Chuyện đời tôi (kỳ 30)

Hồi ký của Nguyễn Minh Nhị

Đề án 31 “Tổ chức sản xuất, đời sống và sinh hoạt văn hóa mùa nước nổi”

Tôi làm Chủ tịch được ba tháng, nước “lũ” lại về. Anh em phóng viên báo, đài từ Hà Nội điện hỏi tình hình và hỏi có cần Trung ương hỗ trợ gì không. Anh em tốt bụng, còn tôi rầu lòng và trả lời vắn tắt qua điện thoại: “Không xin, ai cho thì… cám ơn”. Anh em hỏi tại sao. Tôi nói: “Làm Chủ tịch mà để dân đói, tôi xin từ chức”.

Tôi rất bực bội cái điệp khúc “lũ lụt – xin cho”. Có người còn xem đây là cơ hội để xin xỏ. Thậm chí, có đài truyền hình tỉnh đặt ống kính ở chế độ quay chậm, chờ quay chỗ đất sắp sạt lở với xoáy nước cuồn cuộn, làm tăng nét tang thương để xin! Mà phải xin được nhiều nhỏ gì đâu, so với khả năng tự ta làm ra tự cứu mình. Nhục! Ở đây chưa cần xin ăn để sống, vì là “Vựa lúa” mà! Dưới con mắt không ít người, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập sâu trở thành những “Cái Bang” của cả nước. Có người ở trên mỗi khi ban cho tỉnh cái gì trong dịp ấy, tôi thấy hình như họ “mãn nguyện” lắm vì có cơ hội đem “lòng thương” ra đặt đúng chỗ. Thậm chí đến thời ông Phạm Vũ Luận làm Bộ trưởng Giáo dục mà mùa thi đại học năm rồi (2013) dám cả gan tặng thêm điểm cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng và Thương binh, đủ nói lên cái bịnh “Mục hạ vô nhân”, tự cho mình có cái quyền là “Quê hương và Ngọn cờ Cách mạng”, “Hội tụ nhân tài” và “ Có lý luận” nên có quyền ban phát. Cũng như khi tôi đi học ở Hà Nội, người ta thấy mình ngơ ngác với ba cái triết học “trời ơi”, họ tỏ ra thích thú lắm, vì họ tự thấy họ quá cao siêu. Mà các tỉnh cũng kỳ, cứ khi phát biểu lấm la lấm lét, xin này xin nọ, chiếu cố này chiếu cố nọ… khiêm tốn không cần thiết, làm như ngân sách quốc gia là của mấy tay đó, nên xin mà thái độ nhũn nhặn làm cho họ được trớn mà lên mặt. Và kẻ thích “cho đi – lấy lại” ấy bao giờ cũng chọn cấp dưới là những người như ma vậy, để “Thầy pháp dễ khiển đồng”! Nhớ hồi Chánh phủ duyệt cho mỗi tỉnh chỉ có từ một đến hai đầu mối xuất khẩu gạo, tại Hội nghị do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn chủ trì, tôi xin cho An Giang thêm Công ty Du lịch được xuất khẩu trực tiếp. Như vậy, An Giang sẽ có đến ba Công ty: AFIEX, ANGIMEX (đã có phép) và Công ty Du lịch. Nếu kể Công ty Lương thực tỉnh là thành viên VinaFood II là bốn. Anh Tạn nói: An Giang như vậy là quá nhiều đầu mối, vậy Công ty Du lịch cho “xuất khẩu không thường xuyên”. Tôi phản ứng nhanh: “Gạo nhiều, khách hàng nhiều và từng xuất sản lượng lớn thì phải nhiều đầu mối mới hợp lý. Còn nếu cho “xuất theo giấy phép từng chuyến”, tôi không nhận. Tôi không chịu “làm bé” ai hết”. Hai Phó Thủ tướng hội ý nhanh rồi kết luận cho An Giang thêm Công ty Du lịch được xuất khẩu trực tiếp. Các Giám đốc của ba công ty xuất khẩu gạo: Bình, Dũng, Bảy… cùng đi, khen tôi “dũng cảm”! Cần nói thêm, Công ty Du lịch kinh doanh du lịch luôn bị lỗ; anh Út Vũ lúc làm Chủ tịch rồi đến Sáu Hội, sau đó đều nói với tôi: “Cho nó (Công ty) làm gạo thì nó bỏ bê du lịch”. Tôi nói: “Các anh xem, ai kinh doanh du lịch, kể cả Sài Gòn Tourist (lúc đó) mà có lời đâu? Anh không cho nó lấy lãi bên gạo bù cho bên du lịch, làm sao nó trụ nổi?”. Nhân vụ xin thêm đầu mối xuất khẩu gạo, tôi nhớ anh Tạn có lần nói với người khác: “Bảy Nhị nó lên diễn đàn phát biểu, chưa “chửi” Chính phủ, nó chưa xuống đâu! Nó mà xin, không cho cũng không yên với nó!”. Tôi biết anh không chịu cách tôi nói, chớ anh rất thích và có tình cảm với cách tôi làm, nên rất ủng hộ An Giang và cá nhân tôi.

