Thơ Việt từ hiện đại đến hậu hiện đại (kỳ 3)

Inrasara

3. Nhà thơ hậu hiện đại và viết hậu hiện đại

Hiện đại và hậu hiện đại

Khác với tham vọng của chủ nghĩa tiền phong đòi cắt đứt mọi quan hệ, qua đó tạo ra phong cách đặc thù đẫm tính cá nhân, một phong cách khép kín đầy ngạo mạn, chủ nghĩa hậu hiện đại muốn khôi phục lại sự liên hệ với tất cả cái gì thuộc về quá khứ. Hầu hết mọi thủ pháp hậu hiện đại đều đã được nhà hiện đại hay hiện đại hậu kì biết đến. Sự nhấn mạnh tính chủ quan trong văn bản, sáng tác thuộc dòng ý thức, biên giới mờ giữa các thể loại, hình thức phân mảnh và sự không liên tục của ý tưởng, chối bỏ thứ trau chuốt mang tính tu từ, khước từ phân biệt hình thức cao/ thấp, trí thức/ bình dân của nghệ thuật,… được chủ nghĩa hiện đại khai phá và đã có các thành tựu lớn, giai đoạn qua.

Nhiều đặc điểm ở hậu hiện đại đã có mặt ở các sáng tác hiện đại chủ nghĩa – không sai! Nhưng điều quyết định xẻ ranh khu biệt hậu hiện đại với cái khác nó, là: nền tảng triết học và thái độ. Thái độ, đó là trong lúc nhà văn hiện đại mô tả đầy chủ ý sự thể như nỗi bi thảm, và khóc than cho chúng trong nỗ lực gắn kết, tìm sự thống nhất một cách tuyệt vọng, thì nhà văn hậu hiện đại không những từ chối tham dự để dàn xếp, đưa chúng vào trật tự mà còn chấp nhận chúng, tán dương chúng, nhập cuộc chơi với chúng – khoái hoạt!

Khi Vi Thùy Linh tuyên bố sẽ làm nghiêng đổ ổn định, phá vỡ mọi quy ước, chặt đứt quá khứ, thoát khỏi tính bầy đàn để khẳng định cái tôi với cả rổ hình dung từ ngổ ngáo thì đó chỉ là một mở đầu cho nữ quyền luận sơ khai; nhưng chỉ cần “ngọn cỏ gió đùa” thổi lướt qua, khẳng định kia mới ra nữ quyền luận hậu hiện đại.

Khi Nguyễn Hữu Hồng Minh tuyên xưng: “Tôi là Tổng thống trong chính phủ thơ ca”(13), đó là một sự tuyên xưng hiện đại; chỉ khi Lý Đợi tuyên bố “không làm thơ” mà anh cứ làm thơ, hay Nguyễn Tôn Hiệt viết “Tuyên ngôn thơ thực hiện” hẳn hoi mà bản thân anh quay lại đùa nghịch với chính tuyên ngôn của mình, thì đó chính là tuyên ngôn hậu hiện đại.

Khi ta than không còn nơi nào để di cư và lưu vong, ta đau khổ bởi nó, là ta đang gánh tâm thức hiện đại; chỉ làm như Đỗ Kh. xem di cư như là sự chuyển dịch đầy lí thú và lưu đày chính là quê nhà, ta mới đầy tràn tâm thức hậu hiện đại.

Văn Cao chết, Trịnh Công Sơn chết kèm theo đó là bao lời điếu văn và diễn văn đau buồn. Đó là điều thiêng liêng. Đã không ít kẻ biến thiêng liêng ấy thành món ăn theo tệ hại. Bùi Chát sẵn sàng nhại âm “hu hu hu” để đùa nghịch lời điếu văn sáo mòn giả tạo ấy. Còn khi điếu văn, diễn văn long trọng quá đáng và có nguy cơ bốc mùi, Nguyễn Hoàng Nam bỡn cợt nó cách khác nữa:

những giây phút cuối cùng của con cặc tôi

cũng khá cảm động

Chú thích: theo lời kể lại thì cảm động ngang ngửa với các bài diễn văn

(Nguyễn Hoàng Nam, “Gia tài”)

Họ là nhà thơ hậu hiện đại.

