Nguyễn Xuân Thiệp
Mình viết bài tản mạn này sau khi đọc diễn từ của Thận Nhiên nhân dịp Nhiên được Văn Việt trao giải thưởng cho tiểu thuyết Những ghi chép ở tầng thứ 14. Bài của Thận Nhiên có tựa đề Cố Hương & Văn Chương.
Cố hương. Mình biết tới cố hương trước hết qua văn chương. Thuở ấy hãy còn là cậu thiếu niên, sống ở xóm Vương Phủ, do một cơ duyên được đọc truyện Cố hương của Lỗ Tấn. Đọc mà lòng xiết bao xúc động. Cố hương là một truyện ngắn tuyệt hay. Nó man mác một tình yêu quê hương sâu lắng. Nó ghi lại một cách chân thực, cảm động ký ức tuổi thơ. Nó phản ánh số phận những con người trên mảnh đất quê ấy với bao nỗi buồn thương và hy vọng. Các nhân vật như tôi, mẹ tôi, cháu Hoàng, Nhuận Thổ, Thủy Sinh, chị Hai Dương là những con người nơi đó, gợi ra bao nỗi buồn vui về nơi chôn nhau cắt rốn sâu nặng nghĩa tình. Tác giả xúc động nói đến ký ức tuổi thơ khoảng chừng 30 năm về trước. Một tình bạn đẹp tuổi thơ độ lên mười với Nhuận Thổ – con trai của một người làm thuê cho gia đình. Nhờ Nhuận Thổ mà tôi (tác giả) được biết bao chuyện kỳ lạ, chẳng hạn như cách bẫy chim trên tuyết, con “tra” lông da trơn như mỡ biết ăn dưa, bên bờ biển quê hương có nhiều vỏ sò đẹp và lạ: sò “mặt quỷ” và sò “tay Phật”. Nhờ Nhuận Thổ mà tác giả cảm nhận được vẻ đẹp quê hương, với bao cảnh tượng thần tiên: “Một vầng trăng tròn vàng thắm treo lơ lửng trên nền trời xanh đậm, dưới là một bãi cát bên bờ biển, trồng toàn dưa hấu, bát ngát một màu xanh rờn”. Quê hương trong ký ức bao giờ cũng cảm động. Lỗ Tấn đã nói về hình ảnh quê hương trong hiện tại và trong quá khứ, lúc ở trên đường trở về, lúc gặp lại bạn cũ, người xưa. Có niềm vui nỗi buồn, 30 năm đã trôi qua, nhưng không bao giờ có thể quên được quê hương và tuổi nhỏ.
Với Nguyễn cũng có những nét tương đồng. Nơi xóm xưa đó, vẫn còn sương muộn với đèn khuya, bóng mẹ bóng cha, và bạn bè. Nhưng chỉ là những chiếc bóng.
Từ khi ta bước đi mới hay mình đã mất
Trông ra nơi nào cũng như quê hương lượn quanh
Một cơn gió lướt qua cũng nghe lòng tha thiết
Tưởng một mùi hương nơi vườn cũ bay theo mình.
(Nguyễn Đình Toàn – Quê hương thu nhỏ)
Vậy thì cố hương vậy. Mình xa nó đã ngoài 25 năm. Bây giờ nhìn lại, ôi, đã nghìn trùng xa cách.
Cố hương. Thì đúng rồi. Nhưng nó còn không và ở đâu, Bao giờ thì mình về lại? Bao nhiêu câu hỏi dồn dập khiến lòng nhức nhối.
Thì vẫn còn đó. Trước hết là trong tâm tưởng của mình. Như đã nói, với ai không biết, nhưng với Nguyễn khi nghĩ về cố hương liền thấy hiện lên qua màn sương mờ ảo một xóm nhỏ bên bờ sông Hương nơi có cây bàng lá đỏ, những hàng sầu đông và cô bé mắt đen cùng lũ bạn chơi đùa nghịch ngợm. Và cây cầu bắc ngang sông, dòng sông như thanh kiếm dựng giữa trời (Cao Bá Quát). Và ngôi trường ngói đỏ với những hàng phượng và những mái đầu xanh bên sách vở văn chương, triết học. Cố hương… đó còn là Sài Gòn nữa, với những hàng me xanh, phố xá đông vui, những cửa hàng lộng lẫy, tiệm sách, quán cà phê và phòng trà ca nhạc đêm đêm vọng tiếng kèn thê thiết và giọng ca cùng mái tóc, đôi mắt sống qua thế kỷ. Đó là thành phố sương mù Đà Lạt với em và bầy chim én / vẫn bay trên phố xưa / những mái nâu cao thấp / quán sách. hương cà phê… và còn nhà thờ Con Gà trong tranh Đinh Cường.
