Sinh mệnh (kỳ 3)

Tiểu thuyết Bách Mỵ

 

Những ngày cuối cùng của năm thứ chín ở lớp học trưởng thành của tộc người Kogi, vị trưởng lão bước vào và đưa cho người nam một chiếc lá chỉ còn trơ những đường gân xanh vì sâu lá và bước ra. Người nam nhắm mắt lại và ngay lập tức hoàn thiện câu trả lời cho chủ đề này rằng:

Lá cũng là ta, ta cũng sâu

Thời gian sâu bệnh, lá xanh màu

Người quay về với tâm thanh tịnh

Cây nảy chồi xanh sâu biết bay.

Chiếc ống gỗ đựng vôi trong tay người nam bắt đầu xoay những vòng xoay tĩnh tự đầu tiên. Người không tìm cách điều khiển nhịp độ, sự quán chiếu từ tâm thức đã có mặt thành một tỉnh thức. Người nam đứng dậy lấy một chút vôi mịn vào đầu cây rồi cho lên miệng nếm trải trạng thái nhẹ nhàng, tinh khiết của sự thấu cảm thân tâm, vũ trụ.

Mặt trời lên chốn đây như vừa rẽ một cơn mưa dài của nền văn minh ngoài kia. Ánh sáng chói lọi mà long lanh nước mắt. Cái nóng bị đóng cục bởi những sự va chạm bất ngờ với miền vô ưu trong trẻo này. Người ở thế giới bên ngoài không hiểu vì sao ở đây chúng tôi có thể biết được mọi sự biến đổi và tường tận trạng thái của đất đai, môi sinh của họ. Chúng tôi không đi ra khỏi ngọn núi này. Chúng tôi không dùng những phương tiện kết nối, thứ mà loài người hiện đại cho rằng đó là phương thức duy nhất để con người có thể tương tác và hiểu rõ về nhau. Nếu quả thật mọi thứ chỉ tồn tại hữu hình như người thế giới ngoài kia vẫn nghĩ thì mặt trời, mặt trăng… đâu còn là phương tiện chung. Nếu chỉ lập luận như vậy thì ánh sáng, không khí và nước ắt hẳn đã phải phân chia thành phần cho những nơi chúng tồn tại… Vậy nên, có thể nói chúng tôi đã thông qua mặt trời, thông qua mặt trăng, không khí, ánh sáng, đất, nước… mà chúng tôi thấy rõ mọi sự việc. Thông qua nhịp điệu của bốn mùa, chúng tôi biết được tiến trình của loài người. Thông qua tiếng nói của đất đai, chúng tôi đo được lòng tham của người hiện đại. Và thông qua sự linh thiêng của vũ trụ, chúng tôi biết được những điều phải đến.

Tổ tiên đang bước những bước đi buồn bã, đang quay lại với nỗ lực thức tỉnh và cứu rỗi. Và tiếng thét của tự nhiên chỉ đang được đáp lại bằng những lời cầu nguyện đơn lẻ.

Trên chiếc lá là bản đồ của những vùng đất mà mùa Xuân đang ngắn lại. Nơi những cơn mưa đi qua không để lại nước cho cây cối mà để lại nước mắt dưới chân người trồng trọt. Tịnh thấy những lằn núi xanh trơ trọi như sắp bị cuốn vào hố không khổng lồ, thấy những cánh chim đang đập quanh một miệng núi lửa chực chờ thức dậy, thấy côn trùng thoát xác và chết trên những chiếc lá khô bay, thấy con sông hình bầu dục đang giữ những giọt nước cuối cùng cho mây trời tháng sáu, thấy những sinh linh đã hoà vào biển lớn đang trình diễn cuộc thi hoá rồng cùng cá chép, thấy những chú Voọc với ánh mắt từ hiền hoà, thân thiện thành đôi mắt sửng sốt của người ngoài hành tinh lạc lõng, thấy những bậc đá xếp người trăm năm viếng Phật, thấy một thân quen dưới tán cây hoa Thàn Mát đợi mưa về…

Và người nam đã lặng đến nơi này thành một màu tím tháng năm.

***

Lần đầu cắt tóc, Biên thấy toàn thân mình đau nhói, cảm giác như cây cối vừa trải qua một cơn bão lớn. Sự đổ gãy, xác xơ và mất mát đến lạ thường. Trong mê man cơn sốt, Biên đứng nép mình vào một vách tối. Ánh sáng lọt qua mái lá soi lờ mờ dáng ngồi của chàng trai mười tám tuổi. Đôi mắt khép hờ, tay cầm một ống gỗ đựng vôi và mái tóc dài như phủ kín một thân tâm quen thuộc.

