Chuyện đời tôi (kỳ 32)

Hồi ký của Nguyễn Minh Nhị

CHƯƠNG IV

Xuất ngoại

Đi xa nhìn lại thấy mình

Sau nước nhà thống nhất, có dịp đi, đọc và nghe nhiều phía, tôi hiểu ra rằng đầu óc, tầm vóc tư duy và nhân cách của tôi được lớn hơn. Tôi tiếc cho tôi không được cắp sách đến trường mà biết cầm cuốc, cầm súng sớm quá. Ngay như hồi học tiểu học cũng không có sách báo để đọc, chỉ nhờ đọc ké của mấy cậu mà tôi tự thấy khác hẳn với mấy đứa cùng tuổi không biết sách vở là gì. Vì vậy, khi đi học Lý luận chánh trị hai năm ở Hà Nội, có dịp, tôi học và đọc gần như suốt thời gian ấy, kể cả ngày lễ và Chủ nhật; các bạn khác hay đi chơi, chớ phòng tôi gần như cả bốn anh em không ai đi đâu hết. Tiếc là cái học chánh thức theo chương trình ở trường về làm theo không được bao nhiêu, xem như mất hai năm, nhưng được cái là nghe và nói được ngôn ngữ của “Thế giới Xã hội Chủ nghĩa” và biết mặt trái của nó để không làm theo, dân nhờ!

Khi làm Giám đốc Sở Nông nghiệp, tôi mới có dịp đi nước ngoài. Mục đích của những chuyến đi ấy, dù nói là tham quan – đi chơi, đi tìm hiểu thị trường, bán hàng hay đi với đối tác để tạo tiền đề cho các dự án, v.v. nhưng đối với tôi là đi học thực tế. Đi xa để dễ thấy gần, thấy rõ hơn điều mình suy nghĩ, việc mình làm đúng sai thế nào. Được đi như vậy, do anh em các Công ty ngành Nông nghiệp tỉnh tổ chức và đài thọ; và vì vậy, tôi chủ động được mục đích, nội dung cần tìm hiểu. Cũng trong lúc còn làm việc, và cho đến sau khi về hưu nhiều năm, tôi vẫn được các công ty trong và ngoài nước mời đi chơi Tây-Âu, Bắc – Mỹ, Úc, … nhưng tôi từ chối, vì không còn làm việc nên không cần; còn đi chơi thì phí thời gian và tiền bạc, nhất là tiền bạc người ta đài thọ cho mình, tiền nào cũng là nợ. Vợ tôi cũng không bao giờ chịu tháp tùng đi nước ngoài cùng tôi lúc tôi còn làm việc, cho dù anh em mình cũng ưu ái và có công ty nước ngoài tha thiết mời cả nhà tôi, vì họ biết tôi chỉ có một con gái duy nhất. Năm vợ tôi về hưu lãnh tiền chánh sách và khi tôi nghỉ hưu mới tổ chức cho vợ tôi đi chơi các nước ASEAN, châu Âu hoặc cùng tôi đi Trung Quốc và Mỹ.

Chuyến đi đầu tiên của tôi, nhân dịp ta rút quân khỏi Campuchia, ngày 25.9.1989 do Vũ Hồng Quang (Ba Thơ), Giám đốc AFIEX tổ chức. Ngày ấy, bọn tàn quân Pol Pot còn hoạt động du kích khá mạnh. Đến Nam Vang, thăm mấy anh em quen là sĩ quan cao cấp của bạn, thấy họ bị “hụt hẫng” do quyết định của ta rút hết quân tình nguyện và nhất là sợ đi vào giải pháp chánh trị có sự cạnh tranh với phái Bảo Hoàng và các thế lực khác thân Trung Quốc và phương Tây. Đấy chính là thử thách quá lớn mà bạn rất sợ phải đối phó, vì nó chưa có tiền lệ đối với các Đảng Cộng sản cầm quyền theo thể chế chuyên chính.

Chuyến đi Hongkong, tháng 12.1991, cũng do Ba Thơ (Công ty AFIEX) tổ chức và đài thọ. Thấy Hongkong phát triển mà phát ngẩn ngơ, so với thông tin mà ta biết được về Đại lục. Cái gì làm cho mảnh đất làng chài ven biển khô cằn, không có bất cứ tài nguyên nào do thực dân Anh thuê mà phát triển thần kỳ như vậy? Không chỉ kinh tế thị trường tự do mà quyền tự do dân chủ và sự hài lòng của người dân mới là vấn đề cần nói. Thực dân Anh chỉ cai trị về mặt hành chánh, còn người Hoa tự do làm ăn, làm giàu. Người Anh không bao cấp mà còn được lợi từ thuộc địa này. Điều đó làm cho tôi thấy: Lênin phê phán gay gắt quan điểm xuất khẩu Cách mạng là hoàn toàn đúng, nhưng không hiểu sao học trò ông, trên toàn thế giới chớ không chỉ ở Nga, suy nghĩ và làm ngược lại hoàn toàn, nên Liên Xô hơn 70 năm Xã hội Chủ nghĩa mà vẫn sụp đổ? Hôm đó, sau bữa cơm tối tại nhà hàng do đối tác mời, đang còn trò chuyện tìm hiểu qua lại để có thông tin hợp tác với nhau, bỗng trên tivi xuất hiện lãnh tụ Liên Xô Mikhail Gorbachev. Ông ta nói gì, mình không biết, nhưng khi ông dứt lời thì búa liềm từ trên cao tách khỏi lá Cờ đỏ rơi xuống tan nát hết. Tôi hiểu “Đảng Cộng sản và Nhà nước Xô viết đã kết thúc”. Trái tim tôi lúc ấy như có bàn tay vô hình bóp chặt làm đau điếng! Anh bạn Chương, đối tác với Hậu, là người Hoa sanh ở Mỹ Tho nói tiếng Việt như người Việt thông thái, rời Việt Nam lúc lộn xộn vụ “nạn kiều” của Trung Quốc, hình như an ủi tôi, chớ không phải khiêu khích. Anh ta nói: “Các ông ấy theo Lênin mà làm không giống Lênin như chúng tôi”… Những suy nghĩ trong chuyến đi Campuchia chưa kịp cho tôi hình dung được gì ngoài Việt Nam thì chuyến đi Hongkong lần này tôi nhận rõ những vấn đề cốt lõi hơn.

