Chuyện kể năm 2000

Lê Minh Hà

Tôi vừa nhận được tác phẩm này qua Internet, từ nhà văn Vũ Thư Hiên. Và đã in ra ngay, đọc ngay, không chỉ một lần. Vâng, trong thời gian gần đây, chưa có tác phẩm nào tác động đến tôi sâu sắc như thế.

Phải nói ngay rằng tác phẩm này không chỉ là biến cố văn học của năm 2000, mà là của cả một thời kỳ dài trong đời sống nghệ thuật ở nước ta. ”Chuyện kể năm 2000” bị cấm là bằng chứng cho sự nhạy cảm và mẫn cán của những người nắm quyền kiểm soát đời sống văn nghệ nói riêng cũng như đời sống xã hội hiện nay ở Việt Nam. Tác phẩm này có thể coi như là sự cố năm 2000 với họ. Quy mô của sự cố này càng lớn trong điều kiện thông tin hiện nay.

Tác phẩm là bằng chứng đầy sức thuyết phục vào sức mạnh chính trị của nghệ thuật. Bùi Ngọc Tấn đã cho người đọc thấy sự khủng khiếp của cơ chế xã hội hiện tại dưới một cái nhìn mới sâu sắc chưa từng thấy. Sự khủng khiếp này không hiện hình đơn giản thành sức mạnh chuyên chính, sức mạnh trấn áp bằng bạo lực. Ðiều đáng sợ, như nhà văn phân tích, là bản chất của cơ chế xã hội đã chuyển hóa thành bản chất của nhiều cá thể xã hội. Ai cũng có thể là tù nhân, nội trú hay ngoại trú, như cách nói của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, nhưng ai cũng có thể là một thứ cai ngục không lương đối với những người sống quanh mình. Xã hội Việt Nam đang có những đợt sóng ngầm và tác phẩm này có thể làm cho những đợt sóng ấy sôi sục hơn, dẫn tới những biến cố xã hội mới ngoài vòng kiểm soát của chính quyền. Vâng, chính trị khi được người nghệ sỹ cảm nhận ở tầm vi mô một cách sâu sắc như thế hẳn có tác động như thế.

Không phải ngẫu nhiên mà ở Việt Nam đã có Bộ Thông tin Văn hóa lại có thêm Ban Tư tuởng Văn hóa trực thuộc Trung ương Ðảng, lại có bộ phận bảo vệ văn hóa của Bộ Nội vụ [nay là Bộ Công an – chú thích của Văn Việt] và chính sách kiểm duyệt thì còn nặng nề hơn cả thời thuộc Pháp, như chính các nghệ sỹ thành danh thời đó than thở. Không phải ngẫu nhiên mà người lãnh đạo tinh thần của những người cộng sản Việt Nam, lại nói huỵch toẹt ra rằng văn hóa nghệ thuật là một mặt trận. Không phải ngẫu nhiên mà tác phẩm ”Chuyện kể năm 2000” vừa ra đời đã bị nhà nước thu hồi tức khắc đồng thời đã được chuyển ra ngoài tức khắc nhờ vào lòng can đảm của những người thiết tha với sự trung thực. Và, không phải ngẫu nhiên mà người ta đã khép cho không biết bao nhiêu văn nghệ sỹ cái án cao su chỉ vì họ là chiến sỹ trên mặt trận ấy, nhưng ở phía đối đầu với chính quyền, hoặc bị nghi ngờ rằng không đứng sau lưng chính quyền. Như Bùi Ngọc Tấn, Phùng Cung, Nguyễn Hữu Ðang, Vũ Thư Hiên… hay như những nhân vật có cuộc sống hoàn toàn nghệ thuật vị nghệ thuật trong ”Chuyện kể năm 2000” – nhân vật Luợng.

