Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long (31)

Thụy Khuê

 

Chương 23: Các sứ bộ Anh Pháp đến Việt Nam

Vấn đề giao thương với người Âu bắt đầu từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh, thế kỷ XVII, ngoài Bắc, người Âu đã đến buôn bán ở Phố Hiến (Hưng Yên) và trong Nam, Hội An cũng là một hải cảng sầm uất. Các chúa Trịnh Nguyễn cho phép người Bồ, Hoà Lan… mở thương điếm tại Phố Hiến, Hội An, tương đối dễ dàng. Nhưng từ khi Gia Long thống nhất đất nước, Anh và Pháp nhiều lần đến xin “thông thương”, Gia Long và Minh Mạng đều dứt khoát từ chối, chúng ta cần tìm hiểu hiện tượng này.

Thời Võ Vương Nguyễn Phước Khoát (1738-1765), Pháp gửi Pierre Poivre đến Nam Hà xin thông thương và được chúa tiếp đãi tử tế, cho mở thương điếm:

Năm 1748, bộ trưởng hải quân Maurepas và công ty Pháp Ấn, giao cho thương gia Pierre Poivre một nhiệm vụ chính trị và kinh tế ở Nam Hà và nước Nam.

Poivre xâm nhập cửa biển Đà Nẵng mà ông nhận diện được các lối vào, ông ngạc nhiên trước vẻ đẹp của vịnh này, có núi rừng bao quanh và ông thông báo có đông người Hoa ở Hội An, gần như độc quyền buôn bán.

Poivre được chúa Võ Vương tiếp và đạt được một thoả thuận cho phép người Pháp đến buôn bán trong xứ và tự do mở một thương điếm ở Hội An. Nhưng công ty Pháp-Ấn lụn bại và đóng cửa khiến giao ước của Poivre không thực hiện được” (Joinville, La Mission de la Cybèle en Extrême-Orient (1817-1818), Introduction, t. IX).

Đấy là lần cuối cùng chúa Nguyễn cho phép người Âu mở thương điếm. Sau đó, cục diện chính trị quốc gia và quốc tế thay đổi, nước ta lâm vào cảnh nội chiến và Châu Âu tìm mọi cách chiếm hữu thuộc điạ, chinh phục dần dần Á Châu.

Cybele01

Trong sự bành trướng thuộc địa này, thương điếm của các công ty Anh-Ấn, Pháp-Ấn… chỉ là bề mặt, bên trong là một bộ chỉ huy tại chỗ, nghiên cứu các chính sách xâm lăng: Ấn Độ rồi Trung Hoa lần lượt rơi vào. Gia Long, nhìn thấy nước Anh đối xử với Ấn Độ, sớm biết những âm mưu này, vì vậy ngay khi vừa thống nhất đất nước, ông đã nhất quyết không nhượng cho Anh, Pháp một mảnh đất nào của Việt Nam để họ làm thương điếm, chỉ cho họ quyền ra vào buôn bán như các nước Tàu, Nhật… Chính sách này được áp dụng một cách triệt để dưới thời Gia Long và Minh Mạng, vì lẽ đó mà chúng ta không bị rơi vào hoàn cảnh liệt cường xâu xé như nước Tàu. Tất cả các sử gia thuộc địa đều đổ lên đầu Minh Mạng tội “bế quan toả cảng”, và sử gia ta cứ y như thế, chép lại mà không khảo sát. Thực ra đó chỉ là chính sách bảo vệ lãnh thổ của Minh Mạng: vua không cấm tàu Anh Pháp vào buôn bán, mà chỉ không cho họ lập “bộ chỉ huy” trên chính đất nước ta.

Để hiểu rõ chính sách ngoại giao của Gia Long và Minh Mạng, chúng tôi viết chương này, về việc những phái đoàn Anh, Pháp, được gửi đến Việt Nam dưới thời Gia Long và đầu triều Minh Mạng.

Sứ bộ Roberts, 1803-1804

Trong thời kỳ nội chiến giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn, nước Anh bán khí giới cho Tây Sơn, nhưng đến năm 1801, thấy Nguyễn Ánh có cơ phục hồi lại nhà Nguyễn, nước Anh xoay chiều phái người đến xin thông thương. Thực Lục tháng 5-6 /1801 ghi: “Nước Hồng Mao sai người đem thư đến dâng phương vật mà xin miễn thuế cảng cho thuyền buôn. Vua hạ lệnh cho lưu trấn Gia Định [Nguyễn Văn Nhơn] viết thư trả lời: đánh thuế theo như thể lệ thuyền buôn Quảng Đông” (TL, I, t. 438). Như vậy, Nguyễn Vương đã trả lời rất rõ ràng: tất cả mọi nước Âu, Á, đến Việt Nam buôn bán, đều phải đóng thuế nhập khẩu như nhau, triều đình không miễn thuế cho nước nào cả.

Hai năm sau, khi Gia Long đã thống nhất đất nước, tháng 7-8/1803, công ty Anh-Ấn gửi Roberts làm đại diện đến dâng lễ vật và xin yết kiến. Về việc này Thực Lục tháng 7-8/1803 ghi: “Hồng Mao sai sứ đến hiến phương vật, dâng biểu xin lập phố buôn ở Trà Sơn, dinh Quảng Nam. Vua nói rằng: Hải cương là nơi quan yếu, sao lại cho người ngoài được! Không cho. Sai trả vật lại mà bảo về” (TL, I, t. 564).

Vua Gia Long nhận được lá thư đầu tiên của Roberts viết lúc ông ta mới đến Đà Nẵng, trong lá thư này đã đề nghị “xin lập phố buôn ở Trà Sơn, dinh Quảng Nam. Trà Sơn có lẽ là Sơn Trà ngày nay. Nhưng theo một chú thích của Louvet (có thể ông đã đọc bản chính lá thư này): Roberts xin lập thương điếm ở Cù Lao Chàm, còn theo Kergariou (được Vannier kể lại): người Anh muốn mua Cù Lao Chàm. Việc này rất có thể đã xảy ra, vì ngay từ năm 1793, khi phái đoàn Macartney, sứ thần Anh đầu tiên đến Trung Quốc, đã ngừng lại ở Đà Nẵng từ 14/5 đến 16/6/1793, dưới triều vua Cảnh Thịnh, họ đã vẽ bản đồ vịnh Đà Nẵng và mô tả Cù Lao Chàm như một nơi có vị thế chiến lược quan trọng để đặt “thương điếm” và làm địa điểm giám sát vùng biển Đông (xem chương 4, Barrow). Vì thế, Gia Long mới nói rằng: “Hải cương là nơi quan yếu, sao lại cho người ngoài được! Không cho!

Roberts đến Đà Nẵng khi vua đang sửa soạn ra Bắc tháng 9/1803 nhận lễ tấn phong của nhà Thanh. Bị từ chối đề nghị, nhưng Roberts vẫn kiên trì ở lại. Vua giao việc này cho Công Đồng xét xử, và Công Đồng đã quyết định gửi Vannier và Chaigneau ra Đà Nẵng tiếp và nói cho phái đoàn Anh biết luật lệ của triều đình (xem chương 22). Tàu Anh đợi đến khi vua về lại Huế ngày 19/3/1804. Từ tháng 3/1804 đến tháng 7/1804, Roberts vẫn một mực dâng thư xin triều kiến nhưng vẫn bị từ chối. Việc tháng 7-8/1804, Thực Lục ghi: Nước Hồng Mao sai sứ đến dâng phương vật, dâng biểu xin thông thương. Lại xin cho người nước ấy ở lại Đà Nẵng, đi lại buôn bán. Vua nói: Tiên vương kinh dinh việc nước, không để người Hạ lẫn với người Di, đó thực là cái ý đề phòng từ lúc việc còn nhỏ. Người Hồng Mao gian giảo, trí trá, không phải nòi giống ta, lòng họ hẳn khác, không cho ở lại, ban cho ưu hậu mà khiến về, khước từ những phương vật họ hiến. Rồi sau bọn Hội Thương Trọng (tên quan Hồng Mao) [chắc chỉ Roberts] hai ba lần dâng thư yêu cầu. Cuối cùng vua cũng không cho” (TL, I, t. 602). Cuối cùng, tức là hơn một năm sau, ngày 14/8/1804, tàu Anh mới nhổ neo, Roberts để lại lá thư phản đối sau đây:

Hải cảng Touran [Đà Nẵng] ngày 14/8/1804,

Tâu Bệ Hạ,

Tôi vô cùng cám ơn các quan chức đã được lệnh Bệ Hạ chu cấp lương thực cho chúng tôi trong suốt thời gian chúng tôi ở đây. Tôi rất tiếc là Bệ Hạ đã không lấy quyết định giao ước hữu nghị và thương mại với Công ty Anh-Ấn Khả kính, điều này rõ ràng đem đến sự mở mang và thịnh vượng cho quý quốc. Cách Bệ Hạ đối xử với Công ty Anh-Ấn Khả kính, theo tôi, không thân thiện như Công ty Khả kính đối xử với Bệ Hạ. Khi tới Touran tôi đã bị giữ lại gần ba tuần, lấy cớ là phải giải thích chủ đích của phái đoàn, điều mà tôi đã làm trong những lá thư viết từ Touran, tháng 12, năm ngoái [1803] [theo chú thích của Louvet: lá thư này xin lập thương điếm ở Cù Lao Chàm]. Còn về quà cáp biếu Bệ Hạ, để chứng tỏ lòng thân thiện của Công ty Khả kính và của Ngài Toàn Quyền cao quý của chính phủ Anh ở Ấn Độ, thì đã được nhận một cách không mấy hữu hảo, tôi biết việc này, qua bài phúc trình của Công ty Khả kính cho các cơ quan hữu trách ở Ấn Độ.

Sự nhất quyết từ chối những đề nghị và đòi hỏi mà tôi đã có hân hạnh trình lên Bệ Hạ, [tức là xin Cù Lao Chàm để mở thương điếm] đáng lý phải được xét xử một cách thân thiện, bởi vì có lợi cho quý quốc, là rất đáng giận. Để trả lời những khát vọng ôn hoà của Công ty Khả kính, Bệ Hạ chỉ cho phép các tàu Anh đến các hải cảng của Bệ Hạ trong cùng điều kiện với các tàu ngoại quốc khác, là một sự xúc phạm. Cái phép này, luôn luôn có, không có giá trị gì hết, và không thể coi là biểu hiện ước muốn trao đổi với Công ty, mà ngược lại, nó cho thấy Bệ Hạ đã lạnh lùng bác bỏ các đề nghị mở cửa của Công ty. Lối hành xử hách dịch, kiêu kỳ, xấc xược của Bệ Hạ trong mọi trường hợp, là cách trả lời tệ hại cho những đề nghị tiện lợi của Công ty Khả kính, Bệ Hạ đã không cho phép một buổi tiếp kiến riêng nào.

Đáng lý ra, Bệ Hạ phải bằng lòng với những ý định thân thiện và lợi ích rút ra từ việc giao thiệp với Công ty. Sự quyết tâm rõ ràng tránh tất cả mọi giao hảo với nước Anh của Bệ Hạ, theo ý tôi, là không tương hợp với việc Bệ Hạ nhận những hàng hóa và những đơn đặt hàng.

Tôi thấy cách xử sự của Bệ Hạ vụng về, thiếu khôn ngoan và không chắc chắn. Nếu ngài muốn thương lượng hữu nghị với dân tộc Anh, chúng tôi vẫn sẵn sàng thiết lập sự giao hảo có lợi cho hai nước. Chước duy nhất là [Bệ Hạ] gửi một đại biểu tới Ngài Toàn Quyền cao quý ở đồn William. Điều này vẫn còn có thể làm được.

Như tôi không thể tin rằng Bệ Hạ từ chối không cho tàu Anh đến các hải cảng của bệ hạ như những tàu khác, mà có thể, Bệ Hạ sợ chúng tôi sẽ hành xử chống lại luật lệ quý quốc, tôi xin báo cho Bệ Hạ biết rằng, bất cứ sự phạm pháp nào của người Anh cũng bị trị tội, nếu có chứng cớ hợp thức, và sẽ báo cho chính phủ Nam Hà biết.

Tôi còn phải báo cho Bệ hạ biết nếu ngài cho phép kẻ thù của nước Anh [chỉ Pháp] mở một thương điếm hay dễ dàng buôn bán bất cứ thứ gì, thì Bệ Hạ nên biết rằng, sự tiếp xúc với chúng sẽ chuốc lấy hậu quả là mối hận thù của chính phủ Anh.

Tôi không mong cơ sự sẽ đến nỗi như vậy, mà mong Bệ Hạ sống lâu trong hoà bình và thoả ý.

Tôi hân hạnh, v.v.

(Dịch theo bản dịch tiếng Pháp, in trong La Cochinchine Religieuse của Louvet, quyển II, t. 496-498).

Lá thư hỗn xược và đe dọa của Roberts cho chúng ta những thông tin đáng chú ý sau đây:

1- Là đại diện Công Ty Anh-Ấn, nhưng Roberts xử sự như là đại diện của nước Anh, điều này chứng tỏ Công Ty Anh-Ấn chính là não bộ chính sách thuộc địa của Anh ở ngoài nước.

Câu: “Bệ Hạ chỉ cho phép các tàu Anh đến các hải cảng của Bệ Hạ trong cùng điều kiện với các tàu ngoại quốc khác, là một sự xúc phạm, tỏ sự trịch thượng và xúc phạm của chính quyền Anh đối với chính quyền Việt Nam.

Câu: “Nếu ngài muốn thương lượng hữu nghị với dân tộc Anh, chúng tôi vẫn sẵn sàng thiết lập sự giao hảo có lợi cho hai nước, chứng tỏ công ty Anh-Ấn là chính quyền Anh.

2- Câu: “Sự quyết tâm rõ ràng tránh tất cả mọi giao hảo với nước Anh của Bệ Hạ, theo ý tôi, là không tương hợp với việc Bệ Hạ nhận những hàng hóa và những đơn đặt hàng. Ý muốn nói đến việc Nguyễn Vương vẫn nhận những hàng hoá của công ty Abbott-Maitland, mà Barisy là đại diện. Nói vậy là nhận vơ vì Abbott-Maitland là công ty tư, buôn bán với Nguyễn Vương từ 1793, cùng điều kiện với những nhà buôn của các nước châu Âu khác, như Bồ, Đan Mạch… họ không hề xin đất để lập thương điếm (xem chương 17, Chính sách đối ngoại của Gia Long).

3- Những lời hỗn xược trong lá thư này đã khiến Gia Long nổi giận và sử gia triều Nguyễn ghi lại trong Thục Lục: “Người Hồng Mao gian giảo, trí trá, không phải nòi giống ta, lòng họ hẳn khác, không cho ở lại. Và cũng vì vậy mà Gia Long càng thêm cứng rắn đối với việc Anh, Pháp xin “thông thương”.

Dư luận thời ấy về việc sứ bộ Roberts

Giám mục La Bartette trong thư ngày 17/9/1803 gửi cho M. Chaumont ở Paris, nói về cái chết của Barisy, có câu: “Tàu Anh còn ở đây (tàu của hãng buôn Anh ở Madras) đang tính toán sổ sách với nhà vua. M. Barisy, là đại diện thương mại của tàu Anh tại đây, đã mất một năm rồi, có vài lộn xộn trong sổ sách. Tôi tin rằng cũng sẽ ổn thoả, không có gì trở ngại” (Cadière, Doc. Rel. t. 57). Vị giám mục lầm tàu của Roberts thuộc công ty Anh-Ấn với tàu của công ty Abbott-Maitland. Hoặc có thể, công ty Anh-Ấn cũng là chủ nhân công ty Abbott-Maitland?

Sainte-Croix viết đại ý như sau: Chính quyền Anh ở Bengale được tin vua nước Nam vừa toàn thắng, vội gửi sứ giả sang để ký kết buôn bán có lợi cho công ty của họ và tống cổ nước Pháp ra ngoài. Họ xin lấy một hải cảng để đậu tàu và mở thương điếm. Roberts giám đốc công ty Anh ở Quảng Đông được gửi sang nước Nam, mang theo nhiều quà cáp đến Quin-Hône [Qui Nhơn]. Trong khi đợi vua tiếp, thì ông ta đem quà cáp đút lót các quan và rêu rao nếu buôn bán với Anh thì sẽ có lợi. Roberts không muốn các thừa sai Pháp ở trong triều cản trở, đã khôn khéo bảo họ rằng chính phủ Anh đã giúp đỡ các thừa sai Pháp tỵ nạn sang Anh sau cách mạng 1789, vì vậy, trong vụ này, các thừa sai Pháp ủng hộ Anh, kẻ thù của Pháp.

