Tôi không thể khác: tôi phải càu nhàu

Marcel Reich-Ranicki
Phạm Kỳ Đăng
dịch từ nguyên tác tiếng Đức:

Nguồn: SZ – “Ich kann nicht anders: Ich muss nörgeln

Zum Tod von Marcel Reich-Ranicki: Seine besten Sätze aus der unvergessenen Fernsehsendung “Das Literarische Quartett”, von Anfang bis Zwist.

(Kỷ niệm ngày ông mất nhắc lại những câu hay nhất của ông trong chương trình vô tuyến “Tứ tấu văn chương” không thể nào quên – Süddeutsche Zeitung SZ)

Khởi đầu
Văn chương thế giới bao gồm các tiểu thuyết ra mắt. Luôn là như vậy còn gì: tiểu thuyết đầu tay là cuốn quan trọng nhất và sau thì không có gì tòi ra nữa cả. Cho nên, có lẽ ta kể Goethe mà xem, ông ta khởi đầu với một tiểu thuyết trình làng. Và cuốn đó rất tốt. (Tứ tấu văn chương, ngày 14.1.1993)
Nhân chủng học
Thực ra trong văn chương tôi chỉ quan tâm tới riêng con người. Chuột và bò không khiến tôi thích thú. (18.2.1991)
Gottfried Benn
Một trong những câu ngu nhất xưa nay từ miệng một nhà thơ Đức lại phát xuất từ Benn: Mỗi một nhà thơ có 5 hay 6 bài hay. Tôi không biết tại sao cái câu này lại luôn được trích dẫn. Ở Goethe tôi tìm ra 56 hay 76 bài thơ hay. Và nơi Heine 16 hoặc 26 bài. (25.03.1988).
Tiểu thuyết Berlin
Hoàn toàn không có thứ đó. Cái thứ vô nghĩa đó là gì vậy. Rõ vớ vẩn! Quảng trường Alexanderplatz ư, không, không, không, không! Thế là Balzac đã viết nhiều tiểu thuyết diễn biến ở Paris, nhưng không có một cuốn tiểu thuyết Paris nào của Balzac. Berlin tất nhiên là Berlin, Alexanderplatz không là đề tài. Một cuốn tiểu thuyết chỉ ra những nghiệm trải, nỗi khổ đau của con người. Một thành phố chỉ có thể cấp cho hoạt cảnh, bối cảnh. (5.3.1999)
Thomas Bernhard
Đại thể người ta không làm được văn chương mà không phóng đại. Những nhà văn cực lớn, vâng, họ là những nghệ sĩ cường điệu về nguyên cốt. Một người như Shakespeare đã chuyên cường điệu như một gã liều đấy chứ. Sự phóng đại nơi Thomas Bernhard hoàn toàn tột đỉnh. (5.3.1999)
Thiên chúa giáo
Chương trình Tứ tấu văn chương không phải là cuộc hội hè trong khuôn khổ của Tuần lễ Tình Huynh đệ. Thứ gì tồi, là tồi, và điều đó phải được nói ra. (18.02.1991)
Hờ hững
Sao tôi lại phải đọc một cuốn sách về Calcutta nhỉ? Cá nhân tôi hoàn toàn không thích thú gì Calcutta. Nhưng nếu như tôi muốn đọc một cuốn sách về Calcutta, thì ấy thế không phải cuốn của một nhà thơ đi tới đó, ở lại 3 hay 4 tháng nghiêng ngó tý chút. Anh ta đã nhìn thấy gì ở đó? Bẩn thỉu, hôi hám, cơ cực và nghèo khó. Điều đó chúng ta hẳn nhiên đã biết. (30.09.1988)
Cảm nhận
