Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu (kỳ 26)

Hoàng Tuấn Công

○ “sượng mẹ, bỏ con (Sượng là nói khoai chưa thực chín, còn sần sật) Ý nói: Mẹ phải chịu đựng khó khăn để cho con được sung sướng”.

(Về văn bản tục ngữ này, chúng tôi xác định “bở con” bị in sai thành “bỏ con”). Cách giải nghĩa của GS Nguyễn Lân có lẽ xuất phát từ cách hiểu: Củ khoai sượng (luộc chưa chín) mẹ ăn; củ khoai bở (luộc đã chín) nhường cho con ăn. Có vẻ như một cách hiểu nghĩa đen không tồi. Tuy nhiên, mẹ ăn miếng chưa chín, nhường con miếng đã chín, không phải là sự chịu đựng gian khổ, thiếu thốn. Bởi chuyện đó nếu có, chỉ là khó khăn nhất thời, không phải do hoàn cảnh khách quan gây nên, và hoàn toàn có thể khắc phục.

Trong thực tế, câu “Sượng mẹ, bở con” được dùng với nghĩa là kinh nghiệm chọn các loại khoai, củ. Củ cái to nhưng thường sượng, củ nhỏ mới là củ bở, ngon. Nguyên do: Củ là phần thân ngầm dưới đất phình ra, hoặc rễ chứa chất dinh dưỡng dự trữ, dùng để nuôi cây trong một số thời điểm. Có một số loại cây hàng năm như: gừng, nghệ, khoai lang, khoai tây, khoai sọ, khoai ring (còn gọi dong ring, dong tây), dong ta... thường được nông dân trồng bằng củ (tức lấy mầm củ làm giống). “Củ cái” (củ mẹ, củ giống) sau khi nảy chồi, đẻ nhánh (sinh củ con) vẫn tiếp tục sinh trưởng và tồn tại trong đất. Khi thu hoạch, thường “củ cái” đã tiêu đi; nếu còn, ăn sẽ bị sượng, do đã cung cấp chất dinh dưỡng cho quá trình nuôi thân, tạo rễ, củ mới. Còn một loại “củ cái” (củ to) nữa, được hiểu là củ sinh ra từ lứa đẻ đầu tiên. Quá trình hình thành củ thực chất là quá trình tổng hợp đường thành tinh bột, hoặc tinh dầu. Với cây hàng năm, hết một chu kì sinh trưởng, thì thân lá sẽ tàn đi. Toàn bộ phần củ nếu không được thu hoạch, thì vẫn tồn tại trong đất, sống bằng nguồn dinh dưỡng dự trữ. Đến chu kì sinh trưởng mới, chất tinh bột trong lứa củ cái vụ trước dần chuyển hoá thành đường để nuôi cây trong quá trình nẩy chồi, phát triển thân lá và đẻ ra lứa củ mới. Bởi vậy, những loại củ cái quá lứa hoặc tồn tại từ vụ trước trông to, già nhưng do không còn tinh bột nên ăn sượng. Các củ con có kích thước tương đương củ mẹ, hoặc nhỏ hơn, nhưng thuộc loại “bánh tẻ” (không non, không già), ăn bở, ngon, vì vừa đủ thời gian sinh trưởng, chất tinh bột nhiều. Bởi thế, cùng một bụi dong, hoặc bụi sắn, nhưng có củ rất bở, nhiều bột, có củ lại sượng, hoặc dẻo là vậy. Từ thực tế đó, đối với cây có củ chu kì sinh trưởng hàng năm, khi thân lá bắt đầu úa vàng, có dấu hiệu “xuống mã”, thì nông dân thu hoạch để đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Như vậy, từ “sượng” trong câu “Sượng mẹ, bở con” được hiểu theo nghĩa thứ hai mà Từ điển Vietlex đã giảng: “ở trạng thái nấu chưa được chín, hoặc do bị kém phẩm chất, không thể nào nấu cho chín mm được.” (phần chữ nghiêng do HTC nhấn mạnh). Chúng ta có thể tham khảo thêm Từ điển Vũ DungSượng mẹ, bở con: Một kinh nghiệm chọn khoai sọ (cây thân cỏ cùng họ với ráy, lá to, cuống dài hình măng, củ hình cầu, thường mang nhiều củ con, nhiều bột dùng để ăn): củ cái ăn sượng, cứng, không ra gì, củ con ăn ngon, bở.” Cách hiểu của Từ điển Vũ Dung là đúng hướng, nhưng chưa đúng bản chất vấn đề, nghĩa là “sượng mẹ, bở con” không chỉ được hiểu với riêng loại “khoai sọ”.

