Mơ Chiêm Thành

Truyện Cung Tích Biền

Mẹ dẫn hắn từ bóng tối ra đầu con đường xa lạ, rồi bảo, “Mọi thứ từ đây, con đều phải tự tập tành cho quen nhé. Tự con thôi. Bắt chước người đời, rồi dần dần biết lấy”. Hắn từ lâu nằm im, cuộn tròn người tập thở, và mơ màng lắng nghe nhịp tim mẹ. Vũ trụ bấy giờ là bóng tối, lấp lánh sao trời và ấm áp nhựa nuôi từ mẹ. Mẹ đau đớn lắm, rất là quằn quại đau đớn, đau đớn van xin trời đất, mới dẫn đứa con ra tới. Đầu con đường duy nhất, không thể lựa chọn con đường thứ hai nào khác, con ạ. Xương cốt của hắn là cây, máu hắn là suối. Tự thân, từ đây chịu lấy. Lúc hắn đang bỡ ngỡ đầu con đường ánh sáng, hắn có riêng một mặt trời đầu tiên, đã có một người lên tiếng, “Ta là cha của con. Ta sẽ đặt cho con một cái tên, lấy họ của Ta làm khai sinh. Con sẽ thấm dần cát bụi này”.

Hắn nghe, chừng người cha lắm điều, hay bởi một bí ẩn cần tỏ bày, “Ta chỉ có một ít tinh trùng. Đất đai rừng núi sông nước chim muông thảo mộc nơi này tự trước chẳng phải là của Ta. Ta mượn của Mẹ con từ nhiều trăm năm trước. Hắn tập nghe cho quen, tiếng với giọng, trong câu nói ấy. Âm lượng, màu sắc, giọng và tiếng, đoan quyết là thuần/ từ, một loài tinh trùng đã dai dẳng truyền đời, được nhuộm một huyền nhiệm, một thiêng liêng riêng biệt, cho mỗi giống dòng, màu da, loài tộc. Chúng nó, chừng cũng có một nửa trong ấy, là tinh trùng vô hình. Chúng bơi trong biển bào thai, không bằng đôi tay đôi cánh. Bọn siêu nhiên này mới chính là cái vô thỉ vô chung, có tiềm năng phát lưu và di truyền trời thần bí, đất tâm linh, đặc trưng nơi mỗi Giống-Người.

Hắn tập nói, và nói được. Bên này, phía nam đèo núi Hải Vân hiểm trở. Mớ âm thanh riêng lẻ, lạnh lẽo và lẻ loi, của hắn, trong một quần thể người, ồn ào, phồn tạp và sáng quắc. Lớn dần, hắn hiểu, giọng nói ấy như một tiếng chim lạ, so với các giọng nói, có từ các miền trên Đất Việt. Từ cổ họng hắn bắn ra, là những âm thanh nhọn hoắt, bén những mảnh gương vỡ. Nó có thể làm lỗ chỗ tâm linh, làm rách nát thần hồn cho một ai.

Hắn tập đi, rồi đi lại đó đây. Cha hắn biết, từ đây hắn đã có một-đời-riêng, và, sẽ rất khó khăn dưới bóng một-mặt-trời-chung. Người ta sẽ cướp những chiếc bóng của nhau. Và, sẽ giành lại phần đất, những nơi cha-ông-mình-từng-đổ-bóng. Con người sẽ ăn linh hồn của nhau. Sẽ đâm vào những nơi không đổ máu, nhưng nó hủy diệt, triệt phá toàn diện cái cốt lõi để nên-một-con-người. Biểu hiện một loài người trường tồn trên mặt đất, không chỉ là những hình nhân đầy đủ máu xương với xác thịt.

Đau đớn làm vậy, nhưng người cha thật lòng giảng giải điều thiện cảm hơn. Ý của cha là con có thể rũ bỏ tất thảy, nhưng điều cha nói với con đây là niềm huyết nhục. “Họ bên cha trong lý lịch của con là họ Nội. Địa danh ghi trong ấy, nơi con chào đời, con có thể xem là Quê ngoại, là Đất cũ của người Chiêm Thành. Mẹ của con có dòng dõi Chiêm Thành”.