Chuyến đi Thái Lan, năm 1992, là chuyến đi cũng do Ba Thơ tổ chức theo lời mời và tài trợ của tập đoàn CP – Thái Lan. Tập đoàn CP từ Xí nghiệp nhỏ của Chín Đại (người Thái gốc Hoa) chăn nuôi heo mà phát triển lên kinh doanh đa ngành, nhưng vẫn bám cái gốc và doanh số lớn là chăn nuôi heo, gà, vịt, bò… và chế biến thức ăn gia súc.

clip_image002

Trước trụ sở Tập đoàn CP là biểu tượng nguồn gốc của Tập đoàn

từ một cơ sở nhỏ thủ công ép dầu ăn và làm thức ăn chăn nuôi.

Họ rất trọng kỷ niệm ban đầu chớ không bắt đầu từ chỗ hoành tráng nhất hoặc dấu ấn cá nhân!

Chuyến đi này, mục đích riêng, tôi chỉ là xem họ làm nông nghiệp và công tác khuyến nông thế nào, mà năm 1972, tôi mơ màng hiểu về họ qua thông tin từ Đài Hà Nội như đã nói. Nhưng thật là tuyệt vời, vì tôi có thêm nhiều hiểu biết như là phần “lời lãi” mà mình không tính trước chuyến đi. Hai ngày cuối, họ tổ chức cho đoàn xuống Pattaya chơi, xem vũ công pê-đê múa. Trên đường đi, họ cho ghé thăm Hợp tác xã – Kinh tế mới có tên Làng Nỏan-Oa do họ vay hai triệu USD từ ngân hàng để mua đất hoang, xây dựng hạ tầng, nhà cửa và cơ sở chuồng trại nuôi heo, trồng bắp lai và lập vườn để giúp hơn bốn mươi hộ dân thoát nghèo. Công ty và Chánh phủ không cho gì hết, chỉ giúp đỡ ban đầu, dạy cách làm ăn và tiêu thụ sản phẩm do họ làm ra; lợi tức thu được, họ biết trước và rất ổn định. Qua năm năm, Công ty tích lũy lợi tức từ sản phẩm của họ trả hết nợ vay hai triệu USD, tuyên bố cho hết: nhà ở, ba héc ta đất vườn cây ăn trái và toàn bộ cơ sở chuồng trại. Cán bộ kỹ thuật giúp Hợp tác xã được yêu cầu ở lại, chuyển qua giúp và trở thành người quản lý hợp tác xã (CEO) lương tháng ngàn USD, có chế độ nhà ở, xe riêng do Hợp tác xã trả. Toàn bộ bốn mươi lăm hộ kinh tế mới ban đầu chỉ có vài ba hộ không vào Hợp tác xã, vì họ có năng lực tự kinh doanh hơn số đông còn lại. Họ chỉ cho tôi tất cả hình ảnh từng hộ gia đình chụp trước căn nhà của họ rách nát trước khi đến đây, ảnh công chúa, khách tham quan chụp chung với dân làng và Bằng khen của Nhà vua mà họ khoe rằng họ là “Công ty Đỏ”, “làm như Cộng sản nói”.

clip_image004

Nhà nghèo, cậu thanh niên lao động chính trong nhà bốn người (mẹ bệnh nằm liệt, cha già, em gái nhỏ)

được Công ty CP bảo lãnh vay tiền lập trang trại gia đình trồng bắp lai (bắp vàng) bán cho Công ty.

Cũng dịp này, tình cờ khi ghé đổ xăng, người hướng dẫn giới thiệu với đoàn ông chủ cây xăng, là chỗ họ quen. Ông ta còn trẻ và là Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã. Nghe nói quan chức xã, tôi rất mừng và đề nghị xin được tham quan, tìm hiểu về mô hình xã của họ. Ông Chủ tịch gọi bộ đàm gắn trên xe Jeep nói với vợ ở nhà chờ ông tiếp khách “đặc biệt, đột xuất”, rồi về hãy đi chùa. Tôi được mời lên xe do ông lái và hướng dẫn đoàn. Xã có Hội đồng Nhân dân do bầu cử. Chủ tịch Hội đồng chỉ được hưởng phụ cấp khi làm việc, là 500 Bath tháng (khoảng 100 USD). Tôi hỏi “Phòng Thông tin nông nghiệp”, họ nói đã chuyển qua thành “Trung tâm Phát triển”. Công chức, viên chức ăn lương nhà nước từ Bộ chủ quản trực tiếp gồm: năm cảnh sát, hai cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, hai cán bộ y tế và toàn bộ giáo viên công lập. Kỹ thuật viên nông nghiệp được cấp nhà, xe mô-tô 100cc, được làm dịch vụ ngoài giờ để tăng thu nhập, v.v. Tôi có đến đồn cảnh sát, đến Trung tâm Phát triển, đến nhà và gặp hai kỹ thuật viên nông nghiệp xã. Trung tâm Phát triển là một hội trường (nhà cấp 4) sức chứa khoảng vài trăm người, có cờ đèn kèn trống nhưng lại không có biên chế quản lý riêng mà giao cơ sở vật chất đó cho Ban Giám hiệu Trường phổ thông quản lý. Khi họp dân để trao đổi về đề tài gì, có diễn giả riêng về đề tài đó. Tôi thấy yên tâm là An Giang đang làm khuyến nông và phát triển nông thôn theo hướng như ở Thái mà tôi đã thấy. Họ khôn thật, biến người Hoa thành người Thái làm giàu cho Thái, còn ta biến người Hoa thành người Tàu! Tôi cũng ước ao, Việt Nam ta có một lúc nào phải sửa lại cho nhẹ bộ máy của cả hệ thống chánh trị quá nặng mà bắt dân nuôi nhưng làm việc không hiệu quả!

