Charles Bukowski
T.Vấn chuyển ngữ
Charles Bukowski – 100 năm sau (Nguồn: kenneturner.com)
TRONG CƠN SAY*
Tôi vốn chẳng bao giờ quan tâm đến những vấn đề chính trị, nhưng trước cuộc bầu cử, tôi không thể không phẫn nộ trước một số kẻ ngốc nghếch khi quan sát kết quả cuộc đua. Ý tôi muốn nói là kết quả đua ngựa ấy mà. Ai cũng nói Nixon đã về đích. Tôi có cảm tưởng anh này khí tệ hơn Humphrey. Nhưng khi Wallace giành chiến thắng áp đảo thì tôi cũng sửng sốt như nhiều người khác. Và khi ông ta tuyên thệ nhậm chức, nhiều sự việc bắt đầu xảy ra. Le May tuyên bố rằng, trừ phi Hoa Kỳ chiến thắng cuộc chiến tranh ở Việt Nam trong vòng một tháng hoặc kẻ thù bị buộc phải đầu hàng; nếu hai điều đó không xảy ra, ông ta có thể sẽ cho ném bom nguyên tử H xuống miền bắc Việt Nam, hoặc xuống Trung cộng. Hoặc xuống cả nước Nga. “Một thằng đàn ông phải cho ra một thằng đàn ông!” ông ta tuyên bố như vậy. “Anh đàn ông đó phải chứng tỏ được bản lĩnh của mình! Ông già Teddy Roosevelt coi vậy mà biết cách đối phó với lũ vô lại.” Wallace chỉ nhe răng cười toe toét. Ông này quả là chỉ nhe răng cười, rồi khen. “Giỏi lắm nghe con. Hết sẩy!”
Bọn họ cho đặt súng máy ở những khu vực dành cho người da đen và ngay lập tức bắt đầu giải quyết vấn đề nhà cửa cho họ. “Tôi không phải là người kỳ thị chủng tộc,” Wallace nói, “nhưng tôi nghĩ nếu một người nghèo hoặc có màu da đen thì đó là lỗi của họ.”
Le May nhe răng cười tán thưởng: “Đúng vậy.”
Công nhân bị sa thải khắp nơi. Một người đi làm phải làm việc gấp đôi với mức lương chỉ bằng nửa của mình trước kia. Các danh sách cứu trợ bị xóa bỏ. Tiền hưu bổng tuổi già không còn nữa. Lực lượng cảnh sát tăng lên gấp ba lần, các trại tập trung và nhà tù được xây thêm khắp nơi. Ngày hoặc đêm, bất cứ lúc nào người ta có thể nghe được tiếng súng máy nã đạn. Những người da đen chỉ được phép ra đường trong một khoảng thời gian nhất định từ lúc mặt trời mọc cho đến khi mặt trời lặn và chỉ được lui tới trong những khu vực đã quy định. Thị trường chợ đen đã bắt đầu lưu hành một sản phẩm rất được mọi người ưa thích: TẨY TRẮNG, một thứ thuốc nhuộm trắng để che đi màu đen. Một mái tóc giả của người da trắng cộng thêm với một chút nhuộm trắng thì vẫn còn tốt hơn là không có gì hết. Nhưng hầu hết người da đen đã từ chối không muốn làm như vậy. Cả người Mễ lẫn Ấn Độ cũng bị đối xử như người da đen dù mức độ có nhẹ hơn chút đỉnh.
