Pervez Hoodbhoy
Dương Tú dịch
Bài viết dưới đây của giáo sư Pervez Hoodbhoy – đăng trên nhật báo Dawn, về mánh lới thao túng xếp hạng đại học và những chiêu trò gian lận trong khoa học tại Pakistan – đã được tôi [Dương Tú] giới thiệu hồi cuối năm ngoái: https://www.facebook.com/402184457695059.
Xét thấy bài viết này có thể hữu ích cho những ai quan tâm đến câu chuyện xếp hạng đại học và tự chủ hoang dã, xin được giới thiệu lại để các bác tham khảo.
Tuy nói về Pakistan, rất nhiều chi tiết trong bài viết này đang ngày càng trở nên gần gũi, đúng hơn với Việt Nam, và do đó, có thể là bài học tham khảo tốt cho chúng ta.
Tình trạng gian lận học thuật trong hệ thống đại học Việt Nam tuy có lẽ chưa tồi tệ đến mức “đã vượt qua ngưỡng không thể quay đầu và không thể sửa chữa”, cộng đồng khoa học và các cơ quan hữu trách cần lên tiếng và hành động kịp thời để chúng ta không đi vào vết xe đổ mà “sự thối rữa sẽ tiếp diễn mãi” như Pakistan.
*
Tác giả Pervez Hoodbhoy là nhà vật lý hạt nhân nhận bằng PhD từ MIT, hiện là giáo sư xuất sắc tại Forman Christian College. Trước đó, ông dạy Vật lý và Toán tại Đại học Quaid-e-Azam trong vòng 47 năm. Là một trong những học giả hàng đầu Pakistan, Hoodbhoy được tạp chí Foreign Policy xếp vào danh sách 100 nhà tư tưởng ảnh hưởng nhất toàn cầu năm 2011: https://en.wikipedia.org/wiki/Pervez_Hoodbhoy.
Pervez Hoodbhoy là người chỉ trích mạnh mẽ Ủy ban Giáo dục Đại học Pakistan đã để xảy ra tình trạng chạy đua số lượng công bố khoa học với chính sách thưởng bằng tiền kèm theo đề bạt các tác giả bài báo và giáo sư hướng dẫn nghiên cứu sinh, biến đại học ở Pakistan thành các nhà máy sản xuất bài báo rác và tiến sĩ dỏm: https://www.dawn.com/news/1147559.
Dawn là nhật báo tiếng Anh lâu đời và danh tiếng nhất tại Pakistan.
***
MÁNH LỚI XẾP HẠNG ĐẠI HỌC
Nguồn: https://www.dawn.com/…/159…/the-academic-rankings-racket
Hơn nửa tá tổ chức xếp hạng đại học quốc tế “có uy tín” hàng năm công bố xếp hạng đại học. Các bảng xếp hạng này cho biết trường nào hoặc khoa nào tốt hơn trường khác, cả trong một quốc gia cũng như giữa các quốc gia. Bạn cứ tự nhiên nuốt bả độc của họ và tự chịu rủi ro. Các tổ chức ranh mãnh này dễ dàng lừa gạt những chàng ngốc. Trong trường hợp tốt nhất, bạn sẽ nhận được những kết quả đáng ngờ. Khả năng cao hơn, đó sẽ là những thứ vô nghĩa hoặc một mớ những điều dối trá nhưng rất béo bở.
Xin đơn cử: theo trang web Xếp hạng Học thuật các trường Đại học Thế giới của Đại học Giao thông Thượng Hải – tổ chức xếp hạng hàng ngàn trường đại học trên toàn cầu – thì khoa kỹ thuật cơ khí của Đại học Quaid-e-Azam (QAU) đứng hạng 76-100 vào năm 2017. Vị trí này chỉ ngay dưới Đại học Tokyo và ngay trên Đại học Manchester. Chà! Mỗi năm sau đó QAU đều cải thiện thứ hạng và đến năm 2020, trường này nhảy lên vị trí 51-75, tuy vẫn xếp dưới Đại học McGill nhưng lại cao hơn Đại học Oxford. Độc giả có thể tìm hiểu những thông tin này và nhiều khả năng sẽ khám phá thêm những ngôi sao khác như QAU.
