Trắng Trên Đen 13-15

Ruben David Gonzalez Gallego

Vũ Thư Hiên dịch

NGƯỜI ĐỨC

Thầy nhanh nhẹn, xăng xái bước vào lớp, kéo ghế ngồi. Không nhìn chúng tôi, thầy bắt đầu đọc thơ, đọc to, rành mạch. Thầy đọc hồi lâu. Rồi đứng lên, thầy nhìn bao quát cả lớp.

– Đó là Goethe . Tôi vừa đọc cho các em nghe thơ của Gorthe bằng tiếng Đức. Rồi đây, đến một lúc nào đó, cả các em nữa, các em sẽ đọc Goethe trong nguyên bản. Tôi là giáo viên mới, tôi dạy ngoại ngữ.

Thầy đến bên bàn, mở sách giáo khoa.

– Trước hết, tôi phải xin lỗi em, Ruben ạ. Tôi rất tiếc không thể dạy em tiếng Tây Ban Nha. Tôi không biết tiếng ấy. Tạm thời, em học tiếng Đức cái đã. Học xong tiếng Đức, em sẽ học được bất kỳ ngoại ngữ nào khác, hãy nhớ lấy điều đó.

Tôi nhớ.

Một ông thầy kỳ cục, rất kỳ cục. Đôi khi giữa giờ học ông ta nhãng đi và đọc thơ hồi lâu. Ông say sưa và sinh động kể cho chúng tôi nghe về nước Đức. Mặt ông rạng rỡ khi đội bóng của Đức thắng trận. Ông coi bất cứ cái gì của Đức cũng là thượng thặng. Một thầy giáo thực thụ, gàn gàn, cuồng tín.

***

Giờ tiếng Đức. Lớp học ồn ào, chúng tôi tranh luận với thầy. Đề tài muôn thuở của cuộc tranh luận là tính chất ưu việt của nước Đức. Có thể tranh luận với ông chuyện gì cũng được, trừ chuyện nước Đức bại trận trong Đại chiến thế giới lần thứ hai. Nếu có ai nhắc tới cuộc đại chiến này là ông lặng ngắt, bối rối lau cặp kính, rồi bằng giọng khô khan ông ra lệnh cho học trò mở sách giáo khoa tìm một trang nào đó và nhắc đi nhắc lại thật to những động từ vô tận của tiếng Đức.

Mắt ông sáng rực, má ông hồng lên. Ông trang trọng xướng lên tên họ những nhà soạn nhạc, những triết gia, những nhà thơ vĩ đại của nước Đức. Ông gần như hét lên khi nói về tính ưu việt của những nhà máy đóng tàu Đức. Ông hạnh phúc, ông hài lòng. Chúng tôi không có gì để phản đối. Chuyển sang thảo luận về nông nghiệp. Chúng tôi ngẩn người ra mà nghe thầy nói về những tấn và những hecta, về sản lượng và những vụ thu hoạch chưa từng có.

Tất cả những cái đó bị phá vỡ bởi một câu hỏi nhỏ nhẹ:

– Thế còn chà là?

– Chà là nào?

– Dạ, thế ở nước Đức có trồng chà là được không, thưa thầy?

Ông cụt hứng, ỉu xìu. Chúng tôi đọc to những động từ vô tận của tiếng Đức.

***

Thầy đến bên tôi, ngồi kiễng chân. Trong tay thầy là một gói chà là.

– Em ăn không?

– Cảm ơn thầy.

Chúng tôi ăn chà là trong im lặng. Chúng tôi ăn hết gói chà là. Thầy nặng nhọc đứng lên, phủi quần, thở dài:

– Mà ở Đức không trồng được chà là thật. Đúng thế. Hoàn toàn không trồng được.

ÂM NHẠC

Nhạc ở đây không phải nhạc Nga, mà là nhạc ngoại. Người ta ghi nhạc ấy trên những tấm phim chụp X quang. Các học sinh nhà trẻ tha về những tấm phim X quang từ những chuyến đi vô tận qua các bệnh viện đem đổi lấy những tấm phim có ghi nhạc, hai tấm lấy một tấm. Kinh doanh mà lị.

