Văn học miền Nam 54-75 (555): Nguyễn Mạnh Côn (kỳ 6)

Đem tâm tình viết lịch sử

Phần 6

Tôi hy vọng Trung đã thấy rõ sự chuyển hướng trong chính sách, trong chiến lược Cộng Sản thì đúng hơn. Chiến lược ấy, tọi đã nói với Trung có hai giai đoạn đã hoàn thành, với giai đoạn thứ ba đương ở trong thời kỳ xây dựng.

Hai giai đoạn đã hoàn thành giống nhau ở nhiều điểm: Vẫn quần chúng bị mê hoặc, bị huy động, bị nắm vững, bởi những người tiểu tư sản, những tay sai của một số lãnh tụ bôn-sơ-vích vẫn tưởng tượng mình chí anh dũng biến thân cho Độc lập và cho kháng chiến. Độc lập, trên lý thuyết đã thực hiện được ngày mồng hai tháng Chín, bảy năm trước. Còn kháng chiến, lẽ ra giai đoạn này còn dài, vì chiến cuộc chưa kết thúc, nhưng bắt đầu từ năm ngoái, bọn lãnh tụ bôn-sơ-vích đã quyết định biến đổi cuộc chiến đấu tay đôi giữa tiểu tư sản với Pháp thành nhiều cuộc chiến đấu khác phức tạp hơn. Đó là, kể về tầm quan trọng, đối với lý thuyết chủ nghĩa của họ, các cuộc chiến đấu giữa người bôn-sơ-vích với người tiểu tư sản, giữa hai khối Cộng Sản và Dân chủ tư sản, sau nữa mới đến cuộc chiến đấu giữa người Việt và người Pháp.

Người Việt và người Pháp giết nhau ngoài mặt trận từ bảy, tám năm trời nay rồi. Số người chết và bị thương, nếu chưa tới, cũng gần tới trăm vạn. Cho nên, đối với toàn dân, cuộc chiến đấu chống Pháp cố nhiên phải được kể là quan trọng nhất, bởi nó liên hệ đến nhiều người và đem lại nền độc lập cho tổ quốc.

Sau đến cuộc chiến đấu giữa hai khối chính trị, người ta biết khối nào thắng sẽ làm chủ hoàn cầu, nhưng viễn tượng ấy còn xa xôi lắm! Sau nữa mới đến cuộc chiến đấu giữa bôn-sơ-vích và tiểu tư sản, thật ra không mấy ai đã biết là có, còn nói gì đến đánh giá cho được thật đúng, rằng bây giờ chính là lúc người bôn-sơ-vích quyết tâm tiêu diệt “ý thức” tiểu tư sản yếu đuối chia rẽ, lưng chừng, cầu an và cơ hội. Để chiếm lấy độc quyền kháng chiến, để, tùy ý muốn và tùy sự đòi hỏi của hoàn cảnh, có thể bất cứ lúc nào cũng biến đổi cuộc kháng chiến chống Pháp giành độc lập thành một cuộc chiến đấu to tát giữa hai khối chính trị (cuộc chiến đấu, như thế, sẽ có hiệu quả là bắt nước Mỹ phải tham dự chống nhau với Trung hoa Cộng Sản, nghĩa là cầm chân Mỹ, dìm Mỹ xuống ngang hàng với Trung hoa Cộng Sản và mặc nhiên nâng Liên-Sô lên bậc lãnh tụ thế giới. Nhưng đây chỉ là một giả thuyết nặng về tính chất quốc tế, nó vượt ra ngoài phạm vi lịch sử Việt Nam, ra ngoài lãnh vực chủ quan của tâm sự của tôi đem giải tỏ với Trung)