Trong phạm vi quốc gia, dân tộc, tôi nghĩ rằng ”Chuyện kể năm 2000” là tác phẩm quy mô nhất từ trước tới nay tạo được nhu cầu đối thoại thật sự giữa người Việt trong nước và hải ngoại. Bởi vì nó hay và tác giả của nó là người trong cuộc. Do sự kiểm soát của nhà nước, người Việt trong nước chưa được đọc người Việt hải ngoại như trong chiều ngược lại. Tuy thế, trong chiều ngược lại, ta phải ghi nhận một sự thật là nhiều tác phẩm bị coi là có vấn đề trong nước được tìm đọc, được thán phục chủ yếu vì tò mò, vì có lợi cho việc theo đuổi mục tiêu chính trị của những nhóm người Việt nhất định. ”Chuyện kể năm 2000” không nằm trong số tác phẩm này. Thông điệp lớn nhất của tác phẩm là lời kêu gọi yêu thương trên cơ sở nhận rõ sự khủng khiếp của thù hận và ngờ vực.
*
”Chuyện kể năm 2000” giới thiệu được tâm hồn Việt Nam mà không hổ thẹn với thế giới. Nghèo đói, khốn khó, tù đày, chết chóc, có, nhưng tình yêu thương giữa con người càng được sắc đặc lại, không thể nào tàn diệt. Hãy tiếp tay chuyển cuốn ”Chuyện kể năm 2000” về nước cho bà con trong nước được xem. Ðấy là một lời nhắn gọi có thể đọc thấy trên nhiều trang Web hiện nay.
Hiện tượng này chỉ phổ biến ở một đất nước bị bưng bít thông tin, và nhân dân không được quyền nói thật, là Việt Nam quê hương ta. Cuốn sách đã bị thu hồi ngay sau khi phát hành, và được những người dũng cảm chuyển ra nước ngoài qua mạng, rồi bây giờ, lại làm một hành trình nhọc nhằn để trở về quê hương. Ðấy là một biến cố chưa từng thấy trong đời sống văn nghệ nước nhà, là một sự cố chính trị đối với chính quyền hiện thời.

Dù dũng cảm hay ngây thơ khi cho in cuốn ”Chuyện kể năm 2000”, các nhà biên tập cũng đã có công lớn với văn học nước nhà. Ðọc, không dừng được. Có cái tinh tế, hào hoa. Tinh tế hào hoa lắm. Trong từng chi tiết. Ngay cả khi tác giả mô tả những nỗi nhục nhằn. Ðọc, dễ đoán rằng tác giả thuộc thế hệ những người chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn học Pháp, và sau đó là văn học Nga, không cần biết tiểu sử.
Nhưng cái thâm trầm, chua chát thấm đượm trong từng khoảng lặng giữa mỗi từ, mỗi câu là của riêng Bùi Ngọc Tấn, một nhà văn Việt Nam, một người tù Việt Nam, của giai đoạn lịch sử bi thảm và kỳ cục này.
Ðấy là cái thời ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa nghệ thuật được sử dụng như một thứ vũ khí tuyên truyền đắc lực để xốc dậy những sức mạnh lớn lao của dân tộc. Trữ tình, cứ việc, nhưng bao giờ cũng phải là một thứ trữ tình chính trị kiểu Tố Hữu. Thế nên mới có ”Xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước – Mà lòng phơi phới dậy tương lai…” hay “Ðường ra trận mùa này đẹp lắm – Trường Sơn Ðông nhớ Trường Sơn Tây… ”, ở trong đó, không gian lịch sử được nghệ thuật khuôn lại thành không gian quảng trường, con người với tất cả sự phức tạp được nhào nặn và cắt gọt để trở thành con người công dân. Tôi nghĩ rằng những tác phẩm đó đóng được vai trò cần thiết trong đời sống đương thời, khi mà dù sao thì chiến tranh đã xảy ra rồi và phải kết thúc nó, bằng cách này hay cách khác. Nhưng không đủ. Bởi vì lịch sử không chỉ có thế. Tiếc thay, cho đến giờ người ta mới biết điều đó một cách tận tường, bắt đầu từ “Ðêm giữa ban ngày” của Vũ Thư Hiên, và giờ là “Chuyện kể năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn.