Các quan đã dàn xếp cho vua tiếp Roberts lần đầu, đã nhận một phần quà cáp mà ông ta tốn kém không biết bao nhiêu mà kể. Việc sắp thành, thì lúc đó, các ông Vannier và Chaigneau, đang làm quan tại triều, đến. Vua không biết rõ sức mạnh của nước Anh, chỉ nghe phong thanh có người Âu đến xin thông thương… Vua hỏi Chaigneau, ông ấy phải quỳ gối hai giờ đồng hồ theo lối Annam, thì thầm vào tai vua, để các quan khỏi nghe thấy. Sau vua quay ra hỏi ông Roberts lý do tại sao lại muốn buôn bán với nước Nam, ông này trình bày một cách giả dối khiến vua đổi hẳn thái độ, hỏi thẳng: vậy cũng như đã đến chiếm Ấn Độ chứ gì? Sau đó vua trả lại quà cáp và hạ lệnh cho nước Anh được giao thông giống như điều kiện đã cho các nước khác. (Tóm tắt Relation Bissachère, t. 97-102).

Sự “tường thuật” của Sainte-Croix có nhiều chỗ ba hoa: Roberts không “hối lộ” được các quan và cũng không nhờ các “thừa sai” Pháp ở trong triều ủng hộ để được vua tiếp lần nào cả. Gia Long biết rõ tình thế hơn ai hết: thấy Anh xâm lược Ấn Độ, và chính tàu Armide của vua cũng bị tàu Anh chiếm năm 1798 (xem chương 17, Chính sách đối ngoại của Gia Long).

Montyon nói đến sự thất bại của phái đoàn Hastings năm 1778, sang vào lúc loạn lạc, nên không thành, và về việc phái đoàn Anh đến năm 1804, vua không tiếp: “Năm 1778, nước Anh sau khi làm chủ được một phần đất Ấn, đã tìm cách buôn bán với nước Nam, nhưng không thành […] Từ khi Gia Long lên ngôi, Công Ty Anh-Ấn lại muốn xây dựng một dự trình xin cho các tàu buôn Anh được hưởng điều kiện thương mại có lợi, đã bí mật gửi người đến điều đình; nhưng hoặc vì do mưu mô của vài sĩ quan Pháp được hoàng đế tin cậy [chỉ Vannier, Chaigneau], hoặc do sự nghi ngại sức mạnh của Anh, quà đem đến để thương thuyết không được vua nhận, vì thế người của Công Ty Anh-Ấn cũng không đề nghị được gì. (Montyon, I, t. 169).

Barrow thì chắc chắn rằng Gia Long sẵn sàng giao thương với nước Anh, nhưng vì trong phái đoàn Anh không ai biết một chữ tiếng Việt, mà bên cạnh vua còn có những người Pháp, họ tha hồ dèm pha, nói xấu… Kết quả hiển nhiên là phải như vậy: trong triều chỉ còn thông ngôn là thừa sai Pháp, làm sao biết được, họ chỉ dịch cho vua những gì mà họ muốn, chúng ta thừa biết họ đối với Anh như thế nào! (Barrow, t. 325-327).

Đọc những lập luận trên đây, không những chúng ta biết thêm được bối cảnh của câu chuyện, (dù đôi lúc các tác giả cũng viết bừa), mà còn thấy rõ hơn sự cạnh tranh và ganh tỵ triệt để giữa Pháp và Anh trong việc “buôn bán” này. Kể từ ngày 25/3/1802, Anh Pháp đã ký hiệp ước hoà bình Amiens, nhưng không vì vậy mà “mối thù “giữa hai nước đã giảm. Sự tranh chấp từng miếng đất làm thuộc địa, giữa hai nước vẫn dữ dội, và Roberts là một vụ điển hình.

Kergariou kể việc Gia Long chuẩn bị chiến tranh với nước Anh

Kergariou, thuyền trưởng tàu Cybèle của Pháp, trong nhật ký hành trình (sẽ nói ở dưới), kể việc Vua Gia Long phòng bị chiến tranh với Anh, việc này do Vannier thuật lại với Kergariou về tình hình Việt Nam, những điều này có thể tin được:

… ông [Gia Long] rất sợ người Anh, lo ngại họ sẽ xâm lấn hải cảng Đà Nẵng mà họ đã tìm cách mua lại [mà không được]. Năm 1812, một chiến hạm Anh xuất hiện ở Đà Nẵng và ở lại 15 ngày. Viên thuyền trưởng đến để đòi số tiền 300.000 đồng còn lại của hãng buôn Abbott và Maitland ở Madras. Tất cả sổ sách này đã thanh toán xong, [vua đã trả] cho viên thuyền trưởng một chiến hạm khác đến đây từ năm 1807. Nhà vua thấy sự đòi hỏi vô lý này, không trả, và gửi bản sao sổ sách xong xuôi cho phó vương Bengale và những người cầm đầu khác ở Ấn Độ. Viên thuyền trưởng Anh nhổ neo đi và hăm dọa rằng, sẽ trở lại đòi nợ với đoàn chiến hạm phủ kín mặt biển và sẽ đổ bộ 20.000 người. Từ đó, nhà vua áp dụng mọi biện pháp phòng vệ cần thiết, cho xây những pháo đài ở Đà Nẵng, người ta cảm thấy rằng, đối với ông, thà mất ngai vàng còn hơn chịu thần phục người Anh.

Năm 1813, họ đã đợi người Anh, nhưng người Anh không tới và trong hơn hai năm, cả nước đều ở vị trí phòng thủ” (La Mission de la Cybèle en Extrême-Orient (1817-1818), t. 127-128).

Về việc này, Thực Lục tháng 7/1812 ghi: “Tàu của người Hồng Mao là Ốc Luân đậu ở vụng Trà Sơn, dâng biểu nói năm trước nhà vua mua súng đạn của trưởng tàu là Áp Bột Miệt Lăng [công ty Abbott-Mailland] giá bạc hãy còn thiếu, xin trả cho. Quản tàu vụ là Nguyễn Đức Xuyên đem việc tâu lên. Vua nói: Người Di Địch chỉ biết có lợi, khó nói nhân nghiã được. Giá hàng mua năm trước còn ở sổ kia. Gần đây Kê Lê Mân đến xin thêm giá, ta cũng không thèm so đọ, đã cho đủ số rồi. Nay lại tham lam không chán, sở dục biết làm sao cho no được? Bèn sai Đức Xuyên làm thư nghiêm trách, và sao cả sổ mua hàng cho xem. Ốc Luân được thư xấu hổ và sợ, đi mất (TL; I, t. 841).

Kergariou viết thêm nơi trang 151: “… ở nước Nam, có những nơi mà mạch mỏ bạc nổi cao sát mặt đất, những chỗ này được canh gác kỹ lắm, vua không muốn khai thác và cũng không cho ai khai thác. Lý do vì vua sợ sự giầu có này được bên ngoài biết đến và nếu khởi công khai mỏ, bọn người Anh sẽ kiếm cách xâm chiếm. Hoàng đế rất nghi ngờ lòng tham lam và gian trá của người Anh, người quả quyết chống lại đến cùng, kể cả việc phải phá huỷ, hay để bị phá những thành trì ở ven biển, rồi rút vào đợi quân địch ở chân núi và hẻm núi.

