Anh Hoán

Truyện Lữ Quỳnh

Khi xe vượt qua trạm gác của quân cảnh để vào bến, tôi thò tay vào túi áo lấy sổ tay ra xem một lần nữa địa chỉ anh Hoán. Con số và tên đường đã nằm sẵn trong trí tôi, nhưng tôi vẫn không ngăn được thói quen máy móc của mình. Chiếc xe lắc lư tiến chậm rãi vào chỗ đậu giữa đám bụi mù hăng hăng mùi đất. Tôi đợi cho đám hành khách ngồi trước mình xuống hết, rồi mới thong thả cầm xắc tay xuống sau. Tôi gạt đám tài xế xe thồ, xe lam, xích lô đang chen khách, tiến tới một quán cóc gần đó. Tôi cần có ít phút để xếp đặt thời khắc biểu cho mình trong thời gian ngắn ngủi ở đây, dù cho chuyến đi này chẳng có gì quan trọng cả. Việc trước tiên có lẽ tôi sẽ tới thăm anh Hoán, sau đó sẽ tới ở lại chơi với Thung.

Tôi gọi một ly cà phê đá, lấy một gói thuốc, và hỏi vẩn vơ cô hàng về con đường mà tôi sắp tới. Cô hàng nói, con đường đó nhà rất ít nên ông rất dễ tìm. Tôi mỉm cười hình dung ra căn nhà của anh Hoán, tự hỏi không biết bây giờ những người ở đó còn ai nhận ra mình nữa không.

Nắng buổi chiều đậu trên những ngọn cây đầy bụi cho tôi một cảm giác hết sức khó chịu. Cảnh vật đó với thứ khí hậu oi ả không hợp với tôi chút nào, rồi nghĩ tháng này ở đây lẽ ra phải đang lạnh chứ. Tôi đứng dậy chào cô hàng, và theo ngón tay chỉ của cô, tôi tà tà đi tới nhà anh Hoán. Đường phố gập ghềnh những ổ gà, bụi và rác bám trên lề đường. Tôi nghĩ chút nữa sẽ đùa với anh Hoán về cái tỉnh của anh.

Tôi quan sát những ngôi nhà xinh xắn có cổng bằng gạch đỏ. Tôi đoán ra ngôi nhà anh một cách dễ dàng. Tôi tiến tới, ngừng lại nói với người lính gác mấy câu cần thiết, nhưng vì tôi là người khách hoàn toàn xa lạ với y, nên y phải gọi điện thoại vào nhà xin xác nhận, rồi mới lễ phép để tôi vào.

Tôi bước giữa hai đám cỏ xanh được cắt xén cẩn thận. Ngôi nhà với tường vôi màu vàng thẫm trông thật uy nghiêm. Những cánh cửa sổ màu nâu với rèm vải màu gạch. Tôi mỉm cười nghĩ đến anh Hoán thuở tôi còn nhỏ và anh mới ở trường Võ Bị ra được vài năm. Hồi đó anh đâu có nghĩ có một ngày anh làm lớn thế này. Tính tình thẳng thắn, hồn nhiên, nghịch ngợm của anh đâu phải là những tính cách của một người làm chính trị.

Tôi không bước vào cửa chính mà tiến vòng cửa sau, một thiếu nữ tôi đoán chừng là đứa con lớn của anh Hoán đang đứng ở cửa chào tôi và đưa tôi vào phòng khách. Tôi ngắm thiếu nữ đi nhẹ nhàng trước mình, không tránh nghĩ đến thời gian được. Thời gian là mầm sống, nhưng cũng là sự chết của con người. Đứa bé ngày nào trong một thời gian không gặp, đang là một thiếu nữ trước mặt.

Tôi đứng giữa phòng khách, chỉ tay vào thiếu nữ, hỏi tự nhiên:

– Có phải Nữ đấy không?

Thiếu nữ dạ nhỏ, tay cuốn tròn những sợi tóc trước ngực.