Tốt hơn cả Oxford? Là người đã giảng dạy tại QAU trong phần lớn đời mình, tôi có thể nhảy lên vì vui sướng. Nhưng hãy để tôi nói ra sự thật này: QAU không có khoa kỹ thuật cơ khí! Trên thực tế, trường này không đào tạo bất kì ngành kỹ thuật nào và cũng chưa có kế hoạch đào tạo các ngành này. Một sai sót về ghi chép có thể giải thích cho một lần xếp hạng duy nhất. Nhưng phần mềm nào đã tạo ra các con số chính xác thể hiện sự thăng hạng của QAU năm này qua năm khác?
Bạn cứ cười phá lên nếu muốn nhưng xin đừng cười to quá. Hãy để dành chút hơi mà cười tiếp Times Higher Education, tổ chức đã công bố Đại học Abdul Wali Khan ở Mardan (AWKUM) là trường hàng đầu Pakistan. Không hề được biết đến về nghiên cứu hay giảng dạy, AWKUM đứng đầu về tình trạng bất khoan dung dưới hình thức bạo lực. Vào tháng 4 năm 2017, một sinh viên AWKUM 23 tuổi, Mashal Khan, bị buộc tội báng bổ rồi bị đánh đập bằng gậy và gạch trước khi bị bắn chết. Hàng trăm sinh viên hò reo khi anh ta bị kéo lê trần truồng khắp khuôn viên trường. Họ quay video vụ giết người bằng điện thoại thông minh rồi đăng lên Facebook.
Bằng cách tưởng thưởng cho những giáo sư có thành tích rởm, Pakistan đã hủy hoại các trường đại học đến mức không thể cứu chữa.
Một tuần sau, một tổ chức xếp hạng đại học khác là QS đã đưa Nust (Islamabad) lên vị trí số một của Pakistan và loại AWKUM khỏi vị trí này. Những trò giả tạo thành tích đến mức ngốc nghếch như thế rất nhiều. Các tổ chức thương mại này không bao giờ cử người đến hàng nghìn trường đại học ở nước ngoài mà họ xếp hạng. Thay vào đó, họ chỉ cần gửi các biểu mẫu qua thư điện tử cho các quan chức đại học, những người điền chúng theo ý muốn. Các tiêu chí xếp hạng được điều chỉnh để có lợi cho khách hàng. Tất cả mọi người (ngoại trừ sinh viên) đều dựa vào đó để kiếm tiền nhanh chóng.
Trên khắp thế giới, các tổ chức xếp hạng đã bị vạch trần là không nhất quán, thay đổi các chỉ số xếp hạng từ năm này qua năm khác và bỏ sót nhiều dữ liệu rất quan trọng. Các giáo sư đại học không ngay thẳng cũng đã học cách thao túng các bảng xếp hạng này. Điều này làm tăng tốc quá trình đề bạt và mang lại cho họ tiền bạc. Ở những nước có nền đạo đức học thuật mạnh mẽ, các tổ chức xếp hạng chỉ thành công phần nào. Nhưng tại Pakistan, nơi mà sự trung thực trong học thuật đã rơi tự do kể từ năm 2002, các tổ chức xếp hạng ngày càng thành công hơn.
Hãy xem xét điều này: ba tuần trước, các tít báo khắp Pakistan đã thổi bùng những tin tức đầy phấn khích: 81 nhà khoa học Pakistan đã được chọn từ 159.683 nhà khoa học ở các trường đại học trên toàn thế giới, được xếp hạng theo số lượng các công trình nghiên cứu của họ và tần suất họ được trích dẫn. Đại học Stanford tuyên bố 81 nhà khoa học này nằm trong danh sách 2% nhà khoa học hàng đầu thế giới.
Đó hoàn toàn là điều dối trá! Đại học Stanford không hề phê chuẩn bất kỳ tuyên bố nào như vậy. Thông tin sai lệch được làm giả này dựa trên uy tín to lớn của Stanford. Chỉ một trong bốn tác giả, John P.A. Ioannidis, ghi địa chỉ tại Stanford. Ông là giáo sư thống kê y học trong khi ba tác giả còn lại đến từ khu vực tư nhân. Thống kê của họ nhập các con số từ cơ sở dữ liệu hiện có vào một máy tính để máy tính chế biến chúng thành một danh sách.