clip_image006

Nhà cấp cho kỹ thuật viên nông nghiệp cấp xã ở

clip_image008

Mua sầu riêng, xoài giống Thái tại Hội chợ Nông nghiệp trước khi về Việt Nam

Hướng dẫn đi chuyến này là nhân viên của Tập đoàn CP, chị Tuyền, Việt kiều Thái hồi hương những năm 1960, nay làm việc cho CP tại Việt Nam. Khi đến sân bay ở Băng Cốc, thấy quầy bán vé Vietnam Airlines đặt khiêm tốn trong một góc, sơ ý khó thấy, chị Tuyền nói với tôi: “Thấy tội nghiệp cho Hàng không mình quá!”. Tôi buồn rầu gật đầu. Nhưng sang 2016-2017 rộ thông tin sân bay Tân Sơn Nhất không đủ sức cho máy bay quốc tế, quốc nội lên xuống, thậm chí phải bay xuống Cần Thơ “ngủ nhờ qua đêm”, còn những năm 1989-1990 khi ra quốc lộ Một – Tiền Giang là tôi thầm đếm kiểu tính rợ (tính nhẩm) xe tải, xe du lịch biển trắng và thèm được thấy hai loại xe này tăng nhanh, vì đó là chỉ dấu của sức khỏe kinh tế. Nhưng sau những năm 2.000 thì không đủ đường cho xe chạy. Bốn mươi năm không xong môt con đường Quốc lộ mà còn băm nát ra từng khúc bán cho BOT! Tôi có viết một bài mà không báo nào đăng: “Bốn mươi năm không ra khỏi cánh đồng”, nội dung tất nhiên không chỉ đề cập chỉ cái tệ của giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, v.v.

Cuối tháng 9 đầu tháng 10.1993, tôi đi nước Nga ở ba tuần tìm chỗ bán gạo và nhân tiện tìm được để mời giáo sư bác sĩ Igor A. Kvortsov sang Việt Nam trị bịnh cho Minh Tuấn (Minh Tài), con trai tôi bị bại não do sanh đẻ như đã nói mà tôi đọc báo Tuổi Trẻ thấy quảng cáo. Anh Ba Đức là người biết chuyện, nên động viên tôi đi “một công hai chuyện”: tìm thị trường bán gạo và tìm thầy trị bịnh con trai tôi. Đến Nga, thấy người Nga chân thật, cần cù, thiếu thốn trong tình cảnh “cải tổ” thất bại, tôi rất thông cảm và thấy thật nặng lòng! Biết chúng tôi, họ đưa ngón tay cái lên khỏi đầu và nói giọng lơ lớ: “Viet-nam só một”. Tôi rất biết ơn họ và thấy như mình có lỗi, vì dựa và nhờ họ quá nhiều, góp phần gây ra cảnh này! Một buổi sáng ngày 29-9-1993, bầu trời Matxcơva mây đen vần vũ, tôi vào lăng viếng Lênin. Thấy cảnh vệ binh canh lăng có vẻ “thoải mái” khi vắng khách, tôi có cảm tưởng Lênin hình như cô quạnh hơn! Tôi về nước được một tuần, trước khi Tổng thống Nga Yeltsin hạ nòng đại bác bắn vào Quốc hội. Theo nhiều người quan niệm: Thà xây cái mới, chớ xây có tánh chất sửa chữa, chắp vá là không bền vững.