Những đĩa hát vô hại của phương Tây làm cho các cán bộ quản giáo hết hồn.

– Các em có biết họ hát về cái gì không?

Chúng tôi không biết. Người ta tịch thu các đĩa hát, hành vi phạm tội được đưa ra thảo luận trong hội đồng giáo dục nhà trường, cuộc đấu tranh chống lại ảnh hưởng tư bản được tiến hành rộng khắp. Một cuộc đấu tranh vô nghĩa.

Học sinh bắt đầu để tóc dài. Từ Moskva những chỉ thị về đấu tranh chống sự “lây nhiễm” được gửi đến. Tóc của học sinh không được để dài quá giữa tai. Tai được đo bằng thước kẻ, còn đâu là giữa thì xác định bằng mắt. Thế là diễn ra một cuộc đấu tranh giành quyền có bộ tóc bảnh hơn bạn mình một chút.

Tôi chẳng quan tâm đến những cuộc tranh cãi về chiều dài của bộ tóc. Tôi bao giờ cũng bị húi trọc lốc, bởi tôi là đứa không đi được.

BỨC THƯ

Đó là một nhà trẻ tồi, rất tồi. Ăn uống tồi, người lớn tồi. Mọi thứ đều tồi hết. Những nhà trẻ, cũng như những nhà tù, không cái nào giống cái nào. Nhưng cái nhà trẻ này thì đặc biệt tồi. Khổ nhất là lạnh: nó không được sưởi ấm. Mùa đông là cực nhất. Mực đóng băng trong bút. Ở các lớp lạnh, trong phòng ngủ lạnh – chỗ nào tôi bò đến cũng lạnh. Ở những nhà trẻ khác chỉ ngoài hành lang mới lạnh, còn ở đây thì chỗ nào cũng lạnh như chỗ nào. Ở những nhà trẻ khác, ở hành lang thậm chí còn có thể bò đến bên những ống sưởi, ở đây ống sưởi chỉ là những cục kim loại lạnh tanh. Một nhà trẻ tồi, rất tồi.

Một học sinh mới được chở tới. Liệt não. Anh chàng to, khoẻ, giật đùng đùng trong cơn động kinh. Những cơn động kinh thường xuyên nặng đến mức ấy là hiếm. Hắn được điệu vào phòng ngủ, đặt lên giường.

Mặt méo xệch, hắn nói ú ớ, gần như không thể hiểu nổi hắn nói gì. Tôi thì tôi hiểu hết. Hắn không thông minh cho lắm, nhưng cũng không phải là thiểu trí năng hoàn toàn mặc dầu hầu hết mọi người, từ các ông bà quản giáo cho tới các bạn cùng tuổi, đều nghĩ về hắn như thế. Hắn ngồi trên giường, lúc nào cũng nhắc đi nhắc lại một âm thanh kỳ cục, gần như tiếng chim “xln”, “xln”. Trong tiếng Nga không hề có những chữ gồm toàn phụ âm. Tôi biết điều đó và tôi đoán ra những nguyên âm khiếm diện căn cứ vào đôi môi mấp máy, nói cho chính xác hơn, căn cứ vào cử động của cơ mặt. Hắn không điên. Ban ngày cũng như ban đêm, hắn cứ lặp đi lặp lại một chữ “xe lăn”. Khó có thể gọi hắn là một đứa trẻ bình thường. Hắn chưa hiểu gì, hắn không hiểu gì hết. Trong cái nhà trẻ này ăn còn chả có, nói gì đến xe lăn.

Học sinh ở nhà trẻ có quyền thư từ với bố mẹ. Tuần nào bà quản giáo cũng kiên nhẫn giục học sinh viết thư về nhà. Tuần nào lũ trẻ cũng ngang ngạnh từ chối. Thật là một lũ ngốc. Phong bì, giấy trắng được phát không mà không chịu viết.

