Thư ngỏ trả lời Giáo sư Nguyễn Huệ Chi

(Phản hồi bài: “Nhận xét bài viết “Nguyễn Du và chuyến Bắc hành lần đầu – qua khảo sát một bài thơ cụ thể: Nhạc Vũ Mục mộ” của ông Mai An Nguyễn Anh Tuấn” của GS. Nguyễn Huệ Chi)

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

Trước hết, học trò xin bày tỏ sự tri ân và lòng cảm ơn sâu sắc đối với Giáo sư, bởi thầy đã nhận xét và phản biện một bài viết nhỏ của học trò – một kẻ nghiên cứu tay ngang dám “đánh trống qua cửa nhà Sấm” – bằng một bài viết dài, giúp học trò được sáng tỏ thêm một số điều về thân thế và sự nghiệp của Đại thi hào Nguyễn Du; đồng thời được học thêm bài học quý về phương pháp nghiên cứu văn học Cổ – Trung đại. Có điều, một vài người bạn của học trò coi GS. là thầy có cảm giác rằng: hình như GS đã bằng “quyền uy học thuật” muốn loại bỏ một khuynh hướng nghiên cứu “phi chính thống” – dù nó có khá nhiều công phu khảo cứu trong quá trình tiếp cận sự thật… Học trò không tin điều đó, nên mới có lá thư trả lời này.

Học trò đã đọc rất kỹ từng nhận xét của GS, và trong nỗi “kính sợ chữ nghĩa” xin được mạnh dạn trao đổi lại một vài điều cùng thầy. Đầu tiên, GS. khẳng định: “Căn cứ thứ nhất mới nghe hợp lý, nhưng thực tế chưa một ai đem đối chiếu thơ của một nhà thơ cụ thể như Nguyễn Du với tất cả thơ văn đi sứ của mọi nhà thơ trong thế kỷ XVIII. NAT nêu điều này là phi thực tế, hơn nữa lại nói như chính mình làm điều ấy càng phi thực tế, bởi đọc bài ông thấy ông không khảo hết các tập thơ dịch chữ Hán Nguyễn Du đã công bố, nếu đọc chắc ông phải đặt trọng tâm xem xét và trích dẫn vào bản dịch của Lê Thước và Trương Chính 1965 – ông có nói đến bản dịch này nhưng nói sơ qua, và có lẽ là gián tiếp, thông qua một bản in lại năm 2015 mà không dẫn ra những đoạn cần dẫn để làm tư liệu trao đổi – vì bản của Lê Thước và Trương Chính có kèm cả 150 trang khảo luận của GS Trương Chính, là một đóng góp khoa học quan trọng đầu tiên về tình trạng thơ chữ Hán Nguyễn Du hiện còn cũng như khảo sát con đường đi sứ của Nguyễn Du, trong đó có việc sắp xếp thơ đi sứ của hai ông dựa theo bản Bắc hành tạp lục A.1494, “cách sắp xếp các bài trong bản chép tay này đã ổn”. Qua việc sắp xếp đó ta cũng biết trên con đường đi sứ, sứ bộ Nguyễn Du có gặp một trận lụt lớn và đã phải chuyển sang một con đường khác để tránh lũ lụt. Cho thấy, nếu NAT đã đọc vào bản này hẳn sẽ không có một phát ngôn vừa chung chung vừa có vẻ to tát: “[…] tôi nhận thấy có nhiều bài trong hai tập đó viết về những địa danh lịch sử, những nhân vật lịch sử Trung Quốc lại không hề nằm trên lộ trình Bắc sứ quen thuộc mà một số vị sứ thần nước ta thời Nguyễn Du như Lê Quý Đôn, Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Huy Oánh, Đoàn Nguyễn Tuấn đã mô tả tỷ mỷ nơi chốn, hành trạng của các sứ đoàn, vẽ cả bản đồ, như “Hoàng hoa sứ trình đồ” và nhật ký hành trình “Phụng sứ Yên Kinh tổng ca” của ông Nguyễn Huy Oánh, như tập ghi chép dày dặn “Bắc sứ thông lục” của ông Lê Quý Đôn”. Một nhà khoa học nghiêm chỉnh không thể nói theo cách không cần có chứng minh như mấy lời này.”