“- Chúng ta không phân biệt nam nữ.

– Trái đất là nơi sinh sống của muôn loài, hãy tôn trọng từng gốc cây, ngọn cỏ vì cây cỏ cũng có đời sống riêng của nó.

– Vạn vật đều liên quan với nhau mật thiết vì vậy phải biết tôn trọng trật tự của thiên nhiên. Phá hoại đời sống thiên nhiên chính là hủy hoại đời sống của chính chúng ta”.

Giọng nói như quen sơ mà quyến thuộc ấy như những bước chân nhích Biên đến ngồi vào chỗ ngồi xưa cũ. Một chiếc lá đắng bắt đầu tan nhẹ trong đôi môi khép. Có một dòng suối mát lạnh đi qua đỉnh đầu, chảy dọc hai mạch nhâm đốc. Những tế bào bừng nở và thắp sáng. Con chim thiên đường nhả tiếng hót của mình tuột trên mạch nắng. Lấm tấm sương và phấn hoa đậu trên mái tóc, tóc Biên bắt đầu mọc dài nguyên thuỷ. Những âm thanh trắng là một lời chào đón yêu thương. Biên thấy mình thơ ấu và trong suốt; thấy mình lướt đi trong hân hoan cây lá, thấp thoáng hươu nai đang tròn xoe mắt vẫy chào, thấy cụ già lấy thân mía cây làm gậy, đi về phía trăm năm bằng mái tóc với nụ cười.

Biên choàng tỉnh. Mái tóc dài xoắn xít, thơm ấm mùi xông lá rừng. Miệng vẫn còn ngậm chiếc lá vừa chuyển sang màu huyết dụ. Đôi má ửng màu nắng sớm. Chim khách kêu vang vườn đồi như vừa lưu luyến đón tiễn một cố nhân.

***

Đó là một cơn mưa rừng tháng sáu. Người mở từng ngón tay xương dài sạm nắng ra và đặt đoàn người xuống dưới bụi cây nhỏ, Người bảo: Đây là kỳ nghỉ thiền của những linh hồn bé nhỏ nhiều tổn thương. Ở đây, âm thanh nguyên thủy của Mẹ Thiên Nhiên sẽ thanh tẩy và chữa lành cho các con. Cuộc dừng chân vào những ngày sắp đến của các con sẽ là nơi mà các con đã nghe ra từ những thanh âm riêng biệt dành cho mình ở nơi đây. Ta sẽ đợi các con ở đó để gửi tới các con những thông điệp mới về cuộc hành trình đến mai sau.

Mưa luôn đứng ngoài những cuộc chuyện trò của con người nhưng mưa luôn có mặt trong nỗi nhớ của họ. Tiềm thức vừa cho Biên một cảm giác mới mẻ, vừa đem đến một cảm giác thân quen khi những lớp vỏ cây bắt đầu chuyển màu ướt thẫm. Trong cái tưởng chừng như lặng im này là cơ man hồi sinh và chuyển động. Mưa rơi buổi đầu là âm thanh của lá cành cây lớn, là thanh âm của chim chóc và thú rừng. Mưa luôn bắt đầu như những mũi kim châm bén ngọt xuyên vào trí nhớ. Những giọt nước đầu tiên thấm vào thân cành đất đai không phải là nước mưa mà là nước của những ngày nắng khốc, là bụi bặm của trần gian, là những lời nguyện cầu được trả về của sinh linh, cây cỏ. Mưa là một bài kinh mà lời sám hối luôn vang lên trước hết. Và mọi an vui đều luôn được bắt đầu bằng một nỗi buồn. Mưa bắt đầu cho cây lá, đất đai nói tiếng nói riêng của mình. Bao hỷ nộ ái ố xồng xộc thành mùi hăng của đất. Cơn mưa nếu nửa chừng, mưa dở thì cũng như tâm con người khi chưa đến được chốn bình yên, sẽ hằn hộc, dở ương, quặt quẹo suốt bốn mùa.

