Chiếc bình gốm chợ Lạc

Truyện Lý Thanh

Chợ họp từ lúc tờ mờ sáng, khi những đàn dê, cừu và ngựa được đưa đến con phố bên mé lối vào từ cổng thành phía Tây. Ngựa chỉ kéo xe, còn dê và cừu thì bị đem vào để bọn đồ tể chọn mua. Sau là các hàng gà vịt, ngan ngỗng ồn ào, rồi hàng rau quả, các món thực phẩm cứ tuần tự theo nhau mở.

Thầy Quang chỉ ra chợ khi bọn bán táo nướng đã rao hàng. Chúng thường bắt đầu ở một phố gần chùa Bạch Mã rồi đi đến cổng chợ, nơi có dãy hàng cháo, bánh bao nóng và quán trà. Tùy túi tiền mà đám cửu vạn, phu phen sẽ ăn món gì nhưng nghèo nhất thì cắn một miếng táo đỏ tẩm đường nóng dòn cũng là sự tự thưởng cho mình một niềm vui đáng sống. Thầy Quang thì không cần điều đó nên chỉ ra chợ mua gói trà, bó hoa về đặt lên ban thờ.

Hôm nay thầy ra chợ còn để tìm một cái đế sứ. Chả là tuần trước, thầy được tặng một chiếc bình gốm, và không hiểu vì sao, thầy nghĩ chỉ một mình chiếc bình có vân xanh để trên kệ sẽ có gì đó thiêu thiếu. Nếu tìm được cho nó một cái đế cùng màu sẽ đầy đủ hơn.

Khu bán đồ sành sứ nằm khá xa cổng. Thầy Quang nhẹ bước đi qua những đám người ồn ào trong nắng sớm để cuối cùng cũng lạc vào giữa dãy bình cao sát đầu người. Sau đấy là cơ man tượng Phật, tượng nghê, lân, ngựa, lạc đà bằng đất nung, bằng sứ to và cứng, rồi mới đến quầy hàng của những phẩm vật qua tôi luyện của thần lửa để nên thành nghệ thuật, nhỏ, và tròn trịa, vuông và vững vàng, tất cả ánh lên màu của men rạng ngời như các loại ngọc xanh, trắng, đỏ, hồng, tía. Không ít bình gốm còn có viền và miệng bằng men vàng như kim ngân thứ thiệt.

Từ xa, ông lão trông quầy hàng gập người chào. Thầy Quang nhẹ chân tới lắc tay. Thầy thực sự không muốn ai nhận ra mình. Từ ngày về đây ở ẩn, viết sách, thầy chỉ xưng là Thúc Thủy tiên sinh, và ngoài bọn quan trong thành có nhiệm vụ trông coi và giám sát thầy, dân thường không ai ngờ người đàn ông ngoại ngũ tuần từng giữ quyền Ngự sử Trung Thừa tướng. Riêng lão bán hàng gốm sứ chắc đã về kinh đô đưa hàng nhiều lần và qua lại các nhà quyền quý nên biết về thầy mà không bao giờ dám nói ra. Lần này, lão lắng nghe và chọn cho thầy Quang một cái đế bằng gốm có hình hoa men rạn. Lúc thầy ra về, để ý thấy ít người xung quanh, lão quỳ hẳn xuống bái thầy theo cách đối xử với các bậc đại quan.

***

Người tặng thầy Quang chiếc bình gốm là một bạn cũ, người bạn mà sau này câu chuyện liên quan được lưu truyền, vào cả sách dạy trẻ ở những xứ sở xa xôi.

