Lại Nguyên Ân
sưu tầm và biên soạn
25. NGUYỄN VIẾT LÃM
Tư tưởng và tình cảm trong tập thơ Việt Bắc có hiện thực không?
L.T.S – Hiện nay cuộc tranh luận về tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu đang sôi nổi trên các báo chí cũng như trong các cuộc họp hàng tuần do Hội Văn Nghệ Việt Nam tổ chức. Ðể cho phong trào được sâu rộng hơn và được có kết quả tốt, chúng tôi sẽ lần lượt cho đăng ý kiến của anh chị em văn nghệ cũng như của các bạn đọc gửi tới, không phân biệt ý kiến tán thưởng hay phản đối. Chúng tôi tin rằng sự góp ý kiến xây dựng của tất cả các bạn trong vấn đề này sẽ đẩy mạnh phong trào sáng tác văn nghệ nói chung của giai đoạn hiện tại. [1]
*
Cuộc tranh luận về thơ Tố Hữu được đặt ra dưới nhiều câu hỏi, nhưng tựu trung vẫn phải giải quyết vấn đề căn bản: tập thơ Việt Bắc đã đi đúng con đường hiện thực xã hội chủ nghĩa chưa.
Thời đại chúng ta dập dồn biến chuyển. Cuộc đấu tranh vũ trang chống xâm lược và cuộc đấu tranh chính trị hiện nay, cũng như cuộc đấu tranh tư tưởng của chúng ta vô cùng gian khổ, đòi hỏi những người công tác văn nghệ, phải phản ảnh cho được thực tế khách quan, một thực tế càng ngày càng tiến triển trên những bước đường thắng lợi. Diễn tả được cuộc sống đang lên ấy, chỉ có phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa mới làm được. Và muốn đi đúng đường lối hiện thực, người sáng tác phải nắm vững thế giới quan Mác – Lênin, một thế giới quan cách mạng đòi hỏi sự nhận xét tinh vi, sâu sắc đối với thực tế, thấm nhuần thực chất của các sự kiện lịch sử.
Trong tập thơ Việt Bắc, Tố Hữu đã sử dụng thế giới quan cách mạng đó. Chúng ta không nhìn tác phẩm qua con người của Tố Hữu, cũng không nhìn qua tư chất chủ quan của chúng ta. Vấn đề cốt yếu để xác định giá trị nội dung của tác phẩm là phải đối chiếu với sự việc cụ thể trong quá trình của nó. Tố Hữu đã thấy rõ những biến cố lịch sử, nhận thức đầy đủ quy luật phát triển của dân tộc, của con người Việt Nam chiến đấu và trưởng thành, cho nên thơ Tố Hữu đã ghi lại được những nét lớn của con người đang lớn mạnh ấy. Tập thơ Việt Bắc đã biểu hiện được hầu hết những tình cảm lớn của thời đại. Ðầu tiên là lòng yêu nước và chí căm thù. Mở tập thơ, bài đầu tiên “Cá nước” đã cho thấy ngay được lòng thiết tha đối với đất nước của người cán bộ và người Vệ quốc. Hai người chưa hề quen biết nhưng "chỉ" một thoáng lặng nhìn nhau mắt đã tìm hỏi chuyện, dù chỉ gặp nhau chốc lát trên lưng đèo, họ đã mến thương rồi vì chính họ đã gặp nhau trên đường vinh quang chung, trong lý tưởng cao quý chung: chiến đấu để giành lại đất nước.
Lòng yêu nước chí căm thù ấy đã thấm vào xương tủy của mọi người, Kinh cũng như Thượng. Trong bài “Bà mẹ Việt Bắc”, sự việc cụ thể đã tự nói lên sự áp bức dã man của quân thù và trong giờ phút nghiêm trọng của tổ quốc người lính cụ Hồ tạm gác hạnh phúc riêng của mình, đã trả lời cho mẹ già bảo cưới vợ:
Nó chỉ cười khì
Vợ con gì gấp!
Con còn phải đi
Giữ gìn độc lập!
Cả đến cỏ cây, cả những vật tưởng chừng vô tri giác cũng sùng sục hờn căm:
A! các anh chiến lũy
Sắt gỗ giăng thành
Cả các anh
Những di lăng, sấu, gạo
Không tiếc lá cành xanh
Vật ngang đường cản giặc
Lòng yêu nước chí căm thù ấy đã làm cho dân tộc chúng ta phấn khởi chiến đấu trong hoàn cảnh vô cùng gian khổ. Cảnh "con bế con bồng" của người phụ nữ phá đường, cảnh "bầm ra ruộng cấy bầm run" của người mẹ chiến sĩ, "màu da vàng nghệ" của người bộ đội là một thực tế cách mạng, chẳng những nó không làm cho những bà mẹ, những người lính thân yêu của chúng ta bé lại, mà càng vĩ đại hơn, vì chính những con người gian khổ thiếu thốn ấy là những con người chiến thắng.
