Nội đậu. Nhìn xuống, sớm nên còn vắng người qua lại. Và tôi đợi. Nhắm mắt, tôi mơ màng, rồi thiếp đi, vật vờ.
Khi mở mắt, trời ạ, tôi thấy Nguyện đứng phía dưới nơi xe hàng ra vào, vai đeo một cái bị, tóc vén cao. Nàng đi, để theo tôi, kẻ nàng tưởng rằng có thể đổi đời nàng. Quì dưới chân Nguyện là Tập Tễnh. Nó ghì chặt chân nàng, mặt ngước lên, có lẽ đang cầu xin Nguyện ở lại.
Tôi lặng người.
Tôi biết, rất rõ, tôi bất lực, tôi buộc phải trốn mặt, mãi mãi.
LỜI BẠT: KHÔNG ĐIỂM ĐẾN
Trong lời dạo đầu, tôi thưa vì không viết được đoạn kết nên câu chuyện tôi là chứng nhân cứ phải viết đi viết lại hơn ba năm nay. Lần này, thì khác, dẫu câu chuyện không thực sự kết được. Kết với hình ảnh một người con gái mong đổi đời theo tôi mà tôi đành lẩn mặt? Kết như thế, đau quá, tàn nhẫn quá, thể loại không có hậu.
Kết có hậu là kiểu nàng Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường mà được cứu sống, đoàn viên với chàng Kim thư sinh mặt trắng vẫn còn ve vãn sau 15 năm ly biệt, nhưng Kiều hiểu ‘chữ trinh còn một chút này’ và cự tuyệt, bỏ đi tu, về cửa Phật, vui câu kinh tiếng kệ. Như thế, Vân vẫn giữ được chồng, hòa thuận với chị, và… vui vẻ cả làng. Câu chuyện tôi kể kết cho có hậu thì… Nguyện và Tập Tễnh quay về thôn 9 xóm Dinh, Nguyện nghe chàng Tập Tễnh hát ‘ru em thèm khát xa hoa, ru em đầy những đam mê…’ và nàng hiểu thế nào là tình yêu, trở thành vợ chàng, đẻ cho hai đứa con khôi ngô trắng trẻo. Bác Thuận thôi làm việc với công an Xã, xây lại cái chái Từ Đường bị cháy. Và theo đúng chính sách dân chủ cơ sở, dân chúng thôn 9 nhớ công bác đã khoan được giếng mang nước về cho dân bầu bác làm Trưởng thôn. Phần lão Bạ, với các chiến hữu trong Hội Cựu Chiến Binh tiến hành đấu tranh cho nền dân chủ lập hiến một cách hòa bình, bác ứng cử và trở thành Nghị viên Quốc Hội khóa đầu, hiện đã dọn lên sống ở Hà Nội…
Kết có hậu thường khiến bạn đọc an lòng dẫu không phải lúc nào cũng tin là thế. Ngược với thể loại này là kết bi thảm khá phổ biến trong văn chương phương Tây, đặc biệt là những thảm kịch Hy Lạp với những chuyện cha con anh em giết nhau, mẹ lấy nhầm con, anh trai lấy em gái, loạn luân là Trời xui Đất khiến, kết cục thường cường điệu qua cái chết của những nhân vật. Kết kiểu ‘vô hậu’ này dĩ nhiên làm mủi lòng người đọc, nhưng văn chương loại này có làm cho xã hội tử tế tốt đẹp lên hay không thì còn có tranh cãi.
Kết ‘vô hậu’ trong câu chuyện của tôi thế nào? Tưởng tượng, Nguyện bỏ vào thành phố Nam Định, xin làm massage, tìm cách liên lạc với bọn mai mối, cuối cùng nghe nói sẽ lấy một người Tàu luống tuổi ở Quảng Châu. Nghe tin, Tập Tễnh đi tìm, cắt cổ Nguyện, rồi thọc dao vào tim mình, chết không ai vuốt mắt. Giếng thôn 9 vẫn không được phép khoan, hai dự án kinh tế Đất Hiếm và Du Lịch vẫn âm thầm tiến hành. Bác Thuận phản kháng, bị bỏ tù vì chính Tán Thành, con bác, tố cáo bác nhận tiền của gián điệp để sửa chỗ nhà Từ Đường bị cháy. Bác thắt cổ trong đồn công an Huyện mà không ai cứu. Lão Bạ nay mất trí, lang thang khắp nơi, miệng lảm nhảm ‘mạch rồng bị trấn yểm, nước không còn, lấy gì uống đây’ và chết khô trên một cánh đồng khô…
Nhưng thôi, tôi đang lan man, có thể lạc đề như chơi. Tôi không kết được, vì từ hiện tại cái kết câu chuyện cần một cái nhìn về tương lai. Cái kết vô hậu đóng cửa mọi hy vọng. Và cái kết có hậu, chí ít là phải để tương lai mở ngỏ cho mọi khả hữu.
Nay thú thật với bạn đọc, những người bỏ công ra đọc câu chuyện tôi kể lể dài dòng, là mấy năm liền tôi dò hỏi mà không có tin tức gì những nhân vật của tôi, như Nguyện, như bác Thuận, như lão Bạ, Tập Tễnh, chú Nổi, bà Lờ… Họ đi đâu, họ về đâu, họ có điểm đến nào để tôi còn hò hẹn?
Nói cho cùng, điểm hẹn để gặp lại nhau nay là của cả xã hội, không chỉ riêng cho một nơi nào, không chỉ riêng cho ai, mà là cho tất cả.
Nam Dao
Phục Sinh 2019
20 tháng 4