Thưa GS, điều thầy nói: “thực tế chưa một ai đem đối chiếu thơ của một nhà thơ cụ thể như Nguyễn Du với tất cả thơ văn đi sứ của mọi nhà thơ trong thế kỷ XVIII”, bởi đó là một công trình văn học lớn nhiều nhà nghiên cứu mới làm nổi, trong hiện tại thì quả là một điều “phi thực tế” đối với cả một nền nghiên cứu! Còn học trò thì cho rằng điều đó không cần thiết trong trường hợp này, và chỉ dám nêu ra nhận xét trên, sau khi đọc “Phụng sứ Yên Kinh tổng ca” của ông Nguyễn Huy Oánh và tập ghi chép “Bắc sứ thông lục” của ông Lê Quý Đôn, và đã nghiền ngẫm khá kỹ toàn bộ ba tập thơ chữ Hán Thanh hiên thi tập, Nam trung tạp ngâmBắc hành tạp lục, chứ không phải như GS. nói là: “không khảo hết các tập thơ dịch chữ Hán Nguyễn Du đã công bố”!

GS. có nhắc đến “bản của Lê Thước và Trương Chính có kèm cả 150 trang khảo luận của GS. Trương Chính, là một đóng góp khoa học quan trọng đầu tiên về tình trạng thơ chữ Hán Nguyễn Du hiện còn cũng như khảo sát con đường đi sứ của Nguyễn Du, trong đó có việc sắp xếp thơ đi sứ của hai ông dựa theo bản Bắc hành tạp lục A.1494, “cách sắp xếp các bài trong bản chép tay này đã ổn”. Nhưng trong “Lời giới thiệu” của ông Trương Chính ở bản in “Thơ chữ Hán Nguyễn Du” năm 2012 (in lại theo bản 1965, Nxb Văn học), thì Nam trung tạp ngâm Bắc hành tạp lục “cách sắp sếp các bài đã tương đối ổn, không nên đụng chạm đến nữa” (tr.14 sách trên, học trò nhấn mạnh), còn Thanh hiên thi tập thì “trích lục rất lộn xộn, không theo một thứ tự nào” (tr.15). Thưa GS, ông Trương Chính bảo từ năm 1965 rằng: “các bài đã tương đối ổn, không nên đụng chạm đến nữa”, là vì lúc đó còn nhiều vấn đề lớn khác trong đời sống và trong nghiên cứu văn học cần quan tâm, nhưng không có nghĩa là: với những điều mới chỉ là “tương đối ổn“ thì “không có quyền tiếp tục bàn đến nữa”! Như vậy, nhà nghiên cứu Trương Chính đâu có đưa ra thông điệp rằng: cần khép lại vĩnh viễn vấn đề sắp xếp (và xác định thời điểm ra đời) các bài thơ mà các ông (Trương Chính, Lê Thước) đã tạm thời chấp nhận; rồi còn cả một thực tế là: sự “trích lục rất lộn xộn, không theo một thứ tự nào” của Thanh hiên thi tập nữa! GS. viết: “Qua việc sắp xếp đó ta cũng biết trên con đường đi sứ, sứ bộ Nguyễn Du có gặp một trận lụt lớn và đã phải chuyển sang một con đường khác để tránh lũ lụt”, thì điều đó sứ trình của sứ bộ Nguyễn Du đã nói rõ, song đã không thể lý giải vì sao có hàng loạt bài thơ nói về những địa danh – cảnh vật không nằm trên “con đường khác để tránh lũ lụt” nọ… Bởi vậy, thưa GS, học trò đã cố gắng không dẫm vào vết mà thầy cảnh báo: “Một nhà khoa học nghiêm chỉnh không thể nói theo cách không cần có chứng minh như mấy lời này”, mà đã chịu khó đọc kỹ, thậm chí rất kỹ thơ chữ Hán cụ Nguyễn Du cùng một số tư liệu lịch sử & địa lý (như về các nhân vật Nguyễn Đại Lang, Dương Quý Phi, Nhạc Vũ Mục, Tần Cối, Khuất Nguyên, Tống Ngọc, Giả Nghị, v.v, về vùng Hồ Nam, Giang Nam, v.v) để viết đôi bài cảm thụ, khảo sát nhằm góp phần minh chứng cho cái giả thiết về “chặng Bắc hành” lần đầu của Nguyễn Du (Trong số 9 bài của học trò viết về thơ chữ Hán Nguyễn Du đã đăng tải trên vanviet.info).

