Tản mạn văn hóa văn nghệ và … văn gừng (9)

Chữ và nghĩa – từ ổn định tới bất ổn, từ bất ổn qua hàm hồ (2)

Nguyễn Thanh Văn


Trở lại với đề tài chữ nghĩa, cụ thể là cách dùng loạt từ “bất mãn”, “phản động”, “xét lại” … “Bất mãn” là tiếng phổ biến, thường được những tay kém tiếng mẹ đẻ mà ưa quy chụp cho đồng bào dùng nhiều nhất. Con người ta ai chẳng thỏa mãn và bất mãn. Ngay việc anh phê người ta là “bất mãn” thì chính anh đang bất mãn còn gì. Sao anh có quyền trời cho là thỏa mãn và bất mãn mà lại cấm người ta “bất mãn” – quái thiệt! Bản thân khái niệm “bất mãn” chưa bao giờ hàm ý xấu hay tốt (ai hoài nghi chỉ việc tra từ điển). Muốn luận bàn thêm thì phải có đối tượng, tình huống cụ thể. Ví dụ, đường sá có đèn đỏ đèn xanh, có quy định chạy một chiều, hai chiều mà có anh cho là vẽ chuyện, bèn bất mãn không tuân thủ. Sự bất mãn này rành rành sai lệch nên để anh ta giải quyết với cảnh sát giao thông. Nhưng trường hợp có người cho rằng quyền lực chính trị là do sự ủy thác của người dân với quy định chặt chẽ của luật pháp và nếu một chế độ có hiện tượng người nắm quyền quyết định vận mạng dân tộc lại không do lá phiếu toàn dân chọn là phi pháp và anh ta bất bằng. Sự bất mãn này hoàn toàn chính đáng và phải được ủng hộ. Nếu kết luận anh ta là “bất mãn” với giọng kết án thì đúng là luận điệu của kẻ không rõ i tờ rít chi về chính trị lẫn luật pháp. Khỏi phải bàn rằng nếu kẻ kết án đưa ra được một thứ bằng chứng pháp luật nào đó – có dấu đỏ kia mà! – rằng vị trí chính trị siêu hạng vừa đề cập có giấy trắng mực đen rành rành xác nhận thì không nghi ngờ gì nữa sự sai trái đã có gốc từ chính cái hệ thống pháp luật và thể chế chính trị trưng bằng chứng và ký bên dưới mất rồi.

Lại tiếp một cách dùng từ hàm hồ một thời, nói là một thời vì sau khi gây ra không biết mấy hậu quả tai ương cho bao nhiêu người vô tội xem ra biến dần, không còn dai dẳng và thô thiển như lối quy chụp “bất mãn”. Đó là từ “xét lại” vốn có gốc từ các nước anh em thuở nào. Bỏ qua chuyện gốc lịch sử ra đời và hệ lụy gán cho các đối tượng “xét lại” trong lịch sử cộng sản, bài viết chỉ lưu ý sự cố ý mập mờ, có thể gọi là sự đánh lận chữ nghĩa nhằm trấn áp tư tưởng người khác. Đấy là lối chụp mũ lằng nhằng giữa quyền phản biện, nhu cầu tranh luận, lý luận đế tìm ra chân lý và tinh thần phân tích, đánh giá quá khứ, tư liệu – một thao tác cần và bắt buộc của khoa học – với cái ý xuyên tạc “xét lại” và “bất mãn” mơ hồ và hàm hồ. Sống mà không có bất mãn, nghiên cứu và tư duy mà không “xét lại” thì có còn sống, còn nghiên cứu với tư duy nữa hay không! Và cái định đề cho rằng ý kiến đầu tiên của ta là chân lý, ai có ý khác biệt và ai chứng minh ý ta là sai là “xét lại” chân lý thì còn khoa học ở mô và tư duy cùng tranh luận làm chi cho người ta chê là tốn não và phí nước bọt!

