Đêm giao thừa đọc sách

Lê Học Lãnh Vân

Mở toang cửa cái vào phút giao hòa trời đất, chuyển biến thời gian, thắp cây hương cúng Giao Thừa, trong lúc truyền hình văng vẳng đưa lời chúc Tết của Chủ tịch nước, tôi mở FB…

1)

Trang của Lý Đợi, ngày 24/1/2020, nhắc một bài thơ chữ Hán của Cao Bá Quát (1809-1854).

XUÂN DẠ ĐỘC THƯ (Cao Bá Quát)

Kim nhân bất kiến cổ thời xuân,

Trù trướng kim xuân đối cố nhân.

Thế sự kỷ hà kim bất cổ?

Nhãn tiền mạc nhận huyễn vi chân.

Kỷ đa danh lợi chung triêu vũ,

Vô số anh hùng nhất tụ trần.

Tự tiếu tục câu phao vị đắc,

Nhĩ lai huề quyển thái chuân chuân.

Dịch nghĩa: ĐỌC SÁCH ĐÊM XUÂN (Phạm Khắc Trí, theo FB Lý Đợi)

Người nay không thấy thời xuân trước

Xuân mới, người xưa, luống ngậm ngùi

Thế sự bao điều nghĩ là mới mà thực ra là đã cũ

Trước mắt chớ vội nhầm những chuyện hư là chuyện thực

Lòng ham lợi danh đã tiêu tan sau cơn mưa sáng

Vô số anh hùng chỉ còn là cát bụi trần

Tự cười mình vẫn vướng thói đời chưa bỏ được

Gần đây, mỗi khi cầm sách lên đọc lại nghĩ miên man.

Đã đọc bài thơ chứa nhiều nỗi niềm này, phút giao thừa đọc lại càng đồng cảm. Trong đêm dịch ra tiếng Việt như sau:

Dịch thơ: ĐỌC SÁCH ĐÊM XUÂN (Lê Học Lãnh Vân)

Người nay đâu thấy xuân xưa

Xuân nay đối ngẫm người xưa bồi hồi

Thực hư lẫn lộn sự đời

Chuyện mình tưởng mới, có rồi ngàn xưa!

Lợi danh trôi hết sau mưa

Anh hùng chớp mắt giấc mơ bụi hồng

Tự cười chưa thoát đục trong

Mỗi khi giở sách tấc lòng phân vân

2)

Người nay đâu thấy xuân xưa

Xuân giờ đối ngẫm người xưa bồi hồi

Chuyện cổ-kim có lẽ là câu chuyện tự ngàn xưa cảm khái. Trần Tử Ngang từng ngơ ngẩn nhìn trời đất mang mang mà rơi lệ. Tiền bất kiến cổ nhân (Trước không thấy người xưa), Hậu bất kiến lai giả (Sau không thấy người mới tới)…

Trong tấm lòng xưa nay của Cao Bá Quát, ta thấy không chỉ niềm thương cảm phận người ngắn ngủi giữa vô cùng mà còn biết bao trầm ngâm thế sự qua hai câu mở đề trên kia…

Thực hư lẫn lộn sự đời

Chuyện mình tưởng mới, có rồi nghìn xưa!

Cao Bá Quát làm quan trong giai đoạn Pháp sắp sửa tấn công Việt Nam, lúc đó Việt Nam đã tiếp xúc khá nhiều với Phương Tây, triều đình Minh Mệnh đã nghiên cứu đóng tàu bọc đồng… Trong thời cuộc của sự va chạm dữ dội giữa Tây và Đông, Kim và Cổ, đâu dễ phân một chuyện là Chân (Thực) hay Huyễn (Hư), là Cổ hay Tân… Triều đình nên mở hay đóng cửa với Phương Tây? Để tự do truyền đạo hay cấm đạo? Thanh triều, dù cách quản lý xã hội đã quá cũ so với Anh Pháp Đức…, có vẫn còn là thiên triều để nước Việt ngóng về?… Sự ngơ ngác và não trạng chư hầu của một dân tộc, có đáng thương không, phải chăng kéo dài tới tận bây giờ? Chủ nghĩa xã hội và sự thực hiện nó là Chân hay là Huyễn? Dùng bạo lực công nông giành độc lập dân tộc sau thế chiến thứ hai, khi nhân loại bước vào thời kỳ phát triển và khai sáng mới, là Hữu Lý hay Vô Minh? Trung Hoa phải chăng là vận mệnh đen đủi Việt Nam ngàn đời không thoát được như lời than của một số người? Và gần đây, chính sách Đổi Mới của Việt Nam là sáng kiến vĩ đại hay là chuyện thế giới đã biết và áp dụng từ lâu?

