Trăng không in bóng (kỳ 1)

Tiểu thuyết của Bùi Việt Sỹ

(Trích)

1.

Đầu những năm 80 của thế kỷ XX, theo văn bản thỏa thuận, phía Đảng Cộng sản Liên Xô nhận bồi dưỡng, đào tạo cho Đảng Cộng sản Việt Nam 200 cán bộ trung, cao về quản lý kinh tế. Thời hạn đào tạo là hai năm, chính xác là 22 tháng, tại hai thành phố là Moskva và Leningrad. Khóa đầu là 100 người, chia đều cho hai thành phố. Nguyễn Thị Lài, vụ trưởng thuộc Bộ Xã hội được cử đi đợt đầu và may mắn hơn được phân về trường Đảng Leningrad.

Quãng tám giờ sáng, một ngày giữa tháng tám, lễ đón 50 thành viên do Lài làm phó phụ trách đối ngoại diễn ra nhẹ nhàng, nhanh gọn ngay tại sân ga Moskva. Ra đón đoàn có Giáo sư Ivan Ivanovitch chủ nhiệm Khoa Chủ nghĩa Cộng sản Khoa học sẽ là người phụ trách lớp học. Đó là lời giới thiệu của cô giáo dạy tiếng Nga Anna Petrolova. Khác với sự tưởng tượng của Lài và thành viên trong đoàn, người được cô giáo Anna giới thiệu không phải là một mẫu trí thức với cái đầu bạc trán hói tới đỉnh cặp kính trắng, complet cravate nghiêm chỉnh, tay xách cặp da, mà ngược lại, là một trung niên quãng trên dưới 50 tuổi. Vận áo vét da lộn màu nâu đã có nhiều vết cáu bẩn của thời gian, không thắt cà vạt trên cổ áo, mặc quần Jean xanh đã bạc màu, chỉ có đôi giày da đen dưới chân là bóng bẩy. Nhưng bù lại cái hình thức ăn mặc hơi có vẻ bùi bụi ấy là dáng người cao dong dỏng mà cường tráng, với mái tóc màu vàng rơm và đôi mắt to xanh lơ rất hiền dịu. Lài ngờ ngợ như đã gặp con người này ở đâu đó, rất lâu rồi nhưng ấn tượng về mái tóc vàng rơm và đôi mắt xanh thì không bao giờ có thể quên được. Và rồi rất nhanh, trong óc Lài chợt òa lên một tiếng anh chàng sĩ quan bạch vệ trong phim Người thứ 41 mình đã may mắn được xem gần hai mươi năm về trước tại sân trường cấp ba một huyện miền núi tại tỉnh Quảng Bình, quê hương của Lài.

Cô giáo Anna trạc gần 40 tuổi, người nhỏ gọn, trên mặc vét, dưới mặc váy dài quá gối. Chân đi giày cao gót vừa phải tay ôm một bó hoa Tulip Hà Lan khá lớn. Anna có khuôn mặt gọn ghẽ, tóc mầu hạt dẻ, cắt ngắn, mắt mầu hạt dẻ. Mũi dọc dừa và cái miệng rất xinh xắn, tô son rất khéo nói với các học viên Việt Nam bằng thứ tiếng Nga rõ ràng và hết sức chậm rãi. Mặc dầu vậy chỉ có mình Lài là hiểu được. 49 học viên còn lại cứ như là vịt nghe sấm. Cô nói:

– Xin mời đại diện của lớp học đến nhận bó hoa của tình hữu nghị từ tay Giáo sư Ivan Ivanovitch!

Lài nhanh nhẹn bước lên. Trong chiếc áo dài trắng, cái dáng cao lớn của Lài như gọn lại. Trước khi trao bó hoa Tulip cho Lài, đôi mắt xanh của Giáo sư Ivan như sững lại vì phát hiện ra giữa vầng trán cao, rộng, hơi dô một vết sẹo hồng hồng gần bằng nửa bàn tay. Và khi đôi cánh tay dài và mềm mại vừa đưa ra thì hai cánh tay của Ivan lại như có phần chững lại. Vì phát hiện bàn tay trái của Lài chỉ còn hai ngón: ngón cái và ngón trỏ. Nửa bàn tay với ba ngón khác chắc đã bị mảnh bom hay rocket phạt đi mất rồi chăng?

