Hữu Loan – Con người hạnh phúc

Phan Thị Hà Dương

Tiếng xà lan cứ mãi kêu, và một mình tôi trên gác thượng quán cafe, hệt như ba tháng trước tôi đã ngồi đây bên dòng sông Hậu. Chiều nay tôi muốn thời gian dừng lại để tôi được viết, viết mãi về một con người, viết trong đắm chìm vào một dòng sông. Mà dòng sông thì vô tận.

Ba tháng trước, tôi đã mong thời gian vụt qua mau để tôi được về Hà Nội. Về Hà Nội để được đi đến thăm Hữu Loan.

Ba tháng trước, khi trở về, tôi đã không viết về ông, tôi đã để dành để kể cho bạn tôi, và bạn sẽ nói rằng tôi hạnh phúc biết bao, và bạn sẽ nói rằng bạn cũng mong ước được gặp nhà thơ biết bao.

Tôi chưa bao giờ kể cho bạn tôi.

Còn Nhà thơ Hữu Loan đã ra đi!

Tôi đã không kịp viết về Hữu Loan khi ông còn sống để được hình dung là có lẽ lúc này đây, trong một buổi chiều dìu dịu nắng như hôm nào, ông đang ngồi trên giường mình, với mái tóc bạc phơ phất bay, với nụ cười hiền trìu mến, và với ánh mắt sáng ngạo nghễ.

Tôi đã không kịp viết về Hữu Loan khi ông còn sống để nói rằng ông đang sống hạnh phúc trong vòng tay chăm sóc thương yêu của vợ và các con các cháu, rằng tôi đã đến gặp ông trên một chuyến xe chở nặng tâm tư và đã ra về với niềm tin vào Cuộc sống.

Tôi đã tin vào cuộc sống khi được nghe giọng nói ông hào sảng kể về cuộc đời mình. Chúng tôi ngồi trong căn phòng nhỏ của ông, sát bên giường ông. Vợ ông xót xa mới mấy tháng trước thôi ông còn khỏe mạnh đi lại mà giờ bị đau chân chỉ nằm trên giường. Khi chúng tôi đến, ông ngồi dậy, hai chân vẫn đắp trong chăn. Ô cửa sổ nhỏ dưới tán cây rộng mang ánh nắng chiều chập chờn vào phòng ông, một ánh chiều chầm chậm phủ lên mái tóc và vầng trán ông.

Ông lặng im khi chúng tôi trò chuyện, ánh mắt xa xăm như đang ở chốn nào. Vợ ông nói ông khó tính lắm, ít muốn gặp các đoàn đến thăm. Tôi đã nghĩ, với tuổi tác của mình, có lẽ ông sẽ chỉ lặng im nhìn, và tôi không dám có mong ước được nghe ông nói.

Nhưng rồi ông đã làm tôi thật bất ngờ khi nói, ông nói rất rõ ràng, rất thích thú, và không ăn nhập gì với những điều chúng tôi đang thăm hỏi. Như thể ông đang chìm đắm trong một miền ký ức miên man và ông cho bật thành lời những ý nghĩ, chỉ để cho riêng mình:

– Chúng nó, ha ha, định giết tôi. Nhưng mà tôi không chết, còn chúng nó thì chết hết. Ha ha.

Phải một lúc, tôi mới hiểu điều ông nói, vì bất ngờ quá. Không, không phải là thơ. Không phải là màu tím. Mà là một câu chuyện khác, một màu sắc khác. Ngạo nghễ và huy hoàng như sắc vàng. Một sắc vàng bỗng bừng lên rực rỡ như được chiếu sáng bởi ánh léo lên từ đôi mắt ông.

– Ha ha, chúng nó giữa đêm mưa, sấm chớp và sét, chúng nó giả vờ đưa tôi về để đẩy tôi ra cho sét đánh. Nhưng rồi sét đánh chúng nó, còn tôi, tôi đứng trơ ra, chẳng sét nào đánh được tôi cả.

Vợ con ông, có lẽ đã nghe ông kể những điều này nhiều lần, nên không còn ngạc nhiên, và cũng không đính chính.

– Chúng nó kỷ luật tôi. Tôi không làm gì cả, tôi chỉ nói thẳng những điều tôi nghĩ. Chúng nó hèn lắm, chúng nó ngồi im, không đứa nào dám bênh tôi cả. Chỉ có phụ nữ là thương tôi. Là mang cơm cho tôi. Tôi đi đâu cũng được phụ nữ yêu thương.

Và ông nhìn tôi bảo:

– Làm phụ nữ quý lắm, cô ạ, tốt lắm, phụ nữ không tính toán như bọn kia, phụ nữ biết yêu thương.