Tĩnh và Quang cùng học một trường ở Sơn Tây, và quý nhau vì tính cách hoàn toàn trái ngược. Quang ham sách vở, chữ nghĩa và nổi tiếng học giỏi từ bé, còn Tĩnh thích chạy nhảy, leo trèo, bắn cung, đá cầu. Trong một lần sang nhà Quang chơi Tĩnh đã trèo lên cây sát tường để hái quả. Tung trái xuống cho bạn, Tĩnh còn làm bộ và đi trên tường nhún nhảy. Rồi ụp một cái, cậu ta ngã lộn cổ vào bình nước mưa cao quá đầu người lớn để ở góc tường. Tĩnh la hét bên trong và cố ngoi lên bám lấy miệng mình nhưng không với tới. Hai gia nhân chạy tới tìm cách trèo lên nhưng không được vì chiếc bình phủ rêu bên ngoài quá trơn. Mọi người đang hoảng loạn chạy đi tìm que tìm sào để kéo Tĩnh ra thì Quang đã ôm một cục đá nhọn và to từ gốc cây lao vào chiếc bình. Hòn đá đập mạnh vào bình một lần chỉ làm nứt một chỗ nhỏ, và cậu lại lùi ra rồi ôm đá lao vào lần nữa. Chiếc bình vỡ một miếng thật to, nước phun ra, và chỉ loáng sau, những người lớn kéo nó đổ xuống để Tĩnh lăn từ bên trong ra, thoát chết.

Câu chuyện Cậu bé đập bình cứu bạn lan truyền khắp nơi, nhưng Quang chỉ gặp lại Tĩnh mới tuần trước, sau hàng chục năm.

Quang thi đỗ năm mười chín tuổi và thăng tiến trong triều. Tĩnh đi lính, ra miền viễn biên nhiều năm, rồi tầm sư học đạo, khoác áo cà sa để có một ngày đến chùa Ngựa Trắng thăm một sư môn và gặp lại Quang ở thành Lạc.

Câu chuyện giữa thầy Quang và Hòa thượng Thích Hải Tĩnh đề cập đến rất nhiều điều, nhưng những ý chính và có ích cho một bên thứ ba nào đó có thể lược lại ra đây như sau:

Vua làm được gì và cần phải làm gì?

Thầy Quang nói:

“Tôi đã xem bao đời vua, thì thấy luật của Trời và của Người rằng không phải là vua là làm được tất cả. Ngôi báu dễ cho người ta làm vô vàn điều xấu mà khó làm cho được bao nhiêu điều tốt. Vì thế, điều tối thiểu và cũng là nhất thiết vua phải làm là sửa chính mình, giữ đức, giữ ngôi nối Trời và Đất, Xưa và Nay, làm gương cho Thiên Hạ. Rường mối Thiên Hạ có yên, triều chính có chỗ tự soi xét, ngước lên bệ rồng như nhìn vào tâm mình sáng chói, thì bao tệ nạn nế̃u không mất cũng giảm đi, quan bớt gian tham, dân được yên”.

Sư Tĩnh gật đầu nhưng nói thêm:

“Tôi đã đi sang Tây Vực, xuống vùng Đông Nam, ra cả biển khơi đến những xứ vua thời đạo khác Trung Nguyên, thấy làm vua thật khó. Vua phải làm điều có đức, giữ ngôi như thể đấng Chí Tôn. Nhưng trong đạo thì Phật đã nhập cõi Niết Bàn, chúng sinh, kể cả các đấng lá ngọc cành vàng, không ai chỉ trong một kiếp có thể vươn tới đức hạnh tuyệt đối. Nếu vua không ngừng sửa mình vì quyền lực, như tiên sinh nói cũng chỉ để vì Thiên Hạ, nhưng đến lúc vương quyền không còn giúp được chúng sinh, xã hội loạn lạc, tham quan ô lại đầy triều, thì chỉ giữ đức không thôi tôi e không đủ, và giữ lâu hơn có phải là tham quyền cố vị?”.

