Võ Phiến, nhà văn Bình Định

Nguyễn Quốc Trụ

*

1. Stefan Zweig, nhà văn Âu Châu

Since then, at an uncertain hour,
That agony returns,
And till my ghastly tale is told
This heart within me burns.
(1)
Coleridge, The Rime of the Ancient Mariner.

Tháng Tám 1941, Zweig và vợ tới Brésil, ở Rio vài tuần lễ, sau đó về ở ẩn tại Pétropolis, trên những triền cao ngó xuống Rio, từ 17 Tháng Chín. Tại đây, ông viết Người Chơi Cờ (Le Joueur d’échecs), Montaigne, Thế Giới Hôm Qua. Tinh thần ông ngày càng suy sụp. Cuộc chiến khốc liệt, và nhất là cuộc tấn công Trân Châu Cảng làm ông càng thêm bi quan.
1941, trong khi tham dự lễ hội tại Rio, được tin Singapour thất thủ, choáng váng, Zweig và vợ trở về Petropolis thu xếp hậu sự, rồi cùng tự tử, vào ngày 23 tháng Hai, 1942.

“Làm thế nào gìn giữ linh hồn sâu thẳm, vốn chỉ thuộc về tôi như hình hài, sức khoẻ, tư tưởng, tình cảm… trước nguy cơ phải hy sinh cho sự khùng điên của những kẻ khác vì những lợi ích chẳng liên quan gì đến tôi? Câu hỏi này, chỉ với nó, Montaigne đã bỏ ra hết đời mình…” (tiểu sử Montaigne).
Trong bức thư tuyệt mệnh của Lotte – gửi cho một nguời em/chị dâu, bà vợ Zweig cho biết, cái chết là sự giải thoát cho Stefan, “đã đau khổ trong bao nhiêu năm như tất cả những con người đã từng đau khổ dưới sự thống trị của Nazi” – Zweig tự tay viết thêm vài hàng, đại ý, vào tuổi sáu mươi, ông không thể tiếp tục cuộc sống lang thang, tạm bợ, xa quê hương và bè bạn.
Nhà cầm quyền Brésil cho tiến hành một cuộc giảo nghiệm vội vàng tại hiện trường, ngăn cấm mọi điều tra sâu rộng, tịch thu bức hình của một ký giả, và sau đó đưa ra một bức hình chính thức. Qua hai bức hình ngày nay người ta có được, là hai câu chuyện. Trong một bức hình, Zweig nằm ngửa, bà vợ nằm nghiêng kế bên, tay trái đặt lên tay chồng, nét mặt cả hai cho thấy sự tuyệt vọng. Một, bà vợ ôm lấy chồng, cho thấy sự dịu dàng, và đây là bức hình của nhà cầm quyền đưa ra cho báo chí. Những tài liệu sau này cho biết, họ không sử dụng cùng một loại độc dược, không cùng chết một lúc, và có lẽ cũng không cùng một nguyên nhân. Mặc dù cả hai đã sửa soạn cho cái chết của họ từ lâu, và mười ba lá thư tuyệt mệnh, nhưng tới phút chót mọi chuyện đã diễn ra không đúng như ước muốn của họ.
Từ những năm 30, Stefan Zweig là một nhà văn viết văn bằng tiếng Đức được biết, và được đọc nhiều nhất trên thế giới. Cái chết của hai vợ chồng, và cuốn tự thuật mà ông hoàn tất trước đó không lâu, Thế Giới Hôm Qua, nhiều hoặc ít, đã góp phần vào huyền thoại. Ngày nay, tại Cựu Lục Địa, rõ rệt nhất ở Pháp, ông được coi như một nhà văn Âu-châu tuyệt hảo, do gốc gác Do-thái, kẻ thừa kế một trong những văn hóa giầu có nhất của Tây-phương, nạn nhân lý tưởng của Nazi.
Chỉ một năm sau khi Zweig tự tử, Hitler bắt đầu thực hiện điều được gọi là giải pháp chót, huỷ diệt hoàn toàn dân tộc Do-thái, chỉ với lý do độc nhất, họ là Do-thái, vậy là kẻ thù tuyệt đối, ennemi absolu.
Có lẽ cũng nên nhắc đến trường hợp rời bỏ Đức sang Hoa-kỳ năm 1932, của nhà văn Thomas Mann. Vào năm 1943, ông viết Luật, La Loi (Das Gesetz ), một cuốn sách-tiếng thét (le livre-cri), trong đó ông vẽ lại những điều kiện ra đời của dân tộc Do-thái, cuộc rời bỏ Ai-cập, và nguyên nhân thiết yếu của sự giải phóng của họ. Luật, Lệnh (La Loi, le Décalogue): hãy kính trọng nguyên lý của tự do, không được ăn trộm, giết người, hãy kính trọng Kẻ Lạ, không được biến đồng loại thành nô lệ…
Khi viết La Loi, Thomas Mann không chỉ tố cáo chế độ Hitler vì những hình thức, bộ dạng này nọ của nó mà ngay chính nguyên lý tạo nên chế độ đó… La Loi ở đâu? Tơi tả giữa những bàn tay đầy máu… con người quên một điều, nó được sinh ra, rằng cội nguồn của cuộc sinh phải vượt qua con người, không được ngưng lại… Raphael Drai, tác giả bài viết Le Reich et le Sinai (trong La Loi, nhà xb Mille et une Nuits, 1996), cho rằng, Thomas Mann, từ những sử liệu, huyền thoại, khảo cổ, truyền thống Do-thái… đã quyết định, tin theo trực giác của mình, và những đòi hỏi của một nhà văn tự do, cố soi sáng lương tâm Âu-châu vào lúc xế chiều, thời điểm thức giấc của những con quỉ đêm từ đáy sâu linh hồn con người. Ông nhìn Âu-châu trong cơn địa chấn của nó, nghe mặt đất nứt ra dưới những mảnh vụn của một đại lục quá tự mãn bởi những giá trị từ những thế kỷ Soi Sáng.
“Tôi phải kể cuộc đời nào, trong những cuộc đời của tôi?”, Zweig mở đầu Monde d’Hier. Qua tự thuật là một định mệnh không thể tách rời khỏi những biến động quyết định của thế kỷ.
Đằng sau tuổi nhỏ, thiếu thời của ông, là thành phố Vienne những năm cuối thế kỷ. Cuộc Chiến Lớn I cho thấy những chấn động đầu tiên của nó. Ông nhận ra thân phận của mình: làm sao yêu nước, mà không phải từ bỏ những giá trị phổ cập thâu lượm được từ những nhà văn Pháp, thí dụ vậy? Rồi ông chứng kiến, sự thắng thế của phát-xít, trước sự bất lực của phe quốc gia, ở Đức. Đối với Zweig, và những nhà văn viết bằng tiếng Đức, giờ phút của nhục nhã, tủi hổ, sự cần thiết phải “thiên di”, trong khi Hitler và những thế lực phù trợ ông, sau sự sáp nhập của nước Áo (tháng Ba 1938), đang từng bước nắm trọn Âu-châu.
Cuộc đời, tác phẩm của Zweig là một trộn lẫn với những bước đi vừa mâu thuẫn, vừa tàn bạo của lịch sử. Mọi tin tưởng vào những giá trị vĩnh cửu, kể như xong. Những đòi hỏi cá nhân, đứt đoạn. Từ đó, quyết định tự tử, “phán đoán sáng suốt cuối cùng” (chữ của Zweig, trong thư tuyệt mệnh gửi nhà cầm quyền Brésil), trước một chủ nghĩa man rợ sẽ nuốt trọn, trước mắt là Âu-châu, sau đó, thế giới?

