Tình đồng bào bị tử thương

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

Chiều tối 29 Tết Canh Tý, tôi tới thăm gia đình nhà văn lão tướng Hoàng Quốc Hải – nhà văn mà tôi hằng quý mến, và đặc biệt kính phục bởi những bài viết của ông về thế sự suốt hơn chục năm qua… Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng, vợ ông đắp chăn trong ánh đèn ngủ, còn ông về quê chưa ra. Căn nhà vắng lạnh, không có chút gì của không khí đón Tết. Thấy tôi đến, bà vui lên chút, rồi thấy tôi hơi ngỡ ngàng nhìn quanh, bà bảo: “Năm nay anh chị không đào quất gì em ạ… Buồn quá… Cứ nghĩ tới bà con Đồng Tâm năm nay chẳng có Tết, nhà cửa tan hoang, gia đình tan tác, xóm làng bị bao vây, anh chị chỉ muốn ứa nước mắt…”.

Lòng tôi cũng bất chợt rưng rưng. Nỗi buồn ấy, tôi đã gặp buổi sáng ở một người trung niên lái taxi trên đường về quê vợ… Ôi, cái tình Đồng bào ăn sâu trong lòng mỗi người dân Việt – từ một người lao động đơn giản tới một trí thức tên tuổi… Cái tình Đồng bào trong một chế độ mang danh Xã hội chủ nghĩa với bao lý tưởng nhân đạo cao quý mà tôi được thụ hưởng suốt những năm cắp sách tới trường rồi sau đó đã gắng đem tới cho bao lớp học sinh sinh viên của mình, cái tình Đồng bào ấy nhiều năm nay bị lên án, bị săn đuổi, bị truy nã, bị giết chóc… Dĩ nhiên là tôi vẫn cứ phải dạy cho con gái tôi hiểu thêm về truyền thuyết Hồng Bàng, về câu chuyện Bọc đẻ trăm trứng của Âu Cơ và Lạc Long quân, vẫn phải tiếp tục ấp ủ những bộ phim nói về các truyền thống đáng tự hào cha ông vốn được vây bọc trong màn sương linh thiêng huyền diệu và được chứng thực bằng xương máu của biết bao thế hệ người – đó là tình nghĩa Đồng bào hàng ngàn năm trên dải đất chữ S đầy thương đau này… Tình Đồng bào, nghĩa xóm làng, gắn với tình yêu ruộng đồng, tình yêu quê hương đất nước thắm thiết, bộc lộ qua những triết lý dân gian cảm động: “Thương người như thể thương thân”, “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, “Người ta là Hoa đất”, “Dẫu xây chín bậc phù đồ/ Không bằng làm phúc cứu cho một người”… đã che chở, đùm bọc dân tộc ta vượt qua bao cuộc chống chọi thiên tai, chống giặc ngoại xâm và nội xâm khốc liệt, “Lụt thì lút cả làng”, “Giặc đến nhà, đàn bà phải đánh”… Dĩ nhiên là tôi không thể đánh mất niềm tin về tình Đồng bào chân thực và cao cả ấy. Nhưng sao thấy thực xót xa…

Tôi muốn viết những vần thơ tươi xanh

Nhưng nóng viết những dòng thơ lửa cháy(1)

Ngày hôm nay máu Đồng Tâm đã chảy

Tình Đồng bào tơi tả máu lệ nhòa…

Lát nữa, sắp tới Giao thừa, tôi sẽ ngồi nói chuyện với con gái tôi về tình Đồng bào đã bị tử thương ở Đồng Tâm ra sao – dẫn tới nguy cơ đổ vỡ, sụp đổ thê thảm của tình Đồng bào trên quy mô toàn xã hội thế nào, để nó có thêm vài luận cứ để làm các bài văn nghị luận chính trị – xã hội, mặc dù nó có thể không thể dùng được trong các bài văn viết thiên về tụng ca trong nhà trường phổ thông, nhưng cũng có thể tạo nền tảng cho tương lai của nó bằng những suy nghĩ đúng đắn, xúc cảm lành mạnh cần thiết nhằm cứu giúp tình Đồng bào đang trong tình trạng ngắc ngoải, cấp cứu…

