Thơ Đặng Tiến (Thái Nguyên)

VẼ

(Kính tặng Nhà thơ – Họa sĩ Giáng Vân)

——-

Khi ngôn từ trở nên đáng ngờ

Bởi những phép tu từ đầy tinh thần trang trí

Người đàn bà làm thơ

Tìm đến sắc hình và nét

Thế giới giờ đây thu vào tấm toan

Một mặt phẳng

Người đàn bà từ giã những quen nhàm

Người đàn bà đối mặt những nguy nan

Để vượt thoát…

Những bài thơ không lời hiện dần

Những bài thơ không lời hiện ra dưới ánh sáng

Ban mai trong suốt

Giữa trưa chói lòa

Hoàng hôn dìu dịu

Những bài thơ không lời

Người đàn bà vẽ gì?

Hình như không có gì

Không lớn lao

Không vĩ đại

Chỉ là những mảnh vỡ đâu đây

Bên lề

Ẩn giấu

Người đàn bà đặt vào trung tâm

Tấm toan trắng trở thành nơi tái thế

Những mảnh vỡ hiện hình

Hoa

Cỏ cây

Gương mặt một vài người thân

Hình như cũng là những người đàn bà quá đỗi vô danh

Hình như có nguy cơ bị quên lãng

Người đàn bà đã tặng nguồn sáng

Những mảnh vỡ ngời lên sức sống

Dẫu chỉ một lần

Khi ngôn từ cạn kiệt

Người đàn bà làm thơ không lời!

 

 

HẬU HIỆN ĐẠI VỀ THI SĨ!

(Tặng nhà thơ  Liêu Thái)

——-

Cô đơn như thi sĩ

Chuyện hình như gói lại trong kỉ nguyên lãng mạn

Thời nay đã khác rồi

Rất khác

Thi sĩ không phải là đứa con của Giời

Thi sĩ không phải là đứa con của Đất

Thi sĩ không phải là đứa con của Thần

Thi sĩ là đứa con của Người

Hình như là đứa con Hư

Hình như là đứa con Khó bảo

Lập dị, Trái khoáy, hay chọc ngoáy, hay phá ngang, hay lội ngược dòng

Tù nhân của Ngôn từ, tù nhân của Khát vọng, tù nhân của Ước mơ bay bổng

Là tù nhân nên luôn luôn muốn thoát

Thoát khỏi Ngôn từ, thoát khỏi Khát vọng, thoát khỏi Ước mơ

Vì quá yêu Người nên sanh hư!

Thi sĩ giờ đây sinh ra cùng/từ đường phố vỉa hè

Từ những xóm liều ven đô, ven thành, ven kênh, ven sông nổi váng và bốc mùi

Từ những bệnh viện bình dân nơi những người mẹ đơn thân dằn vặt giữa bỏ con hay mang theo sau khi đẻ lén

Từ những xóm trọ rẻ tiền nơi những người trẻ tuổi bơ vơ nghèo khốn nhiều khi phải tặc lưỡi bán thân đổi lấy một chỗ làm lương bèo đủ ăn cơm hộp qua ngày

Thi sĩ ra đời từ những nơi như thế

Ngôn từ và thân thể hắn bốc mùi xa lạ với những sang trọng, đình đám, cao siêu, lấp lánh, vinh quang

Thi sĩ bỗng trở thành sa đọa

Thi sĩ bỗng trở thành suy đồi

Thi sĩ bỗng trở thành khó chịu

Trong cõi nhân gian…

Thi sĩ không cô đơn

Những tập thơ hắn viết

Sẽ cho hắn những người bạn mới

Sẽ giúp hắn nhận chân những cái gọi là “tri kỉ tri âm” dối trá

Sẽ giúp hắn nhận ra những lời giao đãi trơn tru và nhạt toẹt

Sẽ giúp hắn nhận ra những hội thảo hội nghị luận văn luận án đa phần là những lời giả dối

Sẽ giúp hắn nhận ra trong cõi nhân sinh những người tử tế không bao giờ ba hoa khoác lác ham thích tu từ hàng mã