Khi các bức tường của thành phố Sài Gòn nhem nhuốc những “khoan cắt bê tông”, “chữa yếu sinh lí”, “Anh văn cấp tốc”, “rút hầm cầu”,… các nhà hiện đại lên tiếng than phiền cho sự xuống cấp của xã hội và cảm nghe bất lực thì Lý Đợi – nhà thơ hậu hiện đại xem nhem nhuốc kia là bộ phận thiết yếu của đời sống đô thị Việt Nam đương thời, như là nét tô vẽ làm cho thành phố thêm nhốn nháo, sống động.

Khi các nhà ngôn ngữ và nhà thơ hiện đại ngày đêm trăn trở giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, thì Đinh Linh thích thú mở cuộc mổ xẻ vành tai tiếng Việt theo cách của mình; từ đó đưa cơ man ngôn ngữ đời thường vào thơ, bày đặt cả lô từ vựng quái dị để lột tả các hiện tượng quái dị nữa. Đinh Linh là nhà thơ hậu hiện đại.

Khi bản sắc truyền thống văn hóa Việt Nam, từ lễ hội cho đến màn ca cổ, từ vụ biểu diễn thời trang hoa hậu áo dài cho đến việc bố trí cụ đồ hiện đại ngồi vỉa hè thủ đô đang được bao nhiêu tổ chức văn hóa trong nước nâng niu, cải tiến và nâng cấp để mang ra khoe mẽ với thế giới, Nguyễn Đăng Thường nhìn vào mặt trái của chúng; anh làm thơ nhạo nhiếc chúng không tiếc lời. Nguyễn Đăng Thường là nhà thơ hậu hiện đại.

Khi nhà lãng mạn tin tưởng vào tiền đồ đất nước, vào tương lai tươi sáng của dân tộc, với tiến bộ về mọi mặt thì Đỗ Kh. đưa cái nhìn soi vào cả bề nổi lẫn chìm, sáng lẫn tối.

Cao ốc ta sẽ chọc trời hơn là Hương Cảng
Ta sẽ có nhiều đĩ hơn là Thái Lan

(Đỗ Kh., “Ngũ Long hành khúc”)

Thấy và kể ra khơi khơi vậy thôi. Không trầm trọng hóa vấn đề, nhưng ở đó vẫn mang đầy yếu tố cảnh tỉnh. Đỗ Kh. là nhà thơ hậu hiện đại.

Sâu sắc, lạ biệt, độc đáo, nén, ý tại ngôn ngoại là tiêu đích phấn đấu của mọi nhà thơ hiện đại; các nhà hậu hiện đại làm ngược lại, tất cả được đưa lên bề mặt, lòi ra, trồi lên. Bề mặt này còn thể hiện ngay ở cách chọn đề tài. Đinh Linh thơ về thực đơn, về cơm và cháo, ngôn ngữ và thịt. Bùi Chát nêu “Việc kém hiểu biết trong vấn đề phòng & tránh thai dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc”. Còn Vũ Thành Sơn tìm hiểu “Lí do tôi không uống cà phê sáng nay”. Nghĩa là chuyện vụn vặt đời thường xảy ra trong cuộc sống hằng ngày đều là đề tài hấp dẫn của thơ hậu hiện đại.

Các nhà thơ hiện đại coi thơ là môn nghệ thuật cao cả và sang trọng, là nghệ thuật của mọi nghệ thuật, đáng ngồi vào đền thiêng của nền văn hóa dân tộc; nhóm Mở Miệng quyết lôi nó xuống lòng đời, cùng lăn lóc và chịu lấm lem giữa chợ đời.

