Rừng già

Truyện Trung Trung Đỉnh

Image result for "Trung Trung Đỉnh"Nhà văn Trung Trung Đỉnh vừa gởi cho Văn Việt truyện ngắn Rừng già của anh. Trung Trung Đỉnh tên thật là Phạm Trung Đỉnh, sinh năm 1949 tại Hải Phòng. Anh từng là bộ đội tại chiến trường Tây nguyên trước 1975. Sau 1975, anh về Trại Sáng tác Quân Khu V rồi đi học Trường Viết văn Nguyễn Du – Khóa I.

Anh đang sống tại Hà Nội, từng là Giám đốc- Tổng biên tập Nhà Xuất bản Hội Nhà văn.

Tác phẩm:

Thung lũng Đá Hoa (truyện ngắn)

Người trong cuộc (truyện ngắn)

Đêm nguyệt thực (truyện ngắn)

Những người không chịu thiệt thòi (truyện ngắn)

Ngược chiều cái chết (tiểu thuyết)

Tiễn biệt những ngày buồn (tiểu thuyết)

Chuyện tình ngõ lỗ thủng (tiểu thuyết)

Bậc cao thủ (truyện ngắn)

Lạc rừng (tiểu thuyết)

Sống khó hơn là chết (tiểu thuyết)

Văn Việt xin trân trọng giới thiệu.

Tôi phải thú thực với các bạn, chính tôi cũng không hiểu điều tôi sắp kể ra đây nó là cái gì, mặc dù đã nhiều đêm thao thức về nó, sau cái ngày trở lại làng Plei Tul ấy. Tôi đã cố tự giải thích cho mình rằng, đó không phải sự thực. Sự thực không thể như thế! Đó chẳng qua chỉ là một hiện tượng bí ẩn của thiên nhiên. Mà thiên nhiên thì đầy rẫy những bí ẩn, trong khi đó, con người chúng ta lại cố công khai thác sự bí ẩn ấy, truy lùng nó đến tận cùng. Rốt cục, sự thực rành rành ngay trước mắt ta lại thành ra bí ẩn. Và con người không thể muốn thế nào cũng được!

Giờ đây đã có một khoảng thời gian đáng kể, kể từ khi sự kiện ấy diễn ra, một lần nữa tôi lại có dịp trở về làng, ở lại hẳn một tuần với bà con, và sau đó lội bộ hai ngày hai đêm ròng rã trong rừng già, tìm được nhà H’Riêul, và tôi đã ở lại nhà cô mấy ngày nữa. H’Riêul chính là “con ma” tạo nên dư luận, gây chấn động không phải chỉ trong phạm vi tỉnh nhà, mà đã lan truyền ra toàn quốc. Hơn thế, báo chí nhiều nước đã nhắc tới cô như là một hiện tượng lạ cùng những lời bình, thực ra họ cũng chẳng hiểu họ đang bình cái gì! Tuy nhiên, họ cũng đưa ra những bằng chứng với những tấm ảnh khi cô còn là cô gái, là đàn bà, và sau đó những tấm ảnh khác, khi cô đã biến thành đàn ông. Tất cả đều đúng với sự thực. Cái sự thực được thoát ra từ những lời đồn ở trường Trung học Y tế tỉnh, nơi H’Riêul học. Tiếp đó là bài ghi chép gây náo động giới báo chí, và rồi chốt lại ở bài phóng sự nhiều kỳ, phải nói là bài phóng sự rất công phu, với một bút pháp linh hoạt và chân thực của anh bạn tôi, một nhà phóng sự lừng danh, cũng in ở báo tỉnh. Lập tức sau đó, mấy tờ báo lớn ở trung ương và các thành phố trong khu vực in lại nguyên xi, có thêm những lời bình khá hấp dẫn cùng bài phỏng vấn của họ với tác giả. Tác giả thêm một lần nữa khẳng định sự thực là “một trăm phần trăm”. Rằng chính anh đã có cơ hội áp sát H’Riêul, khi cô đã trở thành đàn ông, bắt tận tay cái vật để phân biệt giới tính ấy.

