Phiếm luận về ‘trọc phú kiến thức’

Lê Học Lãnh Vân

Dù trong tựa có hai chữ “phiếm luận”, bài viết vẫn phản ánh chuyện thật. Chỉ là được trình bày dưới dạng phiếm cho bớt nghiêm trang mà thôi!

Sau khi đọc “Trọc phú kiến thức” của anh Đinh Đức Hoàng, đọc “Suy nghĩ về trọc phú kiến thức” của tôi cùng các bài thảo luận khác, một cô cháu gái hỏi:

– Chú ơi có phải môi trường “copy & paste” tạo ra “trọc phú kiến thức” không?

– Chú nghĩ “trọc phú kiến thức” tạo ra môi trường “copy & paste”. Rồi môi trường “copy & paste” ảnh hưởng ngược lại tạo ra nhiều “trọc phú kiến thức” hơn…

– Chú ơi, người “trọc phú kiến thức” phải là người học vẹt không?

– Theo bài viết của anh Hoàng, chú nghĩ không. “Trọc phú kiến thức” là người học thiệt, có thể thích học nữa, nhưng học chưa chín, chưa “chiêm nghiệm, trải nghiệm, hấp thụ, tự phản biện, tự luận” đủ nên kiến thức họ có vẫn còn là ngoại lai, chưa là “của mình”, vẫn còn là phấn hoa chứ chưa là mật! Dù kiến thức chưa là của mình, họ vẫn đăng đàn thuyết giảng, cốt ý cho người ta biết cái khối lượng tựa sách mình đã đọc. Còn người học vẹt chưa chắc thấy điều mình học là hay, chỉ biết nhắm mắt học thuộc lòng nhằm đậu môn thi, có bằng cấp…

– À, vậy con hiểu rồi! Như vậy học vẹt là học mà hầu như không có tư duy gì hết luôn! À, mà con nghe nói lâu lâu có phong trào học tập gì gì đó, mấy người theo học thuộc loại nào? “Trọc phú kiến thức” hay “học vẹt” vậy chú?

– À, cái đó thì chú không rành lắm, có học theo phong trào đâu mà biết! Cà phê cà pháo với mấy bạn có học như vậy, chú thấy dạng người học này khác hai dạng người học trên. Giống như học vẹt, họ học thuộc làu làu từng câu, chữ. Giống như “trọc phú kiến thức” họ cũng đăng đàn thuyết giảng. Họ khác với hai dạng trên ở chỗ họ có tư duy, nhưng là tư duy ngược chiều với những gì họ học qua phong trào. Họ tư duy rằng cái tui học là để tui nói thôi, còn cái tui làm thì ngược một trăm tám mươi độ! Họ rất thực dụng đó cháu…

– Cho nên có đâu ít trường hợp hôm sau họ bị lộ tung ra vì tham nhũng mà hôm trước họ đăng đàn dạy dỗ thiên hạ cần kiệm liêm chính xịn sò luôn. Cũng như học thì phải ghét đế quốc Mỹ mà làm thì đưa cả gia đình qua đó học tập, định cư trước, xuống tiền mua nhà dân Mỹ lé mắt luôn! Phải không chú?

– Cháu nói nhiều quá! Chú chỉ nói lý thuyết, còn liên hệ thực tế chú không rành…

– Con chỉ nói cái cùng trời thiên hạ thấy, thiên hạ biết. Còn chú, chú giả bộ không biết thì có. Coi chừng người ta nói chú là mũ ni che tai, là trí ngủ, hi hi hi…

– Con ơi, phải nhớ câu ngoạ hổ tàng long, người biết trong thiên hạ nhiều lắm. Ngay cả trong những người đi học theo phong trào cũng vậy nữa, ngoài số đông là những người cam chịu, ngoài những người chỉ tham danh lợi còn những người vì hoàn cảnh họ học theo chiều này nhưng lòng ôm hoài bão phụng sự cộng đồng, quốc gia theo chiều khác. Họ chưa nói lên chưa hẳn vì hèn nhát mà vì nghĩ chưa tới thời, nhưng họ âm thầm lan truyền “kiến thức tự thân” của họ ra xã hội. Khi vận trời đã chuyển động thì mau lắm, sau một đêm “sấm vang chớp giật” (*) sáng ra sẽ thấy “núi sông đổi mới, trời đất tốt lên” (*). Sấm vang chớp giật không phải là sự gãy đổ gì lớn đâu con, chỉ một thời gian rất ngắn là núi sông đổi mới trong yên hoà bởi vì trình độ và lòng dân đã sẵn sàng đổi mới…

Ngày 24 tháng 9 năm 2022

=====================

(*): Bình Ngô Đại Cáo, bản dịch Ngô Tất Tố

Comments are closed.