Sẽ giúp hắn nhận ra sức mạnh ngôn từ

Ngôn từ bao dung và chia rẽ

Ngôn từ nâng đỡ và vùi dập

Ngôn từ bừng nở và vô sinh

Ngôn từ tự do và nô lệ

Ngôn từ chia đôi như kiếp nhân sinh, như phận số con người

Thi sĩ không cô đơn

Thi sĩ sống giữa phàm trần

Thi sĩ là bạn, là tôi là chúng ta tất cả

Ấy là khi ta biết đến ngôi Lời

Ấy là khi ta thấy cần Mở miệng

Thế thôi.

 

 

BÂNG QUƠ LỊCH SỬ

(Trân trọng tặng nhà thơ Nguyễn Đức Tùng)

——-

Lịch sử không có chữ NẾU

Nhưng nghĩ về lịch sử lại rất cần chữ GIÁ NHƯ

Lịch sử nhờ thế trở thành lịch sử của mỗi chúng ta

Luôn của thì hiện tại

Luôn đồng hành và luôn luôn mới

Giá như…

Giá như…

Giá như không phân li lên rừng xuống bể theo mẹ theo cha hai ngả

Giá như không có gã hàng xóm khổng lồ tham lam kinh hoàng

Giá như vua không cậy có nỏ thần để đến nỗi phải chặt đầu con gái

Giá như đội quân Hai Bà Trưng không cần phải đỏ mặt xấu hổ trước bọn đàn ông China trần truồng khi xung trận

Giá như không có những vụ cướp ngai vàng

Ngai vàng luôn đẫm máu

Luôn đẫm máu

Giá như không có sông Gianh, không có lũy Thầy, không có…

Giá như không có Cần Vương mà lại có một Minh Trị Duy Tân

Giá như người Pháp không cố chấp

Giá như không có chiến tranh Đông Dương

Giá như không có chiến tranh Việt Nam

Giá như không có

Giá như…

Nhìn về quá khứ

Những chân trời xưa

Những chân trời cũ

Hiện ra

Trắng đen, phải trái, chính tà

Một khối hỗn mang

Một khối

Nhiều trang đen tối

Nhiều trang mù mờ

Nhiều trang khổ đau

Nhiều trang bẽ bàng

Nhiều trang khủng khiếp

Nhiều trang huy hoàng

Nhiều trang uất nghẹn

Giá như

Để lỡ bao lần

Giá như lầm lỡ bao lần

Giá như

Trả giá đắt bao lần

Giá như

Cơ hội tuột khỏi và ra đi vĩnh viễn biết bao lần

Giá như

Chúng ta đừng kín cổng/cống cao tường

Giá như chúng ta đừng mê mẩn chi hồ giả dã

Giá như chúng ta bớt, bớt thôi mê văn chương thơ phú

Giá như chúng ta biết sợ

Sợ cái ao làng tù đọng

Sợ chân đất và mắt toét

Sợ áo vá và quần nâu

Sợ râu tôm nấu với ruột bầu

Sợ những tréo ngoe cạm bẫy

Sợ địa nghĩa thiên kinh

Sợ đèn đom đóm dùi mài những trang sách chết

Sợ

Giá như chúng ta biết sợ

Sợ máu đổ đầu rơi

Sợ rừng xanh chết cháy

Sợ biển Đông cạn nước

Sợ nghĩa địa mọc lên khắp nơi nơi

Sợ quá mù ra mưa

Sợ quá khôn thành dại

Sợ ngu trung mù lòa

Sợ những nhiệt tình cuồng dại

Giá như…

Giá như chúng ta đừng quá yêu sen đến mức khinh rẻ bùn dưới gốc

Giá như chúng ta đừng làm gà cùng một mẹ để đá nhau đời này qua đời khác, đá nhau cả khi chết thành ma

Giá như chúng ta biết làm phượng hoàng vỗ cánh giữa không gian cao rộng ngàn trùng mà quên đi những nhỏ nhen sân hận

Giá như…

Lịch sử không có NẾU

Nhưng có ai cấm ta nghĩ về lịch sử

Khi nghĩ thì có quyền GIÁ NHƯ

Có thể ĐÚNG

Có thể SAI

Đúng hay Sai thì ta vẫn phải sống

Sống hôm nay để có ngày mai….

