Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 259): Người đi trên mây – Nguyễn Xuân Hoàng (25)

NGƯỜI ĐI TRÊN MÂY (Kỳ 72, 73 & 74)

Kỳ 72

“Nhưng mấy thầy uống đâu cũng vậy, uống em em biết ơn!”

“Trời! Uống chị? Uống chị là uống làm sao?” Nhật lại tấn công.
“Ông nội này làm luật sư chắc! Bắt bẻ quá “chời” qua đất “dzậy!” Chị chủ quán trả lời, giọng đã hơi giận.

“Thôi giỡn vậy đủ rồi! Chị cho một két ba mươi ba và một dĩa gà xé phay.” Tôi nói.
“Có hột vịt lộn không?” Nhật tiếp tục đùa cợt.
“Dạ có!” Chủ quán sốt sắng hẳn.
“Cho tôi chục hột tráng miệng!” Nhật nói, mặt lập nghiêm.
“Cha ơi, ông nội này chưa uống đã say mèm rồi!” Chủ quán quày quả bỏ vào trong.
“Sao hôm nay mày có vẻ khùng quá vậy Nhật?” Tôi hỏi nửa đùa nửa thật.
“Có gì đâu. Nó thương bạn bè hơn thương vợ con nên con vợ nó làm nó khổ,” Tâm giải thích.
Bia và hột vịn lộn đã được mang ra. Nhật khui rượu đổ vào ly tôi.
“Tao với mày! Uống đi, rồi cũng thế thôi!”
“Thế thôi là sao?” Tôi hỏi.
“Là chả có cái con mẹ gì trên cõi đời này hết! Thằng nào có cách sống của thằng đó. Mày không khốn khổ hơn tao. Nhưng tao cũng chẳng sung sướng hơn mày!”
“Bá láp!” Tâm cự, đưa ly cụng vào ly tôi. “Tụi bây bá láp tuốt luốt! Làm chó gì có sự khốn khổ với sung sướng trên cõi đời này. Tất cả đều là dối trá hết! Thôi “dzô” đẹp cái coi!”
“Dzô thì dzô, thằng nào sợ thằng nào!” Nhật cà khịa với Phùng.
“Mày biết tin gì chưa Thăng?” Phùng hỏi tôi.
“Tin gì?”
“Thứ Hai tới, trường mở cửa lại rồi.”
“Sao mày biết?” Tôi ngạc nhiên thật.
“Báo đăng. Mày không đọc báo à?”
“Có, nhưng không chú ý. Thật ra tao ước gì Bộ Giáo Dục cho nghỉ thêm vài tháng nữa.”
“Nghỉ lâu vậy mà chưa đã à?”
“Chưa. Bộ mày đã rồi hả?”
“Đã cái nỗi gì! Chỉ mới nghĩ đến tiếng chuông reo vào lớp tao cũng đã rợn cả người nói chi chuyện ngày nào cũng phải nghe nó!”
“Vậy sao hỏi tao chi một câu ngu như vậy?”
“Sướng nhé! Vậy là mấy ‘cụ đồ’ hết thất nghiệp nhé!” Nhật nheo mắt chọc Phùng và tôi.
“Sướng cái con khỉ! Tao đang chán đời muốn chết đây!”
Tâm không uống bằng ly, mà cầm cả chai lên nốc. Nắng chiều đã tắt nhưng chiếc kính đen vẫn còn ngự trên sóng mũi hắn.
“Mày mà cũng biết chán đời sao thằng công tử?”
“…”
“Vậy chớ mối tình của mày đâu rồi?”
“Mối tình nào?” Tôi hỏi.
“Trời đất! Vậy chớ mày có hết thảy mấy mối tình?” Tâm kéo kính xuống sóng mũi, ngó tôi.
“Tao đâu có mối tình nào!” Tôi chống chế.
“Giả mù sa mưa, bạn!” Tâm tiếp tục tấn công.
“Vậy chớ con gái ông Phan mày bỏ đâu?”
“Ăn thua gì tới tao!”
“Không phải mối tình lớn à?”
“Lớn cái con khỉ!”
“Ê, hôm nay nhậu cấm quạu à, bồ tèo!” Nhật chen vô. “Nhưng nói vậy chớ tao biết tại sao hôm nay thằng Thăng bứt rứt.”
“Tại sao?” Tôi hỏi.
“Sắp làm một màn Vĩnh Biệt Tình Em phải không?”
“Với ai?” Tâm hỏi.
“Con gái nhà ông Phan”. Nhật nói chậm rãi, mắt nheo lại.
Phùng giở mắt kính cận ra, rút khăn tay chùi đi chùi lại, cười thích thú.
“Nàng đi đâu?” Hắn hỏi, nhìn chăm vào mặt Nhật.
“Đi Huê Kỳ!”
“Thiệt không mậy? Sao không cho anh em hay? Tụi tao kẻ ít người nhiều góp tiền phúng điếu?” Tâm nói xỏ.
“Thằng này nhà văn mà ăn nói giọng điệu như Hồ Tam Kỳ Cống Bà Xếp!” Tôi trả lời Tâm nhưng chọc mối đau thương của Nhật.
“Mày nói gì? Hồ Tam Kỳ Cống Bà Xếp là ai vậy?” Tâm hỏi tới.
“Thế ra cậu chưa nghe chuyện Hồ Tam Kỳ Cống Bà Xếp à?” Nhật hỏi.
“Không lẽ là chuyện của mày?” Tâm hơi ngạc nhiên.
“Chứ của thằng nào ở đây?” Nhật đánh ực một hơi cạn ly bia.

