Hồi ký của Nguyễn Minh Nhị
Hết ba cao điểm mà tình hình không sáng sủa lên chút nào, tỉnh chủ trương rút trở về núi Tô – Tức Dụp. Nhật ký tôi (còn giữ) ghi:
“Ngày 25.7.1968: Cuộc hành quân từ hôm 1/7/1968 đến nay vào miền Tây tỉnh Châu Đốc, địch chưa đạt được mục đích, nhưng làm ảnh hưởng nhiều đến sự di chuyển của chúng tôi. Quân đội bạn làm khó không ít. Hàng chục con người nằm không ăn… mình rất sốt ruột…”.
Những ngày dồn lại trên đất bạn, chúng tôi phải đối phó với quân đội K xua đuổi khá vất vả. Đoàn văn công kẹt ở giồng Tà Muôn, anh Mười Trị bị bọn lính K đánh đập, các em văn công trốn chui trong các lùm, chịu trận. Đại bộ phận kẹt ở B2 vẫn không sướng gì hơn. Hình như họ (K) có chủ trương xua đuổi dọc tuyến biên giới, phối hợp giữa Mỹ – Sài Gòn và Khăn Trắng ở miền Nam càn quét các xã chung quanh núi Cô Tô, có nhiều đợt B-52 và các loại máy bay ném bom khác yểm trợ, các cụm pháo quanh Bảy Núi châu vào, bộ binh, xe thiết giáp lội nước càn đi quét lại các xã Ô Lâm, An Tức, Cô Tô… gây tội ác với đồng bào Việt – Khơ me. Chúng thẳng tay đốt nhà, hãm hiếp phụ nữ, xé xác trẻ con… Có gia đình năm người bị chúng giết sạch. Dì Mười Đền (em ruột má tôi) cùng hai con gái từ một tuổi đến em Hồng hơn mười tuổi đều bị giết và quăng xác chung xuống giếng ngay ngày đầu càn quét (11.7.1968 nhằm ngày 16.6 Mậu Thân).
Ngày đi hăm hở bao nhiêu, ngày về nghe nặng nhọc bấy nhiêu. Nhưng có cái hay để mà sống là không có cuộc hội nghị hay học tập nào nói ta có bị thất bại cả, cho dù tạm thời, mà toàn là “Ta thắng, địch thua”, có người đâm hơi nói thêm “Địch lùa, ta chạy!” rồi cười cho vui chớ không sợ… Đêm mùng Một rạng mùng Hai Tết, khi lội ra giữa kinh Vĩnh Tế thì nghe súng nổ tấn công Châu Đốc như kèn xung trận; còn hôm nay cuối tháng 7.1968 nhưng lại là đầu tháng 7 âm lịch, cũng là đêm không trăng, chúng tôi vượt qua kinh Vĩnh Tế để trở về, nhưng vừa tới bờ kinh chưa kịp qua thì gặp giang thuyền địch vừa chạy vừa bắn vãi hai bên bờ như rượt đuổi. Chúng tôi qua kinh không bơi lội như lần trước mà có xuồng dân đưa, hình như là giữa ấp Vĩnh Lạc. Rút lui là buồn, nhưng được an ủi là về lại hậu cứ từng có nhiều kỷ niệm còn hơi ấm. Xa nhau đúng sáu tháng, gặp lại các anh Đội chiếu phim và những người giữ căn cứ, mừng vui không xiết, nhất là anh Ba Điệc, trong khi bị địch càn lớn như vậy, không thuốc, thiếu gạo… anh lại bị sốt ác tính, vậy mà không chết, nhưng đầu thì rụng tóc. Ba Thạo cùng chịu chung với anh những ngày ấy hay kể lại cảnh Ba Điệc bị mê sảng, kêu la: “Đừng giết tôi! Đừng giết tôi!…”. Trong khi đó, địch ở ngay trước miệng hang Ban Tuyên huấn. Bọn “Trâu điên”, mới 15, 16 tuổi, chụm súng ba cây làm một rồi rủ nhau chọi đất chơi trước mặt các anh em mình. Anh em phải nhịn cho yên chỗ ở. Anh Út Bé cũng bị sốt rét, run muốn sập bộ sạp tre hội trường, khi chúng tôi về thì anh cũng vừa mới hết, ăn cơm bằng thau, chớ ăn chén sợ không kịp, hết cơm!
Đài Minh Ngữ đặt sau lưng hai người trong ảnh tại Thơ-mo-mut/Tức Dụp
Bảy Nhị 8-1968 Chín Lĩnh 8-1968
Ngày 5.8, chú Sáu Sơn (Hồ Chí Sơn) thôi làm Trưởng Ban Tuyên huấn, sang công tác khác. Tính từ trung tuần tháng 6.1968, chú nhận chức đến thôi chức chuyển công tác chừng hai tháng. Có lẽ, chú là người ở chức vụ này ngắn nhất. Và cũng có lẽ, do chú chỉ mới là Tỉnh ủy viên, chưa phải Thường vụ như qui định thông lệ. Hôm gặp chú và Út Trung (cận vệ), đều là người quen thân từ hồi ở Thoại Sơn, năm 1961, nhất là quen thân với cậu Chín Kiên, nên thấy chú tình cảm mình cũng như được bù đắp. Song biết chú chưa phải là Thường vụ, tôi nghĩ, chú sẽ ở Ban không lâu. Và hôm nay là sự thật. Chú lại đi, khi Mậu Thân không đạt mục đích Giải phóng, càng thêm buồn. Chú Tám Hưng (Bí thư Châu Đốc) về thay.
