Người Trung Quốc viết về sự kiện cụ Hồ Chí Minh bị bắt ở Quảng Tây


Trích bài viết của Lý Gia Trung[1] Một trải nghiệm quan trọng của Hồ Chí Minh ở Quảng Tây[2]

Nguyễn Hải Hoành dịch

BỊ BẮT TẠI QUẢNG TÂY

Năm 1942, cuộc kháng chiến chống Nhật của nhân dân Việt Nam tiếp tục giành được những thắng lợi quan trọng. Ảnh hưởng của Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội (gọi tắt là “Việt Minh”) ngày càng lan rộng, nhiều nơi đã nổ ra các hoạt động du kích. Tuy nhiên, Việt Minh vẫn chưa thiết lập được quan hệ với bất kỳ quốc gia nào trong phe Đồng minh chống phát xít. Đồng thời, quan hệ giữa các tổ chức của Việt Minh ở khu vực Hoa Nam (Nam Trung Quốc) với chính phủ Quốc Dân Đảng Trung Quốc ngày càng trở nên căng thẳng.
Trong hoàn cảnh đó, việc làm sao bắt liên lạc với các tổ chức Việt Minh ở nước ngoài, mở rộng hơn nữa ảnh hưởng của Việt Minh và tranh thủ hiệu quả sự viện trợ quốc tế trở thành vấn đề cấp bách. Để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng và khẩn cấp này, cần cử một người hiểu biết về Trung Quốc và có uy tín sang Trùng Khánh. Là người sáng lập Việt Minh, Nguyễn Ái Quốc được mọi người nhất trí đề cử đảm nhận trọng trách đó.
Giữa tháng 8, Nguyễn Ái Quốc rời khỏi căn cứ địa tỉnh Cao Bằng (miền Bắc Việt Nam), bí mật sang Trung Quốc. Để giữ bí mật và đánh lạc hướng dư luận, ông sử dụng một cái tên mới – Hồ Chí Minh. Từ đó về sau, cái tên Hồ Chí Minh đã gắn bó với ông cho đến lúc qua đời.
Ngày 25 tháng 8, Hồ Chí Minh đến Ba Mông, huyện Tĩnh Tây, tỉnh Quảng Tây, nghỉ lại hai ngày tại nhà một nông dân Trung Quốc tên là Từ Vĩ Tam. Ngày 27 tháng 8, ông tiếp tục lên đường, được một nông dân tên là Dương Đào dẫn đường. Khi đi đến làng Túc Vinh, huyện Đức Bảo, ông bị cảnh sát địa phương của chính quyền Quốc Dân Đảng chặn lại kiểm tra. Cảnh sát phát hiện Hồ Chí Minh mang tấm thẻ của “Chi hội Việt Nam – Hội Quốc tế chống xâm lược”, ngoài ra còn mang theo thẻ hội viên của “Hội Nhà báo thanh niên Trung Quốc” và giấy thông hành quân sự của Bộ Tư lệnh Chiến khu 4 của chính phủ Quốc Dân Đảng, nhưng tất cả đều đã hết hạn. Cảnh sát cho rằng ông có lai lịch phức tạp, nghi là gián điệp quan trọng nên đã bắt giữ ông.
Ngày 29 tháng 8, Hồ Chí Minh bị áp giải từ huyện Đức Bảo đến huyện Tĩnh Tây. Chính quyền Tĩnh Tây cho rằng ông là người Việt Nam nhưng lại mang nhiều loại giấy tờ của Trung Quốc, rõ ràng là một nghi phạm quan trọng, nên quyết định chuyển ông đến cơ quan quân sự tối cao của tỉnh Quảng Tây – Hành dinh Quế Lâm của Quân ủy Chính phủ Quốc Dân Đảng để thẩm tra. Hồ Chí Minh đã viết thư xin gặp Huyện trưởng huyện Tĩnh Tây – vì trước đây ông từng gặp người này ở Quế Lâm, nhưng bị từ chối. Ông cũng viết thư gửi các quan chức cấp cao của Quốc Dân Đảng nhưng không nhận được hồi âm.
Tại Tĩnh Tây, một nông dân Trung Quốc tên là Vương Tích Cơ – người từng kết nghĩa anh em với các nhà cách mạng Việt Nam – đã đến nhà tù thăm ông. Hồ Chí Minh nhờ Vương Tích Cơ gửi thư về nước báo tin ông bị bắt và đang bị giam giữ.
Sau khoảng một tháng rưỡi ở Tĩnh Tây, ông lại bị áp giải đến nơi khác. Cứ mỗi hai tuần hoặc một tháng, chính quyền lại chuyển ông đến một nhà tù mới. Mỗi lần chuyển, ông đều bị còng tay, đeo gông và có 5 lính vũ trang áp giải. Thông thường phải lên đường từ sáng sớm, trời tối mới đến nơi, có khi thậm chí phải đi bộ hai, ba ngày liền.
Trong tù, các phạm nhân chính trị như ông bị giam chung với những người nghiện ma túy và mắc bệnh hoa liễu, phòng giam lúc nào cũng chật kín người. Nếu đến muộn một chút thì ngay cả chỗ nằm cũng không còn. Có khi Hồ Chí Minh đành phải ngồi trên thùng xí, nếu có người cần đi vệ sinh thì phải đứng dậy “nhường chỗ”. Sáng dậy, việc đầu tiên phải làm là đổ thùng. Có một lần khi ông tỉnh dậy thì phát hiện người tù nằm bên cạnh đã chết, buộc phải cùng các phạm nhân khác khiêng xác ra khỏi phòng giam.
Điều đau khổ khó chịu nhất trong tù là ghẻ lở, chấy rận và rệp, buổi tối còn có muỗi. Phạm nhân gọi chấy là “chiến xa”, gọi rệp là “xe tăng”, gọi muỗi là “máy bay”. Sống trong hoàn cảnh đó, Hồ Chí Minh bị ghẻ lở khắp người, gầy như que củi, tóc rụng nhiều.
Từ ngày 29 tháng 8 năm 1942 đến ngày 10 tháng 9 năm 1943, Hồ Chí Minh bị giam giữ tại 13 nhà tù, 30 xà lim thuộc 13 huyện ở Quảng Tây như: Tĩnh Tây, Điền Đông, Long An, Thiên Đẳng, Ung Ninh, Nam Ninh, Vũ Minh, Tân Dương, Lai Tân, Liễu Châu.

