Chuyện đời tôi (kỳ 29)

Hồi ký của Nguyễn Minh Nhị

Và… Những việc phải làm liền

Nắm tình hình xong, tôi lên kế hoạch “Những việc phải làm liền”: Vấn đề gay gắt có khả năng bùng nổ bạo động là bà con dân tộc Khơ-me dùng dao rựa bao chiếm, đòi đất rừng trên núi và cả đất ruộng là ưu tiên số một; vấn đề còn thắt nút để khai thông sản xuất – kinh doanh – thu ngân sách, trong đó có xây dựng chợ và thị trấn Tịnh Biên đang tắc nghẽn; xây dựng cơ sở cho bước phát triển của nhiệm kỳ sau, nhất là giao thông, các khu vực cửa khẩu; xây dựng những công trình văn hóa: Nhà Bảo tàng, Thư viện và các tượng đài mà tôi từng ấp ủ, hay nói đúng hơn những dự định đã lâu nhưng vì không điều kiện nên còn nợ, nay còn vài năm nữa thì nghỉ rồi! v.v.

Đặc điểm người Khơ-me ở An Giang là Khơ-me cổ, bản địa, bảo tồn gần như nguyên gốc ngôn ngữ, tập quán… cổ hơn, nhưng còn quan hệ huyết thống với người Campuchia bên kia biên giới khá nhiều. So với các tỉnh như Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh… người Khơ-me ở các tỉnh ấy có sự giao hòa với người Việt, người Minh Hương hơn số ở An Giang. Bà con ở đây nói tiếng Khơ-me là chính, học phổ thông biết tiếng Việt nhưng vẫn ít dùng. Tôi đi họp với bà con thường phải qua phiên dịch mới truyền tải hết ý. Do đó tôi rất quan tâm vấn đề dân tộc vùng Bảy Núi.

Trước tình hình dân Khơ-me đòi đất quá hăng hái tôi nhớ những năm 1960, sau Đồng Khởi không lâu, bọn Sam Sary, nay con là Sam Rainsy ở Campuchia, bị Quốc vương Sihanouk truy nã, bí mật thâm nhập vào các phum – sóc ở Tri Tôn, Tịnh Biên mới giải phóng, tổ chức dân Khơ-me “Đồng Khởi ngược”, chiếm đất giành dân, gây cho ta nhiều khó khăn… mà tôi biết rõ nên rất thận trọng. Phải làm cho họ có đất chớ làm sao mà “chuyển dịch lao động, giải quyết việc làm được”?. Phải an dân ngay, không thì có xô xát, càng để lâu càng bị kích động thêm rối. Tôi bay ra Hà Nội, mang theo đề án “Cấp đất cho đồng bào dân tộc nghèo”, xin Thủ tướng 180 tỷ để giải quyết vấn đề đất đai và đời sống đồng bào Khơ-me, sau này, gọi tắt là “Chương trình Dân tộc”. Được Thủ tướng Phan Văn Khải duyệt 150 tỷ, tôi như mở cờ trong bụng. Đây là số tiền mà Thứ trưởng Kim Ngân đề xuất, không biết trước đó, được văn bản tôi, Bộ Tài chánh có hội ý gì với nhau không mà khi làm việc giữa Bộ Tài chánh với tôi Thứ trưởng Kim Ngân quyết rất nhanh. Để tiêu hóa hết số tiền, tôi trực tiếp chỉ đạo chương trình này: Cử một tổ chuyên viên theo dõi, nằm tại địa bàn giúp việc cho tôi. Đồng thời, với giải quyết vấn đề đất đai dân tộc, tôi chủ trì giải quyết các khiếu kiện có tính chất điểm nóng ở Long Xuyên, Châu Phú, Tịnh Biên. Cái cực nhất, phải tự đọc các hồ sơ trước khi nghe chuyên viên báo cáo để quyết. Rồi tổ chức tiếp dân, trực tiếp đối thoại. Các cán bộ Tiếp dân, Thanh tra, Địa chính, nhất là các đồng chí Bảy Tẳng, Ngô Tiến đã giúp tôi rất nhiều, nên cơn sốt hạ xuống trông thấy.

Từ xử lý tình huống dân Khơ-me “đòi đất”, tôi ra Chỉ thị khuyến khích và tổ chức cho cán bộ vùng dân tộc và ven biên giới học tiếng Khơ-me. Ai nói thông viết thạo tiếng Khơ-me được xem như đạt chuẩn bằng C tiếng Anh và được hưởng ưu đãi như có bằng C ngoại ngữ. Thấy được yêu cầu trí thức hóa nông dân và hội nhập quốc tế, tôi và giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Đại học An Giang, thống nhất “Xây dựng Thư viện điện tử Đại học An Giang” và tháng 4/2002 tôi phê duyệt “Đề án đưa tin học về nông thôn”, tài trợ cho Hội Nông dân xã thí điểm trang bị máy vi tính để nối mạng với Thư viện Đại học An Giang và hòa mạng thông tin nói chung. Riêng cán bộ thì tôi chủ trương khuyến khích học và sử dụng thành thạo vi tính để tiến tới Chánh quyền điện tử. Chỉ có ở Tịnh Biên hưởng ứng học tiếng Khơ- me và cán bộ chịu học tin học khá hơn nên xã Núi Voi được trang bị đồng bộ máy vi tính và thành lập “Câu lạc bộ Tin học Nông thôn” sớm nhất.