Tháng 01.1994, tôi bàn với Thòn – Giám đốc Công ty Bảo vệ thực vật xuất kinh phí của Công ty đi Philippines để nghiên cứu nơi có trình độ sản xuất, hợp tác nghe nói giống như ở Việt Nam. Đến nơi, thấy đúng là trình độ và tổ chức sản xuất cũng như đời sống của nông dân Phi so với ta là tương đương, mặc dù họ có Viện Lúa quốc tế IRRI, Viện Lúa Quốc gia và dân cư họ có vốn tiếng Anh tốt hơn, là một lợi thế hội nhập. Song họ bị bão tố hàng năm nặng nề hơn ta gấp nhiều lần; quan hệ sản xuất về đất đai vẫn còn chế độ địa chủ phát canh, thu tô; chế độ độc tài ngự trị suốt gần trăm năm, cho đến thế kỷ 21; lực lượng Hồi giáo Mô-rô có vũ trang ly khai, cát cứ ở miền Nam; kế hoạch sanh đẻ bị chống đối nên dân số tăng quá nhanh; vấn nạn tham nhũng còn đầy trời, nhưng chủ yếu là ở Chánh quyền cấp cao và các doanh nhiệp nhà nước. Tại Manila, tôi đến thăm IRRI, gặp lại Tiến sĩ Tô Phúc Tường, bạn thân quen ở bên nhà trong các lần công tác, hội thảo; được Tổng Giám đốc Bernado tiếp và gặp Tiến sĩ Scusts (người Ấn Độ, Trưởng bộ môn Di truyền của Viện) cùng một số nhà thực vật học trao đổi nhiều về khoa học kỹ thuật rất bổ ích. Tôi hỏi Tiến sĩ Scusts, sao không làm giống gạo thơm. Ông nói, nhiệm vụ của IRRI là làm giống lúa cho người nghèo. Hay thật! Phụ nữ Phi có lối ăn mặc rất kín đáo, mặc áo không hở cổ, vậy mà khi cúi mình xuống hoặc khom người bước lên xe, bao giờ họ cũng lấy tay chận cổ áo như sợ ai thấy… ngực! Nhớ hôm trước khi đi, có Công ty xin phép tôi nuôi thử ốc bươu vàng do công ty Đài Loan tổ chức nuôi ở Kiên Giang để xuất khẩu, nghe nói loài ốc này nó có ở Philippines, tôi nói để tôi đi về mới quyết. Ngay khi bước chân xuống sân bay quốc tế Aquino, trên đường về khách sạn, trứng ốc đỏ trên nắp cống thoát nước, trên thân lúa và cây cỏ… tôi phát rùng mình và nói với Thòn: “Khi về, tao sẽ cấm nuôi thứ này. Ai cãi sẽ biết tay!”. Khi về, tôi viết chỉ thị cấm và giao cho anh Tư Hiếu mới về làm Giám đốc Sở Nông nghiệp triển khai. Tội nghiệp, anh Tư Hiếu báo lại tôi, là “bị các cụ về hưu chửi cho là ngu!”. Vậy mà, ai vu cáo không biết, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho Thanh tra Chánh phủ xuống quần tôi quá trời; đến khi tôi trưng cái chỉ thị tôi ký ra, họ bị quê mà cũng không khen tôi một lời. Chán thật!

clip_image010

Cùng TS. Tô Phúc Tường tại IRRI

Từ 14 đến 21-9-1995, cùng với Ngô Phước Hậu Agifish đi Đài Loan, gặp Huỳnh Quang Đấu Giám đốc Antesco cùng lúc vừa sang học kinh nghiệm trồng và chế biến rau đậu xuất khẩu; gặp lại Chương, lần này là tại quê anh và anh đưa chúng tôi về cửa hàng ăn, nói là của anh để chiêu đãi, rất vui. Nhắc lại lần gặp trước, cũng là ngày Liên Xô sụp đổ qua hình ảnh Góc-ba-chốp trên truyền hình, anh thong thả nói tiếp: “Ở đây, bây giờ đỡ rồi, chớ mấy năm trước, các ông mà cầm cây mía là bị cảnh sát hỏi rồi đấy”. Tôi hỏi sao vậy? Anh giải thích: “Chính quyền Đài Loan ưu đãi thổ dân và nông dân Đài Loan cực kỳ. Họ quốc doanh và độc quyền các mặt hàng: gạo, muối, đường (cả mía) và rượu, bia, thuốc lá. Chỉ có hợp tác xã mới là chân rết của quốc doanh bán các mặt hàng ấy; họ lấy siêu lợi nhuận của rượu, bia, thuốc là để bù lỗ cho gạo, muối, đường để bảo đảm quyền lợi cho nông dân và ổn định kinh tế, ổn định xã hội”. Tôi đến tham quan các loại hợp tác xã, kể cả hợp tác xã rau-quả-củ, chợ rau-củ-quả bên cạnh hợp tác xã do nông dân tự sản tự tiêu, nhưng nếu có ế thì bán cho hợp tác xã, Chánh phủ mua cho lính ăn, nông dân không bị thiệt. Bắp vàng là nguyên liệu chính chế biến thức ăn gia súc, nhập khẩu từ Mỹ rất rẻ, nhưng để khuyến khích sản xuất trong nước, họ hợp đồng với hợp tác xã trồng bắp lai với giá cao hơn nhập khẩu, bằng giá lúa họ thu mua, nhưng lại thưởng thêm bằng tiền một tấn lúa! Chế độ hợp tác xã ở đây mà tôi đến tham quan cũng là loại siêu cao cấp hơn so với Việt Nam. Hợp tác hoàn toàn tự nguyện trên quan hệ kinh tế – xã hội, làm tăng giá trị sản phẩm; không như của phe xã hội chủ nghĩa: Hợp tác đồng nghĩa với tập thể, nghĩa là chánh trị – xã hội – kinh tế, ba trong một. Sản phẩm cuối cùng của chế độ hợp tác xã ở Đài Loan là nông thôn (nhà cửa và hạ tầng, dịch vụ đi kèm) như ở thành thị; sản xuất nông nghiệp đã hoàn thành hợp tác hóa, cơ giới hóa, điện khí hóa và sinh học hóa, nhất là về giống mới. Viện Rau quả Á Châu của họ đúng là cơ sở lai tạo giống cây trồng lớn nhất ở Châu Á lúc bấy giờ. Nông dân là người bản địa còn ăn trầu, mặc quần cụt “phá lấu”, mang dép quai kẹp (như dép Lào) nhưng ở biệt thự, lái xe du lịch đời mới, phổ biến là Mercedez, BMW.