– Mời chú ngồi đợi ba cháu. Cháu đã điện thoại và có lẽ ba cháu cũng sắp về. Xin phép chú cháu đi lấy nước.

Thiếu nữ vào nhà sau. Còn một mình, tôi ngả người ra lưng ghế, nhìn lên những bức tranh và đồ trang trí chung quanh. Một chiếc đàn Tây Ban cầm treo khiêm nhường ở góc tường, gợi tôi nhớ đến những buổi chiều bên dòng sông Bồ, anh Hoán đã chơi đàn như người ta đánh trống. Những bản nhạc hùng tráng được anh ưa thích nhất. Không biết bây giờ anh có thì giờ và còn tâm hồn ngày xưa để chơi những bản nhạc như thế nữa không…

Thiếu nữ trở vào, đặt trước mặt tôi một ly nước cam vắt.

– Cám ơn Nữ, tôi nói và đưa tay chỉ lên cây đàn, anh Hoán có còn thường chơi đàn nữa không?

– Thưa chú, thỉnh thoảng thôi ạ. Ba cháu cứ bận rộn suốt ngày. Thỉnh thoảng ba cháu vẫn nhắc đến chú…

Tôi cười, chỉ ghế phía trước cho thiếu nữ:

– Nữ ngồi tự nhiên đi. Lần gặp trước Nữ bằng chừng này, tôi đưa tay ra dấu ngang tầm tay ghế dựa, lần gặp tiếp theo Nữ như vậy đó.

Thời gian kể cũng đáng khiếp thật!

– Cháu cũng nghe ba cháu nói về chú, nhất là lúc ba cháu còn ở ngoài mình. Ba cháu thường băn khoăn không biết chú đi đâu mà tuyệt tích giang hồ. Tí nữa gặp chú, chắc ba cháu ngạc nhiên và mừng lắm.

Có tiếng xe đỗ ngoài cửa. Tôi đoán biết anh Hoán đã về. Nữ đứng dậy reo lên:

– Ba cháu đã về rồi đấy!

Tôi cũng đứng dậy bước ra với Nữ. Anh Hoán mập trắng, già hẳn đi. Anh nhìn tôi một lúc mới ồ lên:

– À, chú Phan. Chú từ góc trời nào hiện tới thế? Bao nhiêu năm rồi nhỉ? Mười năm? Ồ mười năm. Chú tệ thật.

Tôi nói:

– Tôi đâu có tệ, anh. Tôi vẫn biết về anh mà.

– Làm sao chú biết được?

– Qua báo chí.

– Qua báo chí? Nếu chú biết theo kiểu đó thì coi như chú không biết gì về tôi cả…

Tôi biết anh Hoán hiểu lầm ý tôi, nhưng tôi chẳng nói gì. Anh bảo tôi thay đồ, ra phòng khách ngồi chơi đợi anh trong ít phút. Sực thấy Nữ đang đứng bên cạnh, anh hỏi:

– Lúc mới vào nhà, chú có nhận ra ngay cháu Nữ không?

– Cũng ngờ ngợ anh ạ, tôi nói, mới ngày nào còn vòi vĩnh làm nũng với chị đó, mà bây giờ…

Tôi trở vào phòng khách ngồi cởi giày. Anh Hoán bước vào theo, mở những nút áo lính một cách tự nhiên.

– Tối nay tôi có buổi họp, tuy nhiên có thể tới trễ được. Chú định ở lại chơi với tôi bao lâu?

Tôi nói:

– Xin anh chớ bận tâm. Tôi đến thăm anh một lúc rồi đi. Có người bạn cũng ở tỉnh này, tôi muốn gặp hắn.

– Tôi trông chú chẳng khác gì xưa cả. Cũng cái tính hờ hững ấy.

Tôi cười. Một lúc, tôi hỏi thăm anh về chị Hoán và mấy đứa nhỏ sau này. Anh cho biết, chị và chúng nó vừa ra ngoài mình thăm.

Giọng địa phương của anh làm tôi cảm thấy thân mật lạ lùng.