Viết hậu hiện đại

Tất cả cái mới đã bị các nhà hiện đại khai thác cạn kiệt. Đây là thời văn chương [của sự] cạn kiệt the literature of exhaustion, John Barth quyết liệt thế. Nhưng mươi năm sau thôi, ông nghĩ khác, tuyên bố khác: Đây là thời văn chương [của sự] phong dật the literature of replenishment (John Barth, 1980)(14). Nhà văn hậu hiện đại nhập lưu vào mênh mông hiện thực thậm phồn, khắp xung quanh là cả kho tàng trân bảo văn liệu và ngữ liệu sẵn có của nhân loại, họ đến đó, cúi xuống nhặt lấy và khai thác. Mỗi văn bản là một liên văn bản. Mặc cảm đụng hàng không còn nữa. Phỏng nhại pastiche là sáng tạo, cắt dán là sáng tạo – sáng tạo hậu hiện đại.

Rất nhiều nhà thơ lẩy ra các thành ngữ, tục ngữ hay ca dao có nội dung gần nhau, sắp đặt chúng theo hàng dọc, hàng ngang để tạo thành bài thơ; không ít người viết còn lượm nhặt các khẩu hiệu, các bảng cấm hay khuyến dùng để làm ra bài thơ nữa. Đó chính là lối viết hậu hiện đại.

Chồng em nó chẳng ra gì—

Ngu, ấu trĩ, cả đời bợ đít mẹ—

Tổ tôm xóc đĩa nó thì chơi hoang—

Thua, nó còn đi bia ôm để giải xui!—

Nói ra xấu thiếp, hổ chàng—

Nói phí hơi, ai chẳng biết?—

Nó giận nó phá tan hoang cửa nhà—

(Đinh Linh, “Giữa chị em ta”, Lĩnh Đinh Chích Khoái, Sài Gòn, NXB Giấy Vụn, 2007)

Tôn trọng và nói lên “sự thật” lịch sử là mục đích của mọi sử gia và con người bình thường, nhưng nhà thơ hậu hiện đại nghĩ khác. Lịch sử không phải là quá khứ mà là câu chuyện về quá khứ do một cá nhân hay cộng đồng kể lại. Nó chỉ là một trong những diễn ngôn discourse. Nơi “Hemingway & bướm – nguyễn & xe tăng”, nhà thơ hậu hiện đại Phan Bá Thọ không e ngại cho Hemingway tác giả Ông già và biển cả được kết nạp vào hội viên nhập Hội Nhà văn Việt Nam hay cắm cờ trên nóc hầm Đờ cát, kết bè cùng Phạm Duy đi hút thuốc phiện. Không dừng lại tại đó, Phan Bá Thọ cố tình nặn ra hàng loạt thông tin dư thừa không cần thiết rồi nhét bừa vào bài thơ nữa. Không vấn đề gì cả, đó chính là thủ pháp siêu hư cấu sử kí historiographic metafiction, một đặc trưng của lối viết hậu hiện đại, lối viết không những làm méo mó lịch sử một cách có chủ ý, hòa lẫn lịch sử và giả tưởng, xáo trộn trật tự thời gian quá khứ nhằm phá vỡ tính mạch lạc của lối kể truyền thống.

Nhà thơ hậu hiện đại có thể sử dụng tin từ tờ báo ngày, thông tin trên mạng làm thứ chất liệu (như từ, cụm từ, hay cái gì nữa bất kì) sẵn có, chế biến tùy ý, thêm vài nhận định chủ quan để làm ra bài thơ. Lý Đợi là chuyên gia sử dụng thủ pháp này.

Thể hiện tinh thần độc sáng, hầu hết các nhà thơ hiện đại chọn thơ tự do không vần trong các sáng tác, tránh tối đa các thể thơ truyền thống. Nhà thơ hậu hiện đại đối xử vô phân biệt truyền thống hay hiện đại. Họ xài đủ thể thơ có trong tay. Nguyễn Thế Hoàng Linh tuyệt chiêu với lục bát hậu hiện đại đầy sáng tạo của mình. Bên cạnh Khế Iêm từ hậu hiện đại chuyển qua tân hình thức, chủ trương “sử dụng thi pháp đời thường thay thế thi pháp cảm tính”(15); qua đó lôi cuốn cả mấy chục người thử nghiệm tân hình thức Việt.