Vấn đề không phải ở chỗ miêu tả những quá trình sinh lý, ai cũng có thể làm được điều đó. Không hề khó miêu tả một cái dương vật đi vào một âm đạo ra sao hoặc như một cái bút chì cắm vào cái hộp bút. Vấn đề nằm ở chỗ chỉ ra người đàn bà hay là người đàn ông, hoặc hẳn cả hai cảm nhận điều gì trong lúc xảy ra chuyện đó. (10.03.1989)
Khêu gợi
Nếu như tôi đọc văn chương Đức của 20 năm gần đây, vâng (tôi thấy) nó không khêu gợi dễ sợ. Thí dụ như nhà văn lớn Thomas Bernhard – hoàn toàn không khêu gợi. Hay là Grass: thực tình luôn luôn không khêu gợi. Siegfried Lenz – luôn đã thế rồi. Martin Walser – gần như thường khi. Nếu dân tộc Đức phải thu xếp khăn gói theo các nhà văn của mình ngày hôm nay, có lẽ nó hoàn toàn không sinh sản thêm nữa. Người ta mới thấy ảnh hưởng của những nhà văn này ít ỏi như thế nào. (10.10.1991).
Địa hạt, một vùng rộng trải
Văn chương vô bổ, buồn tẻ và không thể đọc được. Không ai đòi hỏi Grass viết về sự tái thống nhất (nước Đức). Tôi khoái điều này hơn, nếu Grass những viết về tình yêu với bà vợ của mình. Tôi thích hơn là quan điểm của ông ta về sự thống nhất. (24.08.1995)
Thuyết nữ quyền
Cái bà Antonia Byatt không coi nghiên cứu văn học nữ quyền ra gì cả – riêng điều đó đã gây thiện cảm cho bà. Quỷ tha tôi đi, nếu như ông Karasek không đọc cái đó với sự thỏa mãn. Các vị hãy thú nhận đi! (13.05.1993)
Joseph Goebbels
Từ 10 hay 15 năm nay Günter Grass nói đi nói lại, nền phê bình của Đức tồi. Vâng cái đó người ta biết đến từ thời Lessing và mỗi một tác giả bị phỉ nhổ đều nhắc lại điều đó. Grass muốn các nhà phê bình chỉ nắm được thông tin về sách in. Joseph Goebbels, cho phép tôi nói đây, cũng muốn điều đó. Và cuối cùng đã đến lúc phải dạy cho Grass biết: Phê bình ngoài ra có chức năng thẩm định và đánh giá các tác phẩm văn chương. (24.8.1995)
Johann Wolfgang von Goethe
Quí vị biết, ai là người gây thiện cảm không? Walther von der Vogelweide. Bởi vì chúng ta không biết gì cả về ông này. Và nếu như chúng ta biết nhiều về một văn hào, thì người đó gây bất cảm tình một cách độc địa. Thomas Mann rất gây bất cảm tình. Brecht cũng tương tự thế. Heine cũng rất đáng ngờ và Goethe, ấy đấy ông ta không là nhân vật gây thiện cảm. (3.6.1988)
Nadine Gordimer
Về mặt nghệ thuật, sách của bà ấy non yếu khiến tôi muốn đánh cược, bà ta nhận được giải Nobel. Hơn nữa, vâng, bà ta còn thuộc giới tính nữ. (18.02.1991)
Peter Handke