– Bây giờ chú kể cho tôi nghe chú đi đâu mà biệt tăm biệt tích như thế? Lâu rồi tôi có hỏi thăm chú, và cũng chỉ biết đại khái thôi.

– Tôi cũng quanh quẩn đó đây thôi anh ạ. Giữa thời buổi này không cần thấy, anh cũng biết quá rồi cái sinh hoạt của tụi tôi.

Anh Hoán cười. Anh cười như anh đã sẵn sàng nghe cái câu nói đó từ khuya. Anh làm như anh thông hiểu hết những ẩn ức của tuổi trẻ, nhưng vì ẩn ức đó không đi tới đâu, nên anh có hiểu cũng vậy thôi. Tôi không hài lòng thái độ đó. Tôi nói:

– Sống là thường xuyên giải quyết những vấn đề lúc nào cũng sẵn sàng có đó. Những vấn đề của tôi không rõ ràng. Vì dòng sống của tôi cùng quẫn, nhưng không phải vì thế mà chúng ta xem như không có vấn đề nào cả.

Anh Hoán vẫn cười điềm nhiên. Anh gọi người lính dọn cơm, bảo Nữ lấy rượu, rồi quay qua tôi:

– Chú cùng quẫn, chú khổ là do chú. Chú đã chọn những vấn đề phức tạp cho mình. Phải phân biệt những điều mình nghĩ và những điều mình làm. Tôi biết chú đang đòi hỏi gì. Trước một sự bi thảm, đói khát, khốn khổ, ai chẳng biết một cuộc vận động để chấm dứt những cái đó là hợp lý. Trong tình cảnh đó, tôi nghĩ như chú. Nhưng tôi chưa làm gì được, trong khi chú đã làm rồi chứ gì? Chú lên tiếng, chú vận động, nhưng sự vận động đó của chú sẽ đi tới đâu, có làm những người khác có cơm ăn không? Phải thực tế chú ạ…

– Anh mỉa mai tôi có phải không? Dĩ nhiên là tôi không thể đem cơm áo lại cho ai được. Nhưng không lẽ mọi người đều cam phận, chịu đựng hoàn cảnh khắc nghiệt của mình?

Anh Hoán cười. Tôi tưởng như tôi không thể nào làm anh giận được cả. Sự điềm tĩnh của anh Hoán, trong một phút giây nào đó đã làm tôi cảm thấy lao đao. Tôi nghi ngờ về sự chín chắn của mình, về những điều mình từng nghĩ ngợi. Anh Hoán đứng dậy, mời tôi ra phòng ăn.

Chiếc bàn trải khăn trắng với những chiếc ly thủy tinh trông thật ngon mắt. Bữa ăn chỉ gồm có tôi, anh Hoán và Nữ. Tôi ngồi vào ghế, nói với anh Hoán:

– Tôi vẫn nhớ đến sông Bồ mỗi lần nghĩ tới anh. Dòng sông quá đẹp. Vào mùa nắng, anh còn nhớ anh thường đỡ tôi ra cái cồn cát giữa dòng. Những bóng cây hai bên bờ thật mát, lại gặp mùa thanh trà… Sau này anh có hay về lại đó không?

– Rất ít, anh Hoán nói, cách đây vài năm tôi có nhìn con sông đó từ trực thăng. Cồn cát đã lớn và dài ra, trong khi dòng sông như hẹp lại. Cây cối hai bên bờ cháy nám. Những trái thanh trà chưa có dịp để ăn, nhưng tôi đã thấy đắng chát từ đáy cổ.

Tôi nghe nỗi ngậm ngùi trong giọng nói của anh Hoán. Tôi nhìn anh, khuôn mặt đầy ưu tư nghiêm nghị. Anh rót rượu chát vào ly tôi, trong khi Nữ loay hoay chọn những viên đá nhỏ cho vào ly còn lại.

– Khi nãy chú bảo chú biết tin tức tôi qua báo chí, tôi biết chú đã nghĩ không đúng về tôi. Phải ở vào vị trí của mỗi người, mới thấy cái sai lầm hợp lý, hoặc cái thành công gượng ép của họ.

