Giáo sư Trần Đình Sử – trẻ và nhiệt huyết cùng “thời gian tiểu thuyết” của mình

Lê Tuyết Hạnh

Hơn 30 năm xa giảng đường, 20 năm không được thụ giáo những bài học văn chương của thầy, không gặp thầy vì công việc và cuộc sống đã phân công hướng khác, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác cách xa. Tôi vẫn được đọc và học thầy qua những cuốn sách mà thầy xuất bản, nhiều cuốn đã trở thành “kinh điển” từ thuở sinh viên và ấn tượng đến bây giờ: Thi pháp thơ Tố Hữu, Thi pháp Truyện Kiều, Những thế giới nghệ thuật thơ… Chẳng vì lợi ích gì, chẳng để làm gì cả. Chỉ là cái đầu đòi hỏi, tâm hồn mang những trang phân tích bước chân phi phỏng của nàng Kiều, nỗi cô đơn đau đớn của Tiểu Thanh mà thầy chỉ ra một cách xác đáng bằng thi pháp học. Và cùng với thời gian, những trang sách lại dày thêm, cuốn sau ra đời cập nhật hơn cuốn trước, đồng hành với sự phát triển của khoa học thế giới, thúc đẩy học thuật nước nhà: Dẫn luận thi pháp học (2004-2008), Những vấn đề thi pháp văn học trung đại (1998 – tái bản hai lần), Trên đường biên của lí luận văn học (2014), Tự sự học (2017), Kí hiệu học và văn hóa (2014), Đọc văn học văn (2018), Việt Nam – một thế kỉ tiếp nhận văn học nước ngoài (viết chung, 2020)… Gần 40 đầu sách nghiên cứu được viết và dịch thuật trong nửa thế kỉ liên tục từ 1968 đến nay, và vẫn còn tiếp nối, chưa kể những bộ sách giáo khoa thầy làm Tổng chủ biên theo tinh thần đổi mới từ góc nhìn tiếp nhận văn bản. Thật là sức làm việc và sáng tạo khổng lồ.

Không liên lạc thường xuyên, vẫn cảm giác có thầy ở bên nhờ mạng Internet. Cảm giác vững tâm kì lạ về một nơi có thể tra cứu kiến thức kim cổ đông tây khi có điều mắc mớ, nguồn thông tin cuộc sống sôi trào, qua cái nhìn phản biện trung thực, tỉnh táo, nhiệt tình từ tình hình biển đảo, quan hệ Mĩ -Trung, vụ án oan khiên đến những thành tựu nghiên cứu ngôn ngữ mới cho phép xác định chính xác hơn số lượng từ Hán Việt trong ngôn ngữ Việt… Vừa tham gia hội thảo ở trường đại học, đã lại thấy thầy cùng bạn bè đồng nghiệp ngao du miệt vườn sông nước phương Nam, sôi nổi nhiệt tình nơi không gian văn hóa Huế, trong diễn đàn tự sự học, truyện Kiều… Cảm nhận nhịp tim thầy đập cùng những tin tức gắn liền quốc kế dân sinh, từ giá điện tăng và đời sống người thu nhập thấp; quản lí nghiên cứu khoa học với mẫu cam đoan của luận án, luận văn, và đặc biệt là âm vang sóng biển Trường Sa, Hoàng Sa; dã tâm nhà cầm quyền Bắc kinh và lập trường của chúng ta trước an nguy vận mệnh quốc gia… Quả là một con người cháy lửa nhiệt tình công dân yêu nước. Trái tim nồng nhiệt tuổi hai mươi, trách nhiệm trí thức và lòng trung, dũng trượng phu. Con người mang trong mình đời sống lớn rộng ngoài đời sống một cá nhân, không gian thế giới và hơi thở thời đại… Thật khỏe và thật trẻ. Dù mái tóc bạc tự khi nào, dù bệnh hen bao mùa đông xứ Bắc, thì thầy vẫn trẻ, khỏe như thế cùng khối – chất lượng công việc đồ sộ mà thầy đã hoàn thành, cùng tiếng cười sảng khoái phô cả hàm răng hơi hô, đều như những hạt ngô, đôi mắt mở to, nhìn thẳng, không dừng lại trước bất cứ thành lũy mù mờ, khuất tất nào, cũng không bao giờ hết tò mò khám phá, ngạc nhiên; vui, buồn hay say mê đều rất mực chân thành…