Cố hương. Hỡi ơi xa nó đã mấy chục năm, đâu còn như xưa nữa. Bạn bè viết thư nói, không còn gì. Tất cả hầu như đã bị xóa sạch. Cả Đinh Cường và Trần Vàng Sao lúc sinh thời đều nói thế. Và Nguyễn Xuân Hoàng khi còn sống cách đây mươi mười lăm năm có về thăm cũng ghi nhận không còn như xưa nữa. Mà những đổi thay, hỗn độn xô bồ ấy, chỉ càng đầy túi quan tham. Vậy thì về làm gì nữa. Đâu có thể nào tắm nước hai lần trên một con sông. Hơn nữa, bóng chúng hiện khắp mọi nơi, đè lên số phận từng người.
Cho nên với Nguyễn cũng như Tưởng Năng Tiến, dứt khoát là không về được cho dù đã đi qua hết các châu lục. Sự thật là thế. Mặc cho ông Trần Văn Thủy cố gắng dỗ dành trên trang sách Nếu đi hết biển.
Đạo diễn Trần Văn Thủy kể lại: đáp câu hỏi của đứa cháu “Đi hết làng ta thì đến làng nào hả thím?”, Bà thím nhà quê của ông trả lời rành rẽ hết làng này sẽ đến làng kia, hết làng kia sẽ gặp làng nọ. Đến ngôi làng cuối cùng sẽ gặp biển. “Thế đi hết biển thì đến đâu hả thím?”. Bà trả lời buồn bã: “Đi hết biển đến đâu thì thím không biết…”. Khi lớn lên đã đi nhiều nơi trên thế giới, qua nhiều xứ sở văn minh nhưng xa lạ, một ngày kia ông bỗng nhận ra câu trả lời: “… Bây giờ cháu đã biết rồi thím ạ! Nếu đi hết biển, qua các đại dương và các châu lục, đi mãi, đi mãi thì cuối cùng lại trở về quê mình, về làng mình thím ạ!…”.
Đó là ông Trần Văn Thủy. Ông ta đi chơi, chu du thiên hạ, hay đi vì một nhiệm vụ gì đó, chứ không phải đi vì bắt buộc để tìm một cuộc sống khác, nên ông Thủy yên tâm trở về lại làng mình là phải.
Về chuyện đi hết đại dương và các châu lục để rồi về lại làng mình Nguyễn đã có ý kiến trả lời ông Trần Văn Thủy trong bài thơ Chào Boston chào anh em bạn bè. Mới hôm nào đây:
này anh em. bạn bè
chúng ta đã đi hết biển
qua các đại dương. và châu lục
không về lại mái đình xưa
bá ngọ
thời của quỷ
ngói lở. cột xiêu. sen tàn. mùa hạ chết
để gặp nhau đây. điểm hẹn boston
con tàu mayflower. bắc qua thế kỷ. ký ức của tiếng sóng bờ xa
về phố biển. trời plymouth
vâng. tôi từ xứ bò. miền đồng cỏ
hái bông vô ưu. ngày nắng phai
chào boston. thế giới dường như rất nhỏ
xướng ca. ồn. quên lệ rơi
Bây giờ tới Thận Nhiên. Tâm cảm của Thận Nhiên rất gần với những câu thơ trên. Mở đầu bài tham luận, Thận Nhiên xác định ngay chỗ đứng của mình khi viết, “Tìm lại căn cước của mình, và dấu vết của lịch sử và quê hương, là ám ảnh khắc khoải của người di dân. Cuốn tiểu thuyết này là về một người trẻ tuổi, sanh ra và lớn lên ở Mỹ, muốn giải tỏa những ám ảnh đó.
“Tôi không có ý muốn tái tạo lại sự thật, thậm chí ngược lại vậy. Đây là một tác phẩm hư cấu, gồm 15 chương; nếu tách riêng, mỗi chương có thể được đọc như một truyện ngắn, và tất cả được sắp đặt với ý đồ kết nối lại thành một tiểu thuyết. Cấu-trúc -tiểu-thuyết-có-thể-tách-rời-thành-nhiều-truyện-ngắn là hệ quả của ý định cho nó xuất hiện trên mạng thay vì để in thành sách.”
Cố hương – những kẻ tha hương & vô tổ quốc
Vẫn lời của Thận Nhiên.