Tôi muốn chứng minh rằng người bô-sơ-vích, từ năm ngoái, đã tự đặt cho họ một nhiệm vụ rõ rệt, nhiệm vụ nặng nề và to lớn nhất trong lịch sử Đảng của họ. Nhiệm vụ ấy là gạt hẳn người tiểu tư sản ra ngoài lề chiến cuộc, là tiêu diệt tiểu tư sản, là giáo dục (đào tạo) lấy một loại người mới thay cho loại người bị tiêu diệt, là nắm vững loại người mới này để nhanh chóng hoàn thành Cách Mạng Vô Sản. mặc dầu sẽ có những biến cố có thể làm cho cục diện kháng chiến phải thay đổi bất lợi: Cách mạng phải thành công đã, còn kháng chiến có thể nhất thời thất bại, người bôn-sơ-vích không bao giờ lấy hai chữ Độc Lập làm quan hệ, ít ra là cho riêng họ!

Họ không thiết tha gì với một nền độc lập quốc gia, bởi ngay trong lý thuyết chủ nghĩa họ, độc lập chỉ là một hiện tượng rất tương đối. Họ vốn dĩ đã chấp nhận nền độc lập của một nước nhỏ nằm trong nền độc lập của một nước lớn hơn. Họ có thể vui sướng với nước Việt Nam độc lập trong Liên hiệp Pháp, hoặc giả chia với Pháp mỗi bên một nửa sơn hà. Miễn là họ thực hiện được Cách Mạng Vô sản thành công, nghĩa là đem chủ nghĩa bôn-sơ-vích thi hành triệt để trong một khoảnh đất, trên một số dân chúng. Một chiến sĩ Cách mạng bao giờ cũng tha thiết với sự thực hiện cụ thể được lý tưởng của mình. Hơn nữa, chiến thuật xây dựng căn cứ mạnh mẽ, làm xuất phát điểm cho chiến thuật “vết dầu loang”, cũng là một lý do không kép phần hệ trọng trong sự quyết định về giai đoạn chiến lược thứ ba của người bô-sơ-vích.

Vậy thì, trong giai đoạn Ba của chiến lược, và để thực hiện Cách Mạng Vô Sản, người bôn-sơ-vích phải lấy sự tiêu diệt tiểu tư sản làm nhiệm vụ quan hệ nhất trong những nhiệm vụ của họ, bắt đầu từ năm ngoái.

Nhưng biết thế, Trung sẽ có một điều không hiểu, Trung sẽ thấy cần phải hỏi lại rằng vì sao, muốn thực hiện Cách mạng Vô sản, người bôn-sơ-vích phải tiêu diệt tiểu tư sản, để phải làm thêm một việc là giáo dục lấy một loại người mới thay thế Tiểu Tư Sản -loại người ấy là những ai, có gì khác người cũ và có ích lợi đặc biệt gì cho cách mạng?

Tôi trả lời Trung, điều thứ nhất: Mặc dầu các phần tử tiểu tư sản vẫn trung thành với kháng chiến tức là gián tiếp trung thành với lãnh tụ bolshevik, sự gạt hẳn những phần tử ấy ra ngoài lề cuộc kháng chiến có bốn lý do. Một là sau sáu năm ở cương vị lãnh tụ, nhờ sự dốc lòng ngay thẳng của cán bộ tiểu tư sản và nhờ một công cuộc tuyên truyền cực kỳ khôn khéo, các lãnh tụ bolshevik –Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, vvv… đã nhận thấy uy tín của họ đã đủ để cho họ có thể trực tiếp nắm vững được dân chúng mà không cần phải có công tác trung gian tiểu tư sản. Hai là từ 1950 Trung Hoa Cộng Sản đã tiến tới biên thùy Bắc Việt, lãnh tụ bolshevik không còn thấy cần dùng tiểu tư sản làm bình phong dân chủ cho một thứ chính quyền Cộng Sản. Ba là tính chất Cộng Sản của họ càng ngày càng rõ rệt, họ tất nhiên phải chờ đợi sự phản đối, hoặc công khai, hoặc ngấm ngầm, của cán bộ tiểu tư sản. Họ lại biết không hy vọng gì thuyết phục được cán bộ tiểu tư sản cho bọn này chịu “ vô sản hóa “, nhất là đối với những thành phần trí thức vốn vẫn có một căn bản vững chắc về tình cảm và tư tưởng. Bốn là cán bộ tiểu tư sản càng đi sâu vào kháng chiến càng gây thêm uy tín trong dân chúng. Nếu bọn lãnh tụ còn để cho tình trạng ấy kéo dài, thì thế tất phải có những cán bộ, bằng công lao, bằng tài năng và đạo đức, sẽ vượt tới chỗ được dân chúng mặc nhiên suy tôn làm lãnh tụ. Sự tai hại lúc đó sẽ không nhỏ.