Biên nghe rõ tiếng thấm hút và giãn nở của vỏ cây, của đá nóng. Thỉnh thoảng, một cảm giác biết ơn lại đến. Biên bắt đầu cảm nhận sự hiện hữu của mình, ngay phút giây này, ở đây… Một âm thanh của sự biết ơn, tha thứ hoà quyện đang đến: Sự biến mất của một suy nghĩ, của một chiếc dạ dày, của một lá gan; sự biến mất của những hơi thở mệt nhọc… Ánh sáng từ những giọt mưa đang nhận, làm mờ, làm mờ hơn, mờ đến khi chúng ta bắt đầu quên, quên, chưa từng hiện hữu… và chuyển đổi thành một màu xanh an hoà, bình dị.

Âm thanh chữa lành bắt đầu bật kết nối với tất cả những con đường, bật kết nối với những rễ cây vươn dài. Những bàn chân bắt đầu bật kết nối với đất đá dưới chân mình. Khu rừng bừng lên một lặng im hân hoan. Biên thấy nhiều đảo nhỏ yên bình nằm quanh những hốc đá. Sông suối đều đã và đang ở đây. Những hồ nước, những khu vườn tự do không rào chắn. Những mái tóc của mưa chấm đất mượt mà, những bàn tay lá cành đang nắm lấy nhau rộn rã. Những bốc đồng, sân hận đã nguội lành. Những gốc rễ tham ái đã hóa thành tàn tro. Những bông hoa vừa mọc ra từ tàn tích gỗ mục, cây khô. Những con chim chiều đã tìm thấy lại giọng hót buổi ban sơ.

Con đừng đếm bước chân mình đã dài rộng bao nhiêu mà hãy bước bằng những bước chân đủ đầy tâm huệ. Những bước đi sẽ không dừng khi con đứng lại, và sẽ nâng con qua bao ngần ngại, vui buồn.

Khi con ở đây, sự có mặt và quán chiếu đã đưa con đến khắp mọi nơi. Dưới cơn mưa luôn có một khoảng trời thắp nắng. Dưới con đường đất đá này là dòng chảy của nước, của sự sống. Tiếng hót, tiếng cười là một hình thái khác của tiếng thét, tiếng khóc của muôn loài. Nơi con đứng là đá mềm hay nước cứng điều đó nằm ở sự thấu hiểu của con. Mặt trời vẫn cháy bên ngoài cơn mưa và luôn có mặt trong những cơn mưa. Và mặt trăng không đến để xua tan bóng đêm mà đến vì những lần con mở cửa tâm trí mình. Sẽ luôn luôn tồn tại một nơi dành cho những cơn mưa cuối ngày trú ngụ. Cánh rừng của sự thức tỉnh luôn tồn tại trong mỗi chúng ta. Cơn mưa này rồi sẽ ra biển theo nhiều cách. Hãy là những giọt nước tinh lành để nuôi dưỡng trùng khơi. Mỗi một cuồng mê, hời hợt là một uế ô tích tụ. Con hãy nhớ mình từng là một giọt sương trong. Nơi đây chẳng phải là đại dương sao?

Biên thấy thân tâm dìu dịu và nhẹ nhàng như đang thả mình trong nước thẳm. Đá đã phủ rêu xanh, san hô và những loài thủy sinh quần tụ dưới bóng ngàn. Đi lên núi cũng là đang trở về với biển. Trong cái hữu hạn của hành tinh là những mênh mông, vô hạn ta chưa từng biết đến.

Xin chào!

Tôi là đại dương.

Tôi là nước.

Tôi là phần lớn của hành tinh này.

Tôi hình thành nên nó.

Mỗi dòng chảy, mỗi đám mây, mỗi một hạt mưa, tất cả đều trở về với tôi bằng cách này hay cách khác.

Mọi sinh vật ở đây đều cần tới tôi.

Tôi là cội nguồn.

Tôi là nơi tất cả sinh ra.

Con người

Bọn họ cũng chẳng có gì khác biệt

Tôi không nợ họ điều gì

Tôi cho

Họ lấy

Nhưng tôi luôn có thể lấy lại.

Đó chính là cách mọi thứ vẫn đang diễn ra.

Đây không phải là hành tinh của họ

Chưa từng

Và sẽ không bao giờ

Nhưng con người, họ nhận nhiều hơn cho

Họ đầu độc tôi nhưng lại muốn tôi nuôi sống họ.

(Làm gì mà có chuyện đó)

Nếu con người muốn tồn tại trong tự nhiên với tôi và tách khỏi tôi

Tôi mong họ lắng nghe thật kỹ.