Có khoảng chừng 30 triệu người thất nghiệp và những người quá tuổi lao động lang thang vất vưởng trên những hè phố. Khi có người – đàn ông, đàn bà, trẻ con – ngã lăn ra chết vì đói hoặc bị giết bởi cảnh sát hoặc bởi những người lính, sẽ xuất hiện những chiếc xe gọi là “Xe Khốn Kiếp” – ám chỉ những người chết là lũ khốn kiếp không biết tìm cách sống còn. Những chiếc “Xe Khốn Kiếp” liên tục tuần tiễu các đường phố và làm một công việc giống như những chiếc máy quét dọn khắp nơi. Chỉ khác là thay vì hút lá, giấy vụn và đủ loại rác rưới khác nhau thì những chiếc xe khốn kiếp này thu nhặt xác người chết gồm đủ thành phần già, trẻ, trai, gái. “Chúng ta phải giữ gìn sự sạch đẹp cho những thành phố của chúng ta,” Tổng thống Wallace tuyên bố. Những tử thi này sẽ được đem đi thiêu giống hệt như người ta thiêu sách ở thư viện. Không phải tất cả sách ở thu viện đều bị thiêu hủy, nhưng cũng khoảng chừng không dưới 85%. Trên 95% tranh ảnh và tượng điêu khắc đã bị phá hủy vì chúng đã “làm suy đồi một xã hội Mỹ tốt đẹp.” Tất cả các biên tập viên báo chí cánh tả bị đem ra tra tấn trước sự chứng kiến của hàng trăm ngàn cử tọa tại các sân thi đấu thể thao trên toàn nước Mỹ. Và trong lúc những nạn nhân bị tra tấn kêu khóc rùm trời vì đau đớn, vì đang bị rút da rút thịt một cách chậm rãi bệnh hoạn thì từ những máy phóng thanh đang phát ra hết cỡ bài GOD BLESS AMERICA. Trong lúc đó, bọn tra tấn vừa cắt từng mảnh thịt của các nạn nhân, vừa lên giọng nhắc nhở: “HÃY NHỚ HUNGARY! HÃY NHỚ PRAGUE!” và sau lưng các nạn nhân, đứng chễm chệ các mục sư Tin Lành tay huơ huơ những cây thánh giá bằng bạc trước mặt những kẻ đang chết dần mòn đau đớn. Để được tra tấn, không một ai phải trả một cắc lệ phí nào, dù là người đen hay người trắng.
Dĩ nhiên là tôi cũng đang bị thất nghiệp và chỉ có vừa đủ tiền trả khoản thuê nhà của tháng này. Một sự kết thúc đang chờ đợi tôi cuối đường. Công việc phá bỏ toàn bộ Bệnh viện Đa Khoa của quận hạt Los Angles cũng đã hoàn tất. Vì thế, tôi chẳng còn một nơi nào để trú chân nữa. Tôi bị sụt mất 48 cân, vì đói. Nhưng, ít nhất, theo tôi nghĩ, nhờ vào sự hèn nhát, tất cả những gì tôi viết đều không có tí gì liên quan đến chính trị. Tôi sẽ được cho phép chết vì đói thay vì chết vì bị giết. Nhưng như George Wallace đã nói, đó là lỗi của tôi: tôi không có đủ khả năng chơi một ván cờ cho ra hồn. Chúa sẽ che chở cho những kẻ nào tự bảo vệ được chính mình. Ôi tất cả những thứ cứt đái rác rưởi ấy!
Vì thế, tôi thực sự cảm thấy hơi ngạc nhiên khi trước mặt tôi xuất hiện ba gã đàn ông. Họ chìa cho tôi xem huy hiệu của họ.
“Thế này nhé, anh bạn Ròm ạ, chúng tôi có vài câu hỏi cho anh đây.”
“Bắn đi (shoot: nói đi)”, tôi trả lời.
Một trong những thằng chó đẻ trước mặt tôi rút súng ra chĩa thẳng vào tôi, đồng thời mở khóa an toàn.
“KHOAN ĐÃ, ÔNG BẠN! ĐÓ CHỈ LÀ MỘT CÁCH NÓI THÔI ÔNG BẠN ƠI!”
“Ồ, vậy à?” anh ta bèn cất cây súng đi.
“Anh là Charles Bukowski?” gã to bự hỏi tôi.
“Phải,”
“Trước đây anh có làm cho thằng chó đẻ Bryan?”