Nói tóm lại, lãnh tụ bolshevik phải gạt cán bộ tiểu tư sản ra ngoài lề cuộc kháng chiến và tiêu diệt họ, vì tiểu tư sản đã trở nên vô ích trong hai nhiệm vụ tay sai và bình phong. Tiểu tư sản mang sẵn tính chất chống vô sản hóa. Tiểu tư sản sẽ trở nên nguy hiểm.
Người bonshevik vốn đã hay dùng một phương pháp xảo quyệt nhằm làm cho tiều tư sàn mất tự tin: Hằng ngày họ cho cán bộ tiểu tư sản học tập rằng “ý thức” tiểu tư sản bao giờ cũng đớn hèn, hoài nghi, chia rẽ… và cán bộ tiểu tư sản nếu đã chứng tỏ có nhiều đức tính: Quyết tâm, anh dũng, trung kiên… ấy là nhờ có sự học tập đạo đức bolshevik. Người bolshevik không ngớt lời thóa mạ tiểu tư sản. Nhưng đó chỉ là những điều gian dối: họ biết rằng trước khi có thứ chủ nghĩa bolshevik của họ, người tiểu tư sản đã nhiều lần gan dạ, bền bỉ, tài giỏi trong những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm khác. Họ biết thế cho nên họ đã trông thấy cả một đẳng cấp sĩ phu tiểu tư sản lãnh đạo dân chúng chống lại âm mưu thực hiện “Cách Mạng Vô Sản” của họ. Họ đành phải nhổ cỏ nhổ cả rễ, tiêu diệt toàn bộ cái ý thức tiểu tư sản mà thực ra họ gờm sợ hơn cả Đế Quốc (bởi tiểu tư sàn đã đông đúc thì chớ lại gần gũi họ khá lâu, đủ để biết những nhược điểm của họ, để tấn công, cùng những ưu điểm của họ để học tập!).

Người bolshevik như vậy đã lâm vào thế cờ phải tiêu diệt ngay số cán bộ đã nắm vững được tình thế trong bảy năm. Cán bộ càng có công lớn càng nhiều bất mãn; cán bộ càng có uy tín càng nguy hiểm; bọn lãnh tụ bolshevik đã khởi đầu trận tấn công tiêu diệt của họ nhằm ngay vào những cán bộ, mới trước đây ít lâu được chính họ tặng cho danh hiệu quý giá: “Anh hùng dân tộc”.

Làm thế nào để tiêu diệt được những vị anh hùng của dân tộc? Ám sát, thủ tiêu bí mật hay giam vào ngục tối?

Lẽ cố nhiên không thể được. Người ta có thể ám sát được một vài người, thủ tiêu được dăm ba chục người trong bí mật hay đem đày năm bảy chục người vào ngục tối. Người ta không thề nhất đán thủ tiêu hay giam giữ tất cả những cán bộ “anh hùng dân tộc”, người ta phải sợ toàn dân công phẫn.

Người ta đã nghĩ, trong không biết bao nhiêu lâu rồi mới thi hành một thủ đoạn thực sự: “long trời, lở đất “(1). Người ta đã giết, giết công khai những anh hùng Sông Lô như Quảng, những bí mật mặt trận Khu như Nhiễu và giam cầm hàng vạn người như bạn Trung, giữa tiếng reo hò của dân chúng.