Làm Chủ tịch tỉnh mà ngửa tay xin đồ cứu trợ không đáng phải xin, tôi cảm thấy như bị xúc phạm. Cấp trên đôi khi tỏ ra “thương hại”, tôi không cần thái độ “giả vờ” ấy, chỉ cần đầu tư công bằng, thu của dân và chi ra cho dân Đồng bằng sông Cửu Long phải tương ứng và sòng phẳng, thế thôi. Cái sòng phẳng không đơn thuần là một tấn lúa bao nhiêu tiền mà vấn đề là cứu nguy chế độ chánh trị suýt bị sụp đổ năm 1985 vì kinh tế “kế hoạch hóa” làm kiệt quệ đất nước, dân đói. Hội họp lần nào, tôi cũng nói vậy. Tôi thường trả lời với bên ngoài và nói với bên trong nội bộ tỉnh rằng: “Phải tận năng lực mới tri thiên mạng”. Sở dĩ, chưa nỗ lực là vì tự bằng lòng với số mạng nghèo trời cho! Tôi chủ trương không xin, nhưng nếu ai cho thì nhận, cho không đàng hoàng, có dụng ý gây thanh thế hoặc xem thường thì không nhận. Nhưng dân đói, Chủ tịch xã bị kỷ luật nếu không báo cáo kịp thời về trên. Huyện, tỉnh không giải quyết được cái đói thì Chủ tịch từ chức! Tôi nói là làm. Nhưng còn ai làm ra của cải để dân hết đói? Dân làm! Người lãnh đạo chỉ có mỗi việc là chỉ cho dân cái họ có thể làm được để cải thiện hoàn cảnh của họ mà thôi. Nếu ai nghĩ rằng mình “cho” dân là mị dân. Tôi bắt đầu xem lại các số liệu thống kê, tổng kết kinh nghiệm qua thực tiễn cả cuộc đời tôi và đặc biệt nhất là qua hành động đơn lẻ của quần chúng tự “chòi đạp” để sống trong “mùa lũ”. Họ sống được, không tang tóc đến mức mà chúng ta tô vẻ đậm nét bi thương. Ngay như từ “lũ” cũng là thứ du nhập từ miền Bắc vào, từ sau năm 1975. Chớ mấy trăm năm trước, ở xứ này, dân ta thường gọi là mùa nước nổi, mùa nước lên, mùa nước lớn; còn lên xuống theo nhật triều thì gọi “nước lớn”, “nước ròng”, còn hàng tháng theo ngày âm lịch Ba mươi “nước rong”, mùng 10 “nước kém” mà bây giờ gọi là “triều cường”. Cũng theo âm lịch, tháng Bảy (tương ứng tháng 8 dương lịch) nước nhảy lên đồng chớ có ai gọi nước lũ lên đồng đâu. Nước lên không làm người ta khổ, vì người ta kiếm sống được, lên lớn thì có cực, độ một tháng, nước lên vừa thì làm ăn sung túc, nước nhỏ thì khổ vì không khai thác được sản vật từ nước mang đến như cá, tôm, phù sa… Nhưng nước “lũ” làm cho người ta khổ vì ám ảnh “lũ” là kinh hoàng và “lũ” thì cần được cứu trợ nên ngồi chờ. Thật mỉa mai, từ “lũ” ra đời thì dân đói, còn khi có “triều cường” thì nhiều khu nhà dân Sài Gòn ngập và càng lúc càng ngập sâu, là sao vậy?! Nam Bộ, từ thời xưa, trên cơm dưới cá, nên con người tánh tình rộng rãi, bao dung, con cái không đi học, không làm cũng nuôi… dần dà thành nết. Từ ngày có Nhà nước ta là có hô hào lo cho dân nghèo, cứu đói, cứu trợ, xóa nhà tre lá, v.v. như “cứu đói” ở Hòa Hảo – Phú Tân tháng 5.1975 là một thí dụ. Bệnh làm biếng có thêm cơ hội lây như bệnh dịch là từ đây; vì vậy, các chỉ tiêu về chất lượng sống ở Tây Nam Bộ xếp hàng cuối bảng so với các vùng Tây Nguyên, Tây Bắc. Trong khi ở miền Trung trở ra Bắc, do không có những tiền đề ưu đãi của thiên nhiên, họ siêng học, siêng làm, chịu khó và dành dụm, nên con gái lấy chồng ngoại để “đổi đời” cũng ít hơn.

