Với tôi, Dương Tường trước hết là một người anh hồn hậu

Ý Nhi

Tôi gặp Dương Tường vào khoảng những năm 1983, 1984 khi ông dịch tác phẩm Cội rễ (hai tập, hơn 1000 trang) của Alex Haley cho nhà xuất bản Tác phẩm mới.

Ở Nhà xuất bản Tác phẩm mới, các thành viên Ban Giám đốc cũng như các biên tập viên đều là người viết. Chúng tôi quen biết hầu khắp các cộng tác viên của mình. Vì vậy, các nhà văn đến, thường gặp gỡ, trò chuyện vui vẻ với mọi người, hết phòng ban này sang phòng ban khác.

Riêng Dương Tường, chỉ đến gặp Ban Văn học nước ngoài rồi về.

Không hiểu do bản tính rụt rè hay ông có điều chi ngại ngùng.

Nhìn ông, tôi tự hỏi, làm sao ông dịch giả gầy yếu, đeo kính cận dày cộp ấy đủ sức ngồi dịch hàng ngàn trang sách về cuộc tìm kiếm cội nguồn đầy gian truân của những người Mỹ gốc Phi.

Một sáng nọ, tôi đến, vừa lúc ông ra về. Hai anh em chạm mặt nhau ngay chỗ để xe đạp. Tôi nhớ, trong lần sơ giao ấy, tôi đã hỏi ông nghĩ sao về phong cách dịch các tác phẩm văn học, đặc biệt là các tác phẩm của Antoine de Saint-Exupéry của Bùi Giáng. Tôi không còn nhớ câu trả lời của ông, chỉ nhớ, ông có một lối nói không được trôi chảy, hơi lập bập. Và cũng nhớ, tôi nói nhiều hơn ông.

Dương Tường nói ít. Và nói rất nhỏ nhẹ.

Dù vậy, sau lần đó, mỗi khi đến nhà xuất bản, ông ghé lại chỗ tôi chốc lát, trò chuyện dăm ba câu.

Ít lâu sau, ông rủ tôi qua nhà xuất bản Ngoại văn, gặp Phương Quỳnh. Thú thực, tôi có phần sững sờ trước vẻ xinh đẹp, nền nã, sang trọng của Quỳnh.

Dương Tường, Đào Hùng, Phương Quỳnh và Kim Tâm quen thân nhau từ trước, nay có thêm tôi. Chúng tôi thành một nhóm.

Cái nhóm nhỏ này lúc thì tụ tập ở nhà Phương Quỳnh (79 Tuệ Tĩnh), lúc ở nhà tôi (trong khu tập thể Nguyễn Công Trứ), khi ở nhà Kim Tâm (phố Hàng Bột), cũng có khi đến 3c Phan Huy Chú, nhà Dương Tường. Mấy anh em thân nhau, chia sẻ với nhau không chỉ chuyện văn chương chữ nghĩa mà cả chuyện gia đình, chuyện cơm áo gạo tiền. Hồi đó, một cân đường, một chai mắm, một gói mì chính đã là một món quà lớn.

Khi ai trong nhóm rủng rỉnh một chút, thế nào cũng kéo nhau đi ăn bánh trôi Tàu Lương Văn Can hay ăn phở Nguyễn Du, phở Phan Chu Trinh. Phương Quỳnh và Kim Tâm là những người phụ nữ Hà Nội giỏi giang, khéo léo. Nhờ vậy, thi thoảng cả nhóm được thưởng thức bún chả, bún ốc, bánh gối… ở nhà các nàng. Những lúc như vậy, Đào Hùng thường pha trò, cười đùa, ca hát, còn Dương Tường chỉ im lặng, lắng nghe mọi người. thi thoảng cười góp, thật nhỏ nhẹ.

Có cảm giác, ông luôn nén lại một điều gì trong lòng.

Dương Tường rất chiều các cô em trong nhóm. Lần nọ, một cô trong nhóm gặp chuyện rắc rối tình cảm. Hồi đó còn trẻ, chúng tôi muốn gặp nhân vật kia để nói chuyện cho “ra ngô ra khoai” mà không biết làm cách nào. Thế là ông anh của chúng tôi nhận đứng ra tổ chức cuộc “gặp mặt” tại nhà ông. Chúng tôi đến sớm, chuẩn bị cả lý lẽ và lời lẽ, thế mà khi nhân vật kia bước vào, cả bọn bỗng im bặt, ngượng nghịu. May mà Đào Hùng vụt đứng lên, đọc lời tuyên án. Được thể, cả bọn nói một phen cho… hả dạ (hả dạ cho mình thôi chứ nhân vật kia đâu có hề hấn gì và nghe đâu ông ấy cũng chả buồn trách cứ Dương Tường). Sau này, khi nhắc lại chuyện, cả bọn đều nhận ra sự ngây ngô của mình nhưng chẳng ai quên sự “chiều chuộng” lũ em ngây ngô ngày ấy của Dương Tường.