“Đúng,”
“Bọn tôi đã xem qua những thứ anh viết. Phần lớn chỉ là mấy chuyện sex vớ va vớ vẩn. Nhưng tôi lại khoái nghen. Nhất là cái truyện mà anh đút thằng nhỏ của anh vào lỗ hậu môn của thằng bạn anh vì lúc đó anh xỉn nên tưởng mình đang ở trên giường với bạn gái của mình. Cái vụ đó có thực sự xảy ra hay không?”
“Có thực đấy.”
“Bọn tôi xem lại tất cả 192 bài anh đã viết trong 192 tuần và trong đó chỉ có một bài về CHÍNH TRỊ…”
“Cái bài về Ưu và Nhược điểm của cách mạng. Phải, tôi nhớ ra rồi.”
“Nhưng bọn tôi đọc mà chẳng hiểu gì cả. Bài đó mang ý nghĩa gì vậy?”
“Nó có nghĩa rằng trừ khi tâm hồn anh trong sáng, bàn tay anh không nhơ bẩn; nếu không thế thì cách mạng cỡ nào cũng vô ích mà thôi – nó chỉ có nghĩa là thay thế một loại Nô Lệ Kinh Tế này bằng một loại Nô Lệ Kinh Tế khác. Nó có nghĩa rằng, nếu anh định giết một ai đó thì trước đó anh phải chắc chắn rằng mình đã có một người nào đó, một cái gì đó tốt gấp 5 lần người anh định giết để thay thế cho anh ta.”
Cả ba người đều ngồi xuống, lấy sổ ra ghi ghi chép chép.
“Hitler vẫn còn sống và hiện ở Argentina phải không?”
“Ờ há,” gã bự con trả lời. “Tháng tới ông ta sẽ đi nghỉ mát ở Vegas. Ổng luôn miệng hỏi xin mấy cái tấm bưu thiếp có in hình các cô gái trong ban nhạc hoài. Anh biết không, con c. của lão già người Đức ấy sẽ là bộ phận cuối cùng từ giã cõi đời này.”
“Thiệt sao?”
“Thiệt dzậy mà.”
Cả bọn đều bỏ bút xuống ngước lên nhìn tôi. Họ không nói một lời trong 5 phút. Có lẽ đó cũng là một phần trong nghề nghiệp họ đã được huấn luyện để thực hành như vậy. Sau rốt, gã bự con hỏi tôi.
“Ông Bukowski?”
“Anh hỏi gì?”
“Ông có cho phép con gái của ông kết hôn với một thằng mọi đen không?”
“Có chứ!”
“Hả?”
Cả bọn ba người đều hơi chồm về đằng trước.
“À,” tôi nói thêm, “ý tôi là tất cả tùy vào nó thôi. Vả lại, con nhỏ mới có 4 tuổi. Tôi không nghĩ ở tuổi này nó muốn kết hôn với đứa nào đâu.”
Cả bọn lại nhìn tôi một lúc lâu.
“Ông có thích lũ Hippies không?” (Hippie đã bị tuyệt chủng từ lâu rồi.)
“Nói thiệt là không thích. Nhưng họ cũng chẳng bao giờ xúc phạm hay quấy rầy gì đến tôi cả. Mấy anh còn định hỏi gì nữa?”
“Ông có ủng hộ chiến tranh ở Việt Nam không?”
“Đời tôi chưa bao giờ ủng hộ bất cứ một cuộc chiến tranh nào. Thậm chí tôi còn không ủng hộ cuộc chiến tranh chống Hitler nữa mà.”
“Hết sẩy, ông bạn!” gã có vóc người tầm thước nói, rồi đút súng vào bao lại.
Một lần nữa, cả bọn cứ ngồi đó, nhìn tôi mà không ai nói lời nào.
“À, tôi e rằng chúng tôi phải đem ông về sở, ông Bukowski này,” Gã bự con nói.
“Được thôi, ít nhất thì ở trong tù tôi cũng có cái gì đó để ăn.”
Cả bọn đều cười khi nghe tôi nói ra điều đó.