Những điều này chắc chắn do Vannier kể cho Kergariou biết. Thực Lục, năm 1813, tuy không trực tiếp nói đến việc phòng thủ nước Anh, nhưng ghi lại các việc sau đây: sai đắp thành đất trấn Vĩnh Thanh (là một thành đài cực kỳ kiên cố ở miền Nam). Đắp đài Điện Hải và bảo An Hải ở bên trái và bên phải cửa biển Đà Nẵng (những thành đài này sẽ được Minh Mang kiện toàn, Thiệu Trị xây thêm và đã gây trở lực lớn cho liên quân Pháp Y Pha Nho, khi họ đánh Đà Nẵng năm 1858). Đổi cửa Eo thành cửa Thuận An. Xây đài Trấn Hải. Tuyển binh từ Quảng Bình vào Nam đến Gia Định. Vua thân chinh ra Thuận An xem đài Trấn Hải và ra Đà Nẵng xem đài Điện Hải. Cho dựng đài hoả hiệu ở núi Chu Mã và núi Quy Sơn. Đúc súng. Định 9 điều lệ nghiêm ngặt cho việc án thủ đài Trấn Hải, cũng là điều lệ chung cho việc phòng thủ những nơi hiểm yếu. Điều số 8 như sau: “Trấn thủ Thuận An có tin báo về việc ngoài biển (về người Tây Dương) hoặc thấy hiệu lửa ở đài hoả hiệu Quy Sơn cửa biển Tư Dung, tức thì một mặt sắp quân phòng bị, một mặt phái người chạy tâu.” (TL, I, t. 857, 859, 860, 862).

Nhũng điểm này chứng tỏ Gia Long chuẩn bị phòng thủ quân Tây Dương là có thật.

Tàu Cybèle đến Đà Nẵng năm 1817

Từ khi Bá Đa Lộc đại diện Nguyễn Ánh ký hiệp ước cầu viện với de Montmorin tại Versailles ngày 28/11/1787, nhưng sau đó Louis XVI, đổi ý, không thực hiện hiệp ước này; nước Pháp rơi vào cuộc cách mạng 1789, Louis XVI lên đoạn đầu đài và Pháp vào thời kỳ sóng gió loạn lạc thay đổi chính quyền trong 30 năm, đến thời kỳ Vương Chính Trùng Hưng (Restauration), dòng Bourbon trở lại cầm quyền, Louis XVIII mới nghĩ đến việc trở lại Viễn Đông, và năm 1817 gửi chiến hạm Cybèle do A. de Kergariou điều khiển đến Việt Nam.

Achille de Kergariou sinh tại Quimper (Bretagne), ngày 1/5/1775. Mất tại Ploumoguer (Finistère) ngày 12/12/1820. Từ 1787 gia nhập hải quân, là sinh viên sĩ quan hạng 3. Đến 1792, trở thành sĩ quan. Sau nhiều năm kinh nghiệm, 1814, được thăng thuyền trưởng chiến hạm Cybèle, đi vùng Terre-Neuve [miền Đông Canada] trước khi đến Việt Nam.

Tàu Cybèle khởi hành từ Brest, sau 106 ngày vượt biển không ngừng, đến Pondichéry ngày 1/7/1817, rồi ghé Malacca, Manille, Cavite, Macao, đảo Hải Nam và đến Đà Nẵng ngày 30/12/1817. Vì không đem theo quốc thư, nên Kergariou không được vua Gia Long tiếp, Kergariou rời Đà Nẵng ngày 22/1/1818, đi dọc theo bờ biển phiá Nam, đỗ lại ở Champello [Cù Lao Chàm], Vung-Chao [Vũng Chào, Phú Yên], đảo Tray [Hòn Tre, Nha Trang], Phanry [Phan Rí] và Cap St-Jacques [Vũng Tàu]. Sau đó đi Poulo-Condore [Côn Đảo] rồi trở lại Malacca ngày 11/2/1818. Ngày 19/10/1818, Cybèle trở về Brest, hoàn thành công tác 19 tháng. Tuy nhiệm vụ chính trị thất bại, Kergariou đã hoàn thành việc kiện toàn những bản đồ bờ biển miền Nam do Dayot vẽ ngày trước.

Về việc tàu Kergariou đến Đà Nẵng, Thực Lục, tháng 12/1817, ghi:

Tàu của Phú Lãng Sa đậu ở Đà Nẵng, đưa thư cho Nguyễn Văn Thắng nói vua nước ấy lấy lại được nước, sai treo cờ ở thuyền đi đến các cửa biển để các nước láng giềng biết, xin dâng sản vật địa phương, đến Kinh chiêm yết. Vua lấy cớ không có quốc thư mà khước từ. Sai Dinh thần Quảng Nam khoản đãi hậu, rồi bảo đi. Lại sắc cho trấn thủ Đà Nẵng rằng nếu thuyền người Phú Lãng Sa có treo cờ bắn súng mừng 21 tiếng thì ở trên đài Điện Hải cũng bắn trả lời đúng số ấy. Từ sau có thuyền buôn nước ngoài vào cửa biển, bắn súng dẫu nhiều, trên đài chỉ bắn ba tiếng làm hiệu.” (TL, I, t. 959-960).

Nhật ký hành trình của Kergariou

Kergariou để lại cuốn nhật ký hành trình, lưu trữ trong văn khố bộ Hải Quân. Pierre de Joinvillle sưu tầm, chú thích, viết thành luận án tiến sĩ văn khoa, xuất bản năm1914, tại Paris với tựa đề La Mission de la Cybèle en Extrême-Orient (1817-1818), journal de voyage du capitaine A. de Kergariou (Sứ mệnh của tàu Cybèle ở Viễn Đông, nhật ký hành trình của đại uý A. de Kergariou), sẽ dẫn là Kergariou. Nhờ cuốn sách này mà chúng ta có đầy đủ tài liệu vế chuyến đi của tàu Cybèle đến Việt Nam năm 1817-1818.

Cuốn sách này có hai điểm đáng chú ý:

1- Ghi lại các việc hàng ngày, với đầy đủ chi tiết, khiến ta có thể biết rõ mọi diễn biến, trong thời gian từ 30/12/1817, khi tàu đến Đà Nẵng tới 22/1/1818, ngày tàu nhổ neo, đi dọc theo bờ biển phiá Nam.

2- Trong phần Chứng từ (Pièces Justificatives), in những bức thư trao đổi giữa Kergariou và Vannier, Chaigneau, và Quyết nghị của Công Đồng. Những văn bản gốc này, tự chúng đã nói lên sự thực. Vì vậy, trước hết, chúng tôi dịch những lá thư trong phần Chúng từ để độc giả thấy rõ trình tự các sự việc đã xảy ra.

Tới Đà Nẵng ngày 30/12/1817, Kergariou viết ngay lá thư đầu tiên gửi Chaigneau và Vannier, báo tin mình đã tới nơi, và nhờ hai người này giúp để xin gặp vua Gia Long.

Lá thư thứ nhất của Kergariou gửi Vannier và Chaigneau

… Hoàng đế Louis XVIII, đấng cứu thế (Le Désiré), quốc vương Pháp và Navarre [Navarre xưa là miền nam Pháp và bắc Y Pha Nho] đã lên lại ngôi cao của tổ tiên, người lo lắng cho hạnh phúc của thần dân và đang hàn gắn những vết thương do từ quá lâu [nước Pháp] không có chính quyền. Người ra lệnh, lá cờ Pháp, cờ hoa huệ ngày xưa, đã quá lâu vắng bóng, phải trở lại trên biển cả. Khi nhìn đến những vùng đất xa xăm, con mắt người chú ý đến Nam Hà, một đất nước giống như chúng ta, đã bị những nỗi bất hạnh lớn, đã chịu những cuộc nổi loạn kỳ dị. Người đã thấy, cầm đầu đất nước này là một quốc vương chính thống, cũng giống như người, đã gặp phận rủi ro, nhưng cũng nhờ kiên gan mà đã thành công…

Tôi được hân hạnh đặc giao nhiệm vụ trên tàu Cybèle của vua, trở lại vùng biển Á Châu, phô trương chiến hạm của vua, phô trương lá cờ Pháp (và trong cuộc hành trình, tôi có nhiệm vụ chính thức bố cáo rằng Vua Louis XVIII, Cứu thế, đã khôi phục lại ngôi báu của tổ tiên, người đặc biệt dặn dò tôi ở lại bờ biển Nam Hà, cố gắng xin được yết kiến nhà vua với mục đích duy nhất là gửi lời khen tặng của vua Pháp và bảo đảm sự nể trọng và quý mến của Pháp hoàng đối với nhà vua, bằng cách chính thức thông báo cho nhà vua biết là hoàng đế đã tức vị, được củng cố bởi lòng nhân đức, cùng sự kính trọng và tình yêu của thần dân… (Kergariou, t. 227-228). Sau đó, Kergariou hỏi ý kiến Chaigneau và Vannier về việc quà cáp biếu Gia Long, nên tặng những thứ gì, và nhờ hai người này kiếm cho một người thông ngôn.

