Sasha (Trắng Trên Đen 10)

Ruben David Gonzalez Gallego

Vũ Thư Hiên dịch

Hai đứa chúng tôi quen nhau từ thuở lên năm. Sasha bắt nạt tôi. Sau, chúng tôi chơi với nhau. Mẹ Sasha hay cho tôi ăn kẹo, có lần bà còn cho tôi một đồ chơi vặn dây cót. Một người đàn bà mạnh mẽ, đầy uy lực, rất thảo tính, bà nuôi dạy được đứa con ngoan. Mới đây thôi – khoảng năm năm về trước – tôi mới biết bà có ý định nhận tôi làm con nuôi, nhưng người ta không cho. Khi tôi đã trưởng thành, tôi có hỏi vì sao bà lại có ý định ấy, bà hiểu ngay ý tôi và trả lời mộc mạc:
– Như thế Sasha nó đỡ buồn. Hai đứa sẽ được chơi với nhau. Cháu thi vào đại học được, cháu thông minh, không như cái thằng ba vạ nhà bác. Bác có thể giúp cháu trở thành một giáo sư.
Tôi nhìn vào mắt bà, một người đàn bà Nga thông minh, và tôi tin nếu người ta cho bà nhận tôi làm con nuôi thì chẳng trở ngại nào có thể ngăn cản bà bế tôi trên tay đến lớp học, bà quyết biến tôi, một thằng bé Tây Ban Nha mắt đen thành một giáo sư toán học. Bà không phải bác sĩ, không phải nhà sư phạm, nhưng bà đã nhìn ra trong mắt thằng bé lên năm cái điều mà rất nhiều hội đồng y khoa muốn tìm hiểu mà tìm không ra. Tôi biết, bà sẽ không thèm đọc những xét nghiệm của tôi về “di chứng liệt não” hoặc “thiểu trí năng”. Bà đã nhìn thấy tôi trong mắt tôi.
Nhưng tôi sẽ viết ở đây về Sasha, đứa con trai của bà. Về một đứa trẻ có mẹ.

***

Tôi không còn nhớ rõ cái thời thơ ấu xa xôi của chúng tôi, khi chúng tôi còn là những đứa bé tí tẹo. Tôi chỉ thật sự biết Sasha khi số mệnh an bài cho chúng tôi gặp nhau ở một trong những nhà trẻ của đời tôi.
Sasha bò trong hành lang và hát:
… Một cái vươn vai bứt tung xiềng xích
Những lực sĩ bước lên võ đài.
Sasha khác chúng tôi nhiều. Là thủ trưởng lớn trong hệ thống thương nghiệp, mẹ Sasha nuôi con một cách đơn giản. Bà mang Sasha theo đến sở làm và cho nó biết mặt thật của cuộc sống. Saha biết tất mọi cách tính toán, các loại hoá đơn, biết cách phân chia các khoản lỗ và vì sao người ta cho chúng tôi ăn cháo bột ít như thế.
Sasha bò trong hành lang và hát. Giọng cậu ta to, ở xa nghe cũng rõ. Cậu ta lớn tiếng chào các bà bảo mẫu và các thầy khi gặp họ đi ngược chiều. Sasha gọi tất cả bọn họ là “cán bộ”.
Sasha vào nhà trẻ muộn. Bà mẹ đã bỏ nhiều thời gian và công sức chữa chạy cho con. Cũng như những bà mẹ khác, bà muốn được thấy con mình là một đứa trẻ khoẻ mạnh và hạnh phúc. Thành thử khi vào nhà trẻ Sasha lớn hơn nhiều so với các bạn cùng lớp.
Tôi khó chịu với cái lối hát ông ổng của Sasha. Tôi không thích cách cậu ta không lễ phép thưa gửi khi nói chuyện với các bà bảo mẫu . “Này, Mania, bà đừng có hà tiện như thế nhá, cho đây thêm ít cháo bột đi nào. Cho cả cậu kia nữa. Bà tưởng nó không cha không mẹ và chẳng được ai bênh vực thì không cần cho nó ăn cũng được hay sao?” Lúc đó tôi chưa hiểu được rằng đàng sau vẻ thô lỗ cố ý ấy là sự bực bội giấu giếm. Tôi coi các bà bảo mẫu là những á thánh, còn Sasha thì đốp chát với những câu chửi tục tằn mất dạy bằng những lời lẽ y như thế.
Hồi đó tôi chẳng hiểu gì cả.