Các nhà thơ hậu hiện đại Việt bày ra bao nhiêu loại thơ nữa. Nguyễn Hoàng Tranh: thơ thị giác visual poetry, kết hợp ngôn ngữ và hình ảnh:

image

image

Đặng Thân và thơ phụ âm, Nguyễn Tôn Hiệt với thơ thực hiện, thực hiện Tuyên ngôn thơ vô tiền [khoáng hậu] trong lịch sử thơ Việt.

Lê Văn Tài bằng hàng loạt bài thơ cụ thể concrete poetry đăng liên tục trên Tienve.org, tạo hiệu quả nghệ thuật đặc biệt. Bài “Văn bản toàn trị [nhìn sâu]”, chữ và nghĩa hoàn toàn vắng mặt, dành chỗ cho màu sắc và hình khối. Một bức tranh nhiều màu án ngữ giữa màn hình vi tính. Vòng ngoài là loạt bàn chân cùng đi một chiều, tạo cảm giác trăm bước đi trên một lối mòn đã định hướng sẵn, phần trong là các que ngoặc không đều gồm hai màu xanh và xám vô trật tự, trung tâm bức tranh là chiếc sọ dừa với hai thanh dùi cui như hai chiếc xương bánh chè bắt chéo ở tư thế dọa nạt “nguy hiểm chết người”, nhưng sọ dừa kia vẫn rất mực tỏ vẻ đạo mạo đầy quyền uy qua chiếc cà vạt nghiêm chỉnh với hai bàn tay xòe áp vào ngực.

Nguyễn Hoàng Nam với thơ graphic. “Những ngày vô cảm” sử dụng phần mềm graphic của thời vi tính, nhưng bằng các “vật liệu” và đơn vị ý tưởng rất cổ điển: chữ Hán, cờ tướng, thế kẹt Mã điền, những nội dung “thời của tốt đen” và “anh hùng mạt vận” v.v. nhìn qua ai cũng biết, anh làm ra tác phẩm mới lạ mang nội dung của thời đại đã tạo cảm xúc đặc biệt. Dấn thêm một bước, Nguyễn Hoàng Nam còn chế tạo ra loại “thơ phân thân” chưa từng có tiền lệ. “Một bàn chưn” tự tách ra khỏi chủ thể con người để làm cuộc hành trình độc lập với cả chuỗi hành động qua cuộc phiêu lưu riêng lẻ, không liên quan đến con người từng “sở hữu” nó.

Nguyễn Tôn Hiệt với thơ động tác. “Trăm năm trong cõi / người ta” là bài thơ gồm toàn danh từ hay danh từ kèm động từ; chủ từ hoàn toàn vắng mặt, tính từ và trợ động từ càng không. Anh phó mặc người đọc với trò ráp nối và diễn dịch chủ quan trong một hoàn cảnh, tâm trạng nhất định của họ. Đinh Linh, Đỗ Kh. có thơ photo và thơ video. Nghĩa là nhà thơ hậu hiện đại không từ chối hay chống lại mà tận dụng mọi lợi thế của khoa học kĩ thuật, để làm thơ.

Khánh Phương, lần đầu tiên “biến tấu” từ Kan-ji – tập hợp chữ Hán được người Nhật dùng vào việc đồng thời ghi âm và biểu ý trong kết hợp ngữ pháp đặc thù của tiếng Nhật –, một biến tấu gợi những trải nghiệm mở không phải không lí thú.

