Nguyễn Quang Lập với Ba Đồn mạn thuật

Nguyễn Thành Phong

Có thể là hình ảnh về 1 ngườiTôi là một bạn văn vào loại cũ kỹ nhất của Nguyễn Quang Lập. Chơi với nhau từ những năm cuối 70 thế kỷ trước, thời sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội. Ông là sinh viên K20 khoa Vô tuyến điện, tôi học sau hai khóa, ở K22 Hóa Thực phẩm. Hơn 40 năm chơi với nhau, lúc thăng lúc trầm, khi vinh khi tủi, tôi lúc nào cũng một lòng kính nể, có khi còn coi ông như thầy của mình trong làm báo, viết kịch bản phim. Dù cứ ù xoẹ xưng gọi "tôi, ông" với ông, là bởi vì trong lòng tôi, ông là người bạn lớn, đáng tin cậy nhất. Tôi đã viết bài thơ Người văn tặng ông để nói về điều này rồi.

Tôi được chứng kiến hành trình hình thành con người xã hội của ông: Từ một sinh viên, tốt nghiệp kỹ sư vô tuyến, vào bộ đội làm sĩ quan chỉ huy tên lửa, thành cán bộ văn hóa, quản lý văn nghệ ở tỉnh, rồi ra làm báo, làm biên tập sách ở Thủ đô, cuối cùng chuyển vào Sài Gòn, là ông hưu trí, nuôi… chim yến…

Tôi cũng chứng kiến hành trình hình thành con người sáng tạo của ông. Từ một gương mặt thơ sinh viên trong trẻo, véo von đến nhà thơ bộ đội (bài thơ "Nhớ về đỉnh gió" của ông được Trung ương Đoàn trao giải Nhì viết về Thanh niên), thoắt cái, là một cây bút truyện ngắn đặc sắc (với những truyện ngắn đình đám một thời: Tiếng lục lạc, Người lính hay nói trạng, Một giờ trước lúc rạng sáng…), thành tác giả kịch bản sân khấu đỏ đèn dài dài (với các vở kịch nói Trên mảnh đất người đời, Mùa hạ cay đắng, Ngôi nhà quỷ ám…), là biên kịch phim truyền hình dài tập đầu tiên của Việt Nam (Gió qua miền tối sáng, Cảnh sát hình sự), biên kịch phim truyện nhựa lừng lẫy (Đời cát, Thung lũng hoang vắng, Đảo của dân ngụ cư), rồi là nhà tiểu thuyết lạ lùng (Những mảnh đời đen trắng, Tình cát, Kiến, chuột và ruồi). Tưởng thế đã là đỉnh cao chót vót rồi. Nhưng chưa đâu. Ông còn là nhà văn sáng tạo nên một phong cách "khẩu văn", làm sôi động cõi mạng và xuất bản thành một loạt sách, thuộc hàng bestseller, tái bản nhiều lần.

Cả hành trình sáng tạo của ông là những bước chuyển chứa đầy những ngạc nhiên, ngạc nhiên cho đến cả những người bạn thân gần như tôi. Mà ông toàn báo trước. Ông bảo, thôi, tao không làm thơ nữa, chuyển sang viết truyện ngắn, nhanh nổi tiếng hơn. Rồi ông bảo, tao phải viết kịch bản sân khấu, mai kia sẽ đến học lỏm Xuân Đức viết kịch, sẽ có nhiều tiền hơn và nổi tiếng hơn. Đến một ngày, ông nói, tao phải viết phim truyền hình rồi làm kịch bản phim truyện nhựa, phải hơn như thế này… Ông nói và ông làm được, làm nhanh, còn hơn cả bọn tôi lúc ấy đang tròn mắt để hình dung ra viễn cảnh. Ông báo trước kỹ càng mà tôi cứ vẫn ngạc nhiên, là như thế.