Khi ông Tạ Quang Bửu nhận xét về tư tưởng lớn của ông Lê Duẩn – người được đàn em tôn xưng là “Lenin Phương Đông” – rằng: “Tôi là một nhà toán học, quen với tư duy trừu tượng, nhưng chịu không hiểu nổi khái niệm quá trừu tượng “nhân dân làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa” có nghĩa gì!” – nghe nói Tạ tiên sinh mất chức Bộ trưởng Bộ Đại học vì phát biểu này (?) – thì chắc ông bị ghép vào một dạng tội “xét lại”, nghĩa là hoài nghi Đức Vua (chỉ muốn khóc lên ôi quê hương yêu dấu vì ngay một cái tội “xét lại” cũng không sang cả bằng án xét lại liên quan tới lý luận của người ta, mà thực chất chỉ là chuyện “dám” phát biểu ngược ý Ông Chủ, thay vì vỗ tay hay im lặng – điều mà trong một môi trường có văn minh dân chủ là bình thường và được khuyến khích và vô tình nhắc ta nhớ một tứ thơ của Yevtushenko đại khái rằng “không có đâu lạ lùng như ở nước ta – làm một điều tử tế cũng được xem là dũng cảm”). Cỡ ông Bửu, học giỏi có tiếng ở xứ người và được Hồ Chí Minh trọng thị, còn không được an toàn sử dụng quyền phát ngôn nữa là!

Cuối bài trước khi bàn tới cách dùng các từ “phản động” và “đảng ta”, tôi tán vài dòng về từ “địa chủ”. Tôi thấy không cần phải phân tích nhiều về thời kỳ Cải cách ruộng đất – cần khách quan về tình hình lịch sử nông thôn miền Bắc, chủ trương và mục đích của chính sách cải cách này cùng những sai lầm lẫn thành quả của nó – chỉ vì dù phía chính quyền xã hội chủ nghĩa cố ý che giấu số liệu, thực trạng và hậu quả nhưng đã có rất nhiều sách báo và nhận định tương đối rõ. Cái liên quan với bài viết là từ “địa chủ” – còn số phận, thân phận hay cụ thể đúng sai, oan và không oan của “địa chủ” thế nào không thể nói hết ở đây – bắt đầu bị chính trị hóa, biến nghĩa, chuyển qua nội hàm hoàn toàn phủ định. Chữ nghĩa vốn vô can, là sáng tạo của dân tộc, biểu cảm của tập thể, cơ bản không được can thiệp thô bạo và theo sắc lệnh được. Cái hôm qua để cho hôm qua, hôm nay quyết không nô lệ cho sự thô thiển và thô bạo mang tên dĩ vãng. Xe có chủ xe, nhà có gia chủ, tất nhiên đất đai phải có địa chủ. Sự thực bài văn được xem là Tuyên Ngôn Độc Lập của dân tộc cũng xác định chính tư cách “địa chủ” của Vua Nam Quốc còn gì: Nam quốc sơn hà Nam Đế cư … rành rành ra đó! Vậy cái âm hưởng “địa chủ” (thì phải ác ôn, bóc lột) với ý phủ định không còn đất để trụ. Thứ địa chủ, gia chủ và cả quốc chủ không đủ tư cách cùng bị coi khinh thì cũng như các bậc gia chủ, quốc chủ có phẩm hạnh, các bậc địa chủ sở hữu đất đai hợp pháp bằng mồ hôi lao động, khai phá hoặc mua bán hợp pháp cũng có thể công khai vỗ ngực tự hào “Ta là địa chủ, vâng, ta là địa chủ!” (láy ý thơ của A. Puskin “Ta là tiểu tư sản, vâng, ta là tiểu tư sản!”). Hãy nói “không” với lối dè bĩu, hàm hồ hoặc né tránh cách dùng từ “địa chủ” kéo dài cho đến tận ngày nay. Người viết không cần nói kháy thêm rằng hương hồn những trung nông – mà cũng “trung nông” cỡ An Nam ta thôi, nghĩa là áo quần thân thể ngày như đêm còn thoảng mùi trâu và mùi lúa tóoc – vốn đáng xem là những tấm gương lao động sáng tạo của nông thôn Việt năm xưa không rõ có nhắm mắt được chưa vì cái họa được thăng lên địa vị “địa chủ” theo nghĩa xấu và bị bắn bỏ với từ Hán Việt thơm mùi cổ điển “Cách mạng xử lý”. Ngay những địa chủ có bằng chứng về hành vi tàn ác với nông dân và đồng bào bị “xử lý” thì cũng nên hiểu theo nghĩa “hành vi” vừa nhắc, còn diện tích đất đai của họ chỉ đáng cái ao rửa chân của các đồng chí chủ điền trang xã hội chủ nghĩa hợp pháp ngày nay. Thế mới biết bất cứ thứ gì, cái gì có móc từ “xã hội chủ nghĩa” đàng sau thì bỗng sang trọng và an toàn hẳn. Chẳng hạn trí thức xã hội chủ nghĩa, yêu nước xã hội chủ nghĩa hay quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa nhắc ở trên. Càng về sau người ta sính dùng từ “cộng sản” hơn “marxist” và ngược lại từ “xã hội chủ nghĩa” được dùng nhiều hơn từ “cộng sản”. Không thấy ai giải thích nên đoán mò khái niệm cộng sản chắc bớt hấp dẫn, phần vì cái nghĩa đen của nó là chia đều tài sản bị sự thực rành rành là chia phần hơn hẳn cho người cộng sản che lấp và làm hoen ố. Còn từ “marxist” ít được nhắc vì trước tác của ông khó đọc hơn phát biểu của ông Đỗ Mười hay ông Trương Tấn Sang, phần vì nghe loáng thoáng tên Marx, người ta ngại liên tưởng câu nói nổi tiếng của ông: “Tôi ươm trứng rồng mà nở ra toàn bọ mạt!”. Có lẽ nên thay “bọ mạt” bằng từ “bọ xít’ vì loại côn trùng này quen tai người Việt hơn và có mùi đặc trưng hơn.