“Không có đâu, hệ thống nhà tù mới chỉ có giam giữ, chứ không cho ăn. Tiết kiệm được mớ tiền không nhỏ cho nhà nước.”
“Chúa phù hộ cho nhà nước,” tôi nói, “Và nhân thể thế nào mà ổng không ban phước lành cho tờ Saturday Evening Post luôn cho tiện.”
“Không đâu,” gã bự con nói. “Tờ báo này đã bị đốt rụi rồi.”
“Sao thế?” tôi hỏi.
“Quá thiên tả,” gã mập trả lời.
“Ôi trời ơi,” tôi nói, “Hãy ra khỏi nơi đây và kết thúc công việc này cho rồi.”
“Trước khi đưa anh xuống đó và tẩn anh một trận ra trò,” g mập nói, “Tôi muốn cho anh thưởng thức một chút đau khổ về tinh thần nhé.”
“Bắn!”, tôi nói. “À không, ý tôi là anh cứ nói cho tôi nghe đi.”
Họ đeo vòng cho tôi. Rồi dắt tôi ra cửa. Gã có thân hình tầm thước đánh rắm. Một dấu hiệu của hạnh phúc đấy.
“Bởi vì anh hiện không còn thuộc về nhân quần hỗn loạn quay cuồng ngoài kia nữa nên tôi không còn chút gì cản trở để nói cho anh biết điều này.”
Gã nhìn vào đồng hồ trên cổ tay gã. “Chúng tôi phải rất cẩn thận không để cho những tin tức bí mật lọt ra ngoài, nhưng tôi vẫn có thể nói cho anh biết chuyện này. Một thằng cặn bã như anh xứng đáng được hưởng mọi sự bất hạnh.”
“Được rồi. Giờ nói đi.”
Chúng tôi tiến ra cửa. Gã mập nhìn đồng hồ lần nữa.
“Đúng 2 giờ 16 phút nữa, Phó Tổng thống Le May sẽ nhấn nút thả bom nguyên tử xuống miền Bắc Việt Nam, Trung Cộng, Nga Xô và một số mục tiêu tuyển chọn khác. Anh nghĩ sao về tin này?”
“Tôi nghĩ đó là một sai lầm về mặt chiến thuật,” Tôi trả lời.
Gã mập với tay mở cánh cửa. Cánh cửa bung ra, bỗng nhiên xuất hiện những mảnh giấy màu đỏ, xám, xanh, tím dàn rộng khắp nơi. Một tia chớp bùng lên. Có cả những đóa hoa loa kèn. Rồi thì nào là muỗng uống trà, những con chó chỉ có nửa thân hình, vớ chân phụ nữ, âm hộ rách bung, sách lịch sử, thảm lót chân, dây nịt bụng, những con rùa, tách trà, mứt cam và những con nhện đang bay bay trên không. Tôi nhìn chung quanh mình. Gã mập đã biến đâu mất, cả gã người tầm thước cũng biến ở lỗ hoảnh nào rồi. Cái gã nho nhỏ cũng đã thành gió bay đi luôn rồi. Trên cổ tay tôi, cái vòng đeo tay (còng số 8) đã bị gãy vụn. Còn tôi thì đang đứng trong một cái bồn tắm. Nhìn xuống, tôi thấy mình chỉ còn lại một hòn bi và một mảnh của thằng nhỏ, rồi lại còn những con mắt bò lổn nhổn trên mặt đất như những con kiến. Những con mắt đủ màu: xanh, nâu, xanh da trời, vàng, cả màu mắt hồng của người bị bệnh bạch tạng. Mẹ kiếp! Tôi bước ra khỏi bồn tắm. Tìm thấy một nửa cái ghế. Ngồi xuống. Tôi ngắm nguyên cánh tay trái của mình đang từ từ quắn teo lại như mảnh giấy bóng đang bị đốt cháy.
