Tự do Ngôn luận và Nô lệ Tự nguyện

Lê Học Lãnh Vân

Anh Đoàn Bảo Châu, một bạn Phây (Fb Chau Doan), ngày 14/2, 2023, viết tút liên quan tới anh Nguyễn Lân Thắng có tựa là “Điều cần nói nốt về Nguyễn Lân Thắng”.

Đọc tút đó, tôi thấy hai ý chính:

1) Quan điểm của anh Châu về chủ tịch Hồ Chí Minh

2) “Thái độ chế giễu hình ảnh ông Hồ Chí Minh” của anh Thắng

Bài viết này trình bày suy nghĩ về hai đề tài trên trong mối liên quan với sự Nô lệ Tự nguyện, trong tinh thần trao đổi ý kiến giữa bạn phây!

Nếu tôi hiểu không lầm, anh Đoàn Bảo Châu kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Anh viết “Ông không chỉ là một lãnh tụ mà còn là một chân dung văn hoá, về lòng yêu nước và tư tưởng, kể cả tư tưởng dân chủ đều có tầm cao mà những người cộng sản thế hệ sau rất khó theo kịp”. Tôi tôn trọng quan điểm này của anh Châu!

Xin mở một chút ngoặc nơi đây. Tôi còn nhớ, cách đây khoảng ba mươi lăm năm, ông Hoàng Xuân Hãn cho biết ông kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cách diễn đạt sự kính trọng đó tạo ấn tượng trong tôi. Ông Hoàng Xuân Hãn là người tôi kính trọng về đạo đức sống nói chung, về lòng trung thực và về sự hiểu biết. Tại sao ông Hoàng Xuân Hãn kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi dự định sẽ viết về tâm sự đó của ông Hãn trong một bài riêng! Tâm sự đó có nhiều nỗi, không giản dị như nhiều người hiện nay suy nghĩ, đáng để thế hệ sau suy ngẫm!

Lúc đó đã cuối đợt thuyền nhân đầu tiên, ông Hoàng Xuân Hãn biết có nhiều người không phục, thậm chí căm ghét ông Hồ Chí Minh. Ông khuyên tôi không nên viết về ông Hồ Chí Minh, “nếu cháu muốn rảnh rang đầu óc theo đuổi công việc của mình”. Ông nói thêm, “Chúng ta biết rất ít về ông Hồ Chí Minh”!

Nghe theo lời dặn khôn ngoan đó, tôi chưa từng nói lên nhận xét của mình về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những dòng này của bài viết chỉ để nói, xin lặp lại, rằng tôi tôn trọng quan điểm của anh Đoàn Bảo Châu!

Cũng theo tút của anh Châu, anh Nguyễn Lân Thắng không giữ “cái lễ với một lãnh tụ, một bậc tiền nhân”. Tôi có không ít người quen xuất thân từ Miền Bắc xã hội chủ nghĩa, họ gọi ông Hồ Chí Minh là “thằng” cùng với những tính từ khó nghe. Tất nhiên tôi hoàn toàn không đồng ý cách thể hiện đó, nhưng tôn trọng quan điểm của họ, cũng như tôn trọng quan điểm của anh Châu. Tôn trọng quan điểm không đồng nghĩa với có cùng quan điểm. Mỗi cá nhân có quyền có quan điểm, nhận xét của mình, mỗi quan điểm như vậy có giá trị ngang nhau trong trưng cầu dân ý hay thăm dò ý dân!

Tôi chưa có dịp biết cách thể hiện của anh Nguyễn Lân Thắng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nếu cách thể hiện gây “sốc”, đó là một thể hiện văn hóa và người cảm thấy sốc có thể phản ứng bằng phê bình công khai. Nếu trong cách thể hiện có biểu hiện như vu khống… thì người có thẩm quyền (con, cháu, em… có thể chọn cách kiện ra tòa).

Tuy nhiên, nếu không vi phạm pháp luật như vu khống, chỉ trình bày quan điểm của mình về một nhà chính trị, dù đó là nhà chính trị kiệt xuất tới đâu đi nữa, mà phải vào tù thì sự bỏ tù đó đã vi phạm các nguyên tắc căn bản của tự do ngôn luận, quyền tham gia các hoạt động chính trị, nói chung là xâm phạm các nguyên tắc căn bản của nền dân chủ!