Với năm “Kan ji”, từ “Kan ji, 1” đến “Kan ji, 5”, Khánh Phương đã đẩy “thơ khách quan” đi rất xa. Hãy nghe nhà thơ này tuyên ngôn:

“Kan-ji là tập hợp chữ Hán được người Nhật dùng vào việc đồng thời ghi âm và biểu ý trong kết hợp ngữ pháp đặc thù của tiếng Nhật. Là loại chữ tượng hình và biểu ý nên Kan-ji có trường nghĩa mở, lung linh, đồng hành với những bước phát triển của xã hội và tư duy người Nhật, biểu đạt trọn vẹn và lan toả tinh thần Nhật Bản tự cường, kiêu hãnh đúng nơi đúng lúc, nghiêm cẩn nhưng cũng rất khoan hoà. Phần biểu ý của Kan-ji gần trùng khớp với hệ thống Hán tự ở Việt Nam. Lấy cảm hứng từ ý nghĩa của Kan-ji trong đời sống ngôn ngữ Nhật Bản, tôi muốn thực hiện những biến tấu mới với kinh nghiệm tiếng Việt, hướng tới những trải nghiệm ngôn ngữ giữa cái đơn nhất và đa bội, cái dị biệt và thông thường, cái ổn định và khác lạ… — những trải nghiệm mở(16)

Đã thấy Dương Tường “biến tấu” các con âm tiếng Việt, dù công cuộc không tới đâu nhưng cũng rất đáng ghi nhận. Bùi Giáng với các bài lục bát “hậu hiện đại” hay các sáng tác mà từ Hán Việt chiếm thế áp đảo rất độc đáo của ông nữa. Tất cả đều được gợi hứng từ chữ Việt hay âm Việt. Khánh Phương là người đầu tiên “biến tấu” từ Kan-ji, một biến tấu gợi những trải nghiệm mở khá lí thú:

Váy tôi quá ngắn mà đùi quá dài đố ai viết thêm chữ khẩu

Tiệm bánh ở những Tabeno Machi khó khăn giữ chữ tín đôi khi sơ suất

… hàng vạn đóa san hô trồi lên chữ hải

Hành động thơ này mang trong nó khả tính khai mở cho những nẻo đường phát triển thơ Việt ngày mai.

Không ít nhà thơ viết truyện rất ngắn nhưng vẫn cứ xếp nó vào mục thơ, có kẻ viết thơ như viết tiểu luận ngôn ngữ. Đinh Linh và Đặng Thân đã làm như thế. Hậu hiện đại giải khu biệt hóa và phi tâm hóa ngay trong các thể loại, nhà thơ thích thú kết hợp và trộn lẫn các thể loại để tạo nên một thể loại văn chương khác, mới. Khi họ muốn gọi nó là bài thơ thì đó chính là bài thơ.

Cuối cùng, sáng tác hiện đại rất ý thức về tác giả, về bản quyền tác giả trên tác phẩm mình. Bởi họ tìm tòi và độc sáng. Nhà hậu hiện đại nghĩ ngược lại, chẳng có gì là độc sáng cả. Mỗi sáng tạo là một vi phạm bản quyền, nhiều hay ít, ẩn hay hiện, lộ liễu hay kín đáo, nên họ không kiêng nể sử dụng ngay tác phẩm có sẵn và chế tác trên nó. Bùi Chát đã làm nguyên tập thơ nghĩa địa như thế mà không sợ bị lôi ra tòa: Xin lỗi chịu hổng nổi (2007)!

Chắc chắn sẽ có phản ứng, thơ như thế mà “khó” gì, cứ kí sinh trên tác phẩm của người khác, cứ xáo bừa mọi hình ảnh/ ngôn từ/ ý tưởng như nhà cái bầu tôm xóc dĩa làm thì cũng xong cái bài thơ. Và thơ để làm gì, nếu không sáng tạo được thêm thủ pháp mới, phương cách mới để khám phá hiện thực, nói lên tiếng nói sâu sắc, mới lạ để làm rung động lòng người?