Thầy Quang đáp:

“Trong Thông Chí, tôi có nhắc lại truyện Ngụy Vũ Hầu. Khi mới lên ngôi, ngồi trên thuyền cùng quần thần đi chơi dòng Tây Hà, thấy cảnh vật tươi đẹp quá đã thốt lên: Thiên hạ của ta!thì Ngô Khởi đáp: Nếu bệ hạ không giữ được đức thì tất cả những người trên thuyền này cũng sẽ là địch hết, nói chi Thiên hạ”.

“Thông Chí nhiều chương, nhiều liệt truyện, nhiều phổ lục, kể từ đời Chu, Tam Tần, qua Hán đến Đường, rút cuộc cũng chỉ để nói việc giữ đức sáng cho người cầm quyền. Đó là mệnh Trời trao, ai không giữ được thì ngôi báu sụp đổ, điều đó tôi đã dứt khoát ghi lại”.

Nhà sư im lặng nhìn ra ngoài sân. Đạo làm vua hay đạo làm giặc sao mà gần nhau. Nhưng nơi cửa Phật người ta đã coi cả hai thứ đó là vô nghĩa. Đạo làm người cũng chẳng là gì với vũ trụ bao la, với quả kiếp nhân duyên trùng trùng muôn lớp. Đi nhiều, nghe nhiều, nhà sư thấy cuộc đời, kể cả nghiệp của quốc vương, vẫn nằm trong vấn nạn “vô thường” đối chọi với “tầm thường”:

“Tôi hiểu tiên sinh không ủng hộ việc thoán nghịch, muốn giữ lề lối cũ để yên dân. Nhưng tôi đã đi nhiều nơi, đều thấy vua ác thì mất nghiệp, vua yếu cũng mất nghiệp, đó là cái tàn bạo của chính trị trần thế, nơi các giá trị tuyệt đối không thể tồn tại.

Vị Nho sĩ giật mình. Câu chuyện đi quá sang một chiều nghiêng nguy hiểm. Ông vội nói:

“Hòa thượng hiểu sai ý tôi. Tôi biết chính trị là tàn ác nên đề cao đức để kiềm chế nó. Trái với những gì đang diễn ra với Tân Pháp của tể tướng, người muốn dùng chính trị để xoay chuyển kinh tế, triều đình can thiệp vào đủ chuyện, từ mua lúa lúc còn xanh để đầu tư, từ đổi cách học cho trẻ ở trường làng, đến chuyện lập ra thị dịch thay mặt vua mua lương thảo, mua cả chổi cùn rế rách. Đã hai lần Tân Pháp được áp dụng, chỉ có bọn thương gia vùng duyên hải được lợi, còn nông dân khắp chốn nổi lên làm loạn, mà ông ấy vẫn khăng khăng là dân giàu nước mạnh.

Nhà sư nâng cốc trà không nói gì, khiến thầy Quang lấy làm lạ. Ông chợt hiểu:

“Hòa thượng đừng nghĩ tôi có điều gì không ưa ở nơi quan tể tướng. Tuy tôi đã từ quan, ông ấy vẫn thường viết thư hỏi thăm, và chúng tôi trao đổi đều về rất nhiều điều đang diễn ra. Tôi hiển nhiên không đồng ý với Tân Pháp nhưng đó là tư tưởng khác nhau, chứ về con người, Vương Tể tướng xưa nay vẫn được tôi nể trọng. Ông ấy sống thanh liêm, vì công việc, chỉ có điều nhận định sai về triều chính và xã hội mà thôi.

Nói rồ̀i thầy Quang lấy từ hộc tủ ra một hộp chạm khắc, chỉ vào nó và khoe với Sư Tĩnh:

“Đây là thư Vương Tể tướng gửi cho tôi. Lá mới nhất hỏi ý kiến về chuyện giặc Lý đánh vào Khâm Châu.

Ông cũng hỏi luôn nhà sư:

“Nhân đây, được biết Sư từng đi cả về phía Nam, xin được hỏi vì sao đã có giáo hóa của Thiên Tử ba bốn đời nay mà bọn chúng lại đem quân xâm phạm sơn hà của ta?”.