Giết chóc, giam giữ công khai những cán bộ có công kháng chiến mà dân chúng vui lòng?- Không những vui lòng? vì dân chúng vừa reo hò vừa giết, vừa xử những án khổ sai dài bằng cả một đời người!

Thân ái Trung,

Trung sẽ không bao giờ tưởng tượng được người bôn-sơ-vích làm thế nào để mượn tay dân chúng giải quyết mối tử thù chính trị. Trung, khó lòng theo kịp được ngay đến con đường lý luận, tổ chức của người bôn-sơ-vích, mượn tay dân chúng giết được hàng vạn người.

Họ viết:

– “Trong hàng ngũ Đảng, có những phần tử cực kỳ nguy hiểm, cực kỳ ngoan cố. Những phần tử ấy liên kết với thực dân, đế quốc và phong kiến. Những phần tử ấy lộn sòng vào Đảng, khôn ngoan mua chuộc và quỷ quyệt lừa dối nhân dân ta, bằng cách giả vờ nhiệt liệt tham gia kháng chiến. Bọn chúng thông đồng với quân địch, tạo ra những công lao bên ngoài, để ngụy trang ý định thao túng Đảng và khống chế nhân dân ta.

Nhưng bọn chúng không thể lọt qua con mắt sáng suốt của Đảng, cho nên Đảng phóng tay phát động phong trào quần chúng đấu tranh chính trị để giáo dục nhân dân ta tận lực tiêu diệt bọn chúng.

Bọn chúng là tay sai của thực dân, đế quốc. Bọn chúng là phong kiến phản động, là tư bản bọc lột, là cường hào ác bá, là Việt gian phản quốc. Bọn chúng ngoan cố, nham hiểm, hiện nay đương náu mình dưới những chiêu bài kháng chiến giành độc lập, với mục đích dắt nhân dân ta trở lại cho thực dân, đế quốc đàn áp và bóc lột một lần nữa.

Nhưng bọn chúng không lọt qua con mắt sáng suốt của Đảng. Cho nên ngày nay Đảng giáo dục nhân dân ta phương pháp để lột mặt nạ bọn phản bội ấy. Nhân dân ta, tin tưởng vào Đảng, nhất định tích cực đấu tranh chính trị để tiêu diệt bọn chúng đến cội rễ, để trong sạch hóa hàng ngũ Đảng và trong sạch hóa hàng ngũ nhân dân.

Bọn chúng đã cướp của giết người! Bọn chúng là kẻ thù của nhân dân.

Nhân dân ta bắt chúng nợ của phải trả của, nợ máu phải trả máu!”

Đó đại khái là lời của những người bôn-sơ-vích, giả làm của dân chúng, gửi cho dân chúng. Thoạt bề ngoài, Trung dễ nhầm lời hiệu triệu vu vơ này với những lời hiệu triệu khác, kêu gọi dân chúng phải đề cao cảnh giác và tích cực kháng chiến.

Nhưng bề trong thì khác. Khác bởi tổ chức. Tổ chức đến từng thôn xóm nhỏ, đến từng cơ quan, đơn vị nhỏ. Tổ chức phóng tay phát động phong trào quần chúng đấu tranh tô tức, đấu tranh chính trị, gọi tắt là “Đấu”.

“Đấu” có ba thời kỳ. Chuẩn bị, thực hiện và đặt lại cơ sở cho Cách Mạng (Vô Sản).

Chuẩn bị có hai đợt: Tìm kẻ thù cho nhân dân, giáo dục cho nhân dân biết căm giận kẻ thù ấy. Kẻ thù ấy đã là những cán bộ tiểu tư sản có công kháng chiến rồi, việc còn lại là làm thế nào cho dân chúng xưa nay tin tưởng ai, kính mến ai, thì bây giờ giở mặt nghi ngờ, ruồng bỏ, hành hạ, ô nhục người đó. Việc không phải dễ, lãnh tụ bôn-sơ-vích biết lắm. Nhưng có lẽ họ đã tìm thấy một thứ kết quả đúng tuyệt đối cho bài tính về tương lai, nên trái với chiến thuật khéo léo, nước đôi của họ xưa nay, lần này họ tỏ ra có thái độ quyết liệt, quyết thắng.