GIẢI CỨU
Khi hay tin Hồ Chí Minh bị bắt giam tại Quảng Tây, Trung Quốc, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vô cùng lo lắng, nhiều lần lấy danh nghĩa “Chi hội Việt Nam thuộc Hội Quốc tế chống xâm lược” gửi điện cho Tôn Khoa – Viện trưởng Viện Lập Pháp [tức Chủ tịch Quốc Hội] của Chính phủ Quốc Dân Đảng – để hỏi thăm tăm tích của Hồ Chí Minh. Về sau họ còn thông qua các hãng thông tấn như AP [Mỹ], Reuters [Anh], AFP [Pháp], TASS [Liên Xô]… để tạo dư luận, tìm mọi cách sức ép buộc Chính phủ Quốc Dân Đảng phải thả Hồ Chí Minh, nhưng phía Quốc Dân Đảng làm ngơ, không đoái hoài gì. Trong tình cảnh đó, Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ còn cách cầu cứu Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Diên An [căn cứ địa của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi ấy] lập tức gửi điện cho Chu Ân Lai – khi đó đang ở Trùng Khánh – yêu cầu ông nghĩ cách cứu Hồ Chí Minh. Chu Ân Lai từng quen biết Hồ Chí Minh từ những năm 1920 tại Pháp; sau đó trong thời kỳ Đại Cách mạng, hai người lại gặp nhau ở Quảng Châu – khi ấy họ đều là những đảng viên cộng sản trẻ tuổi – qua thường xuyên đi lại với nhau, họ đã xây dựng tình bạn cách mạng sâu sắc. Nhận được chỉ thị từ Diên An, dù vừa mới hồi phục sau trận ốm nặng lại mới mất cha, Chu Ân Lai vẫn cố hết sức tìm mọi cách cứu Hồ Chí Minh.
Chu Ân Lai nhận định Viện trưởng Viện Lập Pháp Quốc Dân Đảng Tôn Khoa là người nhát gan, sợ rắc rối, nên ông phải tìm cách thu hồi lại bức điện của Đảng Việt Nam gửi Tôn rồi đích thân trình bức điện ấy lên Tưởng Giới Thạch.
Vì vậy, ông giao nhiệm vụ này cho Tiễn Bá Tán, là đồng hương với Đàm Trấn, Phó Viện trưởng Viện Lập Pháp Quốc Dân Đảng, và từng làm thư ký cho ông ta. Nhờ mối quan hệ này, Chu Ân Lai đã thu hồi được bức điện báo gốc gửi từ Việt Nam. Tiếp theo, Chu Ân Lai nhờ viên tướng yêu nước Phùng Ngọc Tường đi thuyết phục Lý Tôn Nhân – nhân vật tai mắt của phe Quế Hệ[3] – yêu cầu phía Quảng Tây nhanh chóng điều tra tăm tích Hồ Chí Minh. Phùng Ngọc Tường kiên quyết chống Nhật, lại đồng tình với Đảng Cộng sản và phản đối Tưởng Giới Thạch đầu hàng bán nước, trong tình hình ấy việc Phùng đứng ra giải cứu Hồ Chí Minh là hành động có nhiều nguy hiểm.
Tìm hiểu qua nhiều kênh, Phùng Ngọc Tường biết rằng đích thân Tưởng Giới Thạch quan tâm đến vụ án Hồ Chí Minh, nếu không có cái gật đầu của Tưởng thì không ai có thể tự giải quyết được. Sau khi bàn bạc với Đoàn Cố vấn Liên Xô do Quốc dân Đảng mời sang, Phùng Ngọc Tường quyết định lợi dụng mâu thuẫn giữa Lý Tôn Nhân với Tưởng Giới Thạch để ép Tưởng phải thả Hồ Chí Minh.