Vậy mà chỉ riêng H’Riêul là im lặng, giống như cô đã im lặng dẫn người tình của mình là cô H’Lơ trốn trường về làng. Làng đánh chiêng đuổi “con ma” và vì thế, cô phải dẫn H’Lơ vào rừng sinh đẻ. Sự việc là như vậy. Sau khi mẹ tròn con vuông, cô H’Lơ đã bỏ lại đứa con gái của mình cho H’Riêul, trốn về làng cô mãi tận núi Kon Từng. Đã năm năm rồi, H’Riêul ở vậy nuôi con. Cũng may mà thằng Ksor Tik, con trai cô, đứa con với người chồng cũ thời trong rừng đánh Mỹ, bây giờ đã lớn. Nó không chịu nổi áp lực của dư luận, cũng như không chịu nổi sự thực quá bi đát đến vô lý ấy của mẹ mình, và nó đã bỏ trốn trường nội trú đi tìm mẹ, để sinh sống, để cũng trở thành “con ma”. Nó chính là cái gạch nối giữa cô với cuộc sống bên ngoài…

***

Tôi ở nhà H’Riêul tới ngày thứ ba, cô mới chịu đem ghè rượu ủ trong xó tối ra mời, nhân thằng Ksor Tik bẫy được con chồn. Mấy năm nay ba mẹ con H’Riêul sống thui thủi với nhau. Đứa con gái gọi cô là “cha” không lúc nào rời khố anh nó. Nó gầy đét và ngớ ngẩn. Nhìn kỹ, nó có nhiều nét giống cô, vừa có vẻ lạnh lùng bí hiểm, vừa ẩn chứa một nỗi buồn đến hoang vắng. Nhất là đôi mắt to, đôi mắt to thỉnh thoảng bất chợt ta gặp, chứ còn chẳng bao giờ nó ngước nhìn lên, lúc nào nó cũng có vẻ thảng thốt.

Tôi cố tránh nhìn cháu khi nó chơi một mình, kể từ khi tôi bị nó phát hiện ra sự quan sát lén của tôi đối với nó, hôm mới đến. Hôm ấy cháu đang ngồi chơi với lũ kiến và tôi tò mò theo dõi. Con bé bất chợt nhận ra sự chú ý của tôi và nó hốt hoảng bỏ chạy. “Ơ Yăt, không phải chú Bình gọi cha con mình là con ma đâu mà sợ hãi”, H’Riêul thấy thế gọi con. Nó núp sau vách liếp nhìn tôi. “Chú Bình là bạn của cha đó”, cô nói tiếng Bahnar với nó, và sau đó, quay sang tôi: “Mẹ nó, cô H’Lơ ấy, là người Bahnar”. Tôi lấy gói kẹo bạc hà chìa cho cháu. Nó thụt vào trong nhà. Thằng Ksor Tik nắm tay em kéo lại trước tôi, cầm gói kẹo đưa cho em. “Cám ơn chú”, nó nói tiếng Kinh rất sõi rồi bế em, lặng lẽ biến vào rừng. Tôi nhìn theo hai cháu, cảm thấy mình mắc nợ với chúng.

Cái dáng loắt choắt, đen đúa của thằng Ksor Tik gợi tôi nhớ đến anh Bơn, cha nó. Nó có vẻ già dặn, từng trải hơn, còn anh Bơn, cũng là một nhân vật lạ. Anh ta chậm cả đôi chân lẫn chậm cái đầu. Chỉ lúc cầm súng vào rừng săn thú, anh mới thực sự là một anh Bơn khác. Cái anh Bơn ủ dột, yếm thế lúc nào cũng gườm gườm không còn nữa, mà rõ là anh Bơn của núi của rừng.

Cả đơn vị ai cũng né anh, nhưng lại rất quý trọng anh, bởi chính anh, chứ không phải ai khác, là cái “kho” thịt thú rừng. Thực lòng mà nói, nếu không phải chỗ bạn bè cũ, hẳn tôi chẳng bỏ công sức ra về đây làm gì. Và nếu không phải chỗ tình cũ nghĩa xưa, hẳn H’Riêul cũng chẳng chịu tiếp tôi. “Mày không sợ mình là con ma à?”, H’Riêul vít cần rượu cho tôi, hỏi. Tôi nói ngay cái ý vừa thoáng trong đầu. Cô cười, cái cười như mếu: “Mày nói đúng một nửa”. “Còn nửa kia?”, tôi vui vẻ hỏi lại. “Nửa kia còn ở trong ghè rượu đây này”, cô nói và chúng tôi bắt đầu hút rượu.