Có một việc trong giải quyết khiếu nại mà lần đầu tôi vấp phải khó khăn từ phía nội bộ lãnh đạo. Đó là việc Ngân hàng “kiện Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản (AGIFISH) giựt nợ của ngư dân để trừ nợ cho Hai Bưởi” – là chủ doanh nghiệp đầu mối vay vốn Công ty để cho ngư dân vay lại, nhưng bị phá sản. Tôi không hiểu lý do gì mà Chủ tịch tiền nhiệm chỉ đạo cho Sở Tài chính xuất ngay 4,5/9 tỷ để “giải quyết kịp thời cho dân yên”. Tôi thấy sai nguyên tắc, nên họp các ngành chức năng hỏi có đúng không. Các ngành nói sai. Tôi quyết định rút tiền về ngân sách. Biết các đồng chí không hài lòng, tôi mời họp lần hai và có mời Bí thư, Phó Bí thư trực nghe. Các đồng chí không có ý kiến gì và chủ trương của tôi được tiếp tục thi hành. Tôi không hài lòng từ lâu, có cái tệ, hễ có tranh chấp gì, cần cho êm thì lấy tiền ngân sách ra để xử, không ai mất gì cả, nhất là chức vụ, mà công quỹ (tiền thuế của dân) bị mất vì cá nhân, chạy vô túi cá nhân. Đó là bằng chứng về sự không yên ổn để làm việc, mà đó mới chỉ là mở đầu trong mấy ngày đầu tôi làm Chủ tịch. Nhưng tôi giữ phương châm là “êm để làm việc”, “kiếm tiền” cho dân chớ không “kiếm chuyện”, hạn chế bị làm khó.

Tiếp theo chuyện “trả nợ giùm Hai Bưởi” được ngăn chặn, vấn đề tranh chấp gây cản trở các công trình xây dựng có tầm cỡ như chợ Tịnh Biên bị dang dở phải bỏ hoang mấy năm, bị phóng uế, tôi trực tiếp xuống hiện trường giải quyết, nhưng chỉ vì là dân thường nên giải quyết khá nhanh. Khu hành chính, cũng tương tự như chợ Tịnh Biên, vì còn nhà của Bác sĩ P. Tôi xem kỹ tờ cam kết tự xây và tự phá khi Nhà nước có yêu cầu (cam kết hai lần) vậy mà đòi bồi thường, đòi đổi nhà. Trong lãnh đạo lúc đó cũng xiêu lòng, nhưng họ được đằng chân lân đằng đầu. Tôi về, kịp ra lệnh ngưng lại hết, không đổi nhà gì cả. Trong một cuộc họp, không giữ được bình tĩnh, tôi tuyên bố: “Không đập được nhà… tôi không làm Chủ tịch. Còn nếu muốn để, tổ chức trưng cầu ý dân Mỹ Bình!”. Vợ tôi nghe được, tái cả mặt, vì biết rằng mối quan hệ gốc rễ của gia đình này với ai. Tôi an ủi vợ: “Làm không được nhục lắm. Thà nghỉ”. Nhờ dân và các ngành ủng hộ, tôi làm được và công trình tiếp tục thi công. Tất nhiên là chuốc thêm tai vạ cho mình, và họ tung tin nói xấu tôi có đất ở đây và nhiều nơi nữa; nói xấu cho đến tôi về hưu cả chục năm mà chưa tha!

Việc làm cầu Trà Ôn trên Quốc lộ 91, mắc cây xăng gần đầu cầu không giải tỏa được, đành nằm ì mấy năm. Tôi cho đem hồ sơ cấp phép xây dựng và kinh doanh, thấy vi phạm các qui định về khoảng cách đầu cầu, về phòng cháy chữa cháy, do nằm giữa khu dân cư. Tôi hỏi: Hai điểm này có phải là lỗi hay không? Tại sao cấp phép? Không ai trả lời được. Tôi nói: “Vậy ai cấp sai thì thu hồi giấy phép lại”. Đơn giản vậy thôi, tuy mích lòng nhưng công trình được tiếp tục. Cần nói thêm việc duyệt hồ sơ hay cấp phép sai qui định là do có người “chơi xấu”, biết Thường trực Ủy Ban ai không chịu việc đó thì chờ có dịp đưa cho Phó Chủ tịch không biết việc đó và thuyết minh thế nào để được ký ngoài ra còn lý do tế nhị khác. Tôi là cấp Phó không sửa được, chớ như khi làm Giám đốc Sở Nông nghiệp trước đó tôi sửa rất nhẹ nhàng: Tất cả phải qua tôi, trừ khi Phó được tôi ủy quyền, tôi chịu trách nhiệm hết! Vậy mà đến khi tôi làm Chủ tịch, sau sự kiện đó vẫn có chuyện lấn cấn tiếp, tôi phải nói rõ là phải chấm dứt.