– Đúng. “Hậu hiện đại tháo gỡ vấn đề tha hóa bằng cách tháo gỡ luôn hiện thực” (Mikhail Epstein, 2000), để cái lâu nay chúng ta tưởng là hiện thực lộ nguyên hình là hiện thực giả. Chỉ có ngôn ngữ đẻ ra ngôn ngữ và tạo ra thế giới. Mà ngôn ngữ lại đầy giả tạo trong một thế giới ngập tràn hình ảnh giả tạo, “những hình ảnh phi căn nguyên” image-without-an-original (J. Baudrillard, 1995) trùng trùng duyên khởi tạo nên một thứ hiện thực thậm phồn hyper-reality(14). Đó là cách tái khám phá hiện thực của hậu hiện đại, thể hiện sinh động ở các sáng tác của Đinh Linh, Vũ Thành Sơn, Đỗ Kh.,…

Cái nhìn phản tỉnh về hiện thực (hiện thực là bản sao giả tạo simulation) và văn bản (mỗi văn bản là một liên văn bản) như thế đã đẻ ra thứ thủ pháp giễu nhại parody, là thủ pháp đặc trưng nhất của lối viết hậu hiện đại. Thủ pháp được Lý Đợi vận dụng triệt để ở hầu hết bài thơ của mình(17).

Từ chối bề sâu, hậu hiện đại nhấn về bề mặt, sự trồi lên; nhưng bề mặt và trồi lên không đồng nghĩa với nông cạn, hời hợt. Nó vẫn khả năng đánh động con người ở bề sâu thẳm của cảm xúc và trí tuệ. Ai dám bảo “Một nhà thơ bị đánh chết” của Lý Đợi hay “Khóc Văn Cao” của Bùi Chát, “Mùi của riêng em” của Lê Thị Thấm Vân, “Quà tặng của Quỷ sứ” của Trần Wũ Khang hay các dòng lục bát khơi khơi của Nguyễn Thế Hoàng Linh không xúc động lòng người. Có, nhưng nó gây xúc động theo cách thế khác – cách thế hậu hiện đại.

Thơ để làm gì, nếu nhà phê bình không đoái hoài, người đọc thì không thể tiếp nhận? Câu hỏi đặt ra không sai!

Phê bình hậu hiện đại

Kinh nghiệm đọc của Nguyễn Hiến Lê với nhóm Sáng Tạo là bài học nhỡn tiền. Đánh giá sáng tác của người cùng thời, vị học giả khả kính cho rằng các tác giả theo phong trào này chẳng làm gì ra hồn cả, ngoài món lập dị(18). Thế nhưng, ở miền Nam, chính nhóm Sáng Tạo chứ không ai khác đã công lớn trong chuyển hướng và phát triển thơ Việt hậu bán thế kỉ hai mươi. Không thể đánh giá sáng tác thuộc một hệ mĩ học dựa trên cơ sở mĩ học từng hiện hữu trước đó. Chỉ có nhà phê bình tay nghề cao mới khả năng nhận ra cái hay ở nhiều loại thơ khác nhau, nhất là với loại thơ sáng tác theo hệ mĩ học mới. Sáng tác hậu hiện đại thì càng.

Dù sao, nếu chưa thể thẩm thấu và nhận định các tác phẩm này qua lăng kính mĩ học của chính nó thì ít ra, nhà phê bình cũng cần đến với sáng tác kia bằng tâm thế hậu hiện đại hoặc chí ít, thái độ khiêm cung học hỏi. Sự phán định vội vã và tùy tiện chẳng ơn ích gì mà còn tự tay đóng sập cửa vấn đề.

Một nền văn học là lành mạnh khi mọi trào lưu văn chương được đối xử công bằng. Thái độ công bằng cần thiết của độc giả chuyên nghiệp (nhà phê bình) là tránh đồng hóa mọi sáng tác dị mọ [không thuộc hệ mĩ học truyền thống] vào văn chương hậu hiện đại để chê trách nó. Họ cần từ bỏ thái độ chấp nê vào hàng đống bài thơ “hậu hiện đại” kém để quy trách trào lưu này “mang tính chất phá hoại”, dị hợm. Hệ mĩ học nào bất kì chỉ có thể bị vượt qua, khi phần vô ngôn chưa được nói của nó được phơi mở trọn vẹn qua sáng tác ưu tú nhất thuộc hệ mĩ học đó.