Tôi cải chính:

– Anh lại hiểu sai ý tôi. Chính nhờ báo chí mà tôi biết anh dự trận Hạ Lào, rồi sau đó về nhận bàn giao ở tỉnh này. Còn những tin tức khác, anh cứ tin là tôi có thể hiểu như anh.

Anh Hoán xới cơm vào chén tôi. Anh nói:

– Thời buổi đầy rẫy sự hoài nghi. Chính cuộc sống này đã tạo sự cô đơn cho mỗi người. Không làm được gì hết. Sống, dè dặt. Làm việc, cầm chừng. Đừng xấu quá, và đừng tốt quá. Hễ quá tức là đổ. Chú hiểu ý tôi chứ?

Tôi mỉm cười, nhưng trí óc tôi đang bận nghĩ tới một chuyện khác. Tôi nhớ những điều buồn thảm trong một lá thư của người bạn vừa gửi cho tôi. Cảnh đói kém và đời sống cùng khổ đã xuất hiện từ lâu nay. Tôi nghĩ tới hoàn cảnh của Thung, hai năm trốn lính, thân thể mỏng dính như một tấm giấy, đang hiện diện trong căn nhà gỗ nào đó của thành phố này. Tôi nói:

– Những ngày còn nhỏ sống bên anh thật tuyệt. Nghe anh nhắc đến sông Bồ vừa rồi, chắc tôi không bao giờ còn có ý định về lại đó nữa. Dòng sông như tuổi trẻ. Tuổi trẻ của tôi có dòng sông là kỷ niệm cũng không còn. Anh có bao giờ đặt câu hỏi ai đã lấy mất tuổi trẻ của thế hệ tôi, ai biến dòng sông xưa thành đồng cỏ cháy? Thủ phạm quá mơ hồ phải không anh?

Anh Hoán cười, lại châm rượu vào ly. Tôi tự hỏi, tại sao anh cười, anh tự tại đến thế. Tôi cầm ly rượu bằng cả bàn tay. Tôi uống một hơi cạn. Nữ đứng dậy bật đèn. Tôi nhìn ra cửa sổ, bóng chiều đã phai nhạt trên những ngọn cây. Bóng Nữ gầy, xinh xắn, tươi mát như một trái cây vừa chín. Tôi nhớ câu nói đùa hơn mười năm trước của anh Hoán, lúc Nữ mới được năm sáu tuổi: Mày đừng lấy vợ sớm nhé, chờ ta gả con Nữ cho. Bây giờ Nữ như thế đó, hẳn cũng đã mười sáu mười bảy tuổi. Giá lúc này nhắc lại câu nói đùa đó, không biết anh Hoán có cười nổi không.

Nhìn những sợi tóc bạc lưa thưa, cùng những đường nhăn tuy nhỏ nhưng không giấu được nỗi ưu tư trên khuôn mặt anh, tôi hiểu tôi đã sai lầm khi khai mào câu chuyện. Lẽ ra tôi phải nói với anh về những chuyện khác. Mười năm xa nhau, thời gian quá đủ để có những câu chuyện tươi vui hơn, cớ sao tôi lại dẫn đưa câu chuyện vào cảnh buồn nản này.

Anh Hoán bảo tôi dùng thêm cơm, nhưng tôi cảm thấy đủ. Tôi nói:

– Cám ơn anh. Anh đã cho ăn một bữa cơm thật ngon.

Nữ mang trái cây tráng miệng.

– Sao Nữ không theo mẹ về thăm quê luôn? Tôi hỏi.

Nữ đặt những miếng cam trước tôi và anh Hoán:

– Ba cháu không cho theo đấy. Cháu cũng muốn về ngoài đó lắm, vì cháu chẳng còn nhớ chi hết.

Tôi quay qua anh Hoán.

– Anh vẫn thường nhận tin tức ngoài quê chứ? Tôi nghe ngoài đó dân chúng sống cơ cực lắm. Nhiều gia đình đã phải nấu cây xương rồng để ăn, một vài nơi chính quyền nghĩ tới nấu cháo phát chẩn cho dân chúng rồi đó.