Làm cách nào để giữ chúng lại ở nông trại? Mọi thứ biến tiêu hết rồi: Picasso, Shakespeare, Plato, Dante, Rodin, Mozart… Jackie Gleason. Cả những đứa con gái yêu kiều. Ngay cả những con heo cũng ăn bất kỳ loại rau nào, một cách hết sức ngoan đạo. Ngay cả bọn cớm cũng mặc những chiếc quần đen bó sát lấy người. Ngay cả những anh cớm mà tôi còn có chút cảm thông dường như cũng bị mắc kẹt trong sự đê tiện của họ. Cuộc đời đẹp biết bao, tuy có ớn thiệt nhưng vẫn đẹp. Vẫn có một vài đấng anh hùng giữ được cho đời tiếp tục trôi về phía trước. Có lẽ đó là những vị anh hùng được lựa chọn vì lầm lẫn, nhưng mặc cái con mẹ nó chứ! Các cuộc thăm dò cử tri lại sai bét bè be nữa rồi – cái thứ cứt thối của lão già Harry Truman rơi rớt lại – Wallace đã đắc cử, ngồi trốn ở mãi trên một đỉnh núi. Nhổ phẹt ra đi những chiếc răng thô bỉ xấu xí đầy ắp thù hận – 2 tiếng 16 phút quá trễ
Hiroshima đã được đặt tên lại là AMERICA.
***
Tôi đang ngồi trong quán rượu có tên King’s Crow thì gã ngồi bên cạnh hỏi, “tối nay anh có chỗ nào ngủ chưa?”
Và tôi trả lời ngay, “Mẹ bà nó, chưa! Mà tui cũng chẳng có chỗ nào gọi là nhà nữa.”
“Đừng lo, đi với tui. Tên tui là Teddy Ralstead.”
Thế là tôi đi với anh ta. Đêm đầu tiên tôi ngồi một mình ở phòng trước trong lúc Teddy và vợ vật lộn trên nền nhà. Cái áo ngủ của nàng cứ bị kéo lên lòi cả mông. Mỗi lần vậy, nàng ta lại nhìn tôi cười rồi lấy tay kéo áo xuống che. Họ cứ vật nhau trong lúc tôi ngồi uống bia.
Vợ của Teddy tên là Helen. Anh chàng Teddy này đi vắng nhiều hơn ở nhà. Còn Helen thì làm như tôi quen biết nàng từ bao giờ rồi chứ không chỉ mới gặp đêm nay.
“Anh chả bao giờ thử bằm tôi, sao vậy Bukowski?”
“Teddy là bạn của tui mà, Helen.”
“Nói như cứt! Thì đây chẳng phải là bạn của anh sao?” Nàng vừa nói vừa kéo váy lên cao. Helen không mặc quần lót.
“Teddy đi đâu rồi?” tôi hỏi.
“Đừng lo về Teddy. Ảnh muốn anh “thoải mái” với em mà.”
“Sao cô biết?”
“Ảnh nói với em.”
Chúng tôi dắt nhau vào phòng ngủ. Trong phòng, Teddy đang ngồi trên ghế, hút thuốc lá. Helen đưa tay cởi bỏ chiếc đầm ngủ rồi leo lên giường.
“Tới đi,” Teddy bảo tôi, “tự nhiên đi mà!”
“Nhưng mà này Teddy, cổ là vợ của anh mà!”
“Thì đúng rồi, vợ tui!”
“Ý tui là, Teddy nè…”
“Tui đưa anh 10 đô la để anh làm chuyện đó hén,” Anh ta nói tiếp, “mình thỏa thuận vậy nhé, Bukowski?”
“Mười đô la?”
“Đúng vậy!”
Tôi cởi bỏ quần áo, leo lên giường.
“Ngâm cho bả lâu lâu một chút,” Teddy nói. “Đừng có chưa lên ngựa đã ói nghe bồ.”
“Tui sẽ ráng. Nhưng bả làm tui lên cơn sốt rồi nè!”
“Hãy cứ nghĩ anh đang ngồi trên một đống cứt ngựa cho đỡ sốt!” Teddy bảo.