Đọc hậu hiện đại

Hậu hiện đại không phải là một chủ nghĩa nghệ thuật thuần túy [như siêu thực chẳng hạn] mà là trào lưu văn hóa phát triển rất đa dạng với quy mô toàn cầu. Với thế giới Tây phương, hậu hiện đại đã qua ba thập kỉ, còn với Việt Nam nó là trào lưu đang vận động. Do đó, việc nó gây khó dễ cho người tiếp nhận không là điều lạ. Một phong trào văn học – nghệ thuật mới nào bất kì muốn đặt nền tảng và phát triển cũng đòi hỏi sự nỗ lực của các đối tượng liên quan. Nhất là độc giả Việt Nam với bao ngáng trở, về tri kiến (chưa được chuẩn bị chu đáo từ các cấp học), về tinh thần, cả về truyền thống ít chịu tiếp nhận cái mới khi chúng vừa nảy sinh.

Đòi hỏi trước tiên là, cứ tạm chấp nhận điều mình chưa hiểu, các sáng tác còn xa lạ với những gì thói quen ta lâu nay xem đó là thơ. Chấp nhận, và kiên trì truy tìm hành trình sáng tạo của tác giả, triết lí nằm ở bề sau sáng tác đó. Chỉ thế thôi ta mới hi vọng thay đổi cách đọc, đồng thời có cơ hội thưởng thức các tác phẩm đương đại xuất sắc trên thế giới. Cả trong nước nữa, biết đâu!

Cũng cần nói thêm, hay của hậu hiện đại thôi còn là cái hay từng bài, thậm chí từng đoạn hay câu như thuở cổ điẻn hay hiện đại, mà là hay cả cụm. Đôi khi, nó không cần “hay” nữa, mà chỉ đưa dẫn người đọc đi vào không khí tác phẩm – không khí hậu hiện đại.

Và, để làm gì, thi sĩ thời đại toàn cầu hóa?

“Và để làm gì, thi sĩ trong thời đại cô liêu khốn quẫn? Et pourquoi des poètes en temps de détresse? Hoelderlin từng thống thiết hỏi thế, hai thế kỉ trước. Hôm nay, nhà thơ hậu hiện đại làm gì?

Tính chất phi nghiêm cẩn unseriousness trong giọng điệu xuyên suốt sáng tác hậu hiện đại dễ gây lầm tưởng về một bỡn cợt vô trách nhiệm của thế hệ hư vô chủ nghĩa mới. Thế nhưng, quay cận cảnh bề tối truyền thống văn hóa dân tộc không đồng nghĩa với phá hoại truyền thống văn hóa dân tộc, nhìn phản biện lịch sử không là chống phá lịch sử, giễu nhại đại tự sự thì khác cả vực thẳm với hủy hoại mọi loại đại tự sự mà là đặt đại tự sự vào thế chông chênh để chúng tự soi lại mình bằng gương soi khác, từ nhiều chiều và dưới nhiều góc độ. Tất cả là để cùng tự thức self consciousness trong chân trời của tự do sáng tạo trong thế giới toàn cầu hóa, ở đó mỗi cá nhân được thể hiện trọn vẹn mọi khả năng của mình. Nếu xem là phá hủy, thì đó phải là phá hủy theo tinh thần hậu hiện đại, phá hủy của triết học Shiva. Phá hủy là tiên đề của sáng tạo, phá hủy thúc đẩy sáng tạo, phá hủy để sáng tạo và, phá hủy chính là sáng tạo.

