Mênh mông chật chội… (25)

Lại Nguyên Ân

CHUYỆN PHÊ BÌNH SÁCH GIÔNG TỐ

hay là: VŨ TRỌNG PHỤNG VÀ HAI TỜ BÁO

Ở SÀI GÒN 1937

Từ việc phê bình sách mới…

Đầu năm 1937, tiểu thuyết Giông tố của Vũ Trọng Phụng được xuất bản thành sách riêng tại nhà xuất bản Văn Thanh ở Hà Nội. Dư luận phê bình đương thời phản ứng khá tích cực với cuốn sách này. Tuy vậy, nếu để ý kỹ ở những bài phê bình xuất hiện sớm nhất tức là ngay trong năm 1937, người ta sẽ thấy có sự khác biệt trong các ý kiến phân tích đánh giá của dư luận ở ngoài Bắc so với trong Nam.

Ở ngoài Bắc, các nhà phê bình hầu như đều nhất trí gọi Giông tố là “xã hội tiểu thuyết”, nhưng với những cách hiểu khác nhau. Có người cho đây là câu chuyện “báo ứng nhỡn tiền” gieo vào gia đình một kẻ tai to mặt lớn dâm ác gian trá hay dưạ bóng chức quyền (ý kiến Hiện Chi: Ích hữu 25/5/1937); có người nhân tiểu thuyết này thấy rõ hơn tác giả Vũ Trọng Phụng “là hoạ sĩ của cái xấu xí… thích làm điên đảo xã hội trưởng giả bằng những nét hoạ kệch cỡm tục tằn” (ý kiến Lệ Chi: Anh niên 18/6/1937); có người chỉ quan tâm đến tay nghề có vẻ còn non của tác giả, “từ địa vị phóng viên đến nhà văn, ông đã không đi lạc đường”, nhưng ở Giông tố, “ông Vũ Trọng Phụng phóng viên đã làm hại ông Vũ Trọng Phụng viết tiểu thuyết” (ý kiến Nguyễn Lương Ngọc: Tinh hoa 15/5/1937). Không bài điểm sách nào ở Hà Nội năm 1937 gắn Giông tố với cao trào hưởng ứng Mặt trận bình dân hay phong trào Đông Dương đại hội vừa diễn ra sôi động khắp cả nước trước đó một năm.

Trong khi đó, các nhà phê bình của báo chí Sài Gòn đương thời đã đọc Giông tố với cặp mắt khác. Họ nhìn ra cái mới trước tiên của tiểu thuyết này là ở nội dung đời sống, nội dung xã hội (thậm chí nội dung xã hội chính trị) của nó. Nhan đề bài của Xuân Sa trên báo Nữ lưu (28/5/1937) là: Văn chương và giai cấp: Lần thứ nhứt trong văn học Việt Nam cuốn “Giông tố” của Vũ Trọng Phụng bày tỏ cuộc xung đột của hai giai cấp; nhan đề bài của Đông Chi trên báo Điện tín (14/6/1937) là: Ông Vũ Trọng Phụng với quyển Giông tố hay là sự giác ngộ của nhà văn.

Hãy cứ cho rằng người đọc sách (ở đây là các nhà phê bình) có “gán” cho cuốn sách những ý tưởng “chủ quan” nào đó của mình; nhưng ta vẫn phải nhận là người đọc sách ở Sài Gòn thời đó nhìn thấy ở cuốn Giông tố những phẩm tính mà giới đọc sách đương thời ngoài Bắc không thấy (hoặc tuy có thấy nhưng vì lẽ gì đó nên đã không nói đến). Ít nhất có hai nhà phê bình của báo chí Sài Gòn vào năm 1937 là Đông Chi và Xuân Sa đã đem một trong những tư tưởng cấp tiến đương thời, − tư tưởng về chủ nghĩa xã hội, về đấu tranh giai cấp để đọc tiểu thuyết Giông tố.