Ngân sách đang thiếu hụt trầm trọng, tôi thân hành đến Công ty Xổ số Kiến thiết tỉnh và Cục Thuế tỉnh để “năn nỉ” anh em. Tôi nói chân thành, chớ không làm ra vẻ lãnh đạo: “Đời tôi chưa biết năn nỉ ai. Nay làm Chủ tịch mà ngân sách trống không, làm sao được. Trước mắt, chỉ có nhờ cậy các đồng chí. Không như sản xuất kinh doanh phải có thời gian, có chu kỳ, v.v. Các đồng chí cố gắng, ngày mai thu ngân sách sẽ tăng lên liền”. Anh em bất ngờ và xem chừng cảm động lắm. Từ đó, anh em tận tình làm ra tiền nhanh và tham mưu đề xuất cho tôi chủ trương, tạo nguồn thu ngân sách trước mắt cũng như lâu dài. Tôi giành quyền quyết chi tiền ngân sách (trong ngoài) kế hoạch và cán bộ đi nước ngoài.

Vốn xây dựng cơ bản An Giang đã vay qua các năm: 1998 nợ 40 tỷ, 1999 nợ 85 tỷ,… đến 2001 nợ lũy kế lên đến 544 tỷ. Tại kỳ họp Tỉnh ủy và ra Hội đồng Nhân dân tỉnh cuối năm 2001, tôi xin tăng nợ lên 58 tỷ nữa (cá nhân tôi chịu trách nhiệm 58 tỷ này) cho tròn 600 tỷ, mà cơ sở trả nợ là từ nguồn Xây dựng cơ bản hàng năm được Chánh phủ cho phép từ ngân sách tỉnh là 350 tỷ. Trong số nợ vay, anh Nguyễn Sinh Hùng (Bộ trưởng Tài chánh) ký cho tôi vay 200 tỷ không lãi để trả trước các nguồn vay có lãi ngân hàng và tiếp tục giải ngân các công trình mới. Từ nguồn vốn này, chi làm tỉnh lộ đi Tri Tôn, tài trợ lãi vay hộ Bộ Giao thông làm Quốc lộ 91, xây Đại học An Giang từ cơ sở Cao đẳng Sư phạm cũ, lành mạnh hóa tài chánh các doanh nghiệp Nhà nước; mua đất xây dựng hai khu công nghiệp tỉnh, chuẩn bị mặt bằng xây mới Bệnh viện Đa khoa, xây mới Trường Đại học, v.v. Nghĩa là, tạo tiền đề để phát triển nhanh. Khi tôi nghỉ rồi, có dư luận tôi gây nợ, hết vốn, nên anh em sau này không tiền. Điều đó hoàn toàn sai. Tôi chỉ làm thêm nợ năm 2002 là 38 tỷ, năm 2003 là 30 tỷ. Riêng quí I năm 2004 không gây thêm nợ vì chuẩn bị bầu Hội đồng Nhân dân khóa mới. Đặc biệt, năm 2001, giải ngân tổng cộng 273 tỷ đồng là vì năm bản lề, tôi về Ủy ban tháng 5, tiếp tục thực hiện đầu tư dang dở và những tồn đọng quyết toán các năm trước. Kể “huỵch tẹt” ra hơi kỳ, nhưng dư luận rất độc ác, nên tôi phải nhắc, văn bản báo cáo trước Hội đồng Nhân dân và báo cáo gởi Tỉnh ủy tôi vẫn còn giữ. Năm 2000, thu ngân sách 787 tỷ, năm 2003 thu 1.080 tỷ (mỗi năm tăng 100 tỷ) là nguồn trả trong 5 năm mà không cắt từ nguồn 350 tỷ hàng năm được Chánh phủ cho phép và lộ trình tăng thu ngân sách do tôi đề ra để trả nợ là hoàn toàn khớp nhau… Nhờ đầu tư, kinh tế phát triển mà ngân sách các năm tài khóa kế tiếp tăng lên con số hàng ngàn tỷ mà sao không vốn xây dựng?