Trong bóng tối những đêm tịch mịch, những đêm khuya ngồi chung nhau quanh ngọn đèn tâm sự; những bóng hình người chia lìa, in rã rời, âm u trên vách tường âm dương, sau lưng mỗi con người, là lúc khắc khoải riêng mình. Quá khứ luôn lên tiếng. “Những loài thảo mộc, những thú trong rừng, cá dưới sông đã có tự thời người Chiêm Thành còn cư trú nơi này. Có những loài nay đã đổi thay, triệt để thay áo, dòng nước Chiêm sông kia, núi rừng Chiêm bữa nọ, nay là sông núi Việt. Con ạ, chỉ những ngọn tháp, một tạm-thời-vĩnh-cửu còn mang tên, Tháp Chàm. Chỉ dòng máu còn lưu truyền, tuy sẽ phôi pha, sẽ nhạt dần trong quên lãng, nhưng nó đang còn miệt mài chảy hoài trong huyết quản của con, Máu Chiêm Thành”.

***

Nơi xứ sở của hắn không hiểu vì sao, có thể là có ý trốn nợ, không ai muốn nhắc đến tên chủ nợ, là Chiêm Thành. Đã rất mực, và đồng loạt thay vào, là hai từ, Hời và Chàm. Người Chàm, người Hời, tháp Chàm, tháp Hời, vàng Hời. Vừa ra khỏi bờ tre của ngôi làng nho nhỏ, nơi chào đời của hắn, đi qua những đồi nối với đồi, rừng nối rừng sim, đã thấy rải rác đó đây trong rừng là di tích Chàm. Những thỏi đá màu xám, hình vuông hình chữ nhật, trên mặt có chạm khắc hình vẽ, hoa văn, mẫu tự Chàm. Người Pháp cai trị, đã nhiều lần tới đây đào xới đất tìm vàng, gọi là vàng Hời, và chở đi một số “đá”, họ gọi rằng có giá lịch sử và mỹ thuật Chàm.

Thời kháng chiến 1946, đào hầm xuyên trong đồi để trốn máy bay Pháp oanh tạc, người dân làng khuân vác loại “đá” này chèn bờ thành hầm chống đất sụp đổ, rất tiện lợi. Nhiều năm trôi qua, người làng bỏ đi, kẻ cầm súng gươm, người tha phương cầu thực, chinh chiến bức lìa xóm cũ, không còn ai nghĩ tới những căn hầm kia. Bão lũ, đất đồi sụp lở, lại lấp kín miệng hầm. “Đá” lại về trong lòng đất.

Đi quanh quẩn trong một khoảng đường, nơi cửa nhà của hắn, bán kính không quá vài chục cây số đã thấy rất nhiều tháp cổ. Vào nam, ra hướng bắc, vào thung lũng núi tây, là đụng phải cái u tịch, trầm mặc, cái Nghìn-đời-im-đứng. Quảng Nam bàng bạc quá khứ Chàm. Núi mây lây lất khí hậu Chàm. Quần thể tháp Đồng Dương, một thánh địa, vẫn cái tên Tháp Chàm Đồng Dương. Xa hơn, gặp tháp Chàm Chiên Đàn, Khương Mỹ, Bàng An, Trà Kiệu. Trong một thung lũng chẳng xa xôi, lẩn quẩn với rừng xanh, những sườn đất khô cỏ vàng, là, một vùng kinh đô tôn giáo, với một quần thể tháp nối liền tháp, di sản của nhân loại, vẫn tên gọi Tháp Chàm Mỹ Sơn. Tất cả, không có nơi nào mang tên Chiêm Thành, trừ vài trang giấy trong sử sách đã quen thân với mối mọt, nhắc nhở tên. Ở Đà Nẵng có một tàng cổ viện, duy nhất bảo tồn những di sản, di tích của một dân tộc hùng vĩ từng làm chủ một lãnh thổ rộng lớn này, vẫn là Cổ Viện Chàm. Một hòn đảo nằm ngay bờ biển Xứ Quảng, đứng từ Hội An Phố Cổ, đã thấy xanh xanh lục lục, huyền hoặc trời nửa tỉnh nửa mơ, vẫn gọi tự bao đời, là Cù lao Chàm.