Đài Loan là đảo thuộc địa của Hà Lan, Nhật Bản chớ không phải liên tục gắn liền với Đại lục; ngày tàn quân Quốc Dân Đảng chạy ra đây thật thê thảm, vậy mà so với Đại lục, nông dân Đài Loan đang ở “Thiên đường” trên mặt đất. Thời gian họ Tưởng độc tài khoảng hơn 30 năm là đủ để cho họ xây dựng dân trí, nền tảng pháp lý và cơ sở hạ tầng, kể cả việc phục hồi và bảo vệ môi trường sinh thái theo tiến trình: “Quân chính, Huấn chính, Hiến chính” để thực hiện lý tưởng “Tam dân” của Quốc phụ Tôn Trung Sơn của họ một cách có chất lượng. Đài Loan và các nước thân Mỹ, tôi ngỡ là được Mỹ “nuôi” mới giàu, nhưng đến nơi mới biết họ không nuôi như Liên Xô nuôi phe nhà, càng nuôi càng yếu, càng dở mọi mặt. Mỹ chỉ giúp các nước “đàn em” bằng cách mở mang đầu óc, hỗ trợ kỹ thuật và nhất là tạo điều kiện cho hàng hóa các nước này bán vào Mỹ. Được bán hàng vào Mỹ theo tiêu chuẩn “Tối huệ quốc” cũng đủ giàu rồi. Càng giàu, họ càng giỏi làm ăn và tính toán. Kết thúc thế hệ độc tài cuối cùng của Trung Hoa Dân quốc là sau khi nắp quan tài của Tưởng Kinh Quốc đóng lại, bà Tống Mỹ Linh, góa phụ Tưởng Giới Thạch tuyên bố: “Kết thúc kỷ nguyên họ Tưởng” và bà vĩnh viễn không trở lại đảo quốc này nữa. Nền dân chủ đa nguyên – đa đảng của Đài Loan đã đủ sức để tồn tại và phát triển như ta thấy. Nhớ việc Thủ tướng Anh Thatcher ký với Đặng Tiểu Bình trả Hongkong cho Trung Quốc 1997, tôi hỏi anh bạn Đài Loan nghĩ gì? Ý tôi, xem anh ta có sợ rồi đây Đài Loan cũng sẽ bị sáp nhập? Nhưng anh ta trả lời: “Người Trung Quốc ở đâu cũng là người Trung Quốc!”, làm tôi cũng ngẩn ngơ! Họ có lập trường dân tộc rõ ràng, kể cả Đảng Cộng sản Trung Hoa bản chất cũng vậy thôi; nhưng bên ngoài, họ nói gạt cả thế giới, chủ yếu là gạt Việt Nam ở gần họ, rằng: “Vô sản toàn thế giới đoàn kết lại”. Tôi thầm khen “Mèo ở đâu cũng là mèo”. Và tôi tiên lượng rằng: Hai mươi năm sau, Trung Hoa Cộng sản sẽ tạc tượng thờ Tưởng Giới Thạch, vì nhờ ông không tuyên bố tách Đài Loan ra để độc lập với lục địa nên bây giờ “Đài Loan sẽ mãi là một bộ phận lãnh thổ không chia cắt”.

Tháng 3.1996, tôi bàn với Thòn tổ chức đi Malaysia bằng kinh phí của Công ty để tìm hiểu về xây dựng các khu dân cư nông thôn qua hình ảnh “Ấp chiến lược” ngày xưa họ chiến thắng du kích Mao-ít (Maoism) mà tôi đã chỉ đạo làm Dự án thí điểm chống ngập cho xã Nhơn Hưng. Tôi chọn mời chị Võ Mai, tiến sĩ nông học, giỏi tiếng Anh chuyên ngành để phiên dịch nhanh và chính xác. Tôi cũng mời anh Ba Trung (Chủ tịch), Thanh Vân (Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh) cùng đi để nghiên cứu về nông nghiệp và xây dựng nông thôn mà vai trò Hiệp hội Nông dân của Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất, tức đảng cầm quyền UMNO (United Malays National Organisation) rất mạnh. Tôi nghĩ rằng, trình độ phát triển của họ còn gần gũi với Việt Nam, dễ học hỏi hơn Đài Loan. Đúng là tại Malaysia, chúng tôi học được nhiều việc và kiểm định lại việc mình đang làm là đúng hướng và tiếp tục nâng lên như việc tổ chức Đại hội Nông dân giỏi và công tác tổ chức lại sản xuất, công tác xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, việc họ xây dựng “Dự án MADA”, như kiểu “Vùng kinh tế mới” của ta khi xưa, ở ba tiểu bang nghèo nhất miền Nam Malaysia, rất hay. Tôi càng củng cố quyết tâm thực hiện các khu dân cư vượt nước đang bắt đầu ở An Giang như mô hình “ấp chiến lược” khi xưa nhưng mục đích là tạo điều kiện sống văn hóa, văn minh hơn mà thôi. Vai trò Hội Nông dân ở Malaysia đặc biệt nổi bật trong sự phối hợp với Bộ Nông nghiệp để lo cho nông dân gần như toàn diện. Bộ chỉ lo về hành chánh – khoa học – kỹ thuật là chính. Malaysia là Nhà nước Liên bang Hồi giáo nhưng tôn trọng đa tôn giáo, đa văn hóa, đa sắc tộc, đa thể chế (vừa Quân chủ vừa Cộng hòa) và đa thê mà họ sống rất hòa bình, hòa thuận và hạnh phúc.