Trận tấn công của họ mở ra, công khai, vũ bão. Họ nâng trận tấn công ấy lên hàng chính sách. Chính sách ruộng đất.

Chính sách ruộng đất nhằm trả ruộng đất cho người cày. Định nghĩa nghe vừa hòa bình, vừa nhân đạo. Lại thêm là công lý nông dân hằng chờ đợi từ khi có thửa ruộng, con trâu và cái cày.

Nhưng chính sách ruộng đất mở màn cho cuộc cải cách ruộng đất. Cải cách ruộng đất, theo lý thuyết bôn-sơ-vích, là một cuộc Cách Mạng Nông Thôn. Cách mạng bôn-sơ-vích, theo định nghĩa bôn-sơ-vích, bao giờ cũng tàn bạo, càng tàn bạo càng thành công.

Cải cách ruộng đất, vì thế có một phần nhiệm vụ nhằm tiêu diệt một thành phần xã hội: địa chủ, phong kiến, cường hào. Gọi chung là giai cấp bóc lột. Bóc lột ai?- bóc lột bần cố nông. Bóc lột gì?- Bóc lột của cải và xương máu.

Vì thế trong cải cách ruộng đất có một phần đòi nợ của cải và đòi nợ máu cho bần, cố nông. Bần có nông là những ai?- Là những người có cày mà không có ruộng. Còn địa chủ?- Là những người có ruộng mà không có cày. Có ruộng mà không cày, thì phải trả ruộng cho người cày.

Nhưng trả ruộng không thôi không đủ. Phải trả nợ. Nợ tính ngược về quá khứ. Nợ tính vào đương sự, vào cả thân quyến đương sự, kể cả con nuôi, con dâu, con rể, người làm công lâu ngày. Tất cả là địa chủ, tất cả phải trả nợ: tiền bạc, thóc lúa, nhà cửa, trâu bò, dụng cụ nông nghiệp. Và máu. Máu của những người chết vì bị bóc lột.

Trả ruộng cho người cày, nói tóm lại, là một cuộc cách mạng. Cách mạng tiêu diệt địa chủ. Địa chủ không được đầu hàng. Địa chủ nhất định phải “ được” tiêu diệt. Cách mạng phải có máu mới thật là cách mạng vô sản, mác-xít.

Trung vẫn chưa hiểu được sự liên lạc giữa cách mạng nông thôn, nhằm tiêu diệt địa chủ, với cán bộ tiểu tư sản trong hàng ngũ kháng chiến.

Nhưng thật ra con đường không có gì quanh co lắm. Bởi muốn bị đấu, chỉ cần phải có ruộng đất, không kể nhiều ít, miễn là có ruộng, mà chính mình không cầm đến cái cày. Muốn bị đấu lại không cần phải chính mình có ruộng đất, vì cha mẹ, anh em, vợ chồng mình có ruộng cũng đủ. Hoặc giả, chính mình hưởng thụ, có ăn gạo, là sản phẩm của ruộng đất.

Bởi thế, trừ những đồng báo suốt đời theo trâu, suốt đời không làm gì khác cày ruộng, còn lại bất cứ ai cũng có thể bị chỉ mặt gọi là địa chủ.

Địa chủ, một Trịnh Xuân Nghĩa hay một Trần Trinh Trạch với hàng vạn mẫu đồn điền. Địa chủ, một ông Cai tổng hay một ông Nghị xứ quê, với hàng trăm mẫu thượng đẳng điền. Đã đành là như thế.

Nhưng địa chủ cả đàn con, đàn cháu họ Trịnh, họ Trần. Địa chủ, những kỹ sư, bác vật được nuôi ăn đi học bằng tiền bạc của cha mẹ. Địa chủ, bà cụ Cử Vân xa, chỉ có tám sào ruộng để tần tảo nuôi con cho nên người. Địa chủ: Quảng!