Đến đây xin phép được chấm dứt bài bằng việc bàn thêm các khái niệm vào loại tế nhị nhất từ “phản động”, “chống chính quyền” tới từ “Đảng ta”, “chống Đảng”. Nói là tế nhị vì cái gì nghe đã quen, hiểu theo nếp với bao nhiêu người hàng thập kỷ sửa không dễ, mà có khi bị gán chính cái mũ “xét lại” nói ở trên. Thứ hai, tình hình ỏ Việt Nam ai cũng biết là mọi câu hỏi đặt ra cho vai trò và thế lực chính trị đương quyền vốn tự xem mình là siêu lãnh đạo, đứng trên mọi hình thức nhà nước – cũng qua bàn tay thiết kế của mình – thì chỉ có nước từ bị theo dõi tới ở tù mà thôi. Sự thực người viết không có ý tuyên truyền chính kiến riêng hay anti ai cả. Chỉ là vài nhận xét nhân bàn chuyện chữ nghĩa, còn vì vấn đề chi tiết, liên hệ hay minh họa cho chủ đề mà chạm tự ái chính trị ai đó thì đành xin thứ lỗi. Và đành sử dụng công khai quyền tư duy và phát ngôn của một công dân chịu trách nhiệm về mình, mà thiếu nó – thiếu những quyền tự do căn bản – thì thử hỏi ta đang ở trên thứ đất nước nào đây và nếu tôi không nhầm đây là quốc gia có các quốc hiệu dính tới khái niệm “dân chủ” và “cộng hòa” (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) thì phải!