“Phải, tui là đống cứt ngựa nè,” vợ của Teddy nói thêm.
“Đống cứt cao chừng nào?” tôi hỏi.
“Cao lắm. Rộng nữa. Phủ đầy ruồi,” Teddy mô tả.
“Hàng ngàn con ruồi,” Hellen nói, “tụi nó đang ăn cứt.”
“Ruồi ở đây thì lạ lùng quá,” tôi bảo.
“Cái đít của ông trông tức cười quá,” Teddy bảo tôi.
“Thì cái đít của ông cũng tức cười đâu kém gì của tui,” tôi đáp.
“Còn đít của em thì sao?” Helen hỏi.
“Thôi nghe,” tôi nói, “Tui không muốn nghĩ đến cái đít của em đâu. Nghĩ đến là ra lẹ lắm đó.”
“Thử hát Quốc Ca đi,” Helen bảo tôi.
“Ôi, em có thấy không? Bên cạnh những ngôi sao sáng ấy? Ôi –“
“Sao ngắc ngứ dzậy?”
“Tui không nhớ lời.”
“Dzậy cứ hát đại đi cũng được mà,”Helen khuyến khích tôi.
“Tui tới nghe,” tôi bảo nàng.
“Hả?” Nàng hỏi.
“Tui nói, “Tui tới đó”
“Ôi, chu mẹc ơi!” Helen kêu lên.
Chúng tôi víu nhau, hôn nhau, rên rỉ. Tôi leo xuống. Tôi kéo tấm ga giường lau chùi. Teddy đưa cho tôi tờ giấy 10 đô la.
“Lần tới, phải ráng kéo dài hơn nữa. Nếu không, chỉ có 5 đô thôi đấy!”
“OK.” tôi nói
“À, Teddy ơi!”
“Cái gì dzậy, cưng?”
“Em yêu anh quá hà…”
Đêm thứ hai thì hơi khác một chút. Teddy và vợ vật lộn trên sàn nhà. Rồi Teddy bỏ đi đâu mất. Lúc ấy, tôi ngồi uống bia và xem TV. Helen với tay tắt TV rồi đứng trước mặt tôi.
“Hey – Helen, chương trình TV đang hay mà. Sao tắt đi dzậy?”
“Anh không có nhiều chất đàn ông trong người lắm, đúng không?”
“Ý em là sao?”
“Anh có khoái cái món gà chiên tối nay mình ăn không?”
“Ngon hết biết mà.”
“Anh có khoái đùi em, lườn em, ngực em không?”
“Khoái đã tỉ luôn.”
“Anh có thích màu tóc của em? Anh có thích dáng đi của em? Anh có thích chiếc áo đầm em đang mặc không?”
“Dĩ nhiên rồi.”
“Vậy là anh không có nhiều chất đàn ông trong người lắm, đúng không?”
“Anh không hiểu ý em, Helen.”
“Hãy đánh đập em đi!”
“Đánh đập em? Sao lại đánh em?”
“Anh vẫn không chịu hiểu sao? Đánh em! Lấy dây lưng ra quất! Lấy tay anh mà đấm! Hãy làm cho em khóc! Hãy làm cho em kêu thét lên chín tầng trời!”
“Helen…”
“Hãy hiếp em! Hãy làm cho em đau đớn!”
“Nghe đây, bà Ralstead ơi…”
“Ôi Thiên địa quỷ thần ơi, ra tay nhanh lên anh!”
Tôi cởi dây nịt lưng của mình ra và quất mạnh vào đùi trong của cô ta.
“Mạnh lên nữa, đồ dỏm…”
“Thưa bà Ralstaed…”
“Hãy là một con thú hung dữ vô cùng tận đi anh…”
Tôi quất mạnh vào mông đít cô ta bằng cái khóa của sợi dây lưng. Cô ả hét lên hoang dại.
“Nữa! Nữa!”