“Ngày 29.8.1968, sau bốn ngày làm cữ (sốt rét) nay ăn chưa ngon vì không có gì ngon để ăn, công việc đang dồn ứ mà anh Chín Lĩnh tay ma-níp lại bị hư, mình phải cố gắng giải quyết thật vất vả, đến ngày 10.9 mới cơ bản hết việc, thở phào! Anh Tư đã chuyển công tác về Tỉnh đội. Lâu ngày gặp lại, anh ốm và xanh nhiều quá. Về Tức Dụp một thời gian, Minh đã hoàn thành việc học và vào tập sự. Anh Tư Đen lại tăng cường thêm Quới và Hưng cũng vừa mới học xong lớp tại chức gồm chín học viên về đài Minh Ngữ tập sự” (Trích Nhật ký).
Mùa mưa kèm theo sốt rét rừng, hết tôi tới Phượng. Tội nghiệp, Phượng là con gái thành thị, bệnh trong hoàn cảnh này thật vất vả, ai mà không thông cảm.Vậy mà các chú hay để ý lắm, thấy anh Ba Nhu chăm sóc Phượng một cách lặng lẽ như nấu cháo, rửa chén… cho Phượng, cũng để ý. Thật tình, nếu là tình yêu được vậy, quý còn gì bằng. Tôi thấy người đời quá ích kỷ!
Có điện kêu tôi mang Đài về B3 – Vạt Lài để chuẩn bị cho đợt công tác mới. Vạt Lài là một ấp của xã Khánh Bình huyện An Phú, nằm phía bờ Bắc sông Bình Di, liền ranh với Vương quốc Campuchia. Ngày 11.10.1968, tôi và Quới đi trước, anh Chín Lĩnh bịnh đột xuất nằm lại đi sau với đại bộ phận. Chúng tôi quá giang đi cùng một xuồng với anh Tạ Hồng Trang, cán bộ Ban Kinh tài tỉnh. Tôi rời khỏi Thơ-mo-mút (Tức Dụp) lúc trưa. Khi vừa gần đến bến xuồng, bất ngờ bị một thanh tre do miểng pháo làm tét ra rất bén nhọn đâm vào mu bàn chân phải rất sâu và gãy ngang nằm luôn dưới da nổi vồng lên rất đau. Tôi không ngờ, đây là lần cuối cùng trong chiến tranh, tôi không còn trở lại Bảy Núi.
Trên đường ngang B2 (Châu Phú), đồng nước mênh mông. Nhìn những chòm cây phất phơ trên mặt nước, mình cũng kịp nhận ra những nơi mà mình ở suốt mấy cao điểm Mậu Thân mới đây, lòng bùi ngùi xao xuyến nhớ lại như đã lâu rồi. Đường đi thuận tiện, hầu hết đi ban ngày trên đất bạn, nên chỉ bốn năm ngày sau thì đến Vạt Lài, nhập vô bộ phận Nhà in đã đến trước. Gặp lại anh Hai Cừu, Tư Đức, Hai Ngoan, Thu Hà…, rất mừng. Khi chú Tám Hoa về, Văn phòng Ban và Minh Ngữ tách ra vô Búng Bình Thiên gần sông Thạnh Hòa ở nối theo Văn phòng Tỉnh ủy và các cơ quan. Chỗ chúng tôi hạ trại nằm trong khu vực lòng ống rạch của sai-viên đã đấu giá với chánh quyền Campuchia. Nước lúc này bắt đầu xuống, cá dồn về nhiều vô kể. Từng đàn cá tra, cá bông chưa đủ lớn để tách bầy, mổi con chừng bằng cổ tay đi qua, xanh nước, thấy nôn ruột mà không biết làm sao. Hôm mới dựng hội trường Văn phòng, tôi đang ngồi chẻ lạt, nhìn xuống nước lấp liếm đáy dạ sàn, một con cá bông đường kính chừng 30 phân, thả trôi theo dọc dưới dạ sàn. Tôi lật đật lấy cái mác đang cầm trên tay, xuống đầu dưới, tay trái nắm cành cây búng treo mình ra ngoài, tay phải cầm cây mác vót giơ cao vừa tầm sức mạnh, nhắm vào giữa đầu con cá bổ đôi một cái cật lực nghe “Bốp!” Con cá lật ngửa ra, tôi nhảy xuống định vớt lên, nhưng nó kịp trở xấp mình lại và táp vào tôi nhưng không trúng rồi lượn nhẹ nhàng xuôi theo dòng nước, để lại ba bốn cái vảy to bằng cái khu chén ăn cơm. Thấy ở đó mâu thuẫn với dân vì ba con cá, Ban chủ trương dời về gần chỗ Văn phòng Tỉnh ủy cặp Đường Thét về Cỏ Thom là chòm cây vừng ngay ranh giới hai nước Việt Nam – Campuchia, liền với vùng Giải phóng – Ấp Vạt Lài, xã Khánh Bình.
Cuối năm 1968, giặc khủng bố ráo riết sau khi ta phá Ấp chiến lược ở Nhơn Hưng, anh Tư bố trí rước gia đình vào vùng giải phóng Vạt Lài. Ngoài ba, má, chị Sáu còn có ba cháu nhỏ: Minh Hiền, con anh Tư; Trang, Phấn con chị Sáu. Chị Sáu làm bánh bán theo xóm; ba mua tre đan giỏ, rổ, rá… bán kiếm gạo ăn hàng ngày.
Anh Tư Đào ẵm cháu Minh Hiền, Ba ngồi giữa, Má bên tay phải Ba. Người đối diện anh Tư không nhận rõ.
Ở đây, pháo địch từ Đồng Ky – An Phú hay bắn dọc theo đường biên phía Việt Nam hoặc xuống vùng Giải phóng Khánh Bình chớ không hề bắn vào đất Campuchia, trừ khi Lon Nol đảo chánh Sihanouk chiến tranh lan ra. Thông thường, muốn đi đâu, đợi qua khoảng bốn, năm giờ chiều mà chúng hay bắn thành qui luật – chúng tôi gọi là “giờ linh” –, mới xuất hành. Chúng tôi ăn Tết Kỷ Dậu, 1969, tại đây và tổ chức đám tuyên hôn cho Năm Lợi với Thủy ở Văn công.