Tố Hữu đã thấy trước bước đường phát triển của sự vật, luyện cho chúng ta chắc niềm tin tưởng cùng với nhân vật trong thơ. Năm 1947 khi chúng ta đứng lên kháng chiến chưa được mấy tháng, biết rằng cuộc chiến tranh ái quốc này còn phải gian khổ lâu dài nữa, nhưng ngay từ đầu, Tố Hữu đi “giữa thành phố trụi” mà đã thấy:
Ngày mai về lại thủ đô
Ngày mai sống lại từng mô đất này
Ngày mai xanh lại từng cây
Ngày mai lại đẹp hơn rày hơn xưa
Tố Hữu đã nắm chắc quá trình phát triển thắng lợi của toàn bộ cuộc kháng chiến, lại thấy cả sự trưởng thành của từng con người. Ðó là một nhận thức duy vật biện chứng. Bài “Phá đường” viết năm 1948, trong thời kỳ lực lượng vật chất, tư tưởng của ta chưa được mạnh, cơ sở đoàn thể còn đương trong thời kỳ xây dựng, sự giáo dục của Ðảng chưa đi sâu. Trong hoàn cảnh ấy, người phụ nữ phá đường đã được diễn tả với một trình độ cao tương đối, báo hiệu cho sự xuất hiện cả một thế hệ con người sắp đến. Tố Hữu đã đi đúng mức xây dựng nhân vật điển hình, đã đi trước quần chúng một bước trong sự lãnh đạo quần chúng đi lên. Chúng ta không thể đòi hỏi mức giác ngộ của nhân vật cao hơn nữa. Trong hoàn cảnh ấy, đi xa hơn là rơi vào tiền phong chủ nghĩa.
Sở dĩ dân tộc chúng ta yêu nước căm thù như thế là do Tổ quốc chúng ta đẹp đẽ vĩ đại, đất nước giàu có mà chúng ta không được yên hưởng, quân thù xâm lược dựa vào bọn phong kiến tay sai đã làm cho nhân dân lao động chúng ta sống cảnh cơ cực khốn cùng. Cho nên lúc kháng chiến thành công, nước nhà giải phóng, Tố Hữu đã nói lên được nỗi vui mừng của dân tộc, đã chỉ chúng ta thấy đất nước tươi vui bát ngát trong bài “Ta đi tới”.
Tình yêu lãnh tụ là một tình cảm lớn và phổ biến. Trong lòng của mỗi một người dân Việt Nam, ai lại không tôn thờ hình ảnh của Hồ Chủ tịch, người đã đem lại cho chúng ta không khí để thở, cơm áo để ấm no và ngày mai tươi sáng. Tố Hữu yêu lãnh tụ và đã thể hiện được tình yêu ấy của dân tộc. Trong văn thơ Việt Nam, có lẽ chưa có bài nào nói lên được thấm thía tình yêu ấy bằng thơ Tố Hữu. Có bạn cho rằng Tố Hữu đã thần thánh hóa lãnh tụ, làm cho quần chúng mất tự tin và ỷ lại, do đó lãnh tụ kém tầm vĩ đại. Tôi đồng ý trên nguyên tắc lãnh tụ không tách rời quần chúng, và sự vĩ đại của lãnh tụ do sự vĩ đại của quần chúng tạo nên. Nhưng tôi cố gắng tìm ở bài thơ "Sáng tháng Năm" của Tố Hữu, vẫn không thấy sự tách rời, trái lại lãnh tụ đã khăng khít với nhân dân, giản dị như tất cả những người lao động khác. Bên cạnh những nét hùng tráng cao cả của Hồ Chủ tịch, bài thơ “Sáng tháng Năm” đã chỉ cho ta thấy:
Bác ngồi Bác viết nhà sàn đơn sơ…
… Bác Hồ đó, chiếc áo nâu giản dị
Màu quê hương bền bỉ đậm đà
Thật là đơn giản và gần gũi.
Bên cạnh lãnh tụ, quần chúng không hề nhỏ bé lại, chưa hề mất tự tin. Trái lại, quần chúng đã lớn mạnh và quyết tâm hơn:
Ôi! Cái tên yêu Hồ Chí Minh!