Như vậy, tục ngữ “Sượng mẹ, bở con” là kinh nghiệm lựa chọn, phân loại các loại củ, cũng là kinh nghiệm xác định thời điểm thu hoạch để có được sản phẩm chất lượng cao nhất.

○ “tắt đèn nhà ngói cũng như nhà tranh Chê những kẻ ở địa vị cao, nhưng lại làm những việc ám muội che mắt thiên hạ”.

Thực ra, câu này thường được dùng với nghĩa: trong cảnh nhập nhoạng, tối tăm, hỗn loạn, thì thật giả lẫn lộn, khó phân biệt; tốt xấu như nhau. Dị bản: “Tắt đèn nhà tre như nhà gỗ”, hoặc “Trời tối nhà tre như nhà gỗ”. Trong truyện “Tắt đèn (Ngô Tất Tố), có đoạn cụ Cố mò vào phòng ngủ định “ tòm tem” với chị Dậu:

“Trong lúc mơ màng, thình lình chị thấy như có người nào sờ tay vào ngực. Giật mình, chị tỉnh dậy. Ngọn đèn hoa kỳ đã tắt lúc nào, cánh cửa khép kín. Trong phòng tối om. Hoảng hốt chị nắm cái bàn tay ấy và giật giọng hỏi:

– Ai đấy? Mang tai chị thấy hơi rầm rạm như bị những sợi râu ngắn quét vào, rồi thấy có tiếng thì thào. – Tao! Tao đây. Cụ… đây. Nằm im. – Bẩm cụ chúng con là phận tôi tớ… – Nói khẽ chứ. Tắt đèn nhà ngói như nhà tranh. Tao không cần gì cái đó.

Phải chăng, GS Nguyễn Lân cho rằng, câu Tắt đèn nhà ngói như nhà tranh mà cụ Cố nói trong hoàn cảnh ấy, chính là ý nghĩa của câu tục ngữ: “Chê những kẻ ở địa vị cao, nhưng lại làm những việc ám muội che mắt thiên hạ? Đây chính là sai lầm của GS Nguyễn Lân khi có thói quen dựa hẳn vào một câu ví dụ cụ thể để giải thích. Bởi vậy, khi đọc qua thì có vẻ phù hợp với câu ví dụ đó, nhưng suy rộng ra với trường hợp khác thì không còn đúng nữa.

○ “tha hương ngộ cố tri Có nghĩa: Đi xa quê nhà đến nơi khác, gặp người bạn cũ”.

Đó chỉ là nghĩa đối dịch câu “Tha hương ngộ cố tri – 他 鄉 遇 故 知. Nguyên đây là một câu trong bài thơ dân gian nguồn gốc bên Tàu, có tên Tứ hỷ 四喜 (Bốn điu vui sướng nhất trên đời):

Cửu hạn phùng cam vũ – 久 旱 逢 甘 雨; Tha hương ngộ cố tri – 他 鄉 遇 故 知; Động phòng hoa chúc dạ – 洞 房 花 燭 夜; Kim bảng quải [còn viết đ 題 – HTC] danh thì – 金 榜 掛 [題] 名 時. Nghĩa là: Nắng hạn lâu ngày gặp mưa rào; Nơi tha hương gặp được người bạn cũ; Đêm động phòng hoa chúc; Lúc bảng vàng đ danh.

Trước kia, mỗi khi đi xa nhà, phương tiện liên lạc với quê hương, người thân hầu như không có. Nơi tha hương, cảm giác đơn chiếc, trống vắng, nhớ thương vời vợi luôn nặng trĩu tâm hồn. Bởi vậy, đất khách quê người mà gặp được người bạn cũ thì vui mừng chẳng khác nào được nhìn thấy người thân chốn quê nhà! Theo đó, “Tha hương ngộ cố tri”, phải được giảng là: Nim vui gặp được người bạn cũ nơi đất khách quê người, mới đúng và có ý nghĩa.

○ “thứ nhất hay chữ thứ nhì dữ đòn. Ngày xưa người ta quan niệm ông thầy giỏi là như thế, nhưng luật pháp ngày nay cấm thầy giáo đánh học trò, vì đó là phương pháp phản khoa học và vô nhân đạo”.

○ “hay chữ chẳng bằng dữ đòn Một khẩu hiệu sai trái của nền giáo dục cũ cho rằng ông thầy dữ đòn thì dạy có kết quả”.