Thật ra, có thể chỉ là do chỗ dân gian quen dùng. Chàm là do Chăm mà ra; Chiêm Thành là Champa, đọc theo âm Hán-Việt; Hời là đọc trại, từ H’roi mà nên.

Trực diện cái đương nhiên, nhưng hắn, hắn sống lơ lửng giữa những trùng khơi. Giấc mơ thăm thẳm, không từ trong Mơ, mà lộng lẫy đôi khi, mà xa trôi trùng trùng, tự nhiên trong máu xương. Máu Chiêm Thành. Hắn luôn vướn phải những lỗ hổng trên hành trình. Hãy lấp quá khứ đi! Không thể. Lỗ hổng này luôn không có đáy. Cái hang này chỉ đi vào giữa ngọn núi bí ẩn, tối tăm, khó giải mật.

***

Ngôi tháp Chàm đầu tiên hắn nhìn thấy là Bà Rầu Con Nghê, lúc lên mười. Ngay cái tên Bà Rầu, sau này khi lớn khôn, đi khắp, hẳn chẳng gặp tháp nào mang tên Bà Rầu, như là thấy trong một giấc mơ. Nhưng ngôi tháp cổ độ, lúc hắn lên mười, mang tên Bà Rầu Con Nghê thì hắn có thấy, từng chạm tay vào bờ vách, bước đi trong lòng tháp trống hoang, tứ bề lạnh lẽo. Chiều đã tàn. Tháp gồm ba ngọn. Đứng song song, hàng dọc tính từ hướng bắc vào nam. Lần lượt, ngọn bắc, ngọn trung, ngọn nam. Ngọn trung cao hơn cả. Tất cả, cùng hướng mặt về biển Đông. Hy vọng là một sự thật, nhưng mặt trời, biển rộng sông dài, núi non cẩm tú, đã xa hút trong tâm thế của người Chiêm.

Bà Rầu Con Nghê, lúc hắn tới, bóng của tháp nhạt nhòa trải trên bãi cỏ rộng là khuôn viên tháp, trong chiều đã tàn. Xa sau lưng tháp là bóng núi, Trường Sơn xanh thẳm. Đứa bé lên mười chưa cưu mang được tâm sự của hình tượng, là bóng dáng Nghìn-năm-còn-đứng. Trước mặt hắn, chỉ là rêu xanh, nền gạch nung, cây lưa thưa mọc ra từ những kẽ đá trên đầu ngọn tháp. Một mái tóc xanh hiu hắt trong chiều. Lòng tháp trống hoang. Cùng một mục đích thu gom, một thời, người Pháp đã vào lòng tháp, đào bới đất, có cả vàng được chôn, gọi là vàng Hời, và họ thu giữ những tượng có giá trị tôn giáo và nghệ thuật. Ngọn tháp còn đó, mang một dòng lịch sử trống hoang, rỗng ruột.

Tuổi lên mười, trước cảnh tháp, hắn chưa nhấp nháp tận mùi vị của nhân thế trải qua, những chinh chiến, chiếm đoạt giữa người với con người, vì sao có cái điêu tàn, cái tàn phế ngậm ngùi kia. Hắn chỉ như con cọp bé con trước một xác người, chưa đủ cái kích thước thèm khát, cái có từ tông đồ giống loài lưu giữ lại, là phải kịch liệt ăn thịt người. Cái lưỡi không thấm dòng máu tươi, cái mồm không đỏ thắm tanh tưởi, con ấy không là con cọp, vị anh hùng chốn sơn lâm. Hắn chỉ ngơ ngẩn, một chút động lòng, một thoáng huyền mơ, lúc cái bóng của tháp đã nhạt màu, mất bóng trong nền cỏ. Mặt trời không chết đâu, sớm mai nó sẽ trở lại, nhưng giờ đây nó đã đủ một-cái-chết-cuối-ngày. Một bầy chim hoang đã trở về trên đầu tháp. Buồn lắm những cỏ lá và hoa dại. Gió mông lung, lây lất từ phương bắc thổi vào. Mùa này gió bấc. Lại cơn mưa núi. Những sợi mưa nhọn và lạnh như kim châm. Hắn co ro trong lòng tháp. Niềm tin yêu của mẹ, về hắn, được an táng một phần trong ấy chăng.