Đông Chi thấy rằng tác giả cuốn Giông tố mô tả xã hội đương thời để vạch cho bạn đọc thấy “những sự quái gở, những sự nhố nhăng, những sự khuynh loát lừa đảo, những sự tàn bạo, gian tham, độc ác… hay là sự xung đột mãnh liệt giữa giai cấp tư bản và giai cấp vô sản”, “chỉ cho ta thấy cái mãnh lực của tư bản đương chi phối đương làm chủ cái xã hội ấy, và, sống dưới cái chế độ ấy, quần chúng lao khổ, giai cấp vô sản đương bị dày vò, lôi cuốn”. Một vài ý tưởng về văn chương “tả thực xã hội” (réalisme socialiste, tức là chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa) ví dụ ý tưởng về sáng tạo điển hình, đã được Đông Chi vận dụng để “đọc” Giông tố, cho rằng nhà văn họ Vũ đã đem nghị Hách làm “tiêu biểu” (tức là điển hình) cho bọn tư bản, Thị Mịch – cho vô sản, cho quần chúng lao khổ. Và, đây nữa: “Giữa cái xã hội suy tàn tồi bại ấy, tác giả muốn gieo vào một nguồn ánh sáng mới là ông già Hải Vân, một người đã giác ngộ, làm tiêu biểu cho chủ nghĩa đệ tam quốc tế”. Nhưng điều đáng để Đông Chi tâm đắc nhất là Giông tố và một số sáng tác khác mới xuất hiện hồi ấy, cho thấy đến lúc ấy đã có một số nhà văn “giác ngộ”. “Sự giác ngộ ấy là họ đã khuynh hướng theo chủ nghĩa xã hội, họ đã quan tâm chú ý đến bọn bình dân, đến quần chúng lao khổ, đến toàn thể giai cấp vô sản”, – ký giả Đông Chi nhấn mạnh. Người nghiên cứu ngày nay có thể nghĩ rằng người điểm sách thời ấy đã nhân cuốn Giông tố để tuyên truyền cho tư tưởng về chủ nghĩa cộng sản; điều này không đáng ngạc nhiên đối với báo chí Sài Gòn đang trong thời kỳ chịu ảnh hưởng Mặt trận Bình dân.

Xuân Sa (bài của ông xuất hiện trước bài của Đông Chi khoảng 2 tuần) nhấn mạnh ngay ở “tít” bài báo của mình rằng việc cuốn Giông tố “bày tỏ cuộc xung đột giữa hai giai cấp” là sự kiện “lần thứ nhứt trong văn học Việt Nam”. Lối khẳng định “kỷ lục hoá” này (giới làm văn học sử Việt Nam ngày nay chưa chắc đã thừa nhận!) thật ra chỉ là cách nói đậm tính báo chí. Xuân Sa cũng như Đông Chi, công nhiên đem tư tưởng về đấu tranh giai cấp để phân tích Giông tố. Ông cho rằng với cuốn tiểu thuyết này, Vũ Trọng Phụng có thể trở nên một “văn sĩ bình dân”, – danh xưng thời thượng lúc bấy giờ mà chính Xuân Sa nhận rằng nó “rậm rột và to tát quá!”. Chỗ mới mẻ, theo ông là: “cuốn Giông tố đã đem lại cho tôi một quan niệm mới mẻ: cái quan niệm về giai cấp”. Theo Xuân Sa, các tiểu thuyết của ta, từ Tố Tâm đến Nửa chừng xuân, từ Người sơn nhân đến Đoạn tuyệt, mới chỉ chống lại luân lý cũ. Trong khi đó,

“muốn cải tạo một xã hội phú hào, trước hết ta phải phá hoại giai cấp phú hào. Cái phương châm mầu nhiệm ấy, ông Vũ Trọng Phụng đã cho ta trong cuốn Giông tố.

Ông Phụng đã vạch cho ta cái lực lượng ghê gớm của giai cấp phú hào trong xã hội hiện thời mà nghị Hách (…) đã làm đại biểu. Bạn thân với kẻ cầm quyền, nghị Hách đã gây nên biết bao nhiêu điều độc ác, tàn bạo (….) Nhưng đối với công lý, hắn vô tội. Đối với chánh phủ, hắn là người thay mặt cho dân, là người có công trạng nên được thưởng Bắc đẩu bội tinh. Đối với dư luận, hắn là một người giàu lòng nhân đạo biết thương kẻ nghèo khổ, vì hắn có phát chẩn bần. Hắn là kẻ thù của hạng lao khổ lại hoá ra ân nhân của hạng ấy. Cho nên trong cái xã hội phú hào, những tiếng công lý, nhân đạo là những danh từ trống rỗng, vô nghĩa lý, vô giá trị.

Nhưng may thay lại có một người, một người muốn phá hoại cái xã hội điên đảo ấy để kiến thiết một xã hội khác, hợp với nhân đạo và công lý hơn. Con người ấy là ông già Hải Vân. Đại biểu cho giai cấp vô sản, ông già Hải Vân đã biết giác ngộ, đã biết để cái “quốc tế” bao la trên cái “quốc gia” hẹp hòi. Và ông đã biết con đường hạnh phúc của giai cấp mình là trong sự tranh đấu. Cho nên ông hiến thân ông cho cách mạng để sống một cuộc đời luân lạc phong trần”.