GS. viết: “Việc dẫn Phạm Trọng Chánh (PTC) như trong NAT cũng là một sự cả tin khiến người nghiên cứu có thể nghi ngờ”. Thưa GS, quả là học trò bị “oan” khi mang tiếng là “cả tin” ông Phạm Trọng Chánh. Thực ra, học trò đã nhiều lần “nghi ngờ” những phát hiện của ông ta, bởi cũng là một người viết nghiên cứu tay ngang nên sự nghi ngờ đó – trên cơ sở phán xét của các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp về “ông tay ngang” PTC lại càng có điều kiện nảy nở. Vì nghi ngờ, nên đã chịu khó đọc lại, đọc kỹ nhiều lần những bài thơ mà theo ông PTC, Nguyễn Du đã viết thời đi giang hồ, rồi tự mình tìm tòi, thống kê ra thêm được hàng chục bài khác nữa có các địa danh không nằm trên chặng đường Bắc sứ, rồi chịu khó, với năng lực hạn chế của một giáo viên văn cũ, “điếc không sợ súng” để viết bình giải một loạt bài trong số đó làm luận cứ khảo sát, suy luận. Ví như bài “Mạn hứng 2”: Hành cước vô căn nhiệm chuyển bồng/ Giang Nam, Giang Bắc nhất nang không/ Bách niên cùng tử văn chương lý/ Lục xích phù sinh thiên địa trung/ Vạn lý hoàng quan tương mộ cảnh/ Nhất đầu bạch phát tản tây phong/ Vô cùng kim cổ thương tâm xứ/ Y cựu thanh sơn tịch chiếu hồng – Chân mặc sức chuyển rời như như ngọn cỏ bồng không bén rễ. Hết phía nam sông đến phía bắc sông, một chiếc túi rỗng không. Cuộc đời trăm năm chết xác trong chốn văn chương. Tấm thân côi cút sống trôi nổi giữa vòng trời đất. Đội mũ vàng qua muôn dặm trong cảnh chiều tà, Một mái đầu bạc bay tung trước gió tây. Chỗ đau lòng vô hạn từ xưa đến nay. Non xanh vẫn như cũ, rực hồng dưới ánh chiều sắp tắt (Giang Nam: vùng phía Nam sông Trường Giang (Dương Tử) Thượng Hải, Giang Tô, An Huy. Giang Bắc: vùng phía Bắc sông Dương Tử). Nguyễn Du với biệt danh nhà sư Chí Hiên, đi giang hồ Muôn dặm mũ vàng chiều nắng xế, với áo mũ nhà sư trong thời gian ba năm: 1788, 1789,1790. Các ông Lê Thước – Trương Chính trong “Thơ Chữ Hán Nguyễn Du”, phần Thanh Hiên thi tập chú thích rằng: “mũ vàng, tức mũ người đạo sĩ” (tr.58), và trong sách Nguyễn Du toàn tập (Tập 2, Nxb Văn học 2015) các ông Mai Quốc Liên – Vũ Tuân Sán cũng giải thích: “Hoàng quan” là mũ đạo sĩ”. Nhưng từ xưa tới nay, đạo sĩ phải mặc áo trắng, đội mũ trắng, còn nhà sư thì mặc áo vàng, đội mũ vàng, hay mũ nâu – như mọi sách truyện, phim ảnh của Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông đều miêu tả như thế. Đã là nhà sư đi nhờ các thuyền buôn (Hết ở ăn nhờ biển đến sông) thì không ai nỡ lấy tiền, lại được cúng dường món chay; hành trang trong túi vải (nhất nang không) chỉ là bộ kim châm cứu, vài thứ thuốc Nam, và quyển “Kinh Kim Cương Chú Giải” của Lê Quý Đôn – quyển sách mà giới sĩ phu Bắc Hà thời bấy giờ yêu chuộng (Tôi đọc kinh Kim Cương nghìn lượt. Phân Kinh Thạch Đài). Khi thương thuyền có người đau ốm, hay việc trắc trở qua ghềnh thác, chủ thuyền nhờ nhà sư làm lễ tụng cho bài kinh cầu an; khi thấy họ mua hàng thì làm theo các nhà sư ở Trung Quốc, cũng làm lễ rảy nước cành dương cho mua may bán đắt… Nếu nhớ rằng, với cả truyền thống Nho – Y – Lý – Số sâu dày mà Nguyễn Du đã tiếp thu, cùng bậc tổ phụ vốn là bậc danh y, thì việc kiếm sống của một người trẻ tuổi ưa giang hồ/ buộc phải giang hồ ở Trung Hoa như ông đâu phải là chuyện khó khăn gì? Còn ngôn ngữ giao dịch thì có thể bằng “bút đàm” Hán ngữ, và ai dám đoan chắc rằng Nguyễn Du không nói được tiếng Trung – khi có người anh kết nghĩa là Nguyễn Đại Lang (Nguyễn Đăng Tiến, Cai Già) quê ở Việt Đông (Quảng Đông) từ lúc nhà thơ còn nhỏ, lại được ông ta truyền dạy võ nghệ (theo các sách Lê Quý kỷ sự, Lịch Triều Tạp kỷ, Hoàng Lê nhất thống chí)? Và cũng nhờ biết và thậm chí thông thạo tiếng Trung, nên sau này Nguyễn Du mới được triều đình cử ra tiếp sứ đoàn của Trung Quốc sang phong vương năm 1803-1804… Những điều này chắc có thể giải đáp phần nào thắc mắc của thầy: “Muốn giải quyết được việc chuyển từ hệ quy chiếu địa-văn hóa Việt Nam sang địa-văn hóa Trung Quốc, ông Chánh phải làm một việc không tài nào làm nổi, đó là giải đáp cho được hai câu hỏi: (1). Điều kiện tài chính của chuyến “hành trình giang hồ” của Nguyễn Du trong tình thế nhà họ Nguyễn Tiên Điền đang suy thoái từ “quan sang” xuống đất đen (bần đáo cốt); và (2). Điều kiện giao tiếp thiết yếu đối với nhóm xuất ngoại trong tư cách giang hồ trên đất Trung Quốc hàng ngày (vì ngôn ngữ bất thông)”.