Vâng, tôi sẽ bắt đầu kể cho nó nghe, sau khi diễn ra trận đầu sức mạnh bạo lực nhà nước gồm bạo lực công an Hà Nội và bạo lực quân đội mang danh Viettel đánh lén hèn hạ nhằm thủ tiêu thủ lĩnh giữ đất của người dân Đồng Tâm ngày 15.4.2017, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã thay mặt Chính phủ phát ngôn: vụ việc ở thôn Hoành, Đồng Tâm sẽ được giải quyết rốt ráo, công bằng, nghiêm minh với cả người dân và cán bộ, bằng cách: “Nếu sai, chúng ta nhận lỗi, dân sai dân chịu trách nhiệm trước pháp luật.” Như vậy là, sự “rốt ráo, công bằng, nghiêm minh” ấy, lại cần được thể hiện ở hai cấp độ, với hai giai tầng khác biệt nhau: “Chúng ta nhận lỗi”, còn “Dân chịu trách nhiệm trước pháp luật” – dĩ nhiên là nếu pháp luật phát hiện ra cả hai bên đều sai. Người phát ngôn của Chính phủ nói như vậy là rất chân thực, sòng phẳng, và đã hồn nhiên phơi bày cái quan niệm chính thống ăn sâu vào não trạng của quan chức Việt Nam hiện đại là: Những người được coi là “dân chi phụ mẫu” và những kẻ phải làm “lê dân” là hai thực thể riêng biệt, không thể đánh lộn sòng, không thể bình đẳng! Một cái tát trời giáng vào tình Đồng bào! Cái thời “tướng sĩ một lòng phụ tử, hoà nước sông chén rượu ngọt ngào” (Hịch tướng sĩ văn) như một biểu hiện sinh động hết sức cảm động của tình Đồng bào đã là quá khứ xa lắc, đã biến thành huyền thoại từ rất lâu chỉ để dành cho học sinh học thuộc lòng lấy điểm! Đây quả là một tuyên ngôn, một lập luận có sức nặng đáng kể của quyết tâm chính trị, hệ thống pháp luật, và cả đạo đức quan chức nữa, để trở thành “bất tử” trong lịch sử xã hội – chính trị nước ta thời hội nhập! Lập luận (tuyên ngôn) này khiến chúng ta (không phải là “chúng ta” theo khái niệm và phân định rạch ròi của ông Mai Tiến Dũng) buộc phải liên tưởng tới một lập luận trong tác phẩm “Trại súc vật” nổi tiếng của George Orwell (mà NXB Hội Nhà văn ấn hành chui với cái tên “Chuyện ở nông trại”): khẩu hiệu ban đầu: “Mọi con vật sinh ra đều bình đẳng” bị phủ nhận bằng cách thêm ý mới: “Nhưng có một số con bình đẳng hơn những con khác”… Và, với phần đông dân chúng giờ đây không thế lực nào có thể bịt mắt bịt tai họ như trước kia, cái “bất tử” của lời tuyên ngôn nọ thực ra là cái “bất tử lố bịch” – theo chữ dùng của nhà văn Kundera! Đã là người đại diện cho chính thể, hẳn phải biết đòi hỏi của nhà triết học Hy Lạp cổ đại Aristotle đối với nhà lãnh đạo quốc gia, ngoài những đức tính mà mọi công dân đều có, cần có thêm một đức tính quan trọng nữa – đó là sự “khôn ngoan chính trị”! Sự “khôn ngoan chính trị” đó, được Aristotle thống kê thành sáu chức năng mà mà một Nhà nước cần có, mà “điều quan trọng nhất, là quyền lực để quyết định xem điều nào phù hợp với lợi ích chung và thế nào là công bình trong cách cư xử giữa người dân với nhau” (2). Khi đã tự coi mình là một đẳng cấp riêng bất khả xâm phạm, cao ngạo đứng trên nhân dân, để miệt thị, thậm chí lừa dối nhân dân, thì cũng tức là tự phủ nhận vai trò “Nhà nước vì dân”, đã trượt dài vào con đường tha hoá, và tự tách ra khỏi cộng đồng dân tộc thiêng liêng mang tên Đồng bào! Với cái gọi là “tuyên ngôn” trên