Chính vì quá nhất quán trong việc áp dụng quan niệm giai cấp cho tiểu thuyết Giông tố, Xuân Sa đã đề xuất với tác giả Vũ Trọng Phụng một sự “góp ý” mà có lẽ chính ông rất tâm đắc: ông đề nghị tác giả Giông tố sửa một từ, chỉ một từ gồm hai tiếng mà thôi. Thế nhưng chính sự “góp ý” này đã gây ra tranh cãi giữa ông với tác giả Giông tố.

Trong đoạn ông già Hải Vân dặn Tú Anh trước khi xuống thuyền sang Hương Cảng:

–“ Nếu con cũng như trăm nghìn kẻ khác, có tim có óc mà ích kỷ, mà tham sinh uý tử, mà rồi cứu cánh là một cuộc đời trưởng giả sống như chó như lợn, vì kim tiền vì ái tình vì vật chất vì hư danh thì mới đáng lo cho giống nòi”

Xuân Sa đề nghị Vũ Trọng Phụng đổi hai tiếng giống nòi thành ra hai tiếng giai cấp! Theo ông, câu nói trên chỉ có thể thuộc về các nhà “đại quốc gia” đầu thế kỷ 20 cỡ Ngô Đức Kế, Phan Bội Châu; chứ không thích hợp với một người theo chủ nghĩa quốc tế như nhân vật Hải Vân trong tiểu thuyết Giông tố.

“ …điều đáng tiếc…là ông Vũ Trọng Phụng lại bắt một người có óc quốc tế như ông già Hải Vân phải dùng hai tiếng “giống nòi” làm khẩu hiệu để tranh đấu. Đã là quốc tế thì không còn phân biệt giống nòi nữa, vì óc giống nòi là tiêu biểu của óc quốc gia hủ bại. Nếu ông Phụng biết lấy hai tiếng “giai cấp” để thay cho hai tiếng “giống nòi” ấy, thì ông sẽ không phạm vào một cái mâu thuẫn nguy hiểm”.

Xuân Sa còn cho rằng: nếu nhân vật Tú Anh tiếp nhận được tư tưởng giai cấp, anh ta hẳn sẽ tìm ý nghĩa sự sống của mình trong hành động và hy sinh; lại nữa, vẫn theo Xuân Sa, nếu “tinh thần giai cấp” được biểu lộ rõ rệt hơn trong truyện thì cuốn Giông tố sẽ thêm giá trị!

Nhà văn họ Vũ và hai tờ báo ở Sài Gòn 1937

Bài phê bình nói trên của Xuân Sa đăng trên tuần báo Nữ lưu số 37, ra ngày thứ sáu 28/5/1937. Chỉ hai tuần sau, tờ báo này ngừng xuất bản, sau khi cố gắng làm một số đặc biệt về Mặt trận Bình dân nhưng không được phép phát hành. Ở Hà Nội, Vũ Trọng Phụng đã đọc được bài báo của Xuân Sa trên Nữ lưu. Ông gửi bài đáp lại nhà phê bình, song Nữ lưu không còn ra tiếp nữa nên tuy đã đăng tải bài Xuân Sa phê bình cuốn tiểu thuyết nhưng không còn cơ hội đăng tải bài đáp lại của tác giả nữa.

Vậy mà, ba tháng sau, bài đáp lại Xuân Sa của Vũ Trọng Phụng đã đến được với công chúng Sài Gòn, nhưng là trên một tuần báo khác: Saigon tiểu thuyết Nouvelle série.

Tờ tuần báo này ban đầu là Sàigòn tiểu thuyết tùng thư, viết tắt là STT, người đứng đầu toà soạn là Phan Thanh Xuân, người quản lý (Gerant-Édition) là Ngũ Văn Bằng, trụ sở ở 103 rue Chassloup Laubat, Saigon; những số đầu gọi là tập: 1, 2, 3…; mỗi tập 24 trang 16×24 cm. Tuy không in rõ thời gian xuất bản nhưng nhìn mấy ghi chú viết tay của người quản lý vào bản nộp lưu chiểu thì đoán được là tập 1 ra ngày 2/8/1936; tập 2 ra ngày (?) /8/1836; tập 3 ra ngày 28/8/1936; và tập 4 ra ngày 7/9/1936; trong hộp thư toà soạn trên tờ STT này ta tình cờ biết Thuý Rư (một bút danh thời đầu của Nam Cao) từng gửi bài cho ấn phẩm này nhưng chưa được đăng.