2. Võ Phiến, nhà văn Bình Định

Image result for "Võ Phiến"

Làm thế nào để gìn giữ linh hồn sâu thẳm… qua “Võ Phiến” của Nguyễn Hưng Quốc, phần tiểu sử, chúng ta được biết, từ những người thầy như Chế Lan Viên và Đào Duy Anh, Võ Phiến đã làm quen rất sớm với văn chương Pháp, đặc biệt là Proust và Alain.
Là thuộc địa, văn minh “mẫu quốc” cho tới nay vẫn sâu đậm tại Việt Nam, nhưng không qua những nhà văn như Proust, hoặc Alain. Họ không thuộc hệ chính thống, với nhiệm vụ khai hóa “mission civilisatrice”.
Ta là Kim, nhưng Kim là gì?, nhân vật của Kipling đã từng tự hỏi (2). Kim, Lord Jim, và Kurtz là những con người, hiện thân của ước mơ tuyệt vời, về những cuộc phiêu lưu đế quốc vượt ra ngoài Âu-châu (adventure-imperialism); những tiền thân của những T. E. Lawrence, người hùng sa mạc, hay Perken (nhân vật chính trong Con Đường Vương Giả của Malraux). Cái cảm giác ở nhà của Kim, (… slowly Kim begins to feel at one with himself and with the world: Dần dần Kim cảm thấy mình là mình, và mình là thế giới. Said) cho thấy ý nghĩa đích thực của chủ nghĩa đế quốc đối với những đất đai ngoài Âu-châu: những Âu-châu thứ nhì, thứ ba. Kim là “thiên sứ”, tại mảnh đất “thổ dân đã được thuần hóa” (Native Under Control, chữ của Said).
Mọi nhân vật tiểu thuyết đều bước ra từ cái bóng của Don Quixote. Cùng với họ, là nỗi âu lo về căn cước. Nhân vật tiểu thuyết đều là những kẻ truy tìm không ngừng nghỉ, những kẻ suốt đời lang thang. Như Don Quixote, họ cố làm bật ra, từ thế giới tiểu thuyết, điều được gọi là “sự siêu việt đã mất” của nó, its “lost transcendence” (G. Lukács, Lý Thuyết Về Tiểu Thuyết). Mọi nhân vật tiểu thuyết đều toan tính tái tạo dựng cái thế giới tưởng tượng đã mất. Và nếu tiểu thuyết là sản phẩm của Âu-châu (Kundera), như vậy cái thế giới tưởng tượng đã mất đó, họ tìm lại được, là nhờ thuộc địa, nhờ chủ nghĩa đế quốc. Họ đều là những con người bị Âu-châu từ bỏ, và “lại” tìm thấy quê hương, ở… thuộc địa. (Kinh nghiệm chỉ tìm thấy quê hương khi xa nó của dòng văn chương di dân viết bằng tiếng Anh hiện nay biết đâu là một lật ngược kinh nghiệm này? Trong cuốn Chuyến Đi Khác Thường của Rudyard Kipling, Angus Wilson đưa ra một chi tiết: ngay từ khi chưa tới tuổi 16, trong một cuộc thảo luận tại nhà trường, cậu bé Kipling đã từng tuyên bố: Cuộc tiến tới của Russia tại Trung Á, là thù nghịch đối với Quyền Uy Anh, British Power).