Về khiếu nại tố cáo, có hai vụ việc nổi cộm khá nghiêm trọng: Vụ nhà Bác sĩ Ngãi xây sửa làm nứt tường và xảy ra tranh chấp bồi thường với bà Muối liền vách. Vụ việc kéo dài nhiều năm, đến tôi, tôi phải trực tiếp xem hồ sơ, cho xác minh và ra quyết định hủy quyết định do Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Hoàng Việt ký, vì ông Ngãi xin phép xây nhà mới rộng 3,9 mét, nhưng nửa chừng không xây mà sửa, và nâng cấp nhà cũ có chiều ngang 4,0 và 4,1 mét. Tham mưu chơi cắc cớ, ra quyết định buộc ông Ngãi xây đúng phép (!?), có nghĩa là phải đập bỏ cái vách nhà cũ. Việc lằng nhằng này nó có dây mơ rễ má với nhau, trên – dưới. Tôi nhân danh Chủ tịch ra quyết định thu hồi quyết định cũ của Phó Chủ tịch Việt vì ông Ngãi chỉ có sửa và nâng cấp chớ không có xây nhà theo đơn xin! Thế là, họ tức tối chửi tôi “vi phạm nguyên tắc, không xin phép Thủ tướng”! Mặc kệ!

Khiếu kiện thứ hai: Dân tranh chấp, không cho số người mua nền ở trước Trung tâm Y tế Long Xuyên xây nhà. Kế đến, báo Thanh Niên có bài và đăng ảnh rất rõ Trung tâm Y tế xây không đạt chất lượng, gây lún sụt và xé tường, nứt đà. Tôi đích thân đến nơi, mới vỡ lẽ ra là xây sai vị trí thiết kế, dịch xuống con rạch cũ, vết xé căn nhà làm hai là ở vị trí con rạch cũ, nền yếu. Tôi hỏi: Vậy chớ dịch chuyển nhà chính xuống bùn còn hơn 10 cái nền trước mặt để làm gì? Anh em nói bán cho cán bộ! Tôi hỏi qua, biết là cán bộ nào rồi. Tôi về, ra văn bản yêu cầu Chủ tịch thị xã Long Xuyên Nguyễn Thanh Bình báo cáo danh sách ấy, nhưng cho tới tôi nghỉ làm Chủ tịch, tức hơn hai năm sau, không ai “dám” báo cáo. Đó chính là cái tôi rất hận, vì đầu tư xây dựng ở đâu mà nếu có thu hồi đất là đều gặp cán bộ; họ biết trước, lén lút mua đón đầu rồi âm thầm gây cản trở đòi lên giá đất, ở Long Xuyên bị, ở trên núi cũng bị, vào Đồng Tràm khai hoang làm nông trường khoai mì cũng bị! Thậm chí, khi thu hồi đất làm công trình như Trung tâm Y tế vừa nói, bao giờ cũng có kẻ âm thầm chen vào “chia chát” đất nền để kiếm chênh lệch khủng, dân biết nên mới phát sinh gay gắt như ta thấy; chớ thời cán bộ trong sáng, Nhà nước nói gì dân nghe nấy, thậm chí làm theo như cải tạo nông nghiệp để đói mà vẫn “làm theo”. Khi làm qui hoạch đường tránh Long Xuyên, tôi mới nói cái hướng, họ đã mua hết đất đón đầu. Tôi chỉ đạo cho Hoàng Việt dời tuyến sâu vô 1 km; họ té ngửa; còn các cụ về hưu thì hoan hô tôi quá tay. Có lần, một tay Giám đốc Sở bố trí cho một công ty thầu hết các công trình nạo vét kinh sau lũ của cả tỉnh nhưng lại dồn về cho một huyện, tôi ức quá mà không biết làm sao, tôi kéo dài 2 năm mới cho quyết toán, để cho họ chịu lãi thâm vốn biết thân. Bản tính tôi chỉ sợ người hiền, người mánh mung tôi không sợ thua họ đâu! Có lúc, chán quá, tôi nói cái tỉnh Đồng Tháp xây dựng quá ngon, vì họ có mấy đợt lãnh đạo cấp cao nhất của họ bị kỷ luật tả tơi vì đất nên đàn em hậu bị cũng ê răng, còn An Giang chưa bị nên chưa ngán. Mười năm sau, An Giang còn sa sút hơn Đồng Tháp, mới càng đau. Câu “thương cho roi cho vọt” là đây!

Nhân giải quyết khó khăn trong thu hồi đất, thúc đẩy các công trình Nhà Bảo tàng, Thư viện, Khu Hành chánh tỉnh, v.v. đang bị nằm ì, tôi hỏi anh em Văn phòng Dự án Xây dựng Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang, Châu Đốc và Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh thông qua thiết kế chưa. Anh em báo rồi. Tôi kêu đem tôi “thông lại” trước khi thi công. Tôi chỉ đồng ý triển khai thi công Bệnh viện Châu Đốc. Còn Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang (ở Long Xuyên) tôi yêu cầu chọn thầu thiết kế khác và lên xem Bệnh viện Chợ Rẫy tham khảo cách sử dụng gió, ánh sáng tự nhiên và không được cho nhà vệ sinh nằm ngoài bìa hứng nắng gió như ở một số nơi khác. Nên nhớ ta xây chỗ mới đất rộng, hạn chế chiều cao, hạn chế thang máy, tiết kiệm điện. Ông Kỹ sư Mười, nghe nói là người thiết kế Bệnh viện Vì Dân – nay là Thống Nhất – nói: “Đã thông qua rồi sao lại sửa?”. Tôi nói yêu cầu thay thiết kế là của chủ đầu tư, còn tiền thiết kế trong hợp đồng tôi sẽ trả đủ. Trong công thư ngày 19/9/2002 gởi Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện và Ban Quản lý dự án tôi nhắc lại:

“Qua một buổi làm việc ngày 18/9/2002, tôi có mấy vấn đề xin trao đổi với các đồng chí:

1- Công trình BVĐKTTAG tuy thủ tục pháp lý đã xong, nhưng để lâu quá rồi, nay khởi động phải xem lại là tất nhiên. Vả lại có nhiều ý kiến từ phía người quản lý và sử dụng BV nên ta phải chịu cực xem lại là không sai gì cả, kể cả phải sửa hết. Cách đây 20 năm, khi tôi xây ngôi nhà gỗ (hiện ở), ông thợ mộc nói: “Chỗ nào thấy không được cháu nói chú sửa, chú mất công thì ít, còn nếu sợ mất công để cháu suốt đời ở ngôi nhà mà mình không vừa ý thì không được”. Ý tôi là vậy. Các đồng chí thông cảm cho.

2- Ban giám đốc bệnh viện và giám đốc Sở phải cân nhắc: Đây là BV công, lo cho dân, nhưng phương châm xã hội hóa vận dụng ở đây thế nào để bố trí giường bệnh các khoa hợp lý. Chủ yếu là khoa Nội và Ngoại. Vì BV trung tâm, tất nhiên là bác sĩ và kỹ thuật là cao nhất tỉnh, do đó có người giàu hoặc có tiền mà yêu cầu điều trị cao vẫn phải vào đây.

Ngoài ra, các khoa còn giữ lại 1 bộ phận như Sản-Nhi-Răng-Hàm-Mặt… tuy đã có tách ra, nhưng bộ phận còn lại cũng cần có 1 tỷ lệ xã hội hóa thích hợp, tất nhiên là tỷ lệ rất nhỏ so với khoa Nội và Ngoại. Các Trung tâm chuyên khoa (hạch toán kinh tế) xây dựng riêng sau này cũng có tỷ lệ phòng cho các đối tượng nghèo, tất nhiên là rất ít (ở đâu cũng có 3 lớp người có thu nhập khác).

Xác định tỷ lệ XH hóa là rất quan trọng, để có tính toán phòng ốc cho phù hợp. Các khoa cũng không nên tranh có nhiều phòng XH hóa, vì quyền lợi các khoa sau này đều được trang trải bình đẳng cho cả bệnh viện chứ không phải khoa nào có mới được hưởng.

3- Cần khẳng định xây dựng BV cho dân, bác sĩ quản lý sử dụng (chủ nhà), cho nên phía Nhà nước, nhà tư vấn phải thông cảm cho anh em (ở suốt đời). Nhưng anh em cũng không được đòi hỏi quá đáng hoặc phi lý.

4- UB và các đ/c, chúng ta đặt lợi ích dân lên trên đoàn kết, hợp tác và chịu cực, thậm chí chịu tốn kém để dân yên là tốt.

Những điều trăn trở của tôi mong được các đ/c quan tâm chia xẻ trong quá trình thảo luận, trao đổi, hợp tác với nhau. Đ/c Sách và đ/c Phượng là người chịu trách nhiệm cuối cùng cho công trình này./.

Thân ái,

Riêng mô hình Đài Truyền hình, tôi yêu cầu giám đốc Đài là anh Ba Tập cùng Ban quản lý các Dự án Văn hóa tỉnh lên Tây Nguyên xem các Đài trên đó họ đã xây, rút kinh nghiệm chọn mô hình sao nhìn vào là biết VTV, không lẫn với ai, như Đắc Lắc là mô hình cái tivi chẳng hạn.

Khi làm qui hoạch Trường Đại học An Giang tôi hỏi anh Võ Tòng Xuân cần bao nhiêu héc-ta đất để sau này nâng cấp tương đương với qui mô Đại học Cần Thơ? Anh nói cần 25 ha, tôi nói cho anh 40 ha, nhưng thêm 15 ha này là để làm vườn trường cho nghiên cứu nông nghiệp, ứng dụng nuôi trồng, vì Đại học An Giang là đại học của tỉnh điển hình nông nghiệp vùng châu thổ mà. Từ chọn chỗ cho Đại học An Giang, tôi qui hoạch cho Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh, Trường trung cấp Y Dược, Bệnh viện Lao, Tâm thần, v.v. và cả Trường Chánh trị dọc theo Đại lộ Ung Văn Khiêm mới mở ra. Anh em hỏi tại sao vậy? Tôi nói ở đây rồi sẽ là trung tâm thành phố tương lai. Các cơ sở này liền kề sẽ hỗ tương hoạt động của các thầy thuốc, thầy giáo và nhu cầu của các sinh viên học tập, thực tập và cả bệnh nhân điều trị có quan hệ với các chuyên khoa các bệnh viện được gần và tiện lợi. Việc thực hiện sau này thấy cũng theo hướng ấy, chỉ trừ có Trường Chánh trị. Trường Trung học Thoại Ngọc Hầu (Long Xuyên), Trung học Nguyễn Hữu Cảnh (Châu Đốc) và Mẫu giáo Hướng Dương (Long Xuyên)… cũng được xây dựng gấp rút trong thời điểm này chủ yếu từ nguồn Xổ số Kiến thiết An Giang, mà hình như chỉ có Trường Thoại Ngọc Hầu có gắn biển ghi công nguồn kinh phí xây dựng, mặc dù tôi hay nhắc nhở chung là phải làm!