(Viết tới đây, tự nhiên nhớ vài câu chuyện “rất Dương Tường” mà tôi từng nghe, mà câu chuyện sau đây là một trong những. Chuyện kể, ông yêu quý một người phụ nữ xinh đẹp, tài hoa nhưng mãi vẫn chưa thể thổ lộ. Giữa lúc ấy thì một người bạn của ông nhờ ông đem thư tỏ tình đến người phụ nữ kia. Dương Tường vui vẻ nhận lời. Và rồi, ông thành người xe duyên cho họ, đưa thư qua từ lại cho hai người. Hai người kia nên vợ nên chồng, hạnh phúc bên nhau và mãi mãi không biết đến nỗi đau của Dương Tường. Ông tiếp tục là người bạn của họ, đôi lần lại còn giúp họ “hòa giải” khi họ xảy ra xích mích này kia.)

Nhưng vui nhất vẫn là khi được Dương Tường tặng sách. Hồi đó, không hiểu sao sách in ra với số lượng lớn mà việc mua sách vẫn vô cùng khó khăn. Mua sách phải có phiếu mà có phiếu không chắc đã mua được. Chúng tôi thèm sách đến độ đôi khi phải bắt quen, phải lấy lòng các nhân viên quầy sách.

Vậy mà, không những cho chúng tôi các ấn bản do Dương Tường dịch, ông còn tìm cho chúng tôi những sách hiếm. Thói quen tặng sách cho tôi, ông vẫn duy trì cho mãi đến gần đây, sau rất nhiều năm xa cách.

Từ ngày chuyển vào Sài Gòn, tôi rất ít có dịp gặp ông, lại thấy ông anh của mình đã “vui trở lại” với bao nhiêu thành tựu mới, bao nhiêu bạn bè mới nên tôi cũng cảm thấy an lòng.

Lần sau cùng tôi gặp ông là tháng 11 năm 2015, dịp tôi ra Hà Nội nhận giải thưởng Cikada. Ngoài những bạn bè đồng nghiệp cùng trang lứa, tôi mời hai người anh thân thiết là Phạm Toàn và Dương Tường. Hai ông đến sớm, dự suốt buổi lễ, vui vẻ trò chuyện với mọi người, Tây, Ta đủ cả. Sau khi xong phần lễ, tôi mới có dịp gặp và nói lời cảm ơn. Sợ hai ông mệt, tôi nói: Các anh về nghỉ đi. Nghe vậy, Phạm Toàn cười rất tươi: Thế anh về nhé. Dương Tường rủ rỉ: Anh về đây. Vẫn là Phạm Toàn ấy, Dương Tường ấy.

Một người bạn đã gửi cho tôi bức ảnh chụp ba anh em buổi đó, có thêm dịch giả Thúy Toàn bên cạnh.

IMG_3727

 

***

Có lần, Dương Tường khoe với tôi, giọng tiếc nuối: Nếu báo Nhân Văn in thêm một số nữa (trước khi đình bản) thì ông sẽ có một chùm thơ ở đó. Tôi nghĩ bụng: Dương Tường ơi là Dương Tường. Ông mà in chùm thơ đó thì không biết điều gì sẽ xảy ra với ông. Sao ông lại có thể giữ được sự ngây thơ, trong trẻo nhường ấy, sau tất cả.

Một sự miễn nhiễm kỳ lạ.

Ông có một tình bạn bền bỉ với Văn Cao, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên…

Cho đến khi tôi quen biết Dương Tường, trong đời sống của xã hội miền Bắc, vẫn còn một sự cách biệt trong suy nghĩ, trong giao tiếp giữa những tên tuổi kia với mọi người. Mọi người e ngại khi tiếp xúc với họ và họ, ngược lại, cũng giữ một khoảng cách với những người xung quanh. Không phải ai cũng dám đến với họ và ngược lại, không phải ai cũng được họ tiếp đón.

Nhưng Dương Tường thì khác. Ông luôn được chào đón. Ông là một người thân của họ.

Ông đưa chúng tôi đến nhà họa sĩ Bùi Xuân Phái, họa sĩ Dương Bích Liên – những người bạn vong niên tài hoa và đang gặp nạn của ông. Cùng đi với Dương Tường, được Dương Tường “bảo lãnh” chúng tôi cũng nhận được sự đón nhận, sự tiếp đãi chân tình của Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên.

Đối với riêng tôi, đó là những hạnh ngộ, nhờ Dương Tường mà tôi có được. Trong bài viết về Dương Bích Liên: Rời thành phố vào sáng sớm, tôi đã phần nào bày tỏ được niềm yêu mến, kính trọng với hai họa sĩ Dương Bích Liên và Bùi Xuân Phái. Họ cũng là niềm cảm hứng cho thơ tôi với những bài thơ Họa sĩ, Dương Bích Liên, mùa đông 1988Đắc đạo (về Dương Bích Liên), Lời từ biệt Hà Nội Khóc bác Bùi Xuân Phái (về Bùi Xuân Phái).

Nếu không có Dương Tường, tôi làm sao có được những gặp gỡ vô giá này.

***

Anh Tường ơi,

Hôm nay, em ghi lại vài kỷ niệm nhỏ giữa anh em mình, như là nén hương của một đứa em gửi tới anh.

Em cầu mong hương linh anh được bình an, sau tất cả những gì đã trải qua trên cõi này.

Sài Gòn, 26/2/2023.

image_thumb[1]

Comments are closed.