Vĩnh hằng, là sự thần phục của giống không-trắng. (Said).

Đừng đụng tới người Anh, họ sẽ biến bạn thành thuộc địa ngay tức khắc (Alain).

Sự thống trị và bất bình đẳng về quyền lực và tài sản, là những sự kiện bắt đầu cùng với lịch sử con người, nhưng ở cuối thế kỷ, chúng ta đều biết, bộ mặt thế giới như hiện nay, không thể hiểu được, nếu bỏ qua chủ nghĩa đế quốc, lịch sử của nó, những hình thức mới mẻ của nó. Những quốc gia tại Á-châu, Mỹ-châu La-tinh, Phi-châu hiện nay độc lập về chính trị, nhưng trong rất nhiều đường hướng, họ vẫn bị thống trị, như khi còn bị cai trị bởi những quyền lực Tây-phương. Mặt khác, có những tác giả như V. S. Naipaul lại khẳng định: “họ” (ai cũng biết “họ” ở đây là chỉ những người da mầu) mới đáng bị trách cứ vì cái điều họ là (they are to blame for what they are), không mắc mớ gì đến chủ nghĩa đế quốc. Vả chăng, trách cứ người Âu-châu về tình trạng hiện nay cũng chẳng đi đến đâu, và không phải là một giải pháp (cho vấn đề). Điều chúng ta cần là nhìn lại mớ bòng bong những câu chuyện, những lịch sử tròng chéo, và cố gắng hiểu thay vì xô đẩy nó (Said).

Thí dụ như trường hợp Võ Phiến. Tại sao ông lại “rơi đúng” vào Proust, và Alain?
Văn minh Âu-châu, với nhiệm vụ khai hóa, như một tất yếu, đưa tới chủ nghĩa Cộng Sản. Một cách nào đó, Võ Phiến, khi không chấp nhận hệ văn chương chính thống của Pháp, ông tin rằng có thể ái quốc mà không phải từ bỏ Proust, Alain.

Bởi vì Võ Phiến đã từ chối con đường của những bậc thầy của ông, như Chế Lan Viên, hay Đào Duy Anh: chấp nhận văn hóa Pháp, như một tiền đề, một “cái cớ” để đi làm cách mạng. (Cách Mạng Nga chẳng đã một thời chỉ mong được như Cách Mạng Pháp, chỉ thiếu cái máy chém!) Võ Phiến nhận ra bóng ma ám ảnh, của “cái mã tấu” ở phía sau những người Cộng Sản cuồng tín, như trong phần tiểu sử đã dẫn, “sau Cách Mạng Tháng Tám, ở Huế, Võ Phiến gia nhập bộ đội một thời gian ngắn, rồi vào đội Tuyên Truyền Xung Phong, hoạt động khắp các tỉnh miền Trung. Giữa 1946, từ Bình Định ông ra Hà-nội học trường trung học Văn Lang. Tháng Chạp, 1946, cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Võ Phiến về lại Bình Định, tham gia sinh hoạt văn hóa kháng chiến… dạy học… sinh hoạt chung với lớp cán bộ cuồng tín ấy, càng ngày ông càng chán ngán, cuối cùng thành ‘phản động’ hẳn…”.Chi tiết về phản động hẳn, Võ Phiến chưa từng viết lại, theo như tôi biết, nhưng tác phẩm ông viết trong thời gian này không dính tới “khí hậu chung của thời cuộc”.
Vả chăng, nấp sau chiêu bài kháng chiến chống Pháp, trong không khí bừng bừng của cả nước thời kỳ 1945, ít người nhận ra con quỉ hận thù, nhưng những tác phẩm “không dính đến khí hậu chung của thời cuộc” cho thấy một điều: bằng trực giác của một nhà văn, Võ Phiến đã nhận ra, nơi bạo lực tổn thương con người, cũng tổn thương ngôn ngữ [where violence is inflicted on man it is also inflicted on language. Cynthia Ozick: Mẩu giấy tuyệt mệnh của Primo Levi (3)] Những lời dối trá, và sự độc ác không thể gói trọn cuộc đời. “Một điều gì đó sẽ xẩy ra cho những con chữ” (Something will happen to the words), Steiner cảnh cáo, trong bài viết Phép Lạ Hổng, The Hollow Miracle, về thời kỳ hậu-Lò Thiêu tại Đức.
Bất cứ một người Việt nào cũng hiểu “nói như Vẹm” nghĩa là gì; Võ Phiến là một trong những người đầu tiên đau nỗi đau này. Có thể ông đã toan tính vượt qua nó, như trong tiểu sử cho thấy, khi ông dính líu đến một tổ chức chống Cộng. Và khi từ bỏ những người Cộng Sản, Võ Phiến tìm một thứ tự do thoát khỏi sợ hãi (freedom from fear), không chỉ cho bản thân, mà còn cho ngôn ngữ. Ông tin rằng con đường văn chương, là “tối ưu” và có thể, độc nhất, đối với ông, trong cuộc chiến Quốc-Cộng.