Vậy mà thầy sắp sinh nhật tuổi 80, thượng thọ bát tuần. Vẫn là thầy trẻ trung, hăng say và mới mẻ. Trong nghiên cứu học thuật, trong sự nghiệp giáo dục “hối nhân bất quyện”. Trong nhiệt tình trách nhiệm công dân… Không một chút già nua, lạc hậu hay mệt mỏi, chán chường. Không một dấu hiệu “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” của hàng “trưởng lão” xưa nay…

Chạm Wikipedia đã thấy ngay: “Nhà giáo Nhân dân, giảng viên Đại học…, nhà lí luận văn học hàng đầu của Việt Nam, có nhiều đóng góp trong việc làm thay đổi diện mạo nền lí luận, phê bình văn học những năm cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI”. Có thể nói gì hơn về những công lao, đóng góp của thầy trong sự nghiệp khoa học và giáo dục nước nhà?

Trên facebook đăng hình nghiên cứu sinh thứ 29 do thầy vừa hướng dẫn luận án tiến sĩ bảo vệ thành công. Nhớ lần thầy cười he he bảo: Số tôi không được hướng dẫn những người tài. Biết là thầy chỉ đùa vui. Và cũng biết là đã bao học trò trở thành tài năng nhờ được hướng dẫn bởi tài năng của thầy.

Nghe cô học trò cũ là giảng viên đại học đang làm nghiên cứu sinh bộc bạch: “Phải cố gắng dạy thêm, tích lũy đủ rồi mới hoàn thành luận án, không có tiền dẫu có làm cũng không bảo vệ được cô ạ” mà ngạc nhiên. Nhớ người thầy đã giúp tôi làm luận án chẳng có đồng công xá nào, danh cũng không có nữa, vì thầy vốn không thuộc chuyên ngành tôi học, tất nhiên không phải là người được phân công hướng dẫn tôi. Vậy mà thầy đã có ít nhất hơn ba lần đọc toàn văn luận án cho tôi một cách hệ thống, chưa kể những lần đọc và góp ý từ bài báo đăng tạp chí đến những ý tưởng phương pháp luận. Số là đề tài ngôn ngữ của tôi, từ góc độ liên ngành lại liên quan nhiều đến thi pháp tự sự là “đặc sản” của thầy. Chiều mùa đông xám lạnh, lọc cọc cái xe đạp rách đến 22 Nguyễn Huy Tự, nghe như nuốt từng lời về thời gian nghệ thuật được hình thành từ những từ chỉ thời gian phiếm chỉ trong Chảy đi sông ơi của Nguyễn Huy Thiệp. Buổi trưa mùa hạ, anh chồng ngồi quán nước chờ tôi mắt tròn mắt dẹt nghe thầy chữa đến lần thứ ba những căn cứ thể hiện thời gian huyền thoại trong tác phẩm. Không biết thầy cô đã dùng cơm chưa. Quên cả mình bụng đói. Sự hào hứng, say mê của thầy lan tỏa sang tôi. Không lẽ trò chưa đến 30 lại yếu mệt hơn thầy? Chẳng có một phong bì nào, chẳng ý nghĩ tiền bạc gì trong đầu người “hối nhân” lẫn kẻ “học nhi” khi ấy… Vẫn y như 15 năm trước, khi lần đầu tôi được học thầy và biết thế nào là thời gian tiểu thuyết. Năm 1982. Giờ lí luận văn học của chúng tôi chuyển từ êm ái, du dương thầy Phạm Đăng Dư sang những kiến giải có phần khô khan, hơi nhiều “ốp, ép, xki” của một thầy “mới đi Nga về”, không mấy đẹp trai và cũng hiếm khi cười, trừ một lần tự cười ví dụ tập làm thơ bằng cách lắp vần của chính mình: “Chiều hải cảng. Kìa ai đứng đợi. Sao lòng tôi cứ chơi vơi”. Chả biết thầy có làm thơ như thế thật không, nhưng lũ sinh viên năm “mỗi” (biệt ngữ của chúng tôi thời đó chỉ sinh viên năm thứ nhất một cách âu yếm) chúng tôi được dịp cười theo tiếng cười khoái trá hồn nhiên của thầy và đỡ căng thẳng hẳn vì cái khái niệm thi pháp đầy xa lạ. Lúc đó chúng tôi chưa đọc sách của thầy, và cũng chưa nghe tiếng thầy. Nhiều đứa bạn tôi chỉ có trong đầu giáo sư Phương Lựu khi nói về lí luận. Có đứa thích giọng mê hoặc của thầy Dư. Có đứa kêu thầy giảng trừu tượng và buồn ngủ. Nhưng tôi bị cuốn hút bởi lối tư duy mạch lạc, thông minh của thầy, dù giọng Huế đã pha mà đôi lúc vẫn khó nghe và vóc dáng, gương mặt thầy không có gì hấp dẫn (theo cách nhìn của thị hiếu thẩm mĩ chúng tôi hồi ấy). Tôi ngồi bàn đầu, như bị thôi miên vào những luận điểm về thời gian tiểu thuyết, dù lúc đó chỉ hiểu một cách giản đơn “là thời gian được kể lại”… Số phận không cho tôi có duyên với ngành văn, nên mãi nhiều năm sau tôi mới biết thêm về thời gian nghệ thuật nhờ đọc sách thầy. Nhưng ám ảnh tôi là “sự đổi mới về quan niệm con người nội tâm” tạo nên khoảng cách gần gũi, thậm chí đồng nhất của người kể đối với các nhân vật được miêu tả” như một nhân tố làm nên đặc điểm thời gian tiểu thuyết truyện Kiều thông qua những bình luận trữ tình và vai trò của người kể chuyện. Thầy và những câu chuyện về thầy trong tôi cũng vậy. Như là mới hôm qua. Như đã tự xa xưa rồi. Và bây giờ vẫn thế. Thầy luôn trẻ trung, đầy nội lực trong thời gian tiểu thuyết của cuốn tiểu thuyết đời mình.