Sư Tĩnh cười:

“Tôi xin kể cho tiên sinh một chuyện. Bên Tây Vực, hồi Phật Thích Ca mới nhập thế, các vị vương tử đi theo ngài đã mở ra một thời đại mà đạo trở thành quốc giáo. Nhưng có đạo, các Phật Vương vẫn gây chiến giành đất, tranh công chúa. Phật, Pháp là lý tưởng, Tăng là cỗ xe chở đi. Đại Thừa hay Tiểu Thừa đáng ra phải là cỗ xe trên tầng mây muôn màu muôn sắc, còn những cỗ xe nơi trần thế thì không thể tải được hết đạo, dù nỗ lực đến đâu. Đó cũng là hạn chế của đức giữa chốn nhân sinh.

Cũng như vậy, tôi đã qua Đại Việt, và từ nhà Ngô sang Đinh, Lê, nay đến Lý, họ đều theo giáo lý Trung Nguyên, nhưng không phải là hướng về Tràng An, Khai Phong, mà để lập ra một Trung Nguyên của họ. Phật đến xứ đó trước khi tới Tràng An, nên văn minh đã bén rễ, còn nay nhà Lý lập Quốc Tử giám để dạy các hoàng tử, và mở khoa thi chọn ban văn làm quan, không khác gì Thiên triều ta, nhưng là để xây dựng vương triều của họ.

Họ xưng là Tiểu Trung Hoa và Lý giữ đức sáng của văn minh, nên đem quân sang xâm phạm, nói là tìm kẻ thoán nghịch mà quan quân nước ta không giúp nên đã trừng phạt.

Thầy Quang bực bội:

“Xin lỗi thầy. Chúng tàn sát hai vạn dân thành Ung Châu mà dám nhận là giữ đức. Đúng là bọn đạo tặc

Nhà sư im lặng giữ lễ một lúc rồi mới nói:

“Xin phép tiên sinh tôi chỉ truyền đạt lại những gì Lý tuyên truyền. Còn nay nước nhà lại động binh, và theo tôi biết thì Tể tướng cũng muốn chứng tỏ Tân Pháp có ích cả trong việc chinh phạt, tôi e rằng ta khó lường trước việc thành bại.

Rồi sư Tĩnh nói thêm:

“Tôi cũng nghe nay đạo chẳng của riêng ai. Sách Thánh Hiền đã giảng cho bốn phương, khai hóa Bắc Địch không thành, Đông Di thì quá xa, chốn Nam Việt từng nghìn năm nội thuộc, dùng chữ Thánh Hiền, so với Kim, Liêu, Nữ Chân, Khiết Đan, Thổ Phồn thì gần gũi với ta hơn cả. Nay họ đã có cả Phật và Thánh rồi, ai dám bảo họ không tự cho quyền diễn giải?”.

Thầy Quang trầm ngâm rồi đổi đề tài:

“Các xứ Hòa thượng đã qua, thì việc khuyến nông, trọng thương để làm giàu kho lẫm ra sao?.

“Tôi thấy thương nghiệp là trào lưu. Ở phía Nam, từ thời tối cổ các chúng dân đã đi thuyền theo gió mùa từ Tây sang Đông, cùng thương thuyền là tăng lữ người Khương, người Hồ đưa kinh sách của Phật sang phía Đông, qua Giao Châu lên Trung Nguyên, và mấy thế kỷ qua, đạo Mã (Mahomet) cũng theo con đường đó đi làm chiếm lĩnh các hải đảo. Đạo đó giống như Kinh giáo thời Đường đã đến nước ta, thờ Độc Thần, và không tôn sùng một thiên tử.