Kỳ 73

… Hồ Tam Kỳ là một tay anh chị khét tiếng vùng Nguyễn Thông-Kỳ Đồng-Cống Bà Xếp. Hồi đó, vừa lấy vợ xong ít lâu, Nhật quyết định dời Biên Hòa về Sài Gòn, nơi anh có nhiều bạn bè và vô số điều vui chơi mà anh không thể không biết được. 

Một buổi chiều, Nhật xách Honda chạy lớ ngớ tìm nhà trên đường Kỳ Đồng. Khi đi ngang qua nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế gần tới góc Nguyễn Thông, thì nghe một cái rầm như trời giáng. Nhật té xuống mặt đường, chiếc Honda còn chạy thêm một đoạn mới ngã. Nhật cảm thấy có một cái gì đè nặng ở ngực. Nhướng mắt lên anh thấy một bàn chân đi giầy đen mũi nhọn đạp giẫm nghiến lên đó. Dò theo cổ chân gầy còm đầy lông lá, Nhật thấy một thanh niên cao lớn, mặt bành như cái nia, rỗ chằng rỗ chịt, tóc tai lởm chởm, một tay xỏ túi quần, một tay đang quay vù vù sợi xích sắt cọng bự.
Hắn thấy Nhật mở mắt, ngừng quây sợi xích, cúi xuống gần mặt anh hỏi:
-Mày biết ông là ai không?
-Không! Nhật trả lời. Mắt anh hơi mờ vì máu ở trán chảy dòng xuống.
Hắn quất một cái xuống vai Nhật.
-Ai cho phép mày tới địa phận của ông? Mày không biết ông thật à?
-Không!
-Vậy thì ông cho mày biết!
Nhật nghe đau nhói cả bả vai. Anh lăn một vòng cố hất chân tên du đãng, nhưng vô ích, chân hắn như bắt vít vào ngực anh. Cả người anh ê ẩm, đau nhức. Anh nghe tiếng cười.
-Bảnh! Vậy mày biết ông là ai chưa?
-Chưa!
Ự! Hắn phóng mũi giầy vào hông Nhật. Anh lăn một vòng, tai vẫn nghe tiếng cười.
-Nghe rõ đây, ông nội mày là Hồ Tam Kỳ! Bữa nay lần đầu tha. Lần tới đừng lạng quạng ở khu vực này. Bây giờ mày biết ông là ai chưa?
-Chưa! Nhật không nao núng.
-Bảnh! Vậy thì ông nhắc cho mày biết! Hắn quất thêm một vòng xích nữa lên vai của Nhật. Anh nghe đau điếng, Nhật lăn thêm vòng thứ hai sát hàng rào ngôi biệt thự, mắt ước lượng khoảng cách giữa chân mình và bản mặt Hồ Tam Kỳ, rồi thu hết sức trong một lúc bất ngờ nhất, Nhật phóng mình dậy đá song phi vào giữa mặt hắn. Hồ Tam Kỳ ngả đầu né cú đá của Nhật, nhưng đã không kịp. Má giầy của Nhật lướt qua gò má của Kỳ.
-Bảnh!
Hắn đứng dang chân lấy lại thăng bằng, hai tay cầm hai đầu dây xích căng trước ngực.
-Coi như bữa nay huề! Lần tới nếu bạn cần tiền phúng điếu linh hồn bạn, cứ tới đây!
Nói xong Hồ Tam Kỳ bỏ đi.
Nhật khó khăn lắm mới dựng nổi chiếc Honda và chạy thẳng lên Tổng Y Viện Cộng Hòa. Nhật đã điều trị ở nhà thương hơn tháng trời. Sau đó trở lại đơn vị bỏ thêm một tháng nữa, mài con dao thật bén cột ở cổ chân giấu dưới ống quần, chùi đi chùi lại bóng loáng hai cây súng ngắn: cây Colt giắt lưng và khẩu Beretta bạc cuộn ở cổ tay đeo đồng hồ.
