Trăng không in bóng (kỳ 4)

Tiểu thuyết của Bùi Việt Sỹ

4

Trở lại chuyện “các hạt giống đỏ” Việt Nam sang tu nghiệp ở đây, chuyện vui cũng nhiều mà chuyện buồn cũng không ít. Tỷ như chuyện hàng hóa ở Liên Xô vốn xưa nay đều khan hiếm, muốn mua gì cũng phải xếp hàng dằng dặc. “Các hạt giống đỏ” của ta sau giờ lên lớp là lập tức bổ đến các cửa hàng. Thấy chỗ nào có hàng người là lập tức nhập vào, mặc dù chưa biết người ta đang bán gì. Xếp hàng càng dài, có nghĩa là món hàng bán ra cũng hiếm. Có lần mấy bố nhà ta nhập vào một hàng người chỉ đi giải quyết nỗi buồn. Mấy bà đứng trước quay lại bảo “Đi đi chỗ khác! Đây không phải là chỗ của chúng mày!”. Mấy bố cứ tưởng họ sợ mình mua tranh mất hàng của họ nên mới bảo thế, nên cứ đứng ì ra. Đoàn người tuần tự tiến lên phía trước. Mấy bà Nga lắc đầu ngao ngán! Rồi cái gì đến cũng phải đến! Đi vài chục mét nữa, ngửa cổ nhìn lên thấy bốn chữ vệ sinh công cộng khu vực dành cho nữ. Thế là lỉnh một mạch. Ngượng đến chín mặt không để đâu cho hết. Hoặc xếp hàng mua thịt bò. Anh nhân viên cửa hàng vui vẻ và nhiệt tính hỏi: “Chặt từ đâu?”. Vì không biết động từ “chặt” tiếng Nga là gì mà chỉ loáng thoáng nghe hai tiếng “từ đâu”, bèn trả lời “Từ Việt Nam”, khiến tất cả tây, cả ta đều cười bò ra. Lương sinh viên đại học được bạn trợ cấp 80 rúp /tháng. Nghiên cứu sinh làm phó tiến sĩ được 90 rúp/tháng. Thực tập sinh cao cấp làm tiến sĩ được 100 rúp/tháng. Riêng “các hạt giống đỏ” được 195 rúp/tháng cộng vé đi lại mọi phương tiện công cộng trừ taxi /15 rúp/tháng. Lương khô mang theo tiêu chuẩn được phổ biến rõ ràng là đôi quần bò Thái và một đồng hồ nhãn hiệu Nhật Bản. Tuy nhiên có nhiều người vượt rào tìm cách đem theo cả cassette hạng sang như Sharp 555, Sharp 777, Sharp 999 và máy ảnh Canon, Nikon. Những mẹ sồn sồn ở tỉnh lẻ thì tha lôi đủ các hàng thủ công mỹ nghệ tầm tầm, kính râm rởm cùng dầu cù là không chính hãng.

Riêng Lài thuộc loại nghiêm chỉnh nhất, đúng tiêu chuẩn: đôi quần bò và chiếc Seiko mặt lửa, cùng ít quà lưu niệm tặng các thầy cô giáo và bạn bè.

Việc săn lùng hàng hóa được các “bố hạt giống đỏ” của ta gọi bằng cái tên là “đi hoạt động cách mạng”. Ngày nghỉ đi suốt từ 6 giờ sáng đến 23 giờ đêm mới về.

Trời đã sang thu mang theo gió lạnh từ phương bắc thổi về cộng với lá cây bên đường đã vàng rực lên. Mùa thu ở đâu trên trái đất này đều mang đến nỗi nhớ cho con người. Nhất là những người xa xứ, lại có gia đình vợ, chồng, con đang ở nhà. Để khỏa lấp đi nỗi nhớ ấy, chẳng biết ai đã phóng tác bài hát phỏng theo bài “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây” của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Lời bài hát này có các câu như sau: “Cái quạt máy xua đi nỗi nhớ/ Cái đài to gạt mối riêng tư/ Máy bay liên vận mùa này đẹp lắm/ Người bên tây nhớ người bên ta/ Người ta nhớ người bên tây…”.