***

Sasha nhận quà. Mẹ Sasha biết cuộc sống trong nhà trẻ chẳng tốt đẹp gì, bà gửi cho Sasha những bưu kiện thức ăn rất lớn. Là một bà mẹ yêu con, bà muốn Sasha có bạn, muốn cho con mình được học, nên mới gửi Sasha vào nhà trẻ. Bà đưa con về nhà vào mùa hè và những kỳ nghỉ. Để cuộc sống của con mình trong nhà trẻ đỡ cực, bà làm đủ mọi việc có thể làm được: bà gửi quà, bà ký gửi tiền cho Sasha ở nhà trẻ.
Không phải bà mẹ nào cũng giống bà mẹ nào. Những bà mẹ ngớ ngẩn một cục thì mang đến hoặc gửi đến kẹo bánh cho con. Những bà mẹ sáng dạ mang đến cho con mỡ lợn hun khói, tỏi, đồ hộp nhà làm, nói chung là đồ ăn thông thường.
Mẹ của Shasha không phải chỉ là một bà mẹ sáng dạ, bà còn là một thủ trưởng lớn. Bà thường gửi cho Sasha những bưu kiện sang trọng có sô-cô-la và thịt lợn hầm, dứa hộp và nước quả bơ.
Hôm đó bà gửi một lúc hai bưu kiện, mỗi cái nặng mười một kí. Sasha đặc biệt tự hào về trọng lượng của bưu kiện nhận được.
– Theo nguyên tắc của bưu điện Liên Xô, mỗi người chỉ được phép gửi bưu kiện có trọng lượng đến mười kí là cùng, nhưng … (đến đây, Sasha ngừng lại một chút) trong những trường hợp đặc biệt thì có thể được gửi tới mười một kí.
Hồi đó chúng tôi chẳng hiểu gì về những nguyên tắc bưu điện, nhưng chúng tôi hoàn toàn chia sẻ niềm vui của Sasha. Bưu kiện càng lớn càng tốt, cái đó đã đành, ai chả hiểu.
Cô quản giáo thở hồng hộc và luôn miệng quở trách các ông bố bà mẹ yêu con, vác hai bưu kiện đến:
– Này Sasha, theo nguyên tắc của nhà trẻ, cô chỉ có thể cho em nhận mỗi lần không quá hai trăm gam thức ăn. Khẩu phần của các em đã được cân đối, ăn nhiều quá có hại. Trước khi cho em nhận, cô còn phải kiểm tra chất lượng của thức ăn cái đã.
Bà nói thế rõ là thừa.
– Thế cô sẽ kiểm tra bằng cách nào, thưa cô? Bằng một dụng cụ chuyên biệt, hay là bằng cách, xin lỗi cô, dùng lưỡi để nếm? Dụng cụ chuyên biệt thì ở đây hình như em không thấy có. Ta đành thoả thuận với nhau thế này vậy. Cô kiểm tra hộp thịt hầm và hộp dứa, phần còn lại thì để đấy cho em là xong. Được không, cô?
– Sao em lại có thể nghĩ bậy bạ như thế? Cô chẳng báu gì món thịt hầm của em. Em chọn thứ gì em thích, rồi cô sẽ mang hai bưu kiện của em đi.
– Thế thì thế này vậy. Bây giờ em chẳng chọn gì hết, cô cứ mang tuốt đi. Ngày mai cô lại mang đến, em cũng lại chẳng chọn gì hết. Cô có trách nhiệm mang hai bưu kiện này đến cho em. Cô phải mang chúng đến cho em mỗi ngày, khoảng hai tháng liền, cho đến khi mẹ em tới. Đến ngày ấy cô sẽ giải thích cho mẹ em nghe về chuyện ăn quá mức và về kiểm tra chất lượng thức ăn. Cô tin em đi, mẹ em là cán bộ thương nghiệp, bà ấy biết hết chuyện kiểm tra chất lượng sản phẩm là thế nào.
Viễn cảnh cuộc nói chuyện với mẹ Sasha chẳng làm cô quản giáo thích thú.
Sasha là một cậu bé thông minh. Cậu ta hiểu: phải dành cho đối thủ một đường rút.
– Em có sáng kiến này, cô ạ. Bây giờ cô chỉ kiểm tra ngày sản xuất ghi trên các hộp giấy và hộp sắt thôi, hộp nào quá hạn thì cô tịch thu. Còn chuyện chỉ được ăn hai lạng thôi thì cô đừng lo. Em không ăn mấy hộp này một mình và cũng sẽ không ăn hết trong một tối đâu.
Cô quản giáo hài lòng với cách giải quyết ấy. Chẳng dại gì mà cãi nhau với mẹ Sasha. Hơn nữa, bà thừa biết mẹ Sasha không bao giờ bạ thứ nào gửi cho con thứ ấy. Với tất cả tinh thần trách nhiệm, bà kiểm tra toàn bộ thức ăn, không cái nào quá hạn cả. Sasha được nhận cả hai bưu kiện. Cậu ta hào phóng biếu cô quản giáo hộp thịt hầm. Bà từ chối. Tức thì Sasha lấy trong bưu kiện ra một hộp dứa.
– Cô cũng có các em mà. Cô chuyển giùm em cái này cho các em ở nhà.
Cô quản giáo lưỡng lự. Bà cũng muốn mang hộp dứa về cho các con, nhưng bà còn giận Sasha, giận cái cách ăn nói bỗ bã của cậu ta, chẳng gì bà cũng là người đại diện của chính quyền và là người lớn. “Cho các em ấy mà…” Sash nói và nhìn vào mắt bà. Bất thình lình cô quản giáo mỉm cười, cầm lấy hộp dứa và bỏ đi. Bà là một phụ nữ tốt bụng và Sasha không giận bà.