Danh sách đó hoàn toàn vô nghĩa đối với Pakistan. Nó không đại diện cho sự nhạy bén hay thành tựu khoa học của đất nước này. Đây là lý do tại sao: đầu tiên, việc tạo ra các bài báo khoa học mà không biết gì về khoa học hoặc không hề tiến hành nghiên cứu đã được những kẻ gian trong giới khoa bảng trong và ngoài nước biến thành nghệ thuật. Ở giai đoạn thứ hai, những thứ này sẽ được xuất bản, mà các giáo sư khôn ngoan đã nghĩ ra cả trăm thủ thuật. Giai đoạn thứ ba – và khó khăn nhất – là tạo ra các trích dẫn sau khi bài báo được xuất bản.
Lúc này, vị giáo sư gian lận dựa vào những đồng bọn gian dối để trích dẫn làm tăng thứ hạng của ông ta. Những đồng bọn đó lại có bạn bè ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi hoặc nơi khác. Mạng lưới quốc tế này được gọi là ổ trích dẫn (citation cartel). Các thành viên ổ trích dẫn tạo ra hàng loạt rác rưởi mà giới khoa học chính thống không bao giờ để ý đến. Nhưng ở Pakistan, phần thưởng rất đáng giá – bạn sẽ sớm trở thành chủ tịch hội đồng, trưởng khoa, hiệu trưởng hoặc cây đa cây đề. Những người gác cổng này sẽ loại bỏ tất cả các nhà nghiên cứu chân chính để tránh bị đặt câu hỏi về năng lực và sự liêm chính của họ.
Tôi biết một vài người trong danh sách ‘nhà khoa học Stanford’ nổi tiếng kia. Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu những người này có thể vượt qua kỳ thi bậc phổ thông để được nhận vào một trường đại học tử tế như Stanford. Những người khác tôi không thể đánh giá: một số chắc chắn có thể là hàng xịn. Nhưng với một nhà khoa học, việc đánh giá các chuyên ngành khác ngày càng khó hơn trong thời đại siêu chuyên môn hóa. Vậy làm sao để đưa ra nhận định?
Với những gì mà một số ít nhà khoa học chân chính Pakistan có được, không có câu trả lời thỏa đáng. Người ta không thể mong đợi gì từ những người gác cổng hiện tại của giới khoa bảng Pakistan khi mà gian lận đã trở thành cách sống của hầu hết mọi người. Thật khó để tìm ra 100 nhà khoa học chân chính trong số hàng nghìn người. Hệ thống đại học của Pakistan có lẽ đã vượt qua ngưỡng không thể quay đầu và không thể sửa chữa. Nhưng giả sử có ai đó từ chối chấp nhận kết luận bi quan này, làm thế nào để tách lúa mì khỏi vỏ trấu?
Câu trả lời khá đơn giản: tất cả các trường đại học và Ủy ban Giáo dục Đại học Pakistan (HEC) cần yêu cầu bất kỳ giáo sư nào nhận công trạng, thành tích trong một bài báo khoa học phải trình bày công trình đó trước những khán giả có chuyên môn và bị chất vấn. Nên mời thêm các chuyên gia nước ngoài đáng tin cậy. Công nghệ cho phép thực hiện điều này từ xa (Zoom, Skype, Webex, v.v.) và lưu giữ video để xem lại. Mỗi bài thuyết trình phải giải thích được những gì mà bài báo đó đã đóng góp cho kho tàng tri thức.
Việc này cũng chứa đựng nhiều cạm bẫy. Sự minh bạch không phải là cây đũa thần. Tuy nhiên, nó sẽ lược bỏ bớt cái gọi là danh sách Stanford từ 80% đến 100%. Tình trạng tự sướng và các chính sách chính thức khuyến khích sự thiếu trung thực trong học thuật đã gây tổn hại khủng khiếp cho hệ thống giáo dục đại học Pakistan. Nếu không có các biện pháp mạnh tay, sự thối rữa sẽ tiếp diễn mãi. Chúng ta phải bắt đầu ngay bây giờ.
Nguồn: FB Duong Tu