Riêng Lài dường như không nằm trong guồng máy này. Nỗi nhớ con vô cùng da diết, tuần nào Lài cũng viết thư về cho con một lần. Thằng bé mới 12 tuổi, giờ ở nhà cậu ruột. Về vật chất so với trẻ con thời bấy giờ phải nói là đầy đủ. Tiền lương tháng với cái lương vụ trưởng của Lài được để lại tới 80% thừa để cháu ăn học. Thằng nhỏ vốn tự lập từ nhỏ vì mẹ thường xuyên phải đi công tác xa, xuống các địa phương, vùng núi thậm chí là hải đảo. Điện thoại thời đó là điều tối xa xỉ, chỉ có cách thư thôi! Nhận được thư mẹ ban ngày thì tối thằng Nghĩa (tên con của Lài liền viết thư trả lời). Sáng hôm sau ra tận bưu điện Bờ Hồ bỏ vào hòm thư cho nhanh và chắc chắn.

Tóm lại là về mặt tinh thần Lài cũng không có gì phải lăn tăn cả.

Rồi một hôm, không biết bắt đầu từ đâu, người nọ rỉ tai người kia rằng: thầy Ivan Ivanovitch mê Lài như điếu đổ. Nhưng cái khó ở đây là còn có cô Anna đang bám chặt thầy như nam châm hút sắt. Cô Anna đã có chồng là kỹ sư cơ khí, nhưng có tật chung của đàn ông Nga mọi thời đại là sau khi nốc vodka vào là trời chỉ nhỏ bằng chiếc vung soong. Cô Anna say thầy Ivan Ivanovitch không phải vì cái mác giáo sư với căn hộ bốn buồng sang trọng và chiếc Lada trắng cải tiến rất hợp thời trang, thậm chí còn được mọi người Nga thích hơn là xe volga. Cái điều mà cô Anna thích là thầy Ivan Ivanovitch là người Saint Petersburg gốc, với tất cả phẩm chất lãng mạn hào hoa, phong nhã, dũng cảm, tốt bụng, vị tha… đặc trưng của tính cách Nga. Mặc dù thầy Ivan Ivanovitch chưa một lần kết hôn, nhưng mặc cô Anna và rất nhiều cô gái trẻ đẹp khác mơ ước mình, thầy vẫn một mực chỉ coi họ là bạn gái.

Thế mà bây giờ lạ lùng thay thầy lại để ý, quan tâm… quan tâm rất đặc biệt về Lài. Thứ quan tâm chỉ có trong tình yêu đích thực mới thật lạ lùng.