Sau một phút rụt rè thăm dò, bó hoa cũng đã nằm gọn trong ngực Lài. Mấy bố học viên Việt Nam hứng chí hô lớn:

– Ôm hôn thắm thiết… cảm ơn đi!

Lài ngượng đến chín mặt đưa một tay vòng ra. Giáo sư Ivan thì nhẹ nhàng, tự nhiên đưa cả hai tay vòng lấy thân thể tròn lẳn của Lài. Vướng bó hoa ở giữa nên Ivan không dám ghì chặt, mà chỉ là một cái ôm ngoại giao. Tuy nhiên ấn tượng của cái ôm đầu tiên ấy sau này còn mãi trong lòng Lài.

Cái thủ tục hành chính tiếp theo cũng diễn ra hết sức gọn gàng. Đầu tiên là nhận phòng khách sạn. Lớp học được bố trí ở khách sạn có tên gọi là Tháng Mười, nằm giữa trung tâm thành phố, chiếm một góc giáp với đại lộ chính, đại lộ đẹp nhất nước Nga xưa, mang tên người anh hùng dân tộc Nevsky. Đây là khách sạn cổ, vẻ ngoài rất đẹp, nhưng nội thất thì chỉ đáng 1,5 sao. Mỗi tầng có 15 phòng thì chỉ có 3 phòng có bồn tắm. Trưởng và phó đoàn được ở riêng một phòng. Số còn lại hai người một phòng, rộng chừng 20m2. Trong số 50 học viên thì có 19 là nữ. Độ tuổi sàn sàn trên dưới bốn mươi.

Nhận phòng xong, cô Anna tập trung học viên dưới sảnh, rồi lên một chiếc xe bus 60 chỗ đến cửa hàng bách hóa tổng hợp, mua sắm quần áo, giày, mũ mùa đông. Tiêu chuẩn cho mỗi người là 300 rúp.

Hai rưỡi chiều, cả đoàn lại lên chiếc xe buổi sáng đến trường Đảng, cách khách sạn chừng 7km. Gặp gỡ thầy hiệu trưởng, cùng các giáo sư, giảng viên khác của trường.

Các học viên Việt Nam cứ xuýt xoa với nhau về cách làm việc nhanh gọn, đầy tác phong công nghiệp của bạn.

Chương trình được đặt ra rõ ràng là ba tháng đầu chuyên tu lại tiếng Nga. Mặc dù ở Việt Nam đã được học 10 tháng rồi. Kết hợp với tham quan phong cảnh, viện bảo tàng nghệ thuật, bảo tàng cách mạng, các nhà máy đang sản xuất theo đơn đặt hàng viện trợ cho Việt Nam.

Cô Anna là giáo viên dạy tiếng Nga rất có kinh nghiệm. Trước đây cô đã từng dạy cho các học viên đến từ Cuba, Cộng hòa Dân chủ Đức, Somalie… Còn giáo sư Ivan với cương vị là chủ nhiệm lớp, cứ vài ngày lại đến thăm lớp một lần, tất nhiên là đi cùng luôn phải có cô Anna làm phiên dịch. Với tư cách là phó đoàn phụ trách đối ngoại, Lài là người được và phải tiếp xúc với giáo sư Ivan thường xuyên.

Không biết bây giờ người dân Nga sinh hoạt thế nào, chứ thời đó, người dân Soviet đi ngủ rất muộn. Sớm nhất cũng vào khoảng 12 giờ đêm. Quãng thời gian từ 5 giờ chiều đến 12 giờ đêm họ làm được rất nhiều việc cho sinh hoạt ăn uống và vui chơi giải trí. Tối đó 8 giờ thì cô Anna đưa giáo sư Ivan đến phòng Lài. Đã tiếp xúc vài lần rồi nên câu chuyện có phần cởi mở hơn. Lài đưa món lạc đã rang sẵn ở nhà ra chiêu đãi khách. Cả cô Anna và giáo sư Ivan đều rất thích thú vì lạ miệng. Lài bảo: “Lạc rang có bia nữa thì không chê vào đâu được”. Rồi nhanh nhẹn ra quầy bar kiếm mấy chai về. Lài chỉ nhấm nháp lấy lệ. Ivan thích thú quá, thật thà hỏi:

– Lạc có còn nhiều không?