“Liên kết bốn nhà”

Sau hai tháng giải quyết “Những việc phải làm ngay” (điểm nóng): đất sản xuất cho đồng bào dân tộc Khơ-me; khiếu kiện tranh chấp đất đai; thúc đẩy tiến độ các công trình trọng điểm của tỉnh tiếp tục trở lại như vừa nói; khiếu kiện nợ nần trong dân với nhau và giữa dân với Nhà nước; tình hình đời sống xã hội và công tác tương đối trở lại bình thường, tháng 8.2001, tôi bắt tay xây dựng “Đề án tổ chức lại sản xuất”, xây dựng các hình thức hợp tác kiểu mới trong nông nghiệp, dưới hình thức phổ biến là “Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp”, “Công ty cổ phần Dịch vụ Nông nghiệp – Nông thôn” và trang trại nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững trong nông nghiệp và chuẩn bị tiền đề cho nông dân ta hội nhập và cạnh tranh quốc tế, vì thời kỳ phát triển số lượng, làm để có ăn hoặc làm có gì bán nấy đã qua.

clip_image002

“Đề án Tổ chức lại sản xuất” mà nội dung là liên kết giữa Nhà nông, Nhà doanh nghiệp và Nhà nước. Đề án do Phó Chủ tịch Phạm Kim Yên ký, tôi trực tiếp chủ trì tổ chức hội nghị triển khai. Hôm vào làm việc với Đại học An Giang, Lê Minh Tùng phát biểu với tôi rằng “Đề án rất hay, nhất là nội dung và thành phần liên kết, nhưng cần bổ sung thêm Nhà khoa học”. Tôi thấy đúng và có bổ sung bằng văn bản: Hợp tác xã muốn thành công phải có sự “Liên kết bốn nhà”, trong đó: Nhà nước là trách nhiệm, là luật pháp, kỷ cương – Nhà khoa học bảo đảm sản xuất tiến bộ – Đặc biệt quan trọng, có vai trò quyết định thành bại là Nhà buôn (doanh nghiệp) – Hợp tác với Nhà nông, bảo đảm đầu vào cho sản xuất và đầu ra cho sản phẩm để cùng có lợi. Sự hợp tác được thể hiện bằng hợp đồng kinh tế. Anh Lê Huy Ngọ, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến làm việc với tôi, tìm hiểu kỷ nội dung “Bốn nhà” và sau đó, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định số 80 yêu cầu các doanh nghiệp phải ký hợp đồng với nông dân tiêu thụ sản phẩm. Qua báo đài, “Liên kết Bốn nhà” trở thành thời sự mà nhiều cơ quan hay đề cập. Thậm chí có cơ quan cho rằng họ là tác giả của Đề án nhưng Thủ tướng Phan Văn Khải xác nhận: “Ở An Giang, người ta làm chuyện này; muốn biết, xuống đó xem, cãi nhau của ai làm gì?”. Đồng chí Ba Tập, Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình An Giang, đồng chí Thòn Giám đốc Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang có sáng kiến đề xuất với tôi tổ chức “Diễn đàn gặp gỡ Bốn nhà” định kỳ hai tuần một buổi tối Chủ nhật – truyền hình đối thoại trực tuyến với nông dân. Trước đó không lâu, chương trình “Nhịp cầu nhà nông” do Đài Truyền hình khu vực (VTV Cần Thơ) phối hợp với Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang tổ chức cũng hai tuần một buổi tối Chủ nhật – xen kẽ với An Giang, nội dung cũng giống như diễn đàn “Gặp gỡ Bốn nhà”. Tôi, thỉnh thoảng, được mời làm diễn giả chính cho hai chương trình, thật lý thú. Đài tổ chức lấy ý kiến khán giả, được nông dân ủng hộ và mến mộ, tôi càng cố gắng hơn để cho sự liên kết được bền chặt, trên cơ sở sự chuyển động về nhận thức, về cung cách làm ăn và đặc biệt là cuộc sống được cải thiện mà nội dung đề án, nội dung chương trình của diễn đàn truyền thụ được cho họ.