Bây giờ đang là năm 80 của thế kỷ 20, chứ 10, 15 năm trước chuyện yêu đương giữa sinh viên Việt Nam nói riêng và người Việt Nam nói chung đang học tập, công tác tại nước ngoài là điều tối kỵ. Chỉ cần một tấm ảnh ôm eo, bá vai cô gái nào đến được tay sứ quán là a lê hấp… quay 180o lên tàu về nước ngay. Không bàn cãi gì hết. Mặc cho anh hay chị chưa có mảnh tình vắt vai nào ở quê nhà… cũng là vô phương cứu chữa. Cái thời cậu em của Lài đã có mấy cậu dính vào chuyện này phải xong. Nhưng rồi gió đã đổi chiều khi con gái một đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, qua đây làm nghiên cứu sinh đã sống như vợ chồng với một nhà khoa học Nga có danh tiếng. Và ba năm đã sinh cho ông ta ba đứa con gái. Ở Nga họ quý con gái lắm. Vị lãnh đạo cấp cao nọ giận nhà khoa học kia vô cùng. Một lần ông qua Liên Xô làm việc, con gái có mang ba cháu ngoại tóc hoe hoe vàng, cùng người chồng khả kính đến chào, để mong ông tha thứ. Nhưng rồi vị lãnh đạo nọ đã mắng ông con rể hờ bằng thứ tiếng Pháp rất chuẩn (vì ông vốn bằng Certificat – lớp cuối của bậc tiểu học Pháp và 10 năm tù ở Côn Đảo) là đồ… Anglo-Saxon. Ông con rể hờ cũng không vừa, vì là nhà khoa học có danh tiếng nên tiếng Pháp rất giỏi như tiếng Nga, mới đáp lại rằng: tình yêu của chúng tôi là hết sức chân chính. Ba năm cô ấy sinh cho tôi ba người con. Đồng thời tiếp thêm sinh lực cho tôi hoàn thành hai công trình khoa học cấp thế giới. Trong đó có công trình giúp Việt Nam… đánh Mỹ. Ấy vậy mà bố lại mắng con là đồ Anglo-Saxon thì bố chả hiểu gì. Bị con rể hờ cãi lại, ông giận lắm, đuổi tất cả về. Các lần sau qua công tác, chỉ cho con gái đến thăm. Thực lòng ông cũng thương cháu ngoại và con rể hờ lắm! Nhưng nghĩ mình phương diện quốc gia, không thể làm khác được. Ba năm sau, cô con gái ông sinh đứa thứ tư, vì đẻ dày quá… nên bị băng huyết mà qua đời. Thương con gái đến cháy lòng, nhưng bản thân ông không sang viếng được, đành chỉ để bà ấy đi! Dù sao nghĩa tử là nghĩa tận. Đó là vào quãng những năm 74, 75 thì phải… Sau sự kiện đó cánh học sinh sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam ở Đông Âu được cởi trói. Chuyện tình cảm được thuận theo tự nhiên như vốn có của con người từ ngàn xưa.

Bởi thế chuyện tình cảm giữa thầy Ivan Ivanovitch và cô học trò Nguyễn Thị Lài của Việt Nam là chuyện quá đỗi bình thường. Nhất lại là một bên trai chưa vợ, bên nữ đã góa chồng. Có khi đấy còn là mối tình đẹp, biểu hiện mối quan hệ hữu nghị – thủy chung – trong sáng Việt-Xô.

Riêng các bố học hành không được giỏi giang, tiếng Nga nói một câu không chuẩn thì sướng rên như mở cờ trong bụng. Và không biết từ bố nào đã sưu tầm được một chuyện tiếu lâm Nga mới, có nội dung thế này để minh họa cho sự mở cờ trong bụng của mình là có cơ sở.

Chuyện kể rằng, ở một khu rừng nọ, vào ngày đẹp trời có một chú thỏ công bố “công trình công nghệ” giết mổ gia súc rất cực kỳ hiện đại. Đầu vào là một con vật bất kỳ. Chỉ mươi phút sau, đầu ra đã là thịt ra thịt, xương ra xương, lông ra lông, lòng ra lòng. Lũ thú rừng nghe theo thỏ trình bày thì ôm bụng cười nhạo rằng: “Đồ thỏ đế chúng mày thì làm nổi trò trống gì?”. Thỏ bảo: “Ai không tin thì vào xem”. Nói rồi mở cửa liền, bên trong đặt “công trình công nghệ”. Thằng cáo lông đỏ hăng hái bảo “Để bố mày vào xem sao?”. Bảy phút trôi qua, phía sau cáo đã được xử lý xong: thịt ra thịt, xương ra xương, lông ra lông, lòng ra lòng. Gã sói xám rít lên: “Ông đ. tin!”, rồi nhảy vào trong lều. Mười phút sau, số phận cũng đã được định đoạt như cáo lông đỏ. Tất cả lũ thú rừng đều ngơ ngác. Bác gấu nâu gầm lên “Không có lý! Không thể như thế được?”, rồi chậm rãi vén cửa bước vào lều. Nhưng hỡi ơi! Số phận cũng không hơn gì sói xám. Lũ thú rừng còn lại mặt mũi tím tái cả lại. Giữa lúc đó, hai cánh cửa lều được vắt lên. Một chú sư tử đực lực lưỡng nhảy ra, gầm lên một tiếng rung chuyển cả khu rừng, rồi cất tiếng hỏi: “Bây giờ có đứa nào không tin vào phát minh của ‘học trò thỏ’ của ta nữa chăng?”.