Tôi làm mặt tự nhiên, tựa như chẳng có gì đặc biệt, tựa như cả tuần nay, tối nào tôi cũng uống rượu, chuyện trò với bà con dân làng, với những người bạn cũ, lần về quá khứ, ôn lại với nhau những năm tháng gian nan nhưng đẹp đẽ nhất của thời trai trẻ. H’Riêul bốc thịt cho tôi, tôi ăn nhồm nhoàm tạo không khí, gây cảm giác ngon lành. Cô bảo “Mày ở xa về, hơn mình ở gần. Mấy năm rồi chẳng gặp ai, chẳng ai gặp mình”. Tôi đọc được sự nuối tiếc đến nao lòng của bạn. Bạn tôi đâu phải là sắt đá, càng đâu phải là “con ma”. Cô nhìn tôi với ánh nhìn buồn rười rượi. Tôi lảng chuyện: “Bọn thằng Hiêng, thằng Bliet, thằng Ksor Hạo bây giờ làm ăn khá, uống bia, bỏ rượu cần, chán lắm!”. “Chán gì?”, cô nhấn cần rượu sâu thêm, nhấn sâu thêm cả không khí buồn: “Uống bia có tốt hung mà”, cô nói. Tôi nói lảng: “H’Riêul có thấy mình già đi nhiều không?”- “Làm sao không già?”, cô nói . “Mình hai thứ tóc cả rồi”. Tôi muốn nói với H’Riêul điều gì quá, nhưng sao tôi cứ ấp úng hoài. Cô nhắc: “Uống đi. Một là vui, hai là buồn, đừng chê mình nghèo”. Cô tiếp tục đổ nước từ những quả bầu khô vào ghè. Căn nhà nhỏ giữa chốn rừng già khuya khoắt của mẹ con cô giờ đây thật ấm cúng.

Trước khi tới đây, tôi hình dung khác. Tôi cứ ngỡ mẹ con cô sống bệ rạc, hoang sơ và đói khổ, không phải cái đói khổ thông thường. Bếp bên, anh em thằng Ksor Tik đã ngủ. Thằng Tik ghếch đầu lên một hòn đá làm gối, miệng há ra ngáy. Còn bé Yăt thì nằm cuộn khoanh trong tấm dồ cũ, ôm con chó ngủ chung. Lửa từ hai bếp hắt lên vách nứa nhập nhoà. Tôi cời bếp cho các cháu rồi quay về với cần rượu của mình. Tôi nghe rõ tiếng rượu chuyển roong roóc trong ghè, vị ngọt dâng lên đậm dần, và vị đắng sâu thăm thẳm se sẽ len vào, tan nhè nhẹ, lịm đần dần, thôi thúc tôi hút tiếp. “Rượu mình làm, không ngon bằng rượu của làng đâu”, cô nói với cái vẻ tự mãn khiến tôi chợt thấy hào hứng. Tôi nhắc lại hồi tôi là cán bộ tuyển quân, dẫn cánh H’Riêul từ ấp làng Kồ ra rừng, đưa các cô leo núi quẩn quanh suốt năm ngày trên đỉnh Chư Thoi, sang cả Chư Nghé, vòng về thác IALy mới cho nghỉ.

Bàn chân H’Riêul và mấy cô gái đều bị đá cứa, gai cào sưng tấy. Các cô vừa đi vừa khóc. Mặc, tôi cứ thúc các cô phải đi. Tôi sợ trong số tân binh có người không chịu nổi gian khổ, bỏ trốn về làng thì rất phiền. Đó là nhiệm vụ của tôi. Mãi sau này các cô mới hiểu. “Ngày ấy mình đâu có biết mày là người Kinh”, cô vui hẳn lên. “Mày hát tiếng Gia Rai, tiếng Bahnar giỏi hung. Còn nhớ không?”. “Nhớ chớ, sao không?”, tôi nói và buông cần, vung tay hát những bài hát ngày ấy chúng tôi thường hát. Tôi cảm thấy như mình đang được sống lại thời trai trẻ hồn nhiên và lãng mạn đến ngây ngất.