***

Liên Xô là đất nước của sự khan hiếm toàn diện. Khan hiếm, ấy là khi một thứ gì đó không có bán trong các cửa hàng và dù có bao nhiêu tiền cũng không mua được nó. Nhân viên nhà trẻ thường nhờ Sasha mua hộ họ “hàng hiếm”. Thường thì Sasha từ chối. Cậu ta không muốn chơi cái trò chơi của người lớn. Sasha không ác, không tham, chẳng qua cậu ta hiểu rằng mẹ cậu ta không thể có khả năng cung cấp hàng hiếm cho tất cả mọi người. Cô quản giáo nhờ Sasha mua hộ kiều mạch. Kiều mạch là hàng hiếm. Mẹ của cô cần hạt kiều mạch, bà cụ bị bệnh tiểu đường. Cụ không chịu ăn gì hết, nói cho đúng, cụ cần ăn chay nghiêm. Trong các thức ăn được phép dùng cho người bệnh có hạt kiều mạch. Sasha viết thư cho mẹ. Bà liền gửi cho cậu hạt kiều mạch.
Cô quản giáo mang bưu kiện đến cho Sasha. Trong bưu kiện có hai kí hạt kiều mạch. Bà nhìn Sasha. Chờ đợi.
– Hạt kiều mạch, loại một, – Sasha nói – giá bốn muốn tám kopek một kí. Cô phải trả em chín mươi sáu kopek.
– Được, cô sẽ ghi rằng em có ở cô chín mươi sáu kopek.
Chả là học sinh nhà trẻ bị cấm không được giữ tiền mặt.
Những ông bố bà mẹ ngu ngốc mới đưa tiền gửi cán bộ quản giáo. Học sinh ở nhà trẻ đề nghị với quản giáo, đến phiên trực của mình quản giáo sẽ mang cho học sinh thứ học sinh nhờ mua. Như vậy, học sinh có thể mua kẹo hay bút chì chẳng hạn. Nhưng không thể nhờ quản giáo mua đồ cấm. Ngoài rượu và thuốc lá ra, các thứ khác như cá hộp, trứng, bánh và tất tật mọi sản phẩm tự chế tạo tại gia đình đều bị cấm hết. Rõ ràng là tiền mặt được trọng hơn tiền lưu ký nhiều.
– Không. Thế không chơi. Như thế không phải là buôn bán. Không kể vụ này, cô còn giữ của em năm mươi rúp. Cô không đưa cho em chứ?
– Không. Cái đó cấm. Thế em định dùng hạt kiều mạch sống làm gì?
– Em sẽ bán cho cô Dusia. Cô ấy là bảo mẫu, cô ấy coi những cấm đoán của nhà trẻ chẳng là cái gì.
– Nhưng cô cần hạt kiều mạch cho mẹ cô. Em đã hứa với cô rồi cơ mà.
– Em không có điều gì không bằng lòng mẹ cô hết. Cụ cứ ăn hạt kiều mạch cho sướng. Nhưng em hứa bán cho cô, chứ em không hứa biếu cô.
– Thôi được. Em cầm lấy một rúp, và thế là không bên nào nợ bên nào.
– Không. Cô thiếu em đúng chín mươi sáu kopek. Em không có bốn kopek để trả lại.