của người “cầm cân nảy mực quốc gia”, nhiều người buộc phải tự hỏi: vâng, nếu các ông (trong nhóm người gọi là “chúng ta”) có lỗi, thì các ông sẽ xin lỗi ai? Xin lỗi Dân? Xin lỗi Chính phủ? Xin lỗi ông Trời? Xin lỗi Địa phủ? Và sẽ xin lỗi về cái gì mới được cơ chứ? Nhưng dù xin lỗi ai, xin lỗi về cái gì, thì cũng chỉ là một động thái “tạ sự”, nó ngớ ngẩn, vô nghĩa ! Nhưng về phía dân mà ông vạch rõ ranh giới, thì ông xác định hai năm rõ mười là: dân sai dân chịu trách nhiệm trước pháp luật! Về lozich nội dung, ông ta lẽ ra không thể để câu chữ “bất bình đẳng” như vậy được. Và cái “bất bình đẳng” câu chữ đó càng giúp mọi người nhận ra sự thật này: các ông đang tìm cách bao che lẫn nhau, lẩn trốn trách nhiệm, và đang âm mưu đổ hết lỗi lầm cho những người “thấp cổ bé họng” vốn chỉ có cái lỗi duy nhất là dám đứng lên bảo vệ quyền sống chính đáng của mình! Cái mệnh đề “Xin lỗi” đặt bên cạnh mệnh đề “Chịu trách nhiệm trước pháp luật” giống như một hộp xốp rỗng và hòn đá tảng đặt hai bên của cái cân luật pháp. Nhưng đằng sau lời tuyên bố rất rõ ràng của ông Mai Tiến Dũng năm ấy, chúng ta hiểu, là một quan điểm chỉ đạo thống nhất của cả một tập thể – quan điểm này thực tế đã dần dà loại bỏ, làm mất hiệu lực lời hứa có văn bản cùng dấu lăn tay cam kết của ông Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về việc không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người dân Đồng Tâm. Và chính nó là một trong những cơ sở chính trị của việc “giết chết” một cách tàn bạo tình Đồng bào hai năm sau đó. Còn lời hứa có “đọi máu” trên, dù trong hoàn cảnh “nước sôi lửa bỏng“ đó là hết sức chân thực, đáng tin cậy, và nhận được rất nhiều sự khâm phục, tán thưởng, thì trong tình thế mới kia do người phát ngôn Chính phủ tạo ra, nó bỗng trở nên chung chiêng, phải nói là bị đe doạ… Vâng, nó bị đe doạ trở thành cái mà một chính trị gia cổ đại Trung Hoa từng gọi là “sậu lệnh” (Sậu lệnh bất thành, nhân tâm nãi ngoại – nghĩa là: Lệnh vội không thực hiện được, thì lòng người hướng ra ngoài cả). Nhà văn Nguyễn Triệu Luật, trong thiên tiểu thuyết lịch sử “Loạn kiêu binh” viết vào năm 1938, đã bình luận khá kỹ càng về cái “sậu lệnh” này sau khi kể lại chuyện chúa Đoan Nam Vương, để thoát khỏi sự trừng trị của quân kiêu binh, đã ban ra một cái lệnh vội vàng giả dối, đúng hơn là khó thực thi nổi. Và Nguyễn Triệu Luật đã viết như sau, người hôm nay có thể thấy nhà văn dường như còn sáng suốt tiên tri về thời thế: “Người làm chủ thần dân, điều gì có thể bỏ được, chữ tín nghĩa không sao bỏ được… Sậu lệnh phát ra không được thực hành, thi hành, dân chúng sẽ coi thường pháp lệnh. Dân mà coi thường pháp lệnh thì chủ quyền chỉ là chuyện hư, không phải chuyện thật. Ở một nước mà chủ quyền hư thì nước ấy vô chủ – vô chính phủ. Một nước như thế, dân phải chán mà trông mong một cái chủ quyền khác ở ngoài cái chủ quyền hiện hành. Một cái lệnh không được thực hành, thi hành thì là một điều chính phủ đùa bỡn dân mà chơi, nói dối dân mà chơi. Cho nên, muốn cho chủ quyền đứng vững… điều cốt yếu là phải thủ tín với dân chúng là người chịu cái quyền ấy.” (3)