Huyện đội giao cho tôi nhiệm vụ, mỗi tháng phải tuyển được từ năm đến mười tân binh trong ấp chiến lược dẫn ra rừng. Tôi đã tuyển tân binh bằng các bài hát tiếng Gia Rai và tiếng Bahnar do tôi đặt lời tựa theo các làn điệu dân ca. Ấy thế mà các bài hát cũng được cơ sở ta lan truyền khắp vùng. Bà con phá ấp chiến lược, tôi có bài “Phá ấp giành dân”. Bà con đi dân công tải đạn cho chủ lực, tôi có bài “Ơ anh bộ đội giải phóng”. Tân binh được đưa về hậu cứ huấn luyện, tôi có bài “Huấn luyện mừng vui”. Bao nhiêu năm qua tưởng đã quên rồi, giờ đây gợi lại, chợt nhớ tràn trề. Hai đứa trẻ ngóc đầu dậy nghe tôi và H’Riêul hát. Tôi bốc lên vừa hát, vừa múa tới bên thằng Ksor Tik, kéo tay nó tới bên ghè rượu, bắt nó cùng uống. Nó phải uống với tôi vì nó đâu còn là con nít? Nó bằng tuổi tôi và cha nó ngày ấy rồi đó!

KsorTik ngoan ngoãn vít cần. Cái cách ngồi chụm chân, cái cách hai tay bụm cần rượu của nó thật giống cha nó quá. Bên kia ghè, H’Riêul ngồi im. Hình như cô lấy Đinh Yơng ra thổi. Âm thanh Đinh Yơng cứ như tự chốn nào. thuở nào vọng về chứ không phải bây giờ, ngay trong tầm tay của tôi. Nó cứ chập chờn, chao đảo, lúc đầu như tiếng gió lùa, lúc sau lại như tiếng thở dài ai oán. Hình như tôi say rồi. Đã biết mình say như thế, có lẽ chưa say. Tôi luôn tự nhắc tôi rằng, uống thì cứ uống, nhưng không được say.

Say thế nào được! Có tiếng sấm rền và cả tiếng chinh chiêng âm u, rồi tiếng mưa rơi, lúc đầu có vẻ huyên náo, sau thưa thớt, rã rời. Cái bóng thằng Ksor Tik đổ xuống sàn nhà và tôi chợt nhận ra nó đang nghiêng cổ hút thuốc. Không phải nó mà đích thị anh Bơn. Anh vừa hút điếu thuốc quấn bằng lá chuối vừa hút rượu cần. Anh ngồi xo ro mặt lầm lì hướng ra sàn cửa. Nơi ấy có cô vợ của anh đang uốn mình bổ củi dưới mưa với những động tác uốn mình như múa. Áo váy cô ướt sũng, dính bết vào người, lộ ra những đường nét đầy sức lực và quyến rũ. Anh đứng lên ngồi xuống không yên, mắt vằn đỏ: “Mày ưng cho ướt làm gì? Có phải để cho anh em thấy lưng mày mềm, thấy ngực mày căng không, H’Riêul?”. Anh nói tiếng Gia Rai, giọng cố dằn xuống ngực.

H’Riêul “xí” hắt ra một cái rồi lại uốn mình bổ những nhát rìu xuống thanh củi tươi, thứ củi anh ánh, sáng loà trong mưa. Tiếng áo váy cô sột soạt, nhịp nhàng. Có mấy người lính chạy mưa ào tới rầm rộ, họ cười nói ồn ã, chỉ trỏ bàn tán về vóc dáng của cô chị nuôi, át cả tiếng mưa, làm như không có anh ở đó. Anh giận dữ xách súng vào rừng… Lúc nào anh cũng nghĩ vợ mình sắp theo ai đó. H’Riêul thức khuya hầm bắp, anh ngồi bên cạnh lau súng. H’Riêul dậy sớm nấu củ mì, anh len lén mò dậy coi thử cô có hẹn hò với ai và anh chỉ yên tâm đi nằm khi biết chắc dưới bếp chỉ có mình H’Riêul cùng thằng con địu sau lưng và thêm nữa là cái bóng của cô.