Quan điểm khái quát của ông PTC là: “Tập thơ Bắc Hành tạp lục, Nguyễn Du không dùng chữ Hoa trình, hay sứ trình, hành trình đi sứ như các tập thơ các danh sĩ khác mà dùng chữ tạp lục. Ghi chép lẫn lộn những bài thơ làm lúc đi du hành ở xứ Bắc. Chữ Tạp lục đủ nói lên việc đi qua các thắng cảnh phía Bắc, nước Trung Hoa nhiều lần. Số lượng 132 bài thơ trong một năm đi sứ, khá nhiều so với các nhà thơ khác. Tôi đặt từng bài vào không gian và thời gian để xác định những bài thơ đó viết khoảng năm 1787-1790 hay 1813-1814… Hành trình đi sứ Nguyễn Du tôi dựa vào bản tấu trình của Nguyễn Du lên triều đình, đưa từng bài thơ Nguyễn Du vào hành trình và bổ túc những chi tiết bằng sự mô tả nơi chốn của các sứ thần gần thời với Nguyễn Du: Nguyễn Tông Khuê, Lê Quý Đôn, Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích, Đoàn Nguyễn Tuấn, Ngô Thời Vị… Còn lại những bài thơ không phù hợp với các chi tiết, tôi phân tích xác định: những bài thơ Nguyễn Du du hành năm 1787-1790 lúc còn thanh niên”. Và ông PTC đã xác định có 24 bài ở Bắc hành tạp lục và 7 bài ở Thanh Hiên thi tập theo ông, Nguyễn Du viết trong thời kỳ “Thập tải phong trần” thời trẻ (Xin GS. tham khảo một loạt bài trên: http://chimviet.free.fr/tacgia/phamtrongchanh.htm).

Còn học trò (và nhà nghiên cứu Lê Khắc Huy) đi theo hướng phát hiện của ông PTC một cách có cân nhắc, lựa chọn, phân tích, thì đã xác định thêm được 15 bài ở Thanh Hiên thi tập và 16 bài ở Bắc hành tạp lục mà Nguyễn Du đã viết trong giai đoạn 1787-1790! (Lê Khắc Huy, Nguyễn Du những câu hỏi thời đại. Nxb Hội nhà văn, 2021).

