Tập sách cái cười & sự lãng quên (14)

Milan Kundera

PHẦN VI

Thiên thần

KỲ I

1.

Tháng Hai năm 1948, lãnh tụ cộng sản Klement Gottwald bước ra bao lơn tòa dinh thự xây từ thời Baroque thủ đô Praha để hiệu triệu hàng trăm nghìn công dân đứng chật ních dưới quảng trường Phố Cổ. Đó là khúc quành trọng đại của lịch sử xứ Bohemia. Tuyết rơi tầm tã, trời se sắt lạnh, và Gottwald để đầu trần. Cảm thấy trống trải, Clementis ân cần lấy mũ mình đội lên đầu Gottwald.

Cả Gottwald lẫn Clementis đều không biết trong suốt tám năm trời Franz Kafka mỗi ngày trèo lên chính những bậc cấp họ vừa lên để bước ra cái bao lơn lịch sử, bởi dưới thời đế quốc Áo-Hung tòa dinh thự là một trường học Đức. Họ cũng không biết ở ngay tầng dưới chính tòa nhà ấy, cha của Franz, Hermann Kafka, có mở một cái tiệm và trên bảng hiệu vẽ hình con quạ bên cạnh tên ông, kafka tiếng Tiệp có nghĩa là quạ.

Gottwald, Clementis, và tất cả những kẻ khác chẳng ai biết Kafka từng hiện hữu, nhưng Kafka biết rõ sự ngu dốt của họ. Trong tiểu thuyết của ông, Praha là một thành phố không có ký ức, thậm chí không ai nhớ tên nó là gì. Không ai nhớ bất cứ điều gì và Joseph K. hình như còn không nhớ nổi quãng đời trước kia của hắn. Không ai nghe bài hát nào gợi nhớ thời điểm nó ra đời và liên kết hiện tại với quá khứ.

Thời của tiểu thuyết Kafka là thời con người đánh mất sự liên tục với con người. Con người sống không biết gì, không nhớ gì, bên trong những thành phố không tên, đường phố không tên, hoặc những cái tên khác với ngày hôm qua, bởi tên gọi là sự liên tục với quá khứ, kẻ không có quá khứ không có tên.

Max Brod gọi Praha là thành phố của tàn ác. Sau khi Phong trào Cải cách Tiệp thất bại năm 1621, những người Dòng Tên cải tạo dân với đức tin Công giáo, họ cho mọc lên khắp Praha những thánh đường xây theo phong cách Baroque. Hàng ngàn ông thánh hóa đá, đứng tứ phía xung quanh bạn, đe dọa, dò xét, thôi miên bạn; các ông thánh là đội quân xâm lăng vào chiếm đóng xứ Bohemia từ ba trăm năm mươi năm trước với chủ đích tước bỏ đức tin và ngôn ngữ người dân Tiệp ra khỏi linh hồn họ.

Tên con đường nơi Tamina sinh ra là Schwerinova. Lúc đó đang còn chiến tranh, và Praha bị Đức chiếm đóng. Tên đường nơi cha cô sinh ra là Cernokostelecka, dưới thời đế quốc Áo-Hung. Khi cha mẹ cô lấy nhau, bà dọn vào đó, tên đường là Thống chế Foch. Đó là thời gian sau cuộc chiến 1914-1918. Từ tuổi ấu thơ lớn lên, Tamina sống tại đường mang tên Stalin, và hôm chồng cô đến đón cô về căn nhà mới của hai người thì đó là đường Vinohady. Tất cả chừng ấy tên cho cùng một con đường, họ thay tên đường không biết chán, họ nhồi sọ cho nó biến thành cái gì thực dở hơi, ngớ ngẩn.

Lang thang giữa những con đường không biết tên gì là bóng ma những bức tượng bị kéo sập. Kéo sập bởi cuộc Cải cách Tiệp, bởi cuộc Phản-Cải cách Áo, bởi Cộng hòa Tiệp Khắc, bởi Cộng sản; thậm chí tượng Stalin cũng bị kéo sập. Thế chỗ những bức tượng bị kéo sập ấy, cả ngàn tượng Lenin ngày nay mọc lên khắp Bohemia, như cỏ dại mọc giữa phế tích, như những bông hoa buồn rầu hôn ám của sự lãng quên.

2.

Nếu Franz Kafka tiên tri một thế giới không có ký ức, thì Gustav Husak là người xây dựng thế giới ấy. Sau T.G. Masaryk, người được mệnh danh là Tổng thống Người Giải Phóng (tượng ông bị phá hủy đến cái cuối cùng), sau Benes, Gottwald, Zapotocky, Novotny, và Svoboda, ông là Tổng thống thứ bẩy của xứ tôi, và người ta gọi ông là Tổng thống của Lãng quên.

Năm 1969 người Nga giao quyền lực vào tay ông. Từ năm 1621, dân Czech chưa bao giờ kinh qua cuộc tàn phá văn hóa và tri thức nào tai hại đến thế. Khắp nơi ai cũng nghĩ Husak chỉ thanh trừng các đối thủ chính trị. Nhưng người Nga đã lợi dụng cơ hội tuyệt hảo ấy, sử dụng tay sai, để thực hiện những mưu đồ cơ bản hơn.