Tôi liên tiếp quất sợi dây lưng lên người cô ả. Từ trên ngực xuống tới dưới chân. Rồi tôi tát mạnh vào mặt, khiến cô ả ngã nhào xuống, rồi lại nắm tóc kéo ả lên.
“Xé váy, xé nát cái váy của em ra!” nàng hét lên. “Xé nó ra thành từng mảnh đi nào.”
“Nhưng thưa bà Ralstaed, tôi khoái cái áo đầm của bà lắm!”
“Ôi trời ơi, thằng điên này – xé nát nó đi!”
Tôi nắm cái áo, xé toạc từ trên xuống. Tôi cứ thế tiếp tục xé cho đến khi không còn mảnh nào trên người Helen.
“Bây giờ thì làm gì nữa đây?”
“Đánh em! Hiếp em!”
Tôi đánh đập cô ả không thương tiếc, rồi kéo lê cô ta vào phòng ngủ. Teddy đã ngồi sẵn từ bao giờ, miệng phì phà thuốc lá. Còn Helen thì thổn thức, khóc rấm rứt.
“Đẹp tuyệt!” Teddy nói. “Đẹp tuyệt!”
“Đồ thú hoang!” Helen nhìn tôi gào lên.
“Nhào dzô!” Teddy bảo tôi. “Nhảy lên làm luôn đi!”
Tôi nhảy lên người vợ của Teddy và đút của tôi vào.
“Kéo càng lâu càng tốt,” Teddy bảo.
“Nhưng cô ta làm tui chịu không nổi!” tôi la lên.
“Hãy cứ nghĩ là ông đang ăn cứt đi!” Teddy bảo.
“Ăn cứt?”
“Phải, ăn cứt!” Helen tiếp lời. “Với những con ruồi còn đang bu như đậu.”
“Ruồi sẽ bay đi nếu tui cho cứt vào mồm,” tôi nói.
“Những con ruồi này thì khác. Anh sẽ nuốt chúng cùng với cứt!”
“OK,”
“Không có được leo xuống liền nghe!” Teddy nói.
“Này hỡi thằng nhỏ kia,” tôi nói, “đến đây mà thổi tù và, bò thì ở trên cánh đồng, cừu trốn trong kho bắp…”
“Ông chưa có học thuộc lòng bài Quốc Ca à?” Teddy hỏi tôi.
“Chưa”
“Ông không phải là một người Mỹ gương mẫu, phải không Bukowski?”
“Tui cho là không.”
“Tui chưa bao giờ bỏ lỡ lá phiếu của mình.” Teddy bảo. “Mình đang sống trong một đất nước vĩ đại mà.”
“Thằng nhỏ Jack Horner,” tôi nói, “Ngồi trong một góc, ăn bánh nhân bí đỏ…”
“và kìa một con nhện nhỏ, bò đến ngồi bên cạnh nó…” Helen tiếp lời
“Khoan khoan nào,” Teddy nói, “Câu chuyện là như dzậy hay sao?”
“Tui hổng biết,” tôi nói. “Mary có một con cừu nhỏ, lông của nó trắng như tuyết, và mọi nơi nào Mary đi qua – Hầy, tui tới nghe!”
“Hả? -” Helen hỏi.
“Tui tới rồi nè!”
“Ôi, chu mẹc ơi!” Cô ả cũng kêu lên.
Chúng tôi lại cào cấu nhau, níu kéo nhau, hôn nhau và rên rỉ. Tôi leo xuống khỏi người Helen. Kéo ga giường lau chùi. Teddy đưa cho tôi một tờ 10 đô.
“Lần tới,” anh ta bảo tôi, “ráng giữ lâu hơn nữa. Nếu không thì chỉ có 1 đô thôi đó.”
“OK Teddy” Tôi trả lời.
“Ôi, anh Teddy ơi!” vẫn còn nằm trên giường, Helen kêu lên.
“Gì dzậy, cưng?”