 

.

TRẦN VÀNG SAO

——-

 

Ông đã tin quá trời

Ông đã tin quá trời

Quá trời

Trần Vàng Sao đã tin

Ông tự tạo bút danh độc nhất vô nhị

Bút danh khiến bao nhiêu người ngỡ ngàng

Ông đã tin

Ông đã tin

Và ông đã trả giá

Cái giá cả cuộc đời không bao giờ trả nổi

Niềm tin không còn

Vì niềm tin bị đánh cắp

Niềm tin bị lợi dụng

Niềm tin trở thành nguyên cớ li biệt đọa đày

Vì tin

Ông cất tiếng

Tiếng của người dân thường tự biết yêu nước của mình

Giản dị đơn sơ chân thật

Yêu nước là yêu nước

Có gì phải nâng tầm

Bận gì phải nhân danh

Bận gì phải làm màu khoe khoang

Thời buổi yêu nước cũng độc quyền

Yêu nước không được lựa chọn

Yêu nước phải theo những khung hình có sẵn

Yêu nước thành khổ lụy dở dang

Người yêu nước bị tước quyền lên tiếng

Nhà thơ yêu nước bị chặn họng bị bịt miệng

Đau đớn nhục nhằn tủi hổ…

Nỗi u uất trong lòng hóa thành tiếng chửi

Tau chửi

Tau chửi

Tau chửi

Những tên khốn nạn có gia phả

Những đứa khốn nạn có nghề

Những thằng những con mỏ nhọn lưỡi dài

Bụng chứa ba bồ chữ thối

Những tên khốn nạn lên giọng đăng đàn diễn thuyết, chưa đã

Những tên khốn nạn viết văn sách in xếp cao vài trượng

Chữ nghĩa như gươm như dao như thuốc độc giết người

Trần Vàng Sao cất tiếng

Không phải là lời yêu mà là tiếng rủa nguyền

Tiếng rủa nguyền trong nỗi đớn đau và bất lực

Hỏi còn nỗi đau nào ghê gớm hơn

Tiếng rủa nguyền âm u từ địa ngục

Từ lửa diêm lửa sinh

Từ những thân phận rạc rày oan khốc

Từ nơi tăm tối ngục tù

Tiếng nguyền rủa của dân đen suốt mấy đời bị lừa phỉnh

Bị chối bỏ

Bị gạt sang bên lề

Bị ném vào bóng tối

Bị che mắt bịt miệng rút lưỡi

Bị nhốt trong lồng, gông xiềng nơi cổ

Bị biến thành tôi đòi cả đời quỳ gối khom lưng

Đội trên đầu lớp lớp tầng tầng

Muôn năm muôn năm vĩ đại vĩ đại

Vinh quang vinh quang chói lọi

Máu tươi đầm đìa

Thịt người tan nát

Sau những lời hô ngân vọng

Nay hóa thành tiếng nguyền rủa âm u

Thế giới tù ngục

Đan mạch nhà tù âm u ghê rợn

Tiếng than Hamlet tha nào

Hóa ra là sự thật

Sự thật nhãn tiền

Trâng tráo khốn kiếp

Sự thật phơi bày

Nước biển không rửa sạch

Sự thật phơi bày

Hồn ma bóng quỷ nhập nhòa nhảy nhót

Đại hí trường

Tiểu hí trường

Mảnh đất đầy chật ma sống ma chết ma già ma trẻ

Núi trập trùng mồ mả

Ruộng trập trùng xương khô

Biển trập trùng sóng trắng

Sông trập trùng máu me

Trập trùng quê hương người ở lẫn với ma

Trập trùng sóng xám

Trầm luân

Khổ đọa

Can qua

Trầm luân phận người hậu chiến

Trầm luân yêu nước

Trầm luân.