Cô quản giáo vào cuộc. Bà ta đi lấy tiền lẻ.
Cuộc mua bán thế là xong.

***

Bữa sáng chúng tôi được ăn cháo kiều mạch. Cháo kiều mạch là của hiếm trong nhà trẻ. Chúng tôi mỗi đứa được hai muôi, chúng tôi sướng. Chỉ Sasha là không sướng. Cậu ta văng tục, gân cổ nổi lên, Sasha văng “Đồ chó má”, rồi cầm khẩu phần cháo của mình bò đến phòng bảo mẫu, ở đó người ta đang ăn.
Thân của Sasha là thân của một người đàn ông khoẻ mạnh. Hai chân cậu ta xoắn vào nhau thành một cái nút kỳ lạ, một tay bị liệt. Cậu ta bò đến phòng bảo mẫu, lấy đầu mở cửa phòng và dùng cánh tay khoẻ mạnh của mình quẳng đĩa cháo vào trong.
Trong phòng bảo mẫu lúc bấy giờ chỉ có một bà bảo mẫu, cô con gái và ông chồng bà ta. Trước mặt mỗi người là một đĩa cháo đầy.
Người đàn ông ngẩng lên khỏi đĩa cháo. Ông ta nhìn thấy Sasha và nghe thấy Sasha nói gì. Đại khái Sasha nói bà bảo mẫu chẳng những đã ăn bẫm trên nỗi đau khổ của người khác, mà còn bao cả cô con gái mặt lợn lẫn ông chồng Khokhol . Tất nhiên, không phải Sasha nói nguyên văn như thế. Sasha nói bằng tiếng Nga bình thường có pha lẫn những lời tục tĩu thượng thặng. Tôi không muốn nhắc lại những lời đó. Người đàn ông để rơi thìa cháo và buông độc một câu “Mania, ta đi khỏi đây đi!”. Sasha bò ra khỏi lối vào phòng, và bọn họ bước ra.
Bà bảo mẫu trở lại, một bên mắt tím bầm phía dưới, tay xách một xô cháo đầy. Té ra ở nhà ăn không thiếu gì cháo, chẳng qua bà ta lười không muốn xách một xô đầy.

***

Sasha bị buộc vào tội hút thuốc lá.
Tiền thì Sasha lúc nào cũng rủng rỉnh, thậm chí có thể mua thuốc lá đắt tiền. Nhưng cậu ta không hút. Không hút thật sự.
Hôm đó Sasha chuẩn bị trước thuốc lá, bò đến gần phòng giáo viên và hút. Cậu ta hút ra hút, rít những hơi dài. Các thầy đến phòng giáo viên, nhìn anh chàng ngang ngạnh, nhưng các thầy mặc kệ. Khói thuốc lá ngập ngụa hành lang, tràn cả vào phòng giáo viên. Rốt cuộc, ông hiệu trưởng cũng phải tới.
Ông hiệu trưởng của chúng tôi là người tốt.
Ông ta ngồi xổm xuống trước Sasha.
– Em tắt thuốc đi.
– Có thế chứ. Em đã tưởng phải hút bằng hết chỗ thuốc này.
– Em hút thuốc gì vậy?
– “Cosmos”. Tởm lắm, nhưng dù sao cũng có đầu lọc.
– Tại sao em lại hút bên cạnh phòng giáo viên?
– Em đợi thầy.
– Sao thế? Em thừa biết hút thuốc lá là có hại. Kể cả thuốc có đầu lọc.
– Em có hút đâu. Em không phải là thằng ngốc để đầu độc mình, đã thế lại còn phải bỏ tiền làm chuyện đó. Chẳng qua là tại người ta buộc em tội hút thuốc. Em mặc họ, em chẳng cần, nhưng cô quản giáo lại bảo em lừa dối cô ấy. Nếu em quyết định hút thì em sẽ hút công khai. Sức khoẻ của em là chuyện riêng của em. Nhưng em không cho phép ai được phép nghi ngờ em dối trá. Nếu cô ấy rất muốn em hút thì em sẽ hút trước mặt cô ấy.
– Có nghĩa là bằng sự không tin, người ta đã xúc phạm em, và em quyết định phản đối ngay tại đây?
– Vâng.
– Được rồi, thầy sẽ nói chuyện với cô ấy. Em còn thuốc đấy chứ?
– Còn hai bao rưỡi.
– Em đưa cho thầy được không?
– Thuốc đắt đấy, thầy ạ.
Ông hiệu trưởng mỉm cười, thò tay vào túi lấy tiền. Ông cầm thuốc lá, đưa tiền cho Sasha và đi vào phòng giáo viên.
Trong nhà trẻ ấy có ông hiệu trưởng rất tốt.

