Linda Lê, nhà văn Pháp gốc Việt từ trần ở tuổi 58

Tuấn Thảo

Nhà văn Pháp gốc Việt Linda Lê tại phòng thu của đài Phát thanh Quốc tế Pháp RFI (tháng 01/2020). Nhà văn Pháp gốc Việt Linda Lê tại phòng thu của đài Phát thanh Quốc tế Pháp RFI (tháng 01/2020).

image

Nhà văn Pháp gốc Việt Linda Lê tại phòng thu của đài Phát thanh Quốc tế Pháp RFI (tháng 01/2020). © RFI/Fanny Renard

Sinh thời, Linda Lê nổi tiếng là một nhà văn cầu toàn. Tuy cho ra mắt quyển tiểu thuyết đầu tay vào năm 23 tuổi, nhưng có lẽ vì cảm thấy văn phong chưa đạt cho nên nhà văn không nhận đó là tác phẩm của mình. Tính từ năm 1986 đến nay, ngòi bút này đã sáng tác hơn 25 tác phẩm. Theo nhà xuất bản Stock, tác giả Linda Lê vừa qua đời hôm 09/05/2022 vì bạo bệnh, ở tuổi 58.

Sự kiện tác giả Linda Lê đột ngột qua đời gây khá nhiêu bất ngờ vì cách đây 3 tháng, nhà văn từng cho ra mắt độc giả tác phẩm mới của mình mang tựa đề ”De personne je ne fus le contemporain” (tạm dịch ”Tôi không sống cùng thời với bất kỳ ai”). Theo đài truyền hình France24, thật ra Linda Lê đã lâm bệnh nặng từ một năm nay. Nhưng có lẽ do tác giả không thích gây ồn ào, tránh thu hút sự tò mò, cho nên Linda Lê đã không nói gì về bệnh tình của mình.

 

Tác phẩm tạo dấu ấn sâu đậm như tranh khắc acid

Theo phụ trang văn học BibliObs của tạp chí L’Obs, tác giả Linda Lê khá kín đáo trên văn đàn, nhưng những tác phẩm của cô đầy bóng ma ám ảnh tựa như những bức tranh khắc bằng acid, để lại nhiều vết in hằn sâu đậm. Giờ đây, Linda Lê đã tìm lại thế giới của bóng tối từng đeo bám tác phẩm của mình. Sinh tại Đà Lạt năm 1963, Linda Lê theo mẹ và 3 chị em gái sang Pháp từ năm 14 tuổi. Thân phụ của cô ở lại Việt Nam, nhưng ông sau đó lại qua đời trước khi có dịp gặp lại vợ con.

Định cư tại thành phố Le Havre miền Bắc nước Pháp vào năm 1977, Linda Lê từ thời còn trẻ đã ghiền đọc sách và say mê văn chương. Đến thủ đô Paris, cô vào trường trung học nổi tiếng Henri IV, sau bằng tú tài, cô học qua hai lớp cao đẳng chuyên khoa văn học (hypokâgne và kâgne) trước khi tốt nghiệp đại học Sorbonne. Tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Linda Lê ”Un si tendre vampire” (tạm dịch Tình ca Ác quỷ) được xuất bản vào năm 1986, kế theo sau là hai bộ truyện ”Fuir” (1987) và ”Solo” (1988).

Thế nhưng, có lẽ do các tác phẩm này vẫn còn ở trong giai đoạn trau dồi tay nghề, chưa đến độ chín muồi, cho nên cả ba quyển sách ”đầu đời” sau đó lại bị chính tác giả gạch bỏ xóa tên trên danh sách các tác phẩm chính thức của mình. Theo Linda Lê, sự nghiệp văn chương của cô chỉ thật sự bắt đầu vào năm 1992 với tập truyện ngắn ”Les Évangiles du crime” (Phúc âm của tội ác), từng đoạt giải Prix de la Renaissance vào năm 1993.

Hơn 25 tác phẩm trong 3 thập niên sáng tác

Tuy bị Linda Lê chê là còn non tay nghề, nhưng các tác phẩm đầu tay vẫn hội tụ những điểm sáng về cả ý tưởng lẫn ngôn từ. Có thể lúc đầu Linda Lê khi viết văn muốn khoe các ngón sở trường cũng như muốn chứng tỏ bản lĩnh của mình. Nhưng rõ ràng là trong thời gian đầu, tác giả Linda Lê mang nhiều ảnh hưởng lớn từ nhà văn Áo Thomas Bernhard. Cách viết của Linda Lê thường dùng nhiều độc thoại, từ câu văn làm nảy sinh một giọng điệu đầy cảm xúc căm giận, cuồng nộ nhưng vẫn kìm nén, kiểm soát được nhờ lý trí. Văn phong trau chuốt, từ ngữ chọn lọc sao cho câu chữ ngắn gọn không rườm rà. Những tác phẩm như ”Calomnies” (Vu khống – 1993) hay ”Les dits d’un idiot” (Lời kẻ ngốc – 1995) tiêu biểu cho giai đoạn này.