“Phản động” trong nghĩa gốc có nghĩa gần với “phản ứng”, “phản lực” là lực hay hành động đáp lại, ngược lại với một lực hay hành động có trước đó. Trong tiếng Anh (reaction), tiếng Pháp (réaction) cũng có nội dung tương đương. Như vậy nghĩa gốc vốn trung tính, chỉ phản ứng tự nhiên. Kế đó là sắc thái phê phán, kết tội: khi một người hay một nhóm xác định mình, nhóm mình là chính nghĩa thì gọi và gán ý “reactionary” (tiếng Anh) với nghĩa xấu, phủ định cho đối phương. Tương đương trong tiếng Việt là “phản động” theo cách dùng của chính quyền cộng sản xưa nay. Trong dân chúng nhiều thời kỳ cũng có lối biểu cảm tương tự, “phản động” có nghĩa xấu như “phản bội”, “phản quốc”, thậm chí là “Việt gian” tùy ngữ cảnh. Ngữ cảnh phù hợp khi chỉ đối tượng là kẻ thông đồng với quân ngoại xâm, có hành động và tư tưởng có hại cho nhân dân, cho quyền lợi đất nước. Khi chuyển nghĩa “phản động” – với nghĩa có hành vi, tư tưởng chính trị xấu, có hại – qua đồng nghĩa với khái niệm “chống chính quyền” hay “chống Đảng” thì nghĩa lý bắt đầu hàm hồ. Nếu quy kết “phản động” chỉ đúng chuẩn khi chánh nghĩa của người kết án phải hiển nhiên được thừa nhận, không phải tự xưng, không dùng vũ lực bắt người dân tán thành thì án “chống chính quyền” và “chống đảng” chỉ thành tội khi chính quyền đó và đảng đó đồng nghĩa với chính nghĩa, lòng dân, khi quyền lực của họ do hết lòng phục vụ dân và tồn tại qua đầu phiếu minh bạch, được thừa nhận rộng rãi. Không có điều kiện không thể thiếu nói trên, phán quyết “chống chính quyền”, “chống Đảng” mất thiêng, mất tác dụng. Trong thuật ngữ chính trị, phải gọi đó là “đối lập” và “khác chính kiến”. Và do đó, không có bên nào có quyền gán mác “phản động” cho bên nào – trừ trường hợp phản quốc, gây hại cho nhân dân có bằng chứng không thể chối tội – và tiếng nói quyết định là lá phiếu của người dân. Một điều cần làm rõ là phân biệt khái niệm thể chế, bộ máy chính quyền và chính phủ. Có trường hợp thể chế hợp lòng dân nhưng guồng máy chính quyền kém hiệu quả. Có trường hợp chính phủ trung ương có uy tín nhưng quyền lực cơ sở thối nát cần cải cách hoặc ngược lại. Có trường hợp nguyên nhân nằm ngay trong sự tồn tại của thể chế và phải làm cách mạng! Vậy nếu một bộ phận dân Mỹ – ít ra cũng nửa số người Mỹ – không đồng ý với cá nhân siêu lãnh tụ Donald Trump và các quốc sách của ông ta thì họ là “phản động” chăng? Báo giới công khai gọi những cuộc biểu tình ở New York, Washington là “chống chính quyền” vậy gọi người biểu tình là “Việt gian”, xin lỗi, là “Mỹ gian” hay “Hoa Kỳ gian” không? Tỏ thái độ đồng ý và không đồng ý với chính quyền là quyền chọn lựa của người dân, những tax-payer đóng thuế cho đám công bộc, nghị sĩ, chính trị gia tiêu xài và đọc diễn văn. Kẻ thực tế ăn theo nhân dân – xin lỗi quý ngài trung ương, tỉnh ủy, thành ủy…, quý ngài không dùng tiền nộp thuế của dân đen và họ cũng là người nai lưng trả tiền vốn và tiền lãi các khoản vay quốc tế thì các ngài ăn ở nguồn nào vậy? (nguồn bán chổi và trồng rau!) – lại nói giọng bề trên, ông chủ! “Đầy tớ” (công bộc) gọi chủ nhà là “phản bội”, “phản động” có ở đâu nữa không chứ ở xứ ta quả không hiếm và cũng đất An Nam ta mới có thứ hạnh phúc lạ đời là ông bà chủ cực kỳ sung sướng mà yên tâm sống khi vinh dự được đầy tớ đánh giá là trung kiên và xếp vào loại đáng tin cậy.