Sau 4 tập đầu ấy, STT trở thành cơ quan của nhóm “Tiếng Trẻ văn đoàn”, trụ sở ở 154 Colonel-Boudonnet, Saigon. Lúc này ấn phẩm chỉ còn mang tên Sàigòn tiểu thuyết (vẫn viết tắt là STT), năm thứ nhất số 1 ra ngày thứ bảy 14/11/1936, mỗi số vẫn 24 trang khổ nhỏ (16×24 cm), chủ yếu là đăng đoản thiên tiểu thuyết hoặc kịch ngắn của các thành viên văn đoàn này (như Ngọc Tường, Kim Phương Nguyễn Tất Thứ, Trọng Khánh, Võ Chiêu Anh, v.v.) hoặc một số tác giả khác (ví dụ Xuân Khai, Thiết Can,…). Số 8 là số Xuân 1937. Đến số 9, tuần báo này có vẻ lại về tay chủ cũ: họ chuyển STT thành tuần báo ra ngày chúa nhựt, với Ngũ Văn Bằng là người sáng lập, Mai (chứ không phải Phan?) Thanh Xuân là tổng lý; toà soạn ở 48 Boulevard Galliéni, Saigon, với một bộ biên tập mới (Phan Phù Dao, Ngũ Yến, Sư Thiện Chiếu, Đặng Ngọc Anh, Thứ Khanh, Ngạ Tử, v.v.). Nhưng sang số 10 dường như STT lại đổi chủ một lần nữa. Và một điều cũng đáng quan tâm nữa là sau đó đổi sang khổ báo trung bình (16 trang 32×46 cm) và đánh số lại từ đầu, thêm “Nouvelle série” vào tên gọi mỗi số; rõ ràng đã lại là báo của một nhóm khác.

Sàigòn tiểu thuyết Nouvelle série số 1 ra ngày thứ bảy 21/8/1937 với văn xuôi của Trọng Miên, Thúc Tề, thơ của Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, nghiên cứu của Trần Thanh Mại, Phan Văn Hùm, và trang phê bình số đầu STT série mới này dành đăng bài của Vũ Trọng Phụng với tiêu đề của toà soạn: Tác giả “Giông tố” cãi một điểm cho sách mình và hạch lại bạn Xuân Sa.

Lời toà soạn nói rõ:

“Ngày chúng tôi thôi ở toà soạn Nữ lưu, chúng tôi có nhận được bài cải chánh sau đây của ông Vũ Trọng Phụng, tác giả cuốn Giông tố”.

Chưa thể nói chắc người đã ở trong toà soạn Nữ lưu rồi sau tham gia série mới của STT là ai; nếu lướt qua hai sưu tập Nữ lưuSaigon tiểu thuyết còn lại thì thấy Thúc Tề từng có bài trên cả hai tờ; phải chăng đây là con người liên tài đã lưu giữ bài vở và chuyển tiếp cuộc đàm luận văn chương này đến công chúng?

Dẫu sao, việc đã diễn ra trên thực tế là sự luận bàn chung quanh cuốn Giông tố đã được chuyển từ tờ Nữ lưu sang tờ Sàigòn tiểu thuyết Nouvelle série.

Mở đầu bài trả lời, Vũ Trọng Phụng tỏ lời cảm ơn nhà phê bình và xin sung sướng nhận những lời khen cũng như vui lòng nhận những điều chê.

“Song le, có một điểm tôi cần phải cãi, vì nó rất quan hệ. Cãi cho điểm ấy, tôi có cái tư tưởng tự hào là làm việc cho văn tả chân nhiều hơn là làm việc riêng cho sách của tôi”.

Cái điểm “quan hệ” (= quan trọng, hệ trọng) mà nhà văn thấy cần phải cãi nhà phê bình chính là lời khuyên đổi hai tiếng “giống nòi” ra hai tiếng “giai cấp” và những biện luận cho lời khuyên đó trong bài phê bình của Xuân Sa.

Vũ Trọng Phụng dẫn lại đề xuất của Xuân Sa và cho rằng “ông Xuân Sa đã quên cả sự thực trong đời, và quên cả địa vị nhân vật trong cuốn truyện mà ông đã bình phẩm”.