Kể tới đây, mấy bố tiếng Nga không nói trọn một câu ôm bụng cười ngặt nghẽo. Giáo sư Ivan Ivanovitch không phải là chú sư tử đực ở trường này thì còn ai vào đây nữa. “Chú ấy” đã nhận Lài làm học trò cưng thì cánh học viên "Việt Cộng” ta cứ tha hồ mà đi “hoạt động cách mạng”. Cuối khóa sẽ có bằng đỏ tuốt. Có đúng không nào?

5

Mùa thu, các cánh rừng Nga đang bước vào thời kỳ thay lá, vàng rực lên. Lài rất muốn có được một ngày picnic cho đã đời. Chị đề đạt nguyện vọng với thầy Ivan Ivanovitch. Thầy nhiệt liệt hưởng ứng và nói: việc từ lều trại đến thức ăn nguội, trà, cà phê nóng để tôi lo cho. Không đi sớm sợ tuần sau mưa hoặc tuyết xuống là hỏng bét.

– Tôi muốn cô Anna và cháu Tania đi cùng. Lài thẳng thắn đề nghị.

– Không có vấn đề gì.Thầy Ivan Ivanovitch vui vẻ đáp. Nhưng sáng chủ nhật hôm đó, trên chiếc Lada trắng cải tiến đến khách sạn đón Lài chỉ có mình thầy Ivan Ivanovitch.

– Cô Anna và cháu Tania đâu? Lài hỏi giọng hơi sẵng.

– Cháu Tania bị đau bụng nên cả hai mẹ con đều không đi được. Anna cầu chúc chuyến picnic vui vẻ. Thầy Ivan Ivanovitch chân thành đáp.

– Nếu có cô Anna và cháu Tania chắc sẽ vui hơn. Lài tỏ ra tiếc rẻ.

– Không sao. Nếu tuần sau đẹp trời, chúng ta sẽ đi cùng nhau. Thầy Ivan Ivanovitch nói chắc chắn như vậy.

– Thầy định đưa tôi đến cánh rừng nào? Lài hỏi.

– Sẽ đến khu vừng mà năm xưa đại thi hào Pushkin đã đấu súng với tên vô lại Dantes để bảo vệ danh dự cho mình. Thầy Ivan Ivanovitch đáp giọng có vẻ trầm xuống.

– Ôi thế thì chuyến picnic này có ý nghĩa quá. Nhưng nếu đi vào mùa đông, đúng ngày tuyết rơi dày… vào đúng thời điểm Pushkin quyết đấu… thì chắc còn… Lài nói tới đây thì bỏ lửng vì không tìm được câu diễn tả chính xác với ý nghĩ trong lòng mình.

– Thì mùa đông chúng ta sẽ quay lại. Ivan Ivanovitch đáp. Dừng một lát thầy bảo – Tôi có nguyện vọng thế này: tôi muốn từ giờ phút này, Lài gọi tôi là anh… chứ không phải là thầy… cho nó đỡ xa cách. Lài có đồng ý không?

– Về nguyên tắc thì không được. Lài đáp.

– Câu trả lời của em làm anh buồn quá!

– Chúng ta cùng thỏa thuận thế này!… Lúc nào chỉ có hai người từ em sẽ gọi thầy là anh. Còn trước mặt mọi người thì… thầy vẫn phải là thầy. Còn em thì trò vẫn phải là trò.

– Rất cám ơn! Chúng ta thỏa thuận như vậy nhé!

Ivan Ivanovitch sung sướng đáp.