“Cha chỉ có một ít tinh trùng…”. Người cha chừng ân hận thân phận đời con khiếm khuyết một vài cái xương trong người, hay não bộ hao hụt. Mẹ hắn, một mẹ hiền từ, không phụ ơn chồng, bà chỉnh sửa nhẹ nhàng, “Chính nó đấy. Nó mới là tất cả. Đâu thể ông gieo trong tôi một hạt cỏ mà tôi lại làm nên cây lúa. Đâu có là, có thể vài giọt máu đỏ tôi có thể đẻ ra cái hoa hồng. Không có nó, lũ chúng tôi tội tình lắm. Chúng tôi sẽ là tội nhân trên cõi đời”. Cha đau đớn. “Nó là cái gỉ? Mà là của tất cả?”. Mẹ cười, và rất thản nhiên, “Lũ tinh trùng được cho đi không tính trước”.

Có bao giờ cha mẹ đều điên. Hay cùng nhớ một giống gì mà… cuồng điên vì nhớ.

Có bao giờ tôi đã mơ nghe một dòng đối thoại va chạm những ánh lửa thần linh.

***

Vùng Trung bộ mỗi năm có bốn mùa nắng mưa nóng lạnh, khá rõ ràng. Mùa cây xanh lá hoa nở, mùa của cây trụi cành cỏ úa vàng, bao nhiêu năm, cái nết trời, cỏ cây phải chịu sẵn. Người Chàm đã ra tới. Ấy là vào những ngày cuối đông, xáp Tết. Bầu trời thôi cơn mưa bão. Đất ấm. Hoa mai bắt đầu cho những nụ, chờ ngày đầu xuân, bung nở. Trong cái háo hức sang mùa, của hắn, chợ Tết của vùng quê, của một thời còn “Nho hóa”, đã bày bán những câu liễn đối viết bằng chữ Hán, màu vàng tươi, trên nền giấy đỏ; những bức tranh tàu có sự tích từ truyện Tam Quốc chí, như Đào viên kết nghĩa, Tam anh chiến Lã Bố

Xứ thuộc địa, những ông Tây Thương chánh áo quần đồng phục vải ka ki màu vàng như bọn lính, bọn người Pháp này kiểm tra môn bài thuế các cửa hàng tạp hóa, vây bắt bọn dân bản địa nấu rượu lậu; mọi điều ràng buộc, nô lệ mà; đủ loại thuế, cả thuế người dân Việt phải thuê xứ sở Việt mà cư trú, là thuế thân…

Ơ kìa, lác đác đoàn người, thật là một đoàn lữ thứ, từ đâu miệt Nam Trung bộ đã ra tới. Họ đã vượt qua Đèo Cù Mông, Đèo Cả, Cù Đê để tới. Tới một vùng Đất thiêng cũ, còn lại đây Thánh địa Đồng Dương, Thánh địa Mỹ Sơn. Đàn vịt trời đã bay về hướng bắc sau mùa trốn lạnh. Trên từng cao, xanh đục một không gian pha chút ấm áp, xuân đang về.

Đoàn người Chàm. Họ sẽ ở lại khu chợ, nơi mẹ hắn có một cửa hàng tạp hóa, tham dự vào những phiên chợ Tết, cho tới nửa tháng Giêng họ mới bỏ đi. Đúng ra họ từ vùng Ninh Thuận, Thuận Hải trở về đây nhìn cố quốc, rồi từ đây lại… trở về nơi nương náu hôm nay.

Trang phục với áo quần màu sắc đẹp đẽ, đầu quấn khăn màu, thắt lưng sợi dây vải màu, nhìn xa xa như những đóa hoa. Lúc đi lại, đầu đội một chiếc giỏ bằng những sợi mây đan nhiều màu. Những hoa văn đan xen trên nền giỏ, rất công phu. Thoạt nhìn, như một loại thổ cẩm. Chân họ bước thong dong, hai tay buông thòng đong đưa. Không bao giờ vịn cái giỏ chứa vật dụng đang vất vưởng trên đỉnh đầu, chừng rất nặng. Ai nấy là một cõi buồn phiền, nhưng gần gũi hiền hòa, ít nói, rất cẩn trọng khi tiếp xúc với người Kinh. Một thứ tình cảm trôi nổi, dè chừng. 