Về điểm thứ nhất:

“Nhưng sự thực thì thế nào? Những nhà cách mệnh quốc tế của ta có quả thật đã quên cả giống nòi, như ý muốn của ông Xuân Sa không?

Nầy ông Xuân Sa, nếu họ quên giống nòi rồi thì sao một lãnh tụ Đông Dương Cọng sản đảng lại có cái tên Nguyễn Ái Quốc?

Đấy, như vậy thì ngòi bút tả chân của tôi là tuyệt đối, ông Xuân Sa ạ. Tôi tả người đời theo lối họ thế nào tôi nói thế (peindre les gens tels qu’ils sont) trong khi ông Xuân Sa muốn rằng tôi phải tả người đời như đáng lẽ họ phải thế (les gens tels qu’ils devraent être)”.

Về điểm thứ hai:

“…cái câu của ông già Hải Vân lúc dặn Tú Anh “Nếu con cũng như trăm nghìn kẻ khác có tim có óc mà tham sinh uý tử… thì mới đáng lo cho giống nòi”, nếu trong câu ấy mà lại đổi chữ giống nòi ra chữ giai cấp thì sẽ ngô nghê và không hợp tình lý chút nào cả! Vì lẽ Tú Anh, theo pháp luật thì là con nghị Hách, thì là phú hào! Ông bạn Xuân Sa đã nghe ra chưa? Tú Anh đã không là lao động, không là vô sản, mà lại có thể là kẻ thù của bình dân nữa, thì cái ông già cách mệnh kia há lại dại gì mà nói đến “giai cấp” với Tú Anh, mặc dầu Tú Anh là con ông? Đối với kẻ phú quý, nhà cách mệnh, trong cuộc tuyên truyền, vẫn nói đến giống nòi để cho được việc, chứ không dại gì lại đem chuyện cộng sản nói với người giàu có. Mà dẫu là quốc gia hay quốc tế cũng vậy, nhà cách mệnh hành động thế nào quý hồ lợi cho cách mệnh thì thôi. Bắt Tú Anh tranh đấu cho vô sản cũng như Hải Vân, như thế còn có nghĩa gì?”

Vũ Trọng Phụng kết luận:

“Bằng những lẽ phân giải trên đây, tôi cực lực phản đối ông Xuân Sa và báo Nữ lưu trong việc bắt buộc tôi phải đổi chữ giống nòi ra chữ giai cấp, và kết ông bạn Xuân Sa vào tội chuyên chế, định có một cử chỉ độc tài trong văn chương!”

Sàigòn tiểu thuyết Nouvelle série số 2 đăng bài Xuân Sa đáp lại bài trên của Vũ Trọng Phụng. Ký giả Xuân Sa cho rằng việc Vũ Trọng Phụng dựa vào tên riêng để biện luận về lòng ái quốc của nhà cách mạng theo chủ nghĩa quốc tế là sự biện luận không chắc chắn. Ông tiếp tục bảo vệ quan niệm của mình, đòi hỏi ở nhà văn sự nhất quán trong việc thể hiện ý thức giai cấp của người theo chủ nghĩa xã hội. Tất nhiên Xuân Sa tỏ ra hơn hẳn nhà văn họ Vũ trong những hiểu biết lý thuyết về chủ nghĩa xã hội, song ông lại tỏ ra cố chấp, không chịu chấp nhận việc nhà tiểu thuyết để cho vai nhà cách mạng quốc tế chủ nghĩa Hải Vân nói “giống nòi” dù chỉ trong tình tiết đối thoại cụ thể chứ không phải tình tiết ông ta nói về khẩu hiệu tranh đấu.(1)

Vũ Trọng Phụng không đáp lại bài thứ hai đó của Xuân Sa. Ông tiếp tục cộng tác với Sàigòn tiểu thuyết Nouvelle série bằng các truyện ngắn Đứa con (STT đăng 3 kỳ: s.2; s.3; s.4; đây chính là truyện Cái tin vặt, từng đăng Ngọ báo ở Hà Nội, 22/9/1931, nhưng tác giả sửa lại khá nhiều), Cái hàng rào (STT đăng 2 kỳ: s.5, s.6; đây chính là truyện từng đăng Phụ nữ thời đàm Hà Nội, 13/5/1934, cũng vốn là một đoạn của tiểu thuyết Dứt tình hay là Bởi không duyên kiếp). Tờ báo này của nhóm Trọng Miên, Trọng Qụy, Thúc Tề… chỉ ra đến hết số 7 (2/10/1937). Tính ra Vũ Trọng Phụng tuy ở xa, đã góp mặt đáng kể (có bài ở 6 trong tổng số 7 kỳ báo) cho tờ tuần san văn chương ngắn ngủi ấy.(2)