Chiếc Lada trắng lướt êm trên con đường trải nhựa phẳng lỳ, bỏ lại thành phố chừng hơn hai chục cây số. Rồi Ivan Ivanovitch hướng xe lên phía tây bắc. Con đường cứ nhỏ dần. Và cánh rừng dần hiện ra. Không khí tinh khôi tràn vào ngực. Và đôi mắt to đen của Lài choáng ngợp bởi cánh rừng phong với hàng vạn, hàng vạn chiếc lá đỏ rực lên… như trong cảnh thần thiên. Thỉnh thoảng hai người bắt gặp những chiếc xe đang chạy, hoặc đỗ nép vào bụi cây. Ivan Ivanovitch đánh xe vào giữa rừng rồi tạt vào một góc. Hai người bước xuống xe đi dạo. Ivan vòng tay cho Lài khoác vào. Những chú sóc nhỏ đang từ trên ngọn cây thấy người thì nhanh nhẹn chuyền xuống. Lài vô cùng ngạc nhiên vì thấy chúng rất dạn dĩ với người. Lài đưa bàn tay phải còn năm ngón ra mời gọi chúng.

– Đừng! Ivan chợt kêu lên. Phải có kẹo!… kẹo đây! Ivan móc trong chiếc áo choàng plaid (loại áo choàng mỏng mùa thu) ra đưa cho Lài mấy chiếc kẹo Chocolate. Đưa tay không ra… mọi người sẽ phê phán là lừa chúng!

– Xin lỗi! Lài đáp. Bây giờ thì em hiểu rồi!

Đúng là nhanh như sóc. Chỉ loáng một cái nắm kẹo trong tay Lài mà Ivan đã đưa cho đã bị lũ sóc chộp lấy và chạy biến lên ngọn cây.

– Ivan Ivanovitch này! Lài nói.

– Lại thế rồi! Chỉ là Ivan thôi!

– Ừ! Ivan này! Ivan có biết lúc đầu tiên nhìn thấy Ivan ở sân ga Moskva, em đã liên tưởng đến ai không?

– Ivan không phải là thánh thì làm sao mà biết được!

– Em đã liên tưởng tới viên sĩ quan bạch vệ trong phim Người thứ 41 – Lài chậm rãi nói. Viên sĩ quan bạch vệ có đôi mắt xanh hút hồn bằng xương, bằng thịt… Chứ không phải trên màn ảnh.

– Ồ! Thế à! Ivan reo lên thích thú. – Thế còn bây giờ viên sĩ quan mắt xanh đó còn sống trong em không?

– Không biết nữa!… Có điều là nhiều lúc thấy rất gần gụi, thân thiết… Mà nhiều lúc lại thấy rất xa vời vợi… xa hơn cả trên màn ảnh.

– Thế còn em! Em có biết cảm giác đầu tiên của anh khi thấy em trên sân ga không?

Ivan hỏi lại.

– Em cũng không phải là thần, là thánh… mà!

– Một cảm giác rất kỳ lạ… nhói trong tim khi nhìn thấy vết sẹo… trên trán em… Một phụ nữ đã từng trải qua chiến tranh khốc liệt chăng?… Và khi em đưa bàn tay chỉ còn hai ngón ra… đỡ bó hoa từ tay anh… thì mọi việc đã rõ như ban ngày… Bởi vì sao anh lại có tâm trạng ấy?… Bởi vì anh cũng là người đã trải qua những ngày khốc liệt nhất của chiến tranh… Và may mắn… mà sống sót được đến ngày hôm nay. Ivan trầm buồn nói.

– Anh đã hỏi về em nhiều! Nhưng sao anh chưa kể gì về anh? Lài hỏi lại.

– Vì chưa tới lúc!

– Thế thì… hôm nay anh thấy đã đến lúc chưa?

– Hôm nay chúng ta hãy picnic đã. Tiện tới đâu anh sẽ kể tới đó! Được không?

– Tùy anh!