Anh Hoán nói:

– Người ta bi thảm hóa lên đấy. Tôi nghĩ sau cuộc chiến tranh nào cũng xảy ra tình trạng như thế cả. Nền kinh tế hậu chiến nào cũng vậy cả. Rồi chú còn thấy cuộc sống đen hơn, có thể đi tới chỗ như chú vừa nói, chứ bây giờ cũng chưa đến nỗi nào.

Anh Hoán không tin điều tôi nói, nhưng điều tôi đã nói là sự thật.

– Tôi không biết ở địa vị anh, anh nghĩ gì trước hoàn cảnh đó?

Anh Hoán nhún vai:

– Nghĩ? Ý nghĩ thì bao giờ mà tôi chẳng giống chú. Nó khác cảm xúc, sự thất vọng, tôi nghĩ, giữa mọi người không khác nhau mấy trong cùng một hoàn cảnh. Nhưng ý chú muốn nói tôi ở vai trò có thể hành động được chứ gì? Chú mong hành động gì ở tôi? Tôi là tôi, nhưng tôi của một guồng máy nó khác chứ. Việc làm của tôi bị giới hạn. Tôi có thể giúp đỡ tạm thời chứ tôi làm sao tạo dựng lại tất cả cuộc đời được.

– Anh bất lực?

– Tôi không nghĩ thế. Trong phạm vi hoạt động của tôi, tôi làm đủ. Ngoài ra, dù ước muốn thế nào chúng ta cũng không thể thắng được cái quy luật tự nhiên sẵn có của nó. Khi còn chiến tranh, ước muốn và công lý đâu làm cho cuộc chiến ngừng lại. Thì bây giờ, dù cho hòa bình thật sự có chăng nữa, những nỗ lực nhân đạo cũng không thể chận đứng được nạn nghèo đói. Tiếp theo một cuộc chiến tranh, những gì phải xảy đến thật quá dễ dàng để biết…

Nghe anh Hoán nói, tôi quá thất vọng. Ở vị trí anh, anh đã nghĩ như thế, tất cả phải xảy ra một cách máy móc như thế. Anh Hoán đã coi thảm cảnh đó như những điều tất yếu của lịch sử, và anh đã sống được trong sự bình yên. Tôi thường ray rứt, để rồi cảm thấy bế tắc. Những người dân tiếp tục sống cam phận trong hoàn cảnh khắc nghiệt. Tất cả đều cam phận, tự thấy mình đứng ngoài lề cuộc đời của nhau. Tôi nhận thấy không còn gì để nói với anh Hoán nữa cả.

Nữ pha cho tôi một tách cà phê và anh Hoán một tách trà chanh nóng. Anh bưng tách lên, đứng dậy rủ tôi trở lại phòng khách. Anh nói:

– Chú phải ở lại với tôi vài hôm. Tôi chưa hỏi thăm chú hết chuyện mà.

Tôi nghĩ đến Thung, với những tháng ngày cùng quẫn của hắn. Hắn cũng như tôi, những kẻ đã bị thiệt thòi trong chiến tranh, và còn tiếp tục chịu thiệt thòi trong hòa bình nữa. Chiến tranh đã làm giảm thọ chúng tôi gần hết cả cuộc đời. Tôi nói:

– Cám ơn anh lắm, nhưng tôi phải xin phép anh đi. Tôi cần thăm một người bạn ở đây. Cũng khá lâu rồi chúng tôi không gặp nhau.

– Có ở gần đây không? Tôi sẽ đưa chú tới đó.

– Thôi khỏi cần anh ạ. Địa chỉ của hắn cũng rắc rối lắm, tôi sẽ tự tìm lấy, như thế vui hơn.

Anh Hoán cười. Tôi uống những ngụm cà phê cuối. Tôi gọi Nữ vào, nói với anh Hoán:

– Lúc tôi xa anh, Nữ còn bé xíu. Bây giờ gặp lại, cô bé như thế đó. Lần này từ giã anh, chắc lần gặp tới anh chị đã có cháu bồng.