(Tôi sẽ chỉ nói điều này một lần duy nhất)

Nếu tự nhiên không được bảo tồn

Con người sẽ không thể sống sót

(Đơn giản vậy thôi!)

Tôi không cần biết là có sự tồn tại của con người hay không

Tôi là đại dương

Tôi đã từng bao phủ toàn bộ hành tinh này một lần.

Và tôi luôn có thể lặp lại một lần nữa.

Hoa tảo đang bùng phát

Thủy triều đỏ là một tên gọi mỹ miều mang lại nhiều cái chết…

Đó là tất cả những gì tôi muốn nói.

***

Mưa vẫn rơi, trong nền âm thanh trắng tinh khiết của đất trời, những tiếng nói tuần tự vang lên. Đám mây là một màn ảnh rộng bốn chiều đang công chiếu những thước phim cô đọng của quá khứ. Những chuyến tàu luân hồi khi đến luôn chật ních và hỗn độn, những hình hài hao khuyết, méo mó, dị hợm, loẹt loè, lỉnh kỉnh chen chúc nhau. Lạ là cứ càng chen chúc họ càng tụt dần về phía sau, và nếu không nhận ra được quy luật đó họ sẽ bị rớt xuống những con tàu đám mây hình thú. Và hành trình để một lần nữa bước lên con tàu lớn này được tính bằng triệu năm thiên hà ánh sáng. Bước qua một vạch sáng đo xung tần ý nghĩ, những sinh linh giác ngộ, sám hối được định danh bằng một chấm sáng cầu vồng và yên vị vào một điểm của dải mây xanh mềm mại.

Từ điểm kết nối này, mỗi sinh linh được kích hoạt một năng lượng tương ứng với tần thức kết nối của mình. Biên nghe giọng nói của mẹ:

– Con hãy giúp chú cá nhỏ này được ra sông, con nhé!

– Con hãy lắng nghe tiếng côn trùng trong đêm. Bản nhạc này thật tuyệt phải không nào?

Tiếng gà gáy sáng là một quãng tuổi thơ của con. Con nhớ mẹ ngồi bên bếp lửa. Hình như những buổi sáng của cuộc đời con đều được bắt đầu từ tiếng gà và bếp lửa của mẹ. Bếp lửa ấy đang sưởi ấm con, đang làm cho con sáng thêm lên. Con nghe tiếng roi cày đang quất vào thinh không rồi vung lên một vồng nước bạc. Con đã ngồi trên bờ cỏ đó thật lâu để nhìn cha dắt trâu cày ruộng. Bờ cỏ ấy luôn xanh mướt trong giấc chiêm bao xế chiều của con. Con nghe tiếng tát nước lên đồng những đêm trăng hạn, nghe tiếng dầm khua xanh rợp bóng tre già. Con nghe tiếng mẹ cha đang gọi tên con trên đầu ngọn núi. Tiếng gọi thiết tha hệt như lúc này. Con đang nghe!

Những chiếc giếng làng trong giấc nhớ nồng nặc mùi thuốc trừ sâu. Mỗi người từng là cư dân làng đều ngang qua đó và xả vào một ít. Lúa trên đồng chín không cúi đầu thơm hương nữa mà cứ chai lì, ngạo mạn. Lòng giếng, mạch sông trong, suối mát đã giận người mà lấp cạn. Con đã qua mấy hình hài để học cách lắng đục khơi trong.

Vị trưởng lão mở mắt và bắt đầu cất lời: Chào đón những linh hồn đã hồi quy. Chúng ta đã trở lại nơi này, nghe lại giọng nói thân thương của mẹ cha mình. Nhưng thực ra đó tất thảy đều là chúng ta ở những hình thức, vai trò khác. Chúng ta đã biết mình không chỉ có một kiếp sống, mà sự sống sẽ luôn diễn tiến bằng cách như lúc này chúng ta đang thực hiện. Trong tiềm thức của chúng ta luôn là những hình ảnh, âm thanh thương thuộc: một bình minh, một hoàng hôn, một đêm trăng… Cái mà chúng ta nhớ không cụ thể là người nào, lời gì. Cái chúng ta nhớ chính là vũ trụ và sự bao hàm nó. Thứ quý giá nhất mà các con có được khi cơ thể vật chất mất đi là gì? Đó có phải là hình ảnh những nén vàng, cục bạc hay là một trạng thái an lạc cần có? Chúng ta đã làm gì cho những kiếp sống mai sau của mình? Thực tế những gì chúng ta tạo tác và để lại hoàn toàn không phải sẽ để lại cho con cháu hay một ai khác. Con cháu là tên gọi của một hình thức tồn tại vật chất của chính chúng ta bây giờ. Mọi sự “tạo tác” và “để lại” ấy chính mỗi chúng ta ở đây sẽ là người nhận lại, thừa hưởng và lãnh hậu quả.