Cuộc sống gia đình anh thợ săn và cô chị nuôi của đơn vị chúng tôi không lúc nào yên tĩnh. Ai cũng biết, nhưng không ai nói ra, phần vì sợ anh tự ái không đi săn nữa. Anh đã đôi lần tự ái treo súng và chúng tôi treo mõm chịu thua, thèm chất đạm rừng. Tôi cũng là tay súng săn có hạng, nhưng không thể gan lì, không thể thính nhạy bằng anh. Anh là thầy tôi trong lĩnh vực này. Nhiều lần bám theo khố anh vào rừng tìm thú, tôi mới nhận ra, phàm đã là người thợ săn, cũng cần phải có biệt tài, cái biệt tài ấy có từ trong máu, không vì cái gì và chẳng cái gì ngăn được. Khi cơn say bốc lên, máu nghiện bốc lên, tựa như cơn hứng khởi bất chợt có trong tim người nghệ sĩ. Hình như anh sinh ra chỉ để làm cái việc ấy. Cái lực cản chỉ có tác động kích thích anh ham mê hơn, cuồng say hơn. Nhưng hễ cứ về tới nhà, chui vào bếp là thế nào anh cũng gây sự với H’Riêul. Cô cắn răng chịu đựng không biết bao nhiêu lần rồi. Thực ra không phải cô gắng công chịu đựng, mà chính cô cũng cảm thấy mình quá lạnh lùng, mặc dù vẫn thương anh. Chính vì thế càng khiến anh cáu bẳn.

Rồi sự thể cũng đến hồi kết thúc. Nó kết thúc chẳng tốt đẹp gì, khi anh Bơn nửa đêm bắn nát nồi thịt hầm, chỉ vì anh bảo H’Riêul đi ngủ nhưng cô ương bướng không nghe. Đã không nghe lại còn nói tức, bảo anh là đàn bà, bảo anh nên mua váy mặc, rằng ai yêu cầu anh đi săn bắn đem về nhiều thịt quá, không hầm, không nấu, để thối à! “Thối thì thối chớ!”, anh quát và nghiến răng xiết cò, hết một băng AK, khiến cả đơn vị náo loạn và không thể tha thứ cho anh. Cả H’Riêul nữa, cô cũng quyết đòi thôi nhau. Thế là anh Bơn bị kỷ luật, không được đi săn, hơn thế nữa, đơn vị thu súng, còn H’Riêul thì không thể nhìn mặt anh. Anh bỏ về làng làm du kích từ đấy…

-Uống nữa đi chớ, chợt H’Riêul nhắc tôi. Đòi rượu rồi cứ ngồi như gốc cây khô thế à?

Tôi bừng tỉnh, bẽn lẽn vít cần. Thằng Ksor Tik chẳng hiểu gì cũng nhoẻn miệng cười rồi bỏ về chỗ nằm. Tôi kéo nó lại, bắt nó uống tiếp, nhưng nó quyết thôi vì mai phải ra chợ sắm đồ.

-Rượu mình không ngon bằng bia thằng Hiêng, thằng Hạo, thằng Bliet à?