Từ điểm nhìn này tôi xem việc Husak tống xuất một trăm bốn mươi lăm sử gia Czech ra khỏi các đại học và học viện là vô cùng quan hệ. (Người ta bảo nhau cứ mỗi sử gia bị loại thì có một bức tượng Lenin được dựng lên ở nơi nào đó trong xứ, nghe kỳ bí như chuyện thần tiên). Năm 1971, một hôm Milan Hübl, một trong những sử gia ấy, với cặp kính dầy cộm, đến thăm tôi tại căn hộ tôi đang sinh sống trên đường Bartolomejska. Chúng tôi cùng nhìn ra cửa sổ trông lên những ngọn tháp lâu đài Hradcany, lòng buồn rười rượi.

Hübl bảo tôi: “Anh triệt tiêu một giống người bằng cách lấy đi ký ức của họ. Anh tiêu hủy sách vở, văn hóa, lịch sử của họ. Rồi những kẻ khác viết sách khác thế chỗ, dựng nên một văn hóa khác, phát minh một lịch sử khác. Dần dà người ta sẽ quên cái đang là và cái đã là. Thế giới bên ngoài còn quên mau chóng hơn”.

“Còn ngôn ngữ thì sao?”.

“Cần gì phải lấy đi ngôn ngữ? Nó sẽ trở thành một truyền thuyết dân gian, sớm muộn nó cũng chết cái chết tự nhiên”.

Phải chăng đó chỉ là suy tưởng cực kỳ yếm thế bên trong một cảm xúc buồn đau vô vọng?

Hay con người thực sự không có khả năng vượt qua hoang mạc của sự lãng quên?

Chúng tôi không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra. Duy có một điều chắc chắn. Ở vào những thời điểm sáng tỏ nhất, người dân Czech thấy hình ảnh cái chết của chính mình đến gần. Không phải một sự kiện hiển nhiên, cũng không phải một tương lai không lối thoát, mà là một khả hữu cụ thể. Cái chết ở ngay đó với họ.

3.

Sáu tháng sau, Hübl bị bắt và lãnh án nhiều năm tù. Lúc đó cha tôi đang chết dần mòn.

Suốt mười năm cuối đời, ông dần dà mất khả năng nói. Thoạt đầu có một số từ, hoặc ông không thể nhớ, hoặc ông thay thế bằng một từ khác có thanh âm tương tự nhưng ngay lập tức ông nhận ra nó sai lạc một cách khôi hài và bật lên cười. Về sau ông chỉ nói được một số rất ít từ, mỗi khi muốn diễn tả điều gì ông nói không ra lời và luôn luôn chấm dứt bằng hai tiếng “Lạ thực!”. Mười lần như một.

Miệng ông thốt “Lạ thực!” và đôi mắt ông tỏ vẻ kinh ngạc cực độ, sao cái gì cũng biết mà chẳng nói được. Sự vật mất hết tên gọi và nhập lại thành một hữu thể duy nhất, bất khả phân biệt. Tôi là người duy nhất còn cố gắng chuyện trò với ông để hy vọng vớt vát được chút nào hay chút nấy thế giới những thực thể với tên gọi từ quãng không mịt mù không chữ, không tên.

Đôi mắt to xanh biếc trên khuôn mặt còn đẹp của ông vẫn ngời lên ánh tinh anh, thông tuệ như xưa. Tôi hay đưa ông ra ngoài đi dạo. Chúng tôi đi quanh một vòng giáp khu phố, bởi ông chỉ đi được bấy nhiêu. Ông đi khó khăn lắm, chậm chạp kéo lê từng bước một, khi thấm mệt thân hình ông ngả về phía trước và ông mất thăng bằng. Đi một chốc tôi lại phải cho ông nghỉ để lấy lại hơi thở điều hòa, ông đứng gục trán vào tường, hai bàn tay giơ lên áp lên tường như quy hàng.

Trong lúc đi như vậy chúng tôi nói chuyện về âm nhạc. Thuở trước lúc Papa còn nói chuyện bình thường, tôi hỏi chuyện ông rất ít. Giờ đây tôi hỏi bù. Chúng tôi nói chuyện về âm nhạc, nhưng đó là cuộc đối thoại lạ lùng giữa người không biết gì nhưng có rất nhiều chữ và người cái gì cũng biết nhưng không có chữ nào.

Suốt mười năm trời dỗ bệnh, Papa miệt mài viết một cuốn sách to tướng luận về những tấu khúc Sonata của Beethoven. Có lẽ ông viết dễ dàng hơn là nói, nhưng rồi càng ngày ông càng quên chữ, và không ai hiểu văn bản cuốn sách, nó gồm những từ không hiện hữu.

Một hôm ông gọi tôi vào phòng. Trên piano ông mở hành âm những biến tấu trong khúc Sonata Opus 111. “Nhìn”, ông bảo tôi, tay chỉ lên nhạc (ông không chơi piano được nữa), ông lại bảo tôi “Nhìn”, và sau một lúc khá lâu cố gắng, ông thốt một câu ngắn, “Bây giờ thì tôi biết rồi!”, và ông giải thích điều gì đó rất quan trọng cho tôi nghe, nhưng thốt ra từ miệng ông toàn là những từ vô nghĩa, và thấy tôi có vẻ ngơ ngác chẳng hiểu gì, ông bèn nói một câu: “Lạ thực”.