Lợi danh trôi hết sau mưa

Anh hùng chớp mắt giấc mơ bụi hồng!

Tự cười chưa thoát đục trong

Mỗi khi giở sách tấc lòng phân vân

Nguyễn Tri Phương, Phan Thanh Giản, Nguyễn Trường Tộ, Trần Tiễn Thành, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc, Bùi Quang Chiêu, Phạm Quỳnh, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Hoàng Xuân Hãn, Lê Duẩn, Võ Văn Kiệt… những con người đại diện núi sông, hoặc thổi luồng gió tư tưởng canh tân khai dân trí, hoặc đứng đầu thể chế, hoặc cầm quân chiến công lừng lẫy, hoặc lãnh đạo dân tộc một thời… kẻ trước người sau đi vào cát bụi!

Rất nhiều người trong họ kết thúc cuộc đời trong bi thảm hoặc bất như ý. Cũng đúng thôi, vì tất thảy đều là đại diện cho dân tộc trong thời gian thất bại! Nếu đứng lùi xa một tí ta sẽ thấy từ năm 1862 tới nay, dân Việt nhìn chung luôn thất bại. Nếu lấy mục tiêu là phát triển dân tộc để xét thành quả, có phải tới giờ người Việt chưa thành công? Một vài khoảnh khắc lóe lên, tưởng là thành công, lại khởi đầu cho chuỗi thất bại tiếp theo. Tiếp theo cuộc cách mạng Tháng Tám 1945 là cuộc chiến 30 năm với hai phần ba thời gian người Việt giết người Việt gây cảnh núi xương sông máu, tự tiêu mòn sinh lực tổ quốc! Tiếp theo ngày thống nhất gian sơn “vui sao nước mắt lại trào” là cuộc di tản chưa từng có trong lịch sử, những hồng cầu đầy sinh lực tuôn chảy khỏi cơ thể tổ quốc và 45 năm sau đó khoảng cách lạc hậu của Việt Nam so với lân bang ngày càng lớn với nhiều vấn đề của một nền đạo đức suy thoái!

Cao Bá Quát cầm quyển sách phân vân, tự cười mình và xã hội mình chưa thoát vòng quyền lợi nhỏ bé, đắm mình trong văn chương tám vế trò chơi con nít, trong kinh sách thánh hiền giam cầm tâm hồn và kiến thức… Kẻ hậu sinh hôm nay, trăm rưởi năm sau, không biết có nên cười mình và xã hội mình vẫn còn loay hoay với câu hỏi độc nguyên hay đa nguyên, độc tài hay dân chủ, đảng phái hay quốc gia, vẫn còn bức hiếp nhau vì miếng thịt mỡ trên chiếu làng mà đắp tai với kiến thức nhân loại, vẫn còn chưa dám bước chân ra khỏi căn phòng nhỏ hẹp tối tăm để hòa mình vào ánh sáng dưới bầu trời cao rộng ngoài kia…

Phải chăng sau một danh sách dài dằng dặc những anh hùng di hận kỷ thiên niên (anh hùng để hận ngàn năm) (Nguyễn Trãi), dân tộc này vẫn còn ngơ ngác?

Ngày 25 tháng 1 năm 2020

Comments are closed.