Kẻ hiếp dâm

Nguyn Đc Tùng

image

 

Chín mươi phần trăm hành vi hiếp dâm được thực hiện bởi người quen biết, trong quan hệ bạn bè, mới gặp hay đã lâu, ở nơi làm việc, trong các tiệc tùng, trong gia tộc. Tôi đi thường trú với một giáo sư thần kinh – tâm thần từ Mỹ. Ông là chuyên gia về tội phạm học, forensic psy, đánh giá và điều trị bệnh nhân bị kết tội bạo hành tình dục, nhất là người có biến đổi tâm lý hoặc sắp được thả. Ông nổi tiếng về sử dụng các thuốc triệt tiêu tình dục, thuốc hoạn, cho những người bị buộc tội hiếp dâm với án nặng, như phạm tội nhiều lần hay ấu dâm. Thời gian đó việc kê đơn thuốc triệt hạ tình dục vẫn còn thông dụng. Một lần tôi tiếp một người bệnh có cảnh sát đi kèm, không bị còng tay. Cuộc nói chuyện diễn ra thật khó khăn. Tôi kê đơn cho chứng trầm cảm, run tay, kết thúc câu chuyện, tiễn ông ra cửa. Người đàn ông phạm tội ấu dâm và bạo dâm. Nạn nhân trẻ tuổi của anh ta có chừng mười đứa, trai và gái, lớn nhất mười sáu, đứa nhỏ nhất bốn tuổi. Tôi có bổn phận đánh giá sức khỏe định kỳ trong thời gian anh ta ra tù, trả về cộng đồng nhưng còn bị giám sát. Cuộc nói chuyện kéo dài, những câu hỏi căng thẳng, những câu trả lời thách thức. Lòng tôi buồn bực. Phẫn nộ, xót xa, trầm tư. Hết giờ, tôi đứng lên tiễn người bệnh, người đàn ông gốc châu Âu ngoài năm mươi tuổi, cao lớn, bàn tay to, cằm nhọn, mặt khắc khổ, ánh mắt tối tăm lạnh lẽo buồn bã. Nụ cười nhạt nhẽo. Thấy anh ta đi khập khiễng ở chân trái, tôi hỏi thăm. Anh liền kể có chỗ sưng ở các móng chân.

Tôi bảo anh tháo giày, các ngón chân bên trái tổn thương, móng bật ra, da xung quanh khô nứt nẻ, sùi lên. Biến chứng thứ phát của viêm móng chân do nấm, athlete’s foot. Tôi dẫn anh qua phòng điều trị, dùng dao mỏng cắt lọc vết thương, băng bó lại, gởi bệnh phẩm đi làm vi sinh học, kê đơn thuốc, gởi anh làm thêm xét nghiệm tiểu đường và các bệnh khác, mặc dù trước đó đã gặp bác sĩ đa khoa. Cuộc chuyện trò giữa hai bên trở nên dễ dàng hơn trong lần gặp sau đó. Anh bắt đầu nói nhiều về những ngày ở tù, kể lại những việc mà anh đã gây ra đối với những đứa bé con, có đứa là con hàng xóm, có đứa dụ dỗ trong bữa tiệc, khai thêm một trường hợp nữa mà nạn nhân không khai, bây giờ đã lớn, có chồng con, có địa vị. Tôi bảo đảm với anh rằng các trường hợp như vậy sẽ không được tiết lộ với cảnh sát, trừ khi chính anh ta hay nạn nhân tự nguyện. Các hồ sơ thầy thuốc không ai được chạm vào. Anh an tâm, kể thêm những chi tiết, đôi khi tìm cách cắt nghĩa thói quen, hành vi của mình. Những giấc mơ, những ác mộng. Cũng có khi gặp trường hợp chống cự, anh ta dùng thuốc để bắt nạn nhân hợp tác, đặc biệt các thuốc có chất an thần, chất rượu, easy lay, liquid X, liquid E. Sau mười hai năm trong tù, bị các tù nhân khác hành hạ, bị chúng bắt làm nô lệ tình dục, bị bệnh giang mai suýt chết, anh hối hận, xấu hổ, tự căm ghét, thấy nhục nhã, không biết làm sao để trở lại với cuộc sống bình thường. Không muốn sống nhưng không dám tự tử. Một kẻ thích hành hạ người khác nhưng sợ chết. Tôi hỏi anh có muốn được các nạn nhân ngày trước của mình tha thứ không?