***

Ở nhà trẻ của chúng tôi có những giáo viên rất tốt. Đó là những người tự tin ở nghề nghiệp của mình. Tất nhiên, công việc giáo viên nhẹ hơn công việc bảo mẫu rất nhiều. Các giáo viên không phải săn sóc chúng tôi. Đối với tôi nhận xét của một thầy giáo chẳng có giá trị gì so với nhận xét của một bà bảo mẫu. Nhưng dù sao mặc lòng, các thầy giáo vẫn là những người lớn cần thiết cho xã hội, còn tôi chỉ là một cục thịt thừa. Sasha thì lại không nghĩ như thế.
Một hôm có một cô giáo mới, dạy tiếng Nga, đến làm việc ở trường chúng tôi, Những giáo viên tình cờ đến làm việc với chúng tôi biến đi rất nhanh, không gì giữ họ lại được, kể cả tiền phụ cấp hậu hĩ “vì độc hại” thêm vào lương. Cô giáo này là một cô “dạy thế”, tức là tạm thời thay thế cô giáo nghỉ ốm.
Bài chính tả. Các học sinh ngồi sau bàn. Sasha nằm trên sàn. Tựa trên cánh tay bị liệt, Saha dùng cánh tay khoẻ mạnh cố gắng viết những chữ to và xấu. Những cơn co giật vặn vẹo thân hình cậu ta, nhưng Sasha cố gắng một cách trung thực.
– Xin lỗi cô, cô có thể đọc chậm hơn một chút không ạ?
– Tôi đọc với tốc độ được quy định trong chương trình lớp sáu trung học.
Sasha mỉm cười.
– Cô hiểu cho, nếu em có cả hai tay như các học sinh lớp sáu thì em đã không làm phiền cô.
– Trong trường hợp ấy, đáng lẽ em phải học tiểu học.
Sasha không lấy thế làm bực mình. Cậu ta bỏ bút và tìm một cuốn sách trong cặp.
– Em định làm cái gì đấy?
– Em đọc. Em viết không kịp, mà làm phiền các bạn khác đang làm bài thì không được.
– Em ngừng ngay lập tức việc ấy lại.
– Vậy cô có sẽ đọc chậm hơn không?
Cô giáo hết chịu đựng nổi. Cái thằng bé này láo thật. Lẽ ra nó có thể xin cô một lần nữa, trong tình trạng của nó, nó không còn lựa chọn nào khác. Thằng này phải bị trừng phạt. Cô giáo hí hoáy ghi cái gì đó vào sổ lớp.
– Tôi sẽ gọi bố mẹ em đến.
– Từ Leningrad cơ ạ? Mẹ em sẽ không đến đâu. Bà chỉ có thể gọi điện cho thầy hiệu trưởng là cùng.
– Được. Tôi sẽ không cho em làm bài và sáng mai em sẽ bị điểm hai tất cả các môn.
Ngày hôm ấy cô giáo trực buổi tối.
Cô đi gọi các bà bảo mẫu. Ba bà lực lưỡng đặt Sasha lên xe lăn, định đẩy cậu ta về phòng ngủ.
Sasha nói:
– Cô giáo ạ, sao cô không tự đẩy xe? Cô sợ kiệt sức hay sao?
Và cậu ta nói với các bà bảo mẫu:
– Thôi được, các bà ơi. Các bà chẳng qua thiên lôi chỉ đâu đánh đấy, nào, ta đi.
Sasha dùng cánh tay khoẻ mạnh ghì chặt bánh xe. Cơn co giật làm vặn vẹo thân Sasha, cậu ta đau lắm, nhưng các bà bảo mẫu không tài nào gỡ nổi tay cậu ta ra khỏi những nan hoa. Họ buộc lòng phải lôi xềnh xệch cái xe lăn với hai bánh chết cứng. Họ đồng thanh nguyền rủa cô giáo, trong khi lôi cái xe đi, họ chửi luôn cả Sasha, tuy không giận dữ.
