Nhũ hoa và trăng lưỡi liềm

Hồi ức Trần Mộng Tú

Tuần qua, chị đi làm Soi Ngực (Mammogram) hàng năm. Trên màn hình, ngực bên phải của chị có một dấu đen đậm. Chị được chuyển sang làm Siêu Âm cho rõ hơn. Sau khi làm Siêu Âm, bác sĩ vào cho biết đó là một khối u, chị phải làm thử nghiệm Sinh Hóa (Biopsy) để lấy một phần tế bào (tissue) trong khối u ra thử nghiệm xem lành hay dữ. Bệnh viện làm cho chị một cái hẹn năm ngày sau đó.

Trong năm ngày này chị bận rộn với một người bạn vong niên rất thân trong nhóm đọc sách của chị mới qua đời. Chị còn phải đi thay bằng lái xe, vì mấy ngày nữa đến sinh nhật chị, hết hạn năm năm. Rồi tuần này tới phiên chị mang thức tráng miệng cho Women Shelter, nhiều việc làm cho chị phải quên và gác mối lo bệnh tật của mình sang một bên. Nhưng quả thật khi tối vào giường nằm chị tự hỏi. Bây giờ nếu mình bị ung thư  thì mình sẽ phản ứng thế nào nhỉ? Sẽ chạy chữa, hay để mặc kệ nó. Sẽ dùng Đông Y hay Tây Y và cuối cùng, mình có bị cắt đi một bên ngực hay không? Nghĩ đến bị cắt đi một bên ngực, chị thấy người chao đi như bị ngã xuống hố.

Chị được chích gây tê, chị nằm nghiêng nhìn lên màn hình, theo dõi bác sĩ luồn một cái trông giống như cái ống hút sinh tố có đầu nhọn vào ngực mình. Bác sĩ nói:

-Bà sẽ nghe thấy một tiếng động như tiếng cái máy ghim giấy (stapler) ấn mạnh xuống, đấy là tôi cho ống vào lấy một ít tissue ra. Tôi sẽ làm bốn lần như thế.

Chị thấy đau, nhưng không đau lắm, vì có thuốc tê, chỉ thấy như có sức ép trên ngực mỗi lần bác sĩ thúc mạnh cái ống hút vào.

Chị nằm lơ mơ nghĩ tới chữ Nhũ Hoa. Tại sao lại gọi Nhũ Hoa là bộ ngực phụ nữ. Tiếng Hán nhũ có nghĩa là non là sữa; Nhũ trư là heo sữa, nhũ cáp là vịt con. Người đi ở vú, cho con chủ nhà bú sữa của mình được gọi là Nhũ Mẫu, nghe hay quá.

Chị lại nghe bác sĩ nhắc: Tôi sắp làm đấy nhé, một tiếp phập vang lên, chị thấy nhói một cái, lôi đầu óc về thực tại. Bác sĩ đang đặt một miếng kim loại vào nhũ hoa chị, để đánh dấu nơi vừa lấy mẫu thí nghiệm ra. Mai kia mốt nọ khi có kết quả, nơi đó, nếu xấu có thể là nơi họ sẽ mổ và lấy ra, hoặc tốt hơn là nơi họ cần theo dõi mỗi sáu tháng một lần. Chị than thầm trong đầu. Chao ôi, tội nghiệp cho bông hoa bé nhỏ của tôi!

Các cụ ngày xưa đi chọn con dâu, thường chọn phụ nữ có hông to (Đàn bà rộng hông, đàn ông rộng vai) để sanh đẻ cho dễ, có ngực nở để có nhiều sữa cho con. Đàn bà ngực lép cũng bị chê như đàn ông không có râu (Nam tu Nữ nhũ) Đàn ông không râu bất nghì, đàn bà không vú lấy gì nuôi con. Nhưng các cụ mà sống lại ở thời đại này, các cụ sẽ bị lừa hết. Những bộ ngực đang khoe ra bên ngoài áo kia không chứa sữa cho cháu cụ đâu.

Dưới làn da đó có một cái túi bên trong đựng nhựa dẻo hay nước muối đấy ạ.