– Em có biết vì sao họa sĩ Levitan chỉ vẽ tranh về mùa thu không? Ivan hỏi.

– Em cũng có biết sơ sơ. Không biết có đúng không? Mùa thu, nhất là mùa thu vàng ở Nga khiến người ta buồn ghê gớm. Mà Levitan bị thất tình thì phải. Họa sĩ là người Nga gốc Do Thái. Trước đó Levitan cũng rất thân với văn hào vĩ đại Nga Anton Chekhov. Chekhov định viết truyện ngắn Người đàn bà hay nhảy, Levitan đã khẩn khoản Chekhov đừng viết truyện ngắn này. Bởi cái Người đàn bà hay nhảy là người Levitan đang theo đuổi. Nhưng rồi Chekhov vẫn cứ viết. Thế là tình bạn giữa Lêvitan và Chekhov tan. Và cái người đàn bà hay nhảy đó cũng chia tay Levitan. Levitan vẽ tranh về mùa thu để gửi gắm tâm trạng buồn da diết của mình. Đấy câu chuyện về Levitan em biết là như vậy! Chẳng hiểu là chính xác được bao nhiêu phần trăm?

– Chắc không chính xác thì cái không đó sai số cũng chẳng bao nhiêu. Ivan đáp. Rồi Ivan nói gần như thì thầm. Nhà anh trước chiến tranh cũng có một bức tranh của Levitan. Đó là bức Mùa thu vàng rất nổi tiếng. Tất nhiên chỉ là tranh phiên bản, nhưng do một họa sĩ rất tài năng vẽ lại. Anh biết bố mẹ anh đã mua ở một cuộc triển lãm mỹ thuật với giá không hề rẻ, gần bằng giá một chiếc ô tô Volga.

– Em cũng đã được xem bức Mùa thu vàng cùng với bức Mùa thu nước dâng của danh họa tài ba này… Nhưng mà xem tranh in màu trên tạp chí Spunik do Liên Xô in và phát hành miễn phí ở miền Bắc Việt Nam, thời trước 1975. Mặc dù là tranh in, nhưng em cũng thấy buồn đến nao lòng.

– Được rồi! Hôm nào anh sẽ đưa em đến Bảo tàng Mỹ thuật để xem các bức tranh thật của Levitan… như là xem viên sĩ quan bạch vệ có đôi mắt xanh trong phim Người thứ 41 bằng xương bằng thịt ấy! Ivan hóm hỉnh nói và mỉm cười để lộ hai hàm răng hơi ngắn với những chiếc răng hơi nhỏ của những cư dân phía tây bắc Nga, nguồn nước vốn thiếu can xi.

– Hồi trước chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ, cánh thanh niên chúng em cứ tranh luận mãi với nhau là tại sao ở Việt Nam lại tạm cấm những Người thứ 41, Bài ca người línhKhi đàn sếu bay qua. Phe tán thành thì bảo cấm là đúng vì đó là phim xét lại. Riêng em thì bảo: “Cô Hồng quân dám bắn chết chàng sĩ quan bạch vệ là thể hiện lập trường cách mạng cứng rắn. Sao lại bảo là xét lại được”.

– Đấy là đoạn cuối của phim đạo diễn muốn làm cho có mùi mẫn thôi! Cái chính của phim nằm ở chỗ: giữa kẻ thù không đội trời chung với nhau, nhưng có những thời điểm vẫn sống hòa bình, thậm chí là yêu đương nhau tha thiết được. Thời kỳ đó chính là thời kỳ hậu chiến tranh thế giới thứ hai. Bởi vì với bom nguyên tử, nếu xảy ra chiến tranh thứ ba thì loài người sẽ đẩy thế giới đến bên bờ của sự diệt vong. Sẽ không có ai chiến thắng, thậm chí sẽ không có ai tồn tại được!

– Về luận điểm này, em thấy cái mác giáo sư của anh có vẻ… có lý đấy!

Hai bên cùng phá ra cười.