Riêng học trò thì đã khảo sát khá kỹ một số bài thơ của Nguyễn Du trong giai đoạn này – trong đó có bài viết đề cập tới luận điểm của TS. Nhật Nohira Munehiro mà thầy bênh vực. Từ điển Thiều Chửu giải nghĩa “trướng vọng” (悵 望) là “buồn rầu trông xa”, và theo Nohira Munehiro: “Đứng xa nhìn nên mới nói ‘vọng’… Ở ngay Lâm An thì không thể nói “trướng vọng Lâm An” được, không tự nhiên. Chữ Hán “vọng” có nghĩa: từ xa mà nhìn, nên có lẽ phải ở cách xa Lâm An, theo bài thơ này thì là ở Hà Nam, tác giả mới nói là “trướng vọng Lâm An” được”. Nhưng theo học trò, và được không ít người ủng hộ thì: “Trướng vọng” ở đây là nhìn vọng buồn bã về kinh đô cũ Lâm An, không phải là cái nhìn địa lý mà là cái nhìn về quá khứ lịch sử đau thương! (Hơn nữa, nói riêng về Địa lý thì có khoảng cách tới vài chục cây số!). Theo học trò, điều này phù hợp với quy luật tâm lý (cả xưa kia, lẫn hiện tại), hoàn toàn đúng với trường hợp câu thơ viết về Đỗ Phủ – ngay tại Lỗ Dương nhìn về quá khứ lịch sử ở Lỗi Dương: “Trướng vọng Lỗi Dương nhật mộ vân”, và học trò cho rằng không có gì đi “ngược với quy tắc khoa học của Hán ngữ” cả – như GS. nói! Thái độ của học trò trong trường hợp này là đúng mực, tôn trọng nhà nghiên cứu: “Đó là một ý kiến cũng đáng chú ý; song vì chưa tận mắt nhìn thấy tượng sắt vợ chồng Tần Cối mà trang mạng đã xác nhận (bản thân Nohira Munehiro cũng chưa đến đó, cũng chưa được nhìn thấy dù là qua ảnh), nên tôi tạm đồng tình với ý kiến của ông Phạm Trọng Chánh, và chờ thời cơ có dịp đến Thang Âm, tỉnh Hà Nam để mục sở thị và chiêm ngưỡng tượng vợ chồng gian thần” (http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/nguyen-du-v-chuyen-bac-hnh-lan-dau-qua-khao-st-mot-bi-tho-cu-the-nhac-vu-muc-mo/).

Phần cuối bài viết, GS. đã khuyên học trò thực chí lý và chân tình: “Phần dịch và bình bài thơ Nhạc Vũ Mục mộ tôi không dám bàn. Ông có phác vẽ giùm ta tư thế lẫm liệt ái quốc trung quân của Nhạc Phi trong bài thơ và tình cảnh thê thảm của nước Nam Tống sau khi Nhạc Phi bị hãm hại. Tôi chỉ nghĩ rằng, để cho phần này thật sự gắn bó với mục tiêu sử dụng bài thơ như một bằng chứng cho giả thuyết phi chính thống của các ông, thì vẫn nên bình giải nó theo hướng tìm từ khóa nhằm làm ngữ liệu đối chứng giữa hai chùm thơ trong hai cuộc hành trình. Muốn thế, bên cạnh việc bình giải, tác giả cũng cần tìm thêm một bài thơ có chủ đề tương tự, đặc biệt là đích xác thuộc chùm bài sáng tác trong chuyến Bắc hành 1813, từ đó chọn lọc những cặp từ đối trọng, đối ứng có thể giúp đặt ra nhiều đối sánh cụ thể, soi sáng được chỗ khác biệt có tính cách đặc trưng giữa hai thời kỳ khác biệt trong cuộc đời nhà thơ. Đó là điều quan trọng cần làm vì may ra có thể làm sáng tỏ sự tồn tại có thực của hai chuyến đi của cùng một con người ở vào hai lứa tuổi khác nhau, cũng là hai cách nhìn đời, hai trạng thái tình cảm-tâm lý, sự từng trải khác hẳn nhau, trên cùng một môi trường địa-văn hóa là con đường sang Trung Quốc giàu điển tích văn chương cho nhà nho xúc cảm…”.