Ba má tôi và anh em cơ quan Ban Tuyên huấn đón giao thừa Kỷ Dậu (1969) tại nhà ở Vạt Lài.
Từ bên trái qua: Má ẵm cháu Minh Hiền, chị Sáu, em Định, anh Ba Thạo và cháu Trang, anh Năm Đức, Chín (em Năm Đức), anh Tư Đào và Ba tôi.
Một buổi sáng mùa Xuân 1969, khoảng 7 giờ, sau khi ăn cơm xong, Minh đứng trước hiên trại trò chuyện với chị Ba Huệ. Tôi từ trong nhìn ra, thấy Minh đã dậy thì con gái như thu hút tôi, nhưng tôi kịp vội gạt ra khỏi đầu. Không hiểu sao, quanh tôi có rất nhiều nhân viên nữ trẻ, đẹp nhưng tôi chưa bao giờ có cảm giác xao xuyến như với Minh vừa mới xảy ra, âu cũng lạ!
Minh và chị Ba Huệ (Tư Ngọc) tại Vạt Lài: Tháng 3/1969.
Rồi có đoàn kiểm tra sức khỏe cán bộ nữ, nghe các chú nói với nhau là họ báo cáo lại sức khỏe của các chị em đều tốt, tuy cũng cá biệt. Riêng Minh nằm trong số sức khỏe và tiết hạnh đều tốt. Tôi nghe như có “sức hút mới” mạnh hơn, vì tôi rất quí người con gái như vậy nhưng vẫn im lặng! Im lặng nhưng không xao lãng. Tôi làm bài thơ tỏ tình vu vơ, mơ hồ những trái ngang linh cảm được và ghi vào ruột quyển Nhật ký, sơ ý khó thấy và nếu có thấy cũng không biết ai tỏ tình cùng ai? Bây giờ tôi mới đề tựa bài thơ:
TÌNH TRONG TƯ TƯỞNG
“Tình yêu nở trong anh ai bảo muộn?
“Anh thấy còn quá sớm đấy em
“Khi em vừa đến tuổi vị thành (*)
“Và anh chỉ đôi mươi xuân lẻ (**)
“Anh thấy trước mối tình chung thủy đó
“Sẽ có bao nghịch cảnh phũ phàng (***)
“Trải đường đời ai bảo chẳng gian nan
“Có thắng lợi nào không vinh quang nhỉ?
“Anh cầm tay em một người đồng chí (****)
“Nghe mênh mang phơi phới tình yêu!
“Anh muốn chuyền cho em với số lượng nhiều
“Trí sáng suốt tình thương yêu lòng dũng cảm
“Đủ để vượt qua bao hố thẳm
“Cũng như anh hôm nay đang ở đoạn đường này
“Sức vẫn còn và hồn vẫn đang say
“Cùng các bạn vượt đêm dài dông tố
“Trong cuộc đấu của Việt Nam ta đó
“Mà anh đi từ thuở tuổi mười ba
“Ngày vinh quang ắt chẳng còn xa
“Hạnh phúc chúng ta cùng ngày vui chung đó”.
“Đêm nhớ em, Xuân 1969”.
(*) 17 tuổi. (**) 24 tuổi (***) Sui gia bất xứng tuổi tác (****) Cầm tay trong mơ.
Minh tại Vạt Lài 10-3-69
Bút tích “Đêm nhớ em” – Xuân 1969.
Mùa nước nổi năm 1969 ngập sâu quá với, phải đốn tre làm nhà sàn cao ba đến bốn mét mới vượt nước, vậy mà những lúc nước rong (Rằm, Ba mươi âm lịch) mà nay hay gọi là “triều cường”, mỗi đêm phải kê kích sàn nhà lên cả tấc nên chúng tôi cũng có sáng kiến dùng “con quay” tháo ra và nâng sàn lên, cột lại rất nhanh, rất chắc chắn. Tại đây, một buổi trưa vắng người, chị Tám Thủy (Lâm Việt Thủy) tự nhiên nói một câu bất ngờ: “Bảy Nhị, sau này cậu cưới Minh đi, nó vào ở chung với mình lúc còn con nít, mình biết rõ nó còn rất trinh trắng”. Tôi bối rối, nạt ngang: “Đừng nói bậy mà”. Chị còn phân tích này nọ thêm nhưng tôi đang lúng túng, không để ý thêm nữa, song lại có một cảm giác là lạ chen vào. Mà cũng lạ thật, sau cái cảm giác khi thấy Minh dậy thì hồi mấy tháng trước, nay nghe lời của chị Tám Thủy: “Cưới Minh đi!” như tiếng “sét giữa trời quang”, từ đó đã nhen nhóm trong tôi những làn sương mỏng, tích tụ dần thành những áng mây của tình yêu để có mưa dầm hạnh phúc hay dông bão là tùy! Tôi bắt đầu để ý Minh. Hình như người ta gọi đó là “duyên nợ”! Từ đó về sau, tôi và chị không nhắc lại chuyện này, song tôi lại không quên lời chị “xúi”.
Đọc những dòng Nhật ký dưới đây mới biết Minh đã có “đối cảm” và để ý tôi: “Em đã đọc được lòng anh từ ngày anh làm bài thơ Bác mất không biết anh có nhớ không nhỉ? Rồi Tết năm 70 em về ăn Tết với gia đình anh và đến tháng 5/70 thì anh mới ngỏ lời….”.