Ở những lớp dưới hầu như học sinh nào cũng viết thư. Những tờ giấy nguệch ngoạc chữ trẻ con nộp cho quản giáo, bà ta sửa các lỗi văn phạm, bỏ vào phong bì và gửi về gia đình chúng. Đứa nào cũng biết phải viết cái gì trong thư gửi về nhà. Tất cả đều viết về số điểm ở trường, về những người lớn tốt bụng và về lớp học đoàn kết. Vào dịp ngày lễ, ngày hội, học sinh được phát bưu ảnh để chúc mừng bố mẹ, những bưu ảnh cùng một loại. Những đứa lớn đặc biệt thích những bưu ảnh ấy. Trên mỗi tấm bưu ảnh, học sinh phải kẻ dòng bằng thước kẻ trước đã rồi mới viết nháp sau. Bà quản giáo sẽ sửa lỗi trong bản nháp. Bà sửa xong thì học sinh mới được chép lại bằng bút chì, và sau đó, nếu không còn lỗi nào nữa, chúng sẽ viết đè lên trên những chỗ đã được sửa xong bằng mực. Tất cả học sinh đều biết phải viết cái gì và cái gì là cái không được viết. Không được viết về cái xấu, chẳng hạn như viết về ăn uống là không được. Đặc biệt là về ăn uống. Thế mà không hiểu sao trong những bức thư gửi cho con cái, các bậc cha mẹ ngốc nghếch bao giờ cũng cứ hỏi đi hỏi lại về chuyện ăn uống. Vì thế, những bức thư gửi về nhà thường được mở đầu bằng những câu khuôn sáo: “Mẹ ơi, con chào mẹ. Ở đây chúng con ăn uống tốt lắm”. Viết thư tốt thì được khen, viết dở thì bị mắng. Những bức thư đặc biệt dở được đọc to lên cho cả lớp cùng nghe.

Học sinh các lớp trên không chịu viết thư. Nhà trẻ là thế nào, chẳng cần có thư gửi về các bậc cha mẹ đã biết hết. Hơi đâu làm cho các cụ lo lắng thêm. Nếu muốn viết thư thì chỉ cần có tiền, phong bì mua lúc nào chả được. Chỉ những đứa không thông minh tí nào mới đưa thư cho bà quản giáo. Ai cũng biết bà phải mang thư về đọc ở nhà, đọc xong mới quyết định có gửi nó đi hay không. Người lớn nào chẳng biết bỏ thư vào thùng thư bưu điện. Thường học sinh nhờ các bà bảo mẫu làm giúp cái công việc không phức tạp ấy, có cậu còn nghĩ ra cách nhờ các bác tài chở bánh mì gửi hộ. Bánh mì được chở đến nhà trẻ hàng ngày. Cậu ta bèn đến bên bác lái xe, thì thào: “Bác ơi bác, bác bỏ giúp cháu cái thư này vào thùng, bác nhá!”. Bác lái xe nhìn quanh, lặng lẽ cầm lấy bức thư, rồi ngồi vào xe. Bức thư được gửi đi ngay hôm ấy, bố mẹ cậu ta biết thế căn cứ vào dấu nhà bưu điện. Cậu ta khẳng định bằng giọng tự hào rằng các bác tài đều tốt hết. Bố cậu ta cũng là một bác tài.

Có khi bà quản giáo tin thực chuyện học trò lớp trên không viết thư về nhà cũng nên, nhưng cũng có thể bà còn ngờ vực bên trong chuyện này có cái gì đó mà bà không biết, nhưng bà vẫn kiên trì mỗi tuần một lần khuyến dụ các trò viết thư. Bà nói, còn học trò thì lặng thinh. Thế là thành cái lệ. Nếu như bà bám chằng chằng một cậu nào đó để bắt cậu ta viết thư thì cậu này thể nào cũng làm ra vẻ vâng lời. Cậu ta bèn nguệch ngoạc: “Con mụ mẫm đi vì món cháo trân châu, mẹ ơi”, rồi bỏ cái thư vào phong bì, lấy hồ dùng ráp mô hình máy bay dán lại. Một cái thư như thế không bao giờ đến tay người nhận, bản thân người gửi cũng chẳng quan tâm đến chuyện nó có đến hay không. Bù lại, lần sau các bà không bám riết cậu ta nữa.