Sau đó là gặp gỡ Proust, Đi Tìm Thời Gian Đã Mất. (“Võ Phiến”, Nguyễn Hưng Quốc)

Trước 1940, Zweig đã chinh phục người đọc, bằng tiểu sử Marie-Antoinnette, Fouché, Erasme. Nhưng phải đợi những truyện ngắn, và liền theo đó, là vinh quang của ông: Khúc mắc tình cảm, Hai mươi bốn gìờ trong đời một người đàn bà, Thư của người đàn bà không quen biết. Bí mật nóng bỏng, Amok. Rất nhiều truyện, trong số đó, ngay từ những năm 1930, đã được đưa lên màn ảnh, và là những phim rất thành công. Tại sao? Có thể vì, cả chữ nghĩa cùng hình ảnh đã khơi dậy, ở người đọc và khán giả, về cơn điên rồ, hay thói tò mò thiên thu bất diệt của con người, một đòi hỏi mang tính Prométhée (phải ăn cắp cho được nguyên nhân của sự sống, và cùng với nó, sự huỷ diệt: lửa). Nói gọn lại, chính con quỉ của sự tò mò, và trái táo đầu tiên.
Đam mê của ông, như sau này ông tuyên bố với với Frédéric Lefèvre, vào năm 1932, trong cuộc nói chuyện trên tờ Tin Văn, là cuộc đời, “một cuộc đời toàn thể”. Văn chương chỉ là phương tiện khai quật hiện hữu; làm cho sáng sủa hơn, dễ nhận ra hơn, điều mà ông gọi là “thảm kịch của cuộc đời”.
Như một con bệnh tự chẩn đoán chính mình, một cách thật sáng suốt, Zweig coi ông, một kẻ bị ám (possédé) bởi con quỉ của sự tò mò. Thế nào là một con quỉ? Như ông giải thích vào năm 1925, trong bài giới thiệu những nghiên cứu về Kleist, Holderlin, và Nietzsche mà ông tập hợp dưới nhan đề “Cuộc chiến chống lại quỉ”, quỉ ở đây là một chất men làm cho tâm hồn chúng ta vẩn đục, xúi chúng ta lao vào những kinh nghiệm hiểm nguy, với tất cả những thái quá, những xuất thần. Đối với những cá nhân bình thường, chỉ là những cơn khủng hoảng, dù thế nào chăng nữa cũng qua đi, con người lại trở lại với cuộc sống bình thường, nhưng đối với những con người ngoại hạng (hors normes), những kẻ sáng tạo, nghệ sĩ, họ luôn luôn chiến đấu với nó, trong ước muốn vượt chính mình, tới được vô cùng. Goethe chẳng hạn, đã chế ngự được những sức mạnh ma quỉ đó. Nhưng chính Freud mới là người ảnh hưởng nặng nề nơi Zweig.
Người ta nói tới truyền thống Pháp, ở Zweig. Nhưng khác với Maupassant, vốn coi trọng những “rối loạn tình cảm”; ở Zweig, là khúc mắc, hành động, sự nghẹt thở, của truyện ngắn. Kỹ thuật này thấp thoáng trong Bí mật nóng bỏng, Brulant secret, xuất hiện vào năm 1911, trong đó một đứa trẻ, trong khi tra hỏi bà mẹ, xuyên qua cuộc phiêu lưu tình cảm của bà, khám phá ra kinh nghiệm đầu tiên của khổ đau. Sau khi đọc Freud, Zweig đã viết một tiểu luận về ông, vào năm 1930; nghiên cứu tâm lý, nói rõ hơn, sự phát giác những bí ẩn đáng sợ của ngành tâm linh học (psychisme) đã là nền cho nghệ thuật truyện ngắn của Zweig. Ông viết thư cho Freud, vào ngày 8 tháng Chín 1926 (4): … Nhờ ông, chúng tôi nhìn rõ nhiều điều. Nhờ ông, chúng tôi nói ra nhiều điều, nếu không có ông, chúng tôi chẳng nhìn (thấy), chẳng nói (ra được). Nhưng phải đợi truyện ngắn viết vào lúc cuối đời, trước khi quyết định tự tử, Người Chơi Cờ, chúng ta mới có được nỗi hân hoan tuyệt vời của một độc giả mê thể loại truyện ngắn. Nhất là thứ truyện ngắn, giống như một lỗ đen, “nhốt chặt” cả một thế kỷ!
Ông B. nhân vật kể chuyện, bị Gestapo bắt, ngay buổi chiều, ngày Hitler vào Vienne. Ông may mắn đốt kịp giấy tờ quan trọng. “Chắc là ông nghĩ, tôi sắp kể cho ông nghe về những trại tù, nơi giam giữ những người Áo trung thành với đất mẹ, cũng như tất cả những đau khổ, nhục nhã tôi phải chịu đựng sau khi bị bắt? Chuyện đó không xẩy ra cho tôi. Tôi được xếp vào loại khác… những người mà đảng viên quốc xã hy vọng vắt ra tiền bạc hoặc những tin tức quan trọng. Cá nhân tôi chẳng là gì đối với họ, nhưng họ tin rằng chúng tôi chỉ là những con người rơm, phiá sau chúng tôi mới là cái mà họ nhắm tới.”
Và Gestapo đã giam lỏng ông, tại một căn phòng khách sạn. Tạo ra chung quanh ông, một quãng không (chung quanh tôi là hư vô, tôi ngập trong đó). “Phép lạ” xẩy ra: trong một lần hỏi cung, ông “ăn cắp” được một cuốn sách dậy chơi cờ, từ trong túi một chiếc áo treo kế áo ông nơi phòng cung. Nhờ nó, ông qua được địa ngục, sống sót, nhưng than ôi, con quỉ tò mò đã không buông tha ông, và trở lại, một lần nữa…
Người Chơi Cờ, như một lời chúc dữ, mang trong nó tất cả những vinh quang, những đau thương nghiệt ngã của một người, hơn thế nữa, một người Do-thái, (nạn nhân lý tưởng, kẻ thù tuyệt đối), trong thế kỷ đọa đầy, là thế kỷ của chúng ta.”Tôi bắt đầu viết một câu chuyện ngắn về cờ tướng, gợi hứng từ một sách dậy chơi cờ mà tôi mua để cho đỡ cô đơn, trống trải, và hàng ngày, tôi chơi lại những ván cờ của những bậc thầy”, ông viết ngày 29 tháng Chín, 1941, cho người vợ cũ, Friederike. Một cách nào đó, đây chỉ để cho qua thì giờ… nhưng thật ngỡ ngàng, khi (chúng ta) nhận ra, đây là lần duy nhất nhà văn đề cập thẳng tới lịch sử đương thời, mà không chuyển hóa (transposer) nó…. Một chứng tích nhức nhối, về những toan tính nhằm huỷ diệt con người của Nazi. (Lời giới thiệu bản tiếng Pháp, tủ sách bỏ túi).