Nữ Văn phòng Tuyên huấn tỉnh và Nhà in Khu 8 – Minh đứng thứ năm từ phải, đến Phượng, Thu Hà – áo trắng (Tuyên huấn tỉnh An Giang).
Ảnh chụp ngày 2-1-1969 tại Vạt Lài.
Theo đề xuất của anh Chín Lĩnh, chú Tư Hoàng và tôi, nhân danh Đảng ủy Ban đứng ra tổ chức đám tuyên bố cho anh Chín Lĩnh và chị Mai (con nuôi nhưng mà cháu ruột của thím Tám Hoa). Mối tình chung thủy này đến hồi xuống mối có trục trặc, do thím chưa đồng tình, nên lễ tuyên hôn hai ông bà không chịu dự, mặc dù tôi và chú Tư hết lời năn nỉ. Qua sự kiện này, anh Chín bắt đầu có tình cảm với tôi hơn. Sau đó mấy ngày, có một sự kiện không quên xảy ra. Đó là vào khoảng 9 giờ ngày 2.9.1969, tôi đang nhận bản “tin xanh” từ Thông tấn xã Việt Nam (DKP), tự nhiên nghe họ phát một tràng tín hiệu “tít…tít…tít…” lâu chừng nửa phút. Tôi có kinh nghiệm, đó sẽ là có tin không bình thường hoặc sự cố máy móc. Rồi cái gì đến đã đến. Tín hiệu chậm và rõ khác thường: “Tin về sức khỏe Hồ Chủ Tịch…”. RPT (lặp lại) hai lần. Tôi có linh cảm chẳng lành, nước mắt tuôn, không lau cạn. Xong bản tin, tôi đọc lại lầm thầm trong nức nở và vội bơi xuồng sang chỗ chú Tám Hoa. Gặp tôi, ông hỏi “Cái gì vậy?”. Tôi nói trong nghẹn ngào: “Bác Hồ mất rồi”. Ông nhận bản tin từ tay tôi, liếc vội qua, rồi nói: “Mới bịnh, mà sao mầy nói chết”. Tôi trả lời gãy gọn: “Hồi nào đến giờ, không lẽ Bác không bịnh, nhưng lần này thông báo bịnh là để cho đồng bào, chiến sĩ tiếp nhận cái tin mà không ai dễ chấp nhận để khỏi quá đột ngột”. Nghe tôi nói, ông cũng dư suy đoán hơn tôi, nhưng ông làm tỉnh để còn lãnh đạo. Ông dặn tiếp tục theo dõi chặt Đài Trung ương, rồi ông lật đật xuống xuồng bơi qua chỗ Bí thư Tỉnh ủy. Hôm sau, buổi phát thanh đầu tiên, Đài Tiếng nói Việt Nam đọc Cáo phó của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về Bác qua đời ngày 3/9. Suốt thời gian cả tháng trời, các hãng truyền thông trong và ngoài nước đều tập trung đưa tin, tiểu sử, tư liệu… về Hồ Chủ Tịch và dư luận quốc tế ca ngợi, tiếc thương Người. Nguyễn Cao Kỳ đề nghị Thiệu cử người ra Hà Nội dự lễ tang và nếu Thiệu OK, tôi không biết Đảng và Chính phủ ta xử lý tình huống này ra sao? Theo tôi, Kỳ thắng Thiệu 1-0, ở điểm này!
Lúc này, bộ đội chủ lực từ miền Bắc vào đông lắm, đóng quân đầy cả cánh đồng. Cơ quan tôi thường huy động chị em phụ nữ đi hái rau muống đồng đang lúc vượt nước rất ngon, tặng bộ đội. Hôm 3/9, tin Bác qua đời, máy bay L-19 bay từng từng trên cao, phát tin tác động, kêu gọi chiêu hồi. Anh em bộ đội khóc gào nghe thảm thiết, không còn sợ lộ bí mật đóng quân chi cả. Từ đó về sau, hễ đến ngày 3.9, ngày Trung ương công bố Bác qua đời, tôi đều có cách làm phù hợp với hoàn cảnh để tưởng niệm Người, như làm lễ giỗ. Đến ngày Giải phóng thì làm giỗ hẳn hoi, cha mẹ tôi còn tại đường nên tôi thờ Bác chung với bàn thờ Tổ tiên, vì nghĩ rằng người xứng đáng. Đến sau này, khi công bố lại Bác mất ngày 2.9, tình cảm tôi tự nhiên bị hẫng hụt. Nếu chỉ vì “tâm lý – tâm linh” của thời điểm Bác mất mà công bố sai sự thật còn có thể chấp nhận được, nhưng sau này, nước nhà thống nhất mà định cho qua “cua” luôn, không đính chánh là cách hành xử đối với Bác và với đồng bào, chiến sĩ là bất kính. Tôi rất buồn!
Tang lễ Bác xong, có yêu cầu đưa một Đài lẻ của Minh Ngữ đi chiến trường Bảy Núi. Chú Tám chỉ đạo tôi cử anh Chín Lĩnh và Quới đi. Tôi không đồng ý: “Anh Chín Lĩnh mới cưới vợ, chuyên môn anh chưa đủ sức đi Đài độc lập, tôi đi”. Ông nói: “Nó làm sao đảm đang nổi việc ở nhà?” Tôi nói: “Minh, Hưng đã làm được việc, nếu có gì trục trặc thì còn có bên anh Tư Đen – Văn phòng Tỉnh ủy chi viện”.