Nhưng ngày nay, hậu duệ của Kinh giáo là Thiên Chủ giáo thì phải hướng về La Mã, còn trong đạo Hồi không có ai là giáo chủ cả. Ông vua của một hòn đảo nhỏ vài vạn dân cũng xưng là sultan, cứ hướng về sa mạc nắng cháy nơi  Thánh tổ của họ đã sống và chết, cầu nguyện một ngày năm lần là đủ chính danh. Bởi vậy họ chinh chiến liên miên, mạnh ai nấy thắng, và nay toàn bộ Tây Vực đã về tay một triều đại từ xứ nằm xa hơn Khiết Đan kéo xuống làm chủ.

Thầy Quang than:

“Đạo của Thánh Hiền nhằm nêu đức sáng để giữ chính danh. Bọn thờ kim tiền, lấy buôn bán làm đạo đức tưởng đã tàn phá kỷ cương quá đủ, nay còn thêm những thứ đạo giáo kỳ quái, hung dữ vậy thì Thiên hạ sẽ về đâu?”.

Nhà sư gật gù chia sẻ:

“Hoàng đế xứ Thiên Trúc nay theo đạo Mã nhưng không bắt dân phải theo, chỉ diệt hết các vương quốc theo Phật, và biết ra nhiều cách chiêu hiền đãi sỹ, nhân tài khắp nơi kéo về, họ xây dựng lâu đài, thành quách vô cùng tráng lệ, quân đội hùng mạnh, và còn đi về phía Nam, ra các đảo ngoài khơi để chinh chiến.

“Xứ Phật nay không còn Phật?”, thầy Quang ngạc nhiên.

“Đúng thế, các vị bồ tát đã đi về phía Đông, sang Trung Nguyên, ra cả miền Đông Bắc băng tuyết, tới tận Bình An rồi từ đó tới Giang Đô. Ở phía Đông Nam thì các sư người Khương như tôi đã nói, đến Luy Lâu thuộc Giao Chỉ trước khi tới Quảng Châu, các xứ Lão Qua, đảo quốc Chà Và cũng đã thờ tượng Phật nhưng nay bị các vương tử theo đạo Mã đập phá.

“Sư có lo rằng cứ như thế, chinh chiến sẽ nổ ra giữa các đạo?”.

Sư Tĩnh lại nhìn ra ngoài trời. Ánh trời tỏa màu vàng nhạt xuống ngấn nước ở chiếc đỉnh giữa sân. Trên cây hoàng lan có tiếng chim kêu gọi mẹ. Lạc Dương có lẽ chưa bao giờ được thái bình như thế này.

“Tôi thấy nước ta có may mắn là giữ cả Tam Giáo đồng đường, tuy Hoàng đế theo đạo Thánh Hiền nhưng trong cung vẫn thờ Phật. Quan lại lúc rời chính trường thì tìm đến Lão Trang, và triết học là để vì nhân sinh nhưng cũng không thiếu phần hướng thượng, nên thật là mô hình tốt. Còn bên trời Tây, các vua đều phải thần phục một vị giáo hoàng của Thiên Chúa giáo, và đều đem quân tới nơi họ cho là vị Chúa Du Già ra đời, để đánh nhau với người Ả Rập, giành lại mộ Thánh.

Là người tu hành nhưng tôi cũng từng đi lính, nên biết niềm tin tôn giáo khi bị kích động thì có sức tàn phá không gì bằng. Giữa các quốc gia, nếu trái ngược nhau về tôn giáo chiến tranh sẽ rất tàn khốc, mang tính hủy diệt.