Họ làm thơ và nhập cuộc vào dòng chảy thời cuộc của thời đại nơi họ đang sống. Lạ, trước sự kiện trọng đại của đất nước là sự kiện Trường Sa – Hoàng Sa và bao nhiêu thời sự nóng khác, hầu hết nhà thơ hậu hiện đại đều có mặt và phản ứng nhanh nhạy. Châm ngôn Suy tư toàn cục, hành động địa phương Think globally, act locallytính thực tiễn của hậu hiện đại. Nhà thơ hậu hiện đại Việt đã đáp ứng trọn vẹn tinh thần nhập cuộc chịu chơi đó. Người viết hậu hiện đại có thể theo dõi các trào lưu triết học mới nhất trên thế giới đồng lúc vẫn cặm cụi đi vào cuộc sống nông thôn lượm nhặt từng dòng ca dao, từng câu tục ngữ hoặc sẵn sàng mở cuộc điều tra nạn trộm cắp gà ngay tại làng mình sống. Không vấn đề gì cả!

Chú thích:

(13) Vỉa từ, Tạp chí Hợp Lưu, số 72.

(14) “Hiện thực thậm phồn” và “văn chương của sự phong dật là chữ của Hoàng Ngọc-Tuấn dịch thuật ngữ hyper-reality và the literature of replenishment. Xem “Viết: từ hiện đại đến hậu hiện đại”, Văn học hiện đại và hậu hiện đại qua Thực Tiễn Sáng Tác và Góc Nhìn Lí thuyết, NXB Văn Nghệ, California, Hoa Kì, 2001.

(15) Khế Iêm, “Chú giải về thơ Tân Hình Thức”, Tạp chí Thơ, số 18, mùa Xuân 2000.

(16) Khánh Phương trả lời thư điện tử: Maivanphan.com, 2007.

(17) Nguyễn Hưng Quốc, “Văn bản và liên văn bản”, Tienve.org, 2008: “Trong phạm vi sáng tác, chủ nghĩa hậu hiện đại có hai đặc trưng nổi bật nhất là tính phản tỉnh và tính liên văn bản. Tính chất phản tỉnh dẫn đến thủ pháp siêu hư cấu (metafiction) và tính chất liên văn bản dẫn đến thủ pháp cắt dán (collage) hay nhại (pastiche). Giễu nhại (parody) có thể được xem là hình thức tổng hợp của cả hai tính chất tự phản tỉnh và liên văn bản, đó là “thi pháp của sự mâu thuẫn” (poetics of contradiction)”.

(18) “Thời đó có một nhóm nhà văn trẻ ở Bắc di cư vào lập nhóm Sáng Tạo muốn làm một cuộc cải cách, nhưng họ không đủ kiến thức, tài năng… mà cũng không sâu sắc, vì họ ít đọc sách báo ngoại quốc; và đả đảo lối viết của nhóm Tự lực trước kia, mà người cầm đầu Sáng Tạo – Mai Thảo – lại có bút pháp cầu kì, “làm duyên làm dáng”, không hợp thời chút nào, chính bọn họ cũng không theo. Rốt cuộc chẳng gây được tiếng vang nào cả” (Nguyễn Hiến Lê, Hồi kí Nguyễn Hiến Lê, chương XXVII, vnthuquan.net).

(19) Thích Thanh Từ, Tuệ Trung Thượng sĩ Ngữ lục giảng giải, Thiền viện Thường Chiếu ấn hành, 1996, tr. 59. Ngài vào cung thăm, Thái hậu mở tiệc thịnh soạn tiếp đãi. Dự tiệc, Ngài gặp thịt cứ ăn. Thái hậu lấy làm lạ hỏi: – Anh tu thiền mà ăn thịt, đâu được thành Phật? Thượng sĩ cười đáp: – Phật là Phật, anh là anh. Anh chẳng cần làm Phật, Phật chẳng cần làm anh (- A huynh đàm thiền thực nhục, an đắc Phật dã? – Phật tự Phật, huynh tự huynh. Huynh dã bất yếu tố Phật, Phật dã bất yếu tố huynh).

Comments are closed.