Tạp bút Đặng Văn Sinh
Thời kỳ ấy, chúng tôi được giao nhiệm vụ khảo sát thiết kế nâng cấp quốc lộ 43, đoạn từ thị trấn Mộc Châu đi bến phà Vạn Yên thuộc tỉnh Sơn La. Nghề khảo sát đường bộ cùng với cánh thăm dò địa chất nay đây mai đó chẳng khác gì dân du mục Đông Âu hay Trung Á. Chỉ có điều người Digan hành nghề bán hàng rong, bói toán, múa hát trên thảo nguyên mênh mông đầy nắng gió với lều trại và đàn gia súc của mình, còn chúng tôi, công chức nhà nước, suốt ngày chui rúc trong từng sâu, lội suối, trèo đèo khổ sở vì muỗi, vắt… Đến rồi đi, hành tung như kiếm khách giang hồ, thoắt ẩn thoắt hiện, vô tăm tích là đặc điểm của nghề. Có lẽ đấy cũng là nguyên nhân khiến dân gian, nhất là đám chị em tặng cho câu ca dao bất hủ: “khảo sát, địa chất, lái xe/ trong ba thằng ấy chớ nghe thằng nào”. Chuyện này là có thật. Không hiếm cô nàng xinh đẹp nhưng nhẹ dạ cả tin ăn quả lừa của bọn Sở Khanh giỏi khoa chim chuột. Đến khi tỉnh ra thì quá muộn. Chúng đã “quất ngựa truy phong” trên đường thiên lý, nhiều ngã rẽ, có mà giời tìm.
Ở tổ tôi, tay kỹ sư thực tập quê Anh Sơn, Nghệ An tên Trần Q, làm cô bé người Mường Bùi Thị D. có thai rồi bỏ của chạy lấy người. Ông bố nổi trận lôi đình vác súng săn phóng ngựa tìm mấy ngày không thấy. May cho Q. Người Mường vốn ân oán phân minh, hôm ấy mà bị ông bố cô gái tóm được, ít nhất gã Don Juan cũng què một cẳng. Mãi ba mươi nhăm năm sau hắn mới quay về bản cũ, nhưng người tình đã chết trong một trận lũ suối, còn cô con gái trở thành phó chủ tịch huyện. Hắn không dám gặp mặt mà chỉ đứng từ xa nhìn con rồi lặng lẽ quay đi.
Lán của chúng tôi trong cánh rừng thuộc địa phận bản Kà Tèo, xã Đoàn Kết. Đang thời kỳ máy bay Mỹ đánh phá ác liệt, người dân chuyển vào trong “lũng” cách đó chừng năm, sáu cây số. Trâu bò, gà lợn cũng đưa hết vào rừng. Bản hoang vắng tiêu điều. Ban ngày tuyệt không bóng người, ban đêm nai, hoẵng lần về tìm muối. Khi lên tuyến, thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp đàn lợn rừng mõm dài ngoẵng hùng hục bới sắn…
Tổ trưởng của chúng tôi là anh Th., kỹ sư cầu đường bộ nhưng sẵn máu văn chương. Anh có hai chiếc hòm gỗ, một đựng quần áo và đồ đạc lặt vặt, chiếc kia to gấp đôi đựng sách báo. Cứ mỗi lần mang tài liệu về Viện Thiết kế giao nộp, anh lại đến bưu điện Bờ Hồ mua “Văn nghệ”. “Văn nghệ” đối với anh là lẽ sống, có thể bớt khẩu phần ăn, tạm bằng lòng với bộ bảo hộ lao động dày như da voi đi tán gái nhưng không thể thiếu “Văn nghệ" của Hội Nhà văn. Anh Th., đặc biệt thích thơ Tố Hữu, nhất là “Bài ca mùa xuân 61”. Bài này anh thuộc nằm lòng, bất cứ lúc nào, hễ có dịp lại ngâm đoạn:
“Tôi viết cho ai bài thơ 61?
Đêm đã khuya rồi, rét về tê buốt
Hà Nội rì rầm… Còi thổi ngoài ga
Một chuyến tàu chuyển bánh đi xa
Tiếng xình xịch, chạy dọc đường Nam Bộ…”.