– Dạ! Cũng còn vài gói nữa. Lài đáp.

– Thế thì đừng mời ai nhé! Bữa nào đến nhà tôi! Ta ăn với Champagne đỏ… Chắc còn ngon hơn.

– Đồng ý! Lài đáp.

Ba người đang vui vẻ cười nói thì một bảo vệ khách sạn vào. Người này nói với Giáo sư Ivan một thôi một hồi. Lài chỉ lơ mơ hiểu được là… chuyện ô tô… thế nào đó. Giáo sư Ivan đứng dậy, xin lỗi Lài và Anna rồi theo người bảo vệ ra ngoài.

Cô Anna chậm rãi nói cho Lài rõ chuyện đang xảy ra. Số là giáo sư Ivan có tiêu chuẩn được phân phối một chiếc ô tô con, nhãn hiệu Lada cải tiến mầu trắng, đỗ ở dưới đường, bên cửa khách sạn, đang bị công an gọi xuống để phạt.

– Liệu có bị phạt nặng lắm không? Lài lo lắng hỏi lại.

– Không sao đâu? Mấy chục rúp là cùng. Cô Anna nói – Cái chính là lần sau, không biết đỗ ở đâu? Dừng một lúc cô Anna nói tiếp:

– Giáo sư Ivan là người Nga, gốc Saint Petersburg. Những người gốc Saint Petersburg ở Leningrad bây giờ không có nhiều. Rồi có vẻ rụt rè, Anna tiết lộ một bí mật: Năm mươi tuổi rồi mà chưa lấy vợ lần nào. Ivan Ivanovitch từng tham gia chiến tranh chống phát xít Đức với tư cách là công nhân công binh xưởng. Được thưởng Huân chương Vệ quốc, hạng nhất. Thấy Lài đã trải qua chiến tranh Ivan Ivanovitch rất có cảm tình và muốn tìm hiểu ngọn ngành.

Chuyện hỏi tuổi phụ nữ và chuyện chồng con là điều hết sức tế nhị với người châu Âu. Trừ phi họ tự nói ra. Còn với đàn ông thì đó là chuyện… bình thường. Cô Anna vừa nói tới đó thì giáo sư Ivan đẩy cửa bước vào.

– Có sao không? Lài nhanh nhảu hỏi.

– Không sao? Giáo sư Ivan vui vẻ trả lời. Giải thích là đang đến thăm các bạn Việt Nam, lưu trú tại khách sạn này.

– Thế còn lần sau? Lài hỏi tiếp.

– Cũng không sao? Nói đến Việt Nam là mấy anh cảnh sát giao thông cho qua ngay. Ivan vừa cười vừa chậm rãi nói tiếp – Còn hẹn cho… một phù hiệu được phép đỗ. Sẽ gửi phòng trực của khách sạn. Rồi Ivan phá ra cười và hóm hỉnh hỏi: – Còn lạc… lạc của tôi còn chứ.

Cô Anna bảo:

– Giáo sư Ivan chê người Việt Nam nói tiếng Nga yếu quá. Chỉ có Lài là tốt thôi. Ivan có ý hỏi là tại sao Lài… lại nói được tiếng Nga tốt hơn mọi người.

– Người Cộng sản phải biết tiếng nói của Lê Nin mà! Lài tự dưng đưa một câu đầu lưỡi. Ivan phải nói thật là rất thông minh vặn lại:

– Thế các bạn của Lài không phải là Cộng sản à?

– Xin lỗi! Tôi nói đùa đấy! Lài chữa ngượng.