Có những nhà văn Đức, nếu như họ giao cái đuối kém toàn tập cho nhà xuất bản của họ, thì nhà xuất bản chỉ có hai khả năng: in ra hoặc gạt bỏ. Nhà xuất bản gạt bỏ, thì sau đó nhà văn nổi danh này đi đến một nhà xuất bản khác. Mười hai nhà xuất bản khác hạnh phúc, nếu họ vớ được Handke. Liệu một cuốn sách có hay hay là dở, thì điều này đối với chủ xuất bản chỉ là cân nhắc thứ yếu. Cái quyết định là: nó mang lại tiền hay là không mang lại tiền bạc? (24.8.1995)
Quê hương
Bẩm sinh tôi người Trung Âu. Tôi là và tôi muốn là Trung Âu và không ai có thể cấm tôi điều đó! Thế giới của tôi nằm giữa Athen và Dublin hay là giữa Lissabon và Stockholm. (15.12.1996)
Chó
Đó là Peter Handke, một tác giả, tôi nghĩ, từ nhiều năm nay đã nghĩ tới con chó, người ta có thể nói, con chó siêu hình. Và Botho Strauß lại nảy ra ý nghĩ về con chó tư tưởng. Ông ta viết ra cái vô nghĩa. (25.4.1997)
Ấn Độ
Tôi có thể dự báo trước cho quí vị, Martin Walser viết cái gì ở Calcutta: một cuốn tiểu thuyết về hồ Bodensee. (30.9.1988)
Ireland
Tôi có một ác cảm đối với văn học xứ Ireland. Tôi không chịu được cái đó, luôn là những đầm lầy và luôn uống bét nhè và giữa chừng ọe ra một ít. Sự khốn khổ và công giáo ngái mùi. (15.12.1996)
James Joyce
Người ta biết rằng cuốn tiểu thuyết Ulycces được đánh giá quá cao tại Đức. Cuốn đó được đánh giá cao quá mức chính bởi hầu như chẳng ai đọc ông ta. (14.05.1990)
Franz Kafka
Nói riêng chúng ta với nhau: Tôi không thích côn trùng. Liệu đó có là Ruồi của Satre hay là thiên truyện của Kafka không thuộc về những thứ hay nhất của ông ấy. Côn trùng quyến rũ các tác gia. (31.03.1994)
Walter Kempowski
Kempowski là một tay sưu tập nửa vời, chăm chỉ, đã sưu tập được 4 tập và ta cám ơn Chúa, khi bộ sưu tập đã không trở thành 5. (24.02.1994)
Hồi tưởng thơ ấu
Thường là tẻ nhạt nhất trong văn chương. Vì thế cũng trong các tiểu sử tự thuật luôn bắt đầu sớm sủa như thế, chương đầu thường là những chương yếu kém nhất. (23.08.1992)
Sahra Kirsch
Nếu như các vị biết, tôi khó nhọc ra sao khi đòi thơ của Sahra Kirsch, luôn lại phải gọi điện và viết thư cho bà ấy: Sarah ơi, tôi và toàn dân tộc Đức chờ những bài thơ tiếp của bà, bà không thể gửi chút gì ư? (26.12.1988)
Buồn tẻ:
Tiêu chí thẩm mỹ cao nhất đấy! Với tôi không có một tiêu chí nào cao hơn! Đối với tôi “Ngọn núi thần” là một cuốn tiểu thuyết gay cấn, vì lẽ đó cuốn ấy mới hay sao và với tôi, cuốn “Finnegans Wake” không phải là cuốn sách hấp dẫn, dẫu nó có thể có một ý nghĩa tầm cao xét về lịch sử văn chương . (12.2.1990)
Tình yêu
Tôi thú nhận đấy, và điều này có thể chống lại tôi, nhưng mà tôi quan tâm tới những câu chuyện tình yêu của trí thức. Câu chuyện tình yêu của nông dân cũng có thể rất gây ra hồi hộp, nhưng mà đó không phải là lĩnh vực chuyên môn của tôi.