Những độc giả say mê Võ Phiến, những tác phẩm đầu tay của ông như Người Tù, Mưa Đêm Cuối Năm, Thác Đổ Sau Nhà… chắc chắn là nhận ra khí hậu Zweig ở trong đó. Nhân vật của Võ Phiến, đều như bị con quỉ của sự tò mò hớp hồn, dẫn dụ, và khi đã hoàn hồn, có vẻ như nhờm tởm thế nhân: cô gái trong Thác Đổ Sau Nhà, sau gặp lại người tình của một đêm, đã ngạc nhiên không thể tưởng tượng được tại sao mình lại đã có lần ngã vào một con người thô kệch, cù lần đến như thế! (Vì không có văn bản trong tay, tôi viết lại theo trí nhớ, ở đây là những cảm giác còn giữ được, khi đọc Võ Phiến hồi học trung học. Không hiểu đọc lại, những chi tiết có đúng, và cảm nghĩ có thay đổi hay không).

Những nhân vật tiểu thuyết hiện đại đều bước ra từ cái bóng của Don Quixote; ta có thể lập lại, với những nhân vật của Võ Phiến: họ đều bước ra từ Người Chơi Cờ. Tôi không hiểu, ông đã đọc nhà văn Đức, trước khi viết, nhưng khí hậu 1945, Bình Định, và một Võ Phiến bị cầm tù giữa lớp cán bộ cuồng tín, đâu có khác gì ông B. (không hiểu khi bị bắt trong vụ chống đối, Võ Phiến có ở trong tình huống đốt vội đốt vàng những giấy tờ quan trọng…). Nhân vật “cù lần” trong Thác Đổ Sau Nhà, đã có một lần được tới Thiên Thai, cùng một cô gái trong một căn lều, giữa rừng, cách biệt với thế giới loài người, có một cái gì thật quen thuộc với đối thủ của ông B., tay vô địch cờ tướng nhà quê vô học, nhưng cứ ngồi xuống bàn cờ là kẻ thù nào cũng đánh thắng, đả biến thiên hạ vô địch thủ?

“Nhưng đây là con lừa Balaam”, vị linh mục nhớ tới Thánh Kinh, về một câu chuyện trước đó hai ngàn năm, một phép lạ tương tự đã xẩy ra, một sinh vật câm đột nhiên thốt ra những điều đầy khôn ngoan.Bởi vì nhà vô địch là một người không thể viết một câu cho đúng chính tả, dù là tiếng mẹ đẻ, “vô văn hoá về đủ mọi mặt”, bộ não của anh không thể nào kết hợp những ý niệm đơn giản nhất. Năm 14 tuổi vẫn phải dùng tay để đếm.
Cuộc đụng độ giữa nhà vô địch với ông B. đúng là khí hậu của cả thế kỷ được dồn nén vào trong một ván cờ!
Hãy so sánh với sự thất bại của hầu hết những nhân vật của Võ Phiến, trước cuộc đời: những ông Ba Đồng Thời, Bốn Thôi…