– Thực ra mọi chuyện cũng đơn giản thôi!

– Không! Tôi cũng nói đùa đấy mà!… Điều tôi muốn hỏi là xuất thân của Lài thế nào? Ivan tìm cách bắt vào mạch chính của câu chuyện.

Lài chậm rãi kể với vốn tiếng Nga chưa thật dồi dào, nên phải lựa các câu đơn giản: “Nhà tôi có ba anh chị em, tôi là cả, thằng em thứ hai chỉ kém tôi mười lăm tháng. Đứa út mới năm tuổi, được gọi thằng Cố – vì bố mẹ tôi cố đẻ thêm mà. Chúng tôi được học hành tử tế. Hai chị em cùng lớp ở trường cấp ba của huyện, cách nhà trên chục cây số. Tôi học chiều, nó học sáng, đều phải cuốc bộ cả. Chúng tôi đều có năng khiếu về văn. Đi thi học sinh giỏi của tỉnh đều đoạt giải nhì. Định đi thi toàn miền Bắc thì chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ bắt đầu nổ ra. Đường sá xa xôi, cách trở nên tỉnh không cử ai đi. Tôi có vóc dáng cao lớn, khoẻ mạnh, năng động nói được làm được. Hồi đó đã bắt đầu rèn luyện các môn thể thao quân sự “chạy, nhảy, bơi, bắn, võ dân tộc” và “vai trăm cân, chân ngàn dặm”. Tôi không chỉ vô địch cấp huyện mà còn vô địch cấp tỉnh. Tôi được bầu làm bí thư đoàn trường hai năm lớp chín và lớp mười. Học cùng lớp có cậu bạn tên Trọng, con ông bí thư đảng uỷ xã. Ông là người hiền lành, tốt bụng. Nhưng bà vợ thì sắc sảo, khôn ngoan và thớ lợ. Nhà có ba người con trai, Trọng là cả. Dáng người vâm váp, tay chân cơ bắp nổi cuồn cuộn. Chỉ tội hơi lùn, đầu to, trán dô, hai tay ngắn nên lũ bạn thường gọi đùa là “chim cánh cụt”. Trọng cũng là người xốc vác. Song sức học chỉ ở mức trung bình. Điều đáng kể nhất ở đây là từ năm lớp tám, Trọng đã tỏ ra si mê tôi như điếu đổ. Kinh tế nhà Trọng do bà mẹ khôn ngoan, biết thu vén nên cũng vào loại khá giả ở trong vùng. Từ ngày lên cấp ba, anh em nhà Trọng đều đi xe đạp – không phải là xe hạng thường mà là loại xe Favorit, loại sang lúc bấy giờ. Là bí thư đoàn trường, tôi nhiều hôm phải ở lại họp nên về muộn. Những lần như thế Trọng bao giờ cũng chờ tôi, nằn nì mời tôi lên xe đèo về. Nhưng tôi đều từ chối. Không phải vì lũ bạn tinh ranh đặt vè “Râu dài thì mặc râu dài, có Favorit có đài đeo hông/ Bây giờ thì cháu lấy ông/ Ngày mai ông chết, cháu được không cả xe lẫn đài”. Mà tính tôi từ bé quen tự lập không muốn phiền phức nhờ vả ai. Nhưng Trọng cứ bám tôi dai như đỉa. Tôi đi bộ thì Trọng dắt xe đi bên cạnh cả chục cây. Tôi cắt rừng đi tắt, thì Trọng vác xe đi theo. Cả người và xe bị gai rừng cào cho sướt sát Trọng cũng mặc. Thế rồi “đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma”. Lần ấy tôi chọn một cánh rừng rậm rạp nhất để đi vào. Trọng vẫn vác xe bám theo sau. Rồi bất ngờ, từ bụi cây một con rắn hổ mang đen xì phóng ra đớp một miếng vào đùi non của tôi. Tôi chỉ kịp kêu “ối!” lên một tiếng rồi ngã vật ra. Trọng đi sau chứng kiến tất cả. Không ngượng ngùng, Trọng kéo ống quần tôi lên đến bẹn. Một tay lục trong túi cứu thương vẫn đem theo người. Lấy ra một cuộn băng quấn chặt mấy vòng phía trên vết cắn. Bốn vết răng đang rỉ máu hằn lên rất rõ. Trọng cúi xuống, dùng miệng hút máu độc ra. Hút được ba bốn lần, thấy có vẻ ổn, Trọng xốc tôi lên vai, một tay bạt cây rừng, chạy băng băng, mặc chiếc xe Favorit, một tài sản rất có giá trị bấy giờ, chỏng chơ giữa rừng, Trọng vác tôi về nhà một thầy lang trong xã, có tài chữa rắn cắn. Lúc đó người tôi đã cứng đờ ra. Bọt mép sùi ra. Ông ta xem vết thương rồi bắt mạch: “May ra thì cứu được”. Nói rồi ông ta bảo người nhà bắt một con gà giò ra, dí đít của nó vào vết rắn cắn. Một loáng toàn thân con gà tím đen. Rồi ông ra vườn dứt một nắm cỏ rửa qua loa, cho vào cối giã. Nước lá ông cậy miệng tôi đổ vào. Bã thì rịt vào vết thương. Một lúc sau tôi tỉnh dần. Ông thầy lang bảo:

– Thằng Trọng nó không hút máu độc ra thì có Hoa Đà tái thế cũng không cứu được.

Từ đó, mặc dù không một lần lên xe của Trọng, nhưng thái độ của tôi với cậu ta cũng có phần thân mật hơn. Sự thân mật tự đáy lòng đối với người đã có công cứu mạng mình. Đó là mùa hè 1965, chiến tranh phá hoại bằng không quân đã diễn ra rất ác liệt ở vùng Khu Bốn, nhất là ở Vĩnh Linh và Quảng Bình. Riêng huyện miền núi Quảng Sơn có phần yên tĩnh hơn. Vào thời điểm đó chúng tôi bước vào kỳ thi tốt nghiệp cấp ba. Hai chị em tôi đều đạt điểm cao đến bất ngờ. Ba sáu trên bốn mươi điểm của bốn môn thi là toán, lý, hoá và văn. Thằng em tôi có giấy báo của Ban tuyển sinh tỉnh cho đi học nước ngoài, còn tôi được gọi vào Tổng hợp Văn. Song hành với việc đó, huyện đội cũng tổ chức khám sức khoẻ để tuyển quân, cánh thanh niên trong xã, trong đó có chị em tôi đều xác định đi học đại học, ra nước ngoài hay đi bộ đội đều là trách nhiệm cả, nhiệm vụ như nhau. Đúng dịp ấy thì bà mẹ Trọng cùng một bà mối đến nhà tôi. Sau một hồi rào trước đón sau, bà đặt vấn đề thẳng với bố mẹ tôi.

– Cứ nói đi bộ đội hay đi nước ngoài đều vinh dự như nhau cả… đấy là nói để… động viên nhau thôi; còn chính sách của ta là rất công bằng… Kể cả công bằng xương máu. Đến như nhà tôi, muốn cho thằng em đi nước ngoài thì anh Trọng cũng phải xung phong vào bộ đội… Nói gần, nói xa chẳng qua… cũng phải nói thật. Gia đình tôi muốn cháu Lài nhà ta về làm bạn với anh Trọng. Như vậy là nhà ta cũng có con rể là bộ đội… thì việc đi nước ngoài của cậu em cũng… không có ai nói ra, nói vào được… Nhân đây cũng xin nới thật, cháu Lài có về làm dâu nhà chúng tôi cũng không phải đầu tắt mặt tối việc nhà đâu. Cháu nó đã là bí thư đoàn trường thì kỳ này sẽ làm bí thư xã đoàn thay cho cậu bí thư cùng nhập ngũ kỳ này.