Rõ ràng, thứ “sậu lệnh” phát ra từ những người cầm quyền, cùng những lời “tuyên ngôn” và hành động theo kiểu cách đe doạ khát vọng đòi Tự do Dân chủ thực sự của người Dân năm đó đã là một sự chuẩn bị kỹ lưỡng, có kế hoạch cẩn thận, đã làm nên một hệ thống “chiến lũy” sắt thép thực sự: Ngày 22.4.2017, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung về đối thoại với dân Đồng Tâm, ký giấy cam kết không truy tố về vụ bắt người, đổi lại, dân Đồng Tâm thả những người đang bị giữ, tới ngày 13/6/2017, Công an Hà Nội đã khởi tố vụ “bắt giữ 38 người thi hành công vụ”; sau đó, hôm 25.4.2019, Thanh tra Chính phủ Việt Nam có thông báo về “kết luận cuối cùng” theo đó nói đất có tranh chấp ở Đồng Tâm là đất quốc phòng. Và tới đêm 09.01.2020, thảm kịch Đồng Tâm đã diễn ra nhằm tàn sát tình Đồng bào ở mức độ mà có không ít người đã so sánh với cuộc thảm sát Mỹ Lai trước kia! Một lực lượng vũ trang hùng hậu “do dân vì dân” được trang bị đến tận răng đã bất ngờ phóng lựu đạn cay, đánh mìn sập các bức tường, rồi tràn vào nhà đánh đập dã man tất cả già trẻ trai gái, giết chết cụ Kình bằng hai phát đạn bắn thẳng vào tim và đầu; sau đó là bắt giữ hết và lục soát, cả đào bới để tìm kiếm và mang đi ngay lập tức các vật dụng nghi có cất giữ giấy tờ liên quan tới pháp lý đất đai, kiện tụng…; và cả xác cụ Kình. Cụ Kình cùng người dân Đồng Tâm đã từ đồng bào, đồng chí của chính quyền bỗng nhiên trở thành những kẻ tội phạm không cần đưa ra công lý để xét xử!

Phút Giao thừa, sau khi cúng ông bà tổ tiên, tôi đã thắp một nén hương tưởng nhớ tới cụ Lê Đình Kình, cùng cả mấy cán bộ chiến sĩ công an thiệt mạng đêm đó ở Đồng Tâm – vốn đã/ đang là Đồng bào của tôi… Cùng đứa con gái nhỏ đứng bên hương khói đêm Trừ tịch, tôi đã khóc cho tình Đồng bào đã bị tử thương một cách thảm khốc trong thời đại văn minh điện tử…

_______________________

1. Thơ Tố Hữu.

2. Aristotle – Chính trị luận, NXB Thế giới, Hà Nội, 2013, tr.374.

3. Nguyễn Triệu Luật – Tiểu thuyết lịch sử, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2013, tr. 273.

Comments are closed.