Dĩ nhiên tôi biết ông muốn nói gì, bởi đó chính là câu hỏi ông tự hỏi từ lâu lắm. Cuối đời Beethoven rất chuộng nhạc thức biến tấu. Thoạt nhìn vào, có vẻ nó là loại nhạc thức hời hợt, nông cạn nhất, một pha phô diễn kỹ thuật ngón đàn tuyệt kỹ, thích hợp cho người dệt ren hơn là Beethoven. Nhưng Beethoven đã biến nó thành một nhạc thức cao diệu (lần đầu tiên trong lịch sử âm nhạc); những quán niệm cao đẹp nhất của ông được chạm khắc vào đấy.

Vâng, ai cũng biết thế. Nhưng Papa muốn biết phải hiểu nó như thế nào. Chính xác tại sao lại chọn nhạc thức biến tấu? Ý nghĩa gì nằm đằng sau nó?

Đó là lý do vì sao ông gọi tôi vào phòng, bảo: “Bây giờ thì tôi biết rồi!”.

4.

Sự im lặng của cha tôi, tất cả chữ trôi tuột đi đâu mất; sự im lặng của một trăm bốn mươi lăm sử gia bị cấm nhớ; sự im lặng phủ trùm Bohemia, tất cả làm thành hậu cảnh cho bức tranh tôi vẽ nên hình ảnh Tamina.

Cô tiếp tục bưng cà phê cho khách tại cái quán tỉnh lẻ miền tây châu Ấu ấy. Nhưng khác với dạo trước, cô bây giờ mất hẳn nhiệt tình hỏi han, trò chuyện với khách. Cô không thiết tha lắng nghe ai tâm sự, kể lể khúc nôi những chuyện riêng tư của họ nữa.

Một hôm Bibi, như mọi lần khác, ngồi trên chiếc ghế cao trước quầy nước và đứa bé gái bò lổm ngổm dưới đất, miệng quác lên đòi mẹ. Tamina bảo Bibi dỗ con nhưng cô cứ phớt tỉnh để mặc cho đứa bé la hét. Cơn giận bốc lên và cô bảo thẳng vào mặt Bibi: “Cô không bắt con tườu đó câm họng lại được à?”.

Bực tức không kém, Bibi trả đũa: “Tại sao chị ghét trẻ con vậy?”.

Chẳng có bằng cớ nào cho thấy Tamina ghét trẻ con. Nhưng cái âm giọng đượm vẻ khó chịu đó khiến cô có cảm tưởng Bibi muốn gây hấn. Và kể từ lúc đó trở đi, không hiểu sao, tình bạn giữa hai người đàn bà chấm dứt.

Rồi đến một hôm Tamina không đi làm. Điều này chưa từng xảy ra bao giờ. Bà chủ quán đến nhà tìm cô. Bà bấm chuông nhưng không ai ra mở cửa. Hôm sau bà đến lần nữa, vẫn không thấy cô đâu. Bà gọi cảnh sát. Họ phá cửa vào nhà, nhưng chỉ thấy căn hộ y nguyên như cũ, sạch sẽ, đồ đạc ngăn nắp, không mất cái gì, không có gì khả nghi.

Mấy hôm sau vẫn không thấy Tamina trở lại. Cảnh sát tiếp tục điều tra nhưng họ không tìm ra manh mối nào, như thể cô đột ngột biến mất khỏi hành tinh này. Và họ cất hồ sơ của cô vào những trường hợp không giải quyết.

5.

Vào cái ngày định mệnh ấy, một chàng trai trẻ mặc quần jean vào quán ngồi xuống quầy nước. Chỉ có mình Tamina trong quán. Chàng trai gọi một ly cô-ca rồi chậm rãi uống từng ngụm nhỏ. Anh nhìn Tamina, và cô nhìn vào khoảng không.

Sau một lúc khá lâu, anh gọi: “Tamina”.

Nếu muốn Tamina chú ý thì anh đã thất bại. Chẳng có gì khó khăn hỏi tên cô, khách trong vùng xung quanh gần như ai cũng biết.

“Tôi biết cô đang buồn”, Chàng trai nói tiếp.

Câu nói của chàng trai chẳng mảy may khiến Tamina xúc động. Cô biết có nhiều cách đàn ông chinh phục phụ nữ, và một trong những con đường chắc ăn nhất để tiến tới thân xác người đàn bà là con đường đi xuyên qua nỗi buồn của chị. Tuy biết thế nhưng cô vẫn quay lại nhìn chàng thanh niên với ánh mắt thiện cảm hơn.

Hai người bắt đầu nói chuyện. Cái làm cô ngạc nhiên là những câu hỏi từ anh chàng. Không phải nội dung câu hỏi, mà chỉ giản dị đó là câu hỏi. Chúa ơi! Đã bao lâu rồi có ai hỏi han cô về bất cứ điều gì không? Dài lâu như một miên viễn! Chỉ có chồng cô hỏi han cô, bởi yêu là hỏi han liên tục. Tôi không biết một định nghĩa nào hay hơn về tình yêu.

(Trong trường hợp đó, ông bạn Hübl của tôi chắc sẽ vạch ra cho tôi thấy rằng không ai yêu chúng ta hơn công an. Đúng. Như chiều cao đối xứng với chiều sâu, âm bản của hoan lạc trong tình yêu là sự tò mò của công an. Đôi khi ta lẫn lộn chiều sâu với chiều cao, và tôi có thể dễ dàng tưởng tượng những kẻ cô đơn hy vọng lâu lâu được điệu đến ty cảnh sát hay phòng thẩm vấn công an cho họ được nói về chính họ).