Võ đài tả – hữu chưa dừng ở đây

Một hơi thở có thoáng ghen tỵ chạy qua lồng ngực thầy Quang. Làm quan, làm tướng có uy danh nhưng không ai được tự do du ngoạn bốn phương trời. Cuộc hành hương của thầy là đi vào tàng thư, tìm cho ra nghĩa phải trái trong ví dụ cuộc đời, ý kiến của cổ nhân. Thông giám không là gì khác ngoài tấm gương để đời nay và đời sau soi vào. Thầy mơ màng với ý nghĩ lý giải cho thực trạng không được đi đâu của mình, rồi quay lại câu chuyện:

“Nhưng xin lỗi Hoà thượng, nếu cả hai nước cùng theo đạo Phật, liệu có tránh được can qua? Tây Hạ cùng theo đạo Mật Tông với Thổ Phồn và các bộ lạc Thát ở miền du mục nay đang quấy nhiễu bờ cõi nước nhà, mà các vua ta từ xưa đều kính trọng các lạt ma, cho họ vào Tràng An, Biện Kinh lập đền. Họ thờ Phật theo lối gì mà vẫn đánh ta?”.

“Tây Hạ không đánh ta để hong dương Phật giáo. Cuộc chiến của họ là để giành thảo nguyên, hoàn toàn vì lý do kinh tế. Tôi đi xuống phía Nam cũng thấy đã mấy năm qua, vùng biên giữa ta và Lý đã căng thẳng lâu nay. Một phần vì tộc Nùng, dù từ đời Nùng Tồn Phúc đã triều cống, mong được phong tước, nay muốn có tham vọng vươn ra biển, lập nước riêng nên ắt phải gây chiến với cả ta và Lý, một phần Tân Pháp cùng chính sách đồn điền cũng đưa nhiều Hán dân đến sát biên giới của Đại Việt, khiến họ phản ứng.

Thầy Quang dừng nói để suy ngẫm. Quả vậy, chính sách trợ cấp cho dân nghèo, đánh thuế vào kẻ có đất, có tiền, cho dân vay vốn làm ăn, vừa khuyến nông vừa khuyến thương của Vương Tể tướng đã phần nào phục hồi ngân sách triều đình.

Xin mở ngoặc rằng mãi sau này ở châu Âu mới có một người là John Maynard Keynes lập ra thuyết tương tự về vai trò của chính quyền chủ động can thiệp vào kinh tế để kích cầu và điều chỉnh thị trường. Những người chống lại ông ta, hệt như thầy Quang, nói nhà nước nên tránh xa kinh tế để làm vị phán quan công bằng. Với thầy Quang, chính trị là việc đề cao đạo đức.

Nhưng cách họ Vương can thiệp vào cả cơ chế gia đình, bắt các hộ dân lập thành cụm hỗ trợ nhau trong sản xuất, đồng thời giám sát lẫn nhau vì an ninh cho triều đình, đã gây ra phản ứng. Mặt khác, dân nghèo nhận tiền vay để trồng lúa rồi thất bát, mắc gạo của nhà nước chỉ còn cách nộp mình làm phu phen, thực tế là thành một thứ lao động công ích cho quan quân sử dụng.

Vương Tể tướng giao cho Đại tướng Địch Thanh đem họ xuống phía Nam sông Dương Tử, lập trại trồng lúa, đắp lũy để canh phòng biên giới. Trong một lá thư cho Vương Tể tướng, thầy Quang đã nhắc rằng Tân Pháp nếu có ích trong dân Trung Nguyên, chưa chắc đã áp dụng được cho các vùng viễn biên, và các thần dân vùng xa chỉ kính thờ Thần Tông Hoàng đế theo cách “kính nhi viễn chi”, còn một khi triều đình nhân danh cải cách để nhúng tay vào các cách sinh hoạt, làm ăn đã có ngàn đời của họ, vào các tập tục cổ xưa, đổi lại chức danh, chia lại ruộng đất thì phải có thời gian. Nếu làm vội ắt gây động loạn.

***

Trời đã về chiều, ánh sáng mùa thu trong vắt đổ xuống khuôn viên ngôi nhà. Thầy Quang mời sư Tĩnh ở lại dùng cơm. Nhà sư xin phép cáo từ để về chùa Bạch Mã kịp chuẩn bị cho buổi lễ lúc đầu giờ tối. Thầy Quang gọi phu nhân và cậu con trai duy nhất, bé Khang, ra chào từ biệt khách. Cả nhà tiễn khách ra tận cổng và nhà sư chắp tay vái chào họ rồi chống cây thiền trượng lùi đi.