“Em yêu cả hai anh luôn đó…”
Đêm thứ ba, cả ba chúng tôi ngồi xem TV. Tôi đứng dậy, bước ra phía sau Helen. Tôi nắm lấy tóc của cô ả, kéo mạnh về đằng sau, khiến Helen ngã ra khỏi ghế. Tôi đè lên người cô ta, hôn lấy hôn để trên đùi cô. Bỗng nhiên, tôi nghe có tiếng bước chân của Teddy. Anh ta nắm lấy tôi, kéo tôi ra khỏi người vợ của anh ta.
“Sao vậy?” Tôi hỏi Teddy, “Hôm nay sao lạ vậy?”
“Câm mồm lại!” Anh ta quát tôi.
Rồi Teddy nắm tóc Helen, tát vào mặt cô ta khiến Helen ngã sấp xuống đất.
“Con đĩ !” Teddy hét lên. “Mày là con đĩ thối tha bẩn thỉu! Con đĩ dơ dáy! Mày phản bội tao đi ngủ với thằng này! Chính mắt tao chứng kiến mà!”
Anh ta kéo Helen đứng dậy, xé áo cô ả, tát vào mặt cô ta tới tấp. Sau đó, anh ta cởi dây lưng quần của mình quất túi bụi vào người Helen không một chút nương tay.
“Con đĩ chó phản bội kia! Con đĩ chó thối tha! Mày đã làm sỉ nhục giới đàn bà”. Anh ta ngưng một lát, rồi nhìn thẳng vào tôi. “Còn ông nữa, thằng chết bầm, liệu hồn mà ra khỏi nơi đây ngay cho kịp!”
“Nhưng, này Teddy…”
“Tôi cảnh cáo ông rồi đó nghe Bukowski!”
Anh ta kéo Helen đứng lên rồi bế cô ta vào phòng ngủ. Tôi lấy áo khoác của mình và cũng bỏ đi. Tôi nhắm hướng quán rượu King’s Crown bước tới, kiếm một chỗ ngồi và gọi một chai bia. Teddy như thế đó. Tôi không bao giờ hiểu nổi một thứ bạn bè kỳ quặc như Teddy.
***
Chú thích của người dịch:
Khác hẳn với những “chi tiết chính trị” mà Charles Bukowski nói đến trong đoạn này, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 1968 đã kết thúc với chiến thắng của liên danh Cộng Hòa R. Nixon và S. Agnew với 301 phiếu cử tri đoàn. Liên danh Dân Chủ H. Humphrey và E. Muskie về nhì với 191 phiếu cử tri đoàn. Liên danh Độc Lập (American Independent Party) G. Wallace và C. LeMay được 46 phiếu cử tri đoàn. Lý do nào khiến Bukowski đã cho Wallace và LeMay đắc cử trong truyện của mình cùng những chi tiết hầu như không có thật (hư cấu) và với mục đích gì thì chúng tôi (tuy có cố tìm tòi) nhưng chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng. Rất có thể là do thời gian này nước Mỹ bị ám ảnh bởi cuộc chiến tranh Việt Nam và những bất ổn về chủng tộc trong nước nên Bukowski đã dùng thủ pháp phóng đại cộng với máu hài hước đen sẵn có để phê phán các vấn đề chính trị, xã hội nói trên chăng? Xin để dành công việc này cho các nhà nghiên cứu văn học về các tác phẩm của Charles Bukowski. (T.Vấn)
* PHỤ ĐỀ do người dịch đặt để tiện theo dõi.
** Nguyên tác: THE WAY THE DEAD LOVE, trích trong tập truyện ngắn THE BELL TOLLS FOR NO ONE của Charles Bukowski do nhà xuất bản City Lights Books ấn hành (2015) và một truyện khác có cùng tên (THE WAY THE DEAD LOVE) trong tập SOUTH OF NO NORTH do nhà xuất bản Harper Collins ebooks ấn hành (1973). Chúng tôi đã tổng hợp hai truyện ngắn nói trên thành CÕI NHÂN SINH và lược bỏ đi các tiểu truyện trùng.