6.

Chàng trai trẻ nhìn vào mắt Tamina, anh lắng nghe cô nói, đoạn bảo cô rằng những gì cô gọi là ký ức thật ra là cái gì hoàn toàn khác: Như bị mê hoặc, nó là cái lãng quên cô đang nhìn, chứ không phải ký ức.

Tamina gật đầu đồng ý.

Chàng trai nói tiếp: Cô buồn bã nhìn lại quá khứ không phải để biểu hiện lòng chung thủy với người chồng quá cố. Người chồng không còn tại thế và cũng không hiện hữu trong tầm nhìn của cô. Cô chỉ ngoái lại đằng sau và nhìn vào không gian.

Nhìn vào không gian? Nếu thế cái gì đã khiến cái nhìn của cô trở nên quá nặng nề?

Nó nặng nề không phải vì ký ức, chàng trai giải thích tiếp, mà vì ân hận. Tamina sẽ không bao giờ tự tha thứ vì cô đã lãng quên.

“Vậy, anh bảo tôi phải làm cái gì?”. Tamina hỏi.

“Cô hãy quên sự lãng quên của cô đi”.

Tamina cười chua chát: “Làm cách nào để tôi quên sự lãng quên của tôi?”.

“Cô có bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ nơi này để đi về một nơi nào khác?”.

“Có chứ”, Tamina thú nhận. “Tôi thèm lắm. Nhưng đi đâu?”.

“Về một nơi mà sự vật nhẹ như gió thoảng, nơi sự vật mất hết trọng lượng, nơi không có ân hận”.

“Vâng”, Tamina mơ màng. “Nơi sự vật không có tí trọng lượng nào”.

Và y như trong truyện thần tiên, y như một giấc mơ (dĩ nhiên nó là truyện thần tiên! Dĩ nhiên nó là giấc mơ!), từ sau quầy nước với những món vật quen thuộc suốt mấy năm qua, Tamina bước ra khỏi quán cà phê đi theo chàng trai trẻ. Một chiếc xe thể thao sơn đỏ đậu sẵn bên vệ đường. Chàng trai ngồi vào tay lái và mời Tamina lên ngồi ghế bên cạnh.

7.

Tôi hiểu lời tự trách của Tamina. Khi Papa qua đời, tôi cũng tự trách mình như thế. Tôi không thể tự tha thứ mình vì lúc ông còn khỏe mạnh tôi đã hỏi chuyện ông quá ít, biết về ông quá ít, đã cho phép mình xa cách ông. Chính cảm giác ân hận đã khiến tôi đột nhiên nhận ra điều ông muốn diễn tả lúc ông trỏ tay vào khúc Sonata Opus 111.

Tôi sẽ cố giải thích bằng một đối sánh. Tấu khúc giao hưởng là một thiên hùng ca âm nhạc. Ta có thể nói nó giống như chuyến du hành dẫn dắt ta từ cái này đến cái kia, càng lúc càng xa, xuyên qua cõi vô tận của thế giới ngoại tại. Biến tấu cũng là một chuyến du hành, nhưng khác ở chỗ nó không dẫn ta đi xuyên qua cõi vô tận của thế giới ngoại tại. Trong một pensée, Pascal viết rằng con người sống giữa vực thẳm của cái to lớn vô hạn và vực thẳm của cái nhỏ bé vô hạn. Cuộc du hành nhạc thức biến tấu dẫn dắt ta đến cõi vô hạn khác, đi vào cái muôn trùng của thế giới nội tại nằm ẩn giấu đằng sau tất cả sự vật.

Do đó, với thể biến tấu, Beethoven đã khai phá một miền đất khác. Biến tấu của ông là “lời mời gọi hãy dấn bước vào chuyến du hành”.

Biến tấu là nhạc thức nơi sự đậm đặc lên đến đỉnh điểm; nó có khả năng khiến nhà soạn nhạc chỉ nói về bản thể, đi thẳng vào cốt lõi của sự vật. Nhạc đề biến tấu thường dài không quá mười sáu phách. Beethoven đi vào mười sáu phách nhạc đó như ôm cái cột trụ chui sâu vào lòng quả đất.

Cuộc du hành đến cõi vô hạn khác không kém mạo hiểm hơn cuộc du hành khúc hùng ca. Nó là cách thế nhà vật lý học tìm cách đi sâu vào hạt nhân nguyên tử. Với mỗi biến tấu, Beethoven càng lúc càng rời xa nhạc đề nguyên thủy, hai biến tấu liền kề giống như nụ hoa trong nắng bên cạnh hình ảnh chính nó dưới ống kính hiển vi.

Con người biết mình không thể quán triệt vũ trụ bằng cách tìm hiểu hằng hà sa số ngôi sao và thiên thể trên vòm trời. Đối với hắn, thiếu cái vô hạn khác, một vô hạn trong tầm tay, trong tầm với, còn khổ sở hơn gấp bội. Tamina thiếu cái vô hạn tình yêu. Tôi thiếu Papa, và tất cả chúng ta thiếu nó trong việc làm, bởi trong lúc truy tầm cái tuyệt hảo ta cố tiến đến cốt lõi của sự vật nhưng không bao giờ đạt được nó.