(10.10.1991)
Tứ tấu văn chương
Thường chúng tôi bị khán giả chê trách chúng tôi không khen ngợi sách thỏa đáng. Chúng tôi không phải là cánh tay nối dài của ban, phòng quảng cáo tại các nhà xuất bản Đức. (12.12.1993)
Lịch sử văn học
Cái đó chúng tôi đã có tất trong chủ nghĩa Biểu hiện rồi thôi, rằng cây cối ác độc ra sao và những con phố, con đường. (19.11.1992)
Thomas Mann
Bây giờ người bạn gái lâu năm và vợ của Phillip Roth, bà Claire Bloom đã trả lời phỏng vấn trên báo chí Anh rằng chồng bà bị chứng cưỡng ép mới làm tình. Cái giá trị về thông tin này ang áng như thể vợ tôi ngầm thông báo với báo chí rằng tôi coi trọng Thomas Mann. Dần dần thì ai cũng biết. (18.10.1996)
Giải thưởng Nobel
Đúng ra đầu tiên Updike cần nhận giải Nobel và sau đó Phillip Roth, nhưng mà cả hai sẽ không bao giờ nhận được, vâng, bởi vì chắc chắn còn tìm ra một người nào đó từ Sudan nữa. Rằng bọn họ không thể viết chữ, cái đó không đóng vai trò nào cả. Cũng chính vì họ không viết được chữ tại Congo, người ta phải trao giải thưởng cho họ. (5.3.1992)
Tiểu thuyết mới
Với tôi, Claude Simon luôn luôn là đại diện nhàm chán và tồi tệ nhất của Tiểu thuyết mới. Butor đã viết hai, ba cuốn tiểu thuyết mỹ mãn, ông Robbe-Grillet đã hơi yếu hơn, bà Nathalie Sarraute rất thú vị và không thể chịu được là Claude Simon. Cách đây mười một năm ông ta viết một cuốn sách được khắp nơi quảng bá: cuối cùng mới có một cuốn sách hay của Claude Simon. Ba năm sau ông ta nhận giải Nobel. Vâng cái đó chúng ta biết, rằng luôn luôn các tác giả hạng hai nhận giải Nobel. Strindberg nhận giải đó ư? Không Selma Lagerlöf cơ. Brecht đã nhận giải đó ư? Không, Hermann Hesse cơ. Ở Stockholm người ta không yêu chuộng những mặt hàng xuất sắc mấy. Chính vì thế Grass chắc sẽ còn nhận được giải đó (14.1.1993)
Ám ảnh
Tôi quay trở lại cái đầu ngựa gỗ của tôi đã, không phải lần đầu tiên trong chương trình Tứ tấu văn chương: Tôi không tin vào một cuốn tiểu thuyết đương đại bao trùm lớn lao trong tiếng Đức. Người ta đáp lại tôi: nhưng mà cuốn Buddenbrooks! Vâng, nhưng cách đây đã chín mươi năm. Ngày hôm nay các nhà văn trên thế giới không còn có thể chế ngự được thế giới trong một cuốn tiểu thuyết toàn cảnh dày sáu hay bảy trăm trang nữa. Tôi tin tưởng vào luận đề của tôi. Nó đúng cho tới khi xuất hiện một cuốn tiểu thuyết bác bỏ nó. (6.5.1991)
Hậu hiện đại
Một cuốn tiểu thuyết hậu hiện đại là gì cơ? Mời quí vị nói cho tôi nào! Tôi không biết cái đó, cuối cùng tôi muốn được chỉ giáo, bởi hậu hiện đại là sự ngớ ngẩn. Không trong kiến trúc nhé, đó không phải lĩnh vực của tôi. Ở đó tôi chỉ biết: nó xấu xí. Nhưng mà trong văn chương đó là cái ngớ ngẩn rành rành. (12.10.1989)
Giày vò
Cái ông Alfred Andersch thường viết trong cuốn tiểu thuyết những câu đại loại như: Tôi không đạt thành được cuốn tiểu thuyết này, thật tôi khó viết tiếp, tôi không biết bây giờ phải viết tiếp nó ra sao nữa. Vâng xin mời, nếu ông không làm được, thì ngừng viết tiểu thuyết đi và đừng có hành hạ chúng tôi với những tác phẩm bất thành của ông. (12.2.1990)
Mỹ học tiếp nhận
Tôi trông chờ việc bản thân mình không bị làm cho nhàm chán. Đó lá quan hệ cơ bản của tôi với văn chương. (30.9.1988)
Cấm vận viết lách
Đôi khi một sự cấm vận viết lách là một ân huệ đối với độc giả, chúng ta không muốn quên đi điều này (15.12.1994)
Tình dục
Vâng có những người họ nói rằng, cái đó thỉnh thoảng gây hứng thú. (10.3.1989)
Cái chết
Nếu tình yêu và cái chết hiện diện mạnh mẽ trong một cuốn sách, và nếu là một tác giả non tay, người đó sẽ tụt xuống tầng hầm đối với những đề tài này và nó chỉ ra đồ dỏm (kitsch). Nhưng nếu đó là một tác giả cao tay, thì ngay lập tức tác phẩm thăng hoa và trong khoảnh khắc đó một cuốn sách sẽ lôi cuốn và thú vị. (25.3.1999)