Tôi và Quới chuẩn bị lên đường. Chú Tám kêu tôi lại đưa 50.000đ, loại giấy xanh mệnh giá 500 đồng có hình Trần Hưng Đạo còn khá mới. Chú nói: “Tỉnh ủy vét túi, nhịn ăn còn có bấy nhiêu. Anh Mười (Vũ Hồng Đức), chỉ huy mặt trận và bộ đội ở Bảy Núi đang thiếu gạo, thiếu thuốc mà người thì đông, thương binh thì nhiều. Mầy ráng gặp và báo cáo lại anh Mười”. Cùng đi với tôi có các đồng chí ở Văn phòng Tỉnh ủy, có bề dày chiến đấu hơn tôi, sao Tỉnh ủy không giao. Tôi tự thấy nhận nhiệm vụ này rất thiêng liêng, hơn cả trách nhiệm mang Đài đi chiến trường.
Sau khi bàn giao công việc, lãnh tiền sinh hoạt phí và tiền của Tỉnh ủy gởi, chờ ngày hôm sau lên đường. Tôi tranh thủ về nhà thăm ba và cũng để báo tin tôi đi công tác. Lúc này mùa nước lớn đang ở mức đỉnh, má, chị Sáu và các cháu đã về Nhơn Hưng đề phòng giặc nhân cơ hội nước cao càn, bố. Căn nhà đơn sơ nép mình dưới lùm tre giữa xóm Vạt Lài, bên đất Việt Nam, cách đường biên với Campuchia chừng 100 mét, tôi bước vào thấy trống hoang, nhưng từ miệng công sự chữ A mà tôi và anh Tư mới đào ngay trong nhà trước đó mấy bữa, có ánh đèn hắt lên. Tôi cất tiếng: “Ba ơi!”. Ba lên tiếng nghe thăm thẳm từ trong lòng đất, ai yếu bóng vía cũng phải hồi hộp. Ba xách cây đèn dầu lửa bằng cái chai thủy tinh cắt hai đầu để che gió, từ từ chui lên khỏi công sự. Hai cha con ngồi nói chuyện trong không khí âu lo: Má, chị Sáu và các cháu về vùng địch có an toàn không? Làm gì để sống? Tôi đi, ba ở một mình thế này, khi ương yếu, giặc giã thì làm sao? Những câu hỏi không có câu trả lời, trong lòng tôi rối bời và buồn thăm thẳm, còn ba thì bình tĩnh như không: “Con đi ráng giữ gìn, đừng lo gì cho ba hết. Ở đây, bà con anh em sao thì ba vậy!”. Ông rót một ly rượu từ chai tôi mới mua, hớp một cái rồi trầm ngâm tiếp. Thấy thương ba quá. Lục hũ gạo, thấy không còn mà tôi thì bất lực. Hiểu ý tôi, ba nói: “Không sao, ba còn lo sống được, chỉ lo cho mẹ mầy và mấy đứa nhỏ về dưới thôi”. Tự nhiên tôi có cảm giác bồn chồn. Cảm giác này thường có với tôi như dự báo trước khi xảy ra chuyện không lành. Kinh nghiệm mà tôi rút ra và gọi đó là “linh tính”. Và thật tình, tôi có hồ nghi, trận này có đi không về. Kinh Vĩnh Tế lúc bấy giờ nổi tiếng với cái tên “Kinh Vĩnh biệt”. Trước khi đi, tôi gởi hết đồ đạc không quá cần thiết, kể cả sổ tay, nhật ký, tập thơ tôi làm lúc vui buồn lại cho Minh, như gởi cái gì… mà không nói trước được. Những thứ này tôi chưa từng cho ai đọc, không hiểu sao lúc này, tôi thấy hai chúng tôi có sự tin cậy nhau như là một. Sau một lần duy nhất gợi ý của chị Tám Thủy, tôi rất tự nhiên như không có gì, còn Minh thì vẫn rất vô tư, nhưng sự thật thì “giác quan thứ sáu” của hai chúng tôi hình như đã cộng hưởng và lúc này tự nó phát tín hiệu mà chỉ có tôi mới cảm nhận được từ trong sâu thẳm.
Ngày 1.10.1969, tôi và Quới đến cơ quan Hậu cần tỉnh, gặp anh Hai Hiếu Liêm, Tỉnh đội phó phụ trách hậu cần. Anh nói: “Đường về Bảy Núi căng thẳng lắm, bộ đội chủ lực đang ở Thới Sơn bị thương vong nhiều mà không đưa được lực lượng qua kinh Vĩnh Tế cứu viện. Giang thuyền nó “hàn” bít chịt cả con kinh. Thôi mầy về đi, thông đường tao cho hay. Còn sợ Tỉnh ủy đánh giá, tao viết thư báo cáo với các anh, không sao đâu”. Tôi cũng báo lại anh: “Chú Mười Đức đang hết tiền, hết gạo, hết thuốc cho thương binh. Ở nhà, chúng tôi ăn cháo với bông súng hoặc ăn độn với bắp, khoai…Tỉnh ủy vét còn 50 ngàn, đưa tôi đem vô cho chú Mười. Tôi sẽ chờ, chừng nào bộ đội qua được, tôi theo qua”.
Đến trạm Giao bưu tỉnh tại B2, phía trên Châu Đốc. Trạm là cái chòi bằng ni-lon che mưa cặp vào cây gáo lêu nghêu giữa đồng nước, có mấy giề cây điên điển nổi phất phơ cặp vào cho bớt phần trống trải với miếng vạt tre chừng hơn 10 m2, vừa là bếp, vừa chỗ cho khách tá túc, còn anh em trạm thì tản ra ở trên xuồng như cái trại lưu động. Bộ đội chủ lực miền Bắc ở theo mấy chòm điên điển nổi lềnh bềnh trên mặt nước ngập sâu hơn bốn mét, nấu cơm bằng củi ướt khói um trời, vậy mà quân đội Sài Gòn từ cao điểm Núi Sam nhìn rõ mồn một nhưng không làm gì, phải nói là cho đến chiến tranh Đông Dương nổ ra, họ chưa lần nào đưa quân vượt biên hoặc đánh phá mục tiêu của ta trên đất bạn; chỉ có một lần duy nhất là đầu năm 1961, Bé Dũng chiêu hồi dẫn lính đột kích lên đây, chớp nhoáng rồi rút. Tôi ở biên giới nhiều năm, nhiều điểm, từ giồng Tà Muôn giáp xã Vĩnh Gia đến căn cứ B1 xã Phú Hữu và xã Vĩnh Xương, đều như vậy. Sau này nghĩ lại, tôi không hiểu cấp trên nghĩ sao mà đưa chủ lực Miền Bắc vào đây? Riêng cái chuyện ít người biết bơi “lội nước” cũng đủ thất bại rồi chớ chưa nói địa hình này nếu Mỹ không tôn trọng đường biên giới thì làm sao ta tồn tại chớ chưa nói là thắng?!