Nữ cười nhìn xuống đất. Anh Hoán nói:

– Đâu có được. Bây giờ thì tôi đâu có chịu để chú xa chúng tôi lâu đến thế. Chú chẳng đổi khác gì cả. Tôi vui nhận ra điều ấy. Tôi đứng dậy quàng tay qua vai Nữ, và bắt tay anh Hoán.

– Thôi anh cho tôi đi, tôi sẽ tới với anh như gió.

Anh Hoán đứng dậy, lấy áo mặc vào người, nói:

– Để tôi đưa chú đi một quãng. Tôi cũng phải tới tỉnh họp bây giờ đây.

Chúng tôi ra xe. Dưới bóng tối của những tàng cây, anh Hoán lái xe chậm rãi, anh nói với tôi:

– Không ai sống mà không ý thức về đời sống của mình cả chú ạ. Nhưng vẫn không thiếu những lý do để người ta cam chịu ngộ nhận.

Giọng anh Hoán buồn buồn. Tôi hiểu những điều anh muốn nói ra. Chúng tôi đang sống như những hình múa rối. Tiếng nói không vọng tới nổi người gần ta nhất. Nhiệt tình không ấm đủ để kéo lòng nhau lại.

Anh Hoán dừng xe lại ở một ngã tư. Tôi nhảy xuống, đi bọc sang cửa xe bên kia, bắt tay anh một lần chót. Anh nhìn tôi, không nói gì. Tôi nhận ra thêm một lần nữa anh đã già. Những ngày vui cũ không còn nữa ở anh. Dòng sông Bồ đã cạn, đã biến thành đồng hoang rồi không chừng.

Tôi ngậm ngùi nhớ đến bài thơ với hình ảnh vừa bắt gặp. Bài thơ vốn buồn, lúc này nghe chừng như buồn hơn. Tôi nhìn bóng xe anh Hoán mất hút phía tòa hành chánh, trong khi bước chân tôi lang thang tìm nhà Thung. Không biết Thung còn ở đó cho tôi gặp?

***

Anh Hoán, nhân vật trong truyện ngắn này, sau tháng 4/1975, may mắn vượt thoát ra khỏi miền Nam và chỉ vài năm sau gia đình anh định cư ở Mỹ. Trong sinh hoạt cộng đồng của người tị nạn, sau này mang nhiều màu sắc phức tạp, các chính trị gia, sĩ quan miền Nam viết hồi ký, đăng đàn diễn thuyết, xuất hiện trên báo chí mỗi ngày. Thì, anh Hoán đã sống lặng lẽ ở một thành phố nhỏ thuộc tiểu bang California.

Mỗi cuối tuần, anh lái xe đến ngôi chùa chỉ cách nhà sáu dặm, đàm đạo với vị sư trụ trì về Phật pháp. Thỉnh thoảng hai người cũng bàn qua thế sự, nhưng không nặng nề thế tục, mà nhẹ nhàng siêu thoát, bởi họ đều thấu lẽ vô thường. Ngày vợ anh, chị Hoán qua đời, anh buồn phiền tưởng không thể vượt qua nỗi đau, nhưng rồi lòng cũng nhẹ tênh như mây trắng. Nữ, con gái anh ngoài ba mươi đã hai lần lấy chồng đang ở một tiểu bang lạnh giá, mỗi năm về thăm cha một lần không quá vài ngày.

Tháng ngày trống trải, thế nào mà anh Hoán không nhớ lại thời gian còn chức quyền, thời mà cái guồng máy quyền lực đã buộc anh hành động ngược lại với trái tim anh; thế nào mà anh không nhớ dòng sông tuổi thơ của mình, dòng sông Bồ mùa nước cạn….

Nhưng cớ sao, giờ đây anh lại nói với vị sư già, một mai khi anh chết, xin hãy hỏa thiêu và rải tro anh xuống biển?

Comments are closed.