Cái vô hạn của thế giới ngoại tại vuột thoát ta, và ta chấp nhận nó như cái gì tự nhiên. Nhưng cho đến cuối đời ta vẫn tự trách mình vì thiếu nó. Ta suy tưởng về ngôi sao, thiên thể này nọ trên trời, nhưng chẳng hề quan tâm đến cái vô hạn bên trong người cha đẻ ra ta.

Chẳng ngạc nhiên chút nào lúc cuối đời Beethoven yêu chuộng nhạc thức biến tấu. Ông biết rất rõ (cũng như tôi và Tamina biết) rằng không có gì khổ sở hơn nếu ta thiếu cái hữu thể ta yêu thương, mười sáu phách nhạc và thế giới nội tại một cõi vô hạn những khả thể.

8.

Sách này là cuốn tiểu thuyết viết theo dạng thức biến tấu. Những phần của sách nối tiếp nhau như những chặng đường chuyến du hành dẫn đến cái nội tại của chủ đề, nội tại một suy tưởng, nội tại một tình huống duy nhất, giản dị, mà cái hiểu cứ dần dà trôi mất vào cõi xa, ra khỏi tầm nhìn của tôi.

Nó là cuốn tiểu thuyết viết về Tamina, và những chuyện diễn ra lúc Tamina bước ra khỏi sân khấu. Nó là cuốn tiểu thuyết viết cho Tamina. Cô là nhân vật chính diện và cũng là khán giả chính diện. Tất cả những chuyện khác là biến tấu dựa trên chuyện của chính cô, gặp gỡ đời sống cô như gương soi mặt.

Nó là cuốn tiểu thuyết về cái cười và sự lãng quên, về thành phố Praha, về Praha và những thiên sứ của nó. Bởi thế không phải tình cờ mà chàng trai trẻ đang cầm lái chiếc xe thể thao màu đỏ có tên là Raphael.

Cảnh tượng trên đường đi càng lúc càng hoang vu, vắng vẻ. Mặt đất mất dần màu xanh mà đổi sang màu thổ hoàng, cây cối thưa thớt dần, nhiều cát và đất sét. Đến một đoạn bỗng chiếc xe rẽ vào con đường hẹp rồi đột ngột dừng lại trước một bờ vực sâu thẳng đứng. Chàng trai tắt máy xe. Hai người bước ra. Họ lại đứng bên bờ vực; khoảng mười mét dưới chân họ là cái bờ đất sét tiếp giáp một hồ nước đục, mầu nâu vàng nhờ nhờ, mênh mông, ngút mắt, không thấy bờ bên kia đâu.

“Mình đang ở đâu?”. Tamina hỏi, cổ họng cô như mắc nghẹn. Cô muốn bảo Raphael cô muốn quay về, nhưng cô không dám nói; cô sợ anh từ chối, và nó sẽ làm tăng nỗi lo sợ của cô.

Họ đứng sát bờ vực, xung quanh không một bóng cây hay bụi rậm, chỉ thấy hồ nước màu nâu vàng và đất sét bê bết. Hình như đây là nơi vét đất sét, và quả nhiên, cách đó không xa lắm có cái máy vét bùn người ta bỏ lại.

Nhìn quang cảnh, Tamina chợt nhớ lại công trường nơi chồng cô lao động sau khi bị nhà nước cho nghỉ việc. Công trường cách Praha chừng trăm cây số, anh được giao công tác lái xe ủi đất. Trong tuần, anh ăn ở trong một chiếc nhà xe, chỉ về nhà thăm Tamina vào ngày Chủ nhật. Có lần cô ra thăm anh, hai người đi dạo bên nhau, cảnh tượng vùng đất đó rất giống nơi này: ướt, mặt đất không một bóng cây, không một bụi rậm, không gian nằm ép giữa đất màu thổ hoàng và trời đầy mây xám xịt. Chân đi ủng cao su, họ nghiêng ngả dẵm lên lớp bùn trơn trợt mà đi bên nhau. Họ là hai kẻ cô độc trong thế giới này, lòng họ nặng trĩu nỗi buồn, họ lo lắng cho nhau, nhưng họ chìm vào tâm trạng chán chường, tuyệt vọng vì chẳng biết làm gì. Họ chẳng còn gì ngoài tình yêu cho nhau.

Nỗi tuyệt vọng tương tự xâm chiếm tâm khảm cô lúc này. Đột nhiên cô thấy rúng động, cô kinh ngạc vì vừa tìm thấy ngay nơi đây một mảnh đời quá khứ đã mất. Ký ức những tưởng đã hoàn toàn tan biến, lần đầu tiên quay về. Lẽ ra cô phải viết xuống cuốn vở học trò của cô! Thậm chí cô còn nhớ chính xác năm nào!

Cô muốn bảo anh chàng trẻ tuổi cô muốn quay về. Không, anh chàng đã sai khi nói rằng nỗi buồn của cô chỉ có vỏ ngoài mà không có nội dung! Không, không, chồng cô không chết bên dưới nỗi buồn đó, anh chỉ thất lạc và cô phải đi tìm anh! Tìm khắp thế gian! Vâng, vâng! Cuối cùng cô hiểu! Kẻ muốn tìm lại ký ức không được đứng yên một chỗ chờ đợi nó quay lại mình! Ký ức phân tán khắp nơi trong cõi hiện bao la này, muốn thấy nó ta phải đi tìm và lôi nó ra khỏi nơi chốn nó ẩn nấp!

Cô muốn nói như thế với anh chàng trẻ tuổi và yêu cầu anh đưa cô về. Nhưng ngay lúc đó, từ bên dưới chỗ giáp mặt nước, có kẻ huýt gió gọi hai người.