Cũng tràn đầy năng lượng tích cực là tiếng cười thầy, tiếng cười ha ha thoải mái bật lên thành tiếng, thoát ra ngoài khuôn miệng mở cùng ánh mắt vui tươi, hồn nhiên, không định kiến. Có lẽ vì thế chăng mà ngay cả khi có những tranh luận nảy lửa về những bất đồng học thuật, cũng say sưa như đam mê tri thức, hừng hực nhiệt tình tìm “đến ngọn nguồn” chân lý, mà không ai có thể giận thầy. Với các nhà nghiên cứu Lê Ngọc Trà, Đào Thái Tôn, Đỗ Lai Thúy là như vậy.

Cũng tiếng cười ấy, khi tôi mang tập thơ chữ Hán của bố tôi do chính thầy đề tựa đến tặng thầy. “Sao lại vẽ cái hung khí này vào đây?”. Thầy nhìn bìa minh họa thanh gươm cho Lệ chi thục, cả cười. Cười cách làm việc “nghe nhạc hiệu đoán chương trình” của họa sĩ thời kinh tế thị trường, cười sự thơ ngây nông cạn của tôi. Nhưng là cái cười thật bao dung, không có gì ác ý. Họa sĩ nhìn cái tên Lệ chi thục và nghĩ đến Lệ chi viên… Trong khi bận trăm công nghìn việc, thầy nói sẽ không thể viết được ngay và dài, nhưng vẫn nhận lời viết giúp tựa tập thơ. Y hẹn, thầy đưa cho tôi bản viết tay trên chừng trang giấy và đích thân đọc lại. “Thi ca là tiếng lòng…”. Cứ như viết mà không cần đọc vậy. “… một khoảng trời yên tĩnh… uống rượu, ngắm hoa… thi thoảng lại dội vào một nỗi hận, nỗi nhớ xa xôi, mông lung như mối tình hoài muôn thuở… Như gặp lại những bóng dáng cổ nhân, lòng cảm kích, bèn cầm bút ghi lại mấy dòng, tạm dùng làm tựa”. Thầy lại cười vang, hóm hỉnh về cái cách tập cổ trang nghiêm mà hàm súc của mình. Tôi biết thầy đã dành thời gian quý báu đọc tập thơ, để có thể bằng mấy chữ khơi khơi, nhẹ nhàng mà gọi ra được cái hồn chuẩn xác, kín thầm ẩn ức. Không chỉ tài năng, mà là cả một tấm lòng.

