Trong thoáng xuân Hà Nội (thư từ, ghi chép, 1986-1991) (kỳ 12)

Lại Nguyên Ân

clip_image001[1]

Có thể mua bản e-book theo địa chỉ: http://komo.vn/product/view?pid=1771

 

 

Hà Nội, 15. 9. 1988

Nhàn thân mến,

Sắp có đám nhà văn sang học Gorky đợt cuối, mình viết cho Nhàn ít dòng. Hai việc định kể cho Nhàn, thì việc thứ nhất, cái chết đau đớn của Quỳnh, Vũ và con trai, qua báo chí, Nhàn đã biết. Nói riêng, hẳn mỗi chúng ta đều có những xót xa riêng. Đến bây giờ mới cảm thấy hai người ấy là đáng kể trong thế hệ ta làm nghệ thuật.

Chắc Nhàn sẽ viết một chút gì chứ, về Quỳnh và có thể về Vũ? Mình mới viết xong một bài về Quỳnh, một cái tưởng niệm có pha chân dung. Mình có đọc lướt lại Quỳnh, thấy rõ diện mạo một nữ tác giả tầm cỡ vào loại nhất trong thơ Việt Nam kể từ thời Xuân Hương, không biết có quá không.

Việc thứ hai, Nhàn đọc báo Nhân dân hôm nay 15/9/88 chắc sẽ thấy đột ngột. Sự đe dọa đối với cái biểu tượng của sự đổi mới văn nghệ hôm nay – tức là báo “Văn nghệ” – đã rõ. Trong cuộc họp 5 ngày của BCH Hội, người ta tập trung phê phán báo “Văn nghệ” rất nhiều. Những “nhà phê phán” thì không lạ: H.X.Trường, P.C.Đệ, Đ.Vũ, Ch.Hữu, Ng.Đ.Thi, H.Phương, H.Mai, N.Q.Chấn, H.Cận, T.Hanh, Ng.X.Sanh, V.T.Nam, B.Hiển. Và tệ nhất, bất ngờ nhất là B.Việt. Chỉ có mấy người bênh: Giang Nam, Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Khoa Điềm, Lương Quy Nhân, Tô Ngọc Hiến.

Ng.Khải không ra, A.Đức, Ng.Q. Sáng cũng không ra. Ông Khải có gửi hội nghị một bức thư kể đầu cua tai nheo, nói quá trình nhiều thứ, với giọng hờn dỗi, tỏ ý Ng. Ngọc xỏ mình, tìm cách “đánh” mình, từ bài “Bàn tròn” đến đăng Phẩm tiết.

Người ta bảo“Văn nghệ” đã phạm nhiều sai lầm, đã đi một đường lối bè phái tách khỏi Ban thư ký và Ban chấp hành, đăng không toàn diện ý kiến, đã dùng tôi (Lại Nguyên Ân) làm phát ngôn các tư tưởng lý luận phê bình có tính cách áp đặt mới, để kết tội đại hội trước là thiếu dân chủ; “Văn nghệ” đã đăng những sáng tác của Thiệp, đề cao lên những sáng tác bậy bạ, bôi nhọ lịch sử, viết bẩn thỉu, tục tĩu (dị ứng đối với Phẩm tiết), “Văn nghệ” đã phản ánh phiến diện tình hình Liên Xô, v.v.

Chiều hôm thứ ba, B.Việt làm tràn cái cốc bằng giọt nước cuối cùng. Xin ông nhớ cho rằng 2 tuần trước, B.Việt đến nhà Ng. Ngọc nói đại ý: tờ Người Hà Nội xuống nước quá, “em” đang định cải tiến, mà tờ “Văn nghệ” đang nổi, vậy xin anh cộng tác hai báo… Ông Ng.Ngọc đưa B.Việt bản thảo Con kỳ nhông của Đoàn Đình Ca mô tả chân tướng P.C.Đ. mà “Văn nghệ” không đăng, vì truyện không hay, lại có tin là nó ám chỉ cá nhân… Việc B.Việt cho đăng truyện này trên Người Hà Nội cùng số với phỏng vấn B.Việt là bằng chứng về sự việc ấy. Cũng trong nội nhật vài tuần nay, tại cuộc họp do Ban Văn hóa văn nghệ tổ chức (tôi có dự một cuộc), B.Việt phát biểu hăng theo giọng đổi mới. Hôm ấy do sáng kiến của lão T.Q.Vượng, bọn mình góp tiền ăn trưa đi ăn thịt chó ở chợ Châu Long, mình mới lại có dịp nói vài câu với B.Việt, thấy một B.Việt như cũ… mặc dù B.Việt có hé cái ý: về tình hình trước mắt, B. Việt thấy phải có độc tài mới ổn định được tình hình, chứ dân chủ thì không giải quyết được gì. Ngoài ra, chưa quan sát thấy gì khác.