Một tuần sau khi đi Malaiysia về, tôi và Công ty AFIEX đi Indonesia để dọ mua thiết bị làm tinh bột và tham quan vùng trồng khoai mì. Sau khi đến văn phòng Công ty Tatung ở Jarkarta chiều 25.3, sáng hôm sau, chúng tôi đi máy bay do Indonesia sản xuất để đến vùng trồng khoai mì nằm ở đảo Sumatra. Khi đi đường bộ vào nông trường, trên xe của khách sạn có Ngô Vi Nghĩa, Phạm Văn Bảy và Phan Văn Mì… đi sau. Tôi đi xe của Công ty Tatung trước. Khi không thấy xe sau, chúng tôi vào quán nước bên đường ngồi chờ. Bỗng có hai vợ chồng người địa phương chạy xe gắn máy huốt qua; thấy chúng tôi, họ quay lại hỏi “Phải Việt Nam không?”, rồi nói “Có xe Việt Nam bị lật ở sau”. Chúng tôi quày xe trở lại, thấy anh em mình bình an, rất mừng. Thấy cách cảnh sát chận xe nhờ cứu hộ, nhất là khi về khách sạn gặp hai cô chủ nhỏ (hình như chị em sinh đôi) ra đón chúng tôi mừng như đón người thân… tôi có nhận xét là dân Hồi giáo ở Indonesia và Malaysia rất hiền và rất dễ thân thiện. Tôi cũng phát hiện cảnh sát họ có “ăn vặt” nhưng cũng rất công khai, “dễ thương” lắm. Sau khi xe được cứu hộ, chúng tôi “Thank you!” để đi, họ ra hiệu dừng lại và nói phải trả tiền công, hình như vài chục “đô” gì đó, nhưng anh ta không đưa cho tài xế xe cứu hộ mà bỏ vào túi, và tài xế xe cứu hộ cũng vui vẻ “Goodbye”. Đặc biệt, trên đường đi vào vùng trồng khoai mì, sáng sớm hôm ấy thấy con chồn mướp bị xe cán chết mới đó mà đến chiều về vẫn còn nguyên, đủ biết dân ở đây họ ăn rất kiêng khem và họ cũng rất lành tính. Vào nông trường, gặp tay người Đài Loan, từng làm việc ở Trại giống Mỹ Thới – Long Xuyên trước 1975. Khi ta vào Long Xuyên, anh ta cũng được điều sang đây làm Giám đốc Nông trường và có thêm vợ cùng nhiều con ở đây. Tôi hỏi: Khi về Đài Loan có đem hết về không? Anh ta lắc đầu và tôi cũng lắc đầu… cười!

clip_image012

Khoai mì tại Nông trường của Nhà máy Ta Tung ở Indonesia. Ảnh chụp 26-3-1996.

Qua mấy ngày quan sát, thấy thiết bị không hiện đại, tôi kêu Phạm Văn Bảy (Giám đốc AFIEX) nói: “Toàn bộ phí ở đây ta chi hết, đừng để họ chi, rồi khó cho ta khi đàm phán. Có khả năng ta sẽ không mua thiết bị của công ty này, vì nó thua của Thái Lan”. Trước khi về, anh cán bộ Thủy lợi của ta ở Hà Nội về hưu đang làm cho Công ty Tatung nói riêng với tôi: “Tôi từng dẫn nhiều đoàn Việt Nam ta sang đây, thật tình, chỉ có đoàn các anh là không giống các đoàn trước. Trước khi ký hợp đồng mua bao giờ họ cũng đòi từ 10 đến 20%, thậm chí 30% “lại quả”. Công ty này họ nói chỉ chịu 5% thôi, còn hơn nữa là phải chia hai thuế của số % cao hơn đó…”. Đúng là không ai như chúng tôi, họ hứa họ bao hết chi phí ở Indonesia mà ta lại không cho, thì “lạ” thật!

Sau khi đi Đài Loan, tôi đi nước Đức thống nhất, Pháp, Bỉ, Hà Lan theo lời mời của giám đốc cảng Rotterdam Hà Lan, liên kết dọ mua xáng thổi (tàu hút bùn) và cả trực thăng cứu thương do lúc ở nhà anh Năm Đình gợi ý, nhưng không thành. Thấy các nước Tây Âu họ đã bỏ ta quá xa, từ đó tôi không thích đi các nước đã phát triển mà chỉ đi những nước mà mình có thể tìm được hình ảnh gần gũi để học, thí dụ tôi xây dựng chức danh “Kỹ thuật viên nông nghiệp xã” nghĩ là mới, nhưng khi đến Thái Lan thì họ đã có trước ta rồi. Việc tôi cho lập “Tổ Nông nghiệp xã” và dựng “Bảng Thông tin Nông nghiệp xã” là nghe đài Hà Nội nói Thái Lan lập “Phòng Thông tin nông nghiệp xã”, nhưng khi đến Thái thì họ đã nâng cấp, từ “Phát triển nông nghiệp” lên “Trung tâm Phát triển” – toàn diện, cao hơn khi mình nghe và học tập họ. Đến Malaysia thăm hợp tác xã nuôi tôm thì đã nghe họ nói: “Rút kinh nghiệm Đài Loan, Thái Lan nuôi tôm bị dịch bịnh”, họ thiết kế ao lắng và hai đường cấp thoát nước riêng để tránh lây nhiễm thế nào… Họ rất chân thành, không giấu dốt! Và tôi cũng học ở họ, nhưng mãi năm năm sau, đến khi làm Chủ tịch Ủy ban tỉnh mới đề xuất chức danh “Giám đốc HTX” trong đề án “Tổ chức lại Sản xuất – Liên kết Bốn nhà” – tháng 8 năm 2.001.