Ðây là một tác phẩm nghệ thuật đích thực. Tôi nói điều này bằng tất cả sự kính trọng, của một người đòi hỏi rất cao ở nghệ thuật, nghệ thuật phải là nó, không được là một thứ gì tương tự. Chỉ có như thế thì nghệ thuật mới có thể tác động đến đời sống con người. Mà sức tác động này thì kinh khủng. Ngày trước, tôi từng đọc tùy bút ”Lòng yêu nước”của Ilya Ehrenburg, và cũng từng đọc ở đâu đó rằng Bộ trưởng Thông tin của nước Ðức quốc xã lúc bấy giờ đã đánh giá sức mạnh của tùy bút này ngang với một quân đoàn, còn Hitler thì tuyên bố nếu chiếm được Moscow sẽ treo cổ rút lưỡi phát thanh viên đã đọc bài tùy bút này. Nghệ thuật là thế, phải là thế. Nghĩa là mỗi tác phẩm phải là một chỉnh thể trọn vẹn, hài hòa giữa nội dung và hình thức. Bùi Ngọc Tấn đã đạt tới điều đó ở ”Chuyện kể năm 2000” .

*
Cuốn tiểu thuyết mang dấu ấn tự thuật rất đậm, nhưng trước hết, cuối cùng nó là tiểu thuyết chứ không phải nhật ký. Tính chất tự thuật là một đặc tính của văn học hiện đại. Là tiểu thuyết, ”Chuyện kể năm 2000” phải đáp ứng được các yêu cầu đối với thể loại này, phải khái quát được bản chất hiện thực. Mang tính tự thuật, ”Chuyện kể năm 2000” phải đưa lại cho người đọc những chiêm nghiệm lớn về hiện thực. Nếu không chắc chắn nó sẽ bị người đọc từ chối. Trong thực tế, tác phẩm được đón nhận nồng nhiệt.
Cấu trúc tác phẩm, đặt trong so sánh với văn học Việt Nam hiện nay là mới. Ðâu có phải là tập một kể chuyện trong tù, tập hai kể chuyện ra tù. Ðơn giản thế thì chắc tác phẩm sẽ gây ấn tượng nhẹ nhàng hơn. Bằng một thủ pháp không mới với văn học thế giới, thủ pháp đồng hiện thời gian, tác giả đã nới rộng không gian nhà tù thành không gian xã hội và ngược lại, làm cho mỗi chi tiết trở nên sắc nét, mỗi cảnh đời trong tù trở nên đau đớn thê thiết hơn, mỗi cảnh đời ngoài tù trở nên cay đắng, chua chát, bi thảm hơn. Sức khái quát hiện thực của tác phẩm vì thế hết sức mạnh. Thủ pháp này còn có một tác dụng khác: Làm cho thời gian tâm lý của người kể chuyện dãn ra, chân dung nghệ thuật của người kể chuyện được khắc họa rõ nét, nhân ái, thâm trầm, dù đời toàn những nhục nhằn, thống khổ. Cần phải nhấn mạnh nhân vật người kể chuyện có tiểu sử là trí thức nghệ sỹ, trí thức thì bao giờ cũng muốn đạt tới lối tư duy riêng; nghệ sỹ thì muốn tìm một lối cảm riêng, không thể dễ dàng từ bỏ, mà cũng không thế lực nào có thể dễ dàng trục xuất lối cảm lối nghĩ đó, để nói tiếp rằng như thế, những nhục nhằn thống khổ, cũng như nhân ái thâm trầm kia cao hơn mức bình thường rất nhiều.

Ngôn ngữ tác phẩm ngược lại rất mới. Ðiều này đặc biệt có ý nghĩa khi trên báo chí trong nước hiện nay ta nhận thấy rõ ràng quá trình ngôn ngữ bị sa mạc hóa, hay chợ giời hóa. Câu chữ của Bùi Ngọc Tấn ngắn gọn, mà đầy dư ba. Ðơn cử: từ đầu tới cuối nhân vật Ngọc được gọi là nàng. Tôi bị dị ứng từ lâu với cặp từ chàng nàng khi gặp nó trên những trang sách của nhiều người viết hiện nay. Nhưng đến ”Chuyện kể năm 2000”, thì đấy, ”Nàng” , âu yếm, thiết tha, trân trọng, không thể thay thế được. Mới hay cái mới là thế, không phải là cũ người mới ta, không phải là lập dị, cái mới trước hết phải hay, phải là một thứ của độc. Nhà văn cao tay là nhà văn tạo được cái Mới như thế, từ những vật liệu nghệ thuật tưởng chừng như sờn mòn.