Vậy mà trong hôm họp BCH ấy, B.Việt phát biểu khác hẳn. Y nói việc xuất hiện Ng.H.Thiệp là tất yếu trong thời nhiễu nhương này, nhưng vấn đề là trách nhiệm của người đỡ đẻ nhiều hơn (ám chỉ Ng.Ngọc và “Văn nghệ”). B.Việt chỉ vào cặp mình: Trong cặp tôi có những tài liệu của bên nội vụ, họ theo dõi rất sát những việc này, chúng ta nên thấy sự nghiêm trọng của những việc như vậy (phỉ báng lịch sử) vì có thể dẫn đến xung đột đổ máu! Về cách xử lý, B.Việt đưa ra một ý rất quyết liệt, như để nói hộ thâm ý của Thi – Ch.Hữu, nhưng thâm hiểm một cách… dễ thương: “Bây giờ “Văn nghệ” tách rời Hội đã rõ. Nhưng tờ“Văn nghệ” lại rất quan trọng. Vậy người tổng biên tập báo phải trong Ban thư ký. Thế thì hoặc là phải đưa Ng.Ngọc vào Ban thư ký, hoặc phải thay”!

Sau cả cuộc họp, gặp ai cũng thấy họ tỏ ra ngạc nhiên về thái độ B. Việt, một thái độ có thể nói là kỳ nhông, lật lọng, tráo trở. Tìm vào động cơ, thì nghe nói bên Hà Nội đang ngán B.Việt, B.Việt đang tìm đường trở về 65 Nguyễn Du, và hắn đã đánh hơi thấy chiều gió nào mạnh trong BCH để phất lá cờ nào cho phù hợp.

Kể ra, thế hệ ta, ông và tôi, Nhàn ạ, cũng đã biết, đã quen một con người kỳ lạ như thế. Nhưng mà đường còn dài để có thể kết luận…

Vậy là tờ “Văn nghệ” lâm nguy. Đám bảo thủ đã tìm được sự đồng tình, sự cho phép của BCH để dẫn tới hành động. Mức cao nhất là sẽ thay Ng.Ngọc, đổi màu tờ báo trước khi họp Đại hội. Một cuộc đảo chính có thể xảy ra. Tôi đang hình dung một tay trong đám ấy sẽ nắm lại tờ báo, sẽ đăng ngược lại, sẽ dạy người ta “đổi mới nhưng không được phủ định”, sẽ tung ngọn cờ đổi mới với những lời lẽ đáng ngờ nhất, sẽ đăng phát biểu của Bondarev và Karpov, [1] và sẽ tìm trong đám Đệ, Đức người làm “cố vấn” cho trang phê bình! Cái hạnh phúc của người trong cuộc mà ông ghen với tôi có thể sắp trở thành sự đau khổ của tôi, của chúng ta. Lá cờ đỏ sẽ bị thay bằng lá cờ sọc dưa của bọn bảo thủ, bọn hoạt đầu trong văn nghệ. Thế hệ “tứ tuần” sẽ bị gạt ra rìa, sẽ bị mua chuộc, lôi kéo để tan rã. Đám văn sĩ lụ khụ đã công chức hóa từ chân đến đầu sẽ đóng vai trò lãnh đạo công cuộc đổi mới, “dân chủ hóa”, “nhân bản hóa” văn nghệ. Thật nực cười.

Tấn bi kịch sắp giáng xuống nay mai. Ông bảo tôi nên làm gì nếu như sẽ không bị treo bút? Ông còn mong nhanh chóng về nước làm gì. Tôi chỉ mong chóng được đi “lánh nạn” tức là sang thay ông. Ông cứ yên tâm sống nốt hơn một năm ngắn ngủi nữa đi, nếu kéo dài ra được thì cứ kéo, đừng mong về làm gì. Nay mai, họ sẽ viết thư mời viết “Thư Moskva” không phải ông mà là Đ.A.S., ông nghĩ sao? Tôi đang cảm thấy ngột thở, có thể nay mai còn nghẹt thở hơn. Cái điều ta vẫn nói với nhau “đổi mới là khó”, nay đang hiện hình, và mỉa mai thay, giới nhà văn lại đi đầu trong việc giật lùi khỏi các tư tưởng cách mạng của Đại hội Sáu! Tôi nghĩ thật ô nhục khi hình dung một đám nhà văn không hề lo lắng gì cho tình hình đất nước, cho vận mệnh dân tộc, chỉ nhâu nhâu vào cãi cọ những việc động đến quyền của mình trong cái Hội của mình, chỉ nổi xung lên về những tự ái vặt động đến danh dự cá nhân mình, tự ái của cá nhân mình. Đến một đám nhà văn có lương tâm cho ra hồn ta cũng không có nếu nhìn vào các bậc đàn anh, thật là khốn nạn cho chúng ta.