“Vết thương không thể lành”, Levi viết trong Những Kẻ Chết Đuối và Những Người Được Cứu Thoát. Lò Thiêu địa ngục thứ nhất, hậu Lò Thiêu, địa ngục thứ nhì. Tadeusz Borowski, tác giả Quí Bà Và Quí Ông, Đường Này Tới Lò Thiêu, thoát cả hai lò thiêu Auschwitz và Dachau, năm 1951, ông chưa tới 30 tuổi, ba ngày sau khi cô con gái chào đời, ông đã trở lại nơi lò thiêu ngày xưa: tự tử. Nhà thơ Paul Celan: tự tử. Còn nhiều nữa…
Người ta nói tới không khí hiu hắt, cô đơn trong văn phong của Võ Phiến. Phải chăng đây cũng là một tình trạng “không thể lành”, sau kinh nghiệm 1945? Tính cách bất toàn, luôn bám lấy một tư tưởng cố định, idée fixe, coi thường chính mình, của những nhân vật Võ Phiến? Nếu sau này, Võ Phiến có giọng viết như nói, như trò chuyện thoải mái, tôi nghĩ đó là do ảnh hưởng Miền Nam. Võ Phiến thời đầu không có giọng văn này.
Có thể có người cho rằng người viết quá đáng, từ một văn phong hiu hắt, cô đơn suy ra hậu quả một thời gian vào bưng? Nhưng hãy coi trường hợp Tam Ích, một Mác-xít, cuối cùng tự tử. Hãy coi trường hợp Văn Cao, sau “Mùa Thu”, đành làm một người câm, người què gánh tội. George Steiner còn đi xa hơn, khi khẳng định: so với phi nhân, văn chương nghệ thuật là vứt đi, kịch Racine là cái thá gì, so với [ngục] Bastille, thơ Mandelstam chịu nổi một giờ của Stalin? (The flowering of the humanities is not worth the circumstance of the inhuman. No play by Racine is worth a Bastille, no Mandelstam poem an hour of Stalin) (5). Nhìn như thế mới thấy vinh quang và bất hạnh của Võ Phiến, nhà văn Bình Định. Nên nhớ, ông đã có một người em theo Cộng Sản và đã tử trận. Bạn văn cùng một thời Bách Khoa với ông: Vũ Hạnh. Theo như người viết được biết, “phía bên kia” đã từng móc nối, kéo ông về với “Cách Mạng”.

Vết thương không thể lành, nhưng con người vẫn cố chữa trị, làm sao không? Giọng văn bỡn cợt ảnh hưởng Maurois, nói trạng ảnh hưởng miền Nam. Nhưng Maurois không phải là người học trò duy nhất, hiểu thầy nhất của Alain. “Học trò cưng”của ông, phải là Simone Weil. Như Zweig, bà tự huỷ bằng cách tuyệt thực vào năm 1943. Trong bài viết “Thánh Simone – Simone Weil” (trong No Passion Spent, nhà xb Yale University, 1996), G. Steiner cho rằng khí hậu thế kỷ của chúng ta sẽ không thể hiểu được nếu bỏ qua phần đóng góp của Simone de Beauvoir, Hannah Arendt, nhưng trên hết vẫn là Weil. Trong cuộc thoại với những người chết (những nghiên cứu về những người như Weil), chúng ta cần đi sâu vào một Dostoevsky, và lòng từ bi bác ái của một vị thánh, mới có thể hiểu được một người như Weil. Bà đã từng đưa ra nhận xét, ngay phút đầu tiên những binh đoàn Đức Quốc Xã tiến vào Paris: đây là một ngày trọng đại, cho Đông Dương (cho tất cả những dân tộc bị Pháp đô hộ), thấy hết sự thuần khiết lạnh lùng, của một câu châm ngôn khắc kỷ. Trong lúc dân tộc của bà đi vào lò thiêu, Weil đã từ chối rửa tội, vì “Ca-tô-giáo La-mã vẫn quá Do-thái” (Roman Catholicism was still too Jewish).

Khi đọc Alain, Võ Phiến không nhìn ra một Weil ở phía sau. Do đó, ông không đọc được Đỗ Long Vân, một người cũng say mê Alain. Cuộc sống ẩn dật, từ chối mọi đặc quyền của Đỗ Long Vân (suốt đời sống ẩn dật, khi bị bắt đi trình diện nhập ngũ đã không trưng bằng cấp, giấy tờ chứng minh giáo sư đại học, bằng lòng làm binh nhì…) có thể bị coi là không bình thường, nhưng chưa trầm trọng như Weil: ngay cả người thân của bà, André Weil, cũng kết luận, tính khí của bà vượt quá mức bình thường. Còn tướng de Gaulle nói thẳng thừng: người đàn bà này khùng.
Đỗ Long Vân, theo tôi, không chọn con đường tự huỷ, có lẽ vì đã đọc, rất mê, và đã từng viết về Kim Dung, và đã nhận ra, chỉ ở trong thế rỗng ruột (hư trúc), mới giải được ván cờ ma quái. Hư Trúc (nhân vật trong chuyện chưởng của Kim Dung) khi đi nước cờ, không hề nghĩ chuyện thua thắng: đấy mới là vấn đề. Võ Phiến khi đọc Zweig, không thấy Dostoevsky, không nhận ra sự thiếu sót của phân tâm học, muốn đơn giản con người như một sinh vật bị bịnh. Theo như tôi được biết Võ Phiến không chịu được những trào lưu “thái quá”, không phải chỉ về tư tưởng, mà cả ở trong ngôn ngữ. Có vẻ như ông không chịu nổi thơ dịch. Không chịu nổi Thanh Tâm Tuyền.
Võ Phiến rời Việt Nam ngay 1975, ông không có “cơ hội” ở lại chịu chung với cả miền Nam những cay đắng khổ nhục sau đó. Ở lại là chết, nhưng do bỏ đi “sớm”, ông không cảm nhận được nỗi vinh quang và nhục nhằn của kẻ ở lại: một cách nào đó, ông không cảm nhận sự thực, về “thất bại trong chiến thắng”, đối với những người Cộng Sản, và do đó ông không “trực giác” cơ hội thống nhất đất nước, không phải theo kiểu chiếm đoạt Miền Nam: chỉ ở trong nhục nhã cay đắng của Miền Nam thất trận, chúng ta mới có thể hiểu những năm tháng ghê rợn cả một miền đất sống dưới tai trời ách nước là chủ nghĩa Cộng Sản; và ôm lấy những đồng bào ruột thịt Miền Bắc (6).