H’Riêul nói với vẻ không hài lòng. Tôi nắm tay cô, vít cần cho cô và chúng tôi cùng lặng im hút rượu. Hình như cái điều tôi muốn nói giờ đây mới có dịp bục ra: “Mình ưng làm được cái gì đó giúp mẹ con mày quá”, tôi nói tiếng Gia Rai. “Mày muốn làm gì”, cô hỏi và tôi nhận được sự lạnh lùng của cô đối với sự quan tâm của tôi. Lẽ ra tôi phải thấy được vai trò của mình sớm hơn. Nhưng liệu đã muộn quá chưa? Chẳng lẽ tôi chỉ đến đây để “coi thử” xem mẹ con cô sống thế nào? Chẳng lẽ tôi cũng chỉ là những kẻ tò mò muốn truy lùng cho ra sự thực, giống như anh bạn tôi đã từng “bắt tận tay” cái mà anh gọi là sự thực ấy? Hình như hiểu rõ tâm trạng tôi, H’Riêul muốn lảng và cô đặt vào tay tôi miếng thịt chồn nóng hổi. Tôi không thể từ chối, cũng như không thể không nghe cô nói: “Không phải “làm con ma” dễ dàng đâu. Mày tưởng tui ưng làm người ma à?”. “Tầm bậy, chẳng có ma nào hết”, tôi nói và thấy cô cười chua chát. “Mình không hiểu”, tôi tiếp. Tôi đã mạnh dạn bày tỏ nỗi băn khoăn của mình. Nhưng H’Riêul vẫn cứ lặng lẽ ngồi im hút rượu. Sự lặng lẽ kéo dài khiến tôi cảm thấy chính nó đang bục ra một khoảng tối đặc sánh. “H’Riêul, mày cần phải nghĩ đến tương lai của hai cháu”, tôi nhấn thêm. Không ngờ tôi bị H’Riêul đập cái “bộp” vào vai. Một cái đập mạnh đến nỗi tôi không dám nghĩ đó là của cô. Cô cười: “Mày sợ à?”. Tôi không thể nói là tôi sợ. Nhưng quả tình sự thực không như tôi muốn. Có lẽ tôi nên nhớ rằng, vai trò của tôi không còn như tôi nghĩ nữa… “Phải có bây giờ mới có ngày mai chớ”, cô tiếp và tôi ngậm cần rượu, im re. Đúng là tôi không nên tiếp tục cái lối vào đề cũ mèm ấy nữa!

Thế đấy. Giờ đây mọi sự đã đi vào quá khứ. Một quá khứ mù mờ. Nó luôn hứng đợi một tia sáng, dù nhỏ nhoi để tự nhen lên ánh ngày của sự thực. Nhưng sự thực là tôi đã chếnh choáng say, cũng như H’Riêul đã bắt đầu ngấm rượu. Tôi bảo H’Riêul đổ thêm nước vào ghè. Cô vui vẻ làm theo. “Một là vui, hai là buồn”, cô triết lý. “Buồn vui lẫn lộn. Mày chẳng thay đổi gì cả!”, cô đột ngột nhận xét. Té ra cô cũng quan sát tôi và điều ấy khiến tôi thích thú. Chứng tôi xa nhau có tới hơn hai chục năm rồi, ấy vậy mà mọi điều sống lại cứ ngỡ như vừa mới hôm qua. Tôi khao khát được ôn lại quá khứ nên mới lần mò về đây tìm bạn. Vậy mà bạn tôi lại nên nông nỗi này! “Mày có tin mình đã thành đàn ông rồi không?”, cô nắm cứng cánh tay tôi, hỏi. “Tin”, tôi nói và cảm thấy người run lên: – “Vậy sao mày không gọi mình là con ma?”, HRiêul cười sặc sụa, không giống bản tính của cô bấy nay. Cô khoác vai, ấn cần rượu vào miệng tôi, bảo. Cứ uống cho say đi. Đã đến đây rồi thì còn gì nữa mà né tránh, mà lo ngại.