Dẫu sao, tôi cũng không bó tay. Còn nhiều việc để làm, để viết, còn nhiều chỗ để đăng, để bày tỏ ý kiến. Cả ông nữa, ông cũng đừng nên nản. Hôm qua tôi bảo với cả Ngô Thảo lẫn ông Ng.Đ.Mạnh: May mà ông Nhàn ở xa, chứ nếu ở nhà, ông ấy không viết được bài về Nguyễn Huy Thiệp hay như thế đâu. Và nói chung, ông ấy sẽ “run” cho mà xem. Ông có giận tôi không? Số “Văn nghệ” có bài ông, bài bà Đào, bài Ngô Thảo, [2] nhiều người xem là trang tuyệt vời của phê bình: một văn hóa phê bình cao, một thụ cảm sâu sắc, và một nữa đầy chiến đấu tính, căng thẳng, đúng là phê bình với các sắc thái cần có của nó. Liệu ngồi ở nhà đây, nghe các “bố già” chửi Phẩm tiết thế, ông có viết về Nguyễn Huy Thiệp như đã viết được không? Chắc là khó, tôi nghĩ thế. (Cái bài về Nguyễn Huy Thiệp của ông, tôi và Thảo có “nhuận sắc” vài chữ, định đăng “Phê bình và dư luận” nhưng ông Ng. Ngọc không chịu cứ đòi về đăng “Văn nghệ”).

Thôi, bây giờ bàn vào việc.

Tôi và ông Ngô Thảo đang làm tạp chí “Phê bình và dư luận” cho Ban, sắp đưa in số 1. Đang bắt tay vào số 2. [3] Ông viết riêng cho một bài gì đó về tình hình văn nghệ Liên Xô hiện nay, hoặc xung quanh vấn đề nhà văn và cải tổ thì rất hay. Lưu ý tới những tác phẩm mới viết, tới dư luận về văn nghệ ở họ. Lưu ý tới các vấn đề ở các nền văn học dân tộc, các vấn đề tổ chức hội của họ. Tôi cũng có thấy báo chí họ đăng tin bầu lại một số cơ quan Hội hoặc cơ quan báo, tạp chí của các nước cộng hòa. Ông nên chọn một đề tài nào, gửi bài về sớm, trong tháng 10 để kịp in số 2. Nếu không có gì thay đổi, bọn tôi sẽ ra số 1 vào tháng 10.

Tất nhiên hiện giờ chưa có gì thay đổi cho số phận “Văn nghệ”, có chăng phải hết tháng 9 này. Ông có thể hỏi thêm bọn sang bên ấy, nhưng nên nhớ là mỗi tay đều có một thái độ. Trước đây ít lâu, đám văn nghệ sĩ quân đội đã ngả sang tập hợp thành một bộ phận, có sự liên kết xa gần với đám bảo thủ ở Hội… Nhưng thôi, ông còn lạ gì mà phải nhắc ông cách khai thác những con cáo các loại ấy.

Bà Yến bao giờ về? Ông bà có một mùa hè hạnh phúc ở Moskva. Chính chúng tôi phải ghen mới phải. Vì Hà Nội nóng, gạo rẻ đi chút ít nhưng 1kg thịt = 10kg gạo nên vẫn khó sống. Tôi vẫn chưa dọn lên nhà mới. Chỉ có bà Thiếu Mai và xóm Văn nghệ là lên đủ mặt rồi.

Thôi, chúc ông khỏe. Làm được nhiều việc.

Thân mến

ÂN

Chú thích

[1] Yuri Bondarev, Karpov: hai trong số những nhà văn công khai phát biểu phản đối cuộc cải tổ ở LX.

[2] Chỗ này nhắc đến báo “Văn nghệ” số 35+36 ngày 20/8/1988: trang phê bình có các bài của Vương Trí Nhàn (Tưởng tượng về Nguyễn Huy Thiệp), Đặng Anh Đào (Biển không có thủy thần, đọc một số truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp), Ngô Thảo (Nên chăng?, về việc sử dụng bút danh trong tranh luận học thuật).

[3] Trên thực tế, “Phê bình và dư luận” chỉ ra được một kỳ duy nhất.

Comments are closed.