Rồi ông bật cười thích thú kể tiếp:

– Tôi cho hết, trong làng có ai nghèo tôi cho họ cơm, tôi cũng không có gì nhưng mà cứ có là tôi cho, có ông già cứ ngồi ở đầu làng, hôm nào tôi cũng cho cơm mà ăn. Mọi người ai cũng yêu quý tôi lắm.

Ông kể và càng kể càng hào hứng, những câu chuyện xa xưa, những câu chuyện từ những ngày đầu cơ cực về làng.

Vợ ông và các con ông, các con dâu ông, các cháu ông đứng ngồi cùng chúng tôi trong căn phòng nhỏ nghe ông nói. Có khi họ giải thích cho chúng tôi những điều có thật, có khi họ chia sẻ với chúng tôi trước những điều không biết có chính xác hay không.

Và khi ấy, tôi cũng như chìm vào một cõi xa xăm của những câu chuyện ông kể. Không, tôi không chìm vào một thế giới tăm tối hơn nửa thế kỷ trước, khi tôi chưa sinh ra, mà là vào một thế giới khác. Thế giới ở đó đang vang lên tiếng cười kiêu hãnh và thách thức của ông, thế giới ở đó đang ánh lên đôi mắt tinh anh của ông. Thế giới ở đó sự chính xác của sự kiện, sự chuẩn tắc của cú pháp, sự chặt chẽ của logic không có chỗ đứng. Vì đó là thế giới của cảm xúc. (*)

Điều gì đã thực sự đi qua cuộc đời ông, sự đày đọa nào đã đến với ông, những điều đó chẳng còn ý nghĩa gì, và đang lả tả rụng rơi dưới vầng trán ông kiêu bạc. Ngày hôm nay, trong tinh thần ông, ý nghĩ lớn nhất là ý nghĩ mình đã chiến thắng. Là không một kẻ nào, không một điều gì có thể làm mình gục ngã. Chúng nó chết, còn mình sống. Mình sống và sống trong sự yêu quý của mọi người.

Đúng, ông đã luôn sống trong sự yêu quý của mọi người. Mười người con của ông và các con dâu, con rể, các cháu ông đã luôn quay quần bên ông, trong mắt họ ánh lên niềm yêu thương và hãnh diện khi nói về ông. Khi chỉ dẫn cho chúng tôi đường vào nhà ông, con dâu ông mừng vui cười nói: “Năm năm trước các bác vào xin thơ ông, bây giờ đường xá thay đổi rồi, các bác vẫn tìm được nhà em là giỏi quá. Ông bây giờ quên nhiều rồi, không nhớ hết các con các cháu nữa. Nhưng mà ông nhớ em dù chỉ là dâu thôi vì em từ Vũng Tàu ra đây. May thế, em nói giọng miền Nam nên ông vẫn nhớ em.”

Năm năm trước, các anh đã vào đây để mua bản quyền bài thơ “Màu tím hoa sim”. Ông không muốn bán và các anh đã trở đi trở lại nhiều lần. Cuối cùng lay động trước sự chân thành của các anh nên ông đã đồng ý. Ngày hôm nay, các anh đã đi chuyến máy bay sớm tinh mơ từ Sài Gòn ra Hà Nội để đến thăm ông.

Còn tôi, tôi rất muốn được hỏi ông về một bài thơ tôi đã yêu thích từ khi tuổi tôi bằng một nửa tuổi tôi bây giờ, sinh nhật đó bạn tôi đã chép tặng tôi mà bạn bây giờ không còn nhớ từ đâu ra nữa. Mãi rồi tôi mới rụt rè hỏi ông:

– Ông còn nhớ bài thơ “Thánh mẫu hài đồng” không ông ?

– Bài thơ nào, như thế nào?

Tôi đọc ông nghe:

Nàng ngả cánh tay

còn rất nhiều ngấn sữa

cho ta gối đầu

…”

ông còn nhớ không ông ?

Ông bảo “Cô đọc tiếp đi, cứ đọc nữa đi”. Và tôi đọc, và giờ đây trong lần được gặp ông hiếm hoi này, tôi bỗng thấy câu hỏi của mình không còn quan trọng nữa. Được đọc thơ cho ông nghe, đọc một bài thơ mà mình đã bao lần thầm đọc, đã là niềm hạnh phúc rồi.

Khi tôi đọc xong, ông im lặng. Rồi ông bảo: “Cô đọc nữa đi”. Và tôi đọc

Trên những con đường mòn

Đi về đường Trèm Vẽ

Việt Bắc âm u

Đường dài Thanh Nghệ

Người Thủ đô tản cư

Đoàn xe đi

Chở nặng tâm tư

…”

Tôi đọc những câu thơ đã vang lên trong tôi suốt chặng đường dài Thanh Nghệ vào đây, xuyên qua những cánh đồng xanh mướt, qua những dãy núi cao vời và qua những áng mây bồng bềnh. Những vần thơ giờ đây trầm hùng trong căn phòng bé nhỏ. Có những lúc ông nhẩm đọc cùng tôi, có những khi ông khẽ gật đầu, và đôi khi ông rơi vào cõi xa xăm.