Giao bưu dẫn chúng tôi theo bộ đội đặc công chủ lực qua sông từ đoạn Nhà Neo đến Nhơn Hưng, cả ba đêm đều đụng địch phục kích chặn lại. Anh em ở trạm bực bội khách ở hoài chưa đi nên thái độ cũng không được lịch sự cho lắm. Tôi và anh Bảy Xuân cũng rất sốt ruột cho tình cảnh này. Ngày thứ tư, 8.10.1969, các anh lãnh đạo Giao bưu phổ biến: “Theo chỉ đạo của anh Hai Hiếu Liêm, tối nay chúng ta tự lực, mở đường mới vào sâu Vĩnh Gia, qua kinh. Đường này mấy tháng rồi ta không đi, chắc hết ‘hôi’ rồi”. Xuồng Giao bưu dẫn đoàn hôm ấy gồm đồng chí Chín Nam, cấp hàm Đại đội, Phó ban Giao bưu tỉnh – như Phó Ty –, Hai Hùng, cấp Trung đội trưởng và Bình, Vân đều là cấp Tiểu đội trưởng. Phía khách, ngoài xuồng của chúng tôi gồm: Bảy Xuân, Đài trưởng, An, cơ công Đài mật Tỉnh ủy; Hai Hữu, Hoàng Việt cơ yếu Tỉnh ủy; tôi và Quới, Đài Minh Ngữ của Ban Tuyên huấn, cùng một cán bộ Tài vụ Huyện ủy Tịnh Biên tên Tâm quá giang về Ô Cạn. Xuồng của bên Khối Vận tỉnh có các chú: Tô Sĩ Hồng, Tám Thái (Binh vận), Hai Cồn (Dân vận), … Đến gần giữa đồn Giồng Chanh và Lộ Đứt, nhìn xuống thấy chợ Tịnh Biên xa xa, anh em Giao bưu dừng lại nói: “Nắm chưa chắc tình hình, đề nghị lùi lại, hôm sau”. Tôi và anh Bảy Xuân hội ý trong đoàn xong, đề nghị giao bưu kiên quyết đi luôn. Anh Chín Nam nói: “Nếu vậy, đề nghị xuồng mấy chú ở lại, còn hai xuồng tiếp tục đi”. Tôi đề nghị các chú gom sào cho chúng tôi, còn các chú dùng dầm bơi trở lại, vì lúc này nước quá cao, cỏ bị trốc gốc nên rất trống trải, dễ bơi. Các chú đồng ý. Chúng tôi chia tay, mấy ông lớn tuổi thường là xoay trở khó khăn mà đã quay lại, đoàn chỉ còn hai xuồng, rất gọn nhẹ, nên rất hy vọng.
Lúc đến Lộ Đứt, đoạn trên Trạm liên hợp cửa khẩu bây giờ chừng 500 mét, chúng tôi kéo xuồng qua lộ. Phía bên này lộ, trên nước, lấp lé liếm bờ, phía bên kia lộ nước hụt sâu, chiếc xuồng chúi mũi găm xuống, tôi phải đưa vai vào nâng mũi xuồng lên không để nước tràn vào, vậy mà không khỏi ướt súng đạn để phía trước mũi. Tôi nghĩ thầm, chắc con lộ lại sắp đứt vì áp lực trên nước quá mạnh, chênh lệch giữa trên và dưới độ chừng có đến cả mét. Hình ảnh này minh họa rõ nhất lời đồn lâu nay về ý nghĩa cái tên “Lộ Đứt”. Và tôi nhớ mãi…, để đến năm 1997, tôi đề xuất và đưa Thủ tướng Võ Văn Kiệt và các anh Nguyễn Công Tạn, Nguyễn Văn Hiệu, Sinh Huy, Hồ Chín, Sáu Thượng… đến xem, để chủ trương xây cầu cạn thoát lũ hiện nay, sau khi kinh T5 – Võ Văn Kiệt vừa mới thông tuyến.