Tất cả khoảng ba mươi phút. Sau đó y tá ngồi cạnh giường đặt một miếng gạc dày lên chỗ cắt và ấn chặt mười phút để không cho chảy máu, rồi đặt nước đá. Trong khi ấn tay vào ngực chị thật chặt để cầm máu, cô y tá dặn rất kỹ: Có thể chảy máu, có thể bầm tím, có thể nhiễm trùng. Trong vòng ba ngày không được xách nặng bên tay mặt. Một ngày sau mới được tắm, cố tránh chạm vào vết cắt. Đau quá thì uống Tynenol, không được uống Aspirin, vì sẽ làm loãng máu, dễ chảy máu. Nếu chảy máu không ngưng phải vào cấp cứu ngay.

Những lời dặn của y tá làm chị thấy sợ hơn là khi bác sĩ đang lấy mẫu trong nhũ hoa chị.

Chị được chuyển sang phòng khác, chụp thêm hai tấm Mammogram nữa. Trên màn hình chị nhìn thấy một mảnh kim loại sáng ngay trong nhũ hoa, bác sĩ vừa bỏ vào trong đó để đánh dấu. Trong giấy tờ nói mảnh titanium này chỉ nhỏ bằng nửa hạt gạo, nhưng ở trong hình nó được phóng lớn hơn. Trước mắt chị nó có hình dáng như mảnh trăng lưỡi liềm thu nhỏ lại. Chị thấy nó lấp lánh, đẹp quá!

Chị phải đợi kết quả trong ba hôm nữa. Trong ba hôm, mỗi tối đặt lưng xuống giường, chị lại băn khoăn “Nếu bị ung thư, có nên cắt hay không?”. Đó là một phần thân thể của mình, đã gắn bó với mình mấy chục năm rồi.

Nghĩ đến phải cắt đi một bên ngực chị tiếc quá. Nhũ hoa mà, hai bông hoa đang cắm trong bình ngực bây giờ tự nhiên cắt vứt đi một bông, cái bông còn lại chắc sẽ ngơ ngác buồn lắm. Dù hoa không còn rực rỡ như hồi xuân trẻ, nhưng nó vẫn đằm thắm dịu dàng bên chị một đời.

Chị nghĩ đến những áng văn, những bài thơ ca ngợi vẻ đẹp, sự quyến rũ của bộ ngực phụ nữ.

Buổi em về, xác thịt tẩm hương hoa
Ta sống mãi thở lấy hồn trinh tiết
Ôi cám dỗ! Cả mình em băng tuyết
Gợn xuân tình lên bộ ngực thanh tân
(Đinh Hùng)

Thượng Đế đã đặt vào cặp nhũ hoa đó cả vẻ mỹ thuật của hình thể đến nhiệm vụ đầy thiêng liêng của người mẹ. Chị là người mẹ của ba đứa con. Các con của chị cũng được bú sữa mẹ lúc còn bé bỏng và đến giờ chị vẫn nhớ cái cảm xúc khi lần đầu cho núm vú mình vào cái miệng nhỏ xíu đó.

Lâu lắm con thèm ăn gạo giã

Thèm mùi sữa ngọt sữa con so (Kiên Giang)

Chị sẽ buồn lắm nếu một ngày nào đó chị phải cắt đi một bên nhũ hoa, như người ta cắt một bông hoa héo tàn vứt ra ngoài sân.

Cám ơn Thượng Đế, ba hôm sau chị nhận được tin lành. Chị chỉ cần theo dõi mỗi sáu tháng, vì đó không phải dấu vết của ung thư. Bất giác, chị nhớ đến mảnh kim loại có hình trăng lưỡi liềm thu nhỏ đang nằm trong ngực mình, vẻ lấp lánh của nó đẹp như một câu thơ.

Chị nhớ đã nghe ai nói: Trăng là một người bạn để cho kẻ cô đơn trò chuyện (*).

Từ nay khi nào chị cảm thấy cô đơn, chị sẽ cúi xuống ngực mình trò chuyện với mảnh trăng này.

Ngày 13/12/2015

—————————————-

(*) The moon is a friend for the lonesome to talk to. – Carl Sandburg

Comments are closed.