Cũng theo phụ trang văn học BiblioObs, những cảm giác thiếu thốn trống vắng, những nỗi dằn vặt day dứt dần dần khiến cho giọng văn trong các tác phẩm về sau trở nên u uất, như thể những điều thầm kín nhất chôn giấu trong nội tâm, ngày càng hiện rõ hẳn qua dòng chữ. Về điểm này, giới phê bình đánh giá cao tác phẩm ”À l’enfant que je n’aurai pas” (Viết cho đứa con không được sinh ra), từng nhận được giải thưởng Renaudot dành cho hạng mục sách bỏ túi vảo năm 2011.

Tính đến nay, Linda Lê đã sáng tác 27 cuốn sách, ngoài Renaudot Poche còn giành thêm một số giải thưởng khác như Vocation, Renaissance, Fénéon, Wepler …. Riêng tiểu thuyết ”Lame de Fond” (Sóng ngầm) lọt vào vòng chung kết của giải Goncourt năm 2012, giải thưởng văn học cao quý nhất của Pháp. Tiểu thuyết này từng được dịch và được nhà xuất bản Nhã Nam phát hành tại Việt Nam. Nhiều tiểu thuyết nổi tiếng khác của Linda Lê cũng được xuất bản ở Việt Nam như ”Tiếng nói” (Voix), ”Thư chết” (Lettre Morte), ”Lại chơi với lửa” (Autres jeux avec le feu), ”Vu khống” (Calomnies) và nhất là ”Vượt sóng” (Oeuvres vives), qua đó văn chương tựa như một ”chiếc phao trong cuộc sống, điểm tựa của những kẻ bị hủy hoại lưu đày, chốn bình yên của những tâm hồn nổi loạn".

”Cái chết là kiệt tác duy nhất mà tôi có thể thực hiện"

Trong các tác phẩm kể cả truyện ngắn, tiểu thuyết hay tiểu luận, Linda Lê thường hay nói về những nỗi ám ảnh chưa được hoá giải trong cuộc sống riêng tư. Trong tác phẩm ”Voix”, bà kể lại căn bệnh trầm cảm, chứng suy nhược tinh thần buộc nhà văn phải nhập viện một thời gian ngắn. Như một người bị mất phương hướng, không đất lành để đậu, không chốn yên bình để cắm rễ, nhà văn ở bất cứ lúc nào, bất kỳ nơi đâu cũng cảm thấy lưu vong lạc lõng, dù ghét nhưng buộc phải sống trong một xã hội đầy bạo lực. Nơi văn chương, Linda Lê tìm thấy một thoáng thanh bình trong con tim, tâm hồn kiếm hoài nơi nương tựa, trong sách vở tìm thấy được chỗ dựa.

Giới phê bình thường khen ngợi các tác phẩm của Linda Lê có tính sáng tạo cao về ngôn từ. Tính sáng tạo ấy từng thu hút sự chú ý của ca sĩ kiêm tác giả Jacques Dutronc. Được mời hợp tác trên album ”Brèves Rencontres” phát hành vào năm 1995, Linda Lê đã viết lời cho ba ca khúc của Jacques Dutronc. Đó là các nhạc phẩm ”L’Âme Sœur”, ”Rappelez-moi de vous oublier” ”Entrez M’sieur dans l’Humanité”. Bên cạnh công việc sáng tác, cô còn làm việc cho một nhà xuất bản lớn ở Pháp. Từ thuở thiếu thời, Linda Lê đã ghiền đọc sách và từ đó đã viết nhiều lời tựa cũng như một số tác phẩm đề cao những tác giả quan trọng đối với cô.

Trong tác phẩm ”Les Chercheurs d’ombre” (tạm dịch Những kẻ truy tìm bóng tối), cô bày tỏ lòng ngưỡng mộ với nhiều nhà văn, trong đó có Bảo Ninh, tác giả của ”Nỗi buồn chiến tranh”, nhà thơ kiêm tiểu thuyết gia người Ý Cristina Campo hay nhà văn kiêm phê bình văn học Ba Lan Bruno Schulz. Cách đây ba năm, Linda Lê đã được trao giải Hoàng tử Pierre de Monaco cho toàn bộ sự nghiệp sáng tác của mình. Tuy trong đời đã nhận khá nhiều giải thưởng văn học, nhưng dường như nhà văn chưa một lần cảm thấy tự mãn. Ra đi rất sớm chỉ ở tuổi 58, Linda Lê hẳn chắc còn nhiều điều để sáng tác, nhiều tác phẩm gửi gắm cho đời, mặc dù cô đã từng viết lúc sinh thời: "Tôi nhận thấy cái chết của tôi là kiệt tác duy nhất mà tôi có thể thực hiện".

Nguồn: https://www.rfi.fr/vi/

Comments are closed.