 

 

DU TỬ LÊ

 

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển…

Thơ đau tận cùng. Thảng thốt người ơi…

Lưu vong, luân lạc, quê người

Như cụm cỏ bật gốc

Không thể bén rễ

Tận cùng thê lương

Khi tôi chết hãy mang tôi ra biển

Thái Bình Dương ngằn ngặt cố hương

Chân mây góc biển quê người

Bơ vơ viễn xứ

Bên kia biển là quê nhà

Vạn dặm xa

Vạn dặm đường trường

Cách trở

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển

Biển rộng mồ hoang của biết bao người

Ngày nào quyết ra đi

Nuốt nước mắt

Ngậm ngùi

Cúi đầu

Một lời thề như dao chém đá

Ra đi không bao giờ trở lại…

Hãy đem tôi ra biển

Cho tôi được một lần…

Góp một chút bi thương

Làm nên vị mặn chát đắng cay số phận

Những người ra đi

Không có ngày về…

 

TRÒ CHUYỆN VỚI MỘT NGƯỜI VIỆT XA XỨ

(Kính tặng nhà văn Nguyễn Minh Nữu

Cảm ơn Lê Hoàng Tuấn Kiệt rất nhiều)

——-

Bất ngờ, thật bất ngờ

Từ phương xa… ông gọi,

Tôi sững sờ, bối rối

Điều tôi vẫn mong chờ

 

Thôi, vòng vèo một chút

Tôi sống ở Bắc Kì,

Như người trong ấy gọi

Từ độ nước chia li…

 

Chia li ra hai phía

Miền Bắc và miền Nam

Ôi! Bàn cờ thế cuộc

Thân phận nước yếu hèn!

 

Mấy triệu người bỏ quê,

Xuôi Nam và ngược Bắc

Rùng mình khi nghĩ lại

Lòng vẫn còn tái tê

 

Đùng đoàng ôi cuộc chiến,

Sông máu và núi xương

Mả mới chen mả cũ

Phế nhân khắp ngả đường…

 

Những cháu con Vua Hùng,

Tàn hại nhau. Kinh khủng

Truy cùng và diệt tận

Thảm thương đến vô cùng

 

Bao nhiêu người di tản?

Bao nhiêu người vượt biên

Máu đỏ. Ôi máu đỏ!

Hòa cùng Thái Bình Dương

 

Bao nhiêu người ra đi,

Gọi là để đoàn tụ

Thì vẫn là chia li

Thì vẫn là bỏ xứ….

 

Tôi thằng nhóc Bắc Kì,

Lớn lên trong nghèo khó

Bốn bề bưng bít cả

Nào biết gì mô tê

 

Ếch ngồi nơi đáy giếng

Trời xanh hóa thành vung

Nửa đời như mù điếc

Suýt thì thành phế nhân

 

Tận cùng của khổ nạn

Thôi cũng đến ngày vui

Những tấm màn bưng bít

Cũng đến lúc hạ rồi

 

Những gì là tốt đẹp

Dẫu trải bao dập vùi

Vẫn còn nguyên vẹn đó

Như kim cương, vàng mười

 

Những gì là hàng mã,

Tro bụi và bọt bèo

Thời gian tàn hủy hết

Còn lại được bao nhiêu?

 

Những trang sách mở ra

Bao chân trời tri thức

Hôn ám dần lui dần

Tin lành lòng mở rộng

 

Bao văn nhân nghệ sĩ

Bị vùi dập một thời

Tôi đọc lòng thanh nhẹ

Về già bỗng được vui

 

Được vui vì thêm bạn

Dẫu góc bể chân trời

Một vài giây – nối mạng

Được thấy nhau nói cười

 

Thật ngạc nhiên quá đỗi

Giọng Hà Nội vang lên

Sài Gòn…pha chút xíu

Giọng quê hương vẹn nguyên

 

Ra đi từ Hà Nội

“Thiếu tiểu”…đã “li gia” (*)

Cố hương. Xa vời vợi

Ngăn cách bởi can qua

 

Phận người như búi cỏ

Cuồng phong cuốn cuốn theo

Cánh bèo nơi sóng nước

Cuối trời xa phiêu diêu

 