Nhờ tích lũy kinh nghiệm qua cả đời tôi sống ở đồng nước, đặc biệt là cập nhật số liệu, địa điểm của mùa nước 2001, nhất là những nơi bà con nông dân có những cách làm để có thu nhập trong những tháng “nông nhàn”. Tháng 10.2002, sau khi đi thị sát 11 xã của 5 huyện, những nơi tôi chú ý về hoàn cảnh, điều kiện và cách tự lo làm ăn của bà con qua hai mùa nước, về, tôi bắt tay viết Đề án số 31. Nếu để Ủy ban ban hành không có gì đáng bàn. Nhưng tôi đề là Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh, hàm ý là Ban Cán sự báo cáo Tỉnh ủy, Tỉnh ủy đồng ý thì Ủy ban ra kế hoạch thực hiện. Tôi làm đúng kịch bản gọi là nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, đúng “qui trình” và tôn trọng Đảng, nhưng trong hội nghị Tỉnh ủy, mặc dù được đồng tình, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy kết luận Hội nghị là phải triển khai nhanh, nhưng không ra nghị quyết, không ra thông báo làm cơ sở “pháp lý” về mặt Đảng – “Đảng lý”. Đó là lỗi của Thường trực Tỉnh ủy. Song Ủy ban vẫn tổ chức triển khai, sau khi Bí thư Tỉnh ủy kết luận đồng ý tại Hội nghị Tỉnh ủy thường lệ cuối năm 2002. Khi triển khai được toàn dân hưởng ứng. Đề án chủ trương phân loại hộ nghèo làm ba loại: Loại A là người có lao động, chịu lao động, không rượu chè cờ bạc mới được giúp vốn. Nghèo do già cô đơn, người tàn tật không ai nuôi dưỡng thì Nhà nước nuôi. Số nghèo còn lại, anh em hỏi tôi, ghép thành loại B. Tôi nói không có loại B nào cả, do không siêng năng thì chờ họ tự chuyển biến theo loại A mới giải quyết, nếu có loại B thì sẽ có chánh sách với họ và sẽ có vấn đề lấn cấn trong thực hiện. Tôi có thể kể một loạt tên người nghèo mà làm biếng nổi tiếng để xin cứu trợ, xin nhà tình thương.