Nhật đi tìm Hồ Tam Kỳ ở Cống Bà Xếp.
Hôm đó trời chạng vạng tối, đám tiểu yêu ở khu chợ trời Nguyễn Thông chỉ cho Nhật chỗ ở của Hồ Tam Kỳ với giá năm trăm đồng. Đó là một toa xe lửa bỏ phế ở cuối đường.
-Tụi em sợ ảnh lắm! Hôm qua ảnh vừa bẻ cổ một thằng không nộp tiền cho ảnh!
Nhật không nói gì, anh dựng Honda ở trước một hàng bán đồ Mỹ bày trên mặt đường. Anh mua một chai dầu cạo râu hiệu Aqua Velva, một hộp Band Aid, trả tiền liền, bỏ tất cả vào giỏ xe phía trước và đề nghị người chủ cho gửi xe có trả tiền.
Nhật đi thẳng qua Nha Lộ Vận, tuốt vô tận đường Hoàng Diệu. Khu này có một số đường rầy xe lửa bị tháo rời. Nhiều toa xe có vẻ mục nát và sắp sụm đến nơi. Giữa những toa khác chìm trong bóng tối nhá nhem, im lặng và quạnh quẽ, Nhật thấy một toa có ánh đèn. Anh lò dò bước vào.
-Hồ Tam Kỳ! Nhật kêu tên.
Trong toa xe cả đám đang sát phạt nhau. Ngọn đèn ở giữa sàn chỉ đủ sức soi rõ mấy con bài, nhưng không rõ mặt người.
Có lẽ cả bọn đang quyết ăn thua đủ nên không ai nghe tiếng kêu của Nhật. Anh nhắc lại, giọng to hơn.
-Hồ Tam Kỳ!

Kỳ 74

Cả đám bỗng quay mặt ra cửa toa. Bầu không khí im lặng hẳn.
-Thằng nào kêu ông nội dzậy?
Nhật nhỏ nhẹ.
-Tôi đây! Anh quên tôi rồi sao?
Hồ Tam Kỳ xô hai tên ngồi hai bên hắn ra, đứng thẳng dậy. Một ngọn đèn pin chiếu thẳng vào mắt Nhật, rồi tắt phụt. Giọng nói của Kỳ.
-Không quên! Bạn muốn gì?
-Tôi giữ lời hứa! Nhật vẫn nhỏ nhẹ.
Hồ Tam Kỳ xòe bàn tay trái ra. Tên đàn em đứng bên cúi xuống cầm sợi xích đặt vào tay Kỳ, Nhật vẫn nhìn đám đông không chớp mắt:
-Tôi có súng.
-Cũng thế thôi! Thứ gì cũng được! Kỳ nói giọng thách thức.
Và ngay lúc bất ngờ nhất, mặc dù Nhật đã chuẩn bị từ trước, hắn đã phóng sợi xích về phía Nhật đánh văng khẩu Colt trong tay anh.
-Sao? Người anh em muốn gì? Kỳ nói trong tiếng cười. Cả đám cười rộ theo.
-Tôi nói là tôi có súng! Nhật vẫn nhỏ nhẹ.
-Súng hơi hay súng nước? Một tên chọc tức Nhật, giọng lè nhè như người say.
Nhật đưa tay thẳng về phía Kỳ, khẩu Beretta nhỏ xíu gọn trong lòng bàn tay anh và anh bóp cò liên tiếp. Cánh tay trái cầm xích của Kỳ hơi buông thõng và Kỳ khụy xuống. Sợi xích sắt rơi trên sàn toa xe. Cả đám rú lên ù chạy. Nhật bước tới đứng trước mặt Kỳ bình tĩnh hỏi:
-Tôi không nói dối chứ?
-Người anh em nói thiệt, nhưng có gì thay đổi đâu!