Phùng Ngọc Tường nói với Lý Tôn Nhân: “Hồ Chí Minh bị bắt ở Quảng Tây của các ông, ông không sợ Tưởng Giới Thạch đổ tội cho ông sao?”. Là người thuộc phái thực lực của Quế Hệ, Lý Tôn Nhân biết Hồ Chí Minh là lãnh tụ Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy có mâu thuẫn với Tưởng và từng có một số liên hệ nhất định với Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng Lý không tán thành chủ trương của Đảng Cộng sản. Tuy vậy, cuối cùng Lý Tôn Nhân vẫn đồng ý cùng Phùng Ngọc Tường đi gặp Tưởng Giới Thạch.
Phùng Ngọc Tường nói với Tưởng Giới Thạch: “Chưa bàn đến việc Hồ Chí Minh có phải là cộng sản hay không, cho dù là cộng sản thì ông ấy cũng là cộng sản của Việt Nam. Chúng ta có quyền, có cần phải bắt giữ đảng cộng sản nước ngoài hay không? Các thành viên Đoàn Cố vấn Liên Xô chẳng phải cũng là cộng sản đấy ư? Sao không bắt giam họ? Hơn nữa, Việt Nam đang ủng hộ chúng ta kháng chiến chống Nhật, Hồ Chí Minh phải là bạn của chúng ta, sao lại thành tội phạm? Giả sử biến bạn bè quốc tế ủng hộ chúng ta kháng chiến thành tội phạm, vậy cuộc kháng chiến của chúng ta chẳng phải là giả tạo đấy ư? Như thế chẳng phải là sẽ mất đi tất cả sự đồng tình, ủng hộ của quốc tế? Nếu muốn thực sự kháng chiến, thì phải nhanh chóng thả Hồ Chí Minh!”
Lý Tôn Nhân ở bên cũng góp lời: “Phùng Tiên sinh đã nói hết các lý lẽ về việc thả Hồ Chí Minh rồi. Tôi hỏi ông, tại sao lại bắt Hồ Chí Minh ở Quảng Tây? Như thế chẳng phải là đổ vạ cho Quảng Tây sao? Đây là ý của cấp dưới hay là lệnh của ông?”
Tưởng Giới Thạch cứng họng, đành nói: “Được rồi, lập tức bảo người điều tra.” Cuộc nói chuyện này có tác dụng quan trọng đối với việc sau đó Tưởng Giới Thạch ra lệnh thả Hồ Chí Minh.
Chính trong bối cảnh đó, cuối cùng Tưởng Giới Thạch ra lệnh cho Chiến khu 4 [Tướng Trương Phát Khuê là Tư lệnh Chiến khu này] thả Hồ Chí Minh. Và như vậy, ngày 10 tháng 9 năm 1943, Hồ Chí Minh ra khỏi nhà giam, sau đó được giao cho Phòng Chính trị Chiến khu 4 “theo dõi và cảm hóa”. Từ đấy, trên danh nghĩa, Hồ Chí Minh đã được phục hồi tự do.
Vào tháng 1 năm 1959, Chu Ân Lai (hàng đầu, thứ hai từ bên phải) dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc tham dự Đại hội lần thứ XXI của Đảng Cộng sản Liên Xô và đến Moscow trên cùng máy bay với Hồ Chí Minh (thứ ba từ bên trái), Chủ tịch Đảng Lao động Việt Nam.


[1] Lý Gia Trung (1936-) từng làm Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam thời gian 2-1992 đến 7-2000. Ghi chú trong ngoặc vuông là của người dịch.

[2] 胡志明在广西的一段重要经历 原创 李家忠 党史博览https://www.163.com/dy/article/HPP3LDK40550VN9Q.html

[3] Quế là từ chỉ tỉnh Quảng Tây. Quế Hệ chỉ nhóm quân phiệt Quảng Tây.

This entry was posted in Văn and tagged , . Bookmark the permalink.