Lá thư đầu tiên của Kergariou viết về “sứ mệnh” của chuyến đi, lời lẽ hoa hòe, khoa trương, được tóm tắt lại trong Thực Lục, chứng tỏ Kergariou không có một “nhiệm vụ” đích thực nào cả, hoặc vua Louis XVIII sai ông ta đi, mà không sửa soạn gì. Cũng nên nói thêm: Sở dĩ có lời “rao” này, vì trước đây Gia Long đã từng nói: chỉ giao thiệp lại với Pháp nếu dòng họ Bourbon trở lại làm vua. Sự phô trương này chỉ là mặt tiền.

Mặt hậu, không nói ra, nhưng đã dặn Kergariou không được tự mình điều đình gì về hiệp ước 1787 (tức là hiệp ước Versailles do Bá Đa Lộc ký, xin cầu viện, nhưng Pháp không thi hành, bây giờ Pháp muốn “đòi” các đất đã hứa nhượng trong bản hiệp ước 1787, là Hội An và Côn Lôn). Đó là mặt hậu.

Tất nhiên dù chỉ nói “mặt tiền” ra thôi, thì cũng bị thất bại rồi: triều đình không tiếp một viên thuyền trưởng chỉ muốn đến “chào vua” mà không đem quốc thư, và Vannier không có thẩm quyền gì trên quyết định của triều đình.

Thư trả lời của Chaigneau và Vannier

Thưa ông,

Tối nay chúng tôi nhận được thư ông viết ngày 30/12 vừa qua ở Đà Nẵng. Chúng tôi báo tin ngay cho quan Thương Bạc [tức Nguyễn Đức Xuyên, phụ trách các bộ: Ngoại Giao, Tàu Vụ và Tượng binh] ông cho biết, trước khi tâu vua, cần phải biết rõ mục đích nhiệm vụ của ông; vì vậy, chúng tôi vinh hạnh đợi lá thư ông sẽ viết để thông báo chi tiết những quà cáp gửi đến có phải của vua Pháp hay của ai khác, và nếu có thư nào của chính phủ Pháp gửi chính phủ Việt Nam. Trong khi chờ đợi, vị quan này sẽ gửi cho ông viên thông ngôn của ông ấy, bởi vì chúng tôi không có thông ngôn.

Chúng tôi ky vọng rằng…

J.B. Chaigneau, P.Vannier

Huế ngày 3/1/1818 (Kergariou, t. 230)

Thư thứ 2 của Kergariou gửi Chaigneau và Vannier

Thưa các ông,

Tôi vừa hân hạnh nhận được lá thư mà các ông đã gửi cho tôi qua người thông ngôn-đưa thư của ông Bộ trưởng Ngoại giao [Nguyễn Đức Xuyên]. Tôi hy vọng các ông đã nhận được thư thứ hai của tôi vì thư đầu chỉ có mấy dòng ghi (note) vội để các ông biết tôi đã đến [note này không thấy in lại].

Tôi hy vọng lá thư này sẽ làm thoả mãn hầu hết những đòi hỏi của ngài Bộ trưởng Ngoại giao.

Về những phẩm vật mà tôi đã nói với các ông, tôi nghĩ có bổn phận phải trả lời rằng những quà cáp mà tôi được giao phó tặng Vua [nước Nam] đến từ Vua Pháp và nhân danh Vua Pháp, tôi cố gắng làm cho chúng thích hợp.

Tôi không có thư gì cho chính phủ nước Nam; sau khi các ông đã đọc thư tôi, các ông sẽ thấy nhiệm vụ của tôi ở các vùng biển này đều giống nhau và thư uỷ nhiệm cũng như sự bảo đảm nhiêm vụ của tôi chính là hiệu kỳ của Vua nước ta. Vả lại, sự chú ý, quan tâm đặc biệt mà Hoàng đế đã gửi theo chiến hạm Cybèle, là một kỷ niệm hữu nghị hơn là những phẩm vật gửi đến Vua nước Nam. Một thần dân [như tôi] không được phép dò xét những ý định của quân vương, mà phải thi hành những ý định ấy!… Người đã thực sự sai tôi ngừng lại ở đây và cố tìm cách xin tiếp kiến Hoàng đế nước Nam, để nhân danh người, mạnh mẽ nói lên những điều mà tôi đã thông báo ở hầu hết các vùng bể này.

Quà cáp, tôi nghĩ, gồm có, một đồng hồ treo, một khẩu súng săn và một cặp súng lục của xưởng chế tạo hoàng gia ở Versailles.

Tôi hy vọng…

A. de Kergariou

6/1/1818 (Kergariou, t. 231-232)

Lá thư của Chaigneau và Vannier trên đây chỉ tuân theo thủ tục ngoại giao của triều đình: hỏi rõ mục đích chuyến đi của Kergariou, vì lá thư đầu nói hàm hồ quá. Nhưng khi Kergariou cho biết không có quốc thư, đáng lẽ Gia Long có thể từ chối ngay, nhưng vì vua vẫn giữ cảm tình riêng với nước Pháp, cho nên đã cho lệnh đón tiếp Kergariou, như sau:

Thư của Vannier gửi đại uý Kergariou

Thưa ông,

Sau khi nhận được những thư ông viết cho chúng tôi ngày 1 tháng này, tôi đã hân hạnh báo tin cho Ngài Bộ Trưởng [Nguyễn Đức Xuyên]; chúng tôi đã dịch những thư này sang tiếng Việt và tâu lên Hoàng Thượng. Người tức khắc ra lệnh cho tôi và quan Thượng thư Bộ Lễ [Phạm Đăng Hưng] đến đây, mời ông xuống đất liền để chúc mừng ông đã đến nơi bình an và thảo luận công chuyện; về phần tôi, trước hết, tôi cũng mong được lên tàu để chào ông và trình bày sự kính trọng của tôi, nhưng nếu chưa làm được, lúc này, thì cũng mong ông thứ lỗi.

Tôi hân hạnh…

P. Vannier

Tourane [Đà Nẵng] ngày 10/1/1818. (Kergariou, t. 232)

Việc Gia Long gửi Thượng thư Bộ Lễ [Phạm Đăng Hưng] đi với Vannier ra Đà Nẵng đón Kergariou (Chaigneau bị thương chân nên không đi được, t. 105), cùng với Dinh thần Quảng Nam, chứng tỏ vua muốn tiếp phái đoàn Pháp, vì Phạm Đăng Hưng là một trong những vị đại thần đầu triều, uyên bác, có uy tín như Đặng Đức Siêu, Trịnh Hoài Đức, Lê Văn Định… Trong hơn 10 ngày tiếp xúc, đàm đạo, hai bên đãi tiệc lẫn nhau, Phạm Đăng Hưng đã dùng hết cách, vừa hạch hỏi, vừa giúp đỡ Kergariou tìm lối thoát: nếu có một chứng từ gì của vua Pháp xác nhận nhiệm vụ của Kergariou, khiến triều đình chấp nhận được mà tiếp, nhưng quả thật Kergariou không có giấy tờ gì cả, còn tin Kergariou đem đến rao là Pháp Hoàng đã lên ngôi, thì vua Gia Long đã biết trước rồi. Sau cùng là quyết nghị dưới đây của Công Đồng:

Quyết định của Công Đồng

(Viết cho Vannier)

Ông biết rằng hôm nay chúng tôi đã nhận được lá thư của ông tâu Hoàng Thượng tất cả những gì đã xảy ra ở Đà Nẵng với viên thuyền trưởng chiến hạm Cybèle của Pháp hoàng; người này đã nói với ông rằng ông ta được vua Pháp gửi tới để báo tin cho Vua nước Nam biết: vị vua đích thực của nước Pháp đã lấy lại được ngôi báu của tổ tiên. Ở đây, dù rất xa nước Pháp, nhưng trước khi chiến hạm đến, đã có những tàu Pháp khác tới buôn bán, đã báo cho Hoàng Thượng biết tin mừng này rồi, và Hoàng Thượng đã rất vui mừng.

