Lê Học Lãnh Vân
1) Đâu khoảng năm một ngàn chín trăm tám mươi lăm, người con thứ hai của nhà văn Bình Nguyên Lộc, anh Tô Hòa Dương, dẫn tôi tới thăm một người bạn mới học tập cải tạo ra vài năm. Anh Dương là giáo sư dạy toán, cùng nghề giáo, cùng phận biệt phái với bạn của anh.
Anh Dương cầm bình trà, tách trà ngồi chiếc bàn con kế bên, điềm đạm nói:
– Anh với ảnh biết, hiểu nhau nhiều. Em cứ nói chuyện…
Buổi nói chuyện đó giúp tôi hiểu nhiều điều. Nhất là hiểu rằng mình may mắn sinh sau, nếu sinh trước vài năm, kẹt trong thời cuộc nội chiến Bắc – Nam thì không biết số phần ra sao!
2) Bạn anh Dương là nhà điêu khắc Nguyễn Thanh Thu. Ông tâm sự…
“Đời tui lạ lắm.
Hồi nhỏ, có người coi tử vi tui, nói tui thuộc cung gì gì đó mà thời bình thì sướng, thời chiến thì khổ.
Hồi nhỏ, chiến tranh chưa tới xứ mình, tui được gia đình cho ăn học sung sướng. Ba tui biết nhà văn Bình Nguyên Lộc, hai ông hỏi tui chịu theo ngành Mỹ Thuật không, tui cũng không biết, hai ông nói bây có khiếu gì thì học theo cái khiếu đó, sống nhờ cái khiếu đó, tận tụy với nghề thì cũng dễ thành danh.
Tui ra trường, theo chí người xưa muốn vui vầy bạn hữu, tạc tượng, ngâm thơ. Muốn vậy thì nghề giáo phù hợp nhứt, đời thong thả mà lương bổng cũng dư.
Tui vô nghề dạy được mấy năm thì thời thế cứ ngày càng loạn lạc thêm, chiến tranh ngày càng lớn. Rồi Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam, Bến Tre dậy lên… Tui bị kêu lính. Rồi ông Diệm đổ. Rồi mấy ông tướng leo lên leo xuống xà quần. Chiến sự ngày càng lớn, Miền Nam lửa đỏ dầu sôi…
Người chết mỗi lúc mỗi nhiều. Nghĩa trang quân đội chật lần. Nghĩa trang cũ không còn đủ chỗ nên tổng thống Thiệu ra lịnh xây cái mới ở Biên Hòa. Ổng biểu tui làm tượng đặt ở lối vô nghĩa trang để tưởng niệm công ơn những người lính chết vì bảo vệ chế độ tự do.
Tui có ý về bức tượng được ông Thiệu đồng ý. Làm gấp trong mấy tháng. Ban đầu cũng theo ý ông Thiệu, tiếc thương lính Miền Nam. Thấy lính chết nhiều quá, nhiều người nhỏ tuổi hơn tui, đáng em út tui, thương lắm! Tui giận lính bên kia, anh em ruột sao đành lòng bắn nhau! Giải phóng người ta bằng cách đánh người ta! Ai cần giải phóng? Mà rồi nghĩ xa hơn, tụi nhỏ ốm còi biết gì đâu, bị đẩy vô chỗ chết, cũng đồng bào, cũng em út mình không. Ý nghĩ ăn lần vô đầu nên tượng làm ra chứa lòng tiếc thương tất cả chiến sĩ vong thân, bên nào cũng đáng tiếc thương. Chắc nhờ đó tượng có hồn sâu sắc hơn…
Mấy năm sau tui được biệt phái về dạy học trò. Được khỏi cầm súng bắn anh em, mừng muốn chết, đâu dè là cái họa. Chừng giải phóng, đám biệt phái tụi tui bị coi là gián điệp, nhận lịnh CIA lặn ngầm vô dân, dạy học để nhồi vô đầu óc học sinh tinh thần phản động, chống cách mạng! Họ nghĩ vậy thì oan cho tụi tui quá!
Vô trại học tập tui nói tui chỉ dạy học sinh mỹ thuật thôi, không đề cập chánh trị. Họ nói cái đó mới độc hại, làm cho học sinh không thấy thân phận nô lệ của Miền Nam. Họ nói tượng Thương Tiếc của tui ca ngợi lính ngụy giết người cách mạng, kềm kẹp dân lành. Tui nói tượng đó thương tiếc người chết cả hai bên. Họ nói vậy càng độc hại hơn, ca tụng ngụy thì dân đâu có tin, tuyên truyền như tui mới đúng bài của CIA, xóa nhòa ranh giới ngụy với cách mạng…”
3) Lần gặp đó là lần duy nhất tôi được nói chuyện với anh Thu, người mà lúc trò chuyện tôi không biết tầm vóc lớn lao của anh trong ngành điêu khắc. Sau lần đó, thời cuộc đẩy tôi vào những chân trời xa cách với giới điêu khắc nói riêng và giới văn nghệ nói chung cho tới năm 2010 mới có điều kiện tham gia viết lách và ngày 24/12/2018 mới có một tút về bức tượng Thương Tiếc đăng trên trang Phây. Anh của vài bạn tôi, và cả vài bạn học của tôi nữa, yên nghỉ trong nghĩa trang Quân đội Việt Nam Cộng Hòa.
Tình trạng hoang phế lạnh lẽo của nghĩa trang Quân đội Việt Nam Cộng Hòa trong tiếng kèn thắng trận inh tai tôn vinh anh hùng liệt sĩ cách mạng là duyên cớ khiến tôi nhớ bức tượng trên lối vào nghĩa trang mà viết tút đó. Sống – chết, chân – ngụy, chính – tà, yêu nước – bán nước, anh hùng dân tộc – tội đồ quốc gia… những cặp khái niệm ấy giam giữ người Việt trong hai cái lồng cách biệt, khó thể hòa giải hòa hợp vì bị chia lìa bởi một nhát chém oan nghiệt!
Được tin điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu mất ngày 6/5/2025, tôi lục lại tút viết về ông năm 2018 và bài ký trước kia để kính viếng ông! Có biết bao cuộc đời vô giá và ngắn ngủi của kiếp người bị vùi dập bởi chiến tranh?
Đăng lại những bài này còn nhằm mục đích ghi lại cảnh đời nhỏ của thời biến động lớn. Lòng tôi rất mong muốn người Việt không bao giờ còn chịu nỗi thống khổ tận cùng của chiến tranh. Nhất là nỗi thống khổ của những cuộc nội chiến. Tôi hiểu rằng nếu không có nội chiến, và nhất là nếu không có những đối xử tàn tệ hậu chiến, những cá nhân như nhà điêu khắc Nguyễn Thanh Thu là người con tài hoa chung của dân tộc, không thuộc về một phe phái nào, không thù hận ai, góp phần ghi tên Việt Nam trên bản đồ nghệ thuật thế giới!
Thế lực chủ chiến không có trách nhiệm nào với cuộc đời của những Nguyễn Thanh Thu sao? Chỉ thấy nơi ông một kẻ thù cần cải tạo chớ không thấy một đồng bào nạn nhân chiến cuộc cần bù đắp, giúp đỡ sao?
Khi viết lại bài này tưởng niệm điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu, hình ảnh cuộc gặp năm xưa rõ mồn một. Khoảng sân rộng, dáng người cao, giọng nói lớn đối nghịch với kiếp tài hoa bị hủy hoại.
Bài thơ được viết trong cảm xúc đó, xin đăng kèm bài viết này…
Ngày 8.5.2025