Cuộc dạo chơi trong rừng với đủ thứ chuyện tưởng như không đầu không cuối đó đã đến lúc dừng lại. Bởi chân đã mỏi, miệng thì khát và bụng bắt đầu đói. Ivan bảo:

– Chúng ta quay lại chỗ đỗ xe đi!

– Đồng ý!

Ivan mở cốp xe lấy ra một tấm bạt cuộn tròn cùng một chiếc xắc du lịch lớn. Lài nhanh nhẹn đỡ tấm bạt rồi trải lên nền cỏ đã bắt đầu hoe hoe vàng. Ivan bày ra la liệt các đồ ăn, thức uống gồm sữa tươi đóng gói hình củ ấu (mỗi củ chừng nửa lít), bánh mì gối, bơ, phó mát, thịt nguội hun khói… và hai chiếc phích kim loại chứa nước sôi (mỗi chiếc chừng 2,5 lít). Ivan xé một góc trên của củ ấu chứa sữa tươi đưa cho Lài và bảo: “Uống đi cho khỏi khát”. Lài cảm ơn và đỡ lấy. Uống sữa tươi xong Ivan dùng dao Inox thành thạo cắt bánh mì, phết bơ cùng phó mát rồi mời Lài ăn trước.

– Mùa này đã có táo rồi! Quên không mua – Ivannói giọng tiếc rẻ.

– Không sao! Chiều về mua! Lài đáp và hỏi. Cà phê chứ?

– Tất nhiên rồi!

– Để em mời anh uống thử cà phê Việt Nam xem sao nhé!

– Đồng ý thôi!

Lài quay lại xe, lấy cái xắc của mình lấy ra một lọ thủy tinh hình trụ lớn, nắp nhựa xanh, đậy rất chặt. Lài mở mãi không ra. Ivan đón lấy, đưa bàn tay phải với những ngón trắng hồng, dài và rất khỏe, khẽ xoay một cái chiếc nắp lọ đã bung ra. Mùi cà phê thơm ngào ngạt bốc ra. Ivan bảo:

– Đồ ăn, thức uống của Việt Nam… thứ gì cũng ngon và có hương vị đặc biệt thật.

Lài cười tủm tỉm, hai chiếc lúm đồng tiền lún xuống đẹp, duyên và hấp dẫn kỳ lạ.

– Chỉ có người Việt Nam xấu và thắp bé nhẹ cân thôi! Lài bảo.

– Như Lài đây còn cao, to và nặng hơn cô Anna ấy chứ!

Ivan cũng đùa lại.

– Thế Ivan đã cân chưa mà biết?

– Đưa mắt một cái là rõ ngay ấy mà!

Loại cà phê Lài mang sang là loại cà phê hòa tan. Lài lấy chiếc thìa lớn xúc vào hai cốc thủy tinh, mỗi cốc bốn muỗng, rồi đổ nước sôi, cho một chút đường kính vào. Mùi cà phê bốc lên ngào ngạt, mặc dù ở giữa đồng không, mông quạnh. Ivan nhấp thử một ngụm. Vị vừa đắng, vừa ngọt, lại ngầy ngậy nơi đầu lưỡi.

– Anh đã uống cà phê Brazil nhiều rồi! Nhưng vị không thể bằng cà phê này được!

– Anh không dùng ngôn ngữ ngoại giao đấy chứ? Lài hỏi lại.

– Không! Đây là sự thật mà! Ivan thành thực đáp.

– Cà phê này, ai nghiện thuốc lá, vừa hút vừa uống thì còn thấy tuyệt hơn nữa!

– Tiếc quá! Anh không biết hút thuốc!

Khi hai người uống đến giọt cuối cùng rồi Lài mới cất tiếng hỏi:

– Anh có biết cà phê này gọi là cà phê gì không?

– Anh làm sao mà biết được?

– Việt Nam có cái tên ngồ ngộ là “cà phê cứt chồn!”

– Anh không hiểu? Thế là thế nào?