Phạm Xuân Nguyên kể lại chuyện Nguyễn Quang Lập đến tìm mình để làm quen ở Viện Văn học. Lập tự giới thiệu, trước khi sà xuống quán chè chén vỉa hè: "Tôi là Nguyễn Quang Lập làm thơ, chuẩn bị chuyển sang viết truyện ngắn. Hiện giờ ông chưa nghe đến tên tôi, nhưng tôi sẽ rất nhanh nổi tiếng. Ông cứ chơi với tôi đi, không thiệt thòi gì đâu". Về sau, đúng như thế. Phạm Xuân Nguyên sau đó bỏ vợ (chính xác là bị vợ bỏ) chứ không bao giờ bỏ chơi với Nguyễn Quang Lập. Giờ, tình bạn của họ càng thành ra thắm thiết…

Nhưng nói gì thì nói, tài năng làm ngạc nhiên của con người kiểu gì cũng có hạn thôi. Tôi cho rằng Nguyễn Quang Lập cũng là người, chứ chả phải thánh thần. Đã ngoài sáu nhăm tuổi trời rồi, thì viết tà tà, uể oải, may ra có thể có vài tập hồi ký hay tiểu luận kẻ cả dạy bảo, thì cũng là thú vị, đáng đọc, chứ nói đến khả năng làm ngạc nhiên người khác, thì coi như xong rồi…

Hóa ra không phải. Vừa mới đây, ông đã mở ra một tác phẩm khác, làm tôi bùng nổ sự bất ngờ. Đấy là cuốn sách nặng như mấy viên gạch xây, khổ rộng choán một góc bàn nước, dày chình chịch tới 600 trang, mang tên Ba Đồn mạn thuật (nxb Hội Nhà văn, 2022).

Cuốn sách “Ba Đồn mạn thuật” được ra mắt trong dịp 30.4.2022. Ảnh: LPL

Trước nay ông Lập tung hoành trong sáng tạo, lấy hư cấu phóng túng làm nên sự hấp dẫn. Còn với Ba Đồn mạn thuật, là thể loại khảo cứu, sách dư địa chí, phi hư cấu, mà tác giả vẫn tung hoành được, vẫn tạo nên sức hấp dẫn kỳ lạ, thì tôi bùng nổ bất ngờ, là không tránh khỏi.

Ba Đồn quê ông Lập, ban đầu là một cái làng cổ, có tên là Phan Long, được lập nên từ thời Hậu Lê. Làng ấy lại nằm ở vùng đất châu Bố Chính nơi bờ bắc sông Gianh với những thời đoạn lịch sử nhiều biến cải, xung đột, chiến tranh, phân ly, chia cắt, ngay từ thời nhà Tiền Lê, Hậu Lý, nhà Trần cho đến thời Hậu Lê và Trịnh – Nguyễn phân tranh thành hai xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài sau này…

Do nằm ở một vị trí địa lý đặc biệt trên đường thiên lý Bắc Nam nước Việt, lại nhận lấy nhiều tác động của những biến thiên lịch sử, mà Ba Đồn trở nên nổi tiếng. Nhưng như thế cũng chưa hết nhẽ. Còn có những cái duyên ngầm, duyên thầm để Ba Đồn vượt lên trong sự biết đến của cả nước so với các làng thôn khác, cũng dày dặn lịch sử và văn hóa, ở cùng trong vùng đất sông Gianh này. Ví dụ, như cái câu thành ngữ có sáu từ nói về cái nón Ba Đồn (Quảng Bình) và con gái Đức Thọ (Hà Tĩnh) chẳng hạn. Ở đâu trong cả nước ta, lúc trà dư tửu hậu, đàn ông cũng mang ra mà tán với nhau. Rồi qua đấy, địa danh Ba Đồn được truyền đi… Hồi mới lớn, ở trên rừng Sơn La, nghe lỏm được câu thành ngữ ấy, tôi đã hỏi bà nội, Ba Đồn là ở đâu hả bà, và đã biết nó ở bên sông Gianh, vùng Quảng Bình, đất miền Trung… Một địa danh được truyền tụng đi khắp nơi theo kiểu ấy thì đúng là phải gặp được cơ duyên lớn lắm.

Nhưng đấy mới chỉ là một cái tên, là cái vỏ thôi. Hồi mới học xong đại học, năm 1983, tôi đã cùng Nguyễn Quang Lập về quê ông, ở lại vài ngày, thì cũng là mới chạm đến cái vỏ của Ba Đồn một chút. Giờ đọc Ba Đồn mạn thuật là chầm chậm đi vào từng lớp từng lớp cái ruột phong phú và lý thú của địa danh Ba Đồn mình nghe được từ thuở đầu đời trai mới lớn lên.