Trên nền đất, ngay trên lề đường, con đường cái quan, gần khu chợ người Việt đông đúc, họ trải những tấm thảm màu sặc sỡ, bày bán những món hàng khá lạ lẫm. Thuốc xỉ, nhuộm răng đen, bùa ngải, những móng chân súc vật, nanh voi, móng cọp, lông mép voi… mật gấu, những loại rễ cây, lá khô thơm mùi thuốc bắc…

Đường cái quan, con đường tự bao năm Nam tiến, lấn dần bờ cõi. Đã là hướng đi qua, những Vua nhà Trần, nhà Lê thân chinh, là bước chân của chiến tướng anh hùng, của Công Chúa Huyền Trân. Thuở này con đường xuyên Bắc Nam này còn rất hẹp, chỉ vừa hai làn xe nhưng đẹp vô cùng. Hai bên đường hai hàng cây gần như cổ thụ tỏa bóng. Đường tới đâu cây song song tới đó. Lề đường rất rộng, người người cả thảy đi bộ, tíu tít vui vầy hai bên. Xe đạp vẫn còn hiếm. Con nhà quan, trai nhà phú hộ bảnh bao mới có. Chiếc xe đạp sườn i-nốc bóng loáng, có tiếng còi nghe kinh-coong, luôn chỉ hai tiếng lặp đi lặp lại, là một cái gia tài.

Năm 1907, mới có một chiếc xe bốn bánh, gọi là xe điện, của các quan Tây, đầu tiên chạy qua con đường này. Về sau vài ba năm, có vài xe chở khách, gọi là xe bộ hành. Tốc độ ba mươi cây số giờ. Còi xe bằng bọc cao su chứa khí, nối với cái loa kèn, bóp vô phát ra tiếng toe toe, một loài chim biết hú. Cả thảy quê mùa. Cả thảy hoang vu. Ủ ê một khí hậu tháp Chàm. Chính cái phong vận chậm chạp và sầu lắng này nuôi dưỡng hắn. Chính những bâng quơ, chân quê này, những cỏ hoa mộc mạc, lẫn rừng rú hoang dã, đan thêu cho hắn một đời dong ruổi, về sau.

***

Chợ người Việt tan vào lúc xế trưa. Lòng của đình chợ trống vắng. Người Chàm cũng tàn phiên bán hàng. Lại thu xếp, ngủ qua đêm trong đình chợ. Chừng họ không ngủ. Đốt lửa sưởi ấm. Họ đánh đàn và ca hát. Tiếng đàn rất nhỏ, Tiếng hát như hát thầm. Nhưng đêm trống hoang, tịch lặng, đêm rách rưới những lỗ hổng đời, tiếng hát Hời ấy làm cho dân phố thị luôn thao thức. Âm vang buồn, kéo bọn nhỏ quây quần bên họ.

Trẻ thơ đã vây lấy cuộc não nùng. Tiếng hát vỗ về hắn, làm giàu những sầu mộng. Đêm le lói lửa hồng, than đen nhấp nhô những tàn đỏ. Tâm hồn trắng non một bọn trẻ bị phảng phất, nhuộm một lớp men Chàm. Hình bóng tháp, trong hắn, bập bùng  theo tiếng hát. Giấc mộng Hời nát vỡ, chia lìa. Với hắn, một trí-não-quay-tơ lẽ ra nhẹ nhàng, lại hỗn độn, không định hình. Nỗi-lòng-Chàm, với hắn, là món quà được cho không. Là hành trang mang đi. Lời Chàm bồng bềnh trôi dạt. Bóng Chàm ngả nghiêng thân mòn bên này núi. Cho tới ngày lớn khôn, hắn hiểu ra, nỗi buồn là máu châu thân. Hắn đi tìm màu máu từng di truyền.

Dòng máu mẹ, dòng sầu bi rêu khói Chàm, chừng là một dòng sông có thật, đang âm thầm chảy, ngay chính dưới đáy một con sông hai bờ đang chảy, là cuộc đời xương xác hắn.