Cậu lính mới của chúng tôi cứ ngồi trên giường khóc ròng. Thoạt đầu, các bà bảo mẫu đối xử với hắn không đến nỗi tồi, sáng ngày ra các bà xốc nách hắn từ trên giường đặt xuống sàn, lại còn hỏi hắn xem nên đặt thế nào thì hơn để hắn có thể bò được. Anh chàng tàn tật nằm ngửa, vung vẩy hai tay, hai chân đạp trong không khí, kêu ư ử cái gì đó không ai hiểu. Khi người ta lật sấp hắn lại, hắn còn la to hơn nữa. Các bà liền đặt lại hắn lên giường rồi bỏ đi. Các bà còn biết làm gì hơn với hắn cơ chứ?

Hắn gào to, kêu ư ử, và khóc ròng. Ngày cũng thế, đêm cũng vậy. Lúc đầu, anh em cùng lớp đã định choảng cho hắn một mẻ cho hắn câm họng đi, rồi lại thôi. Không ai nỡ đánh kẻ thiểu trí. Đành đề nghị ban quản trị nhà trẻ đưa hắn qua phòng khác. Chẳng ai muốn ngủ trong tiếng la hét ban đêm của hắn. Trong khi chờ đợi người lớn quyết định đưa kẻ bất hạnh đi đâu, mọi người thử bày các trò vui cho chàng trai ngớ ngẩn xem sao. Họ mang cho hắn bóng thổi, đồ chơi trẻ con, mọi thứ đều vô ích. Anh em không nản. Hắn rồi cũng phải thích một cái gì chứ. Một anh chàng mang đến cho hắn một cuốn vở kẻ ô dày. Chàng ngốc khoái, gật lia lịa. Nắm chặt quyển vở, hắn dịu đi, bất thần cất tiếng rõ ràng:”Đưa đây”. Thắng lợi bất ngờ làm mọi người vui vẻ hẳn. Họ bảo hắn nhắc lại, rồi nhắc lại một lần nữa hai tiếng “Đưa đây”. Hắn nhắc lại và cười tủm tỉm. Hắn nói hai tiếng ấy rất được. Hầu như không lắp bắp, hắn nói rành rọt những tiếng “mẹ”, “bố”, “cho”, “ừ” và “không”. Tiếng “không” hắn nói một cách khó khăn, lúc đầu âm “kh” gần như không nghe thấy, hắn lặng đi một lát rồi mới phát ra tiếng “ô-ô-ng” kéo dài. Thế đã là được lắm rồi. Hắn đòi bút. Không hỏi hắn dùng nó làm gì, họ đưa bút cho hắn, mang đến cho hắn cái bàn, kê nó sát giường, đặt bút lên đấy. Hắn lặng đi trong giây lát, rồi bất thình lình vồ lấy cây bút một cách khéo léo bằng tay phải, tì cả người lên bàn, giữ chặt quyển vở, dùng cằm mở nó ra và chọc cây bút vào trang giấy trắng. Ngồi thẳng lên, hắn giang hai tay ra, chúng giật giật lắc lắc một cách vô nghĩa, hai chân bên dưới bàn rung bần bật không ra một nhịp điệu nào. Thì ra hắn ta cười. Mọi người cùng cười với hắn.

Cuộc sống của cậu lính mới thay đổi hẳn. Đêm đêm hắn ngủ say, buổi sáng các bà bảo mẫu nhét vào tay hắn cây bút, đặt trước mặt hắn quyển vở. Suốt ngày hắn ngồi trên giường, khi thì áp cả tấm thân lên quyển vở, mưu toan chọc cây bút vào trang giấy trắng hết lần này đến lần khác, lúc thì gập người xuống trong trận cười khoái trá khi ngắm nghía những hình vẽ của mình. Hai tuần liền anh em trong phòng được ngủ yên. Hai tuần liền chàng ngốc kiên nhẫn vẽ những hình loằng ngoằng lèo ngoèo – những hình tượng và ký hiệu chỉ một mình hắn hiểu. Khi quyển vở không còn chỗ nào trắng thì hắn lại la hét. Vở trong nhà trẻ quý lắm, vở kẻ ô lại càng quý. Nhưng chàng ngốc muốn vẽ, còn anh em thì muốn đêm đêm được ngủ yên. Người ta mua cho chàng ngốc một quyển vở khác, mặc cho hắn muốn vẽ gì thì vẽ. Chàng ngốc thậm chí không thèm ngó đến quyển vở mới. Hắn quăng bút xuống sàn, đặt quyển vở xuống bên mình – nó đã nhầu nát rúm ró, một thứ đồ chơi vô tích sự – và bắt đầu la hét.