Còn một dịp nữa tiếng cười của thầy ấn tượng trong tôi, đến nỗi mỗi khi nhớ lại tôi cũng bật cười theo, với nguyên cảm giác ngượng nghịu và lòng biết ơn. Mang ơn thầy là thế, mà cũng như học trò của bao đời, tôi bận rộn áo cơm, con cái, nên phải bẵng đi vài năm mới lại đến thăm thầy, nhân dịp có chị bạn từ thời sinh viên làm đến chức vụ viện gì tháp tùng đi. Chị vốn giỏi từ thời đi học, nay lại vừa làm quản lý vừa nghiên cứu. Cũng là một type người đam mê khoa học. Hai thầy trò say sưa như quên sự có mặt của tôi. Những chuyện như trên trời: từ tín ngưỡng dân gian, thần thoại đến hậu hiện đại… Bỗng thầy ngừng lại, nhìn thẳng vào mắt tôi, vẻ băn khoăn, nghiêm túc: “Này, cái con bé này, sao lại ăn mặc thế. Mà có phải vùng sâu, vùng xa gì cho cam!”. Thầy lại phá lên cười. Chị sững người. Tôi cũng phải một lúc sau mới hiểu. Thì ra cách ăn mặc của tôi chướng mắt thầy. Nó quê mùa sao đó, và nói chung là một bộ dạng khó tả, rõ ra kẻ không chăm chút bản thân mình. Mà tôi đã chọn cái sơ mi được cô em chồng dẫn đi may, “đóng thùng” nghiêm chỉnh. Dọc đường về hai chị em cười ngất. Thật không ngờ bình luận và phạm vi quan tâm của thầy từ các luận đề khoa học cao siêu rơi tuột xuống cái đời thường cỏn con như vậy. Một ông già, một nhà nghiên cứu không được tiếng hào hoa, duy mĩ như một số giáo sư khác của khoa văn. Một người tưởng chừng chỉ biết có đam mê nghiên cứu và tranh luận… Thật không ngờ. Mà cách đưa ra nhận xét cũng tự nhiên và ấn tượng đến không thể nào quên! Chả ra chê bai. Chẳng hẳn là thương xót hay chỉ giáo. Nhưng tác động của nó mạnh đến mức sau đó tôi âm thầm làm một cuộc cách mạng từ đầu tóc, áo quần đến tư tưởng, nội tâm. Tôi chăm sóc bản thân mình hơn, không phải để chứng tỏ mình không ở vùng sâu, vùng xa, mà nhận ra rằng mình là một giá trị đáng được quan tâm, trước hết bằng tự trọng của chính mình…

Càng gần hơn với thế giới văn minh, càng thấm thía hơn bài học sâu sắc như một công án thiền. Bài học ấn tượng nhất của nhà thi pháp học hàng đầu Việt Nam với tôi lại là một bài học đời thường giản dị… Bài học khiến chúng tôi nhận ra con người nhân văn, gần gũi, trẻ trung trong nhà khoa học rốt ráo và sắc sảo của thầy. Và tôi bỗng nhận ra, thầy thật đẹp lão, dù chẳng mấy đẹp trai khi còn trẻ…

Lướt qua trang Trần Đình Sử. “Không học tập, tự nhiên sẽ trở thành người già, bất kể bạn 20 hay 80 tuổi. Nếu học tập thì bao giờ bạn cũng trẻ trung và tiến bộ” – bằng cả tiếng Nga và tiếng Việt. Thật tình cờ, câu nói của Henry Ford cùng bức ảnh nhà phát minh kĩ nghệ hiện ra trên dòng thời gian một ngày rất gần đây. Chỉ tháng nữa thôi, là tròn sinh nhật bát tuần thầy. Trí tuệ và tri thức của tuổi 80 + mấy ngàn năm văn hóa nhân loại. Nhưng tinh thần mạnh mẽ, tinh anh, sức tìm tòi, học hỏi, sáng tạo và cống hiến thì vẫn là mãi mãi tuổi hai mươi. “Học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện”. Đó là giáo sư Trần Đình Sử, người thầy kính yêu của bao thế hệ học trò chúng tôi.

Comments are closed.