Trước khi hội nghị triển khai, tôi chủ trì mời các doanh nghiệp nhà nước vận động được 4 tỷ đồng, mua hơn 4.000 chiếc xuồng loại tốt, sử dụng được khoảng trên 3 năm và mua câu lưới cấp cho người nghèo loại A. Anh Lê Minh Hồng ở Phú Hòa huyện Thoại Sơn là một thanh niên mù hai mắt, được cấp một xuồng đi chở đất mướn, nghe báo cáo tôi cho cán bộ thi đua xuống kiểm tra và tặng bằng khen. Hôm tôi đến nhà thăm, thấy họ đổi đời, tôi vui cũng bằng họ mừng được tôi tặng xuồng. Mục tiêu của đề án là biến mùa nông nhàn 4 tháng thành mùa sản xuất, sản xuất vụ 3 (không chỉ là làm lúa trong đê bao) tăng thu nhập (GDP) bằng 20-30% so với 2 vụ chính (8 tháng) hàng năm. Qua các năm 2002, 2003, 2004 Ủy ban và Sở Nông nghiệp đều có tổ chức tổng kết, hiệu quả của đề án là rõ ràng, thiết thực và thuyết phục. Tròn một năm tôi nghỉ làm Chủ tịch tỉnh, báo An Giang số 2298 ngày 9/5/2005, theo phóng viên Dạ Thảo: Mùa nước nổi 2004, An Giang sản xuất 80.000 ha lúa vụ 3 và các loại hình nuôi trồng khác đạt giá trị sản xuất (theo giá cố định 1994) tăng 45,8% so mùa nước 2002 và chiếm 22,18% so với 2 vụ chính là Đông – Xuân và Hè – Thu 2004. Giải quyết việc làm trong 4 tháng nông nhàn cho 700.000 lao động. Vậy mà lúc sắp hết làm Chủ tịch, có dư luận râm ran về Đề án 31 của Ban Cán sự Đảng (do tôi chấp bút) là sai qui trình ra văn bản. Hỏi căn cứ vào qui định nào nói sai cũng không ai biết! Có lẽ, Đề án đã đi vào cuộc sống, vì nó phản ảnh được cuộc sống, đặc biệt là đã đi vào lòng người. Báo, đài dồn dập đưa tin người dân hưởng ứng và hiệu quả thiết thực. Một vấn đề tồn tại hơn 20 năm mới được giải quyết. Cái thông lệ, cứ nước lên là cứu trợ không còn. Hết xin, hết cho và hết bố thí!

Tôi không ngờ, tại một cuộc họp Tỉnh ủy mở rộng, có mặt các đồng chí Tỉnh ủy, đồng chí Bí thư Huyện ủy Phú Tân phát biểu: “Đề án 31 của Ban Cán sự làm sao có tư cách chỉ đạo Huyện ủy thực hiện. Còn Ủy ban huyện lại không thuộc Ban cán sự Đảng Ủy ban tỉnh nên không chấp hành cũng không sao”. Đây là luận điệu “chọc gậy bánh xe” mà tôi từng thấy. Tôi hơi bị sốc: “Qui trình làm đề án Ban Cán sự có trình lên Tỉnh ủy tại cuộc họp Tỉnh ủy thường lệ, Tỉnh ủy nhất trí là của Tỉnh ủy rồi còn gì. Tại sao kế hoạch của Ban cán sự Đảng Chính phủ thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về Đồng bằng sông Cửu Long mà rồi cả Tỉnh ủy và Ủy ban tỉnh phải nỗ lực thực hiện là sao?”. Sau đó, tại cuộc họp giao ban Thường trực Tỉnh ủy, phía Hội đồng Nhân dân tỉnh (người từ Phó Chủ tịch Ủy ban mới sang làm Thường trực Hội đồng Nhân dân) lại nêu lại vấn đề này, cho rằng: “Sai trình tự ban hành văn bản”. Tôi không có dự cuộc họp này, nhưng nghe nói lại, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy có nói: “Nó đã đi vào cuộc sống rồi, như Quyết định 303 vậy, có theo qui trình nào đâu”. Tôi nghe vậy, nên cũng bỏ qua.