Thưa GS, trong bài viết nhỏ của học trò vinh dự được thầy phản biện, thực ra đã có hai sự “đối trọng”, “đối xứng”: a). Học trò sau khi phân tích bài thơ Nhạc Vũ Mục mộ mà theo ý riêng là Nguyễn Du viết trong thời giang hồ, đã so sánh với bài thơ cũng viết về Nhạc Phi vào giai đoạn ông đi sứ (Yển Thành Nhạc Vũ Mục ban sư xứ – 1813). Nếu tạm so sánh cái hình ảnh cây tùng cây bách vẫn hiên ngang ngạo nghễ trước gió bão đầy bi tráng khiến thi hào thời trẻ dường nhòa lệ khiến ông nhớ tới những dòng thơ bi phẫn của Nhạc Phi (Giang hồ xứ xứ không Nam Quốc/ Tùng bách tranh tranh ngạo Bắc phong – Sông hồ còn đó, nhưng anh hùng mất rồi, nước Nam Tống rỗng không), với sự trầm tĩnh của Nguyễn Du sau này khi là một vị quan sứ thì có thể thấy rõ một sự đúc kết, đánh giá lịch sử ở tầm khái quát: Đương thời tằng trú Nhạc gia quân/ Thử địa kinh kim hữu chiến trần/ Đại tướng không hoài bang quốc sỉ/ Quân vương dĩ tuyệt phụ huynh thân/ Kim bài thập nhị hữu di hận/ Thiết kỵ tam thiên không mộ vân/ Huyết chiến thập niên thành để sự/ Phong Ba Đình hạ tạ Kim Nhân.

“Yển Thành nơi Nhạc Vũ Mục rút quân”

Nơi Nhạc gia quân từng lập doanh

Bao đời ngập ngụa bụi chiến tranh

Đại soái đau lòng mang quốc nhục

Vua nhà quên cả nghĩa cha anh

Một tá kim bài, thiên cổ hận

Ba ngàn thiết kỵ bỏ biên thành

Huyết chiến mười năm không thành việc

Bó tay chết giữa Phong Ba đình! (Đỗ Trung Lai dịch thơ).

b). Và trước khi khảo sát Nhạc Vũ Mục mộ nhân vật lịch sử ở Đền Nhạc Phi, Hàng Châu, học trò đã khảo sát tới 4 bài thơ Nguyễn Du viết về hai nhân vật phản diện bị đúc tượng sắt quỳ tại đó: Tần Cối và Vương Thị, theo phương pháp “chồng văn bản” của nhà phê bình tâm lý Charles Mauron nằm thể hiện điều này: sự nặng nề đen tối toát ra từ hình tượng về các mộ tượng kỳ dị kia lại có tác dụng làm nổi bật lên các điểm sáng trong nhân cách và võ công của Nhạc Phi mà qua cách miêu tả và bộc lộ cảm xúc, nhân vật lịch sử này được Nguyễn Du thời trẻ đã coi trọng, đánh giá cao không kém các nhân vật văn hóa – lịch sử khác như Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Văn Thiên Tường, Liêm Pha, Tỷ Can, Dự Nhượng, v.v.

Sau cùng, xin được nói thêm: nếu đã ngây thơ “cả tin” vào tất cả những “phát hiện” của ông PTC, học trò và một số người nghiên cứu nghiệp dư yêu Nguyễn Du đã không có nổi quyết tâm tiếp tục tìm thêm, đào sâu thêm sự thật từ những ý kiến ban đầu đó của ông ta, và cũng sẽ không có đủ nghị lực lẫn sự liều lĩnh tìm cách đi thực địa một chuyến dài ngày trên chính chặng Bắc hành lần đầu mà Đại thi hào đã từng đi trong thời tuổi trẻ đầy gian khổ – để bằng phim ảnh kết hợp chữ nghĩa khẳng định một Giả Thiết, góp phần giải một “nghi án” văn chương – lịch sử tồn đọng suốt gần thế kỷ nay, mà nếu học trò không dám làm thử thì rồi cũng sẽ có người khác làm…

Một lần nữa xin bày tỏ sự trân trọng cám ơn GS, đồng thời hy vọng GS. cùng các nhà Nguyễn Du học bậc thầy ủng hộ những người nghiên cứu tay ngang dám “đứng trên vai những người khổng lồ” và đi con đường “phi chính thống” như học trò trên con đường chữ nghĩa chông gai! Kính chúc GS. sức khỏe!

Comments are closed.