Những ngày sau đó, thầy Quang lại vùi đầu vào soạn sách. Chiếc bình gốm được ông đem vào để trong thư phòng, ngay trên tủ sách và dưới một bức Thu Tiếu vẽ hoa cúc của bạn ông, Tô Đông Pha. Bộ Thông Chí mà Hoàng đế ban cho tên mới là Tư trị Thông giám cứ tiếp tục dày lên. Bắt đầu từ nửa sau của thời Đông Chu (cùng thời gian với triều La Mã ở châu Âu – 403 trước Công lịch), ông đã khảo cứu đến tận Thế kỷ 10, với hàng trăm niên biểu, chừng bốn vạn đầu sách để soạn ra tác phẩm kỳ vĩ chưa từng có về khoa học lịch sử Trung Hoa.

Nhưng càng gần đến nhà Tống, ông càng thấy một thế giới không còn chỉ lấy Trung Nguyên là tâm điểm mà đang vỡ ra, các trung tâm quyền lực khác vươn lên, những dòng hải lưu ý tưởng, công nghệ cũng dâng trào khắp bốn bể. Bộ sách vì thế là nỗ lực cuối cùng của ông để giúp vua gìn giữ trật tự Thiên Tử và tạo tính chính danh Thiên Mệnh, dù không tin vào một đấng thần linh có quyền phép.

Nhưng học thuật không thôi dường như chưa bao giờ đủ để cứu vãn cho chính trị. Trong lúc thầy Quang trao đổi thư từ với các đồng sự để viết thêm nhiều kinh nghiệm lịch sử về cách trị nước vào bộ Tư trị Thông giám, một loạt biến cố lớn xảy ra. Kẻ đối đầu về tư tưởng của ông, Tể tướng Vương An Thạch bị bãi chức và tống vào ngục. Sau Vương được tha nhưng vua Tống Thần Tông bãi chức ông, đày xuống phía Nam giữ một chức quan địa phương.

Từ nay, hoàng đế tự mình thúc đẩy Biến Pháp. Cuộc chiến với Lý (1075-77) đã nhanh chóng thất bại. Ngân khố của triều đình từng tăng gấp đôi nhờ cải cách của Vương, nay trống rỗng vì chiến phí. Con đường biển đi sang Chiêm Thành để vươn tới các xứ Tây Vực nay bị Lý kiểm soát. Các bộ lạc phía Tây tiếp tục quấy nhiễu biên giới và ở phía chân trời những đoàn quân du mục bắt đầu lớn mạnh với một công nghệ kỳ diệu: mũi tên bằng xương có sức xuyên phá hơn hẳn tên gỗ, lại nhẹ hơn mũi tên sắt nên bay xa hơn. Các đội tập kích của họ mới chỉ giành đồng cỏ, hồ nước, cừu ng̣ựa của nhau, nhưng thêm vài chục năm nữa, một cậu bé ra đời trong căn lều nhà Yesukei, dưới trời đầy sao trên thảo nguyên. Đó là năm 1162.

Từ vùng đất ấy, cỏ xanh, sắc như dao ngậm rễ dưới tuyết mùa đông để vùng lên vào xuân rồi ào ào thả phấn mùa hè theo gió đi chiếm bốn phương trời. Thành Cát Tư Hãn tung vó ngựa đưa các các bộ lạc Mông Cổ về một mối, xây dựng nền móng cho đế quốc Á-Âu lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Trung Hoa sẽ bị đè bẹp, bị đày đọa trong ba trăm năm.