Ngày ngày thổi bùng nghi vấn. Trong cái lịch sử vừa nóng bỏng vừa mơ hoang, có biết bao dân tộc phải mất đất, lìa bỏ chốn xưa của tổ tiên kỳ vĩ, đành lòng tị ẩn một nơi chốn riêng sót. Một vùng cư dân nhỏ nhoi, thất lạc kinh đô, vẫn tạm có nơi ăn chốn trú, vẫn một ngôn ngữ ngày ngày dùng đủ, nhưng cái tâm thức riêng tây, cái hồn linh cao khiết của giống nòi, vẫn bập bềnh rêu đá chim hoang thân đỉnh tháp. Tiếng hát kia, trong đêm đông cuối mùa, là thân-ái-thấm-máu, một Cuồng-điên-Nỗi-nhớ. Hắn mang đi, một tiền kiếp hư ảo, một đời sống trước mặt đầy mong đợi.

***

“Đất đai rừng núi sông nước chim muông thảo mộc nơi này tự trước chẳng phải là của Ta. Ta mượn của Mẹ con từ nhiều trăm năm trước”.

Cuộc Nam tiến đang hồi khó khăn bất ngờ nhận được một món quà. Vào năm 1306 đời nhà Trần, vị vua thứ 34 của nước Đại Chiêm, dâng hai châu Ô, Lý, biên thổ phương bắc của nước mình, làm sính lễ cưới nàng Huyền Trân, Công chúa con vua Trần Nhân Tông. Đất châu Ô và châu Lý, nay thuộc một phần tỉnh Quảng trị, và trọn tỉnh Thừa Thiên.

Từ con sông Thạch Hãn tới phía bắc đèo Hải Vân, Chân-ta-bước-tới, không một phí tổn máu xương. Những thân ngựa chiến rùng mình vì sự bình an bất ngờ.

Dãy Trường Sơn, cuối tỉnh Thừa Thiên, trên đường đang miệt mài chạy dọc làm sống lưng cho miền Trung bộ,  nhìn cái bản đồ Việt Nam ốm o cong vẹo gãy cái cụp như chơi, núi cao rừng thẳm lại bất ngờ có một cuộc hùng vĩ đâm ngang qua đồng bằng, nối thẳng Trường Sơn từ phương tây ra với biển Đông. Vì cuộc tạo mẫu khá linh hoạt này đã có một đèo Hải Vân hiểm trở, vời vợi trời mây, chia cắt hai tỉnh, Thừa Thiên với Quảng Nam.

Vào một thời chưa có máy bay xe tăng, các phương tiện cơ giới chuyển quân, thời lính tráng phải tay dáo mác, đầu nón chủm, chân trần chạy bộ, ca dao đã tỏ lòng,“Thùng thùng trống đánh ngũ liên/ Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa”, quan tướng cỡi ngựa, hoặc ngồi trên những thớt voi, việc vượt đèo Hải Vân, cái nút chặn hiểm nghèo này không phải là dễ dàng.

Những người Việt đầu tiên tới đất Quảng Nam là lính tráng trong những đoàn quân Nam tiến dũng mãnh, là bọn trai tráng cương ngạnh bị lưu đày, cái thứ người ngang tàng, không muốn đội trời mây chung với các bậc “Thiên-tử-giả-cầy đang ngự trên ngai vàng”.

Người bị tù ngục, kẻ chốn lưu đày này là ai? Ngoài những kẻ khốn cùng, làm bừa gây tội, những kẻ ngang ngược không hiểu đạo lý làm người, hãy còn trong ấy bao nhiêu người lương thiện, bậc thức giả, các quan lại bị thất sủng. Họ, bỗng một sớm mai biến thành kẻ tội đồ đáng phải giết đi, hủy tận, truy sát cho tuyệt cùng dòng họ.

Trần Thủ Độ, nhà đạo diễn kịch bản lịch sử tài ba, đã ứng xử thế nào mà vị vua cuối cùng của nhà Lý, phải treo cổ tự tận! Nàng Lý Chiêu Hoàng mới… bảy tuổi, phải đi lấy chồng, để có cớ nhường ngôi báu từ họ Lý sang họ Trần. Các vương tôn nhà Lý phải vượt trùng khơi, đến tận biển Bắc Thái Bình Dương là xứ Cao Ly để tị nạn “Nhà Trần”. Hồ Quý Ly nương nhờ nhà Trần mà nên thân. Khi đã vào ngôi thay nhà Trần, Hồ biến một số con cháu vua Trần trở thành kẻ “tội đồ, mưu phản”. Hậu duệ nhà Trần đành phải tìm nơi dung thân, tị nạn “Nhà Hồ”.