Tôi có trực tiếp báo cáo với anh Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: “Hợp tác xã kiểu mới là Hợp tác xã dịch vụ – thương mại”, hay “Công ty cổ phần Dịch vụ Nông nghiệp – Nông thôn” hoặc “Trang trại lớn”… Do đó, phải có người giỏi quản lý, quản lý chuyên nghiệp mà chủ nhiệm là người có uy tín, dân bầu, nhiều ông không thể điều hành được mà chỉ làm như Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần mà thôi, còn giám đốc mới là người điều hành, nên có chế độ thuê giám đốc. Cách này như Thái lan, Malaysia đã làm. Và để xóa nghèo căn bản, người nghèo vào hợp tác xã được vay vốn không lãi hoặc lãi suất ưu đãi của Nhà nước mua cổ phần với giá từ hai triệu trở lên, để họ vừa tham gia với tư cách xã viên là có vốn (cổ phần) và có lao động được tổ chức thành các đội chuyên phục vụ cho sản xuất như làm đất, tưới tiêu, bảo vệ thực vật, chăm sóc cây trồng vật nuôi, v.v. Hôm đi kiểm tra, thấy Hợp tác xã xã Tân Thạnh huyện Tân Châu là điển hình làm tốt việc này, tôi rất mừng. Tiếc rằng, anh Tư Sang nhất trí và còn tỏ ra xăng xái ủng hộ, nhưng khi Trung ương cho chủ trương và ban hành Điều lệ Hợp tác xã không có chức danh giám đốc, nên hợp tác xã vẫn được coi là kinh tế tập thể như cũ và ngân sách trung ương cũng không tăng vốn cho Ngân hàng chính sách để đáp ứng yêu cầu giúp vốn cho người nghèo mua cổ phần. Trong khi đó, tôi đã quyết định trích tạm ứng từ ngân sách cho Ngân hàng chính sách 4 tỷ để đáp ứng yêu cầu ấy! Tôi thật sự thất vọng. Hôm gặp lại anh Tư Sang tại Văn phòng Trung ương nhân chuyến tôi và các đồng chí đi thông qua văn kiện Đại hội 8 của tỉnh, tôi nói: “Làm như Trung ương là không phù hợp, nếu thành công tôi sẽ cúi cho anh đánh!”.

“Cải tiến” Thi đua

Công tác Thi đua trong thời Kháng chiến là hay, nhưng sau này giữ y cách làm là không còn phù hợp. Tôi thấy nhược điểm của công tác Thi đua trong thời kỳ đang làm đã trở thành hình thức và thiếu tính “thi đua” từ lâu rồi, nhưng không biết phải làm sao. Nay có điều kiện, tự tay tôi viết Chỉ thị: Các cán bộ có chức danh chủ tịch huyện, thị, thành, giám đốc các sở – ngành – công ty – đơn vị trực thuộc tỉnh không dự để được bình chọn và đề nghị khen thưởng cùng với cán bộ nhân viên cơ quan, đơn vị mình… hàng năm. Việc đó do Chủ tịch tỉnh theo dõi công tác hàng ngày phát hiện và đề nghị, sau đó có cán bộ Thi đua tỉnh thẩm tra lập hồ sơ, thủ tục khen thưởng. Còn các Bí thư Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy do Thường trực Tỉnh ủy có danh sách khen ai, Chủ tịch Ủy ban tỉnh thực hiện. Không mất thời gian, không gây khó xử cho cán bộ mỗi lần bình chọn, “không lẽ không bầu thủ trưởng?”, nên thủ trưởng nào chịu khen thường là đứng đầu danh sách đề nghị. Tôi quá biết việc này, thậm chí ai “siêng” viết thành tích gần như mỗi năm mỗi có Bằng khen của tỉnh như một tay thư ký Ủy ban xã TH ở huyện PT mà tôi phát hiện. Rồi qui định phải qua mấy lần khen, cấp nào khen, loại hình khen, mới nâng cấp khen lên thế nào… toàn là hình thức và tốn tiền nuôi bộ máy làm việc vô nghĩa này! Cá nhân tôi từ trong kháng chiến, được rất nhiều chứng nhận khen thưởng các loại, kể cả bậc cao, lúc đầu thấy có ý nghĩa nên cũng “tự hào”, dần rồi tự thấy mình lố bịch nên cất hết vào tủ! Tôi thuyết phục cán bộ rằng: “Làm Chủ tịch tỉnh, quản lý có mấy chục chức danh này mà không biết ai thế nào, phải chờ có đề nghị mới khen thì là Chủ tịch quan liêu. Mà ai đề nghị mới khen thì… dễ không chính xác, dần rồi thi đua bị nguội lạnh”.