Trước khi qua kinh Vĩnh Tế, em Quới (Trần Văn Quới) đề nghị dừng lại ăn cơm. Tôi nói: “Sang kinh Vĩnh Tế rồi ăn, sẽ ngon hơn”. Tôi còn thi vị hóa bằng câu nói vui: “Chúng nó (địch) đâu biết đêm nay có đoàn “Việt cộng” âm thầm, an toàn qua kinh Vĩnh Tế”. Vậy là chúng tôi vượt qua kinh. Trời tối, đưa bàn tay ra trước mặt không thấy, nước bốn bề lạnh lẽo, cỏ chìm đâu hết. Xuồng Giao bưu chống trước, xuồng chúng tôi sát theo sau. Tôi ngồi trước mũi bơi với khẩu Carbine lên đạn sẵn trước mặt, chống sau lái là Tâm tài vụ Tịnh Biên. Xuồng đang êm ái rẽ nước, tự nhiên tôi thấy xuồng trước ngừng chống và dùng tay quạt lùi xuồng lại; biết động, tôi chống cây dầm chỏi ngược cho xuồng dừng lại, nhưng Tâm chống lái không biết, thấy nặng cong lưng chống sào mà còn hỏi: “Cái gì vậy”. Lúc này, hình như sau cơn mưa hồi chiều, phía bên Bảy Núi thỉnh thoảng trời chớp sáng lằng nhằng yếu ớt, nhưng cũng vừa đủ tôi nhận rõ chiếc tàu sắt loại giang thuyền, loại đậu dưới bến Hải quân bây giờ cạnh bờ hồ Nguyễn Du và tiếng mở khóa súng nghe cái “cốc” cùng dáng tên xạ thủ hụp xuống, rồi tiếp theo là đạn liên thanh cực nhanh vãi ra như trấu, tiếng nổ nghe như tiếng xay lúa rào rào. Pháo sáng bật lên bên be xuồng, tôi ngoái nhìn lại: anh em đều rạp người xuống tránh đạn, không còn ai bơi và xuồng cũng đã quay lái ngược về phía địch, tôi vội nhảy xuống đeo người núp vào mũi xuồng, vừa ngửa người thả tàu, vừa dùng hai chân chòi ngược về phía sau lái. Nhưng lúc này xuồng đã bị bể, nước tràn vào từ phía sau, anh em mỗi mgười chụp một bọc ny-lon gói đồ để sẵn làm phao cứu sinh, còn súng thì chìm theo xuồng không lấy kịp. May là nước cạn, chừng ngang lưng quần, hợp với tư thế “thả tàu” vừa dễ tránh đạn, vừa di chuyển nhanh ra xa tầm hỏa lực. Lúc này hai chiếc trực thăng từ căn cứ Vĩnh Trung bay lên nhưng bay lạc, lần quầng hướng Ô Cạn – Ba Chúc mấy vòng, trong khi đó, có lẽ tình cờ, hai chiếc “ba đuôi” – Skay-mo-hoc bay trờ tới, quần đảo thả pháo sáng và bắn trọng liên xuống.
Khi trực thăng bay lên trận địa và tiếp theo là pháo từ căn cứ Vĩnh Trung bắn lên cặp đường biên, chúng tôi đã vào sâu đất bạn. Chúng tôi lạc nhau, chỉ còn ba đứa: tôi, Bảy Xuân và Hoàng Việt. Chúng tôi lên núi Tà Ô, trời sáng rõ. Lúc này khoảng 3 giờ sáng ngày 9.10, kiểm lại: máy và pin vẫn còn, tiền của Tỉnh ủy, do tôi cột chặt vào lưng, tuy ướt nhưng vẫn còn nguyên. Chúng tôi tìm chỗ ẩn mình, phơi đồ, chôn mấy lốc pin PRC 10 bị nước hư, nhìn xuống kinh Vĩnh Tế thấy gần như là mỗi con mương xuồng có thể qua lại được là một chiếc giang thuyền đậu phục. Dưới đồng phía Campuchia tìm mãi không thấy một chiếc xuồng mà cũng không thấy dân lai vãng trên đồng giăng câu lưới hay cắt cỏ như ở Việt Nam. Thất vọng! Chúng tôi thấy đói và tự trách mình không nghe lời Quới nên ăn cơm trước khi vượt qua kinh. Trưa trưa, nghe có tiếng người đi, hình như là để tìm kiếm. Chúng tôi cảnh giác đề phòng, có thể phe mình mà cũng có thể là lính Campuchia. Đúng là họ đi tìm chúng tôi, mà theo chúng tôi biết: lực lượng ở đây là phe “Khăn trắng”, từng chống lại Hoàng gia, sau khi qui thuận, tướng Lon Nol bố trí đám này ven biên giới Việt Nam vừa có thể hòa hoãn với phía Sài Gòn, vừa đánh bạt lực lượng “ở đậu”, tiện cả hai. Đêm ấy, chúng tôi quyết định đi về hướng Hà Tiên để đến Sóc Chuốt mà anh Bảy Xuân đã có lần đến nhưng đi không nổi vì đói, lúc đầu còn được cỡ 1.000 mét thì mệt, nghỉ. Cự ly ấy cứ rút dần lại, chừng trên dưới 100 mét là ngồi lì một chỗ rồi ngủ thiếp đi; khi giật mình thức dậy, chúng tôi đâm hoảng, vì tới sáng sẽ không đến đâu, còn có thể bị bắt. Chúng tôi quay lại chỗ cũ, mệt và đói lả, lăn quay ra ngủ. Hôm sau, quan sát không thấy xuồng và cũng không thấy dân xuống đồng, chúng tôi thất vọng đi tìm nhà dân xin cơm ăn. Khoảng 6 giờ tối, chúng tôi tiếp cận một nhà gần chân núi, thấy một người đàn ông đang ăn cơm một mình và một con chó bên cạnh. Chúng tôi có đưa ra phương án: Bí mật đột nhập vào nhà tìm thức ăn, nhưng ngặt nỗi không ai biết làm “đặc công” và cũng chưa từng trộm cắp, nên đành chọn cách đàng hoàng hơn, nhưng cũng rất nguy hiểm, vào nhà dân xin cơm.