Còn Sasha thì hát. Cậu ta hát về một con tàu biển Nga không chịu hàng trước lực lượng hơn hẳn của kẻ thù:
Con tàu Variag kiêu hãnh của ta không bao giờ hàng phục.
Không ai khiến kẻ thù thương xót…
Các bà mang Sasha vào phòng ngủ, bỏ cậu ta xuống sàn. Cô giáo khoái chí. Ngày mai Sasha sẽ ăn toàn điểm hai.
Buổi tối, khi học sinh đã ăn xong,và nhân viên nhà trẻ vừa ngồi vào bàn dùng bữa tối, thì Sasha bò ra sân và bò vào trường học.
Từ nhà ở tới trường không xa lắm, khoảng ba trăm mét thôi. Dùng cánh tay khoẻ mạnh, Sasha cào tuyết dưới thân và nhẹ nhàng đặt cánh tay đau vào chỗ ấy. Tệ nhất là tuyết vừa rơi có một ít, vì thế cánh tay đau của Sasha luôn phải trượt trên mặt đường nhựa trơn tuột, không thể bò nhanh được.
Quần áo trên người Sasha thì cũng như chúng tôi, những đứa không đi được. Cậu ta mặc một áo thun và một sơ mi. Sơ mi thì phanh ra. Sơ mi phanh ra không phải để khoe mẽ, chẳng qua nó cứ tụt hoài ở một bên vai và thế là cúc đứt hết.
Sasha bò vào trường, rồi bò vào lớp, đọc sách, học bài cho sáng mai
Các bà bảo mẫu thấy mất người, lần theo dấu, rồi đi gọi cô giáo.
– Cô đến đấy mà nói chuyện với nó.
Cô giáo vào lớp, nhìn Sasha:
– Em làm gì ở đây?
– Em thực hiện quyền của em theo đúng Hiến pháp – em làm bài.
– Cớ sao em bò trên tuyết?
– Em không còn cách nào khác. Em muốn chứng minh cho cô biết đối với em không thể nào dùng sức mạnh thô lỗ mà thắng được. Mà này, cô gọi người mang em đi, chứ em không bò trở lại đâu.
Cô giáo chạy ra ngoài. Sau đó chúng tôi được nghe người ta kể lại rằng cô giáo lên cơn động kinh, cô khóc ròng, nhưng chúng tôi không tin. Chúng tôi không tin các thầy cô lại có thể khóc vì một việc nhỏ nhặt như thế.

***

Mấy năm sau tôi đến chơi nhà Sasha:
– Mẹ ơi, mang vodka ra đây cho con với Ruben uống chút.
– Nhưng ngày Tết con cũng còn không uống kia mà.
– Tết thì năm nào chả có, chứ Ruben thì sáu năm rồi con mới gặp lại.
Chúng tôi uống vodka, chuyện vãn, và tôi đặt cho Sasha câu hỏi mà tôi muốn hỏi nhất:
– Này Sasha, cậu có sung sướng vì trong cuộc đời cậu đã trải qua các nhà trẻ không?
– Không. Ở nhà trẻ ra tớ thành một con người khác hẳn. Tốt nhất là đừng có nó.
– Nhưng ở nhà trẻ cậu có bạn, cậu đã quen tớ chẳng hạn.
– Ruben ạ, nói cậu đừng giận, cậu là một chàng trai rất được, cậu là bạn của tớ, tớ sung sướng có cậu là bạn. Nhưng tốt nhất là đừng có cái nhà trẻ.

Comments are closed.