Đề án 31 đi vào và để lại trong cuộc sống những gì? Đến nay trải qua hơn 10 mùa nước nổi (2002-2014), thời gian có đủ độ lùi cần thiết để nhìn bức tranh tổng thể mà nội dung Đề án 31 đã phác thảo:

– Thành vụ sản xuất chánh thứ ba trong năm. Trong khi Đề án chỉ qui hoạch lúa vụ 3 có khoảng 60 ngàn ha, nhưng năm 2004 đã đạt 80.000 ha, và 2012 đạt 160.000 ha. Cùng với lúa, các hình mô hình sản xuất đa canh, đa ngành khác rất quan trọng và đem lại lợi ích rõ rệt như trồng rau, màu và đặc biệt là nuôi cá, tôm, lươn…

Như một qui luật, cái gì mới ra đời rất khó, nhưng khi có mô hình và có hiệu quả thì xúm nhau bắt chước; còn lãnh đạo khi có trớn thì chỉ biết phi nước đại mà quên gò cương. Thấy có ăn, hàng năm diện tích lúa vụ 3 tăng vùn vụt. Lãnh đạo các cấp hả hê. Các nhà khoa học thì chê. Và tôi là tác giả Đề án 31 cũng ít nhất một lần lên tiếng phê phán về sự quá lố này trên mặt báo năm 2012. Cái gì cũng “vừa phải” thôi, cổ nhân dạy vậy. Nông dân ta đã từng nếm cái vị đắng của “thành tích số một” về sản lượng lúa, sản lượng cá tra dư thừa rồi.

– Về xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng nông thôn có một bước đột phá bắt buộc vì yêu cầu sống và sinh hoạt của dân bình thường, an toàn trong mùa nước, nên hệ thống cụm tuyến dân cư theo chương trình của Chánh phủ và hệ thống đường nông thôn gắn với các đê bao, cống bửng trong vùng sản xuất vụ 3 được hoàn thiện dần. Không có bờ đất thì không có đường xe. Không có đường xe thì không có văn minh. Không nhất thiết có bờ là có sản xuất lúa vụ 3. Điều này rất quan trọng!

– Về văn hóa, các lễ hội được nâng cấp thành sinh hoạt truyền thống như lễ Vu Lan, Tết Trung Thu, Hội đua ghe và thả đèn trên sông nước… nhân lễ Quốc khánh, lễ Chay tịnh Ramadan, lễ hội đua bò Bảy Núi, và các sinh hoạt văn hóa khác trên sông nước, v.v.

Đề án 31 đã tạo ra được vụ sản xuất thứ ba trong năm thành tập quán: Sản xuất mùa nước nổi. Làm tăng trưởng rõ rệt trong sản xuất và thu nhập của người dân quanh năm, không còn mùa “nông nhàn” bốn tháng nước lên. Riêng về văn hóa và tinh thần, thái độ “chờ lũ để xin” không còn; Châu Đốc có “Lễ hội truyền thống”, nhân Quốc khánh với các hoạt động thể thao vui chơi như đua ghe và thả đèn trên Ngã ba sông…; huyện An Phú có ngày tái lập huyện kết hợp với “Lễ hội mùa nước nổi – Búng Bình Thiên”; huyện Tịnh Biên, Tri Tôn nâng cấp đua bò và được Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch công nhận Đua bò Bảy Núi là “Lễ hội cấp quốc gia”, v.v. Nét văn hóa mới định hình thành truyền thống. Đề án đã tạo ra sự hài hòa trong mối quan hệ cộng đồng, giữa cộng đồng và thiên nhiên trong đa dạng sinh học.

Và…

BÀI BÁO NHƯ TỔNG KẾT “ĐỀ ÁN 31”

clip_image002

Lũ đẹp!

Hôm đỉnh lũ ở Tân Châu 4,35m thì phóng viên báo Thanh Niên điện hỏi tôi “mùa lũ năm nay An Giang ra sao?”. Tôi lúng túng không biết phải trả lời thế nào cho hết ý, nên chỉ nói gọn: “Lũ năm nay “đẹp” lắm, nhà báo lên xem thì biết”. Không ngờ cái từ “đẹp” được đưa lên báo và được sự đồng tình của nhiều người.