Một ngày mùa đông tuyết rơi phủ trắng thành Lạc Dương, thầy Quang tóc cũng đã bạc như tuyết cặm cụi cho quân hầu đếm lại từng bộ từng tập của Tư trị Thông giám. Chiếu vua ban đã gọi ông đưa bộ sách vừa hoàn tất vào Thư viện Hoàng gia ở Biện Kinh. Cùng tác phẩm cuộc đời ông đặt trong hòm có kim ấn, được quân lính trang trọng đặt lên ba xe ngựa lớn và hai vạn đầu sách khảo cứu mượn từ kinh đô nay ông đem trả lại. Đoàn xe mười chiếc có lính thiết kỵ hộ tống chở sử gia vĩ đại nhất của một thời đại đi trong tuyết lạnh về chầu Thiên tử.

Trước lúc xe đi, Tư Mã Quang vén rèm nhìn lại căn nhà. Vợ con ông ở lại để Tư Mã Khang tiếp tục việc học. Ông có cảm giác mình chia tay nơi nay không bao giờ trở lại. Lòng bồi hồi là lạ và hình ảnh thư phòng ấm cúng qua 19 lần Xuân Hạ Thu Đông chứng kiến ông miệt mài viết sách bỗng dội về. Trên mái nhà, hai chú chim đứng rũ mình trong tuyết. Một con đột nhiên cất tiếng thánh thót rồi cả hai vụt bay đi.

Thay lời kết

Những gì chúng ta sau này đã biết chỉ có thể nói ngắn gọn rằng một năm trước lúc qua đời năm 1086, Tư Mã Quang được triệu vào triều trao quyền để chỉnh đốn lại các chính sách mà Tân Pháp của Vương An Thạch gây ra. Nhưng chưa đầy mười hai tháng, vị đại Nho đã tạ thế lúc vẫn đương chức. Ông chết một phần vì toàn bộ sức lực cuộc đời đã dồn cho bộ sách nghiên cứu lịch sử vĩ đại thuộc hàng nhất nhì của châu Á và loài người.

Vương An Thạch qua đời cùng năm với Tư Mã Quang nhưng cuộc đấu tranh tư tưởng của họ xoay quanh vai trò của Nhà nước với Đạo lý và với Kinh tế vẫn tiếp tục mà không tạo một giải pháp triệt để nào góp phần phục hồi nền chính trị. Vó ngựa Mông Cổ chưa đến thì Biện Kinh đã bị giặc Kim vây hãm (1126), dân trong thành chết đói nhiều. Sang 1127, năm Tĩnh Khang, Bắc Tống sụp đổ, hai vua bị bắt làm tù binh, hoàng hậu tự vẫn, nhiều công chúa, cung phi bị làm nhục.

Thành Lạc Dương cũng tan hoang vì giặc giã. Những mảnh gốm vỡ bị dẫm đạp là di sản còn lại của nghệ thuật Trung Hoa một thời rực sáng. Nhưng Tự trị Thông giámthì vẫn ở đó, trong tàng thư, trong lòng người. Bộ sách chính là tấm gương sáng như cuộc đời thầy Quang. Ông đặt vào đó toàn bộ trí tuệ phi thường, tình yêu học thuật sâu đậm, sự uyên bác hiếm có, tính cẩn thận đến tỉ mỉ, nỗi băn khoăn với cân nhắc từng chữ để công bằng người xưa, dù họ là vua quan hay đạo tặc.

Cuộc du hành về nhiều trăm năm về trước khiến có người chửi ông là cổ hủ, là bảo thủ, chỉ cắm đầu vào lễ nghĩa xưa cũ mà quên đi chuyện dân sinh. Nhưng ông chưa bao giờ làm gì vì mình, kể cả khi còn giữ quyền Thừa tướng.

Sư Tĩnh nói đúng. Ai cũng muốn sự tồn tại ngắn ngủi của mình có dấu ấn lớn nhất trong cuộc đời phù du. Gọi đó là lòng tham cũng được, lòng tham vì điều tốt đẹp.

Thầy Quang đã muốn làm gì đó để cho đời.

Kent 27/12/2017

Comments are closed.