Tôi tựa vào H’Riêul, tự nhấn mình chìm sâu vào cõi u mê của rừng già, tự đẩy mình xuống sâu hơn cái vực sâu của sự thực mà tôi muốn lôi ra ánh sáng. Rõ là tôi đang uống với cô đây, và rõ là cô đang khoác vai tôi hát những bài chúng tôi vẫn hát, kể những chuyện chúng tôi vẫn kể. Rằng cô đã có con với H’Lơ. một cô gái BahNar đẹp nhất núi rừng. Đó là những ngày hạnh phúc tuyệt vời của đời cô. Hai chị em sống với nhau trong căn phòng nhỏ, giống như các chị em khác sống với nhau, hết ngày này sang tháng khác. Sức học của H’Riêul trội hơn hẳn nhiều người, không phải vì cô giỏi giang gì, mà vì cô đã có nhiều năm làm y tá, thêm nữa, cô lại rất yêu ngành y của mình. Đêm đêm cô chong đèn học, khéo léo che rèm cho H’Lơ ngủ. Và đêm đêm, sau khi đã học xong bài, cô ngồi thẫn thờ nhìn ra ngoài chẳng hiểu vì sao cô khao khát được đi lang thang trong vườn trường, đâu có phải để suy nghĩ gì, mà chỉ là sự khao khát thuần tuý bản năng. Có cái gì đấy cứ trồi lên, cựa quậy trong trí tưởng của cô mỗi lần trở về phòng, nhìn thấy H’Lơ ngủ, dưới ánh trăng chếch qua cửa sổ. Khuôn ngực đầy ứ, căng cứng của H’Lơ lộ ra đầy quyến rũ. Nhiều đêm cô ngồi sát bên H’Lơ, hít mùi thơm nồng của H’Lơ phả ra, chợt run sợ bỏ đi, rồi lại xấn xổ quay vào, ôm ghì lấy H’Lơ. H’Lơ choàng tỉnh, nhưng ngủ lại rất nhanh. Cô len lén nhấc đầu H’Lơ đặt lên cánh tay của mình. Rồi cô cũng chìm vào giấc ngủ đầy mộng mị. Cô cũng không biết cô đã ôm ấp với H’Lơ bao nhiêu lần, và cũng không rõ vì sao H’Lơ không hề phản đối, thậm chí đôi lần H’Lơ còn khuyến khích cô. Mới đầu cho là sự đùa giỡn của những người cùng giới tính. Sau quen dần, cô đã quên mất mình là đàn bà. H’Lơ cũng không biết rằng, những ngày sau đó, từ trong đáy sâu của lòng khao khát tưởng chừng vô hại ấy, đã tạo nên mầm mống của tình yêu. Một thứ tình yêu đầy mê hoặc. Chính tình yêu đã dẫn họ chuyển sang cuộc sống mới từ lúc nào không hay. Họ chăm sóc nhau, giận dỗi, lẫy hờn nhau chẳng khác nào một cặp vợ chổng trẻ. Họ âm thầm quấn quýt nhau mãi rồi cũng không tránh khỏi những con mắt tò mò, những lời qua, tiếng lại.

Mặc!

Hai người ngang nhiên đưa nhau vào làng mua rượu uống, rồi cùng nhau ngất ngưởng về, không còn ý tứ gì nữa. Cho đến một ngày, họ phát hiện ra sự thực là H’Lơ đã mang bầu và anh Rót, người yêu bấy nay của H’Lơ từ đơn vị về. Anh ta là một sĩ quan trẻ, sau mấy năm học mãi trên Đà Lạt, nay được điều về lại tỉnh nhà. Họ đã trao vòng hẹn nhau. Chuyến về này của anh sẽ làm lễ cưới. Cứ tưởng cuộc hội ngộ sẽ giúp H’Rieul và nhất là H’Lơ buông được bạn tình. Nào ngờ ngược lại. Ngay sau ngày đầu gặp nhau, anh Rót đã nhận ra mình bị phản bội và anh vội vã quất ba-lô lên vai, lầm lũi trở về trạm khách, rồi biến mất.

Sự ra đi lạnh lùng của anh Rót tạo nên không khí ngột ngạt của dãy nhà tập thể toàn các chị em gái, bởi suốt hai ngày sau đó H’Lơ và H’Riêul đóng cửa, chẳng phải vì sợ, mà vì họ chưa chuẩn bị cho những tình huống bất ngờ, mặc dù H’Lơ vẫn hằng nơm nớp chờ đợi nó. Thế rồi bầu không khí ngột ngạt của ngày thứ ba ấy cũng được tháo nút, cùng với cánh cửa căn phòng hai người mở ra, người ta thấy xuất hiện một “anh” H’Riêul mặc quần bò, áo phông, ngang nhiên dẫn cô H’Lơ bụng đã lùm lùm, được che khuất bằng bộ áo váy rộng, lên phòng giáo vụ. “Chúng mình ưng nhau”, sau này mấy vị giáo vụ kể lại cuộc tiếp xúc ấy. Cô H’Lơ khóc. Không phải cô ta khóc vì sợ hãi, hay vì lý do gì đại loại như vậy. Mà chính vì hạnh phúc. Cô ta ôm “anh” H’Riêul của cô trước mặt họ, nhận làm vợ anh ta một cách quá đơn giản, quá bất ngờ, khiến các vị không ai kịp phản ứng. Đến khi phản ứng được thì hai người đã dẫn nhau trốn về làng…