Hai chiến lược bị “trễ đò”

Cuối năm 2003, nhận thấy các kế hoạch hàng năm, 5 năm là ngắn hạn, làm chưa đến đâu thì hết nhiệm kỳ. Tệ “tân quan, tân chính sách” mà dư luận cho rằng “Tư duy nhiệm kỳ” ngày càng rõ nét, tôi chủ động mời giám đốc các sở, ngành chức năng hỏi ý kiến ban hành đề án về thị trường và xây dựng nông thôn thời kỳ hội nhập quốc tế có giá trị cho 3-4 nhiệm kỳ, với vài chục năm làm cơ sở cho tính liên tục và sự bền vững của chánh sách; nông dân nắm bắt được chủ trương, thông thạo việc làm và yên tâm sản xuất. Các đồng chí đề nghị văn bản ban hành dưới hình thức Chiến lược và thời gian đến 2020 là vừa, đó là “Chiến lược Xây dựng Nông thôn” và “Chiến lược Phát triển thị trường” thời kỳ Hội nhập kinh tế quốc tế. Tôi nhất trí, báo cáo lại Thường trực Ủy ban và phân công hai đồng chí hai Sở xây dựng theo đề cương tôi gợi ý.

Sau khi chỉnh sửa nhiều lần, đến tháng 3.2004 mới xong. Tôi gởi cho từng đồng chí trong Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực Ủy ban lấy ý kiến bằng văn bản. Lúc này, đồng chí Hoàng Việt được bầu và đã qua làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy. Không thấy ai có ý kiến gì, họp lại bộ phận biên tập rà lại lần cuối. Đang họp, tôi điện thoại cho đồng chí Hoàng Việt, hỏi Thường vụ có ai ý kiến gì không. Đồng chí trả lời: “Không thấy ai nói gì. Vậy cũng được rồi. Anh cho ban hành đi”. Đồng chí Nguyễn Ngọc Em, Giám đốc Sở Thương mại – Du lịch được phân công xây dựng chiến lược thị trường, nhưng đồng chí để cho chuyên viên viết, không nhấn mạnh ưu tiên, xuyên suốt là phát triển thị trường trong nước, xuất khẩu là quan trọng nhưng cũng có khi tùy từng thời điểm… nên tôi phải trực tiếp viết. Đồng chí đọc lại khen hay và còn nói đề nghị Ủy ban thưởng cho tác giả như một công trình nghiên cứu. Sau khi họp báo công bố và tổ chức hội nghị triển khai, nhiệm kỳ Hội đồng Nhân dân tỉnh sắp hết. Nhiều đồng chí tiếc rẻ: “Phải ra sớm vài năm, hay quá!”. Hôm đồng chí Nguyễn Phú Trọng (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương) phụ trách tổng kết 20 năm đổi mới, đến An Giang tìm hiểu tình hình, đồng chí Hoàng Việt có đưa hai chiến lược, đồng chí xem qua rồi phát biểu: “Tốt quá!”. Sau khi tỉnh họp báo công bố hai chiến lược độ một tuần, mạng điện tử của Văn phòng Chính phủ cũng đưa lên toàn văn như từng đưa Quyết định 275/QĐUB về trồng rừng trên núi..