9.

Raphael nắm chặt cánh tay Tamina. Anh nắm chặt lắm như ngầm bảo cô không có đường thoát thân đâu, đừng vọng động, vô ích. Anh lôi cô bước xuống một lối đi nhỏ hẹp, trơn trợt.

Ven bờ hồ, mới giây lát trước, không có bóng người nào, nay bỗng hiện ra một cậu trai chừng mười hai tuổi đang đứng chờ. Tay cậu cầm sợi dây thừng giữ một chiếc thuyền chèo đang lắc lư trên mặt nước. Cậu mỉm cười nhìn Tamina.

Cô quay sang nhìn Raphael. Anh cũng mỉm cười nhìn cô. Cô nhìn cậu trai mới đến rồi quay sang Raphael như dò hỏi, bỗng anh chàng và cậu trai cùng bật lên tràng cười. Tiếng cười nghe rất lạ, bởi chẳng có gì đáng cười cả, nhưng nó vui vui và dễ lây: nó bảo cô hãy quên đi nỗi lo sợ, buồn rầu, và hứa hẹn cái gì đó mơ hồ – có lẽ niềm vui, có lẽ sự an bình – vì thế Tamina cũng hưởng ứng cười theo.

“Cô thấy không”, Raphael bảo cô. “Chẳng có gì cô phải sợ hãi cả”.

Tamina đặt chân xuống thuyền, nó chòng chành dưới sức nặng của cô. Cô ngồi xuống chỗ lái, tấm ván nhem nhép nước và bởi cô đang mặc trên người chiếc áo mùa hè nên cô cảm thấy đôi mông mình ươn ướt. Chạm làn da với cái gì dính nhớt khiến cô thấy lo âu trở lại.

Cậu trai đẩy thuyền ra hồ rồi vung mái chèo, con thuyền lừ lừ trôi đi, cô ngoái đầu nhìn vào bờ. Raphael đứng trông theo, trên miệng vẫn giữ nguyên nụ cười mỉm. Tamina thấy nụ cười ấy là lạ. Vâng! Anh vừa cười vừa lắc đầu! Vừa cười vừa lắc đầu nhè nhẹ, rất nhẹ.

10.

Tại sao Tamina không hỏi đi đâu?

Nếu bạn chẳng buồn quan tâm nơi chốn bạn sẽ đến, bạn không cần hỏi.

Cô nhìn cậu trai ngồi đối diện đang chèo thuyền. Trông cậu yếu ớt lắm, cô nghĩ cái mái chèo quá lớn đối với cậu.

“Cậu muốn tôi giúp cậu chèo thuyền không?”. Cô hỏi và cậu ta đồng ý ngay, cậu đưa mái chèo cho cô rồi đổi chỗ ngồi. Cậu ngồi chỗ tay lái, liếc nhìn Tamina, đoạn lấy ra từ dưới chỗ ngồi một cái máy hát chạy băng. Ngay tức khắc, tiếng nhạc kích động ghi-ta điện, trống kèn và giọng hát vang lên ầm ỹ, cậu trai uốn éo thân người theo tiếng nhạc. Tamina thấy khó chịu, cậu lắc hông theo động tác dâm dật của người lớn, mà cô thấy khó coi hết sức.

Cô hạ mắt xuống để không phải nhìn cậu trai. Cậu ta vặn nhạc cho lớn hơn và bắt đầu hát theo khe khẽ. Một lúc sau Tamina ngước mắt lên, cậu trai hỏi cô: “Sao cô không hát?”.

“Tôi không biết bài hát đó”.

“Cái gì? Cô không biết bài hát này à? Ai cũng biết mà cô không biết, là thế nào”.

Cậu ta vẫn lắc lư theo tiếng nhạc, Tamina bắt đầu cảm thấy thấm mệt: “Cậu chèo thuyền giùm tôi một lát được không?”.

“Chèo tiếp đi!”. Cậu trai trả lời kèm theo tiếng cười lớn.

Nhưng Tamina mệt thật. Cô ngừng tay chèo, hỏi: “Mình sắp đến nơi chưa?”.

Cậu ta giơ tay chỉ thẳng về phía trước. Tamina ngoái đầu nhìn thấy thuyền đã sắp vào bờ. Cảnh vật ở đây khác chỗ hồi nãy: cây cối tươi tốt, xanh um.

Một lát sau chiếc thuyền chạm bãi. Trên bờ có mấy đứa trẻ đang chơi banh, thấy cô và cậu trai cặp bờ, chúng bỏ chơi chạy ra nhìn hai người với ánh mắt tò mò. Tamina theo cậu trai bước ra khỏi thuyền. Cậu buộc dây vào một cái cọc. Con đường nhỏ hai bên trồng ngô đồng từ bãi cát dẫn vào, cô theo cậu trai đi chừng mười phút thì đến trước một ngôi nhà màu trắng, rộng bề ngang nhưng thấp. Trước nhà có vài món vật lớn, nhiều màu, Tamina không biết dùng vào việc gì, và vài lưới bóng chuyền. Tamina thấy mấy món vật đó trông hơi kỳ lạ. Vâng, chúng được treo là là trên mặt đất.

Cậu trai cho hai ngón tay vào miệng huýt gió một tiếng to.

11.