Quảng là địa chủ, mặc dầu Quảng suốt đời không được trực tiếp giao dịch với bạn điền cấy rẽ của bà cụ Cử tám sào ruộng? – Phải, Quảng là địa chủ, bởi Quảng có hưởng thụ những sản phẩm do bà cụ Cử bóc lột bạn điền mà có. Còn bà cụ Cử, địa chủ bởi có ruộng mà không cày. Mặc kệ, nếu hàng ngày bà chỉ biết có tụng kinh niệm Phật và giúp đỡ mọi người.
Vấn đề đặt ra là có hay không có ruộng, có hay không có lao động, có hay không có hưởng thụ. Trong ba điểm, điểm hưởng thụ coi là hệ trọng nhất. Bởi thế, nên mới có sự lạ lùng, là những nhà cự phú, có rất nhiều ruộng, lại dùng tiền bán thóc ở ruộng đi lập một xí nghiệp, nên có thể nói là hưởng thụ ở ruộng đất cũng được, mà ở xí nghiệp cũng được: những người này chưa hẳn là địa chủ, không bị đấu.
Nhưng không có gì lạ, vì họ là đại tư bản. Đại tư bản không có tên trong danh sách của những kẻ bị tiêu diệt. Chỉ bị tiêu diệt những tiểu tư sản!
Tiểu tư sản bị tiêu diệt trong tiếng reo kinh khủng của “nhân dân”. Nhân dân mê loạn trong những cơn phản ứng theo điều kiện, đã vì những người bô-sơ-vích mà giết bỏ không biết bao nhiêu anh hùng tiểu tư sản có công với kháng chiến, có công với tổ quốc.
– Bởi họ là anh hùng của dân tộc, nhưng họ là kẻ thù của nhân dân, những người tiểu tư sản bóc lột! Người bôn-sơ-vích bảo thế.
Bóc lột là tội nặng nhất có thể có trong lịch sử. Bị bóc lột, cả một nhân loại đã nghèo đói. Bị bóc lột cả một dân tộc đã yếu hèn. Bị bóc lột, hai triệu người Việt Nam đã chết đói. Đó là lý luận bôn-sơ-vích.
Lý luận được tiếp ứng bằng quân đội, bằng những đơn vị đã hoàn toàn trong sạch của Đảng. Quân đội đưa cán bộ phát động (đấu tranh chính trị, tô tức) về làng, cán bộ nắm lấy quyền chính. Cán bộ chỉ định những “địa chủ” đáng ra đem đấu. Cán bộ lựa chọn phần tử “trung kiên” trong bần cố nông, để dạy sẵn những lời tố khổ. Rồi ở công trường Đấu, một người lên tố khổ, rồi hai người, ba người… một người bịa đặt, rồi hai người, ba người… một người đánh đập bị can để thỏa những uất hận mới có từ chiều hôm trước, rồi hai người, ba người… Một cơn gió mê cuồng thổi giữa những người dân lành…
Và những người bôn-sơ-vích đã thàng công trong một nhiệm vụ lý thuyết, là tiêu diệt xong những chướng ngại tiểu tư sản, trên con đường tiến tới của Cách mạng Marx-Lenine-Staline-Mao Trạch Đông!
Nhiệm vụ lý thuyết thứ hai của họ là giáo dục bẩn, cố nông thành Giai cấp, dùng Giai cấp làm cơ sở để thực hiện thàng công cuộc cách mạng Bôn-sơ-vích.
Thân ái trung,
Tôi hận rằng đã sớm bị gọi đến tên, và đã vội lên đường đào tẩu. Nên câu chuyện tâm tình của người bạn kháng chiến của Trung có đến đây là hết.
Trung hãy tin rằng tôi quả thật hơi ngại ngùng vì đã viết cho Trung, trong đoạn sau, quá nhiều lý luận. Tôi đã nghĩ nhiều, và tôi chân thành tin rằng điều đó không thể tránh được.