Vậy mà tại hội nghị Tỉnh ủy để chuẩn bị Đại hội Đảng, tập hợp ý kiến các cơ quan tỉnh, huyện đóng góp cho dự thảo văn kiện của Tỉnh ủy, có nhắc lại: Đề án 31 và hai chiến lược là sai qui trình ra văn bản và vượt thẩm quyền Ủy ban. Có ý kiến nói thẳng, là “qua mặt Tỉnh ủy”. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mời tôi hai lần, tôi không phát biểu, bởi tôi rất nóng tính, phát biểu sẽ không có lợi. Tôi có cảm tưởng: Mình đến ngày hưu sau Đại hội Đảng, nghĩa là “bát cháo đã bị húp hết”. Sau đó, tôi xem lại các biên bản hội nghị Tỉnh ủy và viết tờ giải trình, hệ thống lại tất cả, gởi hết những người có mặt hôm ấy và cả cơ quan Trung ương. Tất cả vào im lặng! Duy chỉ có Bí thư Phú Tân điện thoại xin lỗi tôi, có lẽ, do ai “dạy bảo”. Tôi rất buồn! Hình như ở xứ Việt Nam này, ai nghĩ và làm được cái gì hay cho dân đều bị những người vô tích sự sợ bị dư luận sẽ chê họ là người vô tích sự (!) nên tìm cách làm cho “tập thể hóa”, ai cũng như ai; bởi vì tại sao mỗi khi mình làm việc đạt hiệu suất cao nhất, lại xảy ra chuyện ganh tị, thị phi: Hồi ở Phú Tân cũng có dư luận từ chung quanh Tỉnh ủy là tôi “qua mặt đồng chí Bí thư Huyện ủy mới, phủ nhận Bí thư Huyện ủy cũ”, “Bảy Nhị làm bệnh viện cho Hòa Hảo, lấy lao động trốn nghĩa vụ”, v.v. Hồi làm Phó Chủ tịch Ủy ban tỉnh, một lần nhân đọc Thông báo của Bộ Công an do Lê Thế Tiệm ký xử lý xe mô-tô Honda “4 không”, tôi “lách luật”, tuy Chủ tịch Ba Đức có “cảnh giới” tôi, nhưng tôi đã hợp thức hóa thành công “đúng luật” hàng vạn xe đã qua sử dụng nhập lậu, cho nông dân nhờ, ngân sáchUỷtỉnh đang “khô” có thêm 28 tỷ tiền phạt xe, để lại tỉnh không bị điều tiết, vậy mà tỉnh Đồng Tháp nói là “Làm theo AG” bị TTg VVK cho Thanh tra tính xuống định “mần thịt” ai chủ trương, nhưng tôi vô can! Cũng như lần ông cho thanh tra đột xuất “Ốc bươu vàng”, tôi trưng cái Chỉ thị của tôi cấm nuôi, tôi không có tội, nhưng cũng không được thưởng. Chán thật! Đó là chưa nói các ngành Thanh tra Nhà nước, Kiểm tra Trung ương, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh gần như thường xuyên “quan tâm” các Dự án trồng rừng trên núi, Dự án rừng tràm Bình Minh, Dự án Lương An Trà, và đi điều tra cá nhân tôi “bao chiếm đất” ở nơi nào tôi xuống chỉ đạo sản xuất, cấp đất và giải quyết tranh chấp đất, v.v. Những chủ trương của tôi được văn bản hóa, pháp lý hóa như Quyết định 257, Liên kết Bốn nhà, Đề án 31, Hai Chiến lược, v.v. cho dù bị cá nhân xuyên tạc, công kích nhưng nó đã đi vào cuộc sống, vào lòng người và còn lưu trên mạng Thông tin Chánh phủ!

Tục ngữ có câu “Có lửa có khói”. Nhưng “vạch khói đốt đồng” để tìm tôi thì chỉ thấy mấy nông dân mà thôi! Bây giờ sắp hết nhiệm kỳ “Chủ tịch mì ăn liền” lại “qua mặt Tỉnh ủy”. Tấm Huân chương Lao động hạng Nhất do Chủ tịch nước tặng khi kết thúc nhiệm kỳ cho “Chủ tịch mì ăn liền”, tôi lặng lẽ lấy về từ Phòng Thi đua của tỉnh chớ không ai tổ chức trao tặng. Tính chung, từ 1990 đến khi về hưu, 15 năm trên cương vị Trưởng ban Chỉ đạo Khai thác Tứ giác Long Xuyên, đồng thời là Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban tỉnh tôi được thưởng hai huân chươn Lao động hạng nhất, một hạng nhì, nhưng đều là thành tích “Góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội…” nên không biết cụ thể là gì? Treo ở đâu? Thôi, hãy gạt qua cái chuyện thị phi của kẻ “ngồi lê đôi mách” để nhìn về tương lai. Lòng tôi lại rộn lên bao niềm vui và hoài bão!