Siegfried Unseld
Ông ta gặp tôi, kéo tay tôi vào góc phòng và nói: “ Chỗ tin cậy tôi phải nói với ông điều này, chỉ có ông tôi mới nói. Mùa thu này tôi ra cuốn sách. Đó là một tác phẩm bậc thầy, đó là thiên tài, một cuốn sách thế kỷ. Và ông hãy nghĩ tới chuyện để cho một nhà phê bình đúng nghĩa đánh giá nó. Ông biết không, tôi nghĩ tới…” Và sau đó ông ta đã nêu đích danh một người có thể giới thiệu cuốn sách đó.Với một tài chinh phục không thể tưởng tượng được ông ta tán tỉnh tôi khiến tôi đã bắt đầu nghĩ đây có thể là một cuốn sách thú vị. Thường xuyên tôi bị hố bởi vì ông ấy nói rất thuyết phục và giới thiệu cho tôi cuốn sách với một sức chinh phục như vậy. Nếu như sau đó tôi đọc xong và hỏi lại ông ta: “ Nào nói đi giữa chúng ta với nhau, ông đã đánh tráo vào tay tôi thứ gì vậy? Đó là một cuốn sách hoàn toàn hỏng bét và kém cỏi.” Không lời nào nữa, ông ta lại nói về cuốn sách sắp tới. Hạnh phúc thay cho tác giả có một nhà xuất bản như thế! (26.12.1988)
John Updike
Thế này nhé, ở đây người ta làm quen nước Mỹ của ngày hôm nay. Tôi hoàn toàn không quan tâm điều đó. Tôi không quan tâm nước Mỹ trông nó ra làm sao! Với tư cách là một type người, người đàn ông này hoàn toàn không làm tôi thích thú. Đúng là một gã buôn lẻ ô tô với những tham vọng của ông ta, thật là kinh tởm chứ còn sao. (8.10.1992)
Nhà xuất bản
Các bạn ơi, vậy thì một ông chủ nhà in tốt là gì nhỉ? Một chủ nhà in tốt là một kẻ nào đó có thể bán chạy một cuốn sách tồi. (26.12.1988)
Tơ nhau
Thế đấy, đó là sự miêu tả tình dục như chúng ta chưa từng có nó trong văn chương thế giới vậy. Motiv cơ bản là một từ, tôi phải nói rõ cái từ ấy ra ở đây. Có những chương người ta phải đọc liên hồi: Chúng mình sẽ đụ, chúng mình đã đụ chúng mình muốn đụ, chúng mình muốn đụ nhau lần nữa đi. Đây là tất cả, Updike không thể mời ta nhiều hơn nữa. Thư thoảng đến “tơ nhau”. Đó là một sự đổi thay và sau đó người ta nhìn nhận nó với niềm vui. (24.08.1995)
Dân tộc học
Các nhà xuất bản không còn biết họ phải in ấn những gì: người Anh, người Mỹ, người Pháp, người Ý không đủ. Bây giờ tới tất cả, người Hà Lan, người Đan Mạch – và thế là tốt, bây giờ các dân tộc nhỏ cũng có mặt trên thị trường Đức. (31.3.1994)
Martin Walser
Từ 25 năm nay ông ta viết hết cuốn tiểu thuyết này đến cuốn khác. Phần nhiều các cuốn đó bị giới phê bình đánh giá chủ yếu tiêu cực, nhiều cuốn hoàn toàn rơi vào quên lãng. Và đích đáng. Tuy nhiên: Ông ta vấp từ thất bại này sang thất bại khác và không ngừng là một nhà văn thành danh, trong thực tế luôn luôn trở thành nổi tiếng hơn. Điều này có lý do. Một trong những lý do của nó chính là điều khiến ông ta rất bực mình: chính là ông ấy không chịu thôi đi cái việc một cách đều đặn công bố đầu sách của mình. (30.09.1988)
Lặp lại
Từ nhiều năm nay tôi lặp lại và lần này tôi nhắc lại lần thứ 95 nhé: Mỗi một cuốn tiểu thuyết – không phải cuốn Ngọn núi thần hay Buddenbrooks xin nhớ- dài hơn 500 trang, là dở. Tôi sẽ nhắc lại điều này cho tới khi có một bằng chứng phản bác. Nếu như ra đời một cuốn tiểu thuyết dày hơn 500 trang và nó hay, thì tôi sẵn sàng gục xuống chết trước camera quay hình đấy. (14.1.1993)
Ép buộc
Tôi càu nhàu về đa phần sách đưa ra đọc. Tôi không thể khác: tôi phải càu nhàu. (09.12.1991)
Bất đồng
Chúng ta sẽ không thống nhất và chúng ta không cần và không phải thống nhất. Các bạn ơi, rất chạnh lòng chúng ta nhìn chiếc màn hạ xuống và tất cả mọi vấn đề bỏ ngỏ y nguyên. (25.04.1997)
(Bản lần đầu công bố trên tạp chí SZ – Süddeutsche Zeitung ngày 2.7.2000)

Chú thích của người dịch:
Marcel Reich-Ranicki (1920-2013): Nhà phê bình được vinh danh Giáo hòang văn học, nhà trước tác có ảnh hưởng lớn nhất đương đại trong khu vực nói tiếng Đức.

©® Phạm Kỳ Đăng và Văn Việt

Comments are closed.