“Hương âm”… vẫn “vô cải” (**)

Cái già đến trên đầu (***)

Mang mang trời viễn xứ

Cố hương giấc chiêm bao

 

Ông chuyện trò vui lắm

Tôi thưa với ông rằng

Ơn giời nhờ có mạng

Hết xa mặt cách lòng

 

Văn chương nhịp cầu nối

Xa trở nên rất gần

Mối lương duyên chữ nghĩa

Kiến tạo thành tình thân

 

Ông đã thuộc vào lớp

“Nhân sinh…cổ lai hi” (****)

Tôi kém chừng một giáp

Biết rũ bỏ sân si

 

Cầu trời có ngày đẹp

Được gặp ông ngoài đời

Trái đất tròn. Bé lắm

Hẳn là có. Thế thôi!

 

Hẳn là có… Thế thôi.

++++

(*) (**) Ý thơ Hạ Tri Chương

(***) Ý thơ Mãn Giác Thiền sư

(****) Ý thơ Đỗ Phủ

 

ĐỌC THƠ TÔ THÙY YÊN

 

Tôi biết ông rất muộn

Tất nhiên, lỗi ở tôi

Ếch ngồi nơi đáy giếng

Biết một tẹo bầu trời…

 

Tình cờ, rất tình cờ

Lướt mạng và thấy có

Một anh bạn rất trẻ

Mê thơ ông… Quá trời

 

Thật tình cờ thế thôi

Gọi duyên lành mới đúng

Tất nhiên, tôi nhờ mạng

Là có vài trăm bài

 

Và tôi đọc. Tôi đọc

Đắm chìm và mê say

Nhiều đêm là thức trắng

Nước mắt mặn trên môi

 

Tên ông thật mềm mại

Thơ theo khói bay bay

Khói làm cay khóe mắt

Trời xanh cũng chau mày

 

Thơ ông thời Sáng Tạo

Thẳm sâu không ồn ào

Ngôn từ như lơ đãng

Hiện sinh… Người ở đâu

 

Thời chiến chinh tàn khốc

Thơ xót tận óc tim

Chiến chinh. Ôi chinh chiến

Giữa những người anh em

 

Ôi những người anh hùng

Bên này và bên ấy

Tuyệt lộ và cùng đường

Ai làm ra nông nỗi?

 

Thơ ông câu hỏi lớn

Lịch sử phải trả lời

Thời đại sầu – thảm – khốc

Cây cũng bật rễ trôi

 

Tháng Tư năm bảy nhăm

Ông bên người thua cuộc

Thêm một lần khổ nạn

Hơn mười năm tù đày

 

Thơ viết ra từ máu

Từ nước mắt mồ hôi

Nhưng tuyệt nhiên không thấy

Oán trời và trách người

 

Ông gọi thời khổ đọa

Thời chủ mới lên thay

Diễn tấn tuồng bạo lực

Nước Việt, chốn lưu đày

 

Đạn bom đã ngừng trút

Mà hận thù còn nguyên

Thậm chí còn kịch phát

Chuyến tàu điên xuyên đêm

 

Thơ mực mài nước mắt

Mong xóa bỏ hận thù

Ôi. Đáng thương biết mấy

Những phế nhân lòa mù

 

Mùa hạn rồi cũng qua

Trở về nơi cố quận

Khắc khoải đến nao lòng

Vui. Vì còn được sống

 

Được sống được làm người

Dẫu không còn trọn vẹn

Một lần. Một lần thôi

Cất tiếng lời gan ruột

 

Cũng như bao nhà thơ

Người Việt và thuần Việt

Chặng cuối…dặm đường dài

Ông tìm về với Phật

 

Thơ thắp tạ ngân rung

Nhẹ như làn khói biếc

Sáng mảnh trăng hạ tuần

An nhiên và thanh thản

 

Bão dông. Rồi cũng qua

Khổ đọa tiền sinh kiếp

Mở lòng… Buông bỏ hết

Nam mô A di đà

Comments are closed.