Ngược lại, tôi chỉ mê kiếm hiệp. Trong hòm của tôi có trọn bộ “Chinh Đông”, “Chinh Tây”, “Ngũ hổ bình Liêu”, “Ngũ hổ bình Nam”, “Vạn hoa lâu”… còn chẳng có chút cảm tình nào với các loại thơ.
Hồi ở nhà, học cấp ba, tuy những bài nghị luận cũng được xem là “sạch nước cản” nhưng tôi không thích văn. Toán cũng chẳng có gì khá khẩm. Tóm lại, tôi là một gã làng nhàng, mải chơi, mỗi thứ một tí, chẳng thứ nào ra hồn. Chính vì đam mê món kiếm khách như Cao Giang Nguyễn Dân Quân, Triệu Nhất Phấn hay Hồng Gia nữ hiệp…, bỏ bê việc nhà nên rất hay bị ông bố dữ đòn nện cho những trận lên bờ xuống ruộng. Ăn đòn mãi thành quen, xong rồi đâu lại vào đấy. Nói vậy thỉnh thoảng tôi cũng liếc qua tờ “Văn nghệ”, nhưng thú thật, truyện ngắn nó cứ khô khan, và công thức thế nào ấy, đọc rất khó vào.
Máy bay ném bom phong tỏa bến phà Chợ Bờ, giao thông bị ách tắc, xe cộ qua lại rất khó khăn. Anh Th. không về Hà Nội được đồng nghĩa với việc nguồn báo “Văn nghệ” bị cắt. Một hôm, anh rủ tôi tìm vào bưu điện Mường Khoa sơ tán về xã Đoàn Kết xem sao, nếu có, đặt mua ở đây cho tiện. Nể quá phải gật đầu. Chủ nhật, bưu điện nghỉ mà ban ngày lại phải leo rừng, phát tuyến, chúng tôi chọn phương án đi buổi tối vào tận nơi sơ tán. Đường vừa xa vừa lắm dốc, khó đi. Mãi gần 9 giờ đêm mới vào đến “lũng”. Ánh đèn pile bọc vải tỏa ra quầng sáng mờ mờ chẳng giúp nhận rõ đường. Bỗng có tiếng lên đạn lách cách rồi chẳng hiểu từ nơi nào mấy dân quân xuất hiện như những bóng ma chĩa súng vào hai anh em quát bằng tiếng Kinh lơ lớ: “Đứng im, giơ tay lên”. Chưa kịp định thần thì tôi và anh Th. đã bị mấy vòng dây thừng ngoắc vào cổ rồi quặt về phía sau trói cả hai tay…
Bị điệu về nhà ông xã đội, chúng tôi trình ra hai tấm thẻ cử tri, giải thích thế nào họ cũng không nghe, sau hơn nửa tiếng đồng hồ thẩm vấn, họ tống hai anh em vào gian nhà chứa củi cạnh chuồng dê, rồi khóa cửa, cho hai dân quân gác bên ngoài. Cả đêm trằn trọc không thể nhắm mắt. Muỗi bay vù vù như vãi trấu. Chắc chúng thích mùi phân dê…
Khoảng 8 giờ sáng, cửa mở, hai anh em lại bị trói giật cánh khuỷu có hai dân quân hộ tống, phía sau là ông xã đội trưởng, cả đoàn rồng rắn ra lán khảo sát theo lời khai của “bị can”.
Sau khi thoát nạn, hôm ấy tôi nghỉ việc đánh một giấc đến nửa chiều mới tỉnh dậy. Buổi tối, nhìn thấy anh Th., tôi mỉa mai bảo: “Văn nghệ của anh đấy, tuy rằng không mất mạng về súng đạn nhưng ai dám chắc chúng ta không mắc chứng sốt rét vì thứ muỗi anophèle có chất xúc tác từ phân dê”. Anh mủm mỉm cười, giọng nửa đùa nửa thật: “Cậu có công nhận tinh thần cảnh giác cách mạng của họ cao không?”.
Anh Th., dân Hà Nội gốc, chơi guitar bài “Ngày về” của Hoàng Giác rất bài bản, lại thỉnh thoảng có thơ đăng báo vậy mà không qua khỏi trận bom đánh vào công trường năm 1972. Anh chết vào lúc đang giám sát thi công chiếc cầu bê tông trên suối Tà Lải.
Đ.V.S.