– Nó đơn giản như một cộng với một là hai ấy mà. Thế này nhé! Cà phê mọc ở vùng đất đỏ bazan Việt Nam như rừng. Và trong các khu rừng ấy có rất nhiều chồn, giống như sóc ở công viên này vậy. Khi quả cà phê chín, là chồn chọn những quả ngon nhất. Ăn xong, dạ dày chúng chỉ tiêu hóa được phần thịt của quả thôi. Còn hạt chúng thải ra theo đường phân. Những người trồng cà phê Việt Nam thu hoạch những hạt đó, rửa kỹ, rồi rang, xay. Kết quả có được loại cà phê hảo hạng, có một không hai trên thế giới này!

– Thật hay Lài đùa anh đấy!

– Thật mà!

Tự nhiên Lài thấy khuôn mặt trắng hồng của Ivan hơi tái dại đi! Cái yết hầu dưới cổ đang chạy lên, chạy xuống. Ivan như đang muốn tìm một cái gì đó, để nôn. Lài nhanh trí chợt hiểu ra. Bàn tay trái chỉ còn hai ngón đỡ sau lưng. Tay phải vuốt ngực. Vừa vuốt vừa nói:

– Em đùa anh đấy! Đùa thật mà!

– Thế mà em làm anh sợ… đến chết khiếp!

– Con chồn chỉ ăn phần thịt của quả cà phê. Còn hạt thì nhổ xuống… Chứ không phải thải ra… theo đường tiêu hóa đâu? Lài thanh minh rối rít.

– Cho anh một cốc trà đen! Ivan yêu cầu.

– Có ngay! Lài nhanh nhẹn thực thi nhiệm vụ. Sau khi uống trà xong, Ivan đậy chiếc nắp nhựa xanh lại thật chặt và bảo:

– Lần đầu tiên… và cũng là lần cuối cùng!

– Em đã làm hỏng cuộc đi chơi hôm nay phải không?

– Không! Anh chỉ ghê ghê món cà phê này thôi!

– Giờ chúng ta về chứ?

– Về là về thế nào?… Anh còn muốn hỏi em nhiều chuyện mà! Ivan nói – Em thích dựng lều… hay nằm không cho thoáng!

– Có lều vẫn… thích hơn! Lài đáp.

– Em nhìn xem! Xung quanh đây, mọi người có ai dựng lều đâu?

– Em là người Việt Nam mà!

– Dựng lều cũng được! Ivan nói rồi trở lại cốp xe. Lài theo sau cùng phụ giúp với Ivan. Loáng một cái lều đã được dựng lên. Hai tấm đệm cũng đã được lót trên tấm bạt. Tuy nhiên cửa lều đã được vén cao.

– Em có cảm giác gần giống như nằm trong hầm kèo… thời chiến tranh phá hoại bằng không quân với Mỹ. Khi cả hai đã ngả lưng xuống nệm, Lài đột ngột thốt lên.

– Phải rồi! Chiến tranh đã lùi xa!… Nhưng ký ức về nó… đối với những người đã trải qua thì… không bao giờ có thể quên được! Ivan thốt lên một câu cảm khái tự đáy lòng.

– Anh đã hỏi em rất nhiều rồi! Bây giờ thì anh phải kể về anh cho em nghe đấy nhé! Việt Nam có câu… thế nào nhỉ – dịch ra tiếng Nga khó quá! Đại thể là phải có đi… có lại mới hiểu được nhau.

– Được rồi! Anh sẽ kể… Chuyện của anh đơn giản lắm! Kể xong.. em phải tiếp tục kể cho anh nghe về em… đấy nhé!

– Sao anh biết là em… còn nhiều chuyện!

– Anh biết chứ! Những người đã trải qua chiến tranh… còn minh mẫn… họ như là có… giác quan thứ sáu ấy, linh cảm thấy… nhiều điều.

– Em đồng ý… Bây giờ thì đến lượt anh đi!

B.V.S.

Comments are closed.