Tôi ngơ ngác nhìn H’Riêul, tưởng như mình vừa trong cơn mộng mị thoát ra, nhưng chưa giũ được những gì còn ám ảnh từ giấc mơ quá khủng khiếp ấy. H’Riêul ngồi im phăng phắc, đầu rũ xuông, không phải kiểu rũ xuống của người say, mà là cô đang tự cho phép mình buông thả, sau những giây phút căng thẳng cô vừa trải qua. Tôi cảm thấy bức bối đến nôn nao, chỉ muốn thoát khỏi chính mình. Và tôi len lén mở liếp, lách ra ngoài sàn cửa.

Rừng già vây bủa những đốm lân tinh lập loè cùng tiếng côn trùng ri rỉ và tiếng sương rơi, thi thoảng có luồng gió mang hơi ẩm mốc lùa lên, Đâu đó xa lắm có tiếng suối chảy, tiếng chinh chiêng tựa hồ không phải thứ âm thanh ấy của con người, mà nó được sinh ra cùng với rừng già. Ôi, rừng già! Tự dưng tôi muốn gào lên để được hoà mình vào với cái thâm sâu huyền bí của đại ngàn, để đại ngàn biết rằng, chính vì có nó mà sinh lắm chuyện! Lại chính vì có nó mà tôi đau đáu trở về.

Tôi cảm thấy hưng phấn, muốn nhảy tung lên, mặc dù chẳng nhìn thấy gì, chỉ biết rằng, quanh tôi đây là thiên nhiên hoang sơ, có từ muôn thuở, và quanh tôi đây, có thể lắm, chỉ trong khoảnh khắc chính tôi biến thành lá mục, chính tôi bỗng dưng tan ra biến thành sương đêm, hoá thành tiếng kêu khản đặc của con mang già, hoá thành tiếng rúc não nề của con cú.

Vậy là tôi đã trở về với cội nguồn, trở về cõi thực của xứ sở đam mê, xứ sở của cái mà bấy lâu ta vẫn gọi là hư vô rồ dại. Bao nhiêu năm lặn lội với rừng già, bao nhiêu năm xa nó, giờ đây đứng giữa thiên nhiên, không hiểu sao bỗng dưng tôi muốn trút bỏ hết áo quần, trút bỏ hết tất cả những gì đè trĩu lên tâm tưởng tôi bấy nay, để được dâng hiến, để được tan ra cùng hương rừng tinh khiết, cùng bóng đêm hun hút, mang theo tiếng đinh-yơng chập chờn đâu đó của H’Riêul. Không phải H’Riêul đang thổi đinh – yơng, mà chính cô cũng đang hoá thân vào chốn thâm nghiêm đầy mộng mị của rừng già.

Tôi se sẽ ngả mình xuống sàn nhà, se sẽ dang chân, dang tay nhìn vòm lá đung đưa cùng những đốm sáng li ti trên tít cao vời cũng đang đung đưa, nhấp nháy với cái vẻ tự mãn hào phóng vô độ đầy quyến rũ của tạo hoá. Và tôi đã lịm đi, hình như lâu lắm, cho đến khi chợt tỉnh, tôi bàng hoàng nhận ra trăng sáng rờ rỡ, toàn thân tôi ướt sũng sương đêm, nằm sát bên tôi đây là một người đàn ông cường tráng. Anh cũng không mặc áo quần, chỉ quấn hờ quanh lưng một giây khố. “Thôi, vào nhà uống tiếp”, anh nói và đỡ tôi dậy. Tôi run rẩy theo anh. Run rẩy nhận ra đích thị H’Riêul. “Đừng sợ”, anh nói và chỉ tay ra phía cửa sau, nơi ấy là cánh đồng lúa nước.

Một đụn sương đặc quánh ấp lên một mỏm đồi trọc. Trời đã bắt đầu hửng sáng và tôi cuống cuồng nhảy ra khỏi nhà. Nhưng tôi không thoát khỏi cánh tay rắn chắc của H’Riêul. Tôi cầu cứu rừng già của tôi, nhưng sự thực thì rừng già đâu còn để tôi chạy trốn.

Comments are closed.