Tôi đã nói với Trung một lần, rằng trong tâm tình của mỗi đứa chúng ta phải có chứa đựng một phần nào những dữ kiện sẽ làm nên lịch sử. Cho nên tôi không thể nào không giãi bày với bạn những ý nghĩ đã dày vò tôi, cùng những ánh sáng tôi đã tìm thấy, trong một khoảng thời gian của một cuộc đời không thiếu gì hy sinh và đau khổ nhưng cũng không thiếu cả những phút say sưa, mãnh liệt.
Tôi đã để lại một phần của đời tôi trong kháng chiến. Kháng chiến, đối với tôi, không còn là những sự việc liên tiếp đến, liên tiếp đi, và đi là biến mất trong tâm hồn. Kháng chiến, trong tôi, đã trở nên một sự thật vĩnh viễn, một thứ kết tinh thể chất ở đâu đó trong tim, óc.
Kháng chiến, đối với bất cứ ai đã ra đi đêm 19 tháng Chạp, dù để tác chiến hay chỉ để tản cư di cư, cũng vẫn là những ngày gian khổ chịu đựng. Gian khổ trong những cánh rừng già đầy vắt xanh, vắt đỏ. Gian khổ ở giữa những cánh đồng bát ngát Liên khu Ba. Người ra đi, đi đến đâu cũng gặp những nấm mộ không có chân hương cắm trên đất mới, và những mái đầu tóc tơ của những em bé nhỏ đã vội quấn ngang vành khăn sô thảm thiết.Giọt khăn trắng, trên nền xanh của cây rừng, của đồng lúa, là một chứng cớ không thể chối cãi rằng, để giành lại quyền sống độc lập và tự do, bao nhiêu người đã ra đi không trở lại. Ra đi tay không mà tiểu tư sản. Với một tấm lòng.
Một tấm lòng, năm, bảy năm kháng chiến. Một đoạn đời trái với nếp sống bình thường. Kẻ gian dối, người thật thà, kẻ ru rú nơi xó rừng để đào khoai bới sắn, người phiêu lưu đưa hàng lậu giữa hai vùng chiến trận, mỗi người cố tìm lấy một nguồn sống tạm bợ. Vì ai nấy đinh ninh có lúc trở về, khi các đô thị đã vắng hẳn bóng đoàn quân xâm lược. Một ngày gần. Ngày đó chưa đến kịp.
Thì kháng chiến không còn là kháng chiến nữa. Cuộc tương tàn trong nội bộ đã bắt đầu, khiến người Pháp (sau này tôi mới biết) cũng ngỡ ngàng không hiểu. Mà ai làm sao hiểu được thiên thảm sử viết bằng tim và óc của những người như Quảng, ngoài những kẻ, như tôi, phải được hiểu bằng cả một tâm hồn tan vỡ.
Cuộc đời của chúng tôi lẽ ra giản dị biết bao. Vì theo kháng chiến, chúng tôi đã thuận cho hết thảy. Cho đến cả tính mệnh, để cố giữ lấy một vật không cho được, là tâm hồn. Tâm hồn tôi không bao giờ xúc phạm đến tâm hồn của bất cứ ai khác. Nên người ta có thể dùng chúng tôi trong đoàn quân kháng chiến, mãi đến khi chúng tôi tử trận hay cùng với đoàn quân kia toàn thắng. Tử trận thì một hố đất nông sâu không kỳ quản, và một lời phân ưu có đâu thiệt thòi gì cho Giai cấp. Còn thảng hoặc thành công, chúng tôi có đòi gì hơn được sống làm công dân nước Việt Nam độc lập?
Có thế thôi, mà không được. Người bôn-sơ-vích muốn chúng tôi là hạt bụi, chúng tôi đã là hạt bụi. Những hạt bụi thoi thóp tình cảm. Người bôn-sơ-vích bảo hạt bụi không được có tình cảm, bèn rửa sạch những hạt bụi trong guồng máy. Và thế là xong việc, theo ý họ.