Chúng ta ở cách thức tồn tại khi thơ ấu đã rất thánh thiện, đã được mẹ cha dắt đi, lưu giữ những hình ảnh ban sơ hồn hậu. Con người vật chất luôn muốn quay về tuổi thơ, sống mãi với tuổi thơ nhưng lại ra sức biến đổi những hình ảnh vốn đẹp đẽ của tuổi thơ, ra sức lấp và xoá những trạng thái mà tự nhiên vốn dĩ thuộc về.

Đất và trời đang dần mất kết nối với nhau. Những tia nắng, hạt mưa sẽ không bao giờ còn nghe hồi đáp của đất mẹ. Thay vào đó là bê tông, sắt đá, inox, nhựa, nhà kính… sẽ thị uy bầu khí quyển. Những cơn gió chướng đang quẩn quanh những bức tường tự kỷ. Khi lòng tham nổi lên sinh mệnh sẽ chìm xuống. Mỗi một sự bừa bãi, vô tâm sẽ là ngàn vạn lụi tàn, biến mất. Mỗi một vô minh, tham tàn là một huỷ diệt!

Tất cả sinh linh đều có quyền chọn đời sống riêng của mình. Và trên phương thức đó, mọi sinh linh sẽ quyết định qua lại đời sống vật chất của nhau. Chúng ta không là duy nhất, không thể đứng ngoài diễn trình tiến hoá chung được. Mỗi một ý niệm, một suy nghĩ, một hành động đều ảnh hưởng đến công cuộc chung này. Các con ngắm hoa nở, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của trăng tròn, chào đón mọi sự sinh ra… Vậy các con có bao giờ ngắm hoa tàn, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của trăng khuyết, chào đón những sự mất đi, chào đón những cái chết vật lý của mình ở một kiếp nào đó chưa? Nếu mỗi chúng ta đều chào đón được cái chết của mình trong sự hài lòng, thanh thản thì chúng ta đã không cần có mặt ở đây, chen chúc và tội lỗi. Hãy luôn nhớ cách mình đã bắt đầu cuộc hành trình của mình như thế nào. Đừng nhiễu loạn, đừng bất an, bởi hành trình vạn dặm đều luôn được bắt đầu ở một tâm hồn tinh khiết nhất.

Thiên nhiên và tất cả những gì bao hàm thiên nhiên đều là Mẹ. Mẹ không cần chúng ta báo đáp, không chấp nhận những đứa con ngông cuồng, vô đạo. Thiên nhiên sẽ không bao giờ mất đi, thiên nhiên chỉ tồn tại theo mong muốn của các con mà thôi. Và sự thay đổi hoặc biến mất của tự nhiên cũng chỉ nằm trong sự mong muốn thông qua hành động của các con. Cốt lõi của tự nhiên là sự cân bằng. Đó cũng là cốt lõi của sự sống.

Những bài học ban sơ sẽ luôn là những bài học lớn và ý nghĩa của một đời người. Chúng ta chỉ cần học cách yêu thương đúng đắn. Chỉ cần mỗi người đều biết trân quý hơi thở của mình như lúc này là đủ. Mọi hành động của chúng ta không ngoài sứ mệnh đem đến bình an cho chúng ta. Ở đây không dạy gì về yêu quý hay bảo vệ môi trường sống của các con sau này. Đó phải là một bản năng. Các con đều có khởi đầu như nhau, và tự nhiên sẽ hỗ trợ các con trong quá trình hoàn thiện mình. Nhưng rồi, mỗi lần quay về đây, tự các con thấy mình đã có một sự trở về an lành chưa? Sau mỗi lần hồi quy nơi nuôi dưỡng, các con lại thêm xơ xác. Mọi thứ đang tỉ lệ thuận với những hơi thở gấp gáp, chen chúc và đuối sức ngoài kia. Rừng đang dần mất đi trong từng phút, từng giây. Rác, khí thải công nghiệp đang nung đốt bầu khí quyển…

(Còn tiếp)

Comments are closed.