Đây là một tất yếu lịch sử. Những chuyện Bắc Tiến, giải phóng Miền Bắc, những ngày 1954 chỉ để nói cho vui, để lên tinh thần… tại sao vậy? Bởi vì nếu coi ngôn ngữ mới là căn phần của con người, văn chương Miền Nam không hề mang chất đế quốc, không hề nhắm tới quyền lực. Từ một văn chương như thế làm sao có thể đi xâm chiếm Miền Bắc, cho dù là để giải phóng?

Văn Học Tổng Quan của Võ Phiến, đoạn nói về nhà văn Miền Bắc thoắt chốc vào Nam ra Bắc, dưới những bút hiệu khác nhau, rồi giả dụ Miền Nam cũng làm như vậy, là quá tếu và không hiểu cả hai miền, còn hạ giá (hay quá đề cao?)nhà văn Miền Nam. Bởi vì, văn chương Miền Nam, bản chất của nó, không mắc mớ gì đến tinh thần chiếm đoạt, tranh ăn thua, còn Miền Bắc, vẫn nằm trong dạng khai hoá, vẫn tự coi như là quyền năng chính thống, theo kiểu, cần dậy cho mày một bài học, và phải trả bằng xương máu, bằng đất đai: Đấy là ý nghĩa của nhiệm vụ khai hoá! Một cách nào đó, nếu chúng ta nhìn ra tương quan dây mơ dễ má, giữa Cách Mạng Pháp, và chủ nghĩa Cộng Sản, cùng lúc chúng ta nhận ra tính thực dân của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa: đây vẫn là một thứ văn chương quyền lực. Nhìn theo cách thế đó, chúng ta còn nhận ra tính giai đoạn của dòng văn chương phản kháng ở trong nước. Nó phải qua đi, để lộ ra con người với ngôn ngữ, những lời nói lành lặn của nó…

“Tại sao ta không thể yêu, những gì chúng yêu, nếu chúng chiếm được cuộc đời, ta đành chọn hư vô”, mê cung dành cho nhân vật trong Cát Lầy của Thanh Tâm Tuyền là vậy. Đừng nhìn thơ tự do, dòng văn chương Sáng Tạo, Văn Chương Kinh Nghiệm Hư Vô (Huỳnh Phan Anh), như là một “cái đuôi” của dòng văn chương hiện sinh Pháp. Chúng là những con chim báo bão, cho một hư vô huỷ diệt, của những trại tù sắp tới… Khi bị những nhà phê bình Miền Bắc “tra hỏi” (Trong khi họ xây dựng miền bắc xã hội chủ nghĩa, những nhân vật tôi mọi nô lệ này đi đâu?) tác giả Bếp Lửa đã “nhẹ nhàng” yêu cầu, hãy đặt những câu hỏi đó ra cho chính các ông. Nên nhớ, những nhà văn Miền Nam, những tác phẩm “chống Cộng” của họ chỉ có, khi “bị đòn”: Giải khăn sô cho Huế, Địa Ngục Có Thực, Mùa Hè Đỏ Lửa, Vòng Đai Xanh… Ngay cả Võ Phiến cũng vậy; sợ Cộng Sản, sợ mất Miền Nam quá ông mới la làng, còn nhẩn nha được là ông lại nghiên cứu chiều sâu con người, dò tìm cội rễ của một bài chòi!

Chúng ta đã lầm một cách thê thảm, Mac Namara nói vậy, không đúng mà cũng không sai: người lính Việt Nam Cộng Hòa không thua trên chiến trường, mà thua vì tính người: họ chưa bao giờ coi người lính Miền Bắc là kẻ thù tuyệt đối.Họ không hề được trang bị bằng một thứ văn chương quyền lực.

Nhìn theo cách đó, chúng ta mới thấm được những dòng thơ “thiền”, giọng điệu cảm khái, tráng sĩ “biên đình” của những Nguyễn Bắc Sơn, Tô Thùy Yên… hay những lời ca “đồn anh đóng bên rừng mai, nếu mai nở làm sao biết mùa xuân đã về”. Đánh giặc, súng nổ ầm ầm, thần chết hỏi thăm từng giây, từng phút, bất cứ lúc nào, nhưng cứ hở ra được một chút là lại “thiền”! Vinh danh người lính Việt Nam Cộng Hòa là đúng, chẳng có gì chuế cả, nhưng cố vực họ dậy, giữa vòng dây oan nghiệt của lịch sử là bi thảm hoá một huyền thoại, là tự hài lòng với nỗi bi thảm: nạn nhân của phi nhân. Thua trận, nhục nhã thật, nhưng thà rằng thua, mà vẫn giữ được “con người”! Làm người lính thiền, chắc chắn là hơn làm đao phủ thiền! Thi sĩ không bao giờ là nạn nhân (J. Brodsky). Mỗi người lính, như Nguyễn Bắc Sơn, Tô Thùy Yên, Khoa Hữu, Cao Thoại Châu, Luân Hoán… là một nhà thơ, người lính bảo vệ ngôn ngữ, và trong khi bảo vệ ngôn ngữ, chống lại những điều dối trá, phi nhân, họ bảo vệ con người. Nhà văn một kẻ sống sót, là vậy.

Nếu cần phải tìm cho Võ Phiến một nhãn hiệu, chúng ta có thể gọi ông là nhà văn của thế kỷ, thế kỷ XX.