Về từ ngữ “Đảng ta” cần phân tích riêng. Không có gì khó hiểu để thấy rằng đã gọi là một đảng (chính trị) theo nghĩa là một tập hợp những người có chung quyền lợi và tổ chức hành động đấu tranh cho các quyền lợi được khẵng định với nhau (công bố trước công luận hay không còn tùy chủ trương của mỗi đảng) thì tất nhiên có quyền lợi khác nhau – ngay cả khi khác nhau “chút ít” thôi – thì ắt phải có đảng khác nhau. Có đảng tôi thì phải có đảng anh, có đảng của chúng ta thì có đảng của họ, có đảng của chị ta thì có đảng của anh ta, có đảng chủ trương toàn cầu hóa thì có đảng dân túy … Tôi chủ trương bảo hộ nông nghiệp thì sao phải gọi đảng chủ trương bỏ rào bảo hộ là “Đảng ta”. Anh không nhìn quy luật tiến bộ xã hội qua đấu tranh giai cấp sao lại có bụng mừng xuân và mừng một đảng chủ trương tranh đấu giai cấp! Nguyện vọng, quyền lợi, quan điểm dị biệt tất có khác chính kiến, có đối lập và có hệ đa đảng, chứ không phải ai đó do cảm hứng xốc nổi hay bị chấn thương sọ não hay do CIA xúi bẩy – mà xúi bẩy cái chi hè, nước người ta thực hiện mà giàu mạnh thì phải – mà phê và chống độc đảng. Chưa nói e khó nghe đảng của anh bắt cha người ta đi cải tạo, bản thân bị đuổi khỏi nhà trường vì lý lịch, công an bắn theo tàu thân nhân vượt biên tìm cơ hội sống mới mà bảo người ta gọi đảng của anh là đảng ta thì chướng và mỉa mai quá! Quý anh chị nào có số phone của bà Merkel hay ông Macron hỏi thử khi gửi thông điệp cho toàn dân, họ có xưng là “Đảng ta” hay không!

Từ ngữ “đảng ta”, do đó, dùng trong nội bộ một đảng hay với đối tượng ủng hộ chính kiến của đảng thì mới hợp lý. Nói trên TV, với đối tượng toàn dân mà “Đảng ta”, “Đảng mình” hoàn toàn bất cập và thiếu lịch lãm vậy. Nếu thật sự có một huyền thoại có một quốc gia có 100% công dân đồng ý với nhau về toàn bộ vấn đề thì cần gì có đảng với phái, tổ chức ra đảng để làm gì và lúc đó làm gì có khái niệm đảng mới được chứ!

Thiết tưởng nói rán thêm điều này cũng không thừa. Ngôn ngữ của mỗi cộng đồng, mỗi thời kỳ có biểu cảm “địa phương” của mình. Ngay từ ngữ “Đảng ta” tôi vừa trao đổi có lịch sử của nó, cần tiếp cận công bằng. Không bác bỏ khả năng đấy là cách nói tự nguyện xuất phát từ người dân, trước khi được cán bộ tuyên truyền có ý thức truyền bá rộng thêm. Vào một thời mất nước khi cuộc đấu tranh dành độc lập là tâm nguyện của toàn dân, việc đặt niềm tin vào một đảng chính trị có chân rết tận cơ sở, sống chết quyết bám trụ đất đai cùng dân đem lại uy tín cho người cộng sản không có gì khó giải thích. Khái niệm “Đảng ta” cũng có thể giải thích đại khái vì lý do tương tự. Vấn đề là ngôn ngữ “vùng/miền” này với cách hiểu cục bộ và ngôn ngữ hạn chế của một thời kỳ nhất định không được có tham vọng làm nhiễu tính trung tính của ngôn ngữ dân tộc và manh tâm vượt mặt nó bằng chủ nghĩa hàm hồ hoặc cậy nhờ các xen chính trị hóa thông tục.

Trước đây và gần đây đều có người lưu tâm tới việc giữ gìn sự trong sáng trong tiếng Việt, có người xem đó là một sự nghiệp tập thể. Sự nghiệp tới đâu rồi, nền nhà vững chắc ra sao và xây dựng tới đâu rồi phải có dữ liệu, công phu mới phát biểu được. Có điều cái cần khẳng định là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, tình tự rất đáng xúc động. Không đong đo được bằng con số héc ta, bằng đô la hay thị phần thị trường cụ thể, sự thành công và dấu ấn không hình không ảnh của các vị hữu danh và vô danh cho sự sinh tồn tươi tắn, sung mãn của tiếng Việt ta vẫn ngàn lần xứng đáng những lời khen tặng của nhân dân và nói riêng những người thấm thía hiểu trong khái niệm sơn hà, di sản cha ông để lại có thứ của báu gọi là tiếng Việt. Bài tản mạn này nếu được xem là tí gạch, tí cát ủng hộ những đồng bào cao thượng có chủ trương nhắc trên hóa ra quá hân hạnh cho người viết.

Comments are closed.