Ông bảo tôi: “Cô có những bài thơ đó à, lâu rồi tôi không nhớ hết. Cô cho mượn để bảo các cháu chép lại rồi sẽ trả lại cho cô”. Tôi vội nói “Dạ, cháu xin gửi lại những trang thơ này, các anh chị giữ lại cho ông. Bây giờ in ra được, ông ạ”. Tôi bỗng thấy lùi xa, thật xa, một thời chép thơ trong sổ, những cuốn sổ truyền tay nhau. Có lẽ ông vẫn luôn sống trong cái thời rất xa đó.

Các anh đi cùng tôi bảo ““Hoa lúa”, em có cả bài “Hoa lúa” ông viết tặng bà”. Vợ ông cười và bảo bà không đọc đâu, tôi đọc đi. Khi tôi đọc xong, ông bỗng đọc. Giọng đọc ông âm vang, tha thiết, và bà cũng nhẩm đọc cùng ông, bài thơ về tình yêu, về quê hương, bài “Làng tôi”. Chúng tôi lặng nghe ông đọc, gương mặt ông sáng lên hiền hòa và trìu mến, đôi mắt ông chan chứa những dịu dàng, những thương yêu.

Lúc ấy nắng đã ngả về phía góc phòng, mọi người ra ngoài vườn thăm hỏi gia đình ông.

Chỉ còn lại tôi ngồi bên ông trong căn phòng nhỏ. Tôi rụt rè hỏi ông: “Ông còn nhớ “Màu tím hoa sim” không ông?” Ông bảo “Có, nhớ chứ”. Và ông đọc, những câu thơ đẹp nhất của ông. Chiều nay một chiều thu, tôi ngồi đây, lặng im và được nghe ông – nhà thơ đã đi qua tất cả những đau thương của cuộc sống, đã đi qua gần một thế kỷ thăng trầm của đất nước, đã đi qua những cuộc chiến đổ máu và đổ vỡ – đọc cho nghe những vần thơ tha thiết nhất của đời ông. Có những khi ông ngừng đọc, và tôi được đọc tiếp cùng ông, rồi có lúc cả ông và tôi cùng đọc. Khi những dòng cuối đã hết

Áo anh sứt chỉ đường tà

ông vẫn đọc tiếp

Tôi ví vọng về đâu

Tôi với vọng về đâu

Áo anh nát chỉ

dù lâu …”

Và ông nói: “Phải như thế chứ, bài thơ của tôi phải đầy đủ như thế, mà người ta cứ cắt mất mấy câu cuối”.

Chiều đã muộn, ông bảo chúng tôi “Ở lại đây ăn cơm đi, ở lại với các em cho vui”. Và khi chúng tôi xin phép được về, ông bảo “Khi nào về chơi nữa nhé!”.

Khi nào về chơi nữa nhé. Trên chuyến xe về Hà Nội, các anh nói thật may vì mình đã đi được chuyến này về thăm ông, lần sau quay lại biết ông có còn minh mẫn.

Trên chuyến xe về Hà Nội, tôi không còn nhìn thấy những cánh đồng, những dãy núi, và những áng mây.

Tôi nhìn thấy nụ cười dịu dàng ấm áp của ông, tôi nhìn thấy ánh nắng chiều trên gương mặt ông tỏa sáng.

Tôi nhìn thấy những nét bút chì mềm mại thiếu nữ bạn tôi một tối mùa hè nào đã chép cho tôi “Thánh mẫu hài đồng”, mảnh mai như một nhánh huệ trong bình (**). Tôi nhìn thấy đôi mắt trĩu nặng tâm tư (***) một người bạn đêm thu nào ngồi gõ cho tôi mười trang “Tình thủ đô”. Tôi nhìn thấy một chiều đông nào rất xa xôi một người bạn đã cùng tôi đọc “Màu tím hoa sim” và nói với tôi về hạnh phúc. Hạnh phúc là nói điều mình nghĩ, làm điều mình thích và yêu người mình yêu.

Tôi nhìn thấy Hữu Loan trên con đường của ông, con đường mà ông đã luôn sống là chính ông. Con đường mà từ đó ông đã ra đi, ra đi với một mái đầu ngẩng cao kiêu hãnh và với một trái tim dạt dào cảm xúc.

Và trong tâm tưởng của tôi, ông là một con người hạnh phúc.

(Cần Thơ, 25/03/2010)

Ghi chú:

Tôi đã dùng chữ của những bài thơ:

(*) “Bởi cảm giác là thứ trước hết” – E. E. Cummings (Linh Vũ dịch bài “Since feeling is first”)

(**) “Thánh mẫu hài đồng”

(***) “Tình Thủ đô”

Nguồn: FB Phan Thị Hà Dương

Comments are closed.