Trong sáng lòng anh xung kích
Nửa đêm bôn tập diệt đồn
Vững tay người chiến sĩ nông thôn
Bắt sỏi đá phải thành sắn gạo [2]
Và sở dĩ Hồ Chủ tịch đã có một tác dụng lớn lao trong quần chúng như thế là do:
Người là Cha, là Bác, là Anh Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ
Chúng ta được Tố Hữu cho thấy rõ: Lãnh tụ do quần chúng xây dựng nên và đã trở lại lãnh đạo, giáo dục quần chúng chiến đấu.
Tinh thần quốc tế của tập thơ Việt Bắc cũng chính là tinh thần quốc tế của nhân dân. Tố Hữu đã phát ngôn đúng lòng xót xa của nhân dân ta khi nghe Sta-lin mất. Năm 1953 buổi sáng khi nhận được tin đau xót này, các lớp chỉnh huấn, các đại hội chiến sĩ, các đơn vị bộ đội, trường học nông đoàn, v.v… đều như đứt thở. Trên mặt của đàn con chiến đấu gian khổ, đã phải thấy những nét đau thương vì những giòng nước mắt. Nhưng nhân dân ta đã kịp thời biến đau xót thành hành động. Tố Hữu đã viết:
Thương Ông mẹ nguyện trong lòng
Yêu làng yêu nước yêu chồng yêu con…
Cuộc chiến đấu gian khổ của nhân dân ta hiện nay không khác cuộc chiến đấu gian khổ của nhiều dân tộc khác. Tiếng nói căm hờn của chúng ta là tiếng nói căm hờn của những anh em chúng ta đang sống dưới nanh vuốt của đế quốc chủ nghĩa. Tố Hữu đã nói lên được sự cảm thông đậm đà ấy.
Tố Hữu đã nhất trí với tư tưởng tình cảm chung của dân tộc, đã nói được tiếng lòng của dân tộc một cách thấm thía. Trong giai đoạn lịch sử này cũng như rất lâu về sau dân tộc tính không tách rời giai cấp tính, vì quyền lợi của giai cấp đã nhất trí với quyền lợi của toàn thể dân tộc. Ðó là quyền lợi sống còn của tổ quốc trước sự uy hiếp của quân thù. Cho nên chúng tôi không thể đồng ý với một bạn đọc trong cuộc tranh luận vừa rồi do Hội Văn nghệ Trung ương tổ chức bảo rằng trong giai đoạn đấu tranh vừa qua "Các giai cấp phải tạm thời xóa bỏ thắc mắc quyền lợi của riêng mình để băng mình vào chiến đấu" vì thực tế, băng mình vào chiến đấu là để bảo vệ quyền lợi của bản thân giai cấp mình. Ở đây, các mâu thuẫn đã được thống nhất. Và sự thống nhất ấy phải được hiểu là chí thành, cũng như chính sách mở rộng Mặt trận Dân tộc Thống nhất của chúng ta đề ra hiện nay, cũng như mọi chính sách khác, đều xuất phát từ lòng chân thành phục vụ quyền lợi của dân tộc trong ấy có quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Ðó là một thực tế khách quan mà thi sĩ Tố Hữu đã nắm vững.
Những đề tài thi tứ của Tố Hữu, những sự việc nhân vật của thơ Tố Hữu đều đi lên, đó là những thực tế có cánh "đang bay đến một trình độ tư tưởng, tình cảm cao hơn. Ðó là lãng mạn cách mạng". Anh bạn nói trên đã cho rằng Tố Hữu sở dĩ có đôi phút buồn là do "anh đã đi vào con đường lãng mạn cách mạng, chứ căn bản thơ Tố Hữu là vui". Tôi xin sẽ bàn đến trong một bài sau về những nhược điểm của thơ Tố Hữu trong tập Việt Bắc. Nhưng cách mạng lãng mạn không phải là buồn, không phải là đường lối sai lầm trong sáng tác. Trái lại, hiện thực mà không có lãng mạn sẽ là hiện thực phê bình tự nhiên chủ nghĩa, vì "hiện thực và lãng mạn là hai yếu tố cơ cấu" không xa rời nhau được (Fa-đê-ép).
Nguồn: Ðộc lập, s.96 (23.4.1955)
[1]Ðây là lời tòa soạn báo Ðộc lập.
[2]Lưu ý: ở đây tác giả dẫn thơ có chỗ thiếu chính xác; ví dụ ở câu đầu đoạn trích này.