Họ đi bằng cách, đường bộ vượt đèo Hải Vân, hoặc dong thuyền biển bão sóng để vào Đà Nẵng. Bấy giờ Quảng Nam vẫn còn là đất Chiêm Thành.

Quân binh Việt vào chiếm đất Quảng Nam có thể là những kẻ “khác giống nòi” sống lâu nhất với người Chiêm Thành sở tại. Phải mất hơn một trăm năm, quân binh Việt sau khi chiếm đất Chiêm, từ phương bắc của tỉnh mới vượt con sông, để vào phần Nam của Xứ Quảng.

Hầu hết những kẻ tội đồ, những tráng sĩ, quân binh, là một thân một mình, chưa vợ, hoặc không có vợ con theo cùng. Bây giờ người Chiêm Thành bản địa hãy còn lưu cư đây đó. Một xã hội Việt-Chiêm đương thì, trải mấy thế kỷ, là một tất yếu duy trì, nương tựa nhau một thời gian dài, trong điều kiện có thể.

Trong cuộc hòa trộn chung chạ, đã gầm gừ bao mối tình, bao trai tráng Việt có vợ người Chiêm.

Họ bên cha trong lý lịch của con là họ Nội. Địa danh ghi trong ấy, nơi con chào đời, Xứ Quảng Nam, con có thể xem là Quê ngoại, là Đất cũ của người Chiêm Thành. Mẹ của con có dòng dõi Chiêm Thành”.

Tôi, đứa bé sống cùng thân phận Hắn. Đứa bé được mẹ dẫn ra đầu con đường. Rất bơ vơ một thời, rực rỡ những con đường, ngậm ngùi những con đường. Mơ màng với tháp. Hồn về trong tháp. Tháp ấy không hề là những tháp… ma.

Chập chùng phận người với Hắn, tôi vẫn tin, “Tôi có một Bà Cao tổ người Chiêm Thành. Vậy trăm phần trăm Tôi, là đứa cháu ngoại xa xăm, rất xa xăm và tận cùng u hiển, của Bà. Tôi, một giọt tinh huyết lênh đênh, chuyển từ biển-rộng-thai-này sang trời-tinh-khôi-bào-thai nọ. Nhiều trăm năm tôi lặn lội. Nhiều trăm năm dù hóa hình, biển thể, giọt sữa của Bà hãy còn tha thiết, chút-tình-nghĩa-yêu-nhau-mà-xóa-nhòa những hận thù bờ cõi. Giọng của chúng tôi, Xứ Quảng Nam, có lai sót giọng nói của Bà, những phương ngữ, của địa danh đó đây còn phần nào lưu giữ, là ngôn ngữ của Bà.

Trùng trùng dâu bể, những tiền thân của tôi, vốn đi từ ngàn thu trở lại, đã vĩnh cửu cưu mang một linh hồn Việt, tâm thức Việt, Tôi người Việt Nam. Tôi vẫn có một Bà Ngoại bằng xương thịt, đã nuôi dưỡng tôi, từng muỗng cháo loãng ngày đói rét từ vùng rừng núi tản cư về đồng bằng, mùa đông 1947, làm sao quên. Vẫn hiện còn một ngôi nhà thờ bên ngoại, làng Địch Thái, để đôi năm lại về thăm. Hàng chè tàu sau cánh cổng, vườn cây bóng lộng, những bụi chuối, những hoa dâm bụt quê mùa. Nhưng lòng tôi vẫn một ước mơ.

Mơ sao một ngày, cái tháp Chàm cổ độ biến ra một ngôi Nhà thờ, nhà Thờ-Ngoại-tâm-linh, để bọn con cháu ngoại, còn ở chốn này, hay lưu lạc phương trời nọ, đứa chỉnh tề hay tên phiêu mộng, có nơi chốn trở về, cùng kính cẩn thắp nén nhang, “Lạy Bà Chiêm Thành, cháu về đây, đứa cháu ngoại xa xăm, trong tận cùng u hiển, của Bà”. 

Sông nước có nguồn

Máu có nguồn không

Midway City 2018

Comments are closed.