Vì mới hiểu theo nghĩa đen, phiến diện, nên GS Nguyễn Lân thấy “sai trái”, “phản khoa học và vô nhân đạo”, rồi đổ lỗi cho “nn giáo dục cũ”. Tuy nhiên, hiểu theo nghĩa bóng: Muốn việc dạy và học có kết quả, điu trước tiên ông thầy phải nghiêm khắc. Dị bản “Hay chữ, dữ đòn”, Đồ Nghệ hay chữ dữ đòn (Thầy dạy vừa giỏi vừa nghiêm khắc). Tục ngữ gốc Hán cũng có câu: “Nghiêm sư xuất cao đồ 嚴師出高徒 [Thầy nghiêm khắc thường có trò giỏi]. Có nhiều cách để nghiêm khắc, chứ không dứt khoát phải hiểu theo nghĩa đen là “dữ đòn”. Dữ đòn vì nhiều lẽ: Học dốt, lười học, láo lếu, nghịch ngợm,..Có câu “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” là vậy. Thực tế không hiếm loại học trò cứng đầu, cứng cổ mà khoa giáo dục tâm lý hoàn toàn bất lực. Tiếc rằng, “Nhà từ điển học” rất hay “đá lộn sân”, bỏ nhiệm vụ giải nghĩa từ ngữ để quay ra phê phán dân gian, luôn tỏ ra quan điểm lập trường chính trị cao, một thứ tư tưởng máy móc, phi khoa học.

○ “thay ngựa giữa dòng Nói bọn quan thầy (như bọn đế quốc) khi thấy một tên tay sai không đắc lực nữa, thì bỏ đi, để lấy một tên khác thay vào”.

Thực ra, thành ngữ nói chung về việc phải thay đổi tay sai, đầy tớ, kẻ giúp việc giữa chừng một cách bất đắc dĩ, chứ không nhằm nói riêng về “bọn quan thầy (như bọn đế quốc)”.

○ “thân ai khổ như thân rùa, xuống sông đội đá, lên chùa đội bia (Người ta thường xây hình rùa ở chân bia hoặc ở chân một con hạc bằng gỗ) Câu nói đùa về con rùa”.

Nhầm lẫn. Không phải dân gian “nói đùa v con rùa”, mà mượn hình ảnh con rùa để ví với thân phận người dân bị mấy tầng áp bức bóc lột. Mặt khác, ra đình đội hạc, lên chùa đội bia chứ không phải “xuống sông đội đá, lên chùa đội bia”. Chính GS Nguyễn Lân giảng “Người ta thường xây (đúng ra là tạc chứ không phải “xây” – HTC) hình rùa ở chân bia hoặc ở chân một con hạc bằng gỗ” kia mà? “Hạc bằng gỗ” đâu ở dưới sông mà “đội”?

○ “thiếu đất trồng dừa, thừa đất trồng cau Phê bình người coi trọng điều phù phiếm hơn điều thiết thực”.

Lời giải thích tối nghĩa, không liên quan gì đến câu tục ngữ. Có lẽ GS Nguyễn Lân cho rằng: cây dừa lấy quả (“thiết thực”), thì lại đi trồng ở chỗ “thiếu đất”, trong khi cây cau chỉ làm cảnh (“phù phiếm”), lại trồng ở nơi “thừa đất” (đất rộng rãi) chăng? Tuy nhiên, “thừa”, “thiếu” là cách nói của dân gian về kinh nghiệm bố trí cây trồng của nông dân: Cây dừa có thể tận dụng đất “đầu thừa, đuôi thẹo” nơi bờ ao, góc vườn để trồng. Trong điều kiện chật hẹp, bộ rễ dừa ăn sâu, thân dừa có thể điều chỉnh nghiêng về bên có nhiều ánh sáng để sinh trưởng. Nhưng cau chỉ mọc thẳng (nên được dân gian mệnh danh là Nhất trụ kình thiên 一柱擎天 – Một cột chống trời, tượng trưng cho khí phách hiên ngang, thẳng thắn). Phải đất tốt, rộng rãi, thoáng đãng, cau mới lớn và cho quả. Trước kia Miếng trầu là đầu câu chuyện, hạt cau già là vị thuốc Đông y, tên chữ “binh lang 檳榔 (còn đọc “tân lang”), chủ trị thực tích khí trệ, bụng đầy táo bón, tả lỵ mót rặn, ký sinh vật đường ruột… Như vậy, so với dừa, cau cũng rất quan trọng trong đời sống, chứ đâu phải phù phiếm? Mặt khác, trồng cau không chỉ lấy quả, mà còn tạo nên cảnh quan sân vườn, nên thường trồng ở trước nhà cho đẹp. [Chuối trồng sau, cau trồng trước].

Comments are closed.