Nhưng có xong việc thật không? Chúng tôi có thật là những hạt bụi không tình cảm không, như ý họ?- Tôi không tin như thế, mặc dầu chỉ vì thế mà cuộc đời tôi phải giập gãy, tan nát. Tôi bây giờ yếu mỏi, bệnh tật và cả động một ngón tay cũng đau thắt lại trong lòng. Bởi con đường của đời tôi đến chỗ này là ngõ cụt: bên này sông là Giai cấp không buông tha, bên kia sông là đồn quân của địch. Tôi phải đi về đâu để được sống?
– Về đâu tiểu tư sản? Những người không bao giờ muốn nghĩ về chính trị, đã phải nghĩ trong một thời kỳ lịch sử. Phải nghĩ, vì có kẻ đột nhiên bảo tiểu tư sản không có lẽ sống, không được sống. Làm như sống là độc quyền của một chủ nghĩa. Bôn-sơ-vích! Họ là gì? Là những người đã tìm ra lẽ sống, hay những kẻ phản bội lẽ sống, đem lẽ sống nhốt vào trong công thức chính trị?
Bôn-sơ-vích! Họ là gì, hay là những kẻ nắm trong tay một sức mạnh kinh khủng, vì mù quáng? Sức mạnh Bôn-sơ-vích, có mấy năm, đã tràn lan khắp cả. Sức mạnh ấy còn đương tiến tới, và tuyên bố sẽ chiếm trọn cả cuộc đời, cuộc đời chỉ có ăn, ngủ và truyền tiếp dòng dõi.
Cuộc đời, cuộc đời thiêng liêng của người tiểu tư sản! Nhưng lấy gì mà giữ, hay vẫn chỉ có tâm hồn, nói rằng cao quý, nhưng chắc đâu chống lại được sức mạnh mù quáng kia trong một trận tranh đấu cuối cùng?
Bao giờ đến, trận tranh đấu cuối cùng? Tôi không biết, cả những người bôn-sơ-vích cũng không thể biết. Nhưng biết làm gì, nếu chúng ta, tiểu tư sản, không tìm thấy lẽ sống. Không có lẽ sống, tâm hồn dù cho nhiều đến mực nào đi nữa cũng chỉ là lừng chừng, cầu an, cơ hội, với những thời kỳ bất chợt và ngắn ngủi vùng lên được, chỉ huy vật chất, chiến thắng được thù nghịch ở ngoài vào, trong những trận gaio tranh có hạn. Có thế thôi.
Còn ngày nay, người bôn-sơ-vích ép chúng ta phải chiến đấu, không kể thời gian, không gian nào hết. Người bôn-sơ-vích không ở ngoài vào, để cho ta chỉ căm phẫn cũng đủ tạo thành một lực lượng. Họ trái lại, thu hút được sức mạnh cuồng bạo ngay trong những tâm hồn đi tìm lẽ sống. Họ mê hoặc những tâm hồn ấy, tách rời những tâm hồn ấy ra khỏi thể chất, rồi dùng thể chất vô tri làm sức mạnh.
Chao ôi, Trung? Từ mười đêm nay, tôi không sao rứt ra khỏi một ám ảnh. Đó là một cuộc giết chóc, giữa một bên vô tình và một bên chìm ngập trong đau xót. Đau xót cho mình, cho loài người, đau xót còn hơn nữa cho những “dụng cụ người” của địch, đã mất đến cả khả năng thương tiếc ngay lấy bản thân!
Cuộc chiến đấu kinh hoàng giữa người với người mà là đồ vật? Trung, Trung ơi! Chúng ta phải làm gì đây, để tránh cho kiếp người, cho giống người khỏi trải qua lớp biến thể cuối cùng này?!
Phú Thọ, Vũ lao,
Ngày 30 tháng 12, viết hết

(1): Chữ của Hồ Chí Minh

Nguồn: https://vietmessenger.com/books/?title=ddem%20tam%20tinh%20viet%20lich%20su&page=6

Comments are closed.