Tâm tình từ mỗi chuyến đi

Sau khi đi Nga cuối năm 1993 để bán gạo, tôi lại có kế hoạch lần lượt đi các nước mới đang phát triển, tôi so sánh ta bằng hoặc hơn Philippines về quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn. Về “Tam nông”, tôi nhận xét: ta chỉ có tham khảo Thái Lan, học và phấn đấu 30 năm sau bằng Malaysia, 50 năm sau bằng Đài Loan với điều kiện họ không tiến lên nữa. Những chủ trương của tôi cụ thể hóa “Tam nông” của Tỉnh ủy về sản xuất nông nghiệp, về khuyến nông, về khai hoang – kinh tế mới, về hợp tác xã, về xây dựng nông thôn mới, về chuyển dịch kinh tế nông nghiệp, về tổ chức thị trường nông – thủy sản, v.v. bắt nguồn từ thông tin mà tôi thu thập được qua báo, đài, qua tiếp xúc các viện, trường trong và ngoài nước mà suy nghĩ và làm. Tôi nghĩ rằng, cuộc sống có qui luật của nó, những việc tôi đề xuất, tôi trực tiếp làm có kết quả là vì nó theo tự nhiên thôi, dân hễ được tự do thì có sáng tạo. Người cầm quyền cần tạo điều kiện mở mang dân trí và bảo đảm quyền tự do, dân chủ thì sẽ có phát triển. Tôi đi các nơi cần đến để kiểm định lại suy nghĩ và việc làm của mình có khác ai không, để tìm cái lý của nó. Tôi cũng không ngại bị đánh giá “tự diễn biến”, mà nói lại những kinh nghiệm mình rút ra được qua mắt thấy tai nghe ở những nơi mình đến là các nước tư bản để anh em mình cùng tham khảo. Vậy mà, có người cũng sợ giùm tôi! Trời ơi, người ta làm hay, mình khen để học, làm lợi cho dân mình mà cũng sợ bị đánh giá; đúng là “sợ ma” rồi ta tự ru ngủ, trước khi “ngu dân hóa”. Theo tôi, đó là lý do của khoảng cách Việt Nam so với Thái Lan, Malaysia và Đài Loan mà tôi ước chừng như vừa nói. Chuyến đi Hàn Quốc với Thủ tướng Phan Văn Khải có các Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc (Quảng Nam), Nguyễn Văn Tiến (Tây Ninh)… tôi hiểu Thủ tướng rất quí những anh em ở các tỉnh năng nổ, nên cho tháp tùng. Nhân Tổng thống Hàn tiếp Thủ tướng ta và đoàn, họ làm Quốc yến tại Phủ Tổng thống rất văn minh lịch sự. Trong bàn tôi, có một anh bạn Hàn trẻ nói tiếng Việt rất rành, hình như nghiên cứu Việt Nam học gì đó, nói một câu chân tình mà tôi khổ tâm ám ảnh không thôi: “Mẹ tôi từng nói: ‘Việt Nam những năm 1960 (Sài Gòn) giàu hơn mình’. Nhưng tôi không hiểu, vì sao bây giờ như vầy?”. Hôm đến thăm Tập đoàn Hyundai, có người giải thích khẩu hiệu mà họ khắc nổi vắt ngang tầng thượng: “Chúng tôi âm thầm làm thay đổi thế giới”, đúng là đáng nể: Sự thay đổi của họ làm thay đổi thế giới rất rõ mà họ chỉ “âm thầm”, còn ta, theo như nói: “đến năm 2020, cơ bản công nghiệp hóa theo hướng hiện đại”, mà 2014 này, chưa làm nổi con ốc nào cho Samsung nhưng lại “ồn ào” quá! Hồi những năm 90 của thế kỷ 20, thấy Hàn Quốc sản xuất xe hơi Hyundai và nhất là điện tử Samsung, tôi nói họ cạnh tranh với Nhật là “đụng đầu vô đá”, vậy mà sau 30 năm, đá phải sứt mẻ mới kinh!

Một vấn đề có tính chánh trị khác mà tôi quan tâm: Tại các nước “anh em”, người Việt của mình sao không được nhập tịch, như ở Cuba, anh Xuân (bác sĩ) có vợ người Cuba, có hai con và làm việc ở Viện Sinh học từ ngày mới ra trường Y của Cuba, vậy mà không được nhập quốc tịch. Trong khi đó, tôi vào Bộ Quốc phòng bàn việc bán gạo, gặp Thiếu tá Phong (người Hoa 100%), mấy tiệm ăn tư nhân ít ỏi nếu không nói duy nhất ở La Habana mà tôi biết cũng là người Hoa đã nhập quốc tịch, họ được ưu ái hơn kiều dân khác. Trung Quốc có mối quan hệ láng giềng với ta, có 1.000 năm nô dịch, đồng hóa dân ta; vậy mà trên đất họ, ta không có Việt kiều đúng nghĩa; còn trên đất ta, người Hoa được nâng lên hàng dân tộc thiểu số? Người Pháp, hơn 80 năm nô dịch dân ta, khi thua trận cũng cưu mang đùm bọc đến hàng trăm ngàn người Việt mà phần đông có mối quan hệ với họ. Riêng Mỹ, chiến tranh với ta chỉ 15 năm, khi rút lui cũng đùm bọc hàng triệu người Việt trên đất họ. Các nước Bắc Âu, Tây Âu, Úc, Canada… cũng cho nhập tịch ở mỗi nước hàng chục ngàn người Việt di tản và người Việt ở các nước “cựu thù”, họ đều thành đạt, làm đến Phó Thủ tướng Đức, Thiếu tướng quân lực Mỹ… là sao? Còn người Việt ở trên những nước bạn (cũ) như Liên Xô (cũ) Đông Âu (cũ), và đặc biệt là Campuchia nặng nghĩa ân tình, thì như thế nào?

