2000 thuật ngữ Tâm lý học (kỳ 34)

Hoàng Hưng

341. Cryptesthesia (cryptaesthesia): Bí cảm

Một trải nghiệm clairvoyance (thấu thị), clairaudience (thần thính) hay hình thức extrasensory perception (ngoại cảm) khác, không thể giải thích theo bất kì kích thích giác quan nào đã được biết đến.

342. Cryptophoric symbolism: Phép tượng trưng bí dụ

Một kiểu biểu trưng biểu đạt một cách gián tiếp bằng hình thức ẩn dụ. Chẳng hạn có thể mô tả mối quan hệ khó khăn bằng một bản đồ khó đọc hay một cánh cửa đóng. Trong liệu pháp ẩn dụ (metaphor therapy), người bệnh được khuyến khích thay đổi thái độ hay tri kiến bằng những ẩn dụ mới. Cũng gọi là metaphoric symbolism (phép tượng trưng ẩn dụ) [mô tả bởi nhà Tâm lý học Mĩ Richard Royal Kopp (1942-)].

343. Cued recall: Hồi ức nhờ gợi ý

Sự nhớ lại thông tin từ kí ức nhờ các gợi ý, như nhờ chữ cái đầu tiên của một từ hay một cái tên, hay thể loại của thông tin (như: một loại thực phẩm). Thường tương phản với “free recall” (hồi ức tự do)

344. Cult of personality: (sự) Sùng bái cá nhân

Tâm thế tận tuỵ quá đáng với một thủ lĩnh chính trị, tôn giáo hay thủ lĩnh loại khác có sức mê hoặc, thường được thúc đẩy bởi các nhà chuyên chế hay chế độ chuyên chế như phương cách duy trì quyền lực.

345. Cultural blindness: (sự) Mù quáng văn hoá

Tình trạng không có năng lực hiểu cách nhìn nhận những vấn đề cụ thể của người thuộc nền văn hoá khác, do gắn chặt một cách cứng nhắc với cách nhìn, thái độ và giá trị của nền văn hoá của bản thân.

346. Cultural determinism: Thuyết tất định văn hoá

Lí thuyết hay tiên đề cho rằng các mẫu tính cách cá nhân và nhóm phần lớn được sản sinh bởi một tổ chức nhất định về kinh tế, xã hội, chính trị, tôn giáo.

347. Cultuaral epoch theory: Thuyết đại kỉ nguyên văn hoá

Lí thuyết trước đây có ảnh hưởng lớn nhưng đến nay không được thừa nhận rộng rãi, cho rằng mọi nền văn hoá của con người đều đi qua cùng những giai đoạn tổ chức xã hội và kinh tế như nhau. Trong phần lớn phiên bản của lí thuyết này, có sự tiến bộ từ xã hội săn bắt đến các đại kỉ nguyên chăn nuôi trồng trọt, và kĩ nghệ sơ kì, đến thế giới hiện đại phát triển, mỗi giai đoạn được coi là phức hợp, có tổ chức và lâu bền hơn các giai đoạn trước.

348. Cultural learning: (sự) Học tập văn hoá

Sự chuyển tiếp thông tin và hành vi thu nhận (học) được, cả trong từng thế hệ và qua các thế hệ với độ trung thành cao. Thuyết học tập văn hoá đưa ra 3 trình độ học tập văn hoá (ứng với ba giai đoạn): imitative (bắt chước), instructed (được dạy dỗ), collaborative (hợp tác) [đề xuất bởi nhà Tâm lý học Mĩ Michael Tomasello (1950-) và các đồng nghiệp].

349. Cultural psychology: Tâm lý học văn hoá

Một sự mở rộng liên bộ môn của Tâm lý học tổng quát, quan tâm đến những tiến trình Tâm lý học được tổ chức một cách cố hữu bởi văn hoá. Là tập hợp những cách nhìn không đồng nhất tập trung vào việc gỉai thích các chức năng Tâm lý học của con người được tạo dựng theo văn hoá thông qua những hình thức quan hệ đa dạng giữa con người với hoàn cảnh xã hội. Là một bộ môn nghiên cứu, Tâm lý học văn hoá liên quan đến nhân học văn hoá, xã hội học, kí hiệu học, triết học ngôn ngữ và văn hoá học. Trong lòng Tâm lý học, Tâm lý học văn hoá liên quan chặt chẽ nhiều nhất đến các vấn đề xuyên văn hoá, xã hội, phát triển và nhận thức.

350. Cultural truism: Chân lí hiển nhiên theo văn hoá

Ý kiến mà phần lớn thành viên của một nhóm văn hoá chấp nhận mà không thắc mắc hay chất vấn.

Comments are closed.