6/6/2006

−−−−−−−

(1) Trong số 3 bài trên, 2 bài của Xuân Sa do một nghiên cứu sinh nào đó tìm chụp được, cung cấp cho nhà nghiên cứu Peter Zinoman (khoa lịch sử, đại học California, Berkeley, Mỹ), nhưng quên ghi xuất xứ vào tư liệu nên không rõ 2 bài này đăng lần đầu trên ấn phẩm nào. Peter Zinoman đã cung cấp văn bản 2 bài trên cho tôi (2002) và tôi đã thông tin về hai bài này của Xuân Sa:

1/ trong tham luận Về công tác tư liệu và văn bản trong xuất bản và nghiên cứu di sản cuả ngòi bút Vũ Trọng Phụng, đọc tại Hội thảo “Bản sắc hiện đại trong các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng”(Hà Nội, 15&16/10/2002; và in trong sách Bản sắc hiện đại trong các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, Hà Nội: Nxb. Văn học, 2003, tr. 151-165).

2/ trong sách: Vũ Trọng Phụng, Vẽ nhọ bôi hề. Những tác phẩm mới tìm thấy năm 2000 (Peter Zinoman sưu tầm, Lại Nguyên Ân giới thiệu, chú thích; in lần thứ hai có bổ sung). Hà Nội: Nxb. Hội Nhà Văn, 2004, tr.375-386 (với ghi chú chưa chính xác về xuất xứ của 2 văn bản).

Riêng bài đáp lại Xuân Sa của Vũ Trọng Phụng, tôi (Lại Nguyên Ân) mới chỉ tìm thấy vào tháng 5/2006 tại Thư viện khoa học tổng hợp (thư viện quốc gia cũ) Tp. HCM, trong dịp này tôi tìm đọc các tờ Nữ lưu, Saigon tiểu thuyết, nhân đó cũng xác định được rõ xuất xứ chính xác của cả 3 bài trên như sau:

A- Bài phê bình của Xuân Sa: Văn chương và giai cấp. Lần thứ nhứt trong văn học Việt Nam, cuốn “Giông tố” của Vũ Trọng Phụng bày tỏ cuộc xung đột của hai giai cấp đăng trên tuần báo Nữ lưu ở Sài Gòn, số 37, ra ngày thứ sáu 28/5/1937.

B- Bài trả lời của Vũ Trọng Phụng: Chung quanh một bài phê bình (với phụ đề của toà soạn: Tác giả “Giông tố”cãi một điểm cho sách mình và hạch lại bạn Xuân Sa) đăng tuần báo Sàigòn tiểu thuyết. Nouvelle série ở Sài Gòn, số 1, ra ngày thứ bảy 21/8/1937.

C- Bài tiếp theo của Xuân Sa: Chung quanh bài phê bình về “Giông tố”: Trả lời cho Vũ Trọng Phụng đăng Sàigòn tiểu thuyết. Nouvelle série ở Sài Gòn, số 2, ra ngày thứ bảy 28/8/1937.

(2) Ghi chú thêm (13/10/2006): Lâu nay, các chuyên gia về Vũ Trọng Phụng đều không tìm thấy bản Giông tố in thành sách lần đầu (Nxb. Văn Thanh, 94 Cầu Gỗ, Hà Nội, 1937) và tạm quy ước với nhau là bản này đã mất. Hồi cuối tháng 9/2006 vừa rồi, một bạn ở Câu lạc bộ những người yêu sách cũ (TP. HCM) cho tôi biết có một linh mục ở TP. HCM hiện đang sở hữu bản sách quý hiếm bị xem là đã tuyệt bản kia. Bạn đó đã gửi cho tôi ảnh chụp bìa 1 và trang tên bản sách ấy, kèm theo ảnh chụp 1 thẻ nhà báo (phái viên của Hải phòng tuần báo, 1934) của Vũ Trọng Phụng với bút tích nhà văn đề tặng thẻ đó cùng 1 trang bản thảo khác cho một độc giả là Nguyễn Tài Thức nhân lần gặp mặt người này tại Hà Nội năm 1938. Tôi thông báo nóng điều này vì nghĩ rằng đây là tin vui đối với những độc giả và nhà nghiên cứu quan tâm đến tác gia Vũ Trọng Phụng.

Comments are closed.