Cách khen thưởng kịp thời và cụ thể của tôi: Thành tích có gì nói nấy, không ghi chung chung “góp phần xây dựng Chủ nghĩa Xã hội” nên được hưởng ứng rất rõ, nhất là “khen nóng”, khen người làm, khen dân, khen doanh nghiệp, khen việc thiện… mà chưa thấy có phản ứng tiêu cực nào. Được báo, đài ủng hộ và khuếch tán rộng thêm nên cũng khí thế lắm. Điển hình, khi đọc báo thấy nói anh Lê Minh Hồng ở Thoại Sơn mù mà làm đội trưởng lặn lấy đất mướn, tôi cử cán bộ thi đua đến trước xác minh, cấp khen thưởng rồi tôi đến sau thẩm tra thấy đúng như vậy và rất có tác dụng, nên tôi rất yên tâm cho việc mình chủ trương hy hữu này là được lòng người.

“Dịch bệnh” liên tiếp

Tôi đang tả xông hữu đột thì giữa tháng 11/2002 có chỉ đạo từ Trung ương về công tác khẩn cấp: “Chống dịch SARS” – “Hội chứng hô hấp cấp tính” ở người rất độc hại, phát nguồn từ Hongkong – Trung Quốc. Ngân sách đang khó khăn mà phải chi hàng tỷ mua sắm thiết bị dò thân nhiệt phát hiện bệnh từ các cửa khẩu quốc tế, trang bị xe chuyên dụng và phòng cách ly tại bệnh viện tỉnh, v.v. Nhưng chỉ 5, 6 tháng rồi cũng qua, chưa kịp mừng thì liền theo đó là dịch cúm gà H5N1 cũng từ Hongkong. Dịch bắt đầu xuất hiện năm 2003, bùng nổ năm 2004 và 2005 rồi hạ dần đến mức thỉnh thoảng mới có. Nhờ có chuẩn bị chống dịch SARS nên khi có cúm gà cũng không tốn thêm trang bị bao nhiêu. Nhưng vấn đề là thiệt hại về tài sản của dân, con giống và nếu thành đại dịch thì vấn đề sức khỏe và an toàn tính mạng dân làm sao đây? Nhắc lại chuyện này mục đích là kinh nghiệm cho xử lý tình huống mà tương lai có thể lặp lại với cấp độ cao hơn.

Tình huống này chưa từng biết, cho nên được chỉ đạo từ trên, nghe đài, đọc báo rồi hình dung ra… ai mà không sợ? Nhà tôi đang có chuồng nuôi bồ câu thả bay tự do có gần trăm con, do quá sợ trách nhiệm nên tôi phải gương mẫu, dặn các cháu trong xóm: tôi đi làm việc ở nhà dụ nó bắt chia nhau thịt hết đừng cho tôi thấy. Báo đài biết tin loan truyền làm tôi thêm ngẩn ngơ!

Đang lúc bê bối, Thường trực Tỉnh ủy triệu tập họp bất thường để bàn việc gì đó tôi quên rồi, nhưng nhớ chừng là không quan trọng, trong khi tôi đã mời Đài Truyền hình An Giang đến thu phát biểu của tôi chỉ đạo trực tiếp qua ATV để trấn an dư luận và hướng dẫn biện pháp đối phó trước mắt nên tôi cử Hoàng Việt Phó Chủ tịch trực đi dự. Hoàng Việt đi chưa lâu và anh em Truyền hình vừa đến đang loay hoay chuẩn bị thu hình thì Hoàng Việt trở về nói có vẻ ỉu xìu: “Tỉnh ủy chủ trương diệt hết gà vịt!”. Tôi lật đật gọi điện cho Bí thư nói: “Tình hình còn kiểm soát được sao lại chủ trương vậy? Thiệt hại cho dân lớn lắm và nếu diệt hết thì đâu còn giống mà gầy lại bầy đàn?”. Bí thư hỏi lại: “Vậy anh tính sao?”. Tôi nói chỉ cách ly nơi có dịch từ 300 đến 500 mét thôi. Bí thư nói tùy anh. Kế đến đồng chí Đỗ Thị Giàu, Bí thư và đồng chí Đoàn Hữu Lực, Chủ tịch Châu Thành gặp tôi xin ý kiến. Tôi nói vắn tắt và yêu cầu đồng chí thu hồi lịnh của huyện vừa mới chủ trương theo ý Bí thư Tỉnh ủy, còn đối phó cách nào thì tối nay xem Đài Truyền hình An Giang biết cụ thể hơn. Một chủ trương lớn của Tỉnh ủy, động đến đời sống của hàng triệu con người mà Chủ tịch tỉnh không được trao đổi trước? Chỗ này là Đảng thiếu tôn trọng Chánh quyền và dân. Thật hết biết!

Có thể xem kinh nghiệm giải quyết tranh chấp đất tại Vĩnh Khánh những năm 1990, xử lý vấn đề “Dân tộc đòi đất” năm 2001, kinh nghiệm đối phó dịch SARS và dịch cúm gia cầm… đối với tôi là kinh nhiệm xử lý tình huống – khủng hoảng, mà trong quản lý Hành chánh – Nhà nước cần quan tâm. Nhưng tình huống nào thì dân cũng là trọng tâm, không được đẩy thiệt hại về phía dân hoặc đẩy dân về phía đối kháng – kẻ thù.

N.M.N.

Comments are closed.