Một bé gái không quá chín tuổi bước ra tiến đến gần. Con bé có khuôn mặt xinh xắn dễ ưa và cái bụng tròn ủng trông như thiên thần hay thấy trong tranh Gô-tích cổ. Nó nhìn Tamina với con mắt dửng dưng, cái nhìn của đứa gái biết mình đẹp và cố tình chẳng thèm để ý chuyện gì khác ngoài mình ra.

Con bé mở cánh cửa ngôi nhà trắng. Tamina theo nó đi thẳng vào (không có hành lang hay tiền sảnh) một gian phòng lớn, chỉ thấy giường nằm kê san sát. Nó nhìn quanh phòng như đang đếm xem có bao nhiêu giường, đoạn giơ tay chỉ một chiếc, bảo Tamina: “Cô ngủ ở chỗ đó”.

Tamina phản đối: “Cái gì? Tôi ngủ chung như thế này à?”.

“Một đứa trẻ không cần có phòng riêng”.

“Em nói cái gì, một đứa trẻ là sao? Tôi không phải một đứa trẻ”.

“Tất cả chúng ta ở đây đều là trẻ con”.

“Nhưng phải có người lớn ở đây chứ”.

“Không, không có người lớn nào ở đây”.

“Vậy thì tôi làm gì ở đây?”. Tamina kêu lên.

Con bé không thèm để ý vẻ thảng thốt của Tamina. Nó bỏ ra cửa, nhưng trước khi ra nó quay lại bảo Tamina: “Tôi sẽ cho cô gia nhập đội Sóc”.

Tamina chẳng hiểu nó nói gì.

“Tôi sẽ cho cô gia nhập đội Sóc”, nó lặp lại câu nói, xẳng giọng như một cô giáo không vừa ý với học trò. “Tất cả mọi người ở đây, ai cũng phải vào đội, mỗi đội lấy tên một con thú”.

Tamina chẳng muốn nghe con bé nói về đội Sóc. Cô nói cô muốn về nhà. Cô hỏi cái cậu trai đưa cô đến đây, cậu ấy đâu rồi.

Con bé làm như không nghe Tamina nói gì, nó vẫn lải nhải giải thích về đội Sóc.

“Tôi không muốn nghe nữa, cô hiểu chưa?”. Cô quát to. “Tôi muốn về nhà tôi! Cái cậu trai hồi nãy đâu rồi?”.

“Cô đừng la hét như thế”. Không một người lớn nào xấc xược như cái con bé có bộ mặt xinh đẹp đó. “Tôi không hiểu nổi cô”, nó nói tiếp, lắc đầu ra vẻ ngạc nhiên. “Cô cứ nằng nặc đòi về nhà, nếu vậy, tại sao cô đến đây?”.

“Tôi đâu có yêu cầu ai đưa tôi đến đây”.

“Tamina, cô đừng dối trá như thế. Người ta, không ai không hỏi đi đâu trước khi làm một chuyến du hành dài. Cô hãy bỏ cái tính nói dối đó đi”.

Tamina bỏ mặc đứa gái, cô chạy ngược trở lại con đường nhỏ hai bên trồng ngô đồng. Lúc ra tới bờ hồ, cô đi tìm chiếc thuyền cậu trai neo nơi cái cọc trước đó chưa tới một giờ đồng hồ. Nhưng tìm mãi cô vẫn không thấy chiếc thuyền, thậm chí cái cọc cũng không thấy đâu.

Cô bắt đầu chạy men theo bờ hồ. Chạy một đoạn thì bãi cát đụng cái đầm lầy, cô phải đi vòng mất một lúc khá lâu mới trở ra hồ nước. Bãi cát luôn xoay về một hướng nhất định, và (tuyệt nhiên không thấy dấu vết thuyền bè hay bến neo nào) sau chừng một giờ đồng hồ, cô thấy mình trở lại chỗ con đường nhỏ với hai hàng ngô đồng đâm ra bãi. Cô nhận ra cô đang ở trên một hòn cù lao.

Cô đi chầm chậm trở lại con đường dẫn đến ngôi nhà. Trước nhà có khoảng mười đứa trẻ, tuổi từ sáu đến mười hai, đang nắm tay nhau thành vòng tròn chơi trò gì đó. Thấy cô, chúng kêu lên:

“Tamina, lại đây chơi với chúng tôi!”.

Chúng mở vòng tròn ra cho Tamina nhập bọn.

Ngay lúc đó cô chợt nhớ nụ cười của Raphael và cái lắc đầu nhè nhẹ của anh chàng.

Rúng động vì khiếp sợ, cô lạnh lùng bỏ mặc lũ trẻ, bước vào nhà và lên giường nằm co ro.

12.

Chồng cô chết trong bệnh viện. Ban ngày cô túc trực bên anh, nhưng anh nhắm mắt lìa đời một mình giữa đêm khuya. Hôm sau, lúc trở lại bệnh viện, cô thấy chiếc giường trống trơn, ông lão nằm cùng phòng bảo cô: “Cô phải làm đơn kiện! Cách họ đối xử với người chết là một tội phạm!”. Nét sợ hãi hiện lên trong tia mắt ông lão cho thấy ông biết chẳng bao lâu nữa sẽ tới phiên ông. “Họ nắm chân chồng cô rồi cứ thế lôi đi xềnh xệch dưới sàn nhà. Họ tưởng tôi ngủ không biết gì. Hừ! Tôi thấy hết. Tôi thấy đầu người chết va mạnh vào ngạch cửa”.