Hai năm nay tôi đổi chỗ ở từ Dallas về Detroit, thuộc tiểu bang Michigan, nước Mỹ, đổi luôn công việc kiếm sống, từ viết báo thành lao động tay chân.
Do thường xuyên phải làm việc ngoài trời nên mỗi sáng tôi phải xem thời tiết trên iPhone để quyết định hôm nay sẽ làm gì, mặc gì cho thích hợp. Một hôm tôi thấy màn hình hiện ra thời tiết và nhiệt độ ở Detroit và Sài Gòn khác biệt quá, ở đây 14 độ F mà Sài Gòn 82 độ F. Cách biệt gần 70 độ F, một nơi lạnh cóng một nơi nóng hầm hập.
Nghĩ vẩn vơ, tôi thấy mình đã xa quê nhà lắm rồi. Cách biệt về nhiệt độ, cách biệt về không gian chỉ là những cách biệt ngoại tại, mà cách biệt về tâm cảm mới đẩy con người đi xa hơn thế.
Trong 29 năm vừa qua, kể từ 1990, tôi chia thời gian sống của mình ra làm hai phần; sau khi ở Mỹ thời gian khá dài, tôi về sống ở Sài Gòn 13 năm, rồi quay lại Mỹ 4 năm nay. Trước, tôi vẫn nghĩ Việt Nam là quê hương thứ nhất, Mỹ là quê hương thứ hai, cho tới gần đây thì thấy điều đó không còn đúng nữa. Những ràng buộc giữa mình với Việt Nam – quê hương thứ nhất – ngày càng trở nên lỏng lẻo chứ không thiết thân như trước.
Những gì hay đẹp của Việt Nam phần lớn đều nằm trong thì quá khứ, trong thời niên thiếu. Ngược lại, thực tại Việt Nam thì quá tệ, hầu hết những thông tin chỉ gợi lên đau buồn và giận dữ; và, tệ hơn nữa, tuy hàng ngày vẫn đau đáu theo dõi không sót một sự kiện nào, tôi thấy Việt Nam rời xa và không còn dính líu gì với thực tại của mình.
Không hội nhập được toàn phần với quê mới, không dứt bỏ với quê cũ, tôi thấy mình như con cá mắc cạn hơn là loài lưỡng cư có khả năng sinh trưởng và phát triển cả trên cạn lẫn dưới nước. Và, trong tiến trình tồn sinh đó, quê hương dần dần trở thành cố hương, và mình thì thực sự thành kẻ tha hương.
Detroit rất ít người Việt, họ sống rải rác chứ không tập trung như những tiểu bang khác. Chúng tôi là những người tha hương thật sự, vì vùng này hầu như không có các tổ chức của cộng đồng, không chợ búa, không báo chí, không văn hóa và những sinh hoạt chung. Chúng tôi chỉ tất bật kiếm tiền, 8-10 giờ mỗi ngày, 6-7 ngày mỗi tuần. Xong việc, ai về nhà nấy, hôm sau lại tiếp tục cày. Phần lớn thu nhập của những người tôi quen là dành lo cho gia đình ở Việt Nam, và tương lai là thế hệ con cái của họ. Không dưng tôi có ý nghĩ chúng tôi là những người lính viễn chinh, dành phần lớn của đời mình để chiến đấu cho một cố hương xa lắc.
Trong lúc này, nhiều anh chị em của tôi, bạn bè của tôi, những người đang sống ở ngoài Việt Nam không được, không thể về nước. Họ bị từ chối visa. Bị trục xuất. Bị đe dọa khi về nước.
Chúng tôi không bao giờ từ chối tổ quốc nhưng bị đẩy ra khỏi đất nước thành những kẻ vô tổ quốc.
Ôi, cố hương. Biết tìm đâu bây giờ.
Đúng rồi. Ôi, cố hương, biết tìm đâu bây giờ. Với Nguyễn thì tìm nó trong ký ức mù xa và trong giấc mộng. Còn một chỗ nữa: trên những trang văn trang thơ. Nó không chết, không mất hết dấu vết, dù không còn nữa. Với Thận Nhiên trong Những ghi chép ở tầng thứ 14, thì giấc mộng đó là bất khả.
Không có quá khứ để lưu giữ, hiện tại bị từ chối, thì cố hương kia ở đâu. Cho nên đi tìm lại cố hương như anh bạn trẻ trong tiểu thuyết của Thận Nhiên là một vô vọng dễ trở thành bi kịch.
NXT