Giờ đây hắn có hét gì chúng tôi cũng hiểu. Hắn hét “Mẹ ơi!”. Hét to. Anh em đã quen chút ít với ngôn ngữ của chàng ngốc. Mọi người cố hỏi hắn xem hắn cần cái gì, khuyên nhủ hắn thôi đừng la hét nữa, hứa cho hắn thêm nhiều vở nữa, nhưng vô hiệu. Mời chào đủ thứ, cái gì hắn cũng “không” tuốt. Sau, mọi người đọc to các chữ cái lên, chữ nào hắn bằng lòng thì hắn “ừ”. Gom những chữ ấy lại thì thành chữ “thư”. Thế là rõ. Hắn muốn gửi những hình vẽ của hắn về cho mẹ, có vậy thôi. Chúng tôi mời bà quản giáo đến. Bà ta ngắm nghía quyển vở, những trang giấy nhầu nát đầy những ký hiệu gì đó. Ở chỗ này những ký hiệu nhấp nhô xa nhau, ở chỗ kia chúng díu lại với nhau thành một mớ những đường mực đan chằng chịt. Một số trang thì lại toàn những vòng tròn là vòng tròn. Những vòng tròn cái to cái nhỏ, không phải cái nào cũng liền nét, mà đứt quãng, phải cố gắng lắm mới có thể gọi được nó là chữ “o”. Nhưng liệu có ai vẽ liền tù tì hai trang giấy chỉ toàn một chữ “o”?

Bà quản giáo không chịu gửi quyển vở về cho bố mẹ hắn. Ờ, các em bảo nó là bức thư, bà ta nói, thế thì nội dung của nó là thế nào mới được chứ, đấy là điều tôi cần biết. Nổ ra một cuộc tranh luận ồn ào. Ai là người có thể tìm thấy trong những đường nét loằng ngoằng kia một nội dung? Bà quản giáo nghiêm khắc hết phiên trực về nhà ngủ kỹ, các chàng trai thì lại suốt đêm không ngủ vì tiếng la hét của chàng ngốc? Bà quản giáo đành phải cấp kỳ tìm lối thoát ra khỏi tình thế khó chịu. Bà ta đến chỗ cậu lính mới:

– Đây là thư, hử?

– Không.

– Đây là những hình vẽ của em, hử?

– Phải.

– Em muốn cô gửi những cái này về cho mẹ em, phải không?

– Phải.

– Hay là thế này, ta không gửi cả quyển vở, mà chọn những hình đẹp nhất để gửi đi nhá?

– Không. Không.

Hắn phát ra hai lần “không”, nó là tiếng mà hắn khó phát âm nhất. Sau đó hắn hét toáng lên. Hắn dậm chân đành đạch, gào to “Mẹ ơi”, và định nói “Không” lần nữa, nhưng không nói được.

– Được rồi. Được rồi. Cô hiểu cả rồi. Mẹ em thích em vẽ. Cô sẽ gửi tất cả những hình vẽ này cho mẹ em. Cô sẽ viết thư cho mẹ em. Cô sẽ viết rằng em rất thích ở đây, em có nhiều bạn và em rất thích vẽ. Em thích ở đây, đúng thế không nào?

– Phải.

Thế là đi đến thoả thuận. Bà quản giáo gửi quyển vở cho mẹ hắn. Hắn thôi không quấy nữa. Ban đêm hắn ngủ, ban ngày ngồi trên giường nhìn chòng chọc vào một điểm cố định.