Hôm nay, chúng tôi thấy rằng viên thuyền trưởng Pháp này được gửi tới đây mang ít phẩm vật của Pháp hoàng biếu Vua nước Nam và báo tin cho Hoàng thượng biết Pháp hoàng đã lấy lại ngôi tôn của tổ tiên. Tất cả những thông tin này, chúng tôi đã tâu lên Hoàng thượng, và người dụ rằng những nước xa xôi nhất, muốn đến chào người, người không cản, và người đã ra lệnh triệu tập tất cả các quan họp lại để bàn và quyết định về việc viên thuyền trưởng Pháp tới đây, xem ông ta có thể hay không thể đến chào Hoàng Thượng và dâng lễ vật.

Sau khi đã luận bàn, các quan tâu vua rằng: theo luật xưa và nay, thì khi sứ thần hay phái viên của bất cứ nước nào đến, các quan phải tháp tùng vua trong đại lễ và giới thiệu với vua những sứ thần này cùng với thư ủy quyền và lễ vật của họ. Luật ngày nay cũng thế.

Vị thuyền trưởng chiến hạm Pháp đến đây không có thư gì của vua Pháp; nên chúng tôi không biết giới thiệu ông ta như thế nào trước Hoàng Thượng.

Đó là lời tâu của các quan lên Hoàng Thượng, người bảo họ nói như vậy có lý, và người đã tức khắc ra lệnh cho các quan được gửi ra Đà Nẵng tiếp viên thuyền trưởng chiến hạm Pháp, phải báo cho ông ta biết quyết định của Công Đồng và nói với ông ta rằng, vì luật của nhà nước không cho phép, nên vua, dù rất phiền lòng không tiếp được ông ta, nhưng luật quốc gia là vậy, vua cũng bắt buộc phải tuân theo. Từ bây giờ, ông thuyền trưởng, khi thấy thuận gió, hoặc thấy cần đi, thì cứ tự do quay về.

Huế, ngày 8, tuần trăng thứ 12, Gia Long năm thứ 16, tức ngày 14/1/1818.

Tôi xin chứng nhận bản dịch này đúng với bản gốc.

P. Vannier. (Kergariou, t. 233-234)

Những việc Kergariou kể lại trong hồi ký

Những điều Kergariou kể lại trong hồi ký cho ta biết rõ hơn chi tiết mọi việc xảy ra:

Khi chúng tôi cùng ngồi, ông Vannier làm thông ngôn cho quan đại thần [Phạm Đăng Hưng] cho biết họ được vua nước Nam giao cho nhiệm vụ đến chào và chúc mừng chúng tôi đã đến đây bình an, đồng thời cũng có nhiệm vụ hỏi tôi có đem theo thư của vua Pháp hay thủ tướng Pháp không.

Tôi trả lời mơ hồ, bằng cách nhắc lại những điều tương tự trong các bức thư tôi đã viết cho các quan Pháp [Vannier, Chaigneau]. Về điểm đó, ông đại thần ở Huế [Thượng thư bộ Lễ Phạm Đăng Hưng] đã có những nhận xét, những bắt bẻ, cuộc nói chuyện kéo dài, trước một cử tọa đông đảo, tôi cố gắng đối đáp với sự giúp đỡ của ông Vannier.

Cuối cùng, sau hàng ngàn câu hỏi của quan đại thần Bộ Lễ, hầu như giống nhau và có vẻ như vô nghiã, tôi đề nghị với ông Vannier, vì không có thư của Hoàng Đế hay của Bộ trưởng, đưa cho ông quan bản trích lục những chỉ thị của tôi liên quan đế nước Nam, và tôi sẽ chứng nhận và ký tên ở dưới, để gửi cho Hoàng Thượng và Công Đồng.

Mới đầu, ông không chịu; ông lại hỏi nếu tôi có mang theo chỉ dụ của vua Pháp sai sang xin triều kiến vua nước Nam không.

Tôi trả lời là tôi quả có lệnh về việc này. Ông bảo tôi có thể cho ông xem cái chỉ dụ ấy, ông sẽ sai dịch và tâu vua. Tôi trả lời là không thể được; rằng tôi được sai đi nhiều nước, những lệnh này chứa trong nhiều tập sách, tôi không thể giao phó cho ai, cũng không thể dịch ra được, bởi vì trong đó có các khoản không dính líu đến nước Nam. Tóm lại, tôi không thể trái lệnh vì bất cứ cớ gì. Và tôi lại đề nghị một lần nữa, là tôi sẽ trích lục lệnh này ra và đóng dấu của tôi. Không hiểu sao tôi lại nẩy ra cái ý này, và đã thành công (trong lúc đó).

Ông quan có vẻ dịu đi; hình như những con dấu có ảnh hưởng tới họ; về sau, tôi thấy rõ họ đặt giá trị vào đó. Như thể danh dự của họ. Ngoài ra, ông Vannier còn nói thêm một bằng chứng về nhiệm vụ của tôi là việc tôi xin vào triều, bởi vì nếu không có lệnh đó thì tôi không dám bỏ chiến hạm đi xa trong thời gian dài như vậy, ở một nước ngoài.

Ông Vannier, hết sức nhiệt thành phục vụ vua [Pháp], đề nghị tôi viết một lá thư [giả], thì mọi sự sẽ xong xuôi; tôi từ chối và ông Vannier cũng thấy là phải.” (Kergariou, t. 97-98-99).

Kergariou kể: “Dinh thần Quảng Nam, người cao lớn, chẳng nói chẳng rằng gì cả, chỉ nhai trầu và hút thuốc. Tất cả đều do Lễ Bộ điều khiển (t. 105).

Lễ Bộ là người sắc sảo, ông quan sát rất kỹ khi tôi nói chuyện với Vannier như để tìm hiểu những điều chúng tôi nói, không có gì lọt qua mắt ông được: “Ông có thể lập lại một câu hỏi đến 20 lần, cùng với sự bắt bẻ. Nhìn các dấu đóng ở đầu và cuối bản trích lệnh vua của tôi, so sánh và thấy đồng tiền ở hai dấu ấn, cái tròn, cái vuông, ông tỏ ý nghi ngờ ngay. Lại phải giải thích nữa. Cuối cùng ông cũng ưng thuận gửi văn kiện này về triều với điều kiện tôi phải cho ông Vannier xem bản gốc và cho biết có thực sự đúng như thế không […]

Ông Vannier bảo rằng giống nhau y hệt. Lễ Bộ mới vui vẻ nhận văn bản của mình và nói sẽ gửi về cho Hoàng Thượng và viết thư chứng nhận sự thành thực của tôi…” (Kergariou, t. 112-114).

Kergariou viết: “… ông Vannier nói với tôi rằng tất cả giấy tờ giao dịch của ngoại quốc đều được giữ gìn cẩn thận trong các văn khố, để có thể so sánh, tuỳ nơi, tuỳ thời; từ những thư mà tôi viết cho ông ấy tới cái note nhỏ báo tin tôi đến, chỉ là một mảnh nháp viết vội, ông ấy cũng phải trình ra để lưu lại (Kergariou, t. 112).

Kergariou cũng cho biết trong bữa tiệc các quan khoản đãi phái đoàn, ngoài đũa, bát, còn có khăn giải bàn, dao và nĩa của Anh (Kergariou, t. 122).

Rồi Kergariou nói về việc rời Đà Nẵng đi xuống miền Nam: “Tôi muốn đi dọc theo bờ biển nước Nam một cách chính xác trong vòng thời gian ngắn, tôi bèn yêu cầu ông Vannier cho tôi những lời khuyên, mà, là lính thuỷ, ông biết rõ. Ông đã làm việc cùng ông Dayot trong hơn ba năm, và mới đây ông cũng vừa đi vài chuyến. Chúng tôi lấy tập địa đồ của ông Dayot, dò theo, xem lại tất cả mọi chi tiết và không bỏ qua địa điểm quan trọng nào. Ở thời kỳ ông Dayot vẽ các bản đồ bờ biển nước Nam này, ông ấy chưa thạo tiếng Việt mấy, nên có nhiều tên ghi sai. Ông Vannier đã cho biết tất cả những điạ điểm chính ở bờ biển bằng tên Việt và tôi đã sửa lại. (Kergariou, t. 151-152).