Anh im lặng, không trả lời.

Rồi anh ta nói về ao ước được đè người khác xuống, một người yếu hơn, nắm lấy tóc họ, thích thú thấy nạn nhân vùng vẫy, cắn xé, chống lại mình và sau đó đầu hàng dưới sức mạnh của anh ta. Anh ta thích nhìn thấy bạo lực, ngưỡng mộ bạo lực, sung sướng vì nhìn thấy bạo lực ấy hạ xuống trên người khác. Anh muốn trả thù cuộc đời. Anh thích nhìn vào gương nhìn khuôn mặt bị cắn xé chảy máu của chính mình, về nhà không thèm băng bó. Lúc ấy anh nghĩ, thượng đế đã không công bằng với anh. Anh tự hành hạ mình để trả thù thượng đế. Bây giờ, sau nhiều năm, anh có phần không chắc chắn về những trả thù ấy. Hết giờ, tôi đưa anh ra cửa. Khi đẩy cửa ra ngoài, đặt tay lên nắm cửa, anh ta ngập ngừng một lát rồi quay lại bảo tôi.

– Tôi biết rằng ông rất ghét những kẻ phạm tội như tôi.

Tôi thầm nghĩ: đó là câu mở đầu của anh ta. Tôi không trả lời, tỏ ý chờ đợi.

Tôi đưa mắt nhìn người cảnh sát đang đứng chờ ngoài cửa. Ông ta khẽ gật đầu.

– Ngày xưa tôi từng sợ hãi sự căm ghét của xã hội, về sau tôi đâm ra thích thú sự căm ghét ấy.

– Còn bây giờ? Tôi hỏi.

Người đàn ông im lặng một lúc.

– Khi bạn lên bảy tuổi.

Tôi đăm đăm nhìn anh, ra hiệu đang lắng nghe.

– Khi bạn lên bảy tuổi. Bạn bị cha của mình hãm hiếp mỗi đêm, nhiều lần, mẹ bạn biết nhưng không làm gì cả. Bạn không dám kể cho ai nghe. Mà có nghe người ta cũng không tin. Một lần bạn định kể cho cô giáo lớp hai, liền bị mắng, bị gạt đi. Lớn lên bạn trở nên buồn rầu, trầm cảm, trở thành một kẻ suốt đời bất an, bạn trở nên một kẻ căm thù con người. Bạn yêu thích bạo lực. Muốn lật đổ trật tự xã hội. Muốn hành hạ người khác. Thưa bác sĩ, tôi không tìm cách bảo vệ cho mình. Tôi không có ý định biện hộ cho tội lỗi của tôi. Tôi chỉ kể lại câu chuyện của đời mình. Một lần rồi thôi.

– Ông có hay nghĩ đến cha của mình không?

– Có. Thỉnh thoảng. Ông ấy chết rồi.

– Ông nghĩ sao?

– Tôi vừa căm hận thấu xương.

– Và?

– Vừa thương xót. Thực ra ông ấy cũng tốt với tôi lắm, những lúc bình thường khác. Đôi khi ông ấy cũng khóc.

Tôi nhìn đồng hồ, biết là người khác đang chờ, hẹn gặp lại anh ta lần sau, dặn đi dặn lại, ghi xuống mẩu giấy màu vàng giờ ngày hẹn lại, nhưng người đàn ông ấy không bao giờ trở lại nữa.

(bản thảo, bài 5)

NĐT

Comments are closed.