Kỳ vừa trả lời vừa đứng thẳng dậy và tiện đà câu chuyện húc đầu vào ngực Nhật. Súng vẫn còn trong tay, nhưng Nhật đã ngã xuống. Kỳ phóng qua người Nhật chạy ra toa xe và băng dọc đường Lê Văn Duyệt. Nhật chồm dậy đuổi theo. Trời tối đen và anh phải vất vả lắm mới bắt kịp Kỳ ở khu bán vật liệu xây cất trên trạm xe buýt.
Kỳ đang ngồi trong một ống cống, xé áo buộc vết thương ở chân một con dao to bản bên cạnh. Nhật ập tới, đạp chân lên con dao, túm tóc Kỳ và không nói không rằng anh thọc đầu súng Beretta vào họng Kỳ. Anh kề sát miệng vào tai Kỳ nói nhỏ.
-Một là bạn làm theo tôi, hai là tôi bóp cò. Bạn chọn kiểu nào?
Kỳ giương mắt ngó Nhật, gật gật đầu.
-Nghĩa là làm sao? Bóp cò hả?
-Làm theo tôi chứ?
Kỳ gật đầu.
-Rồi sao? Tâm hỏi tiếp, nôn nóng.
-Tất nhiên là sau đó cảnh sát đến! Trong những vụ thanh toán du đãng bao giờ cảnh sát cũng đến hơi chậm một tí!
-Này, tụi bây nói chuyện tầm phào gì vậy? Hôm nay cho thằng Thăng say mà! Tâm nhắc.
-Thăng, dzô cái coi! Nhật cụng ly tôi.
-Dzô thì dzô! Tôi nói mạnh nhưng chỉ uống một tợp.
-Hỏi thật bạn nhé! Có phải ông Phan ở luôn bên đó trị bệnh đau mũi không?
Câu hỏi của Nhật làm tôi ngạc nhiên. Rõ ràng là nó biết nhiều điều hơn tôi tưởng.
-Vai trò của ông Phan hết thật rồi sao? Tôi hỏi lại Nhật một cách bâng quơ trong khi đốt một điếu thuốc.
-Theo tao vai trò ông Phan chưa hết!
-Tao không hiểu!
-Có gì mà không hiểu. Bởi vì trước khi đi Mỹ, ông Phan vẫn đảm nhận một vai trò nào lớn ở đất nước này. Báo chí và tin đồn gán cho ông Phan một quyền lực mà thực sự ông chưa có!
-Nhưng sao báo chí thổi phồng ông ấy lên quá vậy?
-Có gì đâu. Chẳng qua đó là quả bóng thăm dò. Và theo tao sự thăm dò đó có kết quả.
-Nghĩa là?
-Nghĩa là ông Phan không thích hợp với hoàn cảnh đất nước này.
-Tao vẫn không hiểu!
-Mày sẽ chẳng bao giờ hiểu, ông đi trên mây ạ!
-Hai thằng nói nhăng nói cuội kia có im đi không? Có người tìm thằng Thăng kia kìa! Tâm nói giọng nghiêm.

(còn tiếp)

Nguồn: https://ngo-quyen.org/p3623a5060/nguyen-xuan-hoang-nguoi-di-tren-may-ky-72-73-74

Comments are closed.