Bộ bản đồ của Dayot gồm có:

Số 1: Bản đồ đại cương bờ biển Việt Nam và Cao Mên từ vĩ độ 8° đến 17°.

Số 2: Bản đồ sông Sài Gòn.

Số 3: Bản đồ thành phố Sài Gòn.

Số 4: Phần bờ biển Nam Hà từ Vũng Tàu đến le faux Cap Varelle [?], theo chú thích số 2, trang 204, Cap Varelle giả ở phiá nam Cap Varelle [Đèo Cả, mũi Đại Lãnh] 70 dặm.

Số 5: Phần bờ biển Nam Hà kể từ le faux cap Varelle [?].

Số 6: Bản đồ vịnh và cảng Camraigne [Cam Ranh] với con sông chảy qua.

Số 7: Bản đồ vịnh Nha Trang.

Số 8: Bản đồ bờ biển Nam Hà từ đảo Shala [?] tới cap Varelle [Đèo Cả, mũi Đại Lãnh].

Số 9: Bản đồ những hải cảng Quan-Dai [Xuân Đài], Vung Lam [Vũng Lấm] và Vung Chao [Vũng Chào].

Số 10: Bản đồ hải cảng Cù Mông, hải cảng Qui Nhơn.

Số 11: Bản đồ hải cảng Đà Nẵng, rút ở tác phẩm của lord Macartney.

Số 12: Bản đồ một phần sông Sài Gòn, từ tỉnh Sài Gòn ra tới cửa biển, của phó đô đốc de Rosily, và bản đồ cảng Candiu [Cần Giờ?] (bản in).

Số 13: Bản đồ một phần biển Đông vẽ theo nhận xét của phó đô đốc de Rosily, 1798 (bản in).

Số 14: Bản đồ vịnh Manillle và vùng chung quanh, theo nhận xét của phó đô đốc de Rosily, 1798 (bản in). (Kergariou, t. 152-153).

Kergariou dù thất bại trong sứ mạng chính trị, cũng không uổng công đến Việt Nam, vì ông đã đi thám sát bờ biển Việt Nam, bằng tập bản đồ của Dayot, đã kiểm soát kỹ càng những địa danh nào viết sai tên, được Vannier chỉnh đốn lại, và Kergariou đã xác định bản đồ Dayot có giá trị lớn. Sau này, những tàu buôn, tàu chiến của Pháp, đều dùng bản đồ Dayot để đến, hoặc để xâm phạm bờ cõi nước ta.

Vụ tàu Cléopâtre

Dưới thời Vương Chính Trùng Hưng (Restauration), ngoài chiến hạm Cybèle, còn có những tàu buôn như La Paix và Henry của các hãng Balguerie-Sarget và Philippon gửi tới VN trước. Đến 1819, hai hãng này còn có hai tàu ba cột buồm đến Đà Nẵng. Sau đó, Philippon ngừng hẳn, Balguerie-Sarget tiếp tục gửi các tàu: Larose, Neptune, Courrier de la Paix, đến Việt Nam từ 1820 đến 1826. Chính quyền Pháp muốn làm tiếp công việc Kergariou đã mở đầu, năm 1822, lại sai chiến hạm Cléopâtre, do đại uý Courson de la Ville-Hélio điều khiển, đến Đà Nẵng.

Cléopâtre cập bến Đà Nẵng ngày 20/2/1822, Chaigneau đang giữ chức Đại Lý của chính phủ Pháp tại Huế, kiêm Lãnh sự “bí mật” đối với kiều dân Pháp (xem chương 22, Chaigneau II). Courson de la Ville-Hélio báo cho Chaigneau biết ý muốn đến “chào vua”. Dĩ nhiên lần này Chaigneau cũng không vận động được gì hơn Vannier và Kergariou lần trước.

Salles kể lại rằng: Ngày 4/3/1822, vua Minh Mạng ra chỉ dụ sai Chaigneau đi đón Cléopâtre, với tư cách là quan của triều đình. Courson de la Ville-Hélio ngỏ ý muốn “đến chào nhà vua với tư cách đại tá hải quân hoàng gia Pháp”, nhưng, theo Salles, “ông Lãnh sự đã hết sức cố gắng, mà cũng không thuyết phục được vua tiếp, thậm chí, nhà vua còn bắt ông trở lại Đà Nẵng bằng đường bộ với “một đoàn quân từ Huế” như để đề phòng tàu Pháp tấn công!” Rồi Salles kết luận: “Chính sách thân thiện của Minh Mạng với Pháp là như thế đó! (Salles, 87).

Chúng ta có thể tin việc này là thực, bởi Minh Mạng không những tiếp tục con đường chính trị của cha, mà ông còn là nhà kiến trúc lớn, xây dựng nhiều thành trì kiên cố ở khắp nơi trong nước (mà Cardière nhận là thành Vauban do Pháp xây, xem chương 15, Cadière); việc bảo vệ bờ cõi là điểm quan yếu của ông: cửa biển Đà Nẵng trở thành một pháo đài không xâm phạm được, cũng là nhờ Minh Mạng. Khi Pháp đưa chiến hạm Cléopâtre đến để thị uy, Minh Mạng sai Chaigneau đem quân ra đón, là một hành động chính trị rất cao.

Chiến hạm Cléopâtre rời Đà Nẵng ngày 10/3/1822. Từ Paris, Bộ trưởng ngoại giao, trong thư ngày 7/12/1822, khiển trách Chaigneau đã không thuyết phục được Minh Mạng hết nghi ngờ nước Pháp (Salles, t. 88).

Sứ bộ John Crawfurd

Sáu tháng sau khi tàu Cléopâtre nhổ neo, tàu John Adam của Công Ty Anh-Ấn cập bến Đà Nẵng ngày 14/9/1822, với John Crawfurd, đại diện hầu tước de Hastings, toàn quyền Ấn Độ.

Chính quyền Anh, sau vụ Roberts, năm 1804, bỏ đi với lá thư cực kỳ vô lễ, khiến vua Gia Long nổi giận, đã tìm cách trở lại dưới triều Minh Mạng, và đổi thái độ: John Crawfurd không xin đất để mở thương điếm như trước, mà chấp nhận được quyền tự do buôn bán như các quốc gia khác ở Á Châu, nên được Minh Mạng tiếp đãi tử tế, cho về Kinh, tuy vẫn không được gặp vua.

Thực Lục, tháng 9/1822, ghi: “Tổng đốc Manh Nha Hố (tên đất) nước Anh Cát Lợi là Hà Sĩ Định [Hastings] sai Cá La Khoa Thắc [John Crawfurd] mang thư đến dâng phương vật (500 khẩu súng tay, một đôi đèn pha lê lớn). Thuyền đến Đà Nẵng. Dinh thần Quảng Nam dịch thư dâng lên. Trong thư chỉ xin thông thương, cũng như các ngoại quốc khác, không dám xin lập phố để ở. Sai đưa đến Kinh. Cá La Khoa Thắc thành khẩn xin yết kiến.

Vua nói: Hắn là người của Tổng Đốc phái đi, không phải do mệnh của quốc vương. Không cho. Những phẩm vật dâng biếu, cũng không nhận. Sai hữu ty bàn định điều lệ về các nước đến buôn, làm thư của Thương Bạc bảo cho biết [sau đó Thực Lục ghi một danh sách rất dài tên các sản vật nhập khẩu và chiều kích các tàu thuyền của các nước vào các cảng, kèm với giá thuế phải đóng, theo từng miền, từng nước].

Thưởng cấp cho rồi bảo về (thưởng tổng đốc Hà Sĩ Định ngà voi ba đôi, quế 10 cân, kỳ nam, trầm hương đều 5 cân, sừng tê bịt vàng 4 toà, đường phèn 300 cân; thưởng Cá La Khoa Thắc, ngà voi một đôi, quế 2 cân, sừng tê 1 toà, trầm hương 2 cân: thưởng người trong thuyền, bò, dê, lợn, đều 10 con, gà vịt đều 100 con, gạo trắng, gạo đỏ, đều 50 bao, gạo nếp 20 bao. Các thứ thưởng cho viên tổng đốc thì Cá La Khoa Thắc từ không dám lĩnh) (TL, II, t. 226).