Sự xuất hiện của chúng tôi lập tức dậy cả xóm, bởi ngôn ngữ bất đồng, phải nói to và biểu lộ bằng cử chỉ. Lúc này, 18 giờ 30 ngày 10.10. Năm phút sau, có tự vệ mang súng đến chĩa vào chúng tôi, trói lại. Chúng tôi bị bất ngờ, không kịp và cũng không còn sức lực nào phản kháng, vì hai ngày hai đêm rồi, trong bụng toàn là rau càng cua rừng mà chúng tôi ăn sống nên vừa đói bụng vừa xót ruột kinh khủng. Trong lúc bối rối, lại xuất hiện một anh trung niên nói tiếng Việt rành rọt, tự xưng “Từng là lính Isarắc – Việt Minh, nói để các anh an tâm: Không chết đâu, phải tháng trước còn bọn “Khăn trắng” ở đây thì các anh sẽ không còn; bây giờ, các anh sẽ được dẫn giải về Nam Vang thôi. Tôi bảo đảm vậy”. Họ đưa chúng tôi lại văn phòng ấp. Họ đang tụ tập ăn Tết; hèn nào, ban ngày ngoài đồng không một bóng người. Họ dọn cơm lên, toàn là thức ăn lễ Tết của họ, cá thịt bánh trái ê chề. Anh em tôi bảo nhau, ăn chừng vài muỗng cơm thôi, sợ bị sốc cơm, vì đói lâu. Thật tình là vậy, mà cảnh này thì nuốt sao vô? Tôi thèm thuốc quá, hỏi xin thuốc hút. Họ đưa thuốc đang quấn hút bằng lá trâm bầu, tôi hít vô là sặc, chịu không nổi. Tôi ra hiệu, phải thuốc ARA – “Con Két đỏ” của Campuchia hút mới được. Họ chạy mua về cho chúng tôi đâu bốn, năm gói “Con công đỏ”, cũng tạm được. Họ xích ba anh em tôi chung một dây lòi tói, mỗi lần đi tiểu là cả ba cùng đi. Hồi nào tới giờ, nói khơi khơi với nhau “Xích xiềng nô lệ…” nên đâu hiểu nó khổ là thế nào, còn bây giờ mới “giáo đầu” đã thấy… Bảy Xuân và Hoàng Việt đều hút thuốc rất ít vì không nghiện, còn tôi đêm đó đốt hết hai gói “Con công đỏ”. Chúng tôi thức trắng, còn họ cũng thức sáng đêm chong đèn măng-xông để canh giữ chúng tôi và đánh bài chờ sáng. Sáng ra, họ giải chúng tôi đi bằng xe ngựa ra quận Phnomdanh – Gòi Tà Lập. Tới nơi, gặp Hai Hữu (Võ Quang Hữu) ra “đón mừng”. Thì ra… Hữu bị bắt liền sáng hôm sau, do một mình bị lạc, ngủ sát đồn Campuchia mà không hay, được đối xử tử tế hơn ba đứa tôi. Tôi nói với anh Bảy Xuân: “Anh thấy người ta có cái số không? Hữu, nó có số sướng”.
Ở quận, chúng giam chúng tôi trong cái lô-cốt do Pháp xây nay bỏ không. Tối, tôi tìm đường trốn. Anh Bảy Xuân can: “Đồng nước mênh mông, nó bắt lại lần nữa, mầy chết với nó”. Tối ngủ, tôi toàn mơ nói thành lời (mớ) tính chuyện trốn đi. Anh nói: “Không nói chuyện đó nữa. Mầy ngủ mớ, nó mà biết được, mầy tới số”. Thấy Hai Hữu còn cái radio, tôi và anh Bảy Xuân bàn: “Bán chia tiền ra anh em mượn xài, còn sống về trả lại”. Hữu nói giữ để nghe. Chúng tôi không tin giữ được vì tiền của Tỉnh ủy tôi mang bị nó lấy mà có biên bản gì đâu. Bảy Xuân hơi giận lẫy nói: “Để cho mầy nghe đi!”. Tại quận, chúng lấy lời khai đơn giản như lý lịch trích ngang, tôi bàn khai khác tên thật, vì sợ chúng thông đồng với miền Nam, chỉ có Hữu, hai ngày trước đã khai tên thật. Đây là cái rắc rối, “cảnh giác” quá hóa thừa, khiến ở nhà lấy tên thật chúng tôi đi hỏi họ không thừa nhận nên ở tù lâu là vậy.
Ba ngày sau, bốn anh em tôi được áp giải đi, ai cũng phấn khởi vì chắc chắn là được lên Nam Vang, gặp đại sứ mình đến lãnh. Nhưng đến thị xã Takeo, họ đưa anh em tôi vào khám. Đây là khám tạm, có song đứng bằng gỗ tròn cỡ cây cột nhà rất chắc chắn và cũng rất thoáng khí dễ chịu, đúng là nhà tù của các vua chúa ngày xưa ta thấy trên phim ảnh còn sót lại đây. Xa trông như khám tù thời trung cổ, gần thì nó giống như cái chuồng bò, nên có tên “Khám chuồng bò”, người Campuchia kêu là “Cúc-crôn-cô”.
Từ trái qua: Anh Ba Thạo, Quới và tôi ở Vạt Lài tháng 3/1969. (Ảnh Bảy Mý)
Ở tù nhưng tôi rất lo cho Quới, vì em có hoàn cảnh khá đặc biệt: mồ côi cha mẹ, ở với ông bà ngoại, năm 1962, mới 10 tuổi, cùng anh trai vào Du kích xã Tân Khánh Hòa, rồi về Văn phòng Huyện ủy Hà Tiên làm giao liên, sau khi anh trai bị máy bay T28 phóng pháo hy sinh (1967), năm 1967 học Trường Thiếu sinh quân, đầu năm 1968 về Văn phòng Tỉnh ủy học báo vụ chỗ anh Tư Đen như tôi năm xưa, cuối năm 1968 được phân công cùng Chín Hưng về đài Minh Ngữ công tác với tôi. Vậy là ngoài ông bà ngoại già ở Cừ Đức – Hà Tiên, Quới không còn ai là bà con thân thuộc, nay nếu có gì thì…!?
Bốn mươi bảy năm sau, Quới và tôi ở Long Xuyên tháng 10/2016.
N.M.N.