(Nguyễn Hưng Quốc).

Nếu có thể coi Âu-châu, như một ghetto (7), một pháo đài, nơi trú ẩn cuối cùng của nhân loại, trước chủ nghĩa phát xít (trước đây), và chủ nghĩa toàn cầu (bây giờ), chúng ta có thể nhìn ra số phận của Võ Phiến, nhà văn của thế kỷ 20, trong những giờ phút hấp hối của nó. Một cách nào đó, quê hương Bình Định của Võ Phiến, và những chao đảo lịch sử những năm 1945, đã quyết định ngòi bút của ông. Khi bỏ đi theo Việt Minh, có thể ông đã muốn từ bỏ ghetto (khác Zweig, những người như ông, đã nhìn chủ nghĩa Cộng Sản như một cơ may) và khi thất bại, trở về, nó trở thành niềm tin cuối cùng của ông: thay vì tập thể, giờ chỉ còn quê hương, con người, với sự tò mò của một nhà văn, như một con quỉ, muốn lật tung tất cả.

Những con đường đưa cá nhân đến tội ác / đưa xã hội đến cách mạng, là như nhau.
(Camus, Thèse sur Dostoevsky: Les mêmes chemins qui mènent l’individu au crime mènent la société à la révolution). (8).

Đại cầm ở tay cuốn Crime et Châtiment. Tôi hỏi:
-Cậu đến trường luôn không?
-Không.
-Làm gì ở nhà?
-Đọc sách và suy nghĩ.
-Suy nghĩ về phép giết người? Tôi nói đùa.
Đại không đáp. Chúng tôi đứng nhìn xuống khu xóm lao động phía dưới. Đại bỗng nói:
-Nó đến trường tìm mình dữ lắm.
-Cậu quyết định thế nào?
Đại trầm ngâm một phút:
-Chưa.
Đại là sinh viên khoa học, đã qua được chứng chỉ căn bản. Hắn bị gọi động viên và đang trốn.
-Nghĩ gì về Dostoievski?
-Bệnh.
Tôi không ưa lối nói cụt ngủn của Đại. Hắn rất say đắm chủ nghĩa cộng sản. Những căn nhà thấp đã bốc khói. Không khí ấm hơn. Tôi nhìn bâng quơ những ngọn cây.
(Thanh Tâm Tuyền, Bếp Lửa).

Nói về Possédés, vào năm 1955, nhân dịp đài Radio-Europe tưởng niệm Dostoevsky, Camus tuyên bố: Tôi gặp tác phẩm này năm 20 tuổi, và cơn bàng hoàng cứ thế kéo dài, hai mươi năm tiếp theo sau đó.
Cơn choáng váng mà Camus đụng phải khi đọc Lũ Người Quỉ Ám không chỉ kéo dài ở ông, mà còn lây sang nhiều người, khi đụng Kẻ Lạ. Một cách nào đó, Bếp Lửa, Kẻ Lạ, là những phiên bản của Tội Ác, Possédés… Zweig đã viết Ba Bậc Thầy (Balzac, Dickens, Dostoevsky). Võ Phiến đã dịch Zweig. Và Dostoevsky, Người Chồng Muôn Thuở, nhưng theo tôi đây không phải là tác phẩm quan trọng của nhà văn Nga này. Những Người Quỉ Ám mới là con chim báo bão về một chủ nghĩa toàn trị sắp tới (Lời giới thiệu trang bìa ấn bản tủ sách bỏ túi).

Tôi phải kể cuộc đời nào, trong những cuộc đời của tôi?
Thay vì cuộc đời của tôi, là cuộc đời của những Bốn Thôi….

Nguyễn Quốc Trụ

Chú thích:
(1) Cynthia Ozick trích dẫn, trong bài viết về Primo Levi. Tạm dịch:

Kể từ đó, đâu biết giờ nào,
Cơn hấp hối đó trở lại,
Và cho tới khi câu chuyện thê lương của tôi được kể
Trái tim này trong tôi bỏng rát.
Coleridge: Bài hát của người thủy thủ già.
(2) Edward W. Said trích dẫn, trong Văn Hóa và Chủ Nghĩa Đế Quốc. (Nhà xb Knopf, 1993).
(3) Trong Metaphor & Memory, essays (nhà xb Vintage International, 1991).
(4) Văn Học Pháp, số đặc biệt về Zweig, tháng Hai, 1997.
(5) Cynthia Ozick trích dẫn, trong bài viết về G. Steiner, trong Metaphor & Memory.
(6) “Không phải ngẫu nhiên, Gregor Samsa thức giấc, như một con bọ, ở trong nhà bố mẹ, mà không ở một nơi nào khác.” Walter Benjamin viết về Franz Kafka, nhân ngày giỗ thứ mười, (trong Illuminations, nhà xb Schocken Books, New York).
(7) Nên hiểu ghetto theo cả hai nghĩa tốt và xấu của nó.
(8) Roger Grenier trích dẫn, trong “Camus Mặt Trời và Bóng Đêm”. (nhà xb Gallimard, 1987).

Nguyễn Quốc Trụ

Văn bản do tác giả gửi cho Văn Việt, đã đăng trên blog: http://www.tanvien.net/tgtp/tgtp10_vo_phien.html?fbclid=IwAR16HOOyAfWyVGP9xsKzBj9Zt1diKHNisHp5yi2_PkKluxgiwNjzvtdhWTE

Comments are closed.