Trong Ba Đồn mạn thuật, Nguyễn Quang Lập bắt đầu bằng khảo cứu vùng đất châu Bố Chính, trước thuộc nước Lâm Ấp xưa, rồi thành cương vực nơi biên tái nước ta từ khi Lê Hoàn tiến hành công cuộc bình Chiêm (982), Lý Thánh Tông và Lý Thường Kiệt đi mở cõi (1069) và Lê Thánh Tông làm cuộc di dân vào đây cuối thế kỷ 15. Quá trình làng Phan Long được lập nên, rồi nổi tiếng với chợ Ba Đồn, thành phủ lỵ Quảng Trạch, lên thị tứ, thị trấn và thành thị xã như ngày nay với tất tần tật mọi lĩnh vực, từ lịch sử, địa thế, đất đai, phong thủy, thời tiết cho đến phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lời ăn tiếng hát, sản vật và từ vựng, sự tích cùng giai thoại, những ngóc ngách con sông, hồ đập, cánh đồng, nước lên, cá xuống… tóm lại là vô cùng phong nhiêu, hiện ra dưới sức tả sức kể thanh thoát và hấp dẫn của văn Nguyễn Quang Lập. Rồi bên cạnh đấy là những phụ họa từ tư liệu, hình ảnh, tranh vẽ, trích dẫn từ sách báo và lời kể đế vào rất hợp mạch sách của bao nhiêu người khác nữa…

Trước khi đọc, sẽ có nhiều người băn khoăn hỏi: Đây là sách biên khảo thì văn ông Lập phát huy sự lôi cuốn như thế nào? Chả biết, tôi đọc, chỉ thấy nó vẫn tuân thủ phi hư cấu mà cứ hấp dẫn thôi. Tôi ví dụ một đoạn ngắn nhé. Ở chương tám: Nhân chí, phần A. Người Phan Long, tả về vóc dáng, ông Lập có đoạn viết: "Người Phan Long có dáng đi thẳng, ít võng kiềng (chữ bát) hơn người trong vùng. Đàn bà cân đối, mảnh mai, tóc mượt, ít lông, xương chậu phát triển, ngực nhỏ, mắn đẻ, về già thường béo phì. Thích giúp đỡ người khác, hay tự ái". Tôi hỏi ông Lập, cái đoạn tóc mượt, ít lông, xương chậu rộng này có chắc chắn là non-fiction không? Ông Lập nói, cả cuốn sách của tôi không có một chữ nào hư cấu. Hôm ông Lập tặng sách cho bà con Ba Đồn, có nhiều cô gái trẻ đẹp đến dự. Tôi chỉ vào đoạn này, hỏi mấy cô ngồi cạnh: Ông Lập viết như ri là răng? Các cô nhìn nhau, đỏ mặt, rồi một cô bảo: Ôông Lập ni viết như rứa, là rành bầy tui lắm đó…

Với Ba Đồn mạn thuật, Nguyễn Quang Lập hiện ra như một nhà văn hóa lớn, một nhà Ba Đồn học. Ông dẫn ta đi giữa mênh mang đất và người, xưa và nay, bề mặt và chiều sâu… mà vẫn mạch lạc, chi tiết, duyên dáng, làm chủ, tự tại…

Với Ba Đồn mạn thuật, Nguyễn Quang Lập hiện ra như một kết nối những tấm tình với quê hương của nhiều người con Ba Đồn. Cuốn sách mang tên tác giả là ông, nhưng ở đó có sự góp sức, vun đắp của rất nhiều người, của bạn bè ông ở khắp nơi, đã sẵn lòng, hào hiệp cùng ông trong săn tìm tư liệu, chia sẻ cảm xúc, hỗ trợ tinh thần và trợ giúp vật chất cho cả quá trình từ lúc có ý tưởng, trong quá trình thực hiện và đến bây giờ là lan tỏa đi rộng và xa hơn nữa.

Hôm ra mắt sách tại Ba Đồn, có một vị cao niên rưng rưng phát biểu, nói như tạ với trời đất: Ba Đồn thời nay có hai điều đại may mắn. Một là có doanh nhân bỏ tiền lớn ra dựng lại đình làng Phan Long cho cháu con xum vầy, cho khí thiêng tụ về. Hai là có nhà văn viết cuốn mạn thuật để lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa phi vật thể, theo đó mà còn mãi với mai sau. Địa đã linh, vì thế, mà sẽ còn sinh nhân kiệt…

Comments are closed.