Ngoài những chuyến đi vừa kể cần thiết để mở mang và học hỏi, tôi còn được mời đi không dưới một chục lần ra nước ngoài chơi, kể cả khi tôi đã về hưu, có khi mời cả gia đình, nhưng tôi không đi. Đi chơi là để vui, để biết kỳ quan và cảnh đẹp, nhưng không thắng cảnh nào hơn ở quê mình vì nó trong mắt trong tim mình hàng ngày, cảnh xứ người đẹp mấy rồi cũng phai. Câu “Thú vui phần tử đâu bì được hơn” trong bài ám đọc hồi thuở học trò cứ âm âm trong tôi. Nước mình còn nghèo, đi thấy các nước giàu hơn, công dân họ được tôn trọng hơn, tôi cảm thấy xấu hổ đến ê mặt ê lòng, vui gì mà chơi. Tôi quan niệm đi ra ngoài là để “mở mắt” chớ không phải để “rửa mắt”. Đi những nước gần giống mình mới có dịp soi rọi thấy mình, như Thái Lan mà tôi rất quan tâm là vì dưới triều Gia Long – Minh Mạng (1820) Việt Nam ta hơn họ về qui mô kinh tế (GDP) khoảng 1,5 lần (theo Bộ trưởng Kế hoạch Bùi Quang Vinh), còn bây giờ, gần 200 năm sau ta chỉ bằng 1/3 Thái Lan là sao? Ngay như lên Campuchia, thấy bà con Việt kiều mình bị phân biệt đối xử, đi xin ăn hoặc làm những nghề “hạ đẳng”… thua cả người dân nghèo Campuchia. Vậy mà, Việt Nam từng được tiếng là đi cứu họ thoát họa diệt chủng để nhận cái giá bị Trung Cộng đánh sau lưng tàn khốc và ta bị Quốc tế cô lập hàng chục năm. Tôi đau lắm và tôi dám nói ra! Tội nghiệp, có người cũng chỉ mới có cảm tưởng “xấu hổ” bị ném đá tơi bời.

Kết thúc nhiệm kỳ Ủy ban tỉnh (1999), tôi cũng cơ bản hoàn thành ước nguyện của mình kể từ khi nhận nhiệm vụ làm Giám đốc Sở Nông nghiệp rồi Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế, Phó Chủ tịch Thường trực, tổng cộng có 12 năm trực tiếp làm Trưởng ban chỉ đạo “Chương trình Khai thác Tứ giác Long Xuyên” và phụ trách “Tam nông” của tỉnh, góp phần khai hoang phục hóa toàn bộ đất nông nghiệp; đưa sản xuất nông nghiệp từ một vụ là phổ biến lên hai vụ toàn tỉnh; lượng lúa từ non một triệu tấn lên ba triệu tấn; xuất khẩu trên 600 ngàn tấn gạo/năm; trồng rừng phủ xanh đồi núi trọc; đưa nước sản xuất vùng cao; thoát lũ ra biển Tây, đưa nước ngọt phù sa vào tận rốn Tứ giác Long Xuyên; tranh thủ được Thủ tướng điều chỉnh cho An Giang 9.000 ha đất nông nghiệp, lập thêm hai xã mới; trên cơ sở sản xuất phát triển, đời sống nông dân được nâng lên rõ rệt nhờ thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân cùng làm”, xây dựng các cụm tuyến dân cư, trường học, trạm xá, điện nước, v.v. Nông thôn khởi sắc. Ngay cả nguyện vọng ban đầu của tôi: Trình độ canh tác của nông dân và năng suất lúa vùng Tứ giác ngang bằng với ba huyện cù lao; nông dân bỏ thói quen tự để giống mà phải mua lúa giống xác nhận; điện khí hóa và cơ giới hóa từ khâu làm đất, tưới tiêu, thu hoạch và sấy lúa… cũng đã thực hiện mỗi năm một nâng lên theo hướng hiện đại. Đồng bào Khơ-me và người nghèo đều được giải phóng đôi vai, không còn ai mặc quần áo vá, không còn đi chân trần… Phần lớn ý tưởng ban đầu, sau hơn 10 năm phấn đấu cùng Đảng bộ và nhân dân đạt được, tôi có phần toại nguyện! Thành công, nói cho công bằng là chỉ ở từ giai đoạn “Đổi mới”, trước hết là từ sản xuất nông nghiệp và nhờ cách làm theo như thông lệ xưa nay mà các nước khu vực ASEAN họ làm không gián đoạn nên đi trước ta hàng chục năm, còn ta cứ hết chiến tranh lại đến cách mạng nên chậm bước. Đổi mới hợp với nguyện vọng, trình độ, năng lực của người dân. Gọi tắt là hợp lòng dân. Có người còn ví von: “Đổi mới như về cũ” là vậy!

N.M.N.

Comments are closed.