Cái chết có hai mặt song trùng: Phi hữu thể, nhưng nó cũng là một hữu thể, một hữu thể duy vật khiếp hãi của cái thây ma.

Khi còn rất trẻ, cái chết hiện đến với Tamina ở thể dạng thứ nhất, dưới bình diện cái không, và sợ chết (rất mơ hồ) có nghĩa là sợ không còn hiện hữu nữa. Tháng năm trôi qua, nỗi sợ ấy tan biến dần (ý nghĩ một ngày nào đó không nhìn thấy bầu trời, cây cối, không làm cô sợ hãi), nhưng mặt khác, suy tưởng của cô càng lúc càng thiên về mặt vật thể: cô thấy khiếp hãi vô cùng mỗi khi nghĩ có ngày mình biến thành cái thây ma.

Biến thành cái thây ma là một khổ nhục khôn kham. Đang là con người được bảo vệ bởi phẩm tiết, bởi cái thiêng liêng của sự trần truồng, riêng tư, nhưng bỗng nhiên chết, và ngay tức khắc thân xác mình nằm trong tay kẻ khác – họ có thể lột quần áo mình, mổ banh mình ra, dí mắt vào xem xét nội tạng ruột gan mình, họ bịt mũi vì mùi hôi thối kinh khiếp bốc lên, rồi nhét mình vào ngăn tủ lạnh đông đá hay lò thiêu. Bởi không muốn mang nặng cảm giác đớn đau dằn vặt suốt đời gây nên bởi ý nghĩ thân xác người mình thương yêu bị đối xử khiếp đảm như thế, nên cô cho hỏa thiêu xác chồng mình và đem tro đi rải.

Thế rồi vài tháng sau, lúc nghĩ đến chuyện quyên sinh, cô quyết định chết ngoài biển khơi để chỉ loài cá, những con cá câm khờ khạo, mới biết cái thân xác ô trọc của cô thôi.

Tôi có nhắc đến thiên truyện ngắn của Thomas Mann: một chàng trai mang bệnh trầm kha, ngày nọ chàng đáp chuyến tàu hỏa và bước xuống tại một thị trấn chàng không biết tên là gì. Trong căn phòng chàng ở trọ có chiếc tủ áo, và mỗi đêm có người đàn bà đẹp não nùng, trần truồng từ tủ áo bước ra kể chàng nghe một câu chuyện thần tiên buồn bã ngọt ngào, người đàn bà và câu chuyện thần tiên ấy là cái chết.

Nó là cái chết ngọt ngào màu xanh biếc, như cái phi hữu thể. Bởi phi hữu thể là khoảng không vô hạn và màu xanh là màu của không gian trống rỗng. Không gì đẹp hơn, êm dịu hơn màu xanh. Không phải tình cờ mà Novalis, thi sĩ của cái chết, yêu thích màu xanh, và không tìm kiếm bất cứ cái gì ngoài màu xanh trong những chuyến lãng du của ông. Sự ngọt ngào của cái chết có màu xanh.

Nhưng nếu cái phi hữu thể của chàng trai trong thiên truyện của Thomas Mann đẹp đẽ như thế, điều gì xảy ra cho thân xác chàng? Họ có nắm chân chàng lôi đi xềnh xệch qua ngạch cửa không? Họ có mổ banh xác chàng ra không? Họ có ném chàng xuống lỗ huyệt hay vào lửa thiêu không?

Mann viết thiên truyện năm ông hai mươi bốn tuổi, còn Novalis thì sống không quá ba mươi. Không may, tôi già hơn thế, và tôi không thể không nghĩ đến thân xác sau khi chết. Bởi màu của cái chết không phải màu xanh, Tamina biết thế, tôi cũng biết thế. Chết cực nhọc khiếp hãi lắm. Cha tôi nằm nhiều ngày chờ chết với cơn sốt hành hạ trong người, và tôi có cảm tưởng ông cực nhọc với nó lắm. Toàn thân ông mồ hôi vã ra như tắm, ông tập trung tất cả năng lực còn sót lại trong cơ thể để chống chỏi cơn đau quặn thắt do cái chết đang đến dần, như thể cái chết vượt quá sức lực ông. Thậm chí ông không nhận ra tôi đang ngồi bên cạnh. Cái chết khiến ông mệt nhoài, ông cố thu gom tất cả sức tàn như người kỵ mã kiệt sức nhưng vẫn cố giục ngựa về nơi chốn thật xa xôi.

Vâng, ông đang cưỡi ngựa.

Nhưng ông cưỡi ngựa đi đâu?

Một nơi chốn xa xôi lắm, để vùi lấp thân xác ông.

Không, không phải tình cờ mà tất cả những bài thơ miêu tả cái chết đều nằm dưới siêu chuyển dụ một chuyến du hành. Chàng trai của Thomas Mann bước lên tàu hỏa, Tamina ngồi vào chiếc xe thể thao màu đỏ. Ai nấy khao khát đi về nơi nào đó để che giấu thân xác mình. Nhưng vô vọng. Cưỡi ngựa ra đi nhưng rồi lại quay về giường, và đầu va mạnh vào ngạch cửa.

  

—————————————————–

*Trịnh Y Thư dịch từ The Book of Laughter and Forgetting, Milan Kundera, ấn bản Anh ngữ của Aaron Asher.

(Còn tiếp)

Comments are closed.