Sau một đêm suy nghĩ, cuối cùng bố mẹ tôi đồng ý. Đợt ấy xã có hai chục thanh niên nhập ngũ thì có tới mười tám đám cưới “tốc hành”. Năm đầu lúc ở mặt trận này, lúc ở mặt trận khác. Cứ theo địa chỉ hòm thư anh ấy viết về là biết. Nhưng gần ba năm sau, đơn vị anh chiến đấu ở mặt trận Tây Nguyên, giáp với biên giới Campuchia. Anh có vẻ rỗi rãi nên viết thư về thường xuyên hơn. Anh kể đơn vị anh có nhiệm vụ bảo vệ một cung đường huyết mạch. Là lính bộ binh chốt ở những trọng điểm bọn biệt kích thám báo hay dùng trực thăng hoặc cần cẩu bay (Chinook) thả lính xuống. Khi thì phục kích đón lõng, lúc thì chiến đấu giải nguy cho đoàn xe bị địch bao vây. Ngoài ra còn phải bảo đảm an toàn cho các đoàn xe con của chỉ huy cấp cao vào hay ra. Anh nói công việc không nặng nhọc vất vả và nguy hiểm thường xuyên như các chiến sĩ công binh, các đơn vị thanh niên xung phong hoặc dân công hoả tuyến. Bởi thế gia đình không phải lo lắng gì. Anh thường gửi thư cùng một lúc cho hai địa chỉ. Một cho bố mẹ anh, mà một theo địa chỉ đóng quân của đơn vị thanh niên xung phong của tôi. Thư anh viết cho tôi bao giờ cũng ngắn gọn: “Sức khoẻ tốt, chưa bị sốt rét rừng. Đơn vị vừa chạm trán với một tốp thám báo. Diệt mười tên, bắt sống được ba. Đau nhất là để một tên thám báo Mỹ chạy thoát… Sức khoẻ Lài thế nào? Mọi việc có gì mới không? Lài không phải lo nghĩ gì cho tôi cả.. Tôi rất hối hận vì đã nghe theo lời bố mẹ… làm lỡ dở cuộc sống của Lài… Mặc dù vẫn nhớ Lài từng giờ, từng ngày. Lúc nào rỗi rãi nỗi nhớ càng cồn cào hơn. Có gì mới Lài nhớ viết cho tôi vài dòng nhé! Dù có thế nào tôi cũng không bao giờ trách cứ gì Lài đâu?” Trước lúc ký tên, anh đều có câu: “Người bạn chân thật và ngốc nghếch của Lài ở thuở cắp sách đến trường”.

Giọng Lài bùi ngùi, chầm chậm, có phần hối hận, nuối tiếc điều gì đó. Có lúc muốn khóc thút thít. Song lại kìm nén lại được.

Trở lại với việc tiếng Nga, ba năm cuối cấp ba, trường của tôi là trường ở miền núi nhưng là trường điểm, nên vẫn dạy hai môn ngoại ngữ chính là tiếng Trung và tiếng Nga. Chị em tôi đều theo học tiếng Nga. Về sau vào Đại học tôi lại được học tiếp bốn năm tiếng Nga nữa. Và trước khi sang đây, lại được chuyên tu 10 tháng nữa. Thêm vào đó cậu em ruột tôi, đã có 10 năm học văn học Nga ở chính thành phố Leningrad này. Những lúc rỗi rãi, ngoài giờ lên lớp, cậu ấy đã phụ đạo cho tôi rất nhiều.

Đối với chúng tôi, tiếng Nga rất hay, nhưng cũng thật là rất khó. Đọc thì có thể hiểu được. Nhưng nghe, nói và viết tiếng Nga thì… quả thực không đơn giản một chút nào.

Giáo sư Ivan có vẻ muốn trò chuyện tìm hiểu thêm về cô học trò của mình. Nhưng thấy chưa phải lúc nên cáo từ ra về.

– Chào tạm biệt! Cảm ơn vì… món lạc! Ivan vẫn hóm hỉnh như lúc đầu. Rồi vòng tay cho cô Anna khoác vào.

Lài tiễn hai người ra tới tận chân cầu thang, và không quên chào:

– Tạm biệt! Chúc ngủ ngon!

B.V.S.

Comments are closed.