Một tháng sau nhà trẻ được nhận xe lăn. Xe nhiều, đủ cho tất cả mọi người. Cậu lính mới cũng được một cái. Các bà bảo mẫu nhấc bổng hắn lên cho hắn đứng dậy, rồi dìu hắn đến xe lăn, đặt hắn vào đấy. Các bà định đặt chân hắn lên bậc để chân, nhưng hắn không chịu. Họ tháo quách cái bậc đi. Hắn dùng chân đẩy mạnh, thế là cái xe lăn đi. Hai chân khoẻ mạnh guồng thật lực trên sàn, hắn phóng trong hành lang.

Trong một cuộc họp lớp kế tiếp bà quản giáo quở trách cậu học sinh mới. Trong những trường hợp như thế bà ta thường ăn nói lung tung, ngu ngốc. Đất nước cực nhọc chia sẻ với các em đến mẩu bánh mì cuối cùng, vậy mà trò này lại vô ơn bạc nghĩa. Bà nói bà đã đối xử với hắn như một con người, đã gửi quyển vở nọ cho bố mẹ hắn, hoá ra trong quyển vở ấy hắn bôi gio trát trấu cả tập thể nhà trẻ bằng cách miêu tả cuộc sống ở đây toàn một mầu đen tối. Bà nói mãi, nói mãi. Hắn không nghe. Khi bà buộc tội hắn là đồ vô lương tâm, đồ vô tri vô giác, thì hắn lấy chân gạt cái bàn học sang bên rồi lăn xe ra khỏi lớp.

Từ đó hắn không được phép viết thư nữa. Hắn cũng chẳng thèm xin xỏ. Sau giờ học, hắn đi xe lăn trong hành lang và chơi bóng thổi. Bữa ăn nào hắn cũng xin phần thêm. Hắn không tự mình ăn được, phải có người bón giúp bằng thìa. Các bà bảo mẫu chẳng thích thú gì phải bón thêm cho hắn. Họ nói toạc ra cho hắn hiểu, nhưng vô ích. Hắn cứ lăn xe theo một bà bảo mẫu cho đến khi bà ta chịu đầu hàng. Các bà bảo mẫu định trốn hắn trong phòng dành cho họ. Thế là hắn ngồi ngay bên cửa phòng họ mà gào. Chán ngấy tiếng gào ấy, các bà đành phải bước ra cho hắn ăn thêm một đĩa súp hay một đĩa cháo. Dần dà mọi người quen với cái trò ấy của hắn và bao giờ cũng cho hắn một khẩu phần gấp đôi để khỏi bị thằng bé tàn tật lẵng nhẵng quấy rầy.

Khi chỉ có hai chúng tôi với nhau, tôi hay nói chuyện với hắn. Hắn nói chậm từng tiếng một, ghép chúng thành câu, nhìn tôi dò hỏi và ngờ vực. Tôi nhắc lại lời hắn. Dần dà hắn tin ở tôi, và tôi không phải nhắc lại lời hắn nữa. Chúng tôi nói chuyện với nhau như bình thường. Tôi hỏi hắn trong bức thư nọ cụ thể có gì.

– Ruben ạ, tớ nghĩ nhiều lắm.

– Tớ biết, cậu nghĩ nhiều lắm và cậu đã viết được một bức thư tốt. Thế cậu viết gì trong ấy?

– MẸ ƠI, HỌ CHO CON ĂN TỒI LẮM VÀ KHÔNG CHO CON XE LĂN”

Trong suốt trang thứ nhất của bức thư đầu tiên trong đời hắn viết toàn những chữ “m”. Chữ to và chữ nhỏ. Hắn hi vọng mẹ hắn hiểu dù chỉ một chữ trong đó thôi là được rồi. Đôi khi chỉ một chữ cũng mất đứt của hắn mấy trang. Quyển vở dày chín mươi sáu trang toàn những chữ là chữ.

– Bốn chữ đầu tiên là thừa. – tôi toan cãi.

– Tớ nghĩ nhiều lắm.

– Nhưng dù sao thì bốn chữ đầu cũng là thừa. Có khi cả quyển vở không đủ chỗ cho cậu viết.

Hắn thừ người ra. Rồi mở to miệng trong một nụ cười, hắn cất tiếng nói chậm và rành rọt: “Mẹ ơi!”.

Comments are closed.