Tuy không tiếp, nhưng thái độ của Minh Mạng rất cởi mở, vì Crawfurd trong thư chỉ xin thông thương, cũng như các ngoại quốc khác, không dám xin lập phố để ở. Crawfurd được dễ dàng đến Huế với vài người tuỳ tùng, hai ngày sau mới gặp Chaigneau và Vannier, khi hai người này đến đón, dẫn Crawfurd lại thăm quan Tượng binh [Nguyễn Đức Xuyên], từ đó gặp gỡ luôn, trong các cuộc thương thuyết, hoặc được dẫn đi chơi trong kinh đô để thấy sự kiên cố của hoàng thành (Salles, t. 89).

Theo Cadière, Crawfurd xếp thời gian này vào đầu tháng 10/1822. Ngày 3/10/1822, Chaigneau mời tất cả phái đoàn Anh và kiều dân Pháp tại Huế đến dự tiệc ở nhà ông. Sau bữa tiệc, cả đoàn đi thăm phố chợ. Vannier ở khá xa nhà Chaigneau: Ở làng Minh Hương gần Bao Vinh (Cadière, La Maison de JB Chaigneau, Consul de France à Huế, BAVH, 1922, I, t. 30).

Cadière dịch lời Crawfurd kể: “Ngày 4/10: Ông Chaigneau tiếp đón chúng tôi hôm qua trong dinh cơ của ông ở bên bờ sông. Bữa ăn hoàn toàn Pháp. Ở nhà ông Vannier hôm trước, chúng tôi cũng được tiếp như thế. Tất cả người Pháp ở chung quanh khu chợ đều được mời đến dự tiệc trong hai dịp này. Một ông bác sĩ già đã làm việc trên tàu của ông de Suffren, cháu ông Chaigneau và hai con trai của ông; các giáo sĩ Pháp ở xa, cách 15 dặm, nên chúng tôi không gặp. Vợ ông Chaigneau là con một người Pháp rất đàng hoàng, bà đã theo chồng sang Pháp cách đây ba năm. Bà Vannier người Việt, nét mặt thanh tú, dáng dỏng cao, xinh đẹp như người miền nam châu Âu. Cả hai ông và vợ đều mặc y phục Việt; họ phải theo tục lệ ở đây: tất cả những người ngoại quốc nào muốn ở đây luôn cũng phải ăn mặc như vậy; ngay cả người Tàu, nhất định không chịu, rồi cũng phải theo; vì đó là tự ái dân tộc Việt. Họ cho rằng y phục ngoại quốc, dù thế nào chăng nữa, cũng rất buồn cười, khêu gợi lòng hiếu kỳ, sẽ trở thành rất bực bội… Hai chủ nhân đã tiếp chúng tôi hết sức lễ độ, hiếu khách, hoà nhã chân thành khó có thể hơn được. Tôi vẫn giữ lòng biết ơn đối với sự ân cần mà họ dành cho chúng tôi. (Cadière, La Maison de Chaigneau, Consul de France à Huế, BAVH, 1922, t. 30-31), và Cadière viết thêm câu: “… sự khen ngợi này, không có gì khả nghi, đến từ ngòi bút của trưởng phái đoàn Anh vừa cướp chỗ [supplanter] của Pháp ở Việt Nam. (BAVH, 1922, t. 31).

Trích đoạn trên đây cho thấy rõ sinh hoạt của người ngoại quốc ở Việt Nam đầu thời Minh Mạng: Không có chuyện “bế quan toả cảng”, thuyền tàu ngoại quốc ra vào và kiều dân Pháp sinh sống bình thường, tuy phải theo phong tục nước Việt. Pháp rất bực bội và ganh tỵ với phái đoàn Crawfurd. Tuy Crawfurd được tiếp đón lịch sự nhưng cũng không xin được bệ kiến vua, vì không mang thư của Anh hoàng, nhưng triều đình thoả thuận cho người Anh tự do buôn bán như người Hoa, ở Sài Gòn, Đà Nẵng, Hội An, Huế, trừ Hà Tiên và Kẻ Chợ tức Hà Nội. Sứ mệnh coi như thành công và Crawfurd có cảm tưởng triều đình đã dịu bớt nghi ngờ nước Anh.

Sự kiện này được coi là thành công của chính phủ Anh, càng làm cho Pháp khó chịu về sự thất bại của Chaigneau. Cadière cho rằng Anh đã “cướp” chỗ của Pháp ở Việt Nam. (Cadière, La Maison de Chaigneau, Consul de France à Huế, BAVH, 1922, t. 31).

Sau vụ Crawfurd, Chaigneau và Vannier càng thêm chán nản. Ngày 9/12/1822, linh mục Taberd viết cho một người bạn: “Hai ông này chán ở đây rồi, muốn trở về Pháp. Chaigneau cũng viết cho linh mục Baroudel ngày 23/5/1823: “Tôi sẽ lấy tàu Larose về Pháp trong kỳ gió mùa sắp tới” (Salles, t. 90).

Tàu Thétis

Ba năm sau vụ tàu Cléopâtre và sau khi Chaigneau, Vannier đã về Pháp vĩnh viễn, Pháp gửi chiến hạm Thétis chở 44 đại bác và 300 thuỷ binh do Bougainville điều khiển, đến Đà Nẵng từ 12/1/1825 đến 17/2/1825, với nhiệm vụ “thuần tuý hoà bình và che chở việc buôn bán”. Bougainville cũng được tiếp đãi đúng mức, nhưng cũng không được gặp vua. Ông kể lại trong hồi ký: thuỷ thủ đoàn được dân chúng tiếp đãi niềm nở, tuy nhiên khi ông xin được tiếp kiến để dâng thư của Pháp Hoàng Louis XVIII, vua nước Nam từ chối không nhận, lấy cớ là thư của Pháp Hoàng viết bằng tiếng Pháp và hiện nay, sau khi Chaigneau và Vannier đi rồi, trong triều không còn ai biết tiếng Pháp để dịch thư nữa.

Đó chỉ là lý do có tính cách ngoại giao của Minh Mạng, sự từ chối này bắt nguồn từ một nguyên nhân khác, Thực Lục, tháng 1-2/1825, ghi: “Nước Phú Lãng Sa sai người đem quốc thư và phẩm vật đến xin thông hiếu. Tàu đến Đà Nẵng, dinh thần Quảng Nam đem việc tâu lên.

Vua bảo rằng: Nước Phú Lãng Sa cùng nước Anh Cát Lợi thù nhau. Năm trước, nước Anh Cát Lợi nhiều lần dâng lễ, trẫm đều từ chối không nhận, nay chẳng lẽ lại cho Phú Lãng Sa thông hiếu! Song nghĩ khi Đức Hoàng Khảo ta bước đầu bôn ba từng sai Anh Duệ Thái Tử [hoàng tử Cảnh] sang nước họ, cũng có ơn cũ, nếu vội cự tuyệt thì chẳng phải là ý mến người xa. Liền sai làm thư của Thương Bạc [liền sai quan Thương Bạc viết thư] và thưởng cho mà khiến về. Quốc thư cùng lễ vật thì không cho trình dâng” (TL, II, t. 388).

Như thế, trước bối cảnh nước Tàu bắt đầu bị liệt cường xâu xé, chính sách ngoại giao của Minh Mạng rất rõ: Không muốn gây sự cạnh tranh giữa hai cường quốc Anh-Pháp, nhưng kiên trì giữ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, không cho ai một tấc đất nào, dù chỉ là để làm “thương điếm”.

Thụy Khuê

(Còn tiếp)

Xem các kỳ trước:

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-30/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-29/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-28/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-27/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-26/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-25/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi-phap-giup-vua-gia-long/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-23/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-22/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-21/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-20/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-19/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-18/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-17/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi-phap-giup-vua-gia-long-16/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-15/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-14/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-13/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-12/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-11/

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-10/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/05/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_55.html

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-9/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/05/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_11.html#more

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-8/
http://vandoanviet.blogspot.com/2015/05/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi.html#more

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-7/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/04/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_27.html#more

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-6/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/04/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_22.html#more

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-5/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/04/khao-sat-cong-trang-nhung-nguoi-phap.html

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-4/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/04/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi.html

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-3/

http://vandoanviet.blogspot.com/2015/03/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_30.html

Comments are closed.