Từ tác phẩm Discours de la servitude volontaire của Étienne de La Boétie, dịch giả Hiếu Tân đã dịch sang tiếng Việt thành Luận văn về Nô lệ Tự nguyện. Luận văn này, được viết gần năm trăm năm trước, gợi cảm hứng cho nhiều triết gia, nhà khoa học chính trị của Thời đại Ánh Sáng mà tư tưởng của họ dẫn tới thiết lập nền dân chủ trên thế giới hiện nay.

Luận văn đó khuyên rằng không bao giờ nên trao quyền quá mức cho một cá nhân, không bao giờ nên thần tượng, tôn sùng cá nhân. Cho dù khi xã hội, quốc gia, gặp khó khăn và được một cá nhân xuất sắc đưa ra giải pháp hữu hiệu thoát khỏi khó khăn, thì cũng không nên biến lòng mến mộ và biết ơn cá nhân ấy thành tôn sùng cá nhân. Bởi vì điều này sẽ dẫn tới tình trạng một cá nhân hay một nhóm người có quyền hành tuyệt đối, cai trị lâu dài và song song đó là sự Nô lệ Tự nguyện của quần chúng được thiết lập. Sự Nô lệ Tự nguyện không chỉ do cá nhân hay nhóm người có quyền hành tuyệt đối thao túng xã hội để trở thành nhà độc tài tuyệt đối, mà còn do chính tâm lý quần chúng. Sau một thời gian lâu để cho giới cai trị lo mọi chuyện, quần chúng dần mất ý thức về tự do, mất ý thức về sự cần thiết của tự do, lần lần mất cả lòng yêu mến tự do để rồi trở thành kẻ nô lệ tự nguyện!

Thí dụ được nêu lên là trường hợp bạo chúa Denis. Dân chúng, để đối phó với nguy hiểm của chiến tranh trước mắt, đã giao quyền lực cho Denis “mà không nhận ra rằng họ đang giao cho hắn quyền lực đến khi chiến thắng trở về con người xứng đáng này hành xử như thể hắn không chiến thắng quân thù mà chiến thắng chính đồng bào của hắn”.

Xin trở lại với việc anh Nguyễn Lân Thắng không giữ “cái lễ với một lãnh tụ, một bậc tiền nhân”, theo tút của anh Châu. Lễ là điều nên giữ, chỉ xin nhớ rằng Lễ cũng cần thay đổi tiệm tiến theo thời gian. Giới ăn trên ngồi trước luôn muốn giữ chữ Lễ không-diễn-biến, còn dân chúng cần biết cách thoát khỏi, nếu không e rằng mãi bị cầm tù trong chữ Lễ đó và tự tước đi quyền tự do ngôn luận của mình.

Tôi chú ý đoạn văn này của anh Đoàn Bảo Châu, “nếu không giữ lễ, thì thế hệ mới sẽ có một kiểu hành động “cứt lộn lên đầu” như kiểu người cộng sản làm trong Phong trào Cải cách Ruộng Đất khi con chỉ mặt gọi cha là mày, cha vâng dạ xưng con với con của mình khi bị đấu tố”, vì thấy có sự lầm lẫn trong đó.

Trong Cải Cách Ruộng Đất, việc “cứt lộn lên đầu” xảy ra được không phải do tự do ngôn luận quá trớn, mà do bạo lực cách mạng được dùng quá trớn. Bạo lực cách mạng đàn áp tự do ngôn luận khiến chỉ còn một chiều ngôn luận là chiều địa chủ ác ghê! Bạo lực cách mạng ủng hộ các phiên tòa trong đó người tố cáo, người điều tra, người xử án, người thi hành án tất cả đều cùng một phe, không hề có sự phân quyền, chỉ có bị cáo một mình run rẩy trước đám đông bị kích động cuồng nộ! Cần phải bảo vệ quyền tự do ngôn luận, đó mới chính là bài học cần được rút ra từ Cải Cách Ruộng Đất chứ không phải điều ngược lại!

Thiếu tự do ngôn luận, tiến trình đi tới Nô lệ Tự nguyện của đám đông được thúc đẩy nhanh hơn vì không còn lực cản. Một quốc gia mà đám đông rơi vào tình trạng Nô lệ Tự nguyện, quốc gia đó sẽ chìm đắm lâu dài trong sự thiếu độc lập, tự chủ, nhất là khi quốc gia ấy đang chịu một lời nguyền địa lý. Quốc gia có hoài bão thoát khỏi lời nguyền đó không?

Ngày 14 tháng 4 năm 2023

Comments are closed.