Ngô Thị Kim Cúc
Sự không-vui đã bắt đầu từ hôm trước, khi mọi người nghe tin Thái Hạo, người được Giải Thơ-Văn Việt 2022 chẳng những không thể bay vào Sài Gòn góp mặt mà còn bị đánh và giữ xe máy, để ngăn không cho ra sân bay. Trần Quốc Toàn, người được Giải Văn-Văn Việt 2022 cũng không thể lên đường dù trước đó đã rất hào hứng, lý do người nhà anh bị dính cúm-tàu. Vậy là cả hai tác giả được giải đều không thể có mặt để cà-phê-đầu-năm, thăm hỏi/biết mặt nhau, bởi lễ phát giải sẽ không được tiến hành trong buổi sáng 3/3 theo thông lệ, mà sẽ phát online, sau nhiều lần bị cản phá trong những năm trước.
Tôi đã mấy lần bị canh không cho ra khỏi nhà để tới lễ phát giải các năm trước, nên buổi sáng 3/3 tôi đã gọi cho chị Ý Nhi để biết tình hình. Chị trả lời lần này chắc đi được, vì không thấy bị canh cổng, song chị vẫn cẩn thận nhờ người nhà chở đi, không sử dụng các phương tiện công cộng.
Nhiều anh chị đã không tới được với các lý do khác nhau. Sài Gòn, như nhiều địa phương trên cả nước lại đang báo động với số ca dương tính tăng cao, kèm theo đó số người chết cũng tăng lên. Cẩn tắc vô ưu, việc ra đường được mọi người cân nhắc kỹ, để tránh những gì không lành có thể đến với mình.
Thật vui khi anh Thiếu Khanh đã có mặt, vì anh đã khỏe lên so với thời gian vừa qua phải chống chọi với bịnh tật. Nguyễn Thanh Văn giờ hai mắt sáng như hai đèn pha, kết quả mỹ mãn của việc mổ mắt. Thêm các thân hữu của Văn Việt: anh Lê Thân, chủ nhiệm CLB Lê Hiếu Đằng, anh Vũ Trọng Khải, nhà nghiên cứu Kinh tế Nông nghiệp. Những người có mặt hôm nay coi như đã thành công/đánh bại con vi rút cúm-tàu sau nhiều trận chiến, nên ai nấy đều rất vui trong cuộc gặp đầu năm.
Chuyện thời sự nóng nhứt về cuộc chiến Nga-Ukraine lại được đem ra bàn luận, như ở bất cứ bàn cà phê đông vui nào của Sài Gòn. Không có gì khác thường so với những lần cà phê khác của Văn Việt, dù chúng tôi luôn biết trong bất cứ lần nào, ở đâu, các bàn chung quanh luôn có đông các "đ/c bạn dân” đang “bảo vệ” mình…
Sự bất thường chỉ đến khi tờ giấy ghi tên hai tác giả được giải trên tay Hoàng Dũng bỗng bị một người mặc thường phục ở bàn bên xông tới, giựt và xé tan. Ai nấy đều hết sức ngạc nhiên, không hiểu vì sao lại xảy ra “sự cố”. Nhưng cảm giác khó chịu cũng qua nhanh, và mọi người lại tiếp tục thưởng thức trà-cà phê của tình bạn/tình đồng nghiệp/đồng hành… Không ai bị “kích động” vì những hành động quá bất thường của các đ/c ấy.
Có lẽ điều đáng tiếc không dành cho chúng tôi, mà dành cho những người luôn có mặt sau lưng chúng tôi, chính xác hơn là những người đã giao công việc này cho họ. Sao phải sợ/phải canh giữ các nhà văn như vậy? Qua bảy kỳ Giải Thưởng Văn Việt, chúng tôi chỉ đem thêm tác giả/tác phẩm hay cho người đọc, chưa làm điều gì có hại cho văn chương/văn hóa. Tại sao phải ngăn cấm?
Đầu năm, lẽ ra chỉ nên nhắc những chuyện vui, nhắc chuyện không vui là việc chẳng đặng đừng. Chúng tôi, những công dân tôn trọng luật pháp, yêu nước Việt/văn hóa Việt và chúng tôi xứng đáng được tôn trọng. Hành xử thô bạo với nhà văn không thể khiến họ sợ hãi.
Sự thô bạo lặp đi lặp lại chỉ khiến hình ảnh nhà cầm quyền trở nên xấu xí trong mắt người dân. Hãy biết cư xử đúng mực và biết tôn trọng những khác biệt, vì chỉ sự khác biệt mới đem tới sự tiến bộ.
Sự phục tùng vô điều kiện chỉ khiến các giá trị bị trừ đi, nghèo đi, và điều không mong đợi ấy tất nhiên không thể thoát khỏi cặp mắt phê phán của cả người trong nước lẫn bạn bè thế giới quanh ta.