Tác phẩm này là tác phẩm buộc người ta phải dừng lâu trên từng chi tiết. Là một người sinh ra, trưởng thành trong xã hội mà Bùi Ngọc Tấn mô tả, tôi nói rằng đây là một tác phẩm văn chương trung thực. Không trung thực với chính mình, không tài hoa, không yêu cuộc sống này không viết thế được. Nhà văn, ngay khi là một tù nhân, vẫn mở mọi giác quan để hướng về sáu cõi, sống hết mình từng giây từng phút với bản năng của một nghệ sỹ lớn.

Ở góc độ những nhà phê bình lý luận, chắc chắn người ta phải ghi nhận ”Chuyện kể năm 2000” như là tác phẩm khai thông lại mạch thơ văn trong tù cho văn học trong nước. Chủ đề tù ngục là một chủ đề lớn trong văn học Việt Nam, và mảng được sáng tác bởi những ngừơi cộng sản khi họ chưa thiết lập được chính quyền được đề cao đặc biệt. Nhưng một cách không chính thức, người ta mặc nhiên coi như mạch thơ văn này đã cạn.
Các tác phẩm viết về tù ngục của văn học Việt Nam tuy thế ít sức sống, đơn giọng, thường chỉ thể hiện sự trung thành với lý tưởng, và nhiều phần là thơ, dù nhiều người viết. Bằng khả năng khái quát hiện thực của mình, bằng việc chọn cho mình thế đứng của người nghệ sỹ dưới đáy, chứ không phải là của người ly khai hay chiến bại, Bùi Ngọc Tấn đã mang lại cho chủ đề này sự sâu sắc, nhân bản, đa thanh. Có lẽ các nhà văn bị tù đày sau 1975 ở miền Nam sẽ không cho rằng chỉ mình mới có thẩm quyền về đề tài này sau khi ”Chuyện kể năm 2000” xuất hiện.

Lịch sử đương đại Việt Nam cho thấy những tác phẩm chính trị thì thường thiếu tính nghệ thuật, và tác phẩm nghệ thuật thường thiếu khả năng khái quát hóa đời sống chính trị, thường không bộc lộ được sự nhạy cảm chính trị cần thiết của người nghệ sỹ. ”Chuyện kể năm 2000” là một trường hợp đột xuất trong đời sống văn hóa văn nghệ hiện nay ở nước nhà, mà qua đó, người ta có thể hy vọng vào sự xuất hiện một tâm trạng xã hội mới, mà trước hết là hy vọng vào sự can đảm mới của những nghệ sỹ, trong đó có những người đã buộc phải tự xã hội hóa để sống còn, đã không chống lại được sự tha hóa. Là bởi vì đó là một tác phẩm nghệ thuật đích thực.
Bị đóng dấu ngay từ lúc mới khai sinh, tác phẩm này, Quần đảo Gulag Việt Nam này xứng đáng được coi là một vòng hoa choàng lên trên vầng trán những nghệ sỹ Việt Nam bấy lâu nay vẫn tưởng chỉ biết cúi đầu tụng niệm những lời không phải của mình trong hổ nhục. ”Chuyện kể năm 2000” chứng tỏ nghệ thuật luôn có khả năng tạo những cơn địa chấn trong đời sống chính trị xã hội của một quốc gia, khi nó diễn tả được trung thực nỗi đau khổ của con người, bằng sức mạnh của cảm thông và yêu thương. Tác phẩm cho phép chúng ta hy vọng vào một chỉ dấu dương trong đời sống chính trị văn hóa hiện thời ở trong nước. Như ”Chuyện kể năm 2000”.

Tháng 5. 2000

Comments are closed.