Đề án 31 là một tổng kết mà cả cuộc đời ngụp lặn với sông nước ở đầu nguồn sông Cửu Long tôi đúc kết lại bằng kinh nghiệm của người nông dân, từ đó chọn lọc mô hình để nhân ra. Nhưng cái chính là đấu tranh với thái độ bi quan, tiêu cực của người đương thời mà cha ông ta không có, cũng như tệ nói theo và ăn theo “lũ”. Bởi như nhà thơ Lê Chí cảm hứng khi xem kết quả thực hiện Đề án 31 nói: “Lũ thì hung dữ; mà nước nổi thì hiền hòa”. Nó có may mắn là còn thời gian gần hai năm tôi làm Chủ tịch, còn hai Chiến lược là sự đúc kết kinh nghiệm suốt quá trình gần 15 năm tôi tham gia công tác quản lý nhà nước, khởi đầu từ ngành nông nghiệp ở buổi giao thời của cơ chế cũ, cơ chế mới, đến khi Đảng chủ trương hội nhập toàn cầu. Trong hai Chiến lược, vấn đề cốt tử đầu tiên và hơn cả chiến lược là “Trí thức hóa nông dân”. Đảng có thể và đã dẫn dắt đội ngũ nông dân không biết chữ hoặc biết ít chữ làm Cách mạng lật đổ chế độ cũ thành công, nhưng điều chắc chắn là không thể lãnh đạo đội ngũ con người có trình độ chưa qua cấp I mà làm Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa, trước mắt là hội nhập kinh tế vào thế giới tư bản mà lại thành công như chuyện “cổ tích”. Đó là điều tôi trăn trở nhất. Cái tội của hai chiến lược là ra đời trước khi tôi nghỉ làm Chủ tịch và về hưu không còn mấy ngày nên xem như nó bị “trễ đò”, người lái đò đã gác chèo lên bờ, còn lại bến không cùng hai Chiến lược phất phơ tờ “giấy lộn”!

Trước và sau Đại hội Đảng, hai lần trao đổi với đồng chí Hoàng Việt, người dự kiến và sau Đại hội là Bí thư Tỉnh ủy, tôi vẫn nhắc lại Đề án 31 và hai chiến lược mà vài mươi năm tới, nếu tỉnh ta thực hiện một cách tập trung và hiệu quả sẽ rút ngắn khoảng cách rất nhanh. Nhưng thực tế kể từ ngày ta gia nhập WTO, bằng chứng rõ ràng: Mỗi năm, ta mỗi tụt hậu so các nước ASEAN. Ngày gia nhập ASEAN, ta hạng 7/7, nay có thêm 3 nước vào sau, chắc ta cũng hạng 7/10. Đó là do sản xuất thiếu tổ chức; giáo dục không phục vụ sản xuất; giáo dục không ra trí thức; trí thức không ra của cải và trí thức không được trọng dụng hoặc dụng không được; đội hình hội nhập hàng ngang và thiếu nhạc trưởng trong khi pháp luật và chế tài luật pháp về kinh tế – xã hội như đống “xà bần”, chỉ có “pháp trị” đối với “thông tin lề trái” và đối tượng “Diễn biến hòa bình” là rất nghiêm mà thôi, v.v.

Tôi không mặc cảm bởi một số người đả kích tôi với dụng ý cá nhân. Từng có những người vừa rời vị trí còn nóng ghế, người khác vào thay chưa nóng đít đã bị người mới lui ra chê bai như cái đó là của ai không biết!? Với tất cả sự chân thành, bằng Đề án 31 và hai chiến lược được xây dựng, như một công trình khoa học và thực tiễn của “Hai Lúa”, tôi xem đây là trách nhiệm và là món quà của những năm tháng cuối, trước khi trở về đời sống thường dân, tôi dâng tặng cho nhân dân tỉnh nhà! Hôm kết thúc Đại hội Đảng bộ tỉnh, các đồng chí ở huyện Tân Châu có nói: Nông dân ở vùng kinh bảy xã muốn xuống thăm tôi, vì họ nhờ làm theo Đề